Trong đời một người, ai cũng có hàng chục hàng trăm lần kêu lên: "Trời ơi! Tôi bận quá! Tôi bận lắm!" hay "Tôi bận kinh khủng!". Mai cũng thế. Suốt quãng đời quá khứ, Mai đã vô cùng bận rộn.
Khi mới sinh ra, Mai bận khóc: khóc để đòi bú, đòi ăn, đòi mẹ ấp ủ, khóc vì ngã đau hay để vòi. Khi còn bé Mai bận chơi rồi bận học. Tuổi dậy thì, Mai bận mơ mộng và bận xây mộng viễn dụ Khi lập gia đình, Mai bận việc nhà, bận chồng, bận con và bận đi làm để lãnh số lươnng hàng tháng. Rồi cứ thế, cuộc sống tiếp tục bận rộn vì tranh đấu không ngừng.
Hôm nay bỗng nhiên Mai thấy tất cả mọi việc đều hoàn tất. Hay nói một cách khác, mọi việc như …. hết rồi! Những ngày bận rộn của Mai đã qua và có lẽ vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa. Hôm nay là ngày sinh nhật của Liên, con gái Mai, được 18 tuổi.
Đáng lẽ Mai phải bận rộn lắm mới phải. Mai tính toán, xếp đặt chương trình từ lâu về cái ngày đáng bận rộn hôm naỵ Mai phải mua quà, làm bánh sinh nhật, tổ chức tiệc trà, viết thư mời, quét dọn nhà cửa, mua ly cốc, mua đồ ăn thức uống cho bạn bè của Mai và Liên đến dự tiệc. Nhưng trái lại, Mai đã không bận gì cả. Không có bánh, không có tiệc, không có bạn. Cả tòa nhà bỗng nhiên im lặng một cách lạ lùng và trống rỗng đến phát sợ. Cái im lặng trống rỗng mông mênh ấy làm Mai cảm thấy những ngày bận rộn của Mai thật đã chấm dứt từ đây.
Liên được 18 tuổi hôm naỵ Nó có một bạn trai và hai đứa rủ nhau đi xa để ăn mừng sinh nhật của nó. Liên đã nói với Mai một cách không có vẻ gì quan trọng là có lẽ chúng nó sẽ đính hôn nhân thể.
Sinh nhật 18 tuổi là một ngày trọng đại đối với pháp luật ở đây. Đứa con 18 tuổi được ở riêng, được uống rượu, được đi lính, được bỏ phiếu và được kết hôn khỏi cần sự đồng ý của cha mẹ. Nó được làm nhiều thứ, không ai có quyền can thiệp, dù những việc ấy trước đây chúng nó cũng đã làm, nhưng sau 18 tuổi thì trên pháp lý danh chánh ngôn thuận.
Liên sẽ mang nhẫn đính hôn, nghĩa là nó sắp lấy chồng. Đúng là một ngày quan trọng nhất trong đời hai mẹ con Mai. Mai ước ao chúng nó làm tiệc ở nhà, để Mai cũng được dự vào một phần quan trọng, nhưng chúng nó thích đi ăn mừng ở một nơi riêng biệt theo kiểu mới, kiểu hippy.
Căn phòng chỉ sáng mờ mờ vừa đủ trông thấy. Mai không bật đèn. Nàng nằm trong phòng của Liên, nghĩ đến con và hồi tưởng lại thuở ấu thơ của mình.
Ngày xưa... Mai cũng đã rất bận rộn, giống như Liên bây giờ. Lần đầu tiên, Mai bỗng thấy bắt được cái cảm giác của mẹ nàng lúc xưa, khi cả gia đình còn sống chung, sống trong thời mới cũ giao nhau.
Ngày xưa... Mai cũng đã làm khổ mẹ. Mai đã bị lôi cuốn vào làn sóng đổi thay của đất nước ở cái tuổi 18, cũng như tất cả thanh niên nam nữ cùng trang lứa. Cái lửa bừng bừng nhiệt huyết đòi "xếp bút nghiên". Sáu anh chị em lần lượt rời gia đình, lăn vào xã hội trước tuổi chín muồi. Mai làm gương trước hết, và kết quả là chỉ đem lại cho cha mẹ những sự bực mình, lo lắng khổ sở, nhưng đàn chim sổ lồng kia có bao giờ biết đến đâu! Chúng nó chỉ lo bay cao, bay xa, bay không ngừng, bay không biết mệt và cũng không quay đầu nhìn lại, sợ trông thấy những giòng nước mắt của mẹ già làm cho sắt thép cũng phải mềm.
Mẹ Mai có cách tự an ủi rất hiệu nghiệm: "Con cái là nợ của cha mẹ từ tiền kiếp. Chúng nó chỉ đến để đòi nợ. Cha mẹ có bổn phận nuôi dưỡng, thương yêu, dìu dắt, tha thứ, giúp đỡ tận tụy, rồi... quên đi. Còn thứ con có nợ cha mẹ mới biết phụng dưỡng báo hiếu, làm cho cha mẹ vẻ vang. Mình vô phước nợ nhiều, thì đành trả vậy, không trả kiếp này, kiếp sau nó còn đòi nữa... mệt lắm!" Bà nói và khôi hài với chính mình, nhưng sự thật không giấu được niềm thất vọng.
Ngày xưa... ngày xưa với ngày nay chỉ cách nhau 20 năm mà đã có biết bao nhiêu là khác biệt. Những việc ngày xưa cho là quan trọng suốt một đời người, thì ngày nay chỉ là một việc "có lẽ" và "nhân thể".
Công bình mà nói, Liên cũng chỉ là một nạn nhân của thế hệ. Thế hệ mới, thế hệ đả phá gia đình, thế hệ của phong trào hippy đang lên đến cao độ. Liên lớn lên trong cái phong trào của thế hệ ấy, làm sao chống cự nổi.
Tuần trước, Mai có khách ăn cơm. Một ông bạn đề nghị mọi người cho biết, nếu trong đời mình có dịp được làm lại, thì mình sẽ làm lại cái gì. Mọi người đều nói lên một vài chuyện vui vui, vô thưởng vô phạt. Khi đến lượt Liên, nó xụ mặt lại bảo:
- Tôi ao ước được... đừng ra đời!
Câu nói như một tiếng sét rơi vào giữa bàn tiệc. Mai lặng hẳn người đi. Mai ngượng với khách và khách ngượng hộ cho Mai. Thằng bạn trai của Liên trưởng thành hơn, tuy không nói gì nhưng cũng tái mặt như tất cả mọi người. Mấy phút nặng nề đến ngạt thở trôi quạ Một bà bạn của Mai gượng cười lên tiếng trước:
- Vừa rồi cháu Liên đã trả lời hay lắm. Cháu chưa thực sự ra ngoài đời để sinh sống, tranh đấu, làm gì đã hiểu đời, đã ưu tư, làm gì đã có lỗi lầm để ao ước được làm lại. "Đời là bể khổ", Phật dạy thế. Thực ra, tôi cũng không thích sống ở cuộc đời đầy vật lộn tranh đấu, mệt óc mệt thân này. Liên thông minh lắm mới biết... sợ đời từ khi chưa biết đời như thế nào!
Một ông bạn khác tiếp theo:
- Chính tôi lắm lúc cũng muốn bỏ hết, lên núi tu tiên cho rảnh.
Chỉ vì cái vụ... "về nhà thấy vợ công phu chưa đền" nên... không nỡ tu, mới khổ thế này.
Mọi người lại vui vẻ cười đùa, nhưng niềm đau trong lòng Mai lên đến cùng cực. Đời Liên đã có gì sai lầm để Liên chán ghét đến thế? Ai cũng có thể phàn nàn nếu gặp lúc rủi ro khổ sở, nhưng Liên đã ra đời đâu! Liên không khuyết điểm một phương diện nào để có thể phàn nàn được.
