Chương 2

    
hằng Nam tiếp tục đi về phía Bắc. Quốc lộ như lưng một con rắn lở lói da mốc cời với những vết thương sâu hóm đen ngòm.
Những đoàn xe Molotova màu cứt ngựa chạy ngược chiều nhau liên tục làn bụi bốc lên mù mịt. Nam không dám xin đi nhờ nữa.
Qua sự tiếp xúc với đám lính trong trại vừa rồi, Nam thấy chúng không còn là người Việt Nam. Chúng mặc quân phục khác, lòng dạ của chúng cũng đổi theo thứ quần áo đó. Hình như đi về phía Bắc, Nam đụng bọn lính mất tính người hơn.
Muốn gặp ba, chỉ có một cách là đi vào trại tù. Ba và đồng đội của ba là tử thù của chúng, đâu có thể nào nhởn nhơ được ở ngoài?
Trại vừa rồi tên là trại gì. Hình như chúng gọi là trại Trần Phú thì phải.
Cột số này ghi tên là Bà Rịa. Vậy là mình đã đi hết đất Nam kỳ rồi. Sắp ra đến Trung Kỳ đấy. Nam ngó xuống đất thấy màu đất khác khác. Nam sực nhớ trong một bài quốc văn nào do thầy giảng có hai chữ Hồng Trần. Trong Cung Oán Ngâm Khúc cũng có hai chữ hồng và bụi.
Thuở trời đất mới sanh gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Còn bây giờ thì:
Thuở Việt Cộng vào sanh gió bụi
Nước non này nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Trời đen đất đỏ cho nên nỗi này.
Bỗng nghe lạnh ót, Nam quay lại: một chiếc xe đạp vụt ngang, Nam không dám nghĩ xa hơn nữa. Chiếc xe đã qua mà Nam còn sợ. Nam có cảm giác người kia đọc được ý nghĩ của mình. Nam bất thần kêu lên:
- Chú ơi!
Chiếc xe chạy chậm lại. Nam bước nhanh tới và hỏi liền:
- Chú biết ở gần đây có trại cải tạo nào không?
- Có, có! Mà em hỏi để làm gì?
- Dạ cháu đi tìm ba cháu.
- Em đi thăm nuôi hả?
- Dạ không. Cháu đi tìm xem ba cháu ở đâu rồi má cháu mới đi thăm nuôi! - Hiện giờ cả nhà không biết ba cháu ở đâu!
- Thôi được rồi. -Người kia đáp - lên đây oa chở cho đến nơi. Em sẽ hỏi ra nhiều trại. Ở đây có trại Đất Đỏ và trại Võ thị Sáu.
Cùi sợ gì lở. Nghe nói thế Nam bèn leo lên poọc baga ngồi ôm eo ếch người kia. Và hỏi ngay:
- Chú là cán bộ hả chú?
- Ờ, oa là cán bộ ở tỉnh này.
Thấy người cán bộ không khó tánh, Nam hỏi tiếp:
- Trại Đất Đỏ gần hay trại Võ thị Sáu gần hả chú?
- Không có trại nào gần hết!
- Chú biết đường đi tới đó không chú?
- Tôi chỉ nghe nói thôi chớ chưa tới đó bao giờ. Nhưng mà để tôi đưa em đến nhà một người “thầu thăm nuôi” rồi họ sẽ giúp đỡ cho em có kết quả.
Nam mừng húm, hỏi tiếp:
- Thầu thăm nuôi nghĩa là sao hả chú?
- Tôi không có rành ba cái việc đó nhưng theo tôi biết thì ai cần gì thì người thầu cũng giúp được hết.
- Họ có ăn tiền như Phường, Khóm không hả chú?
- Cái đó tui cũng không rành, để tới đó rồi biết.
Trưa hôm đó vô tới thị xã. Phố xá đều phủ lấp một lớp bụi hồng phơn phớt. Đường xá cũng đỏ bầm với những vết xe khuyết lõm trên mặt và hai bên lề.
Người kia dừng xe trước một căn phố ngói, cửa lá sách sơn xanh, bảo:
- Em vô đây nghe. Em cứ nói em cần tìm ba em là ở ngõ hẻm hang cùn nào người ta cũng tìm ra cho em hết. Ở trong nhà bây giờ đông nghẹt, người ta cũng đi tìm thân nhân như em đấy. Tên bà thầu là Phước Lộc Thọ, nhớ nghe!
