ưa…Những cơn mưa hiếm hoi ở Sài Gòn!
Vẫn là chiếc nệm nhỏ nhỏ xinh xinh màu hồng nó yêu thích, vẫn là chiếc bàn gỗ theo phong cách Nhật Bản đặt cạnh ô cửa kính, vẫn là quán café quen thuộc nằm trên con đường nó hay ghé thăm…Nhưng, sao hôm nay mọi thứ trong nó xa lạ quá. Nó ngồi lặng lẽ, khẽ tựa đầu vào chiếc ghế sofa nhỏ hẹp. Trông nó đầy tâm trạng. Nó làm mọi việc nhẹ nhàng như thể nó sợ người ta biết đến sự tồn tại của mình. Đêm. Nó ngước nhìn lên bầu trời qua ô cửa kính, chẳng có một vì sao, chỉ thấy một thứ ánh sáng mờ ảo phát ra từ ngọn đèn đường, phản chiếu vào khuôn mặt đầy suy tư của nó. Cơn gió nhẹ thoảng qua, khẽ làm nó rùng mình. Vòng tay siết chặt thân hình nhỏ bé, nó lại hồi tưởng về những kỉ niệm đã qua. Những kỉ niệm mà nó chỉ muốn chôn chặt vào trong lòng….
Ngày nó nhận giấy báo nhập học, cũng là ngày nó tạm xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình để thực hiện cuộc hành trình Nam tiến. Nó nhớ cái cảnh mẹ chạy theo, ôm chầm lấy nó, khóc nức nở. Khẽ hôn nhẹ lên trán mẹ, nó quay lưng bước đi đầy cứng rắn. Đà Nẵng – thành phố quê hương – tiễn nó bằng một cơn mưa thu đầu mùa. Nhưng, cơn mưa ấy không đủ lớn để che đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên má nó – những giọt nước mắt mềm yếu của người con gái xa quê. Vậy là kể từ đây nó chính thức sống xa gia đình, xa ba, mẹ, xa những đứa bạn thân nhí nhố hay pha trò, xa cả căn phòng màu hồng xinh xắn của nó. Đưa tay vội quẹt ngang dòng nước mắt và nó tự hứa sẽ sống thật tốt vì đây chính là đoạn đường mà nó đã chọn.
Những ngày đầu tiên ở nơi đất khách quê người thật khó khăn. Thầy mới, bạn mới, cuộc sống mới… Nó không thể hòa nhập. Dần tách ra khỏi cộng đồng và nó nghĩ có lẽ như vậy sẽ giúp nó dễ chịu hơn. Ban ngày lên giảng đường, thời gian rãnh nó lại chui tọt vào thư viện. Cứ vậy, đối với nó thế là ổn.
Rồi thời gian cứ thế thấm thoát trôi qua…
Đã hai năm rồi, nhưng sao nó vẫn không quen được với cảm giác xa lạ nơi đây. Nó sợ những con đường ồn ào, tấp nập; sợ khi phải len lỏi vào cuộc sống nhộn nhịp, bận rộn; sợ không làm chủ được bản thân mà khụy ngã;…và nó sợ cả những màu hồng đẹp đẽ mà ông trời ban tặng. Phải chăng, do nó. Do nó không đủ bản lĩnh mà dấng thân, không đủ can đảm mà đón nhận, không đủ tin yêu để trao tặng. Nó thèm muốn khi đêm về, để được chìm sâu vào giấc ngủ, để sống trong thế giới ảo mộng - nơi duy nhất nó có thể gặp được gia đình mình bất cứ lúc nào – và nó tự hạnh phúc vì điều đó. Mặc dù nó dư biết rằng khi những tia nắng nhanh nhẩu chiếu qua khung cửa sổ làm long lanh căn phòng của mình thì cũng là lúc nó giật mình tỉnh giấc và nước mắt nó rơi dài. Hụt hẫng – cảm giác duy nhất trong nó. Nó nhớ nhà; nhớ gia đình; nhớ Đà Nẵng thân yêu và nó không hiểu vì sao với thời gian dài như vậy cảm giác đó trong nó vẫn không nguôi.
