rong cái đám con nít tuổi chừng 9 hay 10 thì chị lớn nhất chị hơn chúng tôi tới năm tuổi. Mười lăm tuổi với cái thân hình ốm tong teo, không biết chị mang tội tình gì mà khi vừa chào đời đã bị ông trời bắt phải đui mù một con mắt. Nhìn đời bằng một con mắt là nói lên cái vẻ ngạo nghễ, thách thức như người ta ví von. Còn chị mỗi khi muốn nói hay muốn nhìn ai thì phải nghiêng hẳn khuôn mặt về phía một bên để tập trung, với con mắt phải duy nhất nheo nheo có vẻ khó khăn, nhấp nha, nhấp nháy để nhìn người đối diện cho rõ ràng. Cái vẻ ngạo mạn đâu không thấy, chỉ thấy chị trông thật tội nghiệp và không chấp nhận, cũng phải cam chịu khi hàng xóm từ người lớn cho tới con nít gán theo sau tên cúng cơm của chị một chữ " lé ". Như một dấu ấn trên số mệnh của kẻ tật nguyền.
Chị bị mất cha khi ông đang vận chuyển số hàng bất hợp pháp đi qua vùng cấm địa trong thời kỳ chiến tranh. Một quả mìn rơi trúng vào người và đã chết tan xác. Mạ chị vật vã khóc than khản tiếng với 5 đứa con thơ nhỏ dại. Bên mộ huyệt lạnh lẽo trong bãi tha ma khô cằn, cỏ cây vàng úa. Gia đình chị đứng nhìn cái quan tài thô sơ,để gói lại cái đóng thịt bầy nhầy, xương cốt vụn vỡ của người chồng, người cha. Chết không toàn thây chắc đời con cái phải mạt vận. Không biết lời trù nguyền của ai có sẳn bỗng dưng giống như một bức màn đen tối chùm phủ lên gia đình của chị kể từ khi chôn cất người cha bạc số.
Mạ chị, người đàn bà năm con vẫn còn xuân sắc mới đây thôi mà một sớm, một chiều theo đời cơm ăn, áo mặc đã cằn cỗi héo khô. Chị là con gái lớn vừa xấu vừa đần độn thật thà. Cha mất chị phải bỏ học ngay tức khắc để ở nhà trông coi cả lũ em vừa mất dạy vừa hỗn hào. Chị một tay chăm sóc nhà cửa, hàng ngày gánh nước từ dưới bờ sông về nhà, cả chục đôi nước trên đôi vai trơ xương, làm cho cái đòn gánh nghe kẻo kẹt với sức nặng của hai cái thùng thiếc to, bàn chân chị nhỏ gầy bấu mạnh từng bước đi trên con đường đất cát sỏi dốc ngược từ dưới sông đi lên bờ, rồi phải đi thêm một quảng đường dài từ bờ sông để đưa nước về căn nhà nhỏ tận sâu trong khu xóm.Cơm nước mỗi ngày cho các em, nói tiếng là cơm nước, nhà chị chỉ có nồi cơm với loại gạo rẻ tiền nhất, thức ăn chỉ một miếng mở heo bằng nửa bàn tay, được rán lên rồi với một cục mắm ruốc được đánh tan với nước cho vào nấu sôi lên để chan vào cơm làm thức ăn gần như mỗi ngày.
