a trường, khi tuổi đã lớn. Tôi về một vùng, nơi mà người ta còn nhìn anh bộ đội Bắc kì với con mắt lạ lẫm, và không ít người kì thị. Cũng chưa lâu lóm gì, mới mấy năm trước oánh nhau quá xá, vầy cũng phải thôi. Thế là bằng mọi cách, tôi giấu biệt tích tính danh của mình. Có như vậy, mới hi vọng tìm được cô vợ người bản xứ để định cư lâu dài. Nội cái việc có ý định tìm vợ người miền Tây, cha tôi đã phản đối hết chịu nổi. Tôi nghĩ ra mẹo, đưa cha vào chơi mấy tháng ròng. Hi vọng đi thăm thú, tiếp cận với lối sống Nam bộ, lối sống xứ miệt vườn để ông khoái mà nhất trí với ý định mà ông cho là gàn rỡ của tôi. Chuyện thuyết phục ông già coi như ổn. Còn lại là ở sự nổ lực của bản thân.
Việc trước tiên là luyện lại giọng nói Nam bộ cho chuẩn. Nói là luyện, chớ mấy năm ở lính, tôi đã ngụp lặn trong bưng, trong cứ, nên nói tiếng Nam cũng tàm tạm. Người ta bảo “chém cha không bằng pha giọng”. Biết vậy nhưng để đạt mục đích, để giao tiếp thuận lợi là phải “pha”. Vả lại, cha cũng không phản đối. Thế rồi tôi cũng nói thuần thục không khác mấy người địa phương. Làm vầy không phải là tôi cố tình xạo đâu. Rồi trước sau gì mình cũng khai báo lí lịch mà.
°°°
Lớp tôi dạy và chủ nhiệm năm ấy là một lớp Sử. Tôi lại dạy phần Lịch sử Việt Nam hiện đại, thời kì có nhiều bài về cuộc kháng chiến vừa xẩy ra. Mình là người vừa bước ra từ cuộc chiến, vầy mà giờ phải giấu mình. Thiệt là, buồn thấy mụ nội. Mấy đứa sinh viên cứ hỏi:
- Thầy có đi lính không thầy?
- Không, lính quốc gia thì thầy trốn. Còn lính bên Việt cộng – ý quên, bên Giải phóng, thầy cũng không đi. Hồi đó thấy bom đạn ngút ngát vầy, sợ thấy mồ luôn.
Khi cần lấy dẫn chứng để làm cho bài giảng sinh động hơn, tôi lấy chính những trận đánh mình đã tham gia ra kể, nhưng lại bảo là nghe mấy ông giải phóng kể lại.
Lớp ấy có nhỏ Tuyến đã lọt vào tầm ngắm của tôi. Nói cho ngay, trước Tuyến cũng đã có mấy em, tôi ngắm nhưng rồi chẳng “bắn”. Còn Tuyến, em đã mê hoặc tôi bằng cái đẹp, cái hồn nhiên, đằm thắm của con gái miệt vườn. Ngày học chính thức, con gái phải mặc áo dài. Trắng rợp cả sân trường. Vầy mà dù em ở đâu tôi cũng nhận ra. Dáng cao, nước da ngần trắng, tóc mượt dài, cổ ba ngấn...dáng ấy lẫn vào đâu được. Buổi không học chính thức, Tuyến đến trường với áo bà ba đen bó chẽn hông, quần saten cũng đen. Tôi không phải nhà văn nên không tả hết được. Đại để là Tuyến đẹp hết biết luôn. Tuyến như đã hớp hồn tôi.
Chuyện dài dòng lắm. Tóm lại, sau đó Tuyến cũng đã cảm nhận được tình cảm tôi dành cho em. Tôi biết, vì thấy Tuyến đến phòng tôi ngày một dày hơn. Hồi đầu, em còn kè thêm mấy nhỏ bạn. Dần dà, chỉ một mình.
°°°
Ba má Tuyến đã mất. Tuyến đang ở với người anh thứ hai – Ba Tuyên. Nhà anh Ba làm ruộng. Ruộng vài chục công. Vườn hơn chục mẫu. Năm trúng, ruộng thu về ngót nghét ngàn giạ. Chục mẫu vườn trồng rặt nhãn và chôm chôm. Heo gà trong chuồng, cá mú dưới ao thì bề bề, tính chi hết. Tuyến bảo, ruộng vườn là nội để lại cho anh em Tuyến, anh Ba không muốn sang cho người ta. Chớ nhiều hôm ảnh cứ kêu oải. Mà không ráng mần, thuê mướn, lấy chi nuôi em, nuôi sắp nhỏ học hành. Thấy anh Ba ruộng vườn ràng rịt vầy, cũng thương ảnh.
