Tôi miễn cưỡng gõ cửa. Chỉ có một mình ông cậu tôi trong phòng. Tình thế đó càng xúi tôi nên rút lui, mặc dù đã đội mưa đi trong
đêm thứ bảy, bỏ buổi xi nê với bạn gái lại phải leo ngót chín từng lầu để tới đây.
Nói chung, từ lâu tôi rất sợ đối diện với cậu Năm tôi, tôi sợ bị rầy về tác phong, về nhân sinh quan, nhất là từ ngày cậu tôi về hưu lần
thứ chín này. Cậu là sĩ quan cấp tá, đã từng là sư trưởng và rất nhiều chiến công, thế mà về hưu lại ở nhà của mợ, cán bộ công ty cơ khí.
Từ khi tôi lớn lên cậu cũng là mẹ gần gũi tôi, thay cho cha mẹ tôi ở quê.
- Ngồi xuống đó, chờ cậu một lát nghen - Cậu không bắt tay tôi như lệ thường vì tay đang dơ - một chút nữa là xong ngay? Cháu thấy
có gì lạ không? Thấy chưa nè?
Đối với tôi, sau một năm không về thăm cậu, bây giờ trông cái gì cũng lạ. Gian phòng lộng gió bỗng nhiên trang trọng lạ thường. Trên
tường, sáng khuôn mặt ba người anh tôi đã hy sinh (cậu tôi có ba người con trai, thì cả ba đều hy sinh). Bộ salon tiếp khách được lau
chùi sạch bóc bàn con với bộ đồ trà kỳ cọ sáng trưng. Và tôi vừa kịp nhận ra điều lạ nhất: chậu hoa quỳnh đặt trên mặt đôn sành hình
trụ, màu à. Ba đóa hoa quỳnh bụ bẫm cỡ búp sen đang hé nở.
- Cậu đang chuẩn bị để đón hoa quỳnh nở đợt đầu tiên trong năm, cuối tháng năm - cậu tôi nói trong khi đang lui cui cắt tỉa những lá
quỳnh đèo hoặc đã cỗi, phun nước rửa sạch bụi trên lá và lau sạch bụi nước rơi - cháu có dịp nào xem quỳnh nở chưa? Rồi cháu sẽ
được thấy lẽ sống tuyệt vời của một loài hoa.
ổng lại lắc đầu "lên lớp" một bài học về lẽ sống. Tôi trộm nghĩ và bụng bảo dạ, đừng có quên mà nói ra -nhưng chẳng lẽ không góp
chút gì vào niềm vui tuổi già của cậu tôi?
- Thưa cậu, cháu có đọc tin được biết các chiến sĩ phía Bắc tặng ca sĩ miền Nam ra phục vụ một đóa hoa quỳnh, chắc là thứ quỳnh này?
Mái tóc bạc phơ, chân mày cũng bạc cậu nhìn tôi qua cặp kính lấp lánh, ánh mắt long lanh, rồi cậu bước tới xoa đầu tôi như thuở tôi
còn bé. Tôi chờ đợi để nghe những lời giáo huấn. Nhưng tuyệt nhiên không có, đây là điều làm tôi ngạc nhiên
- Chính là cái thứ quỳnh mà cháu đang ngắm đây - Cậu Năm chỉ vào những đóa hoa quỳnh đang chúm chím nở - Rồi cháu sẽ biết đây
là thứ quỳnh nào. Quỳnh cũng có nhiều loại, có loại hoa dại như bông súng, với vẻ đẹp đồng nội, có loại thanh cao như hoa sen. Cậu
đã loại bỏ nhiều loại, chỉ giữ lại một loại quý giá nhất mà cháu đang thấy đây. Đêm nay cháu ngủ đây với cậu sẽ thấy quỳnh này quý
ra sao. Hãy ngủ lại đây với cậu. Đêm nay, sau khi xong xuôi, chỉ còn lại cậu cháu mình.
Có tiếng gõ cửa, cậu tôi xăng xóm mặc áo, mở cửa rước mấy người bạn già, khách của đêm hoa quỳnh nở. Tôi đoán thế, vì nghe được
những câu chào đầy nhiệt tình: "Đêm nay, quỳnh tôi cũng có một bông". "Tôi cũng vậy, đáng lẽ là bảy bông, nhưng chẳng biết sao, nó
vừa nhú ra đã đỏ úa và rụng". "Nè, trong khi hoa nở, cấm các "đạo sĩ hoa quỳnh" hút thuốc trong phòng, sợ làm ô uế mùi hương tinh
khiết". "Ôi trời ơi tuyệt. Ba bông kia à. Mới hé nở mà đã thơm rồi"
Mọi người nhanh chóng ngồi vào bộ salon một cách trang trọng như đã có quy ước sẵn. Trong khi đó, cậuNăm tôi pha trà, mở đúng cái
hộp đựng trà móc câu, cho đúng ba muỗng nhựa trà vào cái ấm gan gà - mà cậu tôi vẫn dùng từ ngày còn ở trong rừng. Trà được rót ra,
đổ vào mấy lượt, cho thật "tới chữ" rồi mới được rót chia đều trong năm cái chung mắt trâu. Tôi tự biết rằng, mình cũng đã được cậu tôi
dành phần bình đẳng với các vị khách cao niên.
