à Nội, 13/07/2012
Ba lăm năm có dư, tôi quay lại ngôi làng ấy. Mấy lần dừng xe nhìn ngó, lại thấy mình nhầm. Có phải là đây không? Thôi đúng rồi! Kìa, cây đa cổ thụ ở đầu làng giáp ngay quốc lộ. Làng quê đổi thay nhiều, nhà cửa xây san sát. Đường vào chùa lối nào nhỉ? Tôi còn đang phân vân...
- Chào cụ ạ! Cụ cho con hỏi….
Tôi hỏi thăm một bà lão đi bộ ven đường.
- Chùa ớ. Ông…. ông cứ theo đường này, tới… lăng cụ Ký Lục Lộ, nhìn sang là thấy!
Ký Lục Lộ, nghe sao quen quen. Ngày trước làng này có lăng tẩm nào đâu? Được một quãng xe máy chạy, thì đập vào mắt tôi là ngôi mộ hoành tráng, cao sừng sững, kiến trúc kiểu Âu - Á. À, hóa ra đây là lăng cụ Ký Lục Lộ - một cái mả mới. Đến lúc này tôi mới nhớ ra cái tên Ký Lục Lộ. Con người này thì tôi biết, tôi còn được hầu chuyện cụ nữa.
Kìa, chùa làng. Chùa nay đổi sắc, chuyển màu… rực rỡ. Tường cao bao quanh, quét zôn vàng rộm. Chùa làng khách lễ thập phương đông vui. Vì lời giới thiệu của thí chủ là tôi, có thời từng trú ngụ ở đây, nên sư trụ trì đón tiếp niềm nở. Đại đức tuổi trừng ngoài ba mươi, dáng nhỏ nhã, nhất là cặp mắt rất sáng sau tròng kính cận. Sau khi dâng lễ, thỉnh chuông, lễ Phật, tôi vãn cảnh chùa. Cảnh xưa quen cũ, mới lạ. Nơi tôi chú tâm và chủ động xuống thăm là khu nhà tổ. Ngỡ ngàng nhìn bức tượng sư tổ. Tượng còn mà bóng dáng xưa đâu rồi? Hồn cốt cũ - xưa còn đâu nữa! Nay chỉ còn pho tượng thếp nhũ, vàng chóe. Cảm giác buồn, hoài niệm xưa! Tôi ra vườn sau thăm ngôi bảo tháp mới xây. Tháp to, cao vời vợi. Hóa ra ông sư - vị hòa thượng mà tôi từng biết, giờ an nghỉ nơi đây.  
Ngôi làng có kỷ niệm với tôi thuở sinh viên. Đó là quãng đầu những năm tám mươi, chính xác là cuối năm 1984, chúng tôi thực tập bộ môn dược ở xí nghiệp thuốc gần đây - một làng vùng quê Phùng – Nhổn.
Nhóm chúng tôi trú ngụ ở chùa làng, còn những nhóm khác tản mát khắp các xóm. Chùa làng cổ kính, cổ kính đến tàn tạ, rêu phong, bởi đang thời kỳ toàn dân bài xích mê tín dị đoan. Tượng cổ thếp vàng bong tróc. Ban thờ lạnh ngắt khói hương, chỉ những bụi bặm thời gian và mạng nhện giăng chăng. Chúng tôi nghỉ ở nhà Tổ - nhóm nam sinh, còn nữ sinh không được nghỉ ở đây - uế tạp cửa Phật.
