(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Guadalcanal

    
rạm thống khổ đầu tiên
Vào mùa hè năm 1942, khi các đài phát thanh trên toàn thế giới bắt đầu nói đến Guadalcanal, thì địa danh bí mật này đã làm mọi người vểnh tai nghe. Guadalcanal? Nó là cái gì nhỉ? Một “con kênh” nối liền hai nội hải chắc... Phải, nhưng là nội hải nào kia chứ? Đâu đó tại phía nam Thái Bình Dương chăng?... Phải vận dụng đến cuốn Grand Atlas mới khám phá thấy, mà khong phải là ít ngạc nhiên đâu, trong thực tế đó chỉ là một hòn đảo (gia dĩ lại được viết đúng theo chính tả là Guadalcanar) và hòn đảo này thuộc quần đảo Salomon, nằm giữa một số đảo khác mang những tên Tây Ban Nha cùng một âm điệu buồn buồn: Santa Cruz, San Cristobal, Malaita, Santa Isabel, những địa danh tương phản một cách buồn rầu với một loạt địa danh tươi vui của quần đảo Mariannes và Carolines từng làm cho địa đồ khu vực trung ương Thái Bình Dương thêm vui vẻ.
Một khi đã vứt bỏ được sự mơ hồ về địa lý này, thì vẫn còn có một điểm mơ hồ khác cũng gây bối rối: Trời đất quỷ thần tại sao người ta lại sắp đánh nhau tại một nơi như thế?
Câu giải thích chính thức, mãi lâu về sau mới được đưa ra, đã không làm mọi người thỏa mãn lắm: Guadalcanal là một trong các đảo nằm xa nhất về phương bắc của quần đảo Salomon, dường như là có thể tạo thành một căn cứ xuất phát cho một mũi tấn công sắp đến của Nhật nhắm vào Tân Hébrides, nơi quân đội Mỹ vừa đưa quân đến đồn trú. Thoạt nhìn sự chọn lựa này có vẻ bất kỳ đến nỗi, quần chúng vốn khao khát cái gì hợp lý, nên mau lẹ chấm dứt sự chú ý đến góc trời cô liêu ấy.
Trong thực tế, công chúng lầm to bởi vì trong chiến tranh, sự tình cờ thường đóng một vai trò lớn hơn là sự hợp lý.
Viên tướng Nhật chiếm hữu quần đảo nhỏ Tulagi đối diện với, Guadalcanal, thấy quần đảo này hoàn toàn không thích đáng cho việc xây cất một phi trường, do đó theo sáng kiến riêng, ông đã phái các toán tuần thám lên các đảo kế cận để tìm kiếm một thế đất trống và dễ dọn dẹp hơn.
Chính các cha sứ công giáo làng Visale bản xứ, nằm tận cùng phía Tây bắc Guadalcanal gần mũi Espérance, đã thấy một trong các toán tuần thám ấy xuất hiện tại một khúc quanh con đường đất, chiều ngày 3 tháng 7 năm 1942. Một sĩ quan và chín binh sĩ đi theo đến gõ cửa nhà thờ. Được Cha bề trên tiếp đón rất lạnh nhạt, viên sĩ quan đòi gặp Đức cha Aubin, giám mục địa phận Salomon, mà ông ta biết là có mặt tại Visale.
Vị giáo chủ, một người Pháp chừng 60 tuổi, từng sống tại quần đảo 37 năm, đã lịch sự phản đối sự xâm nhập của các quân nhân vào các trụ sở của giáo hội. Viên sĩ quan Nhật thông báo cho đức giám mục là y sẽ đưa Cha bề trên đến trại binh để giải quyết vấn đề liên quan đến một sự hợp tác tương lai và sẽ mang trả lại sau ba ngày. Rõ ràng là y cần nhân công bản xứ và sở cậy các nhà truyền giáo để tuyển người. Y đã giữ lời, nhưng trong chuyến viếng thăm thứ nhì, y lấy mất chiếc tàu của phái bộ truyền giáo, máy thu thanh, rương hòm của những người Âu châu và người Trung Hoa tỵ nạn, các tủ lạnh, nông cụ và cả các ống dòm...