- Bữa nay có thằng cháu ruột đến chơi - Cậu Năm chỉ tay về phía tôi - còn đây là các bác trong chung cư - Cậu hướng mặt về phía các
ông khách - Tôi có thằng cháu trai độc nhất đang học quay phim, lại trúng nghĩa vụ quân sự, chưa biết nó tính sao đây.
Cậu Năm nói, giống như vừa chợt nghĩ ra cái chuyện tôi trúng nghĩa vụ quân sự, cái chuyện hơi khó xử về phía gia đình, cơ quan và cả
tôi nữa. Chẳng qua là vì cái vai trò độc nhất của đứa con trai là tôi trong nhà và cả trong họ, lại là đứa đang mê nghề quay phim. Cả nhà
đang bán tán, còn cơ quan thì đề nghị lên Hội đồng tuyển quân xét miễn. Chỉ riêng cậu Năm thì dứt khoát bảo tôi phải xác định thái độ
là đi. Vậy mà bây giờ, cậu nói tỉnh như không: chưa biết nó tính sao đây.
Tôi biết rằng, câu chuyện về tôi chỉ có thể tạm dừng lại đây. Vào thời điểm này, chủ đề chính đang là ba cái bông quỳnh đang nở vô số
cánh trắng như tuyến, nõn nà trinh bạch và thánh thiện hơn tất cả những cánh hoa trắng khác trên đời. Nhụy hoa màu hoàng kim, mang
dáng hình chiếc thuyền rồng đang lướt tới. Nhưng, có lẽ đặc biệt nhất là mùi hương hoa quỳnh. Nó dìu dịu, đằm thắm, như kết tinh của
tất cả những gì mộc mạc nhất của hương hoa đồng nội, trong đó có thoảng mùi bông bưởi bông cau, bông lúa, bông dừa, cả mùi của
gió và trăng.
Mọi người lặng đi, chỉ ừ-à, xuýt xoa, hít hà cho đến hết hai tuần trà đầu tiên, khi đóa hoa đã xoè tròn, phô hết sắc hương làm mê đắm
giác quan con người, những câu bình luận mới bắt đầu.
- Một loài hoa tuyệt vời như thế này mà lại nở về đêm, thật là một thiệt thòi cho nhân loại - Vị khách thứ nhất hào hứng tuyên bố: Nếu
tôi là nhà khoa học, tôi sẽ cải tạo nó nở đúng vào buổi bình minh.
- Này cháu - Vị khách thứ hai quay sang tôi - có thể chụp ảnh hoa quỳnh được không? Chú muốn nói đến một kiểu ảnh naturel, thật
như thiên nhiên, như đoá hoa quỳny trong ánh trăng thanh.
Cậu Năm đưa mắt khuyến khích tôi cứ mạnh dạn trả lời
- Cháu chưa từng chụp hình hoa quỳnh - Tôi cố gắng nói thật nhỏ nhẹ - nhưng cháu nghĩ là rất khó, nếu như chụp thật tự nhiện, không
dùng đèn flash, nghĩa là chụp dưới trăng hoặc ánh sáng thường.
- Chính vì vậy mà cần lai tạo sao cho hoa quỳnh nở ban ngày, dưới ánh sáng mặt trời.
- Tôi nghĩ là không nên lai tạo, nên giữ bản quyền này của thiên nhiên, nhưng hãy để tới lúc nó nở đẹp nhất, rồi cho đông lạnh, đến
sáng hôm sau ta có thể chụp hình đóa hoa bằng ánh sáng trời. ý kiến của vị khách thứ ba có lẽ là ông giám đốc nhà máy đông lạnh làm
mọi người cùng cười, trừ một người thôi, đó là cậu Năm tôi.
- Người ta có thể lai tạo bất cứ sinh vật nào có gien di truyền. Nhưng tôi e rằng không thể lai tạo được hoa quỳnh. Tôi quý loài hoa này
ở chỗ nó chỉ nở vào những đêm thanh, thí dụ như đêm nay, một đêm hạ tuần tháng năm, cho nên, đúng là cần phải giữ mãi cái bản
quyền của thiên nhiên tạo ra. Biến cải bông hoa quỳnh, tôi e rằng, chỉ là sự nhại lại hình thức của nó, chớ làm gì tái tạo được mùi
hương? Và quan trọng hơn là làm sao có thể tái tạo được - dưới ánh sáng mặt trời - linh hồn của nó, lẽ sống của một loài hoa thanh
khiết, của gió và trăng?
Không gian hẹp sực nức mùi hương như minh họa ý nghĩ của cậu tôi. Mọi người đều trầm tư, câu chuyện đang sôi nổi bỗng lắng lại,
làm cho không gian thu hẹp, mùi hương hoa thêm quyến rũ, mê đắm.