Mai chợt thấy lạnh người. Tình cảm bỗng nhiên xoay ra một lối khác. Mai không còn u uất vì đứa con ăn nói mất dạy trước mặt khách làm nàng xấu hổ nữa. Mai chỉ xấu hổ vì, hơn một lần, chính Mai cũng đã nói câu ấy, không hề biết đến cảm nghĩ của người nghe: "Tôi ao ước giá đừng ra đời!" Bây giờ Mai hiểu thấm thía rồi. Cố nhiên Mai được cha mẹ tha lỗi, không phải một lần mà cả trăm lần, cũng như Mai đã tha lỗi cho Liên không hề biết chán.
Hôm nay, ngày Liên 18 tuổi, ngày quan trọng của tuổi thành nhân. Còn quan trọng hơn nữa là nó sẽ làm lễ đính hôn. Thế mà, Mai là mẹ, lại không được dự để chia vui. Giờ này, Liên đang ở xa Mai đến hàng trăm dặm. Liên với bạn trai của nó đang ăn mừng với nhau và với các bạn riêng.
Đây là cuộc sống mới, cuộc sống của cao triều hippy mà Mai cũng như bao nhiêu cha mẹ khác cắn răng chịu đựng, thả buông thả lỏng cho khỏi đứt, chờ khi phong trào chìm lặng, đứa con lạc hướng – hy vọng còn sống – sẽ tìm lại đường về.
Thỉnh thoảng Liên cũng ở nhà, khi ốm, khi đói, khi cần ngủ hay giận thầy, giận bạn. Những lúc ấy, Mai thấy Liên có bộ mặt lầm lì dài thườn thượt. Nó muốn được chiều ý tất cả mà không muốn trả giá bằng một bộ mặt tươi cười.
Càng về tối càng lạnh hơn. Mai không đốt lò sưởi cũng không vặn đèn. Mai muốn hòa lẫn, tan biến vào bóng đêm để trốn tránh hiện tại. Đã lâu không còn ao ước, giờ đây Mai ao ước được trở về quê viếng mộ cha mẹ. Không biết mộ có còn sạch sẽ, hay cỏ dại mọc đầy. Mộ là nhà của người chết. Cha mẹ Mai ngày xưa rất nghiêm khắc trong việc sạch sẽ ngăn nắp. Mai muốn chính tay mình – ít ra cũng được một lần – nhổ cỏ mộ cha mẹ. Đi xa quá sớm, Mai đã mất tất cả cơ hội được thương yêu khi cha mẹ còn sống, bây giờ Mai mới thấy là đã phí phạm một thứ quí gía nhất trên đời.
Lúc cơn buồn lên đến tột độ, Mai cố vùng vẫy để thoát ra khỏi mơ mộng đắm chìm. Mai đứng dậy bước ra khỏi phòng con, không quên khép chặt cửa lại. Khi Liên đi vắng, Mai mở cửa phòng này để nắng gió vào cho thoáng. Khi cửa phòng này đóng chặt thì đó là dấu hiệu Liên có nhà.
Mai đến bàn thờ, đốt một điếu thuốc và một cây hương. Sự thờ cúng tối thiểu của Mai chỉ là tượng trưng, để bày tỏ lòng tưởng nhớ. Sự thật, tất cả đều vô nghĩa. Người chết đã chết, đã thuộc về dĩ vãng... Người sống đã đi xa... Hiện tại chỉ còn một mình Mai lững thững xuống núi.
Bây giờ là lúc Mai không bận với đời nữa, có đủ thì giờ dành cho gia đình, nhưng nhìn lại, bên mình Mai chỉ còn là khói hương, khói thuốc và cánh cửa phòng con đóng chặt, cho Mai cái ảo tưởng là tất cả những người thân còn lẩn khuất đâu đây.
Trích trong tuyển tập Mây Tần
Linh Bảo - 1971
Hết

Xem Tiếp: ----