Nó nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ của gia đình. Những bữa cơm ấm áp với năm người ngồi quay quần bên nhau. Anh ba sẽ luyên thuyên kể về chuyện học trên lớp, về những đồ án mà anh phải làm, về cái lớp dạy vẽ bé xíu mà ở đó ai cũng gọi anh là “thầy giáo”. Đôi khi cao hứng anh còn tấm tắc khen một cô bé học trò nào đó xinh đáo để kèm theo câu nói ấy là nụ cười răng khểnh đầy tự hào. Thể nào ngay tức khắc ba sẽ trừng mắt và niềm hân hoan, sung sướng của anh được dịp tan biến. Những lúc như vậy chị hai lại dịu dàng xoa đầu anh như an ủi một đứa trẻ. Mặc dù, anh đã học năm 3 rồi chứ ít ỏi gì. Chị hai nhẹ nhàng hơn anh, ít nói và hay xấu hổ. Chị không kể nhiều về công việc của mình, không mang công việc, mang cuộc sống bon chen, thị phi ngoài xã hội vào gia đình. Vì đối với chị chỉ những buổi cơm như thế này là lúc chị được nghỉ ngơi, thư giãn, và hạnh phúc bên người thân nên chị không muốn đánh mất khoảng khắc đó dù chỉ là một phút. Chị luôn như vậy. Hiền hậu và sâu lắng. Còn nó thì chẳng để tâm tới câu chuyện anh kể, chẳng ngó ngàng đến ai cứ chăm chăm vào đĩa thức ăn, ăn lấy ăn để như sợ bị tranh mất phần, may mắn “nghỉ giữa hiệp” thì nó mới ngẩng mặt lên ơi hỡi vài tiếng rồi lại cặm cụi ăn tiếp. Chỉ đợi có vậy, anh ba sẽ lại chọc quê nó bằng cái giọng đầy khiêu khích: “Răng mi ăn nhiều rứa, ăn hoài mà ta cũng chẳng thấy mi lớn lên được tí nào hết. Má à! Nuôi con út tốn cơm quá!hehe”. Ngay lập tức kiểu gì nó cũng sẽ lồng lộn lên, dập đũa xuống bàn không thèm ăn nữa. Tất nhiên nếu không muốn bị đòn của ba kiểu gì anh cũng phải xuống nước năn nỉ, ỉ ôi nó đủ thứ. Và thông thường thì phải hối lộ nó bằng một thỏi bánh oreo tím thì mới được tha tội. Biết ghẹo nó chẳng tốt lành gì, nhưng chắc đó là thú vui của anh nên anh cứ phải tốn tiền mua bánh còn nó thì lại có diệp nổi loạn và ăn bánh. Tính đi tính lại nó vẫn là đứa được lợi. Mẹ luôn mỉm cười nhìn hai đứa, đưa đũa gắp cho nó cái đùi gà rõ to – món nó ưa thích nhất – và cất giọng nhè nhẹ: "Được rồi, cho con gái cưng của mẹ, anh ba không có được chọc em nữa” – mẹ khẽ nhíu mày quay về phía anh đầy vẻ đe dọa. Anh chỉ biết cúi đầu, gãi tai ra vẻ ăn năn nhưng thực chất cười thầm trong bụng. Bữa cơm gia đình nó lúc nào cũng vui vẻ và thoải mái như vậy. Thi thoảng ba cũng hay la rầy khi anh em nó mắc lỗi nhưng rồi tất cả sẽ nhanh chóng được những tiếng cười sảng khoái của từng thành viên cuốn trôi. Nó hạnh phúc vì điều đó.
Đôi lúc nó lại buồn vu vơ. Nhìn lũ bạn được ba, mẹ đưa đón đi học, rồi nó nhìn lại mình. Nó thấy tủi thân. Nó ganh tị, chỉ thầm ước một lần nào đó được ba đưa đi học, được mẹ đón về, được nói chuyện, đùa giỡn. Nó thèm một bữa cơm gia đình. Những lúc như vậy, nó thấy lòng mình dậy sóng khi cảm giác nhớ nhà cứ trào dâng trong người. Nó muốn chạy nhanh về nhà mà ôm chặt lấy ba, ghì chặt lấy mẹ để kể lể, để thở than. Nhưng không thể được, điều đó vượt quá khả năng của nó.