Nam mừng quá, vọt lên thềm, quên cả cám ơn. Người kia cũng không cần cái sự đó, vọt xe đi một cách vô tư. Làm phước được phước!
Thằng Nam lôi cánh cửa. Bên trong ba bốn người đàn bà đủ các lứa tuổi đang nói chuyện với một người, cũng đàn bà, mà Nam đoán là người thầu thăm nuôi.
Nhớ lời ông xe đạp dặn, Nam nói ngay:
- Thưa bà, tôi muốn nhờ bà tìm dùm ba tôi.
- Chú em ngồi đó! - Người đàn bà thầu Phước Lộc Thọ trỏ ngón tay chuối mẳn về phía góc nhà - để tôi giải quyết các bà này rồi tới phiên em nghe cưng!
Bà đây rồi! Cái tên nghe đầy nhơn đức. Phước Lộc Thọ!
Bà Phước Lộc Thọ quay lại mấy bà khách, tuyên bố:
- Tôi hứa chắc là dù các ông “đi nghỉ” ở trại nào tôi cũng đưa quí bà đến gặp được hết.
Một bà có gương mặt búp bê, hỏi:
- Bà tìm giúp trại nhà tôi được không ạ?
- Được, được, miễn có danh sách cấp bậc và ngày sanh tháng đẻ là tôi moi ra hết.
Một bà sồn sồn có cặp môi đỏ loét hỏi:
- Chồng tôi tới bốn sao...
-.... Bốn chớ năm bảy sao tôi cũng tìm được! Bà Phước Lộc Thọ xua tay trấn tĩnh khách.
Một bà gầy đét choàng khăn sạc đen có vẻ ủ rũ nhất trong các bà, nói:
- Cán bộ đến “mời” ông nhà tôi giữa đêm khuya, tôi không biết người ta đem đi đâu.
Bà Phước Lộc Thọ vuốt mồ hôi trán rảy mạnh và bảo:
- Đi đâu tôi cũng moi ra hết! - Bà Phước Lộc Thọ bảo tiếp - Các bà chị vui lòng ghi tên họ ngày sanh, cấp bậc tên tuổi cho thật rõ rồi giao cho tôi.
Các bà khách kẻ rút bút máy trong bốp đầm, người dùng viết chì hí hoáy một lúc rồi giao tờ giấy cho bà thầu Phước Lộc Thọ. Bà này nói:
- Chừng một tháng, các bà chị chịu phiền trở lại đây sẽ có tin tức.
- Lâu vậy sao bà? - một bà tỏ vẻ áy náy hỏi vặn.
Bà Phước Lộc Thọ xìa cặp môi vĩ đại ra:
- Chời ơi! Chời! Công việc khó khăn chớ phải như lấy đồ trong túi hay sao? Có những ca dễ, những ca rắc rối tôi phải chạy rả giò nói rách miệng chớ đâu phải ngon ăn. Các bà chị có nơi nào tài giỏi thì cứ nhờ họ, tôi không có ép phải đi với tôi.
Bà gầy gầy có vẻ kiên nhẫn:
- Tụi chị em tôi nóng ruột nên nói vậy chớ đâu dám nói là ngon ăn ngon uống gì! Trăm sự cũng nhờ chị tất cả.
Bà Phước Lộc Thọ buông một câu đầy giới tính:
- Tôi cũng là đàn bà nên tôi thông cảm với mấy chị chớ công việc nầy nguy hiểm còn hơn bắt rắn hổ trong hang nữa đó. Nếu không làm kết quả thì bị chị em phiền hà chê trách còn làm kết quả thì người ta cho là “con mẹ này ôm chân mấy ông cộng.” Thấy chưa? Tôi phải trở như trở bánh phồng mới khỏi khét. Thôi xin mấy bà chị cho “em” xin tiền lệ phí đi!
Mấy bà khách móc bốp đầm xỉa tiền lên mặt bàn. Bà Phước Lộc Thọ vừa liếc vừa nói liền miệng:
- Bạc mới đổi còn nguyên he! Nhưng nếu có ‘đô la’ hoặc ‘cây’ thì công việc chạy mau hơn. Cùng lắm mới xài bạc cụ. Thời buổi này bất cứ làm việc gì muốn có kết quả cũng phải dùng ‘cụ’. Có cụ ‘phán’ thì việc gì cũng trôi hết.
