hỏng vấn: Mike Hellbach. Thông dịch: Sherpa Tulku. Chuẩn bị: Glenn H. Mullin. Từ Hội Nghị Phật Pháp lần Thứ Hai, từ ngày 5 đến 8 tháng Mười Một1982, New Delhi, India. Tushita Mahayana Meditation Centre xuất bản lần đầu tiên, New Delhi, 1982 1.- HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, ở Dharamsala này và cũng như với những cuộc du hành của ngài đến phương Tây, ngài đã từng lưu tâm đến việc tiếp xúc với người Tây phương, những người hiện tại đang cho thấy một sự hấp dẫn sâu xa trong những truyền thống tâm linh Tây Tạng. Bất cứ nơi nào Phật Pháp được hòa nhập vào trong xã hội mới, nó luôn luôn được thay đổi nhằm để có một sự tác động to lớn nhất trong tâm thức hay con người. Điều gì có thể thay đổi và điều gì không thể thay đổi, đặc biệt trong môi trường đến Phật Pháp ở phương Tây? ĐÁP: Nền tảng của những sự thực tập Phật Pháp chính yếu không nên thay đổi. Thí dụ căn bản của Bồ Đề Tâm (tâm đại bi) [thái độ vị tha của việc cố gắng vì Phật Quả như một phương tiện để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh] và tính không [nền tảng thiết yếu của tâm thức và mọi thứ ] sẽ luôn luôn được đòi hỏi cho những hành giả. Tuy thế, nhằm để tiếp nhận cốt lõi của những sự thực tập này, những chi tiết thứ yếu của chúng - chẳng hạn như trình tự của những con đường [tu tập] mà trong đấy chúng được tiếp cận, những sự quán tưởng đặc thù liên hệ với chúng và v.v… - có thể được thay đổi một cách thiện xảo tùy theo tinh thần khác biệt của những người tiếp xúc. Có những khác biệt nào đấy trong sự thực tập cổ truyền của Ấn Độ và Tây Tạng, nhưng những nhân tố cốt tũy của Bồ Đề Tâm (tâm đại bi), cốt lõi của Đại thừa, là đồng nhất. Những sự khác biệt chỉ là việc làm thế nào tâm giác ngộ (bodhicitta) được hiện thực. Ngay cả ở Ấn Độ, cũng có một số sự tiếp cận đến điều này, chẳng hạn như Hoán Đổi Ngã Tha – yêu mến vì sự yêu mến của người khác, được Tịch Thiên giảng dạy trong Dấn Thân Trong Hành Vi của Một Vị Bồ Tát (Bồ Đề Hạnh Kinh- Bodhisattvacaryavatara), và Sáu Nhân Đến Một Quả, được A Để Sa dạy trong Ngọn Đèn Trên Con Đường (Bodhipathapradipa). Những kỷ năng khác biệt này có ý nghĩa cho việc thích ứng đến những hoàn cảnh khác nhau; cả hai đều hướng đến việc phát triển Bồ Đề Tâm (tâm đại bi) và phác họa những sự của Sáu Toàn Thiện (lục ba la mật ). Do vậy, những chi tiết của những sự thực tập đa dạng có thể khác nhau để thích ứng với tinh thần Tây phương; và không chỉ thích ứng với tinh thần phương Tây trong tổng quát nhưng cũng thích ứng với tính khí của cá nhân hành giả. 2.- HỎI: Tất cả những bậc đại đạo sư đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một vị thầy tâm linh nhằm để tránh sự thấu hiểu sai lạc hoặc là giáo huấn hay những kinh nghiệm thiền tập của hành giả. Kém may mắn thay, hiện tại chỉ có rất ít những vị thầy mà lại có nhiều người mong ước học hỏi. Có nên không đối với một người chỉ đọc tài liệu thiền tập rồi thực tập theo sách vở? ĐÁP: Điều này là có thể được. Những thiền tập cao cấp thì nguy hiểm nếu thực hành không có sự hướng dẫn của một vị thầy kinh nghiệm nhưng những sự thực tập đơn giản, chẳng hạn như quán chiếu về vô thường, từ ái, bi mẫn hay sự phát triển định lực là rất tốt. Không có một vị thầy, tốt nhất là giới hạn chính mình trong những sự thiền tập nho nhỏ và giản dị. 3.- HỎI: Nhiều người mong muốn tiếp nhận một sự thực hành tâm linh nhưng cảm thấy họ bị vướng bận hay phải dành hầu hết thời gian của họ đến nghề nghiệp, gia đình, v.v… Có thể chuyển đổi những sự quan tâm này vào trong sự liên hệ đến nguồn cội tâm linh không? ĐÁP: Thái độ quan trọng mà chúng ta cần để thực hiện điều này là sự tử tế ân cần và Bồ Đề Tâm (tâm đại bi). Thật khó khăn để giải thích Bồ Đề Tâm (tâm đại bi). một cách ngắn gọn và vẫn đúng đắn. Có lẽ chúng ta có thể nói rằng nó là động cơ để giúp chính mình cũng như để có thể hổ trợ người khác. Đây là thái độ ân cần sâu sắc. Bồ Đề Tâm (tâm đại bi) là căn bản của tất cả những giáo huấn Đại Thừa. Để làm cho thông thường hóa những hành vi tâm linh, thái độ ân cần tử tế này phải được hòa nhập trong mỗi hành vị của đời sống hằng ngày. Những sự thiền tập nào đấy không thể thực hành trong khi chúng ta đang làm việc, thí dụ như trong hảng xưởng, nhưng thiền quán về từ ái và bi mẫn có thể thực hiện được. Phật Pháp có thể được thực tập luôn luôn [trong mọi lúc]. 4.- HỎI: Phật Pháp như người Tây Tạng thực hành liên hệ thiền quán trên vô số sự bày trí về biểu tượng và bổn tôn. Ngài có thấy điều này như được trình bày có bất cứ rắc rối nào đển tâm thức Tây phương vốn dĩ với tư tưởng nhất thần giáo không? ĐÁP: Điều này tùy thuộc trên đặc tính của từng cá nhân. Một số người thích bổn tôn của họ vô cùng … (cười). Mỗi người phải suy nghĩ về những gì thích hợp cho họ nhất. 5.- HỎI: Một số người nói rằng những biểu tượng và bổn tôn này phải thay đổi sao cho phù hợp với nền văn hóa của chính những người ấy. ĐÁP: Điều này không thể. Nếu quý vị đi theo Phật Pháp, những bổn tôn thiền quán phải liên hệ phù hợp đền giáo huấn của Đức Phật Kim Cương Trì (Buddha Vajradhara). Những điều ấy không thể tùy tiện tạo nên cũng không thể hòa lẫn với những thứ của những phương pháp khác. Tốt nhất là hãy đi theo với sự tinh cần trên con đường thích ứng nhất với quý vị. Nếu quý vị lựa chọn Phật Pháp, hãy thực tập một cách thuần khiết. Rồi thì, nếu quý vị đạt đến kết quả của nó, rất tốt; nhưng nếu quý vị trộn lẫn sự thực tập và không đạt được kết quả gì, thế thì đừng đổ thừa Giáo Pháp. Về những bổn tôn thiền quán Phật giáo khác nhau, tốt nhất là Đức Phật. Nếu quý vị thích những bổn tôn khác, thì cứ thực tập; nếu quý vị không thích những bổn tôn khác, hãy tôn thờ Đức Phật là bổn tôn là đơn giản nhất. 6.- HỎI: Có phải sự ‘thích thú’ này là biểu hiện về nghiệp quả của một người? ĐÁP: Điều này phải là sự thể hiện của thiên hướng nghiệp quả. Phật giáo nói về khí chất, sự ngưỡng mộ tiềm ẩn và những khuynh hướng ngấm ngầm, những thứ này cùng với sự thông minh cùng hoàn cảnh và v.v… cấu thành nên đặc tính nghiệp quả của một người. Đây là những nhân tố quan trọng quyết định con đường nào mà người ấy phải đi theo. 7.- HỎI: Nhiều nhà phiên dịch phương Tây về những văn kiện Tây Tạng đặt sự nhấn mạnh nhiều trên khía cạnh ngoại tại hơn là nội tại về quyền năng tâm linh. Làm thế nào vấn nạn này được tránh ở Tây Tạng khi những mật điển tantra được phiên dịch từ Phạn ngữ sang Tạng ngữ? ĐÁP: Điều này dường như không là một vấn nạn lớn lắm ở Tây Tạng. Tuy thế, không nghi ngờ rằng có những người không hòa nhập Phật Pháp thấm nhuần trong thái độ tinh thần của họ. Trong thực tế, bất cứ người nào thực hành những phương pháp mật thừa tantric vì mục đích như tiêu diệt kẻ thù thì không thật sự là một con người