ôi sống bên bà ngoại trong căn nhà cao tít trên đồi núp dưới vô vàn tán lá vải cao um. Vào mùa hoa, ong, bướm bay rập rờn. Tôi yêu mùa vải chín sai chì chịt. Những buổi chiều tha thẩn trên đồi chỉ để tìm cho mình những bông hoa dại màu tím biếc mà tôi chẳng biết tên chúng là gì. Ngoại bảo những cây hoa dại thường mang cái tên do người làng đặt, cũng đơn giản và dễ nhớ như tên những đứa con của họ vậy. Ngoại không cho tôi gọi tên những loài hoa ấy. - Sao tên con thì đẹp thế? Đứa nào cũng bảo tên con đẹp. - Ừ, tên mày đẹp, đẹp như những bông hoa dại trên đồi ấy… Trong mắt ngoại có ánh chiều buông chầm chậm. Ngoại nhớ mẹ, nhớ ba tôi. Những người bỏ xóm núi này đi biệt tăm để lại cho ngoại nỗi nhớ hi hút như khói chiều bảng lảng trên những vạt đồi. Và ngoại đặt tên cho tôi… Thương Hoài. Đời ngoại buồn trôi theo những mùa quả, mùa hoa trên vừng đồi này. Ngoại trồng cây, trồng ngô, trồng sắn trên những khoảng đồi đã vạt cỏ, xới đất. Ngoại yêu những vụ mùa còn tôi yêu những mảng đồi đầy hoa và cỏ dại. Tôi tha thẩn mang nó vào những trang vở học trò và gọi đó là… Thơ! Vững là người bạn bên tôi từ những ngày thơ bé. Chúng tôi lớn lên bên nhau, đi học cùng nhau, ngồi cùng bàn và về chung một lối. Những buổi chiều mùa hè chúng tôi lên đồi nhặt những cành cây khô. Vững tìm hái những bông hoa dây leo trên đồi quấn thành chiếc vòng nguyệt quế đội lên đầu tôi. Tôi tưởng mình như nàng công chúa trong truyện ngoại hay kể bên bếp lửa đỏ rực những ngày đông lạnh. Những chiều nhặt đầy củi hai đứa ngồi bên triền đồi nhìn ra xa xa ngắm những đám mây lởn vởn bay. Xóm núi chìm trong mây huyền ảo mà man mác buồn. Tôi thích ngồi nghe Vững kể về thành phố, nơi Vững đôi lần cùng cha lên đó bán vải và ở lại qua đêm. Vững bảo đó là nơi rực rỡ ánh đèn và những loài hoa ngát hương thơm cả trong đêm. Người trong làng bảo sau này lớn tôi sẽ lấy Vững. Vậy mà khi lớn lên một chút chẳng hiểu vì sao chúng tôi xa nhau. Có lẽ vì cái lần Vững nhìn vào ngực tôi khi hai đứa bị bết mưa trên đồi. Mặt Vững đỏ bừng. Vững nhìn chằm chằm vào ngực áo tôi, thẫn thờ… và rồi Vững lao vào trong mưa…Tôi hiểu mình đã thành thiếu nữ. Tôi mơ về thành phố và ánh đèn màu rực rỡ khi mặt trời lấp sau những vạt đồi ló ánh chiều yếu ớt xuống xóm núi nghèo bảng lảng khói và mây. Gió hè vi vút trên những cành vải. Những chùm quả xanh bé xíu chụm vào nhau. Vải năm nay được mùa. Chỉ mấy tháng nữa thôi người ta sẽ kéo nhau về đây thu mua vải, không khí trên những vạt đồi sẽ tấp nập hơn nhiều. Đó cũng là lí do tôi yêu những mùa vải chín. Những người thành phố với những sọt, những xe thồ về bẻ vải, cân, trả tiền rồi hò nhau du xe qua những con dốc. Họ mang đến một không khí sôi nổi cho xóm nghèo của chúng tôi. Tôi bẻ vải sâu trên vườn đồi. Những tán lá vải xanh um rập rạp, từng chùm đỏ lự, sai chì chịt. Người đàn ông có hàng râu rậm đi theo thu vải thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi. Ông ta cố ý chạm vào ngực áo tôi. Một cảm giác buốt nhẹ chạy dọc sống lưng. Ánh mắt ông ta chằm chặp nhìn vào nơi ngực tôi đang phập phồng thở… Ông ta chìa bàn tay to bản với những đồng tiền phẳng phiu về phía tôi