Tôi biết rành rọt vầy, vì tôi đang tìm hiểu đối tượng. Còn điều quan trọng, cực kì quan trọng là anh của Tuyến trước giải phóng có đi lính hay không, Tuyến không kể. Gặng hỏi, Tuyến cũng không kể. Anh Ba trước nếu có đi lính, là lính bên mình thì khỏi nói. Chắc sẽ êm xui. Nhưng, nếu là lính cộng hoà, thì chuyện tôi xàng xê với Tuyến coi như tiêu. Không có cách nào hơn là phải về tận nhà, tiếp cận ảnh. Khi tình cảm giữa tôi và Tuyến đã đến độ chín, tôi gợi ý:
- Hôm nào rảnh, em dẫn tôi về thăm anh chị và mấy đứa nhỏ, nghen.
Tuyến chần chừ:
- Em sợ ảnh rầy lắm thầy ơi. Ảnh khó lắm.
- Sợ chi? Em cứ thưa với ảnh, thầy chủ nhiệm ghé về thăm, nhậu với ảnh chơi. Ảnh chịu liền à.
Vầy rồi tôi và Tuyến dắt nhau về. Hồi ấy mần chi đã có xe máy. Thôi ráng chở em trên chiếc xe đạp, kể cũng hay. Khi đang yêu, chừng bốn chục cây nhằm nhò gì. Thầy trò về đến đầu ấp, nhỏ Ba – cháu Tuyến nhìn thấy đã mừng húm, xấp xải chạy về. Nó chói lói gọi tía, gọi má:
- Tía ơi! Má ơi! Cô hai về. Mà ai chở cô Hai về, lạ lắm nghen.
Người ra đón chúng tôi là anh Ba – anh của Tuyến. Chắc cú là vậy. Vì Tuyến nhảy xuống xe, đã nhoẻn miệng cười:
- Anh Ba à! Tui mới về.
°°°
Khách lạ xuống miệt vườn, không thể không nói đến chuyện nhậu. Trưa đó, tôi, Ba Tuyến, cậu Năm, cậu Chín và mấy ông lối xóm tấp sang, nhậu tơi bời khói lửa luôn. Bao nhiêu năm sống trong cứ, đã tôi luyện cho tôi bản tánh gan lì. Gan lì với địch, gan lì với khổ ải, và cả gan lì với rượu. Quà người thân gửi vô cứ chủ yếu là rượu, ít khô đuối, khô khoai...cũng lai rai, nghiêng ngã được mấy ngày. Oánh xong một trận, về không có rượu nó buồn thê thiết.
Khi rượu đã làm ông ba bừng bừng, tôi bắt đầu ý định của mình:
- Nè, chớ hồi ở lính, anh Ba ở đơn vị nào vậy ta?
Hỏi hù hoạ vậy, chớ biết trúng trật?
- Ủa, sao thầy Hai biết là tui ở lính? Bộ tui giống lính vầy sao?
- Thì nhìn điệu bộ uống vầy, tui đoán chắc cú anh Ba là lính mà.
Ba Tuyên tay cầm li rượu, không uống nhìn tôi chằm chặp:
- Bộ thầy cũng là lính hả? Mà lính bên nào vậy?
Tôi không bất ngờ trước câu hỏi của ảnh. Vì bấy lâu nay tôi đã giấu mình là lính. Trả lời tỉnh queo:
- Đâu có anh Ba. Tôi có đi lính hồi nào đâu. Hồi trước, tôi trốn chui lũi. Khi thì xuống tận miệt Đầm Dơi, Thới Bình. Năm thì sang miệt An Minh, Kiên Hải. Thấy bom đạn rần rần vầy, tui sợ thấy mụ nội luôn.
Tôi xạo hết biết. Được cái, dân miệt vườn tánh thiệt thà, chất phác, nói sao nghe vầy. Tôi nói vầy, ảnh tin vầy. Ba Tuyên bệu bạo cười, không ngần ngại:
- Nói thầy hay, tui là lính cộng hoà. Uống vô tui mới kể. Mà đây là mấy cậu, lối xóm quen biết cả, tui mới kể. Một đời lính, khúc mấy gang tay cũng đã qua. Nói là hận, biết hận ai? Bom đạn qua rồi, quýnh quáng, lụm cụm vầy cũng gần năm mươi rồi. Thời cuộc thay đổi quá trời đất. Thôi zô đi thầy.