Nó nhớ lúc anh trốn học về nhà đèo nó đi hái sim. Bị quyến rũ bởi rừng sim, nó và anh mãi chơi mà quên cả giờ giấc, đến khi lật đật leo lên xe trở về thì trời đã nhá nhem tối. Ba đợi chúng nó trước cổng. Nó đi sau anh, khẽ níu lấy vạt áo của anh mà không dám liếc trộm ba lấy một lần. Nó biết ba đang rất giận. Anh và nó nằm úp mặt xuống giường theo “chỉ thị” của ba; chị khẽ khàng cầm chiếc roi mà lâu nay vẫn im mình trên đầu tủ xuống. Khuôn mặt chị lộ rõ vẻ lo lắng cho hai đứa em ham chơi của mình. Chị đưa roi cho ba mà không quên cúi đầu xin lỗi ba giúp hai đứa. Ba không la mắng, không quở trách, chỉ còn lại đó là âm thanh của tiếng roi vút lên trong gió... Nhìn vẻ nghiêm nghị của ba, tiếng khóc nấc lên của mẹ và chị, nó hiểu rằng mình vừa gây ra một việc tày đình. Những lằn roi in đậm trên da thịt hai đứa nhưng sao nó không thấy đau mà chỉ thấy nhói lên trong lòng. Nước mắt nó rơi. Anh nắm chặt lấy tay nó, đứng trước ba, hai đứa lí nhí xin lỗi mà không cất thành lời. Nó biết nó đã sai.
Nó nhớ năm chiếc áo màu hồng nhí nhảnh mà chị đặt ở đâu tận Hà Nội trong một chuyến công tác mang về. Năm chiếc áo với năm chữ “family” nhỏ nhắn nơi góc áo mà nó yêu vô cùng. Gia đình nó đã có những kỉ niệm thật đẹp cùng năm chiếc áo đó. Ba không hẳn là một người khó tính nhưng cũng đã lớn tuổi nên thực sự ba không thích những chiếc áo quá màu mè vì ba sợ người ta nói ba “cưa sừng làm nghé”. Nhưng, không hiểu sao với chiếc áo “family” xinh đẹp, ba không ngại ngần khoát lên mình. Phải chăng đối với ba chiếc áo đó như một sợi dây vô hình gắn kết gia đình nó lại gần nhau hơn. Mỗi lần đi chơi xa, cả nhà nó lại có dịp quảng cáo thương hiệu “yêu thương, đoàn kết” của gia đình thông qua sản phẩm đồng phục ấy. Nó cảm thấy thật hãnh diện khi đi đến đâu cũng bắt gặp những ánh mắt ghen tỵ của mọi người vì sự hạnh phúc vô bờ bến đó. Nó thích thú mỗi lần thấy anh loay hoay chỉnh máy ảnh cho đúng góc độ và một, hai, ba anh lao nhanh về phía mọi người, chưa kịp tạo dáng chỉ mới nhe răng cười thì đã nghe tiếng “bíp” hàng loạt. Và cứ thế, năm lần bảy lượt những tấm ảnh với đủ tư thế ra đời. Nó vui khi được ngồi sau chị, chơi trò vòng bán nguyệt, nhắm tít mắt lại mà thét lên giữa không gian. Nó hạnh phúc khi được nắm tay cả gia đình đi dạo quanh công viên….Làm sao nó có thể quên được những cảm giác đó!
Nó vẫn còn giữ chiếc áo đó bên mình như một kỉ vật vô giá. Thi thoảng ôm nó vào lòng mà nó khóc thét lên. Vì nó đang một mình. Vì nó không có một ai bên cạnh. Vì những kỉ niệm đó vẫn nguyên vẹn trong nó. Những lúc như vậy nó chỉ mong thời gian quay ngược lại để một lần nữa được cầm lấy tay ba, níu lấy áo mẹ, ôm lấy eo chị, mỉm cười với anh rồi thỏa sức chơi đùa. Giá như…
Tình yêu của nó dành cho gia đình nhỏ của mình không lớn lao như thứ tinh yêu trong sách vở mà người ta vẫn thường viết. Tình yêu đó chỉ đơn giản xuất phát từ những trái tim chung một nhịp đập. Nhưng nó hiểu chỉ cần ngần đó thôi đã đủ cho nó định nghĩa được hết hai chữ “hạnh – phúc” trong cuộc sống. Cảm ơn đời đã cho nó một điểm tựa của riêng mình!
Đàm Hạnh
 

Xem Tiếp: ----