Có hôm tôi chứng kiến cô em kế của chị đã chan hết phần nước ruốc của chị, chị chỉ bầu nhầu " răng mi không trừa cho tau ". Thế là chị cũng như tôi thật bất ngờ trước hành động của cô em. Cô ta cầm chén cơm cùng mắm ruốc hôi hám đổ trút lên đầu của chị. Tôi đứng sửng nhìn, còn chị mếu máo khóc cũng không dám vì chị thừa biết khi mạ chị đi buôn bán về tới nhà thì lỗi hay phải không cần biết từ nơi ai, chị là người sẽ bị một trận đòn thật tàn nhẫn dưới làn roi tới tấp như người ta tra khảo tù nhân. Tôi nhìn thấy nhiều lần chị bị đánh, nhiều lần nhìn thấy trong ánh mắt của người mẹ long lanh giận dữ, bà coi chị như một thứ nghiệp chướng, coi chị như kẻ thù về tìm bà đòi trả nợ mà bà đã vay đâu trong tiền kiếp?. Bà nghĩ thế cũng có cái lý của bà vì trong tất cả những đứa con, chị là đứa con xấu xí ngu ngốc, lại thêm cái tật khi nói chuyện còn bị cà lăm càng làm cho bà mất mặt, mất thể diện khi thấy trong ánh mắt của người đời. Những đòn roi giáng xuống thân thể chỉ còn da bọc xương của chị, cả đám em không có ai xót thương, trái lại trên gương mặt khi nhìn chị đau quằn từng lằn roi trên thân thể lại có vẻ thoả mãn, hả hê che giấu nụ cười với ý nghĩ " cho đáng kiếp ". Còn chị thì vẫn cúi đầu chịu đựng, dẫu có muốn phân trần thì lời nói cà lăm càng làm cho người nghe thêm phiền, thêm điên tiết cơn giận thêm hơn nữa.
Tôi với chị cùng ở chung một xóm, cùng có một chuỗi ngày lớn lên bên nhau trên quê hương, chị rất thương tôi, coi tôi như một cứu cánh, bởi chỉ có tôi mới chia sẻ, an ủi những nỗi đau uất ức của chị đang gánh chịu. Chia sẻ những món đồ ăn ngon mà tôi thường hay nhịn bớt để dành riêng cho chị. Lúc tôi còn bé chị đi đâu cũng muốn đi cùng với tôi, được thể là tôi nhõng nhẽo bắt chị làm những gì mà tôi thích. Ngày xưa nơi thành phố tôi ở, đường phố đâu có nhiều xe cộ, có những còn đường thật vắng hoe ít người qua lại, tôi thích nhất con đường đi ra bờ sông, hai bên trồng đầy cây hoa phượng, mùa hè chị leo lên cây hái trái phượng về chẻ lấy hột bên trong cho tôi ăn, hái hoa phượng cho tôi làm thành hình con bướm ép vào vở học. Những lúc đi tôi mỏi chân là nhảy lên lưng chị bắt chị cõng, chị quen công việc gánh nước nên chuyện cõng tôi chẳng nhầm nhò gì với sức mạnh của chị. Nhiều lúc mạ chị bị bệnh, chị thay mạ chị đội cái thúng đan bằng tre thật to, thật là nặng nề trên cái đầu bé nhỏ của chị để đi bán hàng rong quanh thành phố. Khi thì chị bán mía cây chặt ra từng khúc, khi thì kẹo đậu phụng, khi thì bánh tráng nướng. Trong suốt kỳ nghỉ hè tôi cứ thế mà đi theo cùng chị nên chị vui lắm. Hình như chị cảm thấy hạnh phúc hay sao rồi cứ tủm tỉm cười hoài.
Cho tới ngày chị biết gia đình tôi phải bỏ xứ ra đi lập nghiệp nơi phương xa, chị hốt hoãng tìm tôi với đôi mắt rớm lệ, miệng mếu máo nói " mi đi rồi ai chơi với tau? ". Tôi lúc đó tuy còn nhỏ nhưng trong lòng cũng biết thắt thỏm lo âu cho cuộc sống về sau của chị. Tôi sợ chị bị ăn hiếp, rồi khi chị tủi thân chẳng có ai để an ủi chị. Tôi vội nắm tay chị thật chặt kéo vô nhà đi tìm ba mạ tôi xin cho chị được đi theo với gia đình mình. Chuyện cũng chẳng gì khó khăn bởi chị giống như là cái gai nhọn trong tim, cái gai cần phải nhổ đi trong mắt nhìn của người mẹ không hề thương yêu đứa con khi sinh ra trời đã bắt xấu xí, khù khờ. Nên mạ tôi vừa mở lời xin chị làm con nuôi là được mạ chị vui vẻ chấp thuận ngay tức khắc.
Hôm gia đình tôi chuẩn bị ra ga xe lửa, chị một mình vội vã chạy theo với một tay nải nhỏ trong tay gói chừng hai bộ đồ. Dưới cơn mưa phùn lác đác rơi rơi, chị chạy đến bên tôi đưa tay nắm thật chặt tay tôi. Tôi cảm giác ra bàn tay chị run run như đè nén biết bao cảm xúc. Nỗi vui trong con mắt duy nhất long lanh chực tràn dòng lệ, còn con mắt còn lại, sau cái màn trắng đục ngờ dẫu chị không nhìn thấy, nhưng trong cái tròng mắt vô hồn đó nước mắt cũng thi nhau mà ứa ra. Tôi không biết tự trong trái tim của chị đã nghĩ gì, không biết chị buồn hay vui khi chị từ bỏ người mẹ giống như một ác phụ, từ bỏ đám em như một lũ âm binh đầu trâu mặt ngựa. Nhưng tôi tế nhị không hề hỏi tới bởi đó là những người cùng chung với chị một dòng máu. Tôi chỉ biết mừng cho chị kể từ khi tiếng còi tàu xe lửa bắt đầu thét lên, những chiếc bánh sắt sục sịch trên hai con đường rầy để rời bỏ sân ga nhỏ nơi quê hương tôi.Chúng tôi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún. Còn chị thì rời bỏ những tháng ngày không hề tìm thấy cho chị một mùa xuân tươi vui nào cả trên từng tuổi đời của chị đã đi qua.
Chị đã theo gia đình tôi, chịu biết bao thăng trầm lênh đênh, biết bao vui buồn trong cuộc đời. Như vậy cũng đã mấy mươi năm. Ngày gia đình tôi chuẩn bị qua định cư ở Mỹ, chị nhất định ở lại để giữ căn nhà hương hoả, nhất định giữ lại căn nhà để thờ phượng người chị cả của chúng tôi chết tại nơi đó. Chị trung thành với gia đình tôi, mọc thành những dây rễ bền vững của gia đình, cùng chúng tôi hoà máu mủ chung nhau trên nhánh cây gia tộc. Chị luôn hãnh diện nói với nhiều người khi bất cứ ai có vẻ tò mò về thân thế của chị: " Đây mới là gia đình của tôi, ba mạ và các anh em tôi họ ở bên Mỹ ".
Năm 2002 tôi trở về lại quê nhà, chăm chút lại sức khoẻ của chị bằng những chai thuốc bổ, chăm chút lại da mặt của chị bằng những hủ kem dưỡng da thật tốt. Người chị nuôi của tôi đã hoàn toàn lột xác, chị sống một mình trong căn nhà lầu hai tầng, chị mở cửa nhà buôn bán nhỏ cho vui, bởi chị không muốn làm phiền gia đình gửi tiền về giúp đở, vì cho dầu chị có ngu đần cách mấy, chị cũng rút lấy kinh nghiệm khi bất cứ ai đi đến ở một nơi lạ lẫm từ tiếng nói lẫn màu da, rồi để bắt đầu lại từ một con số không sẽ phải gặp rất nhiều trở ngại với bao điều khó khăn bỡ ngỡ của buổi ban đầu. Và với quyết định khôn ngoan, chị cho mướn một tầng lầu để lấy tiền trang trải trong cuộc sống. Một mình sống thật an nhàn thoải mái trong chuỗi ngày cuối cuộc đời của chị.
Người thân trong dòng họ của tôi thì còn nhiều,con dì, con cậu. Nhưng tự trong lòng của tôi, tôi luôn nghĩ về chị. Chị mới là người thân duy nhất của tôi bởi giữa chúng tôi đã có lúc cùng chung biết bao kỷ niệm, cùng nhiều nỗi hạnh phúc hay hoạn nạn chúng tôi đều luôn gắn bó bên nhau.
" Giọt máu đào hơn ao nước lã "
Câu nói này với thời đại bây giờ tôi thấy không còn đúng nữa, mỗi ngày đọc tin tức qua báo chí, tin tức khắp nơi trên thế giới, nhìn thấy con giết cha mẹ để lấy của, hay chị em, anh em tìm đủ mọi thủ đoạn để tranh đoạt quyền lợi. Thời đại đã đổi thay, tình người cũng nhợt nhạt để biến thành vô cảm. Cái giọt máu đào nhạt nhẽo, lạnh tanh không tình người đó thì còn có ý nghĩa gì nữa đâu...
Mầu Hoa Khế
July.2010
Viết tặng chị Lan
 

Xem Tiếp: ----