Tôi vẫn không buông:
- Hồi ở lính, oánh dữ không anh Ba? Có trận nào hay hay kể nghe chơi. Kể đi anh Ba. Bom đạn qua rồi, anh sống sót, lành lặn vầy là hên quá rồi, giờ kể cho vui mà.
Ba Tuyên châm thêm li mữa, cạch vào li của tôi, rồi ngửa cổ làm cái ực ngọt trớn. Đặt chiếc li xuống, nhăn mặt, ảnh khè một tiếng rõ dài (uống rồi có khè vầy nó mới đã). Rồi cầm cái li cối lắc lắc cho tan mấy cục đá, chậm rãi:
- Oánh dữ không hả? Dữ hay không dữ thì cũng đã thua rồi. Ngày mới giải phóng, nghe người ta xài xễ, chịu hổng thấu. Nhưng riết rồi cũng quen. Mà thôi, để tui kể thầy Hai và mấy cậu nghe trận này. Trận cuối cùng, tưởng tận mạng rồi. Ai dè. Đấy là trận để lại kỉ niệm sâu nhất trong mấy năm lính của tui.
Lại cạch và tiếp li nữa. Trầm tư giây lát, vỗ giò cái đét, ảnh kể:
- Mụ nội chúng nó chớ, oánh chác gì nhát thấy mẹ. Trận ấy mấy cha lính giải phóng oánh quá trời đất. Tụi tui có cả gần đại đội đóng ở đồn Quới Thiện. Cối 80 li, cối cá nhân M79 giã toác cả họng. Cực nhanh bắn văng mạng, vầy mà họ cứ nhào vô, ngăn không đặng. Mà B40 thụt vầy, chịu sao thấu. Bọn tui bỏ đồn chạy như vịt xuống con kinh sau đồn. Báo hại, nước ròng nên sình ngập giò không sao chạy được. Vầy là bị họ lùa lên cũng như lùa vịt. Hổng biết răng mấy chả không bắn nữa. Làm thằng lính mà bị bắt nhục thấy mụ nội.
Kể đến đấy, Ba Tuyên ngưng giây lát. Chắc ảnh chợt buồn cho cái phận lính thất trận. Trầm tư chút xíu, lại tiếp:
- Mà thôi. Cũng nhờ trận ấy, họ tha mạng mà tụi tui sống, lột được bộ áo lính. Chớ mần thêm trận nữa, hông chừng về với tía tui lâu rồi. Mấy năm máu mê xàng xê cống líu với súng đạn, cũng qua. Rồi hoà bình. Dù gì, giờ mình cũng nhớ ơn cứu mạng của mấy chả. Mừng hết lớn...
°°°
Tưởng đâu xa. Ba Tuyên đang kể về cái trận ở đồn Quới Thiện. Trận ấy đại đội tôi oánh chớ ai. May mà tôi kịp trấn tĩnh, kịp ngăn lại, không tham gia chuyện cùng ảnh. Ấy là đêm giữa tháng tư bảy lăm. Với Ba Tuyên là trận cuối, nhưng với tôi còn mấy trận nữa thì giải phóng. Trận ấy chúng tôi bắt sống đâu 13 tù binh. Tù binh sau khi được lùa từ kinh lên, dẫn về trụ sở ấp Thới Thạnh. Đám tù binh được tập hợp ngồi giữa sân. Cả tiểu đội tôi, súng lăm lăm vây quanh. Chúng tôi đang chờ chính trị viên Năm Thỉnh đến xử lí.
Tôi rút gói bastos ra, nhưng sờ mãi không có hộp quẹt. Thấy vậy, một tay tù binh ngồi hàng đầu đưa tôi chiếc jippo, nói lí nhí:
- Dạ thưa…, hộp quẹt đây ông.
Châm thuốc xong, tôi trả lại chiếc jippo, nhưng hắn ta bảo:
- Thôi ông cứ giữ lấy mà dùng. Tui không hút thuốc, không dùng đến.
Cứ sau mỗi trận đánh, tôi cố giữ lại một vật gì đó làm kỉ niệm. Trận thì chiếc thẻ bài. Trận khác là chiếc mở hộp, chiếc hộp quẹt... Chiếc jippo là chiến lợi phẩm trong trận Quới Thiện, mà tôi đã giữ mãi. Nó không đẹp như những chiếc trước tôi lượn được, nhưng là chiếc tự chủ nhân của nó đưa cho tôi. Nó màu vàng. Một góc bị xây xước. Ở cạnh, ai đó đã vạch ba vạch hằn sâu. Chiếc jippo ấy tôi dùng cho mãi đến sau này. Cũng may hôm ấy, tôi mà de chiếc hộp quẹt ra. Lộ chuyện là cái chắc.