tâm linh [Phật Pháp]. Một người thật sự là hành giả tâm linh hay không, được quyết định bởi những lợi ích lâu dài mà sự thực hành của người ấy mang đến, không phải bằng những phương pháp mà người ấy sử dụng. Đức Phật Kim Cương Trì (Buddha Vajradhara) dạy Mật thừa Tantra để giúp con người đạt đến giác ngộ, chứ không phải đem cho họ một khí cụ để tổn hại những người khác. Ngài luôn luôn nhấn mạnh rằng Mật thừa Tantr là một giáo thuyết bí mật, vì trong tay những người nào đấy mà không có nền tảng của tâm đại bi hay tâm giác ngộ hay tâm bồ đề (bodhicitta) và những phẩm chất khác nó có thể nguy hiểm và không có lợi ích gì cả. Trong luận giải về Căn Bản Mật Điển Văn Thù (Manjushri Mula Tantra) có câu chuyện về một người Bà La Môn tên là Kananka, người ấy là một hành giả Mật Điển Bất Động Minh Vương (Yamantaka Tantra). Mặc dù đấy là một thiền giả cực kỳ mạnh mẽ với định lực và năng lực siêu tuyệt, nhưng người ấy đã rơi vào địa ngục. Sự thực tập với ý nghĩa thay vì đưa đến Giác ngộ lại chỉ tổn hại người ấy mà thôi. Trong luận giải về Căn Bản Mật Điển Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja Mula Tantra) vấn đề tương tự đã được nhấn mạnh. Bất cứ điều gì đã từng xãy ra ở Tây Tạng trong những chiều hướng này là không lành mạnh và bất cứ sự chú ý nào ở những nơi khác cũng giống như vậy. Hành giả mật thừa chân thật phải tiếp nhận một chí nguyện không biểu diễn bất cứ quyền năng tâm linh mà người ấy có được. Theo Luật Tạng, ngay cả nếu quý vị là một A La Hán, quý vị cũng không được công khai tiết lộ quả chứng đến những người khác. Điều này cũng giống như thế trong Mật Thừa Tantra; nếu quý vị có một lý do nho nhỏ nào để bộc lộ năng lực của quý vị, mặc dù quý vị có những phẩm chất nào đấy, căn bản sự thực tập của quý vị sẽ suy giảm. 8.- HỎI: Tất cả những sự thực hành Phật Pháp đặc biệt Mật Thừa Tantra đã tạo sự hấp dẫn nhất trong những người Tây phương và không phải sự thực hành tantric sơ bộ, mà là những sự thực hành rất thậm thâm của “Tầng Bậc Hoàn Thành” liên hệ đến thiền quán về luân xa[1], lực tuyến[2], phối ngẫu[3] và v.v… Điều gì thuận lợi và bất lợi trong sự hấp dẫn này và những sự thực hành mật tông sơ khởi là gì? ĐÁP: Thật đáng mừng là những người phương Tây có sự hứng khởi như thế trong Tầng Bậc Hoàn Thành. Tuy nhiên, thực hiện điều này chỉ có chút ít giá trị nếu không trước tiên trở nên thành thạo với những sự thực tập trong Tầng Bậc Phát Triển (nơi mà định lực được phát triển và thái độ của hành giả được trưởng thành đối với mật thừa Tantra bằng những phương tiện của thiền quán trên mạn đà la huyền bí). Xa hơn nữa, sự hấp dẫn này phải căn cứ trên động cơ để làm lợi ích tất cả chúng sinh: một điều kiện tiên quyết khó khăn. Sự thích thú được thúc đẩy chỉ đơn thuần bằng óc tò mò vu vơ thiếu vắng một nền tảng chính đáng. Thiền quán trên Tầng Bậc Hoàn Thành của Tantra có thể cực kỳ nguy hiểm, có thể mang đến nhiều loại bệnh hoạn ngay cả cái chết đến những hành giả không thích ứng. Thuốc men y dược không thể chửa trị những bệnh hoạn sinh khởi từ việc diễn tập những bài thực hành một cách không đúng đắn; sự giải trừ duy nhất là việc áp dụng một loại thiền quán đặc thù. 9.