hông thường, đứng trước một nỗi buồn người ta cần có ai đó đồng cảm để chia sẻ và nỗi buồn sẽ vơi đi. Nhưng cũng những nỗi buồn mà thật sự không dễ gì giải bày dù người đó là ai! Và nỗi buồn đó sẽ ray rức, gậm nhấm dần mòn cái sinh lực của con người.
Có những nỗi khổ, mà không phải vì chính bản thân mình phải chịu thiệt thòi vì một điều gì đó, mà cái khổ nó đến từ sự lo lắng cho những người thân, những người chung quanh mình, những người chưa biết hoàn thiện cuộc sống của họ, dẫn đến một hối tiếc mà việc ăn năn hay hối hận chỉ là một thứ xa xỉ, không có tác dụng.
Trong quan hệ cha mẹ, con cái, những ai đặt nặng tình thương vào đấng sinh thành, và phải trải qua cảm giác chia lìa kẻ sống người chết, kẻ đi người ở sẽ có cảm giác như tất cả bị sụp đổ. và cảm thấy mình bất lực trước sự ra đi của cha, của mẹ để rồi tiếc nuối những điều mà mình chưa hề nghĩ tới để làm đẹp lòng họ, để an ủi họ trong tuổi già bóng xế.
Xem những phim ảnh thời phong kiến của Trung Quốc, chúng ta thấy con, dâu, cháu chắt, vào buổi sáng hay đi thỉnh an ông bà cha mẹ, vài người xem cho rằng việc này quá rườm rà, khách sáo và trong tư tưởng mới họ nghĩ rằng đi thì cũng đã thấy, về thì cũng đã biết, cần gì phải hỏi, phải chào. Thế nhưng, sự chào hỏi rất cần thiết để tạo nên sự mật thiết giữa những người trong gia đình.
Ai cũng dạy con mình sự lễ phép từ lúc nhỏ, đi thưa về trình, nhưng đến một lứa tuổi nào đó thì đứa con có cảm giác không cần phải thưa trình nữa, phần cha mẹ sự dần trưởng thành của con cái cũng làm cho cha mẹ an tâm mà bớt theo dõi, quan sát. Vậy ngoài mục đích lễ phép, việc thưa trình còn nói lên sự quan tâm cho nhau, tạo sự an tâm cho nhau. Khi đứa con chào cha mẹ, có nghĩa con đã bình an trở về, và cha mẹ có khỏe không!!! Nếu người cha hay người mẹ mặt mày vui tươi hớn hở, có nghĩa là khỏe, vui. Nếu người cha người mẹ uể oải trả lời thế nào đó, thì phải hiểu rằng cha mẹ đang gặp khó khăn trong sức khỏe, hay một vấn đề gì đó, và con cái có bổn phận chăm sóc hỏi han ngay từ lúc đó. Có thể một túi thuốc không giúp họ được nhiều lắm, nhưng một lời thăm hỏi, sự quan tâm xoa tay, bóp chân, hay một miếng kẹo miếng bánh nhỏ bé mà cha mẹ thích được đứa con mang về có khi giúp họ rất nhiều...
Chào thì cũng quen, mà không chào thì cũng quen, nên đến một lúc nào đó, những đứa con cảm thấy khó mở lời, họ có cảm giác như mình bị xem là con nít khi làm cái thông lệ đó. Nhưng thực tế, chính vì trưởng thành, con cái càng phải hiểu trách nhiệm của mình đối với cha mẹ hơn, và phải chào hỏi trịnh trọng hơn, vì thời gian chào hỏi vấn an cha mẹ mỗi ngày một rút ngắn lại. Tuổi già làm người ta bớt sôi nổi, bồng bột, nhưng trí não vẫn hoạt đồng, tình cảm giành cho con cái chỉ có thêm chứ không bớt, những đứa con khôn ngoan, hiểu biết giúp cha mẹ yên tâm, đỡ lo lắng, còn những đứa con thiếu tự tin, không có khả năng tự lập, làm cho cha mẹ lo lắng nhiều hơn. Và liều thuốc an thần đối với họ là sự bộc bạch của con cái. Có những đứa con, cứ nghĩ việc mình, mình giải quyết, nói với cha mẹ chi chỉ nghe những lời giáo huấn nhàm chán, mà không đi đến đâu cả. Ông bà ta có câu, gừng càng già càng cay để nói cái kinh nghiệm của con người trong cuộc sống. Cha mẹ già có thể không có sức khỏe để làm gì đó, hoặc không có dư tiền của để hổ trợ chúng ta. Nhưng họ có kinh nghiệm sống, có tình thương giành cho mình, sự trao đổi giữa hai thế hệ, giúp cho tuổi trẻ bớt sai lầm, và giúp cho người già an lòng khi biết qua sự việc không phải suy nghĩ mông lung. Những ngưởng cửa trong cuộc đời, ai lại chẳng bước qua, khi được con cái chia sẽ họ có thể tìm thấy mình, bạn bè chung quanh mình vào những ngày xa xưa đó, với những tình huống tương tợ.. Và kinh nghiệm, họ biết sự việc giải quyết thế nào thì tốt nhất. Có thể con cái không nghe theo vì cá tính, vì sự tự mãn, nhưng lời đóng góp sẽ là một lưu ý, một cảnh báo, để con cái có thể rút chân lại khi còn kịp.
Người ta thắc mắc, cái bà kia thuộc thành phần trí thức, có bằng cấp học vị. Gia đình cũng vào dạng khá giả, con cái cũng trưởng thành. Thế nhưng bà ấy cứ lang thang ngoài đường với chiếc xe đạp. Cứ đi ra ngoài, đứng ngẩn ngơ rồi lại trở về và cứ thế, ngày này qua ngày khác. Hành động này kéo dài qua nhiều năm và hình tượng bà ngày một xơ xác hơn. Ai sẽ giải thích được vấn đề này. Gia đình! Gia đình không cho bà cảm giác an tâm, yên vui dù là một chút. Có thể bà ngồi thừ ở nhà một thời gian nào đó rồi, và cái không gian im lặng quanh bà khiến bà có cảm giác không thể chịu đựng và rồi bà phải thoát ra đâu đó, để tránh cái thực tại mà đối với bà là đau lòng. Có thể vào thời son trẻ, bà mãi theo đuổi một cái gì đó mà hờ hửng với gia đình, với con cái. Việc đeo đuổi có thể là công danh, là sự nghiệp, địa vị hay tiền tài… Để rồi đánh mất sự quan hệ mật thiết với gia đình, và đến lúc bà quay lại thì tất cả đều ngoảnh mặt … Việc cư xử thiếu cân bằng của bà trong thời son trẻ là sai, nhưng sự ngoảnh mặt hờ hửng của gia đình vẫn là không đúng, vì tình người nổi bật nhất là chi, là những mối tình cảm gồm bao dung – tha thứ. Để giúp cho bà mẹ này sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác, Gia đình cần ân cần hơn, gần gủi hơn, để xóa đi mặc cảm sai lầm của họ, và để tạo dựng lại một gia đình ấm cúng trong đó có cha mẹ con cái, vì không có gì là muộn màng dù một năm, một tháng hay một ngày!
Lại có những người cha người mẹ, kiên cường, lo lắng cho con cái suốt cả cuộc đời, Chống chọi với bao nhiêu khó khăn gian nan trong cuộc sống. Họ chỉ trầm lặng, giải quyết mọi chuyện, hy sinh mọi thứ, để đem an bình về cho gia đình, Lúc nào họ cũng muốn mình là cây cao bóng cả cho con cái nương dựa. Một ông cha sau mấy tuần đau yếu, nằm viện, khi xuất viện, cùng con gái và các bạn nó đi dạo, đứa con gái nắm tay cha dắt đi, người cha nói, không cha phải dắt con, vì cha đã khỏe đã có thể xuất viện. Tình cha là thế đấy, bao bọc con gái dù sắp cuối đời.
Một bà mẹ, thân thể thì gầy guộc, hiếm khi thấy bà cười, đôi mắt lúc nào cũng xa xăm, nhưng luôn biểu lộ nét kiên cường. Đến lúc tuổi già, bà không hề làm khó con cái, đòi hỏi một điều gì cho mình, và con cái cứ tưởng như mẹ mình chẳng có nhu cầu gì. Nhưng thực tế, khi bước vào cái tuổi xế bóng, ta mới hiểu được rằng, con người ai cũng có những nỗi buồn riêng cần được xoa dịu, ai cũng có những dằn dật thể xác về một căn bệnh nào đó cần được an ủi. Cứ thấy mẹ mình, cha mình còn đó, còn đi lại được, còn nói năng được là xem như an tâm và chừng nào mất hay bệnh trầm kha thì mới hay, ngẩm có uổng phí cái thời gian mà mình được sống chung với cha mẹ lắm không?
Một người bạn sống ở Châu Mỹ về kể, cha mẹ ở nước ngoài thường khi mất, không để lại tài sản cho con cái, mà họ cho vào cô nhi viện hay nhà tình thương nào đó. Xét trên bình diện nhân văn, họ có cách nghĩ của cộng đồng họ, không khuyến khích con cái dựa dẫm vào cha mẹ, và trang trải của cải mình có cho bất cứ ai khó khăn. Thế nhưng, nếu đi sâu vào tâm tư tình cảm, thì có lẽ, cuộc sống độc lập đã cắt rời con cái họ với họ, và chuỗi ngày dài thiếu quan hệ thân mật đã dẫn họ đến quyết định sau cùng. Một bà tỉ phú kia qua đời, của cải bà để lại cho con mèo, và những ai chăm sóc con mèo sẽ được hưởng quyền lợi. Một điều nghe thật phi lý, nhưng chắc cũng đúng thôi, vì trong chuổi ngày mà bà cảm thấy cô độc, chỉ có con mèo làm bạn, chỉ có con mèo thật sự quan tâm đến bà khi thấy bà buồn, việc thể hiện sự quan tâm chỉ là buồn theo bà, đến nằm kế bên bà, hay một vài cử chỉ nịnh nọt âu yếm, nhưng nó khiến cho bà cảm thấy ấm lòng. Vì ít ra nó còn biết có bà trong đời.
Con người hơn động vật ở chỗ có tiếng nói, có phương tiện để thể hiện tình cảm một cách sâu sắc. Vậy tại sao con người không tận dụng cái ưu điểm mình có để tạo mối quan hệ tốt đẹp ít nhất là với cha mẹ mình, với những người đã có công sinh dưỡng mình.
Tóm lại, tiền bạc, vật chất thì không thể thiếu để trang trải sự sống, nhưng những cái đó có thể nhiều chút, ít chút cũng không ảnh hưởng lắm đến tình cảm tâm tư của bậc làm cha làm mẹ, nhưng lời nói yêu thương, sự quan tâm thăm hỏi luôn là cái cần thiết mà ai cũng có thể có để cho cha mẹ mình.
Hy vọng đôi dòng tản mạn này sẽ góp phần giúp con cái hiểu cha mẹ hơn. Và làm tốt hơn những việc cần làm dể họ không phải hối lỗi. Giúp cho những đôi vợ chồng son hiểu nếp nhà mình phải gìn giữ, phải vun bồi, để cuộc sống hạnh phúc gia đình không đi vào bế tắc vào những ngày sau cuối.
Huyền Băng
 

Xem Tiếp: ----