cười ma mãnh. Bàn tay ông ta giữ chặt hai cánh tay gầy nhẳng của tôi. Tiếng vải áo “roạt”. Một đường máu nhỏ hằn lên ngực tôi. Miệng tôi ứ lại bởi bàn tay đen ngòm. Tôi ngã ra “Vững ơi! Ngoại ơi!... Không!” Tôi cắn vào cánh tay gân guốc nhễ nhại mùi hôi hăng hắc. Tiếng cành vải sột soạt. Rồi một tiếng “bịch”. Gã đàn ông quay giật người lại. - Vững! Vững cầm cành vải quật mạnh vào mặt gã. Những quả vải nát bét, tung bắn ra hằn lên mặt gã những cái lằn đỏ tím. Vững giữ lấy tôi như bằng cả sức lực còn lại của mình lặng yên không nói. Đôi bàn tay Vững hằn những đường gân đỏ. Vững trưởng thành, mạnh mẽ và lì lợm. - Hoài đừng lên đồi một mình nữa, biết không? - Hoài phải làm mà. - Cấm đấy. Người thành phố toàn người xấu thôi. Mây xà xuống ngang lưng đồi. Tôi ủ đầu vào ngực ngoại ngủ. Ngoại đặt nhẹ tay lên ngực tôi: - Con gái lớn rồi đấy nhé! - Con sợ ngoại à. - Ừ, đừng đi một mình lên đồi, đừng gần thằng Vững đấy. - Vững không phải người xấu đâu ngoại. - Ừ, nhưng đừng gần. Biết chưa. Rồi khổ. Tôi biết ngoại sợ đời tôi như đời mẹ. Mẹ mang thai tôi khi mới 17 tuổi. Mẹ là cô gái đẹp nhất xóm núi này. Có bao chàng trai theo đuổi nhưng mẹ không ưng ai. Cho đến khi có đám sinh viên trường Mỹ thuật về vẽ tranh nơi xóm núi. Nhóm sinh viên ấy nghỉ tại các ngôi nhà trong xóm. Chàng thanh niên ôm đàn ghi ta hát trong buổi giao lưu với đoàn Thanh niên xã đã làm trái tim mẹ xôn xao. Rồi anh ta xin được theo mẹ lên đồi vẽ mùa vải chín… Và rồi trọ lại nhà ngoại trong suốt thời gian đi thực tế. Ba tháng sau chàng thanh niên khoác ba lô về thành phố cùng với những người bạn. Ngoại nhìn mẹ thẫn thờ mang tấm hình người con trai ấy giữ chặt trên ngực mình. Còn gió núi cứ vô tình mang tình yêu, niềm hy vọng của mẹ bay đi từng ngày. Vài tháng sau mẹ sinh tôi. Ngoại ẵm tôi từ lúc lọt lòng vì mẹ chỉ biết úp mặt vào gối… Khi tôi chưa đầy hai tuổi mẹ ôm quần áo bỏ xóm núi đi trong sương. Vững bỏ học theo cha đi buôn vải. Tôi thi đậu một trường Đại học trên thành phố, mang niềm tự hào về cho xóm núi nghèo, cho những đứa trẻ nghèo suốt nhiều năm chỉ biết cõng con chữ lên đồi nuôi ước mơ một ngày đặt chân lên thành phố. Tôi nghĩ về thành phố với rực rỡ ánh đèn màu, vô số những loài hoa đẹp, ngát hương thơm, những con người với những cái tên kiêu kỳ, những bộ quần áo lịch sự… Trên cao mặt trời rọi nắng lên những tán cây, gió vẫn rì rào như đang hát. Ngoại sắp cho tôi đủ thứ trong chiếc ba lô vải đã sờn li khóa: - Lên đó học hành chăm chỉ. Con gái lớn rồi làm gì cũng phải cẩn thận biết chưa? - Trên đó không có đồi đâu ngoại. Không sợ ma rừng mà ngoại… Tôi lên xe, nhìn dáng Vững chắc nịch rồi dần nhỏ bé đứng giữa hai vạt hoa dại trắng ngút ngàn. Nhớ Vững lắm, nhớ ngoại lắm nhưng phải đi, phải sống khác thôi. Thành phố đêm rực rỡ ánh đèn màu, những con người ăn mặc lịch lãm trên những chiếc xe đẹp đẽ lao đi trong nắng sớm và trong cả ánh đèn nhấp nhoáng đêm về. Tôi đạp xe sát vào lề đường, ngơ ngác với những sắc màu. Tôi trọ gần cô bạn gốc thành phố tên Diệu Linh. Phòng Linh ở sát phòng tôi trọ nhưng phòng Linh đẹp và rực rỡ với màu giấy dán tường đầy hoa, lọ thủy tinh luôn có hoa