May cho các nhà truyền giáo, làng Visale, cũng như các làng khác trên bờ biển phía bắc đảo Guadalcanal kế cận mũi Espérance, nằm dựa lưng vào các mỏm núi đá hiểm trở trên các sườn núi thật dốc đứng. Chỉ cách đó chừng 30 cây số về phía Đông nam bờ biển mới trở thành bằng phẳng và ngay hàng thẳng lối. Mặc dầu rất tiếc vì không đặt phi trường được gần các làng đông dân cư nhất, quân Nhật quyết định chọn cửa sông Lunga và chỉ để tại Visale một văn phòng tuyển mộ. Do đó Đức cha Aubin có thể tiếp tục quản giáo khu của mình và giúp đỡ các con chiên bổn đạo trong các cuộc thử thách đang dồn dập đổ đến.
Guadalcanal có hình dáng như một con sâu dài 150 cây số mà chiếc lưng có ngấn là do hàng chục con sông đổ ra cửa biển. Nếu đảo Tulagi và các đảo kế cận có vẻ quyến rũ và đẹp như tiên cảnh bao nhiêu thì Guadalcanal lại ủ dột và khắc khổ bấy nhiêu. Một dãy trường sơn cao ngất chạy từ đầu đến cuối đảo. Trong đoạn chính giữa của dãy núi này nhiều ngọn đã vượt cao lên đến 2.500 thước. Nhìn từ ngoài khơi, hòn đảo xuất hiện như một khối màu lục và xanh biếc, phủ đầy các đám mây tích tụ nhiệt đới trắng nõn bám thường trực các chỏm núi. Viền quanh bờ biển là những dãy bọt trắng của những lượn sóng dài vỡ tan khi xô vào đỉnh các bãi san hô chìm khuất một nửa dưới lớp phù sa do các con sông mang xuống. Chính trên vùng bờ biển phù sa phía bắc này mới có loại cây cối độc nhất được trồng trọt: khoai lang ngọt, xoài, và nhất là dừa mà thân cây đạt đến kích thước khổng lồ. Khắp mọi nơi, núi đá chạy ra sát tận biển.
Ngay từ các dãy núi đâm ngang ra đến biển là bắt đầu một khu vực rừng rậm thù nghịch, lầy lội, nằm giữa những cánh đồng lầy rồi dần dần nhường chỗ cho rừng già. Rừng quái gở khủng khiếp gồm toàn cây cối thậm cổ xưa mà cành lá đan vào nhau nhọn đến ngọn tạo thành một chiếc vòm màu xanh liên tục không bao giờ mặt trời có thể xuyên qua được. Một lớp cây leo khổng lồ, cây dứa hoang và cây đước đen, dày đặc rối bù, nẩy nở trong không khí nóng bức của một nhà kiếng thấm nước, nuôi dưỡng một lớp lá cây mục nát lầy lụa chỉ có côn trùng và loại thằn lằn sinh sống. Chính từ tấm bọt biển ướt đẫm mênh mông ấy, rỉ ra phía bờ biển vô số dòng suối con ngập nước và dần dần xói mòn mặt huyền vũ nham dưới lớp lá cây mục nát, sau đó họp lại thành sông chảy thẳng ra biển, cắt ngang bãi san hô bằng những đường trùng lệch lạc không đều.
Trong phần chính giữa của bờ biển phía bắc nơi có những cửa sông lớn nhất, cánh đồng phù sa trải dài hàng 4 hay 5 cây số vào sâu bên trong. Chính tại đó, giữa hai con sông Lunga và Tenaru, những binh sĩ tuần thám Nhật đã chọn lựa thế đất thuận tiện. Nó sẽ trở thành địa bàn của những trận đánh khốc liệt nhất trong chiến tranh.
Đoàn quân đóng tại Lunga từ những ngày đầu tháng 7 năm 1942, gồm chừng năm trăm Thủy quân lục chiến, phần đông là tiền thám viên và các chuyên viên kỹ thuật. Họ có vài xe kéo chạy xích, xe rơ-moóc và xe ủi đất, một máy phát tin và một trạm rada còn thô lậu nhưng rốt cuộc cũng đã được hoàn thành. Nhân công bản xứ được tuyển mộ trong các làng làm việc chẳng có hứng thú gì dưới làn roi tàn bạo của các hạ sĩ quan Nhật. Địa điểm làm phi đạo đã được chọn lựa rất cẩn trọng và, được bóng dừa ngụy trang, các chuyên viên ủi bằng phẳng có thể đẩy vệt đẩy vệt đất được ủi tiến về phía trước mà không sợ các phi cơ tuần thám của Mỹ, đôi khi lục lạo trong quần đảo Salomon, đánh hơi được chuyện gì đang được âm mưu bên dưới.