- Anh Năm nói đúng - người khách thứ nhứt chống tay đỡ cằm, mắt lim dim ngắm hoa, đầu gật nhẹ - không nên lai tạo, cải biến gì cả,
cứ để nó mãi mãi là hoa quỳny nở về đêm cho đời thêm phong phú. Chỉ có điều, xin anh Năm chỉ dùm cái linh hồn, cái lẽ sống của nó
chẳng lẽ cũng là cái ta đáng quan tâm hơn cả hương sắc của nó hay sao?
Hầu như cả những người đang thưởng thức hương vị đặc sắc của hoa quỳnh, trong đó có tôi, đều có chung một dấu hỏi như vị khách
thứ nhứt vừa nêu ra. Và tất cả đều hướng về tác giả của ba bông hoa tuyệt vời đêm nay.
- Cái này nói ra hơi trừu tượng, chẳng qua cũng là liên tưởng nhưng sự liên tưởng không phản lôgich - theo thói quen, cậu Năm vuốt
mái tóc bạc rồi kéo ghế đến ngồi sát bên chậu quỳnh - các vị và cháu, hãy nhìn hai tiếng đồng hồ, nó sẽ còn một tiếng đồng hồ nữa
mới nỡ hết. Thời gian ba tiếng đồng hồ không quá ngắn như bông mười giờ, nhưng cũng không quá dài như hoa giấy nhưng rất có ý
nghĩa. Chính đây mới là chỗ đáng nói: sống một năm ròng trong mưa nắng ể góp nhặt tinh hoa và dốc hết cho đời trong vòng ba tiếng
đồng hồ, không để lại cho mình một chút hương thừa nào. Lẽ sống, nhân sinh quan của hoa quỳnh là ở chỗ này đây. Nếu không tin
tôi, các vị cứ ngồi lại đây đến mười hai giờ đêm, lúc đó cuống hoa không còn nghếch lên như bây giờ, nó rũ xuống sau khi đã làm
xong phận sự.
Cậu Năm tôi ngừng nói, bước vào phòng trong một giấy, bưng ra khay rượu, trong đó có một cái nhạo và bốn cái chung nhỏ, rót rượu
đưa tận tay từng người (lẽ tất nhiên là không có tôi)
- Bây giờ thì mời các vị nâng cốc chúc mừng lẽ sống hoa quỳnh, chúc mừng đêm nay. Cái gì có được, các đóa hoa này đã trao hết cho
chúng ta. Hương lúa, hương dừa, hương bưởi, hương cau... có đủ tất cả, chúng ta đã nhận được tất cả trong những giấy phút chúng ta
nâng cốc, hút thuốc mà không còn sợ xúc phạm đến sự tinh khiết của loài hoa.
Bốn ông già chạm cốc vui vẻ, thanh thản như bốn người thoát tục. Khi các "ông tiên" ấy từ giã nhau ra về, cũng là lúc những đóa hoa
quỳnh bắt đầu xếp cánh và rũ xuống
- Tôi phải về đây, anh Năm ạ. Tôi chịu thôi, không thể nào nhìn đóa hoa tàn tạ mà không mủi lòng. Vị khách thứ nhất đứng dậy.
Vị khách thứ hai thở dài:
- Giống cái chết của con thiên nga, phủ phục sau khi đã hát lời cuối cùng. Chỉ có âm nhạc và hội họa mới biểu hiện nổi.
Còn vị khách thứ ba - người chủ trương đông lạnh - thì im lặng.
Khách về rồi, cậu tôi vẫn ngồi ngắm hoa một hồi lâu, cho tới khi ba đóa hoa hoàn toàn trở thành một cái xác không hồn. Lúc bấy giờ,
sau khi đưa chậu hoa ra hành lang - khu vườn nhỏ đang tràn ngập ánh trăng - cậu tôi trở vào đốt ba nén nhang, cắm tạm trong chiếc
bình hoa nhỏ đặt dưới ba bức chân dung các anh tôi.
- Các anh cháu là những đóa hoa quỳnh - cậu Năm tôi nói khẽ - Anh thứ hai của cháu hy sinh tuổi hai mươi ba. Anh thứ ba hy sinh
tuổi mười tám. Anh thứ tư thì đúng tuổi tròn: hai mươi. Mỗi anh cháu đều cống hiến trọn vẹn đời mình cho đất nước, Không giữ lại
chút gì cho mình. Cậu nghĩ, thà làm hoa quỳnh ngắn ngủi mà hào phóng còn hơn làm hoa giấy nở hoài mà hương vị nhạt phèo.
Cho tới khi tôi thiếp đi, cậu Năm không nói thêm gì nữa, không hề dặn dò, "lên lớp" tôi như mọi lần, cũng không đá động gì đến
chuyện tôi có nên đi nghĩa vụ quân sự hay không.

Xem Tiếp: ----