hời gian bắt đầu bằng một vòng quay. Vậy mà hơn bốn mươi năm nay, trải qua hàng tỷ vòng quay và hàng hàng lớp lớp sát-na tiếp nối, cùng với những biến động bất ngờ của lịch sử; kể từ thập niên sáu mươi, dù ở Việt Nam hay ở xứ người, chúng tôi cũng vẫn gắn bó và thân quý nhau như buổi ban đầu. Trước ngày 30/4/75, thỉnh thoảng chúng tôi tập trung tại Quang Hạnh thư trang của nhà thơ Ngô nguyên Nghiễm dưới chân cầu chữ Y đường Hưng Phú, Ngã ba Ông Tạ của nhà văn Hà Thúc Sinh, và nhà Nguyễn Lê La Sơn -Thụy Miên ở Nguyễn Tiểu La…; bày tiệc rượu, mạn đàm chuyện văn chương, lúc ngà say thường đọc thơ cho nhau nghe. Những bài thơ mới sáng tác mang gió bụi đường xa đầy hào khí của Lâm Chương, Trần phù Thế, Thụy Miên, Phạm nhã Dự…do chính tác giả đề trên vách lầu một nhà ca sĩ Quốc Phong không biết có còn hay không? Ta còn nhớ một vài đoạn thơ của bạn, màu mực và nét chữ bay bướm trên tường vẫn còn in đậm trong đầu ta, có còn nhớ không Phạm nhã Dự? Viên đạn lăn nhanh trong tay Đó là trò chơi thứ nhất Đưa em về ngôi nhà cũ Buổi sáng mù sương đắp cao Khẩu súng quay nhanh trên tay Đó là trò chơi thứ hai Hôn em bằng tình ái cũ Tinh khôi rực sáng đôi mày (Từ 4091 - PND ) Buổi sáng ta thức dậy thật sớm, nhâm nhi ly cà phê hiên sau vườn nhà, ngắm hoa cảnh, mồi điếu thuốc, suy nghĩ mông lung. Nghĩ về gia đình, về bạn bè. Nghĩ về người, về đời. Mới ngày nào thanh xuân tràn trề sức sống, nay bạc tóc sức kiệt thân tàn. Nhìn lại những chặng đường đã qua, vui ít buồn nhiều. Đôi khi chúng ta như kẻ lãng tử dong ruỗi ngược xuôi, sống bạt mạng, bất cần đời hầu quên đi một phần nào nỗi đau về thời thế thế thời phải thế, cũng có lúc rượu mềm môi với những thâm tình chất ngất; và Thơ hiển hiện như một sự cứu rỗi nhiệm mầu vượt lên trên tất cả, kết nối tâm giao thành tinh anh đất trời. Bạn có còn nhớ đêm Quán Gió ở bãi biển Tân Long – Bình Tuy, bạn – ta và nhà thơ Phan lynh Sa đã thức suốt đêm dưới hàng dừa cao rì rào lá gió, ngồi trên bãi cát ngắm ánh sáng huyền ảo của vầng trăng mười tám lung linh trên mặt biển, nghe sóng vỗ rì rầm tạo thành tấu khúc dương cầm làm mê đắm lòng người. Có còn nhớ không Phạm nhã Dự? Ngôi nhà bạn ở mười tám thôn vườn trầu gần chợ Bà Điểm, ta đặt tên Quán Văn vì nơi đây anh em văn nghệ chúng tôi thường lui tới: Cung Tích Biền, Rừng, Ngô Nguyên Nghiễm, Trần Phù Thế, Trần Yên Thảo, Tô Đình Sự...Bạn cất thêm một " thảo bạc " nhỏ đơn sơ trống gió trong khu vườn cây cảnh sầm uất. Ngồi nơi đây nhắp từng ngụm đế Bà Điểm, nhìn những lá trầu non xanh mơn mởn leo trên hàng tre cao chót vót, những gốc bưỡi nặng trĩu trái vàng um trồng hai bên hông nhà, một vài chậu bonsai tượng hình