- HỎI: Một cách tóm lược, có khác biệt gì giữa Mật Thừa Tantra Ấn Giáo và Phật Giáo? ĐÁP: Để thấu hiểu toàn bộ những sự khác biệt của chúng là cực kỳ khó khăn. Tuy thế, tóm tắt, có những sự khác biệt cả trong hành động và triết lý. Trong dạng thức của hành động, Mật thừa Phật Giáo căn cứ trên động cơ Bodhicitta (tâm đại bi-tâm giác ngộ-tâm bồ đề) là điều mà Tantra Ấn Giáo không có. Tantra Phật Giáo căn cứ trên giáo thuyết vô ngã hay anatma, trái lại Ấn Giáo lại căn cứ trên sự tồn tại của một cái ngã thật sự. Những thứ yoga khác, chẳng hạn như những sự thực hành hơi thở, luân xa và lực tuyến, có nhiều điều tương tự nhưng vi tế khác nhau. 10.- HỎI: Như ái ngã và chấp ngã là những năng lực hoạt động từ vô thỉ, có thể thiết lập một con đường tâm linh mà không có sự phát triển tự ngã tiêu cực đối với nó, đưa đến chủ nghĩa bè phái hay không? ĐÁP: Để tránh điều đó, cần thiết phải chăm sóc việc thực hành Phật Pháp của chúng ta thật sự là một sự thực hành Giáo Pháp. Cách này, mặc dù năng lực quen thuộc với tự ngã là to lớn, tác động của nó không tràn ngập. Nếu quý vị học hỏi Phật Pháp nhưng không áp dụng nó một cách thật sự, những hành vi gọi là tâm linh của quý vị có thể trực tiếp trở thành sự gia tăng vật chất, tiếng tăm và v.v… một cách dễ dàng. Trong những trường hợp này chỉ có ngã mạn, vị kỷ và những thứ tiêu cực như sân hận, dính mắc, bè phái, v.v… được phát triển. Tuy nhiên, nếu mỗi chữ của Phật Pháp mà quý vị nghe được dùng để trau dồi tâm thức quý vị thế thì mỗi chữ sẽ chỉ mang đến lợi lạc, và không kể bao nhiêu Phật Pháp mà quý vị tích lũy, quý vị học hỏi được sẽ không bao giờ đi đến sự gia tăng ngã chấp hay vị kỷ. Điều quan trọng nhất là phải hết sức cẩn thận trong sự khởi đầu với động cơ (sơ tâm) của quý vị trong việc tiếp nhận một giáo huấn hay tiến hành một sự thực tập. Nếu điều này được chuẩn bị và hoàn tất chu đáo, sẽ không có một sự nguy hiểm nào. 11.- HỎI: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói một lần trong Kinh điển rằng chủ nghĩa bè phái (tông phái) có một hậu quả nghiệp báo nghiêm trọng hơn sát hại một nghìn Đức Phật. Tại sao điều đó là như thế? ĐÁP: Mục tiêu chính yếu của khi chư Phật ban bố giáo huấn là để tiêu trừ cả những thể trạng sai lầm của tâm thức và trãi nghiệm khổ đau. Điều này cũng là lý do mà các Ngài đã hành động để đạt đến giác ngộ. Động cơ duy nhất của chư Phật là để làm lợi ích cho những người khác, là điều mà các Ngài đã hoàn thành bằng giảng dạy; do thế xem thường bất cứ những giáo huấn của các Ngài là tệ hại hơn xem thường các Ngài. Điều này liên hệ đến việc theo đuổi một truyền thống Giáo Pháp (một tông phái) trong khi lại gièm pha những truyền thống khác. Xa hơn nữa, chính chư Phật tôn trọng tất cả những Truyền Thống Giáo Huấn, vì thế đối với chúng ta không làm như thế là xem thường tất cả chư Phật. Có nhiều cách để nhìn vào trích dẫn Kinh điển này. Vì thế để nói, nhiệm vụ của một Đức Phật là gì? Duy chỉ để giảng dạy Giáo Pháp.Và đấy là Giáo Pháp đã đưa vị Phật ấy đến thể trạng giác ngộ. Bây giờ, trong Phật Pháp, chúng ta không chấp nhận một Đấng Tạo Hóa; mọi thứ tùy thuộc vào chính mình. Chư Phật không thể hoàn thành nguyện ước giúp đở mọi chúng sinh một cách trực tiếp, mà các Ngài chỉ có thể làm như thế qua truyền thông những giáo huấn của các Ngài. Chúng ta có thể nói rằng các Ngài khiếm khuyết. Do vậy, giáo huấn mà các Ngài đã ban bố là quý giá hơn và quan trọng hơn chính các Ngài. Do vì năng lực và thiên hướng của chúng sinh đa dạng, nên chư Phật đã giảng dạy nhiều phương pháp thực hành và triết thuyết phong phú. Nếu chúng ta theo đuổi một trong những phương pháp này nhưng lại dè bỉu những thứ khác, đấy là chúng ta đã phủ nhận Giáo Pháp và hậu quả cũng chính là nhằm vào chư Phật. 12.