Các bà khách xỉa tiền xong hẹn ngày trở lại rồi đứng dậy đi ra với hy vọng lóe lên trong mắt. Bà Phước Lộc Thọ được dân gắn cho cái danh từ này là vì công tác của bà luôn luôn có kết quả. Trước đây thời Cộng Hòa bà có tên là bà Tư Thần Thông. ‘Bệnh’ dù nặng tới đâu bà chạy cũng ra thuốc. Thuốc của bà Tư Thần Thông là thuốc tiên. Chồng bà thuộc loại ‘thầu bá nghệ’ trừ thầu xây cất. Ông Tư Thần Thông quen thân với nhiều ông lớn có quyền bán trời không mời thiên lôi.
Sang thời cộng sản, bà tư cũng không bị khó dễ chút nào và người ta đồn rùm lên rằng bà cũng có gốc bự phía Bắc. Nghe nói ăn chia tứ lục sao đó, có trời mới hiểu mạt cưa mướp đắng hùng hạp chia chác tỷ lệ thuận ngược thế nào dưới chân dung của bác và được sự lãnh đạo anh minh của đồng chí Ba gác ghi xe lửa Đông Hà. Chỉ thấy bà Phước Lộc Thọ càng ngày càng phát lên, còn ông Tư thì năm ngày đại yến, bảy ngày tiểu yến với các ông kẹ mặt đỏ mặt rằn.
Xã hội này liên tiếp đẻ ra nhiều loại người lạ lùng không ai có thể hiểu được. Một gã chăn trâu liều mạng ôm mìn nhào vô tòa đại sứ, sống sót trở về được lãnh hàm đại úy, còn rủi có tan xác thì được ‘tổ quốc ghi công’ và được mề đay thành đồng Tổ Quốc, còn cha mẹ thì được lãnh bảng vàng treo trong nhà oai một phách. Không thấy bà Tư Phước Lộc Thọ có con nhưng cái loại bảng vàng này bà muốn mấy cái mà không có?
Nam tự coi mình không phải là kẻ vô tích sự nên tìm chỗ ngồi đàng hoàng, chờ phiên mình.
Giải quyết xong các bà khách, bà Phước Lộc Thọ làm việc với Nam. Nam đang bối rối vì không có một đồng xu dính túi, nhưng cứ liều mình xông vô, tới đâu thì tới. Bà Phước Lộc Thọ hỏi ngọt ngào:
- Cháu muốn cô giúp cho việc gì?
- Dạ, cháu đang đi tìm ba cháu nhưng không biết ổng ở đâu thời may gặp một cán bộ chở cháu lại đây.
- Cháu trúng số rồi đó!
Nam ghi tên tuổi đơn vị của ba đưa cho bà Phước Lộc Thọ. Bà nhìn Nam như thầy coi tướng rồi bảo:
- Cháu ở đây với cô. Cô sẽ đi tìm được ba cháu cho cháu. Cháu đi với cô tới các trại rồi cô hỏi dùm cho. Chừng nào tìm được hãy hay.
Thằng Nam đang bối rối vì không có tiền trả công cho bà, chợt nghe bà nói thì mừng líu lưỡi. Đối với nó, nếu ai tìm được ba nó thì đòi điều kiện gì nó cũng nhận.
Đi với bà Phước Lộc Thọ đến các trại thì chắc thế nào cũng tìm ra ba. Nghĩ vậy nó nói:
- Cô tìm được ba cháu thì cô đòi gì cháu cũng chịu.
Bà Phước Lộc Thọ cười run run hai gò má phính:
- Ở, vậy thì được lắm. Hai tía con mày thế nào cũng sẽ gặp nhau.
Bà nhìn thằng bé quần áo tả tơi nhưng gương mặt sáng rỡ, tướng tá lanh lợi, có vẻ khôn ngoan. Bà hỏi chuyện nó một lúc. Bà thấy nó đáng thương hại lại có hiếu với cha mẹ. Còn thằng bé thì không tính toán gì hết. Nó cũng không thê tính toán gì hơn được. Nó nhận tất cả những gì giao kết với bà chủ thầu, miễn là bà đi tìm ba nó không ăn tiền.
Sáng hôm sau, một chiếc xe jeep bầu đỗ ở trước nhà. Một người đàn ông sồn sồn đến. Bà Phước Lộc Thọ chào qua loa và hỏi:
- Xe có tốt không chú Bảy?
- Đường có xa lắm không hả chị?
- Không xa nhưng xấu!
