Ngày 19/11/2010: họp xong buổi giao ban sáng thứ sáu hằng tuần, tôi vội vàng thu xếp chạy xe về nhà. Tôi có hẹn với đứa cháu ngoại có mặt ở nhà tôi lúc 12g để cùng lên Dalat mừng tuổi bà cố. Ăn vội mấy miếng bánh mì với ragu, tôi xách chiếc vali có sẵn vài bộ quần áo và đồ dùng cần thiết cho chuyến đi cùng thằng cháu ra bến xe. Xe Phương Trang chuyển bánh lúc 13g15, rời thành phố. Ngày mai là 20/11, trường tổ chức lễ nhà giáo. Năm ngoái, tôi đã không có mặt ngày này vì lúc đó tôi đang ở Mỹ, chờ vào bệnh viện mổ. Năm nay, tôi cũng không có mặt dự buổi lễ. Vợ chồng tôi và mấy đứa em cùng bàn nhau năm nay phải làm lễ thọ cho Mẹ. Tôi đã bàn với Lộc, em trai kế tôi từ tháng 2 /2010, và cùng với Mai, đứa em gái sống với Mẹ những ngày tháng cùng cực ở Dalat thống nhất ý kiến làm lễ thọ vào khoảng giữa tháng 10 ta năm nay. Vợ chồng Lộc có về được càng tốt, nếu không, tôi và Mai cũng làm thôi. Mẹ năm nay là vừa tròn 90 tuổi. Tuổi già mang đến nhiều bệnh tật. Những cơn đau nhức tay chân, có lúc buốt từ cổ lên đầu, những lần trầm trọng hơn, phải đi thẳng từ Dalat về Saigon chữa bệnh. Những cơn đau thể xác có dữ dội nhưng không làm Mẹ buồn mẹ đau bằng những lo lắng của Mẹ đối với những đứa con tuổi đời cũng đã trên 50, có gia đình con cái ở gần hay ở xa. Mẹ lo cho sức khỏe của Lộc, ở xa, lo cho hạnh phúc của mấy đứa con và nhất là nỗi buồn của Mẹ đối với đứa con trai út trong cách đối xử của nó đối với Mẹ những tháng ngày qua. Chính những suy nghĩ đó đã làm Mẹ buồn, phát bệnh. Trời dần về chiều, xe chạy hơi chậm, theo tốc độ này thì có lẽ đến 10g tối mới đến Dalat. Trong thành phố Saigon, xe chạy như rùa bò. Xe dừng lâu ở quán cơm dưới chân đèo Bảo lộc. Lúc đó cũng đã 6g30. Mùa này, trời mau tối. Khi tiếp tục lên đường, bóng tối đã bao trùm không gian. Ánh sáng vàng của ngọn đèn xe quét trên mặt đường phía trước, đồng thời hai bên đường, những cụm cây cũng chạy giật lùi ra sau xe. Sương lam lan tỏa trên lưng chừng núi, lửng lờ bay dọc theo khe núi. Trong xe máy lạnh chạy rì rì, tôi chỉ phong phanh cái áo thun nên hơi lạnh, có lẽ bên ngoài lạnh hơn. Tôi cố tìm giấc ngủ, nhưng không tài nào ngủ được. Những dòng ký ức cứ trôi về, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. ... Những năm tháng nhọc nhằn sống với Mẹ, 6 anh em chúng tôi lúc đó, đứa lớn nhất là chị hai, cũng chừng 10 tuổi, mẹ khoảng 28, 29. Đến nay, 60 năm qua, bao nhiêu đắng cay, khổ nhục, Mẹ sống vậy nuôi đàn con khôn lớn rồi theo thời cuộc đổi thay, mỗi đứa một nơi. Tôi cũng có lúc nghĩ cái mái nhà nho nhỏ kia, trong đó là tổ ấm chúng tôi, có lẽ tan rã, không cách gì tụ hợp được. Đứa thì ở Mỹ, đứa ở Saigon, cô em gái út cũng có thời trôi nổi ở Sóc trăng, sống kiếp nhọc nhăn, kham khổ. Đứa ở lại Dalat, bất đắc chí, buông xuôi tất cả. Cả một gia đình tan tác, ngôi nhà cũ xác xơ, bao nhiêu sách học của tôi để lại cũng bay vèo đi đâu tôi cũng không hề biết. Những trang sách ngày xưa tôi đã học, đã đọc và những kiến thức từ sách theo tôi trên những nẻo đường tôi đi, và theo tôi suốt cuộc đời này. Tôi đã có những ngày thơ ấu khó khăn, cùng Mẹ, cùng chị đem sức khỏe tuổi thơ góp phần vào việc kiếm miếng cơm, manh áo cho gia đình. Tôi đã làm những công việc của người lớn, gánh nước tưới rau, kéo nhửng bao phân bón từ trên đường xuống tận những luống rau, gánh những gánh rau nặng trĩu từ vườn nhà lên trên đường chất đống lại khi tôi còn học lớp 7, lớp 8.. Trong ngôi nhà trống trước trống sau, tối gió lùa qua khe hở, có những đêm tiếng gió hú nghe rõ mồn một, tiếng mái tôn đập từng hồi. Có lần tôi đã gọi ngôi nhà anh em tôi ở là nhà trên đồi gió hú. Những năm 50, gia đình chúng tôi nhờ ông ngoại, cất ngôi nhà này. Đêm nằm chỉ có chiếu và chăn mỏng, anh em co quắp nằm nhờ hơi ấm của nhau, nhưng cái lạnh rồi cũng quen. Anh em tôi học bài bằng ngọn đèn dầu leo lét hay dưới ánh sáng của ngọn nến. Tôi không thấy mình khổ cực, không than vãn. Trái lại, nhờ làm lụng vất vả mà tôi có một thân hình rắn chắc, khỏe mạnh. Dù khổ cực thế nào, Mẹ cũng không cho anh em tôi thất học. Đám con trai đã vậy, mấy đứa con gái Mẹ cũng cho học. Tôi phải làm thầy chỉ cho chị và em gái học. Nhưng rồi do không tiếp thu được những gì tôi chỉ hay tôi chỉ chưa đúng chỗ, Mai không vào đệ thất trường công được, đành phải nghỉ học. Tôi chưa bao giờ nghe Mẹ than thầm cho kiếp sống quá cực khổ của Mẹ và đàn con. Có thể tôi không nghe được tiếng thở dài của mẹ trong những đêm giá lạnh. Những giọt nước mắt của Mẹ có lẽ đã âm thầm chảy trong đêm khuya, khi chúng tôi đã an giấc. Tuổi thơ hồn nhiên của tôi đã một phần bị hoàn cảnh chi phối, nó len lén đi vào tiềm thức tôi lúc nào không hay. Tôi trở nên ít nói, khép kín mình lại trước hoàn cảnh, trước bão tố của gia đình. Trong lớp, tôi chơi với vài người bạn, thường xuyên mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay, nhuộm màu nâu của hướng đạo sinh. Suốt nhiều năm học tiểu học, tôi là học sinh giỏi Nhưng từ khi học đệ thất (lớp 6 bây giờ) tôi yếu môn Toán, tôi nhận ra mình là một trường hợp đặc biệt. không giống những bạn bè khác về hoàn cảnh sống, thân phận, nghĩ suy. Những giờ ra chơi, trên sân trường, mấy đứa khá toán, đã trổ tài giải những bài toán hình cho bạn bè. Tôi tức lắm, về kiếm sách đọc và học thêm trong sách, đến cuối năm đệ lục, tôi trở nên khá toán và lên học đệ ngũ thì chuyện giải toán khó môn hình học của tôi là chuyện bình thường. Tôi tiến bộ từ đó. Tôi đọc thêm sách Toán tiếng Pháp, giải các bài toán trong đó một cách dễ dàng. Từ đó về sau, cho đến năm thi Tú tài 2, tôi chẳng học thêm một thầy nào. Nếu có muốn học có lẽ cũng không có tiền. Đối với Lộc, em kế tôi, có một điều tôi ân hận mãi là kiếm trường cho chú đi học. Việc học là việc của tôi lo, mẹ tôi không biết phải kiếm trường ở đâu. Tôi chần chừ mãi, mới tìm tới thầy cũ của tôi ở lớp năm là thầy Bậc, xin thầy cho Lộc học lớp 5 (lớp 1 bây giờ) ở trường tiểu học thầy đang làm hiệu trưởng, ở tuốt trong ấp Xuân An. Tôi không nghĩ đường đi học quá xa mà chỉ nghĩ là có chỗ cho em mình học là được. Năm đầu, cu cậu bị ở lại lớp. Có lẽ đường đi học xa quá. Cứ hình dung đoạn đường đi học từ nhà tới trường mà phát khiếp: từ nhà, đi bộ ra tới hồ Xuân Hương, đi nửa vòng hồ, leo dốc lên nhà thờ con gà, đi theo đường ven nhà thờ, xuống một con dốc nữa mới tới trường. Tội nghiệp cu cậu, sáng sớm đi học, tôi không còn nhớ là anh em tôi có ăn uống gì không. Có lần trưa rồi, cả nhà đợi mãi không thấy Lộc về, mớ túa ra đi tìm, mỗi đứa đi một đường, theo hai ngã khác nhau, mấy đứa em theo đường vòng hồ, tôi đi ngả qua trường Bùi thị Xuân. Khi tôi đi quá cổng trường Bùi thị Xuân, thì thấy Lộc ngồi mệt mỏi bên vệ đường. Tôi biết tại sao em học kém, nên năm sau phải xin cho cậu hoc tại trường tiểu học Trung Bắc, tuy cách nhà 2 quả đồi nhưng còn gần chán. Từ đó Lộc học giỏi. Tôi hơn Lộc 8 tuổi, anh em xa nhau nhiều tuổi nên cũng có sự xa cách. Mấy đứa em ngán tôi, chúng nó cũng gần tuổi nhau hơn nên dễ thân nhau hơn. Nhất là Lộc và Bá, thằng em út, hai đứa rất thân nhau. Bá thiệt thòi hơn chúng tôi là sinh ra không được thấy mặt cha mình. Cả nhà chúng tôi, ai cũng coi như Cậu (ba tôi) không còn. Một mình Mẹ với đứa bé trong bụng cùng 5 đứa con nhỏ dắt díu nhau tìm chỗ nương thân. Ban đầu phải ở nhờ một nhà tốt bụng trong ấp Xuân An. Những bữa cơm chan nước tương ăn lúc bấy giờ sao thấy ngon lạ. Chính Lộc, lúc gia đình gặp tai biến cũng mới 2 tuổi Mai đâu chừng một tuổi. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi vấp ngã, phải biết đứng lên, tập lại, tập đi lại từng bước, không được buông xuôi cho số phận. Bá là người không phải thế. Em đã bỏ cuộc đời mình cho gió thổi bay đi như chiếc lá, sa vào rượu chè, bê tha và tụ tập với đám bạn bè cùng than thân trách phận. Em đổ cho gia đình không nghĩ tới em, không công bằng...Bá đâm ra oán anh em, và nhất là Mẹ. Thái độ của Bá đối xử với Mẹ sau này đã làm cho Mẹ nhiều đêm không ngủ, nhiều đêm trăn trở và đổ bệnh. Chính bản thân Bá xa cách anh em trong nhà. Thái độ của người con đối với đấng sinh thành như thế nào, thì chính con cái mình sẽ đối xử với mình như vậy. Khi ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã đại bác vào ta. Ý này tôi đã thấy rõ ngay trong những lần nghe anh em nói về Bá. Suy nghĩ của tôi sẽ còn đi xa, đi xa hơn nữa nếu tôi không thấy ánh đèn trong các nhà lồng dưới chân đèo. Họ dùng liệu pháp quang học để thúc đẩy cây hoa tăng trưởng. Có lúc, trong khi dòng ký ức trở về, nước mắt tôi chực trào ra về nhưng kỷ niệm xưa, về anh em về Mẹ mình và chính bản thân tôi, soi rọi lại tháng năm tôi đã sống, những thiếu sót mình đã mắc phải với Mẹ trong cuộc đời, những điều anh em hiểu lầm nhau và có cả những niềm riêng chỉ biết mang theo khi nằm xuống mãi mãi. Những bài hát nói về Mẹ như Lòng Mẹ của Y Vân, Bông hồng cài áo của Phạm thế Mỹ...tôi đã từng nghe nhiều lần từ lâu lắm, nhưng tôi thấm thía nhất là bài hát Mẹ của nhạc sĩ Minh Đức và giọng hát Hồng Mơ khi tôi được nghe cách đây vài năm: Có lúc ta quên màu tóc Mẹ Đã một thời giãi nắng dầm nưa, Có lúc ta quên nhìn trán Mẹ Còn bao nghĩ suy dù ta lớn khôn rồi Có lúc ta quên nhìn mắt Mẹ Còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu Có lúc ta quên nhìn dáng Mẹ Chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời. Có lúc ta quên thời gian qua Đường ta càng xa vòng tay mẹ ngắn lại Có lúc ta nghe từng nhịp đời Mẹ thật gần sao ta thật xa. Có lúc ta quên nhìn áo Mẹ Chợt mỏng manh quang gánh chiều đông Hát khúc hát ai quên mình có Mẹ Một ngày kia lặng lẽ bên cuộc đời Cái cò cõng nắng cõng mưa Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương Tiếng hát Hồng Mơ có lúc lên cao vút, có lúc lặng xuống thật trầm, thật nhỏ chỉ đủ nghe thoảng bên tai, nhưng thật tha thiết, nhớ nhung, như một lơi tự sự, một lời sám hối của những đứa con như tôi, những đứa con còn hay không còn Mẹ, những đứa con không nhớ là có Mẹ trong cuộc đời mình. Bài hát tôi nghe đi nghe lại, lời bài hát như dòng tâm tư của tôi, đúng là tâm tư của tôi khi nghĩ về Mẹ bao năm qua. Xe lên khỏi đèo Prenn, thì trời lạnh hơn. Ông cháu chúng tôi lên xe nhỏ về nhà Mẹ. Hai bên đường những bông hoa dã quì nở vàng trong đêm mỗi khi đèn xe quét qua. Ngôi nhà nhỏ thân yêu nằm phía dưới đồi hiện ra. Đã 9g30 tối, tôi bước vào nhà, trong bóng đêm. Biết tôi về tối nay, sao không ai thức đợi? Hóa ra là cả nhà cùng ốm. Mẹ, Mai và đứa em họ, cô Lại ai cũng ho, cảm, sốt. Mẹ như có sức mạnh bật dậy ngày hôm qua khi vợ chồng Lộc về. Đèn đóm trong nhà đều tắt, chỉ còn ngọn đèn mái hiên là còn sáng. Khi chúng tôi vào, Mai thức dậy, người vẫn còn sốt, ốm hơn lần tôi về hồi tháng 8. Mới có hai hôm, do không ăn được nên người xuống sức thấy rõ. Do hôm qua thức khuya nói chuyện với vợ chồng Lộc, nên hôm nay cả nhà đi ngủ sớm. Thực tình, khi bước vào nhà tôi tưởng chỉ có một mình Lộc về. Sau đó mới hay là có cả Kim, vợ Lộc cùng về. Chuyện trò một hồi, Mẹ cũng thức dậy, ngồi nói chuyện với chúng tôi đến 11g khuya mới đi ngủ. Ngày thứ bảy 20/11: Mai chuẩn bị quà cho Mẹ một bức tranh thêu chữ Phúc khá đẹp, chính tay cô thêu. Vợ chồng tôi gửi Mẹ bộ áo quần và các cháu ngoại gửi quà cho bà nội, đứa nào cũng bận cả nên không về được. Mọi chuyện tổ chức tôi đã dặn dò Mai sắp đặt. Khách mời, không có ai ngoài người trong nhà, các cậu, dì ở Thái Phiên. 6 đứa con của Mẹ thì có mặt đầy đủ 5, còn cô Hường thì đang ở Chicago, không về được. Ngày chủ nhật 21/11/2010 : họ hàng dần đến đầy đủ. Mấy chị em của Mẹ, mấy đứa con và nhiều đứa cháu đến chúc mừng và dâng quà. Tôi thấy Mẹ rất vui. Mẹ cười tươi với mấy cậu, dì., mấy con, và bao nhiêu đứa cháu... Qua bao nhiêu năm tháng đổi thay, chiến tranh và mất mát, có một điều tôi nhận thấy là các con của Mẹ vẫn còn đầy đủ. Chỉ có khác đi là những mái tóc hoa râm, những đầu tóc bạc thay cho những mái tóc xanh ngày xưa, khác nữa là mỗi đứa một nơi, ỏ gần, ở xa Mẹ có khi xa nửa vòng trái đất và trên hết vẫn là những nghĩ suy khác nhau rất xa ngày xưa trong tâm tưởng mỗi người. Sự tàn phá của thời gian hằn rõ nét trên từng khuôn mặt, nhất là chị hai. Hình hài không đổi thay bao nhiêu, nhưng trong lòng mỗi người một khác, yêu thương, nuối tiếc, giận hờn và cả những trách nhiệm với vợ, chồng, con cháu nữa. Tôi biết, sau ngày hôm nay, khó có một ngày nào khác như thế nữa. Ngôi nhà ngày xưa che chở Mẹ và 6 anh em chúng tôi lúc đó sao rộng lớn, đường hoàng bao nhiêu thì bây giờ trở nên nhỏ bé bấy nhiêu. Mẹ đã giữ nó lại cho con cháu, để đàn con cháu nghĩ suy về nơi ta đã xuất thân. Tôi thấy rõ, với giáo dục của Mẹ, chúng tôi nên người vì bao nhiêu năm qua, với bàn tay yếu ớt của Mẹ, Mẹ vẫn dẫn dắt chúng tôi đi, dạy dỗ chúng tôi biết bao điều, dạy chúng tôi biết bao dung, biết tha thứ và hiếu thảo, biết lương thiện dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mẹ dạy chúng tôi những điều tối thiểu con người phải có đủ để đứng thẳng trong trời đất. 90 mươi năm sống của Mẹ, tôi nghĩ chỉ hơn mười năm đầu lúc còn có Cậu là Mẹ được sống an nhàn, những năm sau là bươn chải, làm lụng cực nhọc một mình nuôi con, có những năm tháng phải tự làm để tồn tại trong một xã hội nhiều đổi thay. Những năm gần đây, Mẹ sống thoải mái hơn đôi chút. Chúng con cầu mong Mẹ khỏe và vui những tháng ngày tới.