hành phố nườm nượp những người. Với tất cả các phố lớn và vô số ngõ ngách, A-ra-ben-la giống như một mê cung khổng lồ, nhưng đã được người ta nắm rất vững Có thể tin chắc là như thế vì chúng tôi thấy dân chúng A-ra-ben-la tìm ra rất nhanh và chính xác con đường đi đến đại lộ Dấu phép tính rộng thênh thang. Từ khắp mọi nơi, những người tí hon tươi vui, sôi nổi đều dồn về đây. Trẻ có, già có, người vội vã, kẻ khoan thai, người ba hoa, kẻ ít lời, người cười đùa, kẻ đăm chiêu. Tuy đông đúc thế nhưng không ai đụng ai, không ai giẫm chân ai cả. Nhiều người gật đầu thân thiện chào chúng tôi, có người còn bắt tay chúng tôi nữa. Tóm lại họ đối xử với chúng tôi như những người thân thuộc. Hai bên đại lộ san sát những tòa nhà dài có vô số cửa quay. Các người tí hon chốc chốc lại nhảy tọt qua cửa rồi lại quay ra ngay, tay xách những chiếc va li con, trong va li có cái gì kêu lanh canh nghe rất êm tai. Đâu đâu cũng thấy treo biển đề dòng chữ lớn: KHO CHỨA DẤU CÁC PHÉP TÍNH Phía dưới lại có dòng chữ khác nhỏ hơn một chút: HÃY TIẾT KIỆM CHỮ THẬP - Chữ thập là gì nhỉ? - Xê-va thắc mắc - Tại sao lại phải tiết kiệm chữ thập? Bỗng từ khung cửa quay có một cô nữ sinh nhảy vọt ra, trên đầu cô tết ba cái bím trông thật ngộ nghĩnh. Đó là cô bé Số Ba xinh xẻo. - Bạn Số Ba ơi, va li của bạn đựng gì đấy? - Xê-va hỏi cô bé. - Xin chào bạn! - Số Ba lễ phép đáp. - Chết! Tôi quên béng mất. - Xê-va chợt nhớ ra - Xin chào bạn! Bạn có thể cho biết cái gì kêu lanh canh trong va li được không? - Dấu phép tính. - Số Ba chỉ vào tấm biển - Ở đây chẳng đề rành rành là gì. Chẳng lẽ bạn không biết đọc sao? - Biết chứ, nhưng tôi không hiểu các dấu ấy như thế nào và chúng tính ra sao. - Ờ, không phải thế đâu! Các dấu không thể tự mình làm tính được. Chúng chỉ giúp người khác làm các phép khác nhau mà thôi. - Phép tiên ấy à? - Xê-va hỏi. - Cũng không phải thế. - Số Ba bện chặt bím tóc lại - Không phải phép tiên mà là các phép tính số học. - Hiểu rồi: cộng, trừ, nhân, chia chứ gì. - Và nhiều phép tính khác nữa. - Còn phép tính nào khác nữa? - Ta-nhi-a ngạc nhiên hỏi - Ngoài bốn phép tính ấy ra chẳng còn phép tính khác nào nữa. - Bạn nói sao? - Số Ba thốt lên - Ngoài các phép tính số học ra còn có những phép tính khác hẳn, như phép tính đại số chẳng hạn. Ta-nhi-a nhún vai: - Mình không biết các phép tính ấy. Mà cũng chưa bao giờ nghe nói là khác. - Thật à? - Số Ba sửng sốt khoát tay. Bỗng nghe đánh choang một tiếng. Chiếc va li nhỏ rơi xuống đất, mọi thứ tung tóe cả ra ngoài. Chúng tôi vội vàng nhặt lên cho cô bé. Thôi thì đủ thứ bà dằn! Nào dấu chấm, dấu phẩy, nào gạch ngang, gạch ngang dài, nào dấu chữ thập, ngoặc tròn, móc vuông, móc nhọn và còn vô số những dấu chẳng ai hiểu là gì nữa. - Ôi mình hậu đậu quá! - Số Ba ân hận. - Phải có ý hơn mới được. Các dấu này quan trọng lắm đấy. Ví dụ như cái gạch ngắn này. Nếu quên không dặt nó giữa hai số thì ai mà đoán được phải lấy số thứ nhất trừ đi số thứ hai. - Đấy là dấu trừ. - Xê-va láu táu nói. - Dĩ nhiên! - Số Ba vui vẻ nói. - Nhưng nếu tôi đặt hai gạch ngang này cái nọ trên cái kia, thì không phải là hai dấu trừ nữa, mà là… - …dấu bằng. - Xê-va không kìm được miệng. - Bạn biết hết cả rồi còn gì nữa! Có lẽ tôi chẳng cần phải giải thích gì thêm nữa. Chẳng hạn như cái dấu chữ thập