- Đi trại nào đấy chị?
- Võ thị Sáu.
- Dư sức.
Nói vậy rồi người đàn ông trở ra xe coi lại xăng nhớt. Thì ra người cán bộ chở Nam bằng xe đạp hôm qua.
Chập sau bà Phước Lộc Thọ dắt thằng Nam ra xe, vừa đi bà thì thào:
- Con nhớ gọi cô bằng cô nghe!
- Dạ.
Nam lên xe ngồi băng sau. Bà Phước Lộc Thọ ngồi băng trước nói chuyện luôn mồm với chú Bảy tài xế.
Đường đi khúc khuỷu quanh co, xe xốc tưng có cái muốn văng tới trời. Chừng đúng ngọ thì tới nơi. Trại này cũng như mấy trại Nam vừa qua, rào nứa, cổng gỗ, chòi canh, dây chì gai chi chít. Xe đỗ lại trước cổng. Chú Bảy bóp còi e e.. Người lính gác chạy ra thấy bà Phước Lộc Tho, hắn kêu lên:
- Chào Bà Ngoại! - rồi mở khóa lôi bên cánh cửa có bánh xe, hở một khoảng trống vừa đủ cho xe lọt vào. Hắn bảo:
- Đậu bên hông chòi gác nè chú Bảy. Không được vô sân cờ. Bữa nay có ở trên xuống kiểm tra!
- Tiểu hay Trung? - tài xế Bảy hỏi cụt ngủn, tỏ vẻ móc ngoặc ở đây lâu rồi.
- Cả tiểu lẫn trung.
- Vậy thì tốt lăm. Cho tôi vô luôn đi!
- Bà ngoại có muốn thì đi bộ vô văn phòng, để xe ở ngoài nầy.
- Có gì mà quan trọng vậy? Mấy ông ‘bệ hạ’ đó, tôi đã yết kiến nhiều lần rồi ma.
- Đêm qua có ‘sự cố’, mấy ổng đang làm biên bản, nên hơi gắt hơn ngày thường chút.
Bà Phước Lộc Thọ lẳng lặng mở bóp đầm. Rồi:
- Nè, biên bản xong rồi, ký dùm đi!
Người lính từ tốn cầm lấy trong lúc chú Bảy đang quay ra ngoài bật cái zippo đánh ‘bẹng’ một tiếng nhỏ, châm thuốc, khói lên mù mịt. Chỉ có Nam nhìn thấy cử chỉ của anh lính qua làn khói. Anh ta bảo:
- Vô nhanh, cho ngoại xuống văn phòng rồi trở ra liền nghe! Ông quản thấy xe không có giấy phép mà vô tận trong đó sẽ ‘nạo’ tụi tôi.
Bà Phước Lộc Thọ lại:
- Nè, ‘nạo’ dùm luôn đi!
Lần nầy anh lính lại vồ nhanh rồi vô chòi gác. Bà Phước Lộc Thọ nói vói theo:
- Cho tôi gởi thằng cháu chút nghe.
- Được rồi bà ngoại! Để nó đó, tôi giữ cho.
Xe vút đi rồi trở lại đậu bên hông chòi gác. Chú Bảy bảo Nam:
- Mày vô đó kẻo nắng! - rồi chú bật người vào lưng ghế, gác hai cẳng để nguyên dép cao su lên tay lái, phun điếu thuốc xuống đất rồi nhắm mắt lim dim. Bỗng nghe tiếng hát bên trong chòi, chú bật dậy:
- Bài gì nghe hay vậy, ní?
- Bài mùa Hoa nê kim ma lở.
- Hoa nêki ma
- Hoa gì lại lỡ?
- Lỡ tức là lỡ xòe ra đấy bố ạ!
- Đâu hát tiếp thử coi lào. - Bảy tài xế nhái tiếng Bắc.
Giọng kia lại tiếp:
“Mùa Hoa nê ki ma lở ơ
Ở quê ta miền đất đỏ hờ ơ
... Tôi đến hát trước lấm mồ chôn sâu
Người lữ anh hùng... từng từng từng”
- Hay nhỉ! - Chú Bảy gật đầu khen rồi bảo Nam - Mày vô xin chép bài hát đó về hát đi mày. Mày có thuộc nhiều bài hát mới không?
- Dạ cháu thuộc có một bài.