- HỎI: Đức Thánh Thiện có nghĩ rằng những tôn giáo đa dạng trên thế giới được khai sáng bởi hóa thân của chư Phật biểu hiện tùy thuộc với tinh thần của những xã hội đặc thù hay không? ĐÁP: Đây là điều khả dĩ cao độ. Vị khai sáng của bất cứ tôn giáo nào có thể là hóa thân của một vị Phật đặc thù nào đấy. Và vì chính lý do này mà chúng ta phải cư xử tôn trọng sâu sắc với tất cả mọi tôn giáo. 13.- HỎI: Thế thì tại sao những tôn giáo khác nhau này lại thường đấu tranh với nhau như vậy? ĐÁP: Đây lại là một vấn đề khác. Vì một con người tôn giáo chân chính chẳng bao giờ có bất cứ một cơ sở nào để tranh luận hay tranh đấu. Tuy thế, đấy là một sự thật rằng có điều gọi là chiến tranh tôn giáo. Tuy nhiên, những con người liên hệ trong những điều này đã không thực hành tôn giáo mà chỉ đơn thuần là lợi dụng tôn giáo như một phương tiện của quyền lực. Động cơ thật sự là vị kỷ, không phải tâm linh. Chiến tranh tôn giáo hoàn toàn không là một vấn đề của những mâu thuẩn giữa những tôn giáo. Bỏ qua một bên những dị biệt giữa những giáo thuyết của những tôn giáo khác nhau, có nhiều mâu thuẩn bề ngoài trong những giáo huấn của Đức Phật. Thí dụ, đối với những lý do nào đấy, một số người Ngài dạy rằng không có một cái ngã thật sự tồn tại, trái lại với những người khác, Ngài dạy rằng có. Vậy thì mục tiêu giảng dạy của Đức Phật là gì? Đấy không phải để biểu lộ hay chứng minh Ngài biết rộng sâu như thế nào, mà để làm lợi ích cho người khác. Cũng thế, Ngài không chỉ quan tâm với những người thuộc thế hệ của Ngài mà thôi mà với nhiều thế hệ và những loại người khác nhau. Do vậy, giáo huấn của Ngài phải có nhiều trình độ khác nhau về ý nghĩa, một số thường dường như mâu thuẩn. Thấu hiểu điều này, chẳng bao giờ có một lý do có giá trị cho những sự tranh luận và tranh đấu tôn giáo. 14.- HỎI: Đại Sư Tông Khách Ba, khai tổ của tông Hiền Nhân (Geluga), đã học hỏi với hơn bốn mươi lăm vị đạo sư đại diện cho tất cả những dòng truyền thừa Phật Giáo ở Tây Tạng. Có phải điều này có nghĩa là trong tông Hiền Nhân chúng ta có thể tìm thấy tất cả những sự thực hành của tất cả những trường phái Phật Giáo Tây Tạng, và nếu không phải thế, thì tiêu chuẩn nào của ngài trong sự lựa chọn những dòng truyền thừa? ĐÁP: Một cách căn bản, những gì ngài thật sự chọn lựa là dòng truyền thừa thân mến nhất từ trong những tông phái. Thí dụ, từ phái Kagyü ngài chọn Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja) và Sáu Giáo Thuyết của Naropa, từ Nyingma ngài chọn những dòng truyền thừa thủ hộ bởi Lạt Ma Lho-dak Nam-kha Gyal-tzen và từ Sakya ngài chọn những dòng truyền thừa của Hô Kim Cương (Hevajra), Vajrayogini, v.v… Một cách đặc biệt ngoại lệ về những giáo huấn của Je Rinpeche (Đại Sư Tông Khách Ba) là ngài đã liên hệ sự giải thích mà ngài đã trao truyền, như trong Luận Giải Về Bí Mật Tập Hội, đến nhiều truyền thống khác nhau, chẳng hạn như những văn kiện của Hiện Tượng Luận (Pramanavartika), Luận Tạng, Trung Quán Luận, và v.v… Cũng thế, ngài giải thích tóm tắt về những điểm giản dị và nói chi tiết trên những vấn đề khó khăn hơn. 15.