loan phụng, cộng thêm hương thơm dìu dịu của hoa cau hoa bưởi quyện trong không gian tỉnh lặng thì không có thú chơi nào thanh cao cho bằng. Thỉnh thoảng nhà văn Dương trữ La hái vài trái bưởi, bóc ra từng múi chia anh em làm mồi nhắm hoặc để giải rượu. Có lần, vợ chồng tôi từ Bình Tuy vào Sài Gòn cùng vợ chồng nhà văn Minh Nguyễn, ghé chợ Hốc Môn mua vài món tươi sống lên nhà Phạm nhã Dự định sẽ bày tiệc vui chơi. PND đi vắng, con anh chỉ đưởng chúng tôi đi tìm khắp nơi không gặp nên đành về lại Sài Gòn. Có còn nhớ không Phạm nhã Dự? Đêm tưởng niệm nhà thơ Tô đình Sự tại quán Phấn thông vàng đường Nguyễn Thông do Phạm nhã Dự và Khánh Giang tổ chức, bạn đọc bài Buổi chiều ở nghĩa trang Cà Đú, khóc Tô đình Sự trong xúc động, nghẹn ngào. Tất cả mọi người im lặng. Hình như hồn Tô đình Sự nhập vào từng chữ, từng câu thơ bi tráng hòa quyện vào tâm ảnh một tình bạn thâm sâu; đau đớn và tiếc thương một tài hoa rực sáng đã sớm bỏ cuộc chơi thong dong đi về miền miên viễn: Chiều nay sao gió nhiều mày nhỉ Gió nổi trong tao đến lạnh mình Đù má, nhang mày sao chẳng cháy Đốt mãi que diêm đến cạn cùng Bên kia dãy núi trơ thân chó Còn dưới chân tao lại sụt sùi Mẹ kiếp vợ mày đang khóc mướt Con mày, trời hỡi nó cười vui Còn tao, tao chẳng cười hay khóc Chẳng ngậm ngùi chi lũ kiếp người Đù má, tao chửi thề đây Sự Chửi hết trăm năm chửi hết đời Bây giờ mày đã nằm yên phận Còn vợ, bào thai, hai đứa con Đù má, một đời làm thi sĩ Chẳng đủ cho con lấy một đồng ( trích Buổi chiều ở nghĩa trang Cà dú – PND ) Nhà thơ Tô đình Sự mất vào năm 1970 trong một tai nạn xe cộ. Sinh thời, anh chủ trương tạp chí Thế Đứng cùng Phạm nhã Dự. Thơ văn TĐS và PND đăng trên các tạp chí văn nghệ thời danh tại Sài Gòn. Năm1968, anh nhập ngũ khóa 27 TBB / Thủ Đức cùng khóa với nhà thơ Phạm nhã Dự và cùng ở trong ban biên tập tờ nguyệt san TBBTĐ. Hai bạn là cặp bài trùng từ dạo đó. Nếu tôi nhớ không lầm, TĐS viết mục Nhật ký quân trường cho báo này,câu mở đầu anh gọi tên một người con gái: Nga yêu dấu. Cô nga hiền dịu và dễ thương của TĐS, sau 1975 có còn ở Sài Gòn hay đã phiêu bạt phương trời nào? Có còn nhớ không Phạm nhã Dự? Quán sách cô Nga nằm ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực, điểm hẹn anh em văn nghệ chúng tôi. Thời gian này tôi đóng quân ở mật khu Lý văn Mạnh, thỉnh thoảng có phép leo trực thăng bay về Sài Gòn, tạt qua quán sách cô Nga mượn vài quyển sách rồi ngồi ở nhà hàng Kim Sơn bên hông đường Nguyễn trung Trực chờ bạn bè. Trần phù Thế Nguyễn Lê La Sơn, Quốc Phong, Thụy Miên, Tô Đình Sự…và dĩ nhiên không bao giờ thiếu bạn tôi, Phạm nhã Dự; leo lên xe Jeep của Lâm Chương, ghé qua