Nhà tổ có bức tượng sư tổ. Cho đến tận bây giờ tôi khó tìm được đâu bức tượng nào sống động đến thế: tai chảy dài đến vai, mặt phúc hậu nhà Phật. Những lúc rỗi, ấy là trước, sau buổi thực tập ở xí nghiệp thuốc, nhất là chiều tối, tôi thường thẫn thờ ngắm nhìn tượng ngài. Trời chập choạng, dưới ánh sáng ngọn đèn dầu hiu hắt, tượng sư tổ như phật sống, thấp thoáng, ẩn hiện giữa đời thực và cõi hư. Càng nhìn, càng ngắm, tôi càng bái phục nghệ nhân xưa tạo ra kiệt tác sống động, thần uy đến vậy. Có lẽ ấy cũng là dịp Phật ngấm vào tôi, ngấm vào tâm can – sự từ bi, hỉ xả. Đến độ bây giờ, có dịp nào đó vãn chùa, lễ Phật, tôi cứ tưởng, mình đang trước pho tượng sư tổ năm xưa.
Ngay dưới pho tượng có cỗ quan tài kê liền kề với nơi chúng tôi ngủ. Mới đầu cũng kinh hãi, nằm cạnh cỗ quan tài, song rồi cũng quen dần, chả sợ hãi nữa. Qua câu chuyện của cụ sư – nhân vật mà tôi sẽ kể ở phần sau câu chuyện - tôi hiểu thêm về cỗ quan tài ấy. Cụ sư trụ trì chùa làng già lắm, ngoài tám chục. Cứ như cụ sư kể, thì cỗ quan tài được tậu lâu lắm rồi, quãng trước năm 1945. Một cỗ quan tài gỗ vàng tâm dày dặn, nục nạc, “có mơ cũng không thấy” – như lời cụ sư thường nói. Cụ bảo, cơ khổ về cỗ quan tài này, nhất là thời kỳ chín năm kháng chiến chống tây – những dịp tây càn. Tây càn – tức là chúng bủa vây, càn quét tiễu trừ du kích, khủng bố các làng kháng chiến. Cụ kể:
- Chạy tây càn, thì mang của nả, chứ ai khênh quan tài chạy giặc bao giờ. Lúc đầu tôi cũng định khênh nó đi, cỗ quan tài quý thế cơ mà! Nhưng sau rồi chả nhờ cậy được ai. Ai cũng lo chạy giặc càn thục mạng. Cuối cùng nghĩ liều, có thứ giặc nào hôi cướp quan tài đâu. Cướp để về táng ông, táng bà chúng à. Thế nên, tôi chả vác, chả khênh nó chạy tây càn nữa! Thằng tây nó ác lắm nhé. Nó cắt tiết người, cắt cổ anh du kích, hứng tiết vào cái chậu, được nửa chậu tiết. Nhìn máu phun ra, giờ tôi còn kinh!
Tôi cứ nhớ tiếng cười hềnh hệch và câu chuyện cụ sư kể:
- Bọn tây càn đã ác, còn đểu nữa nhá. Có trận càn nó bắt được một cặp nọ, ông sư và bà vãi. Thế là chúng bắt cặp ấy làm việc ấy với nhau. Ai đời, sư đực đè vãi cái, mà lại có người nhua nhúa đứng xem. Thế có đểu không. Hà há ha…!
Nhìn miệng sư già móm mén, chìa ra mấy cái răng và tiếng cười lục khục, lúc ấy tôi thoáng nghĩ, phải chăng chính nhà sư bị tây nó bắt phải hành sự việc ấy? Đúng là bọn tây càn đểu thật!
Không rõ phẩm chức nhà chùa đến đâu, sư bác, sư ông, hay sư cụ, còn dân làng thì gọi là sư cụ. Cụ sự phương phi, cao to, sừng sững như ngài hộ pháp ngự trước tòa chính điện. Cụ già đến mức mồm miệng móm mém, còn dăm ba cái răng, chỉ khi nói, khi cười, khi hát, mới thấy nó chìa ra. Chuyện hát của cụ sư, vô tình một đêm trăng tôi nghe được.
Chia cơm giữa sân chùa. Bữa nào cũng vậy, cụ sư trực sẵn, trực sớm nhất, cứ lởn vởn lượn quanh, nhìn chậu thịt một tí, ngó xoong canh một tẹo, thi thoảng còn sờ mó vào đâu đó. Sau khi nhận suất ăn, cụ thũng thẵng mang đồ ăn về chái nhà mình đương ngụ, để xơi. 