Bỗng thấy bà Phước Lộc Thọ lạch bạch đi ra. Tay bà giơ lên ngoắc lia. Chú Bảy lật đật rồ máy xe quay mũi ra thì bà cũng vừa leo lên ném phịch người lên băng như một bịch muối. Chú Bảy lo lắng hỏi:
- Xuôi không chị?
Bà Phước Lộc Thọ thở hắt ra! Hồi lâu mới nói:
- Mấy ông này mới đổi lại nên tôi không có móc ngoặc kịp. Thôi sang trại khác.
- Trại nào?
- Võ thị...Sáu 2!
Chú tài xế cười:
- Vậy là trại Võ thị Bảy!
- Bậy nào, làm gì có cái trại đó.
- Võ thị Sáu 2 tức là em của Võ thị Sáu, không phải Võ thị Bảy là gì?
- Chú cà rởn không hè.
- Thôi đi mau cho kịp kẻo ‘quát móc’ lỗ sở hụi của tôi hết.
Chú tài xế cho xe lăn bánh ra cổng. Anh lính lúc nãy chạy ra. Cánh cửa có bánh xe vừa di động một tẹo thì có lệnh:
- Xe tốp lại đó!
Bà Phước Lộc Thọ kêu lên:
- Người ta ách mình lại, chắc có chuyện!
Bỗng một người lính ở trong chòi gác chạy ra bảo:
- Cho xe quay vào văn phòng làm việc!
Bà Phước Lộc Thọ lại thở dài ngao ngán:
- Bữa nay xuất hành không coi giờ.
Xe chạy vút vào văn phòng đậu ngay trước thềm. Một người lính đầu mũ sao vàng hẳn hoi bước ra chào. Bà ngoại tưởng mình chiêm bao khi nghe loáng thoáng mấy câu:
- Trung đoàn đang họp. Bà chờ đấy!
Bà Phước Lộc Thọ tính nhẩm ngày tháng, số tiền và sửa soạn miệng để nói những câu cho đúng chánh sách.
Sự chờ đợi không dài hơn 2 phút. Bà Phước Lộc Thọ được mời vào gặp Trung đoàn. Một lúc sau bà trở ra, gương mặt tươi rói. Bà leo lên xe ngồi êm ái vào bảo:
- Đi qua trại Võ thị.. Bảy đi chú!
- Mọi việc xong xuôi hết hả chị?
Bà Phước Lộc Thọ gắt khẽ:
- Chú cứ nghe tôi! Tôi bảo đi là đi. Tôi bảo đến là đến! Mẹ, thơ Tố Hữu tài thiệt!
- Dạ - Chiếc xe phóng ra cổng. Cánh cổng đã mở toang. Người lính lúc nãy còn đứng đó. Anh ta cười toe toét:
- Con chờ bà ngoại trở nại đưa thêm cái biên bản để con ký nhé!
Chiếc xe phóng nhanh làm dậy lên một làn bụi đỏ mù mịt. Thằng Nam bụm mặt để tránh nhưng nó vẫn nghe mũi hơi cay cay. Chạy được một quãng bà Phước Lộc Thọ bỗng kêu lên:
- Thôi chạy thẳng về thị xã, đừng đi Võ thị Bảy!
- Ủa, sao chị đổi ý mau vậy?
- Đừng có hỏi. Tôi bảo đi đâu là đi đó cho tôi.
Xe qua một quãng đường khác bằng phẳng để vào thị xã, nó lăn bánh cán qua một tấm băng trắng mang dòng chữ đỏ nhoe nhoét bùn cũng đỏ, nằm vắt qua mặt đường như một người muốn tự vận bằng xe hơi.
Xe ghé lại một ngôi nhà gạch kiểu mới. Bà Phước Lộc Thọ đi vào khá lâu rồi trở ra với vẻ mặt hớn hở hơn lúc nãy, bảo Bảy tài xế:
- Chú chạy lại mậu dịch ăn cho tôi.
Xe đỗ lại mậu dịch ăn. Hai người hùng đồng bước vào. Thằng Nam lẩn thẩn đi theo sau. Bà Phước Lộc Thọ trỏ cái bàn trống. Ba người cùng đến. Bà kéo ghế rất kêu ngồi lên và bảo tài xế:
- Chú muốn ăn gì thì gọi!
- Dạ bà chủ ăn gì tôi ăn nấy.
Bà Phước Lộc Thọ cười run run cái nọng dưới cằm:
- Bữa nay tôi ăn một cái villa, chú không ăn nổi đâu. Hí hí... nói đùa! - Bà quay lại cô mậu dịch viên hất hàm - Cho ba tô mì thập cẩm đi!