hồng tươi và những bó hoa khô lấp lánh trong ánh nhũ treo bên cửa sổ. Linh viết văn và làm thơ. Linh ký dưới những bài thơ: Cao Thi. Tôi đọc thơ Linh. Những con chữ như những bậc thang nối tiếp nhau. Linh cười mỉm: - Chưa ai lại mang vào thơ những rau và hoa dại như Hoài. Thơ là cái gì đó rất sang trọng, phải lấp lánh và lãng mạn… nói chung là để khi đọc người ta không cần hiểu hết… Linh là cây bút trẻ chuyên cộng tác với tạp chí đắt tiền, đăng hình nhiều hơn đăng thơ. Những người bạn thơ của Linh vẫn thường ghé qua thăm Linh và tặng cho Linh những bó hồng đỏ lấp lánh những hạt ngọc bằng nhựa trong suốt như pha lê. Tôi nhớ mùa vải quê mình nhưng không kể với Linh về những mùa vải ấy. Linh không biết mùi thơm hoa vải và màu đỏ mọng của những chùm vải lúc sương chưa tan… Lung linh lắm nhưng cũng rất đời thường đấy thôi. Nụ cười của ngoại, ánh mắt của Vững và con đường dốc dài những đá và bùn đỏ nhão… tất cả những thứ ấy hiện lên trên những trang giấy tôi thức cùng ánh đèn đường tím ngắt… Tôi gửi thơ đến một vài địa chỉ và nhận được những phản hồi tốt. Họ gọi điện hẹn gặp tôi. Họ hỏi tên, hỏi quê, hỏi tuổi rồi ngạc nhiên khi biết nơi tôi sinh cũng chẳng cách xa với họ là mấy. Cái tên Thương Hoài được đưa vào một bài báo với dòng tít “Tác giả trẻ mang hơi thở cuộc sống trong những dòng thơ”. Những dòng thơ đang được viết ra còn thiếu sức sống? Vậy là thơ tôi được quan tâm?! Linh sang phòng tôi, lục tung mớ giấy ố màu trong chiếc hòm gỗ của tôi: - Tớ không hiểu tại sao người ta lại ca ngợi những tác phẩm của cậu được. Thật vớ vẩn. Linh bĩu môi bỏ lại mớ giấy hỗn độn trên nền căn phòng ẩm. Có một dấu giày cao gót in lên những dòng thơ xô nghiêng… Tôi nhặt chúng lên, vuốt phẳng phiu và lau đi dấu giày trên đó. Dãy trọ im lìm. Con Milu của ông chủ đã quen với vị khách làm thêm hay về đêm như tôi. Phòng bên, đèn Linh vẫn bật sáng. Tiếng gõ máy tính lạch cạch. Tôi chào khẽ ông chủ phòng trọ đang ló đầu ra từ ô cửa trên tầng hai… Gió ào ào, những vệt sáng lóe. Giông kéo tới. Cửa phòng ọp ẹp như muốn tung ra. Có tiếng xầm xì lẫn trong cơn giông giật. Cái lạnh buốt dọc nơi sống lưng. Ánh mắt ông chủ nhà trọ lẫn trong ánh chớp sáng xanh. Đôi cánh tay rắn chắc giữ trọn tôi. Tim tôi như ngừng thở. “Vững ơi! Ngoại ơi!”. Nụ cười ngoại lấp lánh trong ý nghĩ tôi, hình ảnh Vững bên những chùm vải ngọt mọng…Tiếng ông ta kêu thất thanh. Tôi nhào ra ngoài. Gương mặt Linh sau song cửa sáng lòa cùng ánh chớp. Những câu thơ gãy khúc của Linh cứ mãi chập chờn trong giấc mơ tôi… Lại một mùa vải sai chì chịt trên những vạt đồi. Những chiếc xe thồ vào tận trong vườn đồi thu mua vải. Ngoại nhìn tôi hàm răng phai lấp lánh trong tia nắng sớm len qua kẽ những tán lá xanh um. Vững hái cho tôi chùm vải mọng. Tôi cắn ngập răng mình trái vải chín ngọt lừ… Ánh điện màu thành phố loang loáng trong ý nghĩ. Gương mặt Linh hiện lên với những vần thơ gãy vụn… Những mơ hồ về thành phố trôi về xa lắm. Chỉ còn đây những mùa vải ngọt lịm đầu lưỡi nhắc tôi về những câu thơ đằm hương vải ngọt lành, thơm dịu như tình quê, tình yêu thương. Và sẽ có một con đường thơ với những mùa hoa trắng tôi qua.