Kể từ các cuộc hải chiến trong biển Corail, Tulagi vẫn còn như là một cây gai trong gót giày cua Đô đốc Ghormley. Trong các kế hoạch phản công mai hậu của ông, sự giải phóng hải cảng này là sứ mạng ưu tiên. Nhưng Mac Arthur, nay đã có trong tay hai Sư đoàn Mỹ và Sư đoàn 7 của Úc vừa từ Trung Đông hồi hương, thì lại cổ xuý một cuộc tấn công vào Rabaul. Ông muốn thực hiện càng sớm càng hay một cuộc đổ bộ lớn lao lên Tân Irlande và Tân-Angleterre, bước đầu tiên của cuộc tiến quân ngược lên phía Phi Luật Tân. Cuộc hành quân này đòi hỏi sự tham dự của tất cả các mẫu hạm cơ hữu và một Sư đoàn Thủy quân lục chiến được huấn luyện để đổ bộ bằng xe lội nước và tất nhiên là được trang bị các quân dụng thích nghi. Nói cách khác, Mac Arthur đòi hỏi toàn diện các lực lượng nằm trong tay Ghormley.
Nimitz và King chính thức chống lại kế hoạch này trong khi nó lại được tướng Marshall và Bộ tham mưu Lục quân ủng hộ nhưng không có gì là hứng thú lắm.
Chính vì thế mà trận đánh đầu tiên tại quần đảo Salomon đã diễn ra gữa Auckland, Melbourne, Trân Châu Cảng và Ngũ đài giác với những với những phát súng điện văn, chỉ thị, hay các đặc sứ. Trận đấu tranh thật nóng bỏng. Mỗi người bảo vệ miếng bít tết của mình một cách bạo tợn. Ghormley muốn trước hết chiếm Tulagi rồi sau đó tiến ngược lên chiếm hết đảo này đến đảo khác. Mac Arthur muốn tấn công thẳng vào Rabaul. Tất nhiên là ông chấp thuận chiếm Tulagi khi đi ngang qua, nhưng đối với ông đó chỉ là một cuộc hành quân phụ thuộc nằm trong kế hoạch toàn diện của ông. Và, vì ông xét rằng sự thống nhất chỉ huy là điều không thể không có, nếu ông muốn thấy Ghormley được đặt thuộc quyền ông để thi hành kế hoạch.
Cuộc thảo luận đã đến một khúc quanh hết sức gay gắt nên được đưa lên các thẩm quyền cao hơn. Để kết thúc, Đô đốc King đề nghị một giải pháp dung hòa: Cuộc tấn công Rabaul được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu gồm có việc chiếm Tulagi (Đô đốc Ghormley sẽ phụ trách), giai đoạn hai sẽ được thực hiện song hành dọc theo một bên là quần đảo Salomon và bên kia là Tân Guinée (Mac Arthur sẽ nắm quyền chỉ huy). Ghormley được yêu cầu đi Melbourne để thuyết phục Mac Arthur chấp thuận kế hoạch này. Cuộc hội kiến diễn ra lạnh nhạt. Cả hai người đều giữ vững lập trường và chia tay nhau trong không khí xung đột gay go.
Trong khi Hoa Thịnh Đốn ngần ngại không muốn đương đầu với vị anh hùng của Corregidor, một biến cố bất ngờ đã xảy đến thúc giục chấm dứt ngay cuộc khủng hoảng.
Ngày 9 tháng 7 - hai ngày sau cuộc hội kiến Ghormley-Mac Arthur - một thủy phi cơ PB-Y tuần thám trên phía nam quần đảo Salomon trong một cảnh trí thông thường là rất trống vắng, chợt thấy vài tàu vận tải nhỏ dọc theo bờ biển Guadalcanal. Viên phi công vội ẩn vào trong mây và khá vui sướng vì có thể đến gần mà không bị trông thấy. Nhiều xà lan đổ bộ vật liệu và hàng đoàn nhân công bản xứ tiến theo hàng dọc như bầy kiến vào bên trong. Vụ sử dụng nhân công này có ý nghĩa gì đây? Đã đến lúc cần biết rõ điều đó. Chiếc phi cơ đổi hướng trong mây và được điều khiển để chỉ ló ra trên dãy núi đâm ngang đầu tiên. Và thình lình qua một khoảng trời sáng, viên phi công chợt thấy bên dưới, nhiều xe ủi đang hoạt động dưới bóng dừa. Anh ta lay cánh tay người ngồi bên cạnh - một đại tá thuộc Bộ tham mưu của Mac Arthur - và dùng ngón tay chỉ tấm thảm xanh giờ đây đang diễn qua thật nhanh dưới cánh phi cơ bay nghiêng, anh hét vào tai viên đại tá: “Ông nhìn kia kìa! Chúng đang làm một phi đạo!”.
