hà chị ở xóm chợ, còn nhà anh ở xóm dưới, sở dĩ có hai cái tên gọi như thế bởi cách nhau một con sông không quá lớn nhưng muốn sang thì phải đi đò. Anh lớn hơn chị ba tuổi, biết nhau thời cùng học chung một trường làng. Anh mồ côi cha, nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Tuy cuộc sống khó khăn, thiếu trước hụt sau nhưng bù lại, anh là đứa trẻ sáng dạ và học rất giỏi. Thuở còn ngây thơ, chị đã là cái bóng của anh, bất cứ đi đâu, anh cũng dẫn chị đi cùng, thậm chí, cả đi thả diều hay bắt dế, mặc cho đám bạn phản đối. Lớn lên, anh cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Họ yêu nhau như một điều hiển nhiên. Chị yêu anh bằng tình yêu êm đềm và đằm thắm như ánh trăng trong đêm. Trong lần hẹn hò đầu tiên, vì chiếc xuồng của nhà anh bị hư bất ngờ, lo sợ trễ giờ và chị phải chờ lâu, anh đã bơi qua sông trong bóng tối. Điều đó khiến chị rơi nước mắt khi nhìn anh đến nơi hẹn với bộ dạng ướt sũng. Trong lúc chị trách thì anh cười an ủi chị. Anh nói một ngày nào đó, nếu có thể, anh dứt khoát sẽ xây một cây cầu trên con sông này để mọi người khỏi vất vả đi đò. Nối liền hai xóm với nhau như tình yêu của anh chị. Chị mỉm cười khi nghe anh nói dù biết cái ước mơ đó thật xa vời với một người nghèo như anh. Nhưng không hiểu sao, chị lại vẫn tin cái ước mơ viển vông đó. Học hết cấp ba, bạn bè ngạc nhiên khi chị không đi thi đại học như những bạn cùng lớp. Học lực của chị cũng thuộc nhóm khá giỏi chứ nào kém cạnh ai và gia đình chị có điều kiện, khả năng cho chị học tiếp. Một năm sau, chị nhận lời về làm vợ anh trong sự phản đối của ba mẹ. Họ không muốn chị lấy chồng sớm như thế.Nhất là anh, chưa có tương lai gì. Gạt bỏ hết ngoài tai những xì xào của làng xóm, chị về làm dâu nhà anh. Bởi trong thâm tâm, chị hiểu anh không thể tiếp tục học nếu không có ai gánh vác kinh tế và lo cho mẹ mình. Thế là buổi sáng, chị ra chợ bán nông sản, buổi chiều về trồng trọt ngay trên mảnh đất nhà anh. Chị lo lắng, phụng dưỡng người mẹ chồng hay đau bệnh. Còn anh vẫn miệt mài lo học hành ở Sài Gòn, theo đuổi ngành xây dựng. Anh ra trường, không người đỡ đầu, anh đi xin việc hết nơi này tới nơi khác, ăn mì gói thay cơm. Dù có tấm bằng loại ưu nhưng vất vả lắm anh mới xin vào được làm nhân viên một công ty xây dựng. Những ngày đầu, anh cũng nếm trải không ít cay đắng, nhọc nhằn. Ở nơi đây, anh hiểu rằng không chỉ học giỏi, có chuyên môn cao là có thể thăng tiến và vươn lên mà còn phải biết khéo léo, luồn lách. Muốn sống được, anh phải thay đổi phù hợp với hoàn cảnh. Vốn là người nhạy bén, khôn ngoan, anh nắm bắt sự việc rất nhanh nên được cấp trên chú ý. Ba năm sau, anh thăng chức nho nhỏ trong công ty. Từ khi thăng chức, công việc nhiều hơn, bận rộn hơn nhưng anh vẫn tranh thủ về thăm chị và mẹ. Nhìn chị vất vả sớm nắng chiều mưa, anh thương lắm, anh nói sẽ cố gắng để đền bù, cho chị có cuộc sống tốt hơn. Chị lại mỉm cười như cái thuở yêu nhau, chị nói như thế này là chị hạnh phúc và vui lắm rồi. Hai năm sau, chị