- Bà phải mua phiếu ăn trước chứ ạ!
- Phiếu gì?
- Phiếu ăn ấy mà!
- Ờ.. ờ.. chế độ mới.. Tôi quên mất! Từ ngày bác đảng vô, tôi không có ăn nhà hàng nên không biết. Ai muốn no phải ăn giấy nhà hàng.
Cô mậu dịch trả lời nhỏ nhẹ:
- Dạ đây không phải là nhà hàng. Nhà hàng là của Mỹ Ngụy. Còn đây là Mậu dịch ăn của chính phủ ạ!
- Chỉ ăn thôi, không có uống à?
- Dạ muốn uống, xin mời bà sang mậu dịch giải khát bên kia đường.
Ăn mì xong bà Phước Lộc Thọ móc bốp ‘buộc boa’ cho cô bán phiếu. Cô này lắc lia:
- Chúng tôi không chấp nhận lối khinh thị người phục vụ của đế quốc như thế!
Bà Phước Lộc Thọ ngẩn tò te không hiểu mình đã khinh thị cô ta như thế nào. Nhưng bà vui vẻ duối tờ bạc trở vào bốp:
- Đã thế càng tốt, ta không mất tiền.
- Chú chở tôi lại số 46 đường Võ thị Sáu, tức là con đường chính của thị xã.
Chú Bảy nó:
- Sao đâu cũng có Võ thị Sáu hết vậy. Chia bớt cho Võ thị Năm, Võ thị Bốn có phải công bình hơn không?
Bà Phước Lộc Thọ trừng mắt:
- Chú đừng có đùa. Võ thị Sáu là chiến sĩ cách mạng cho nên bây giờ tên cô mới được lấy đặt cho trại cải tạo và đường phố thấy chưa? Đó là cách trả công của cách mạng.
Chú tài nói:
- Tôi có đùa gì đâu. Tôi nghe nói cô Sáu làm cách mạng bị bỏ tù ngoài Côn Đảo nên mới được vinh quanh như ngày nay. Tôi mong sao cô ấy còn có chị có em để gia đình thêm đông đúc và vinh quang hơn nữa. - Vừa nói đến đó thì chú tai bảo luôn - Đây là số 42 Võ thị Sáu đó bà chủ.
- Vậy hả! - Bà Phước Lộc Thọ chỉ ngó vào chớ không nói gì thêm rồi bảo chú tài lài xe về nhà.
Trời cũng vừa lọ mặt người. Ông Phước Lộc Thọ đã đứng sẵn ở trên thềm hỏi vọng xuống:
- Thế nào mình?
- Đạt kế hoạch nhà nước năm chăm phần chăm rồi ông ạ!
Ông Phước Lộc Thọ nhảy tưng lên. Bà gạt ra, khoát tay cho xe chạy còn dặn vói theo:
- Mai tới sớm nghe. Đổ xăng cho đầy!
- Xăng khó tìm lắm bà chủ. Nó pha giống gì hay nghẹt kim xe lắm.
- Mua giá chợ đen, bao nhiêu tôi trả cho!
- Năm chăm phần chăm như kế hoạch nhà nước đấy.
- Đã bảo bi nhiêu bi mà!
Ông Phước Lộc Thọ mở cửa đợi cho bà vút vô nhà rồi đóng phập lại. Ông đến ngồi phệch xuống bên bà, rủ rỉ:
- Thế nào 5 chăm phần chăm hả mình?
- Tưởng rủi ai dè may! - Chợt thấy thằng Nam đứng xớ rớ ở góc phòng bà bảo:
- Con đi nấu cơm đi. Ủa ăn mì đằng mậu dịch rồi! Thôi nấu nước pha cà-phê cho cô dượng! - Rồi hai vợ chồng vào buồng.
Thằng Nam vừa nấu nước vừa lắng nghe câu chuyện lọt ra từ buồng. Bà Phước Lộc Thọ nói:
- Mấy ông này mới đổi lại. Tôi tưởng ‘đứt chến’ rồi chớ. Chẳng dè lại ‘đậu chến’ hơn.
- Đâu mình nói cho rõ để tôi phụ đề Việt ngữ chút coi.
- Số là vầy!