- HỎI: Có phải đây là đặc trưng tổng quát của tông Hiền Nhân (Gelugpa)? ĐÁP: Không, tôi chỉ nói về Đại Sư Tông Khách Ba. Trong một cung cách, Ngài là tông Hiền Nhân, đối với Mười Tám Tác Phẩm mà ngài đã trước tác cấu thành nên truyền thống của tông phái. Nhiều giáo huấn hình thành bởi những môn đệ của ngài chúng tôi không chấp nhận. Điều ấy cũng tương tự giữa những vị khai tổ và môn nhân trong tất cả bốn tông phái Tây Tạng. Không có gì khác nhau trong tuệ giác thậm thâm của những giáo huấn của Bốn vị Khai Tổ, tuy thế trong những giáo huấn của những chi phái của những môn nhân của các ngài có những sự xung đột không bao giờ chấm dứt. Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ nhất một lần đã viết, ‘Mặc dù những truyền thống truyền khẩu đặc trưng có những danh hiệu khác nhau, chẳng hạn như Đại Toàn Thiện, Đại Thủ Ấn, Trung Đạo và v.v…, khi một hành giả du già kinh nghiệm với sự thấu hiểu sâu xa về kiến thức kinh luận và những sự thể nghiệm hợp lý chúng, người ấy thấy chúng không có sự mâu thuẩn.’ 16.- HỎI: Trong truyền thống kinh điển nói về Ba Cổ Xe hay Tam Thừa. Tại sao Đức Phật đã dạy về ba cổ xe này? ĐÁP: Mặc dù kinh điển có nói về Tam Thừa – Thinh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, và Bồ Tát Thừa – hai cổ xe đầu được xem như một, là Tiểu Thừa. Cổ xe Bồ Tát, hay Đại Thừa, được phân chia thành Nhân Thừa của Sự Thực Hành Toàn Thiện (Ba La Mật) và Quả Thừa của Sự Thực Hành Mật Tông Tantra. Vì vậy ở Tây Tạng, chúng tôi thường nói về hai cổ xe, Tiểu Thừa và Đại Thừa. Có nhiều cách khác nhau để nhìn vào hai cổ xe này. Trước tiên chúng ta sẽ quan tâm chúng từ quan điểm thực hành. Điều rất quan trọng để có như một căn bản bên ngoài để quán sát về Luật Tạng, đấy là sự duy trì một trong bốn sự truyền giới của một nam hay nữ tu sĩ, hoặc hai sự truyền giới của một cư sĩ. Đối với một tu sĩ, nền tảng của sự thực tập phải được tuân thủ là: An Cư Kiết Hạ (khóa tu mùa mưa), Bố Tát hàng tháng và lễ Tự Tứ (lễ kết thúc khóa tu mùa mưa). Đây là tất cả những sự thực hành Tiểu Thừa. Cùng với những điều trên, hành giả nên tiếp nhận những sự thực hành về bi mẫn,. Bồ Đề Tâm (tâm đại bi) là căn bản của tất cả những giáo huấn Đại Thừa. và triển khai Sáu Toàn Thiện (ba la mật), là những điều cấu thành Nhân Đại Thừa. Một hành giả có thể tiến hành tất cả những sự thực hành này cho việc đạt đến giác ngộ; chúng không làm chướng ngại với nhau cũng không làm nên bất cứ sự thắt ngặt nào trong hành giả. Do vậy, hành giả có thể thực tập tất cả những điều này mà không có sự mâu thuẩn. Với sự tiếp cận này sẽ không có căn bản nào đề Tiểu Thừa gièm pha Đại Thừa, Đại Thừa gièm pha Tiểu Thừa, Kinh Thừa Hiển Giáo gièm pha Mật Thừa Tantra và v.v… Một sự liên hệ như vậy của những ‘Thừa’ từ quan điểm của hành vi. Từ quan điểm của triết họ. Phật Pháp có thể được chia ra làm Bốn Trường Phái (Vaibasika, Sautrantrika, Yogacara và Madhyamaka)[4] mà tất cả đều đến từ Ấn Độ. Trong một cách nào đấy những thứ này dường như loại trừ lẫn nhau. Tuy nhiên, mục đích giáo huấn dường như mâu thuẩn trong khuôn mẫu triết lý của Đạo Phật là để cung ứng một sự tiếp cận dần dần đến những triết lý cao hơn, đưa đến một sự thấu hiểu sâu rộng hơn, và ngay cả cuối cùng cơ bản hơn. Do vậy, không có trường phái triết lý nào là bị chối bỏ. Ở Tây Tạng, có bốn truyền thống chính: Nying-ma, Sa-kya, Ka-gyü and Ge-lug[5]. Từ quan điểm của sự thực tập, tất cả bốn phái