này… - Là dấu cộng. - Xê-va tiếp lời. - Nhưng tại sao ở đây lại treo biển “Hãy tiết kiệm chữ thập”? Chẳng lẽ ta nên cộng in ít thôi hay sao? - Ồ, bạn nói gì lạ vậy? - Số Ba cười vang - Tha hồ cộng chứ, muốn cộng bao nhiêu cũng được. Nhưng có cái phiền là chữ thập vừa dùng làm dấu cộng vừa dùng làm dấu nhân. Muốn nhân thì chỉ cần đặt chữ thập đứng dạng chân như thế này: X. Cho nên chúng tôi không đủ dấu thập, và chúng tôi phải thay bằng dấu chấm. - Nhưng dùng dấu chấm thì dễ lẫn với dấu chấm câu lắm! - Không đâu, không đâu! - Số Ba xua tay. - Rất đơn giản thôi: dấu chấm này đặt cao hơn dấu chấm câu một chút. - Thế còn cái này là cái gì? - Xê-va lấy trong va li ra một cái hình con con trông rất ngộ và hỏi Số Ba. - Cái vợt bắt bướm à? - Bạn này buồn cười tệ! - Số Ba phì cười. - Đấy cũng là một cái dấu. Nó dùng để khai căn các số. Tên nó là dấu căn. - Chẳng lẽ các số cũng có căn cứ y như quân lính hay sao? - Xê-va cười hỏi. - Khiếp quá! - Số Ba kêu lên. - Cái gì bạn cũng cứ hiểu như theo nghĩa đen thôi. - Thế nhưng căn là cái gì cơ chứ? - Cho phép tôi được trả lời bằng một câu hỏi: ba lần ba là mấy? - Tất nhiên là chín. - Giỏi đấy! Nhưng chắc bạn không biết mình đã làm một phép tính rất quan trọng và hay ho: bạn đã nâng số ba lên lũy thừa! - Đâu có! - Xê-va phản đối. - Tôi chỉ nhân số ba với chính nó thôi chứ. - Đúng thế. Nhưng đấy cũng là phép tính nâng lên lũy thừa và là lũy thừa bậc hai. - Có lẽ còn lũy thừa bậc ba nữa hay sao? - Ta-nhi-a hỏi. - Dĩ nhiên rồi. Muốn thế phải nhân chín với ba một lần nữa. - Nghĩa là ba nhân với ba rồi lại nhân với ba, và đấy là lũy thừa bậc ba của ba phải không? - Ta-nhi-a nói. - Rất đúng. Cho nên lũy thừa bậc ba của ba bằng… - … hăm bảy. - Ta-nhi-a tiếp luôn. - Thành ra có thể cứ làm như thế mãi không cùng! - Xê-va nhận xét. - Bạn nhận xét đúng quá! - Số Ba phục lắm. - Đúng là không bao giờ hết. Và ta sẽ được các lũy thừa bậc bốn, bậc năm, bậc sáu… - Hay nhỉ! - Những chúng ta hãy quay trở lại câu hỏi lúc đầu. - Số Ba tiếp tục. - Lúc nãy bạn hỏi tôi căn là gì? Ta hãy bắt đầu từ ba lần ba là chín. Bây giờ tôi hỏi bạn ngược lại: phải nâng số nào lên lũy thừa bậc hai để được chín? - Phải nâng số ba. - Xê-va trả lời ngay. - Bạn thấy đấy, ta đã tìm ra con số nâng lên lũy thừa bậc hai thì thành chín. Đó là số ba. - Phép tính này gọi là phép khai căn phải không? - Ta-nhi-a hỏi. - Đúng thế! - Số Ba vui vẻ nói. - Và người ta ký hiệu nó bằng dấu căn. - Thế mà cậu tưởng đấy là cái vợt bướm. - Ta-nhi-a châm chọc. Xê-va giơ cao tay, trịnh trọng tuyên bố: - Xin thề là từ nay tôi sẽ luôn luôn nhớ căn của chín là bao nhiêu. - Ấy, đừng tưởng là căn của chín lúc nào cũng bằng ba! - Số Ba góp ý. - Còn tùy thuộc vào vấn đề căn bậc mấy nữa cơ. - Sao, - Xê-va ngơ ngác. - chẳng lẽ các căn lại khác nhau sao? - Khác nhau hoàn toàn! Có căn bậc hai, căn bậc ba, căn bậc bốn. Vấn đề này lúc khác các bạn sẽ tìm hiểu. Còn bây giờ tôi xin lỗi, tôi phải đến quảng trường Chúc Phúc kẻo muộn. Cô bé Số Ba xách va li, ba chân bốn cẳng chạy đi. Lúc này chúng tôi ngoảnh lại mới biết cô bé Số Bốn có chiếc nơ cài trên tóc đã biến mất từ lúc nào. Chúng tôi bàn nhau và quyết định dạo chơi một mình vậy. Như thế cũng không có gì khó khăn cả vì tất cả mọi người dân thành phố lúc này đều đi cùng một chiều.