Thời Nay bốc Khánh Giang; Dương Trữ La ở Tin Sáng rồi kiếm một quán nhậu nào đó, uống vài chai bia quên đời bên nhau. Bây giờ Thụy Miên, Dương trữ La, Khánh Giang, Quốc Phong…không còn nữa, có lẽ đã cùng Tô đình Sự phiêu du ở một vùng trời nào đó tiếp tục cuộc vui... Tụi mình dăm đứa đời lang bạt Sống chẳng ra chi, chẳng bận lòng Việc nước, việc đời đem dẹp hết Uống rượu quanh năm đếch ngại ngùng Mày nhớ đêm tàn trên xa lộ Thằng Chương đem xế lái quanh trời Đù má, cũng còn cười khi sắp chết Ngỡ rằng mình hái được hoa mơ ( trích Buổi chiều ở nghĩa trang Cà Đú – PND ) “Phạm nhã Dự thì lãng đãng trong sương mù của mười tám thôn vuờn trầu, mọi khí hậu tinh sương đều được nhà thơ cung hiến hết cho bằng hữu tâm giao, mới cũ tứ hải giai huynh đệ “ Chỉ một vài câu nhà thơ Ngô nguyên nghiễm đã nói lên một phần nào cá tính của Phạm nhã Dự.Hào sãng. Phóng khoáng. Chí thành chí tình. Và nhất là hết lòng với bạn bè. Tô đình Sự mất để lại người vợ đang mang thai đứa con thứ tư và ba con thơ dại.Sau 1975, vợ Sự đưa hết gia đình về sống ở vùng quê Phan Rang, chân lấm tay bùn, làm ruộng rẫy bữa đói bữa no, và kể từ đó PND mất liên lạc với gia đình TĐS. Trải qua một cuộc bể dâu và qua một thời gian dài dò hỏi tin tức, bạn tôi mới tìm được chổ ở của vợ con TĐS, nhưng vợ Sự không còn.Thương cảm hoàn cảnh không lối thoát cho tương lai của các cháu, PND đã vội ra Phan Rang đốt nén hương trước mộ phần vợ chồng TĐS. Cùng lúc, cất cho trưởng nam của TĐS một ngôi nhà nhỏ qua sự đở đầu của nhà thơ Võ tấn Khanh, những đứa còn lại bạn tôi đưa vào làm việc trong hảng xưởng của một người quen tại Sài Gòn. Có còn nhớ không Phạm nhã Dự? Quán Thằng Bờm ở Đề Thám - Quán Mai ở Phan thanh Giãng, nơi thỉnh thoảng chúng ta tổ chức đọc thơ, phần ca nhạc do ca sĩ Quốc Phong đãm trách với phần phụ diễn của các ca sĩ Phương hồng Ngọc, Giáng thu…Những bài thơ hào khí ngất trời, nói lên thân phận một nước nhược tiểu, những ưu tư, khắc khoải và thao thức của tuổi trẻ về chiến tranh và giấc mơ hòa bình. Tô đình Sự ra mắt tạp chí Thế Đứng tại đây, chủ đề cũng xoay quanh những vấn đề nêu trên. Những đêm đọc thơ như thế đều tập trung đông đảo học sinh, sinh viên tham dự. Trong bầu không khí văn nghệ ấm áp, đầy ấp tình người, ngồi uống ly cà phê và đồng cảm với lời thơ tiếng nhạc, một phần nào dù rất nhỏ, cũng góp một bàn tay tạo nên luồng sinh khí mới cho nền văn học nghệ thuật miền nam. Nhà văn Thụy Miên mất, Trương thành Vân tạc tượng. Đêm điểm nhản đôi mắt pho tượng bán thân của Thụy miên có mặt hầu như đầy đủ anh em văn nghệ chúng tôi, trừ một vài người ở xa hoặc bận hành quân. Hoàng lộc - Ngô nguyên nghiễm - Phạm