Cụ sư xem ra cũng đói. Hồi ấy đang thời buổi kinh tế trì trệ, hợp tác xã nông nghiệp cấp cao toàn xã rệu rã, sắp tan, xóm làng tiêu điều đói. Trong khung cảnh ấy, ngày sóc vọng, lễ chùa, quanh đi quẩn lại có mấy bà vãi già xơ xác nghèo, đến chùa lễ Phật mà áo nâu sòng, quần thâm vá chằng đụp, chằng đụp hơn cả ông sư già; nhìn họ chỉ thấy răng và da. Nghèo đói thế lấy đâu ra lễ hậu: vài ba quả chay, dăm ba quả khế, mấy quả hồng xiêm xanh dớt. Đồ lễ vậy, sư mà xơi  – dù rất chay tịnh, không đau dạ dày, cũng táo bón.
Quản lý bếp kiêm nấu ăn viên là Huê, lớp phó đời sống, phụ giúp bếp còn vài ba sinh viên trong lớp cắt cử lần lượt nhau. Huê quê vùng giáp làng pháo Bình Đà, dáng to, cao, trắng, “trắng lôm lốp” – như từ ngữ nhà sư  hay dùng trong lúc cụ chờ chia cơm:
- Cô này trắng, trắng quá, cứ lôm lốp như ả đào ấy!
- Cái cụ sư này – Huê bẽn lẽn – vừa ngượng lại vừa thích, vì lời khen trắng của ông sư - Ả đào là cái gì hả cụ?
- Cái nhà cô này. Ả đào là ả đào chứ còn là cái gì nữa - gái hát, gái hầu rượu. Trắng, trắng lôm lốp ấy, lại còn to nữa! Hi ha há….- cụ sư nhanh tay sờ một cái vào bắp tay trần của Huê.
- Cái cụ này!
Huê ngượng tợn vì lũ sinh viên ha há cười. Chúng còn đế theo: “Trắng, trắng lôm lốp ấy. Lại còn to nữa chứ!”. Lúc chờ chia cơm, cụ sư một tay ca nhôm, tay kia cái bát ô tô sành sứt mẻ, to tướng. Bát dùng đựng cơm và đồ mặn, còn ca để đựng canh. Bao giờ cụ sư cũng là người được chia suất cơm trước nhất. Cụ chìa bát ra, Huê đón lấy, đơm cơm. Bát cơm đã đầy, thế mà vẫn tiếng cụ sư:
- Thêm cho tôi muôi nữa đi ….
- Ba muôi rồi đấy cụ ơi. Cơm đầy có ngọn thế này… - tiếng Huê đáp lời nhà sư.
- Thêm cho muôi nữa đi, muôi vơi cũng được!
- Sao cụ già rồi, mà ăn lắm thế!
- Lạy Phật! Thêm nữa đi mà!
- Thì muôi nữa này!
Vừa nói, Huê vừa lèn thêm muôi cơm nữa. Ông sư móm cười hể hả sướng, không quên thêm câu nịnh vuốt:
- Cô này, rồi Phật ngài sẽ phù hộ, độ trì cho.
Lũ sinh viên xung quanh nhao nhao đế: Phù hộ lấy chồng sớm hả cụ?
- Lấy… lấy chồng sớm. Nào, thịt thịt, cá cá đâu! Quên, quên rồi à? – tiếng cụ sư.
- Thì cũng từ từ chứ. Đơm cơm, múc canh, gắp thịt, họa có là ba đầu sáu tay…
- Ấy …. thì tôi cứ nói thế. Thịt thịt, cá cá đâu! Hà há ha!
Huệ gắp phần thịt vào bát cơm cho cụ sư.
- Thịt, có thế thôi à! Thái mỏng đến gió bay, thế mà… – cụ sư cằn nhằn – Cho thêm miếng nữa đi!