Nắm được tin tức chủ yếu này rồi, chiếc phi cơ lại bay lên cao và đổi hướng quay về phía tây để trở lại căn cứ.
Vài giờ sau, khi bản điện văn mật mã của viên đại tá được gửi đến bản doanh Melbourne, không khí tại Bộ tham mưu hết sức sục sôi. Những kẻ độc miệng cho rằng phải mất cả tiếng đồng hồ mới khám phá ra điểm bí mật do các phi công chỉ định trên bản đồ cũ kỹ của Anh. Sau đó người ta lục lạo các huấn thị hải vụ và cuốn Guide Bleu về các vùng biển phía nam. Vì kết quả thu lượm được không có là bao, Mac Arthur cho tìm kiếm tất cả những người Anh tị nạn đã từng ở trong vùng này. Những lời khai mơ hồ của họ ít ra cũng phù hợp được ở một điểm: cửa sông Lunga là một cảnh trí man rợ do các đỉnh san hô cắt ngang và chung quanh bị bao bọc bởi một khu rừng rậm không thể nào đi xuyên vào được, nơi đó khí hậu thật dễ sợ. Tóm tắt, đó là địa điểm cuối cùng của trái đất mà một phi trường đang được xây cất.
Vốn hay khinh thường các tin tức không báo, Mac Arthur tin lời các cư dân Anh hơn là bản điện văn của các phi công chiếc Catalina. Do đó ông ra lệnh thám sát một lần nữa để xác nhận tin này.
Nhưng tin tức cũng đã được đưa đến Auckland, nơi mà Bộ tham mưu của Ghormley, vốn biết rõ địa hình khu vực quần đảo Salomon hơn, định ngay được vị trí cửa sông Lunga và cánh đồng phù sa chẳng khó khăn gì. Một điện văn được hỏa tốc gửi về Hoa Thịnh Đốn, đề nghị thực hiện gấp cuộc hành quân chiếm Tulagi và bổ túc thêm bằng cuộc đổ bộ đột ngột lên Guadalcanal để chiếm hữu phi trường quí giá đang được xây cất ấy trước khi quân Nhật kịp sử dụng.
Ngày 10 tháng 7 một công điện của Hoa Thịnh Đốn, gửi đồng thời cho Ghormley và cho Mac Arthur, ra lệnh “đổ bộ ngay lập tức lên Guadalcanal bất kể tổn thất để chiếm phi trường đang được hoàn thành”. Lập tức Ghormley gửi một đại diện đến gặp Mac Arthur để yêu cầu ông tăng phái cho một phần trong số 50.000 quân Úc và Mỹ đang có sẵn tại Port Morsesby. Ông tướng từ chối thẳng từng. Ông sợ một cuộc tấn công mới trong khu vực này và nại rằng không chắc ông đủ quân số cần thiết để đẩy lui địch...
Các biến cố xảy ra sau đó xác nhận sự lo sợ của ông là vững chắc. Một đoàn quân Nhật xuất phát từ Lae đã lên đường toan tính vượt qua đèo thuộc dãy núi Owen Stanley. Nếu thành công, họ sẽ đột ngột đánh úp Port Morsesby với sự yểm trợ của không quân và các đơn vị nhảy dù. Được báo trước cuộc điều động này, Mac Arthur tổ chức một cuộc phục kích rộng lớn trên triền phía Nam dãy núi để lợi dụng địa hình cực kỳ khó khăn hiểm trở hầu có thể đánh thình lình, và tiêu diệt trọn đoàn quân Nhật. Kế hoạch này đã thành công mỹ mãn. Quân Nhật, bị kiệt sức sau nhiều tuần lễ leo núi và gần như tất cả đều bị lâm bệnh nhiệt đới, hoàn toàn bị tàn sát trong các hẻm núi. Không một binh sĩ nào thoát thân được. Chiến công này làm tinh thần quân sĩ được nâng cao và xác nhận vĩnh viễn uy tín của Mac Arthur. Không còn ai nghĩ đến việc trách cứ ông từ chối không chịu gửi quân tăng viện cho Ghormley khiến ông này đành bằng lòng với các đoàn Thủy quân lục chiến duy nhất để tấn công Tulagi và Guadalcanal.