nhã Dự, Nguyễn lê la Sơn ( anh ruột của Thụy Miên )… và cả gia đình của Thụy Miên. Tất cả đều hồi hợp theo dõi từng cử động đôi bàn tay tài hoa của điêu khắc gia Trương Thành Vân. Giai đoạn điểm nhản tối ư quang trọng quyết định sự thành bại của pho tượng. Đôi mắt mở to không chớp, mồ hôi chảy dài trên trán trên mặt, trời lạnh mà áo anh ướt đẫm. Đến gần nửa đêm, Trương thành Vân buông tay, ngã người ra sau la to: thành công rồi. Quả thật, hồn của Thụy Miên đã nhập vào đôi mắt, lóe lên và sáng rực như hai vì sao. Pho tượng này được dựng trước mộ Thụy Miên ở nghĩa trang tỉnh Vĩnh Long, nghe nói rất linh hiển và người dân thường đến nơi đây cầu phước … nên mộ anh bao giờ cũng đầy hoa quả, nhang đèn. Ném hòn đất xuống mộ huyệt Những nhát cuốc nẩy lửa Ôi, những người bạn của ta Sao lại chia lìa thảm thiết Sao đành bỏ ta đi Chỉ vì đời vắn số Hay bởi lòng ti tiện của thế nhân Của những tầm thường bày biện (Trích Đám tang cho ba thằng bạn –PND ) Môt vài kỷ niệm nhỏ và thơ trích cũng đủ nói lên tấm lòng của ta với bạn, dù có thể Thơ và bài viết không hòa quyện vào nhau. Trong buổi xế chiều của cuộc đời,mỗi ngày chúng ta đều nhìn thấy sự mênh mông của đất trời, đêm tỉnh lặng trong sự mầu nhiệm của những vì sao, Thơ sẽ nẩy mầm hồi sinh những giá trị nhân bản con người. Có phải không Phạm nhã Dự? Thơ là sự đồng cảm, đồng thanh kết tinh trong sự trầm lắng thanh thoát, đôi khi thấp thoáng hơi thở của đất trời, bàng bạc thiền tính và triết lý như Nhà thơ Phan bá thụy Dương nhận định: “Người ta bảo thi nhân là kẻ có tâm linh siêu thoát, thanh nhã. Người xưa thắp nến đọc thơ và cho đó là một thái độ trang nghiêm để dể dàng hòa nhập vào thế giới nội tâm của tác giả để thưởng ngoạn, để tìm nguồn đồng cảm, đồng thanh. Ngôn tượng trong thơ Phạm Nhã Dự là một tổng hợp, kết tinh của sôi nổi và trầm lắng. Hãy thử đọc những lời nhẹ nhàng, dịu êm như sương khói: “Mai này vào cõi mịt mù – Chim kêu. Vượn hú. Tịch vù bóng sương – Mai sau ở cõi vô thường – Có ai chong ngọn đèn buồn. Đọc kinh!” và vài nét ẩn tàng nỗi hoang vắng, tịch lương: “Ngãnh lại. Trông ra. Hồ tan tác...-Chập chờn. Nghe gió lộng xa xăm – Thoảng như tiếng oán hồn dân tộc – Rớt xuống thuyền sông lạnh mái dầm”. Thơ Phạm Nhã Dự còn tiềm tàng phong thái ngạo nghễ của một kẻ lãng tử, phiêu bạt nhưng lòng lạnh lẻo, bơ vơ. Mỗi dòng chữ, mỗi câu thơ đều thể hiện đậm nét phóng khoáng: “ Ta mang em ra phố – Ném vào giữa chợ tình – Trăm người hỗn mang lạ – Rao bán cuộc bình sinh – Ta ngẫn nhìn ngơ ngác “... “Ta đưa em vào đời – Nhảy múa cùng tử sinh – Trá oan khiên rớt hột – Đâm chồi giữa điêu linh – Ta rùng mình phiêu hốt.Tiếng thơ hay tiếng