- Chúng cháu, mỗi người có một miếng! Cụ ba miếng rồi, còn chê ít, chê mỏng à? Già mà ăn mặn thế, có mà khát nước!
- Thôi nữa mà! Đời cha ăn mặn, đời con khát nước… Thêm cho  miếng nữa đi. Các cô cậu trai trẻ, còn ăn nhiều, ăn nhiều thịt, nhiều cá! Thêm cho miếng nữa… đi!
- Này thì miếng nữa nào!
Huê có lẽ đã bực, tiện đũa nhồi luôn một miếng thịt vào bát cơm của ông sư.
Một nhóm khác của lớp tôi trọ ở gia chủ kia trong làng. Chủ nhà khá đặc biệt, đặc biệt đến cả cái tên - cụ Ký Lục Lộ. Chủ nhà sống độc thân, cụ tuổi cũng xấp xỉ như cụ sư ở chùa - một ông già nhỏ thó, nhưng giọng thì sang sảng, nhất là nước da, đỏ au như quả bồ quân.
Khỏe mạnh, nhưng không hiểu sao, ông cụ không lúc nào rời cái ba toong, tưởng như không có nó, thì ông không phải dân từng học trường tây. Điều đặc biệt nữa của gia chủ có một dinh cơ cổ đồ sộ. Giữa miền quê nghèo heo hút, toàn nhà tranh vách đất, nở ra khu dinh thự tây bề thế, tòa ngang dãy dọc, nền đá hoa cũ sáng bóng, chỉ lạ là nó bị đục, bị vá lỗ chỗ. Riêng cái cổng thôi đã to lạ khác nhà người. Trên nóc ngự mấy chữ nho đại tự và con số 193… chứng thực tòa nhà được xây dựng trước giữa thế kỷ XX. Về cái cổng to này, kể cả lúc chưa tới, tôi đã nghe tả và hình dung được về nó. Lời sư cụ tả:
- Cái thằng già ấy dê lắm - ấy là lời cụ sư chùa làng miêu tả về ông già  này. Có con mẹ mua tóc rối giấy vụn dạo qua, lão già trong sân tung lời gạ gẫm ra. Nhà nó lấy đấu ra tóc rối mà bán. Đầu nhắn thín, hói từ trán chạy xuống tận gáy, như quả dưa bở, thế mà gạ bán tóc rối, có điêu không. Con mẹ kia chả rõ có biết không, mò vào. Cái cổng tây to tổ bố ấy đóng, rồi cài then nữa, thì đến tổ bố con mẹ kia cũng không trèo ra được. Rồi lão gạ gẫm thế nào, lão chén, lão xơi, lão thịt tươi được con mẹ kia! Chẳng biết hai đứa chúng nó mua bán gì với nhau, sau đấy, tuần nào con mẹ tóc rối kia cũng đến mua, đến bán ở đó. Thằng già ấy lắm tiền, nhiều của, tiền nó tích cóp từ ngày xửa ngày xưa, nay con cháu ở Thủ đô còn tuồn về nữa, ăn sao hết. No thân ấm cật, nên dửng mỡ đấy. Đúng là thằng dê già. Dơ… rõ là dơ.
Thằng dê già như cụ sư nói, hôm tôi tới thăm lần đầu, đang ngồi trên chiếc sập gụ, lúi húi chia bài tổ tôm. Quái lạ, chơi tổ tôm một mình? Đúng như cụ sư miêu tả, ông già hói, trọc đến tận gáy, đầu giống như quả dưa, cằm lưa thưa mấy cái râu bạc.
- Cháu chào cụ ạ!
-  Không dám.
Ông già chả thèm ngẩng lên nhìn khách là ai. Mấy cậu bạn trọ ở đấy, nháy mắt cho nhau, nhân có kẻ đến thăm chủ nhà, pha ấm trà hầu giúp cụ chủ. Tôi biết tỏng, lũ này hầu hạ gì ai, cái chính là có cơ hội pha gỡ ấm trà Thái của ông già lắm của nhiều tiền chốn quê này.