trên đều là Đại Thừa tuân theo sự hợp nhất của Kinh Thừa Hiển Giáo và Mật Thừa Tantra, như được diễn tả ở trên, trên căn bản của Tiểu Thừa. Từ quan điểm của triết lý, tất cả bốn phái trên đều là những hành giả Trung Quán (những người tu tập với những tầng bậc triết lý tiệm tiến được giải thích ở trên). Họ không khác biệt với quan điểm của hành vi hay triết lý. Sự khác biệt của họ là qua thời gian khi truyền nhập vào Tây Tạng, sự truyền thừa khác biệt của những đạo sư Lạt ma người đã giới thiệu giáo huấn,nhấn mạnh khác biệt trên những khía cạnh khác nhau của sự thực tập và thuật ngữ bởi những giáo huấn mà họ được trao truyền. Tất cả bốn trường phái đều dẫn đến Phật Quả. Do vậy, chắc chắn sai lầm nếu nói rằng phái này hơn tông nọ, hay gièm pha bất cứ tông phái nào. 17.- HỎI: Xin ngài vui lòng giải thích sự khác nhau giữa việc tụng niệm của Đạo Phật và việc cầu nguyện của Ki Tô Giáo? Cũng thế, có điều gì khác nhau giữa việc thờ phượng Thượng Đế và việc tôn thờ chư Phật cùng Bồ Tát? ĐÁP: Hầu hết việc cầu nguyện mà chúng tôi tụng niệm chứa đựng những ý nghĩa được quán chiếu đến. Loại tụng niệm này không phải hoàn thành để thỉnh cầu hay kêu gọi lòng từ bi của chư Phật nhưng là một phương pháp thiền quán, nội dung của tụng niệm là chủ đề của thiền quán. Tuy nhiên, có một loại tụng niệm được hoàn tất để thỉnh cầu sự chú ý từ bi của chư Phật. Sự khác nhau giữa điều này và thờ phượng một Thượng Đế được quyết định bởi động cơ và nhận thức của những gì mà người ta đang làm. Bất cứ khi nào một Phật tử Đại Thừa hành động một sự cúng dường hay cầu nguyện chư Phật hay Bồ Tát, là người ấy đang thỉnh cầu sự hướng dẫn và hổ trợ để đạt đến Giác Ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. 18- HỎI: Để kết luận, ngài có bất cứ sự khuyên bảo tổng quát nào cho những hành giả ở phương Tây không? ĐÁP: Điều quan trọng là phải suy nghĩ thật kỷ lưỡng trước khi tham dự vào một truyền thống tâm linh. Một khi đã tham gia rồi, quý vị phải gắn bó với nó. Đừng làm như một người thử thức ăn trong tất cả những nhà hàng khác nhau nhưng chẳng bao giờ thật sự ngồi xuống để thưởng thức một buổi ăn. Hãy suy nghĩ một cách cẩn thận trước khi tiếp nhận một sự thực hành; rồi thì theo đuổi xuyên suốt nó. Với cách này quý vị sẽ đón nhận một số kết quả nào đấy từ việc, ngay cả chi dành một ít thời gian mỗi ngày. Trái lại, nếu quý vị cố gắng để theo đuổi tất cả những phương pháp thực tập khác nhau thì quý vị sẽ không đi đến đâu. Cũng thế, kiên nhẫn trong thực tập là điều cần thiết. Trong thời đại cơ khí này, mọi thứ dường như tự động. Quý vị có thể nghĩ rằng Phật Pháp cũng giống như vậy – rằng chỉ đơn thuần bật một công tắc là quý vị sẽ đạt được sự thực chứng. Hãy kiên nhẫn. Sự phát triển của tâm thức cần thời gian! Quý vị phải cố gắng để duy trì một nổ lực kiên cố trong thực tập. Sẽ vô ích nếu cố gắng một cách thái quá trong một vài tháng, rồi thì bỏ dở kiểu thực hành này và sau đó lại cố gắng khổ nhọc một lần nữa. Tốt nhất là áp dụng trong một cung cách liên tục và vững vàng. Điều này là cực kỳ quan trọng. Nếu quý vị đã đón nhận Đạo Phật, quý vị không nên tự xem mình như một ‘đại Phật tử’ và lập tức bắt đầu thay đổi mọi thứ một cách khác biệ. Một phương ngôn Tây Tạng nói rằng, ‘Thay đổi tâm thức quý vị những hãy để sự biểu hiện bên ngoài như thường lệ.’ Trong toàn bộ Phật Giáo và đặc biệt trong Đại Thừa, lợi ích cho người khác được nhấn mạnh một cách sâu sắc. Trong phạm vi này, Tịch Thiên đã nói trong Dấn Thân Trong Những Hành Động Của Một Vị Bồ Tát, ‘Đầu tiên hãy thẩm tra xem những gì có thể chấp nhận và những gì không thể chấp nhận đối với những người (của xã hội mà quý vị đang sống); rồi thì tránh những gì không thể chấp nhận.’ Dĩ nhiên, quý vị phải quan tâm đến những điều có thể chấp nhận hay không chấp nhận được có mâu thuẩn với Phật Pháp hay không. Nếu tiêu chuẩn của xã hội không mâu thuẩn với Phật Pháp, quý vị phải cố gắng để sống phù hợp với nó. Trong cách này người ta sẽ tôn trọng quý vị. Điều này không phải được làm với vị kỷ mà nhằm để đem đến lợi ích tối đa cho tất cả. Trong sự thực hành Phật Pháp, điều cần thiết phải luôn luôn giữ một thái độ từ ái đối với người khác, vì đây là căn bản của Bồ Đề Tâm (tâm đại bi). Từ ái là một sự thực hành đơn giản, tuy nhiên nó rất lợi ích cho cá nhân, người thực nó cũng như cho cộng đồng mà người ấy đang sống, cho quốc gia và cho toàn thế giới. Từ ái và bi mẫn luôn luôn là đúng đắn. Cho dù quý vị có tin sự tái sinh hay không, quý vị sẽ cần từ ái trong đời sống này. Nếu chúng ta có lòng yêu thương, sẽ có hy vọng để có những gia đình thật sự, tình huynh đệ thành thật, sự bình đẳng chân thành, và nền hòa bình chân thật. Nếu lòng yêu thương bị đánh mất, nếu chúng ta tiếp tục thấy những người khác là kẻ thù, thế thì không kể chúng ta có bao nhiêu kiến thức và học vấn, bất chấp bao nhiêu tiến trình vật chất được thực hiện, thì chỉ có khổ đau và rối rắm sẽ theo sau [như bóng không rời hình]. Một cách căn bản, mọi người hiện hữu trong bản chất tự nhiên của khổ đau, vì thế ngược đãi hay đối xử một cách bệnh hoạn với người khác là phù phiếm. Nền tảng của toàn bộ sự thực tập tâm linh là yêu thương hay lòng từ ái. Sự tập của quý vị tốt đẹp về điều này là yêu cầu duy nhất của tôi. Dĩ nhiên, để có thể làm được như thế trong mọi hoàn cảnh sẽ cần có thời gian, nhưng quý vị không nên đánh mất sự can trường. Nếu chúng ta nguyện ước hạnh phúc cho loài người, thì đây là cung cách duy nhất. Lời tiên tri của Tổ Sư Liên Hoa Sinh: “Khi nào chim sắt bay, ngựa chạy trên bánh xe, người Tây Tạng phải lang thang khắp cùng trái đất, lúc đó Phật pháp sẽ được truyền đến đất nước của người da đỏ." (“Đất nước của người da đỏ”, được xem là Tây phương, vì đối với người châu Á, da người Tây phương đỏ hồng). http://lamayeshe.com/index.php?sect=article&id=415 Tuệ Uyển chuyển ngữ 02/10/2010 [1] Cakra- cakka, cakrahva: đây là những điểm dọc theo kinh mạch trung ương tại trán, cổ họng, tim,…nơi có sự mở rộng của kinh mạch. [2] Nadid: những tuyến đường bên trong thân thể mà những năng lượng vi tế lưu chuyển. [3] Consort: bổn tôn nữ (Tib: yum), tương ứng trong sự hợp nhất với bổn tôn nam (Tib: yab).Bổn tôn nữ biểu trưng tuệ trí, không tách rời với khía cạnh nam bổn tôn biểu trưng cho phương tiện thiện xảo. [4] 1- Vaibasika: Tỳ sa bộ (Phân biệt thuyết) 2- Sautrantrika: Kinh Lượng Bộ (Tăng ca lan da bộ) 3- Yogacara: Bí Tông (Mật giáo) 4- Madhyamaka: Trung Quán Tông [5] 1- Nying-ma: Ninh Mã phái, Cổ Mật phái, 2- Sa-kya: Tát Ca Phái, còn gọi là trường phái Đất Xám, một trong ba tân phái của Tây Tạng 3- Ka-gyü: Ca Nhĩ Cư phái, 4- Ge-lug: Gelugpa, Cách Lỗ phái, Ngạch Nhĩ Đức phái hay còn gọi là Hoàng Mạo Giáo, tông Đức Hạnh, tông Hiền Nhân.