Vách buồng bằng ván mỏng có khe thưa. Có lẽ trong nhà chỉ hai ông bà độc lập. Con cái ở xa nên không cần phải giữ bí mật với ai. Do đó thằng Nam nghe trọn vẹn câu chuyện không sót một tiếng nào.
Bà kể lể:
- Ông tá đỏ bắt được một ông kẹ xanh rồi cho quản giáo trại cô Sáu. Ông tá biết ông kẹ xanh cấp tướng phải đưa ra Bắc cải tạo nhưng ông cố tình giữ lại vì ông tự biết ông kẹ xanh có nhà cửa và tài sản ở đây. Ông tá biết thế nào thân nhân cũng tìm tông tích ông kẹ xanh. Thì quả thật hôm nay tôi đến. Tôi đến là do ba cái vụ thăm nuôi cò con cấp úy, nhưng ông vồ lấy tôi ngay.
- Ông ta ‘vồ’, rồi bà cũng để yên cho ông ta vồ à?
- Là nói thế thôi, cái ông nầy! Vồ có nghĩa là mừng quýnh lên và bắt mối làm ăn ấy mà.
- Rồi sao nữa?
- Để yên cho tôi nói đã. Ba cái răng rụng hết trơn làm như con nít bú ấy!
- Chút chụt...ờ thôi nói tiếp đi!
- Ổng đưa tôi cái địa chỉ của ông kẹ, bảo tôi liên lạc với gia đình. Bản hợp đồng thế này: thăm nuôi hằng tháng suốt thời gian tù thì mụ vợ phải ký “tự nguyện hiến cho chánh phủ vườn cà phê 5 mẫu”. Còn nếu muốn cho chồng làm nhẹ việc khổ sai thì phải thêm 10 mẫu trà blao trên vùng cao.
- Sao ông tá biết rõ tài sản người ta như vậy?
- Cái ông này ngây thơ quá ta! Nằm trong hầm tối lại đói lên đói xuống, giống gì lại không khai? Bây giờ ông kẹ đã được ra ngoài nằm giường ăn khẩu phần tù thường. Hằng tuần có người của ông tá đến phụ nhỉ Quản giáo phải cho phép đặc biệt, đối xử đặc biệt, cái gì cũng đặc biệt hết á.
- Hừ... hừ...
- Bảo nằm im cho người ta kể..ể..! Nhưng nếu trong vòng một háng mà vấn đề cứ dẫm chân tại chỗ thì một là sẽ trở lại hầm tối, hai là bị đưa đi nơi nào đó không ai biết.
- Vậy ra chế độ mới cũng có nhiều chuyện đặc biệt nhỉ...ỉ! Rồi bà làm sao?
- Tôi sẽ đi Sài gòn để tìm bà kẹ vào bảo là ông kẹ sắp chết, nếu bà ta tiếc của thì ông kẹ sẽ bỏ đời... Người sống đống vàng... nọ kia.
- Ở bà đi Sài gòn sớm sớm đi. Nhưng phải coi chừng. Cọp 30 nghều ngoài đường lúc nào nó cũng vồ bà được hết đó. Xong rồi bà có được xơ múi gì không?
- Phần tôi thì cái villa đường Võ thị Sáu.
- Bắt bà kẹ làm giấy tờ, đưa cho cán bộ thị thực xong rồi mới tiến hành. Như vậy mới nắm đằng chuôi nghe bà!
- Ông lo dọn dẹp nhà cửa đi. Tôi đi Sài gòn về là mình đến đó để ở.
Thằng Nam đã nấu nước pha cà phê xong. Nó đến gõ cửa buồng. Ông Phước Lộc Thọ bước ra. Bà hớt hải:
- Nãy giờ mày ở đâu nhỏ?
- Dạ con ở đàng sau bếp.
- Mày có nghe gì không?
- Dạ, cái ấm nước sôi reo to quá!
Bà Phước Lộc Thọ không tin nhưng bà nghĩ: bà cái chuyện này nó có biết cũng không sao. Nghĩ vậy bà nói:
- Ba cháu không có ở trại này. Để mai cô đi Sài gòn hỏi thăm. Nếu ba con bị đưa ra miền Bắc thì cô sẽ gởi xe cho con đi. Cô hứa...
Thằng Nam không đợi bà Phước Lộc Thọ nói hết câu, đã ‘dạ’ một tiếng to. Dù chưa biết chắc bà hứa những gì. Nhưng dù bà hứa những gì thì cứ coi như không có hứa gì hết. Thế là yên tâm.