°°°
Chuyện tôi đi lính, giấu mãi rồi cũng lộ. Ấy là đúng dịp kỉ niệm mười năm giải phóng miền Nam, trường tôi tổ chức long trọng lắm. Báo hại, hiệu trưởng giao cho tôi phải đại diện cựu chiến binh phát biểu trong buổi lễ. Xếp giao không thể từ chối. Bài phát biểu của tôi được cả hội trường vỗ tay như pháo. Dĩ nhiên trong tiếng vỗ tay ấy, tôi đủ nhận ra vẫn có không ít tiếng vỗ lấy lệ.
Sau buổi lễ, tối đến cả lớp Tuyến xuống phòng tôi. Chúng mang hoa, mang quà đến chúc mừng. Và dĩ nhiên không thể thiếu bày biện liên hoan. Trong bữa nhậu, học trò trách cứ:
- Thầy có đi lính, vầy mà lâu nay cứ giấu hoài.
Tôi thanh minh cho qua chuyện:
- Thầy không cố tình giấu, nhưng nghĩ cũng chẳng khai làm gì. Chiến tranh qua lâu rồi mà.
Điều quan trọng hơn, chuyện của tôi bị lộ, tình cảm của tôi và Tuyến sẽ rắc rối to. Thế nào Tuyến cũng về kể cho anh Ba. Tôi không ngăn Tuyến. Nghĩ đằng nào cũng lộ rồi. Thôi tới đâu thì tới. Sau lần về nhà Tuyến, như tôi đã kể, tôi còn về nhiều bận nữa. Qua thái độ khi nói chuyện, tôi biết Ba Tuyên chẳng ưa gì lính giải phóng, nếu không muốn nói là anh ta đang hậm hực. Mấy năm sau giải phóng, Ba Tuyên đã có ý định vượt biên mấy lần nhưng không thành. Anh ta khoái tôi khi xuống chơi. Khoái nết nhậu, khoái nết bỗ bã của tôi nên đã tâm sự hết. Chớ biết tôi là lính giải phóng, lại là Bắc kì, chắc đã tống cổ tôi lâu rồi.
Từ hôm lộ chuyện với lớp, với Tuyến tôi thấy buồn. Đêm nằm cứ trăn trở, không biết rồi tình cảm của tôi và Tuyến sẽ ra sao, đi về đâu? Chủ nhật trước Tuyến về. Tối lên ghé phòng tôi. Tuyến buồn ủ ê. Em líu ríu, anh Ba nghe chuyện tôi là lính giải phóng, ảnh quặu quá trời đất. Ảnh quặu tôi là thầy mà ba xạo. Rồi cấm tiệt Tuyến quan hệ với tôi.
°°°
Nói thiệt, một thằng lính như tôi, oánh đâu thắng đó, vầy mà giờ như thằng thất trận. Kể ra nghe kì thiệt. Một tuần tôi chìm trong rượu, trong khói thuốc. Thằng đàn ông như tôi, nghĩ lãng xẹc. Và rồi từ thuốc lá, tôi đã nghĩ ra cách để vượt qua ải này. Tôi nghĩ đến chiếc jippo. Hi vọng nếu còn nhớ đến chuyện ân oán, Ba tuyến sẽ nghĩ lại. Vầy là tôi gửi Tuyến đưa chiếc bật lửa về cho ảnh. Chắc chắn từ chiếc jippo anh ta nhớ đến trận Quới Thiện. Tôi nói với Tuyến:
- Em đưa giùm chiếc jippo này về cho anh Ba. Biểu với ảnh, thầy Hai nhờ tìm xem ai là chủ nhân của nó, chuyển lại cho người ta, để họ giữ làm kỉ niệm. Thầy giữ cái hộp quẹt từ cái đêm ở sân trụ sở ấp Thới Thạnh. Cứ nói vầy là ảnh nhớ.
Rồi chuyện sau đó ra sao, chắc các bạn cũng đoán ra, nếu tôi nói, bà xã tôi bây giờ là cô giáo sinh Tuyến xinh đẹp ngày ấy chớ ai.
Hà Tĩnh, tháng bảy - 2011
 

Xem Tiếp: ----