sinh đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Hoài Thương, ngụ ý chỉ tình cảm giữa anh và chị. Anh ít về nhà hơn vì bận với những công trình.Ngược lại vị trí của anh cũng được nâng cao lên với thời gian. Anh thường xuyên gởi tiền về cho chị nhưng những lần về thăm nhà càng ít đi. Chị bằng lòng với cái hạnh phúc giản dị bên cạnh mẹ chồng và cậu con trai bé nhỏ của mình. Chị không quá buồn phiền về sự vắng mặt thường xuyên của anh bởi đứa con đã lấp nhiều khoảng trống trong lòng chị. Chị tự an ủi mình "Làm vợ đôi khi phải biết hy sinh vì tương lai, sự nghiệp của chồng". Khi bé Hoài Thương chuẩn bị đi lớp một, chị dẫn con đi Sài Gòn thăm anh. Hàng xóm nơi anh ở và đồng nghiệp của anh ngạc nhiên khi biết chị là vợ anh. Họ không ngờ anh có vợ ở quê, không dè anh lập gia đình sớm vậy và chưa bao giờ họ nghe anh nói về chị. Với linh cảm của người phụ nữ, chị biết anh đang có những thay đổi. Một lần giặt áo cho anh, chị thấy vết phấn son của đàn bà. Bao nhiêu năm làm vợ anh, chịu vất vả, thiệt thòi nhưng chị chưa bao giờ than trách hay khóc thương thân mình. Nhưng đêm đó, chị khóc lần đầu tiên,kể từ khi về làm vợ anh. Anh cầm tay chị an ủi, nói rằng: "Công việc đôi khi phải như thế, đi ngoại giao mới được lòng sếp". Anh lý giải, anh giấu diếm chuyện gia đình bởi môi trường anh làm nhiều cạnh tranh, không biết ai tốt, ai xấu. Và cuối cùng, anh thề thốt, anh chỉ yêu mình chị, kiếp này có chết cũng không phụ cái nghĩa của chị. Chị lại lau nước mắt và tin lời anh như trước nay vẫn thế. Thời gian cứ trôi, chị thầm lặng với cuộc sống của mình, mẹ chồng chị lớn tuổi nên yếu hơn, con trai chị vào cấp một, học ở ngay ngôi trường ngày xưa của anh chị. Chị vẫn xuôi ngược với chiếc xuồng trên dòng sông đưa đón con và ra chợ vào buổi sáng như bao năm.Dù anh kêu chị ở nhà hưởng phước, bây giờ tiền bạc đâu là vấn đề suy nghĩ. Anh càng ít về nhà hơn, anh bây giờ khác xa cậu sinh viên đen đúa anh ngày xưa. Anh trắng trẻo, hồng hào, trẻ ra so với tuổi, bệ vệ phong độ như cái chức vị anh đang có. Và như lẽ tất nhiên, anh có một cô người yêu xinh xắn ở Sài Gòn. Anh hay nói với đám đệ tử và bạn bè của anh trong những lúc vui rằng: - Có ngu mới đi lấy mấy em trẻ đẹp về để cho nó "cắm sừng" và hầu nó à? Phải lấy một bà vợ tốt, toàn tâm lo cho gia đình, rồi sau đó tha hồ ăn chơi, bay nhảy. Những người vợ như thế, nhất mực yêu chồng. Vạn bất đắc dĩ có chuyện gì xảy ra, họ cũng không dám bỏ chồng vì con cái. Sa cơ cũng có chỗ mà về, mấy chú mày ạ! Bởi thế, anh tuyệt đối không bỏ vợ bao giờ. Chơi thì chơi, phải chừa đường lui an toàn. Vẹn toàn đôi đường, cũng không thấy có lỗi gì với gia đình. Anh vẫn lo bổn phận với chị mày ở quê, nào có thiếu thốn cái gì đâu. Anh vẫn chu cấp đầy đủ đấy thôi. Khôn dại là ở chỗ chú mày có khéo hay không? Trong khi đám đệ tử nhao nhao cho là phải thì anh gật gù vừa ý. Anh vốn là thế, luôn là người thức thời và thông minh. Một ngày cuối thu, mẹ anh trở bệnh nặng, chị gọi điện cho anh nhưng không liên lạc được, công ty bảo anh đang đi công tác. Trong khi chị lo lắng về sự an nguy của mẹ chồng thì anh đang ở căn phòng karaoke mát lạnh bàn công việc làm ăn với một đối tác. Khi anh hay được tin và trở về với mùi bia rượu còn vương trên áo thì người mẹ anh đã trút hơi thở cuối cùng. Đôi mắt vẫn khép hờ chờ cậu con trai duy nhất. Sau đám tang, chị dẫn con về quê ngoại, chị muốn cho anh có thời gian suy nghĩ. Anh sang năn nỉ chị: - Anh giờ còn em và con, anh bất quá cũng vì cuộc sống. Em thương anh, phải thông cảm cho anh và tin anh chứ? Trong khi chị và con vẫn ở bên ngoại. Anh vận động địa phương xây dựng cây cầu bắt qua sông. Đơn vị xây dựng chính là công ty anh. Ngày công trình khởi công là ngày chị dẫn con trở lại ngôi nhà xưa. Anh cũng cho xây lại ngôi nhà của mình khang trang nhất nhì ở cái xóm nhỏ bé này. Những khi chị đi chợ người ta hỏi thăm anh và khen chị ngày xưa biết nhìn người và chọn chồng. Má chị bừng đỏ môi cười như cái thời còn son giá. 5 năm sau lại trôi qua lặng lẽ như nước trên dòng sông. Kể từ ngày cây cầu hoàn thành, con trai chị đã vào học cấp hai. Hằng ngày Hoài Thương có thể tự đạp xe đi học. Chị cũng không phải ngược xuôi trên chiếc xuồng đưa đón như xưa. Một buổi sáng, chị đang ở chợ thì cả xóm xôn xao cái tin cây cầu bị sập, khi một chiếc xe tải chạy qua. Có rất nhiều người bị rơi xuống lòng sông. Người ta nỗ lực, cố gắng vẫn không thể cứu kịp hết được số người đó. Có vài người xấu số bị chìm trong làn nước. Nhìn đồng hồ đã quá giờ tan trường, linh tính người mẹ mách bảo, chị chạy ra cây cầu. Đúng như chị lo sợ, trong số nạn nhân, có Hoài Thương của chị. Chị ngất đi không biết bao nhiêu lần khi nhìn xác đứa con yêu nằm bất động, tái mét vì chết đuối. Những ngày tháng sau đó, chị phải nén đau, tự mình lo hậu sự cho con trai bởi anh đang phải đối mặt với cơ quan điều tra vì cây cầu sập là do chất lượng không đúng quy cách. Thật ra anh biết rõ cái số xi măng, sắt thép hao hụt trong cây cầu đó. Chúng biến vào túi riêng của anh và những người cùng phe, cùng những chầu nhậu, bữa tiệc "chân dài" của công ty anh với đối tác. Chỉ là anh không ngờ hậu quả nó nghiêm trọng đến vậy, không lường trước nó có thể sập sau vài năm xây dựng. Vốn giỏi tính toán, anh "gõ" những cánh cửa quen biết để nhờ giúp đỡ. Đẩy trách nhiệm của mình sang bớt cho kẻ khác. Anh bỏ tiền ra để gọi là khắc phục hậu quả. Cuối cùng, anh chỉ bị kết án ba năm tù. Dĩ nhiên chức vụ, người tình và tất cả những gì anh có cũng theo cây cầu đó biến mất. Trong ba năm ấy, chị vẫn sống như trước đây trong ngôi nhà vắng lặng. Chị vẫn đi thăm anh thường xuyên. Khi anh nói hối hận và xin lỗi, chị vẫn giữ nguyên nụ cười ngày xưa. Những tháng ngày trong tù, anh suy nghĩ về tất cả chuyện đã qua. Anh thấy mình thật may mắn khi còn chị. Anh biết chị yêu anh hơn mọi thứ trên đời, chị không bao giờ bỏ anh. Anh tự nhủ may mà anh thông minh, chừa lại một lối đi an toàn cho mình. Anh sẽ làm lại mấy hồi, không làm công ty, anh về làm ông thầu