- Rước cụ ra xơi trà ạ – lời mời cầu kỳ, bắc bậc của anh chàng Thúy, nhưng trước đó còn kịp nhay nháy mắt với lũ chúng tôi.
- Không dám. Các anh cứ xơi nước tự nhiên cho!
Dù “không dám” – khước từ rồi, cụ Ký vẫn lệt bết đôi dép và không quên chống theo cai ba toong, khật khưỡng bước ra trường kỷ, xơi trà với lũ hậu sinh chúng tôi. Anh chàng Thúy khúm núm dâng chén trà lên tận mặt cụ. Cầm chén trà, cụ ngó sang mặt tôi:
- Élégant… các cậu có biết là gì không… Tiếng Pháp tức là lịch lãm đấy. Phải lịch lãm như người Pháp.
Lũ chúng tôi tủm tỉm, nhìn nhau và đồng thanh:
- Dạ … đúng ạ! Phải lịch lãm như người Pháp ấy.
- Các cậu là người có học.
- Dạ …. Có học!
- Thế các cậu có học tiếng nước nào?
- Dạ…. chúng cháu học…. tiếng nước Nga ạ!
- Nga á. Cái anh nông dân I - Van á? Quý tộc Nga thuở trước, còn phải kéo nhau mò sang nước Pháp học tập đấy. Anh nông dân Nga, văn chương chỉ tạm được cái ông “Chiến  tranh và hòa bình”.
- Dạ…..đúng ạ! Tạm được cái anh “Chiến tranh và hòa bình” thôi ạ!
- Nông dân ở đâu mà chả thế. Nga… rồi đến anh An Nam mít ta, nông dân nông cạn lắm! Các anh xem, tù chè, sập gụ, đồng hồ tây treo trên tường kia và cả tòa dinh thự này, hồi cải cách, cướp…. cướp sạch. Cướp để chia quả thực cho nhau. Cách mạng triệt để thế là cùng. Tưởng dưới nền nhà của tôi chôn giấu vàng, các ông bà nông dân đua nhau đào lên, cạy đá hoa lên. Thấy gì… có thấy cứt ông đây này. Ông là dân có học, học trường tây hẳn hoi - Cao Đẳng Công Chánh. Là kỹ sư, cử nhân ông khôn hơn chán vạn đứa. Ông tậu nhà, tậu xe ở Hà Nội, ông chôn vàng ở Hà Nội chứ, dại gì ông mang về đây. Đây là đất hương hỏa, ông chỉ xây nhà thờ và có chốn quê đi về thôi. Thế nên chả có đứa nào kiếm chác gì được của ông. Đã ăn phần quả thực khối ra đấy, mà có đứa nào giữ được đâu. Cuối cùng ông lại dùng tiền, dùng vàng, thu lại ráo lại, thu cả cái dinh thự này nữa. Giờ nhà ông, ông ở. Ông còn mấy tòa nữa trên Thủ đô, con cháu ông, mỗi đứa ngự một cái.
Thôi bỏ bố chúng tôi rồi, đánh dậm được chén nước trà Thái, lại phải nghe trường ca đấu tố ngược từ cái thuở hồng hoang cải cách ruộng đất năm xửa, năm xưa. Mà ngày đó chúng tôi đã đẻ đâu, làm sao đấu tố được ông già lọm khọm này. May quá, ông già chuyển chủ đề:
- Thế cậu trọ ở đâu? –  ông già trỏ tay vào mặt tôi:
- Dạ… thưa cụ, cháu trọ ở chùa làng ạ!