lòng của người thơ 18 thôn vườn trầu này luôn như nhiên, tự tuôn trào như mạch sống. Lúc thanh thoát như: Đò nhẹ. Lòng trôi theo sóng vỗ – Canh sâu. Dế đệm. Nhạc sành rung. Khi vẩn đục như:Tao trở lại đây đường dịu vợi – Đốt nén hương tàn hát biệt ly – Thăm mày,đù má lòng buốt xót – Ngó trời chỉ biết chửi thề thôi. Những ý nghĩ, hoài cảm đó hiển lộ, phảng phất mùi của rượu, màu sắc của tình yêu, sự thân thiết của tình bằng hữu, đôi khi bàng bạc công án thiền, triết tính với nhân bản tính và những thi ảnh, thi ngữ ấy đã được kết nối, dàn trải một cách linh động, tài tình “ Chúng ta mất hết nhưng vẫn còn có nhau. Giờ đây ta và bạn cùng định cư trên nước Mỹ, bạn sống tại Boston MA, ta ở miền nam CA, cách xa vạn dặm; tình bạn vẫn nồng ấm, thấm thiết như xưa.Ta còn nhớ rất rỏ, lúc Trần kiêu Bạt còn sống và Hà thúc Sinh chưa dời nhà đi Sacramento, mỗi tuần TKB đều bày tiệc rượu nhỏ, mục đích chính là để gặp mặt nhau hàn huyên tâm sự và cùng nhau gọi ĐT tán gẫu với bạn bè ở các tiểu bang xa như Trần phù Thế, Vũ uyên Giang... Có còn nhớ không Phạm nhã Dự? Ta gọi ĐT cho bạn lúc 12 giờđêm CA ( tức 3 giờ sáng Boston -MA) lúc cả ba đều ngất ngưỡng hơi men. Ngẫuhứng ta đọc cho bạn nghe bài thơ của bạn, ĐÊM TRÊN DÒNG KINH CÙNG, ngậmngùi về một quê hương chỉ còn trong trí nhớ và hy vọng một ngày nào đó, chúng tasẽ được ngồi trên con đò trong đêm trăng hò câu vọng cổ, khua mái chèo trên dòng Kinh Cùng: Đò chậm. Bèo trôi. Trời ẩm đục Bạn ta. Nào. Nốc ly này cạn Đèn treo. Trăng hạ. Cáng vạc mềm Mai đò chưa muộn chuyến sương đêm Mênh mông. Cá mống. Dòng kênh lạnh Chèo.Xạc xào khua. Tiếng nhái khan Thoảng thoảng. Đèn xa. Hò vọng cổ Tí tách Lục bình nở tím ngang Nước lạnh. Dòng đời trôi cũng lạnh Đời dăm ba phút ấm cùng thôi Bạn ta. Đâu đã gì quá muộn Đâu gì. Ha hả. Đâu gì đâu? Trò đời. Nghĩ cũng phường khinh bạc Rượu mềm. Chưa thấm. Hãy tràn ly Đêm nay ta cạn ly vô tận Mặc dòng nước chảy cuốn về, đâu Đò nhẹ. Lòng trôi theo sóng vỗ Canh sâu. Dế đệm. Nhạc sành rung Bạn ta. Đâu đã gì lướt khướt Nghe chăng? Tiếng diễu nhại côn trùng Ngoãnh lại. Trông ra. Hồ tan tác… Chập chờn. Nghe gió lộng xa xăm Thoảng nghe tiếng oán hồn dân tộc Rớt xuống thuyền sông lạnh mái dầm Ta gửi bạn bốn câu thơ viết từ thời trai trẻ, cách đây gần năm mươi năm, diễn tả sự thao thức, khát vọng và hoài bảo của tuổi trẻ Việt Nam trước hiện tình đất nước, bây giờ mỗi lần nhớ lại vẫn còn thấy hợp với tâm trạng chúng ta: Những ước mơ như người què tháp đôi chân gỗ Chống gậy đi tìm người lạ mặt ở bên kia sông Có phải chúng ta đang đứng ở bên này Ở bên kia sông lảo chèo đò ơi ới gọi TRẦN VĂN SƠN Đường trúc thư trang 3 / 2012