xây dựng nhỏ cũng sống an nhàn. Anh chị chưa quá già để sinh thêm con, với suy nghĩ thế, anh cảm thấy yên tâm và ba năm trôi qua thật nhẹ nhàng. Hôm nay là ngày anh trở về căn nhà cũ sau khi chịu án dân sự do những tắc trách của mình. Chiều chị nấu canh cua và cá kho, món anh thích ăn. Trong căn nhà cũ và món ăn thân thuộc, anh thấy mình như sống lại ngày xưa. Ăn xong bữa cơm, chị cặm cụi dọn dẹp chén đũa như thông thường. Sau đó, anh ngạc nhiên khi thấy chị thay cái áo bà ba. Anh biết tính chị, bao giờ đi ra ngoài cũng ăn bận tươm tất. Anh nhìn chị với ánh mắt ngạc nhiên như thầm hỏi là chị đi đâu khi trời đã sẩm tối như thế này, thì chị để cuốn sổ nhỏ, một cuốn tập và tờ giấy lên bàn, chị cất tiếng: - Đây là đơn ly dị, em đã ký rồi, anh chỉ cần ký vào là xong. Vợ chồng mình tới đây là chấm dứt, anh ạ!Còn cuốn sổ này thì là tiền trong ngân hàng em đã chuyển sang tên anh. Em nghĩ anh sẽ cần nó vào thời gian tới. Em về nhà mẹ em, sáng mai em đón chuyến xe sớm cho kịp đi lên nhà chị em ở Đà Lạt. Em đã hứa lên đó làm vườn và sống cùng gia đình chị ấy. Anh ở lại bảo trọng... Không đợi cho chị nói hết, anh chặn ngang, vội vã hỏi: -Em... em bỏ anh thật sao? Bây giờ anh chỉ còn mỗi em. Em tha thứ cho anh được không, cho anh cơ hội được không em? Anh biết là anh có lỗi, anh đáng chết nhưng xét cho cùng, anh cũng vì gia đình mình, anh muốn nhà mình được tốt hơn. Chị chậm rãi đáp lời anh: - Em tha thứ cho anh không chỉ hơn một lần, chỉ là anh không biết. Mà thôi, vẫn còn nhiều chuyện anh chắc chưa biết bao giờ. Xưa tới giờ, em nuôi mẹ, nuôi con do chính sức lực của em. Tiền anh đem về, em đều gởi ở ngân hàng. Lúc đầu em tính dành cho con ăn học khi khôn lớn nhưng bây giờ không cần nữa, anh cứ coi cuốn tập đó thì anh hiểu. Anh run run giở cái cuốn tập học học trò ra, trong đó ghi: Ngày... tháng... năm... Anh gởi về năm triệu Ngày... tháng... năm... Anh sai chú Dũng làm cùng công ty mang về bảy triệu. Ngày... tháng... năm... Anh buông rơi cuốn tập, chới với ngã xuống cái ghế, ngồi như hóa đá. Chợt anh nhớ tới chị, anh chạy vội ra trước nhà, chiếc xuồng dưới bến đã không còn. Trong ánh trăng sáng vừa lên, anh thấy bóng chị cùng chiếc xuồng đang sắp gần đến bờ bên kia. Anh muốn giữ chân chị mà không biết phải làm cách nào? Thế là như một phản xạ tự nhiên, anh chạy vội lên chiếc cầu để đuổi theo chị. Hết dốc cầu, anh chợt khựng lại. Trước mặt anh là nhịp cầu đã gãy, để lộ ra dòng nước đục ngầu đang chảy siết. Anh ngồi gục xuống, đưa hai tay ôm lấy đầu, nhìn dòng nước bằng đôi mắt bất lực. Anh bây giờ thì không thể nào bơi nổi qua bên kia sông như ngày xưa. Bên kia sông, chị bình thản lên bờ. Chị không buộc chiếc xuồng như mọi khi mà bỏ mặc cho nó trôi ra giữa sông. Chị xoay mặt nhìn qua bên kia bờ lần cuối, ánh mắt chị dừng lại nơi chiếc cầu. Chị đưa tay áo lên lau vội dòng nước mắt, sau đó chị đi thẳng vào chợ. Thủy triều đang lên, sóng nước nhấp nhô, ánh trăng chiếu vào dòng sông một màu bàng bạc lạnh lẽo... Song Nhi