- Chùa làng á? Cậu ngủ chung với lão sư hổ mang ấy à? Cái giống nửa đời nửa đạo, tu không trót kiếp ấy. Tu… tu gì, tu hú. Sống chả trót đời, lấy vợ, rồi vợ bỏ, vì suốt ngày bê tha ở nhà chốn nhà trò với lũ cô đầu cô đít, bị con đào rượu nó đổ tim la, hủi lậu cho,…  tịt đẻ. Thất cơ nỡ vận, phải bò về chùa làng này. Loại ấy, vớ phải tay ông, cứ tống khứ, cứ đuổi thẳng.
Ông già vớ được chúng tôi, tưởng như cụ sư trước mặt, tức y như lúc trước tức với nông dân chia quả thực nhà ông. Nghe chuyện, tôi phân phân, chẳng rõ những điều ông già này nói về ông sư chùa làng có thực không? Nhưng chuyện cụ sư hát ca trù, thì đích thực tai tôi được nghe.
 
Tối ấy là đêm trăng quá rằm. Ánh trăng vằng vặc. Thôn quê, trăng càng như vằng vặc hơn. Lúc đó đã khuya, hình như lũ sinh ngủ cả, còn mỗi mình tôi thao thức. Ngó ra sân chùa, thấy trăng phơi rời rợi, tôi còn thoáng như nghe, khàn khàn tiếng ai hát. Đúng, nhịp điệu ca trù! Thỉnh thoảng còn cả tiếng tom… tiếng chát.
Hồng Hồng Tuyết Tuyết
Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi
Tom – chát.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu
………..
Quái lạ, sao ở chốn thiền tự, ai lại hát ca trù. Lần theo âm thanh lạ tai kia, tôi bước về phía chái nhà, nơi nhà sư già nghỉ. Cánh cửa nửa khép nửa hở. Trong ánh đèn dầu heo hắt, trên phản, cụ sư đang ngồi, chùm tấm chăn chiên quá vai, trước mặt là cái trống nhỏ. À, hóa ra ông sư đang hát, đang gõ trống chầu cô đầu.
Chắc ai một thời oanh oanh liệt liệt ra vào chốn ấy, mới hiểu, mới tường, khi tuổi xế bóng rồi, chợt hoài niệm về những khúc hát ả đào mượt mà, vang bóng xưa!
Một chiều muộn, cũng bảng lảng như mọi chiều khác, sân chùa trộn rộn cảnh chia cơm, cảnh đùa vui trêu chọc nhau của lũ sinh viên. Chia đến mâm cuối, chợt Huê ngó lên, thắc mắc:
  • Ơ hay, sao giờ này cụ sư không ra nhận cơm nhỉ?
Tiếng ai đó:
  • Hình như trưa nay cụ sư cũng không ra!
Bỏ cái muôi xuống, Huê tất tả bước về chái nhà nơi cụ sư ngụ. Một thoáng, thấy cô ta hớt hải chạy ra, mặt mày biến sắc:
  • Chúng mày ơi, hình như… hình như ông sư….
Lũ sinh viên bỏ bát, bỏ đũa, ùa về phía chái nhà. Trong gian nhà chập choạng tối, trên tấm phản mộc, thân xác nhà sư nằm thẳng giẵng, người thì lạnh tanh lạnh ngắt. Cạnh xác ông sư già còn cái trống trỏng trơ. Cụ sư đã về cõi Phật từ lúc nào không ai hay biết. Ngay tối ấy, cụ Ký Lục Lộ cũng về chầu trời.  
Đứng trước ngôi bảo tháp sau chùa, tôi phân vân nghĩ:
Lúc trần thế hai con người kia nào có ưa gì nhau. Không hiểu sao, họ lại khéo hẹn nhau cùng giờ khắc về thế giới bên kia? Giờ trong cõi hư vô ấy, chắc họ chẳng còn chuyện thù ghét nhau nữa. Có khi sư ông còn hát và gõ trống chầu cho cụ Ký nghe và cụ Ký chia bài để hai người đánh với nhau ván bài tổ tôm nữa./.
 
Trọng Huân

Xem Tiếp: ----