Trí viết vội cho xong báo cáo cuối tuần, tắt máy PC, vẫy tay chào đồng nghiệp ngồi gần: Về nhé anh Tiến. Have a nice weekend, and see you next week. Tiến ngẩng lên, nhướng mắt nhìn: Sao hôm nay về sớm thế? Có mục gì hả? Trí mim cười: Yes sir! Về chuẩn bị sớm mai đi D.C. xem hoa anh đào. Thế hả? Nhưng đi một mình buồn chết. Trí ngần ngừ: Đi với người bạn anh ạ. Tiến bỗng dưng trở nên ngập ngừng: Bạn gái hả? Phải cô Ngân không? Trí có vẻ ngạc nhiên: Anh biết cô ấy hả? Vâng, Ngân chưa tới D.C. bao giờ, tháng Tư hoa đào nở bên bờ sông Potomac đẹp vô cùng. Tôi đã tới đó một lần, vẫn còn nhớ mãi. Tiến xô ghế đứng dậy, tần ngần vỗ vai Trí: Tôi gặp anh và Ngân vài lần tại chùa Sư Nữ, anh và cô ấy thường ngồi ngoài vườn chuyện trò, hầu như không chú ý tới ai nên không thấy tôi. Trí có vẻ ngượng: Hoá ra là vậy! Anh biết tên của Ngân nên có lẽ cũng quen cô ấy. Không, tôi không quen nhưng biết rất rõ về Ngân vì cô ấy cùng làm một chỗ với nhà tôi. Có điều tôi muốn nói với anh … Thấy Tiến có vẻ ngần ngừ, Trí dục: Có gì anh cứ nói. Tiến thở dài: Anh biết nhiều về gia cảnh của Ngân không? Trí gật đầu: Chúng tôi quen nhau đã vài tháng, cũng biết được ít nhiều. Vậy anh biết gì về chồng của Ngân? Ngân nói nhiều về đứa con gái đang theo học đại học ở gần đây nhưng hầu như không bao giờ nhắc tới ông chồng. Khi mới quen tôi có hỏi, chi thấy Ngân buồn bã lắc đầu, nước mắt lưng tròng nên tôi đoán là hai vợ chồng đã chia tay trong buồn phiền. Tôi không bao giờ nhắc tới chuyện đó nữa vì sợ làm cô ta buồn thêm, nhất là từ khi tình bạn đã chuyển thành tình yêu. Tiến lắc đầu, giọng thật ngậm ngùi: Không phải vậy đâu. Vợ chồng Ngân vẫn còn sống với nhau. Anh Văn bị stroke, liệt nửa người, miệng méo và một cánh tay co quắp không cử động được, đi lại cũng rất khó khăn, phải chống gậy, dù chỉ quanh quẩn trong nhà. Anh ấy cũng là cựu quân nhân như chúng mình. Tội nghiệp lắm anh ạ! Mặc cho Trí đứng thẫn thờ, Tiến trở lại ghế ngồi, đưa mắt buồn bã nhìn màn hình PC nhưng hình như không thấy gì trên đó. Biết là mình không nên dính vào chuyện của người khác, Tiến nghĩ thầm, thế nhưng cũng không đành lòng nhìn một người có thời là chiến hữu bây giờ đã mang nỗi đau tàn tật lại còn bị dày vò cho đau thêm. Có nỗi bất hạnh nào lớn hơn thế không hả anh Văn? Nước mắt Tiến muốn trào ra khi nghĩ tới niềm đau xót của một kiếp người. Hôm nay là ngày lễ Vu Lan, xe đậu kín sân chùa Sư Nữ, và khó khăn lắm Trí mới len vào được chính điện, nhưng không tìm được một chỗ trên bàn thờ để đặt giỏ trái cây cúng Phật. Cũng hơn ba năm rồi từ ngày Thúy qua đời, và cũng kể từ ngày đó Trí mới biết tới kinh kệ và chùa chiền. Gần đây bố lại mới mãn phần, Trí lại càng gắn bó với nơi đặt di ảnh của vợ và cha nên thỉnh thoảng Trí vẫn lên chùa thắp nhang cho bố, cho Thúy, và cho lòng mình bớt cô đơn. Nhìn người đàn ông lúng túng với giỏ trái cây, Ngân nhanh nhẹn tiến lại gần: Ông để tôi giúp cho. Ngân sắp xếp lại những bình hoa và cây trái của khách thập phương bày hỗn độn trên bàn thờ, đỡ giỏ trái cây từ tay Trí, đặt gần lư hương đang nghi ngút khói, và đốt một nén nhang đưa cho Trí: Mời ông. Trí gật đầu cảm ơn người đàn bà, cầm nén nhang, chắp tay nhìn tượng phật Quan Thế Âm khấn thầm. Ngân đứng tránh sang một bên, kín đáo nhìn người đàn ông. Mắt ông ta nhắm hờ, như quên hết những người xung quanh. Chính điện ồn ào thế nhưng ông ta trông sao cô đơn. Không biết ông ta có tìm được niềm thanh thản ở nơi này hay không, Ngân nghĩ thầm, hay là cũng như mình tới đây để tìm quên nhưng khi ra về lại thấy trống vắng với cuộc đời. Người đàn bà mặc áo dài màu tro, đồng phục của những người tới làm công quả trong chùa, nhưng vẫn đẹp mặn mà với son môi màu cánh sen và làn da trắng phớt nhẹ lớp phấn hồng. Trí nghĩ chắc chắn là người đàn bà ấy phải hãnh diện về nhan sắc của mình, thế nhưng đôi mắt sâu thăm thẳm đó sao lại rất buồn. Chả nhẽ là em cũng như tôi, cũng cô đơn vì vắng bóng những người thân yêu trên đời? Trí cám ơn người đàn bà thêm một lần nữa trước khi đi vào hậu viện, nơi bày di ảnh của những người đã khuất, để thắp nhang cho vợ, và cho bố. Trí đứng thẫn thờ trong hương khói nhạt nhòa một lúc thật lâu trước khi buồn bã ra về. Trí gặp lại Ngân ngay tại sân chùa. Ngân đang tiễn một cặp vợ chồng già ra xe, thấy Trí, Ngân mỉm cười: Ông không ở lại ăn cơm chay nhà chùa sao? Trí cười buồn: Có một mình thấy lạc lõng trong phòng ăn nên không muốn ở lại. Ngân nhíu mày: Sao lại thế. Đều là tín hữu cả mà. Ông ở lại dùng cơm chay với nhà chùa. Ngân cũng ăn trưa với các anh chị giúp việc ở đây. Trí tần ngần: Thế cho tôi … ngồi chung được không? Ngân bật cười: Dạ được, nhưng ông phải chờ. Bao giờ khách dùng cơm xong mới tới lượt chúng tôi. Chỉ sợ ông đói, chờ không được. Trí cũng cười: Tôi chờ được. Tôi sẽ ngồi ở ghế đá ngoài vườn, khi nào chị Ngân tiếp khách xong cho tôi biết nhé. By the way, tên tôi là Trí. Ngân mỉm cười gật đầu, giơ tay vẫn chào Trí trước khi trở vào chùa. Trí thẫn thờ nhìn theo, và tự nhiên trong lòng cảm thấy vui vui. Đã lâu lắm, từ ngày vợ qua đời, hôm nay Trí mới lại ngồi ăn với một người đàn bà. Ngân tự nhiên và tháo vát cứ y như Thúy ngày xưa, tự động đi lấy nước uống và thức ăn cho Trí trong lúc Trí lúng túng ngồi yên tại bàn vì xa lạ. Thấy Trí bối rối, Ngân mỉm cười trấn an: Ông không quen ở đây nên không cần “galant”. Ở đây Ngân quen như ở nhà, cuối tuần nào cũng tới chùa giúp việc vì sư cô cũng là người thân. Trí chỉ biết mỉm cười cám ơn. Ngân ân cần hỏi thăm: Ông Trí có hay tới chùa không? Trí ngừng đũa, gật đầu: Cũng thỉnh thoảng vì di ảnh của ông cụ tôi và của nhà tôi đều để ở chùa này. Thì ra vậy! Thảo nào trông anh buồn và cô đơn trong đám đông ồn ào. Ngân nhẹ thở dài: Đời vô thường, ông nhỉ? Có lần sư cô cũng nói với tôi như vậy. Còn đọc cho nghe cả một câu kinh nhưng tôi không nhớ vì chẳng hiểu gì. Ngân bật cười: Như vậy ông Trí phải tới chùa thường hơn, và chịu khó ngồi nghe kinh chứ không được chỉ thắp nhang rồi ra về. Trí lúng túng đưa tay vuốt tóc, nói như người phạm tội: Quả tình trước đây tôi … gần như vô thần. Khi còn nhỏ có theo mẹ lên chùa vài lần, lớn lên bận với cơm áo đời thường, thì giờ đâu mà nghĩ tới Phật pháp. Chỉ từ ngày nhà tôi mất tôi mới biết tới lễ nghi, chùa chiền và kinh kệ. Trừ những bậc chân tu, mọi người chỉ tìm đến tôn giáo vì những bất hạnh của cuộc đời. Tôi nói thế không biết là có thiển cận quá không. Có lẽ là thế thật đó ông. Nhưng thôi, tới chùa lễ phật, học được Phật pháp là điều tốt, nhưng chùa chiền cũng là nơi gặp gỡ bạn bè, nơi nẩy sinh tình tương thân tương ái. Ông Trí có tin như thế không? Trí cười nhẹ: Bây giờ thì tôi tin. Hôm nay gặp được chị Ngân, tôi … tôi phải cám ơn cái chùa này! Ngân dịu dàng: Thế chủ nhật tới ông nhớ lên chùa nhé. Vâng! Chủ nhật tới, và … chủ nhật tới nữa! Ngân và Trí cùng nhìn nhau mỉm cuời. Một thoáng vui trong ánh mắt Ngân nhưng chỉ một giây đã trở lại u buồn, cúi xuống nhìn đĩa thức ăn hầu như còn nguyên. Văn ngồi lặng lẽ trong phòng khách, chỉ khẽ nhấc bàn tay như chào hỏi khi thấy Ngân mở cửa, từ chùa trở về. Ngân nhẹ thở dài, đến bên chồng: Anh ngồi đây làm gì, sao không nằm nghỉ cho khỏe. Văn cười buồn: Anh mới thức dậy, cũng hơn ba giờ chiều rồi em. Nhìn mái tóc còn ướt và vài khuy áo chưa cài hết, Ngân dịu dàng: Anh mới tắm xong hả? Để em cài lại khuy áo cho anh. Ừ. Mấy cái nút chặt quá, chỉ có một tay nên anh cài không được. Ngân ngậm ngùi ngồi xuống bên chồng, đưa tay vuốt tà áo Văn cho thẳng. Ngày xưa, không cũng chỉ mới vài năm trước đây thôi, nhiều lần Văn tắm xong Ngân thường ngăn không cho Văn cài khuy áo để Ngân có thể úp mặt vào bô ngực nở nang của chồng, hít hà mùi da thịt đàn ông, khúc khích cười hôn nhẹ lên cổ, lên vành tai của Văn để được vòng tay Văn siết chặt, nhấc bổng thân hình đã mềm ra vì ham muốn của Ngân. Nghĩ tới những giây phút ái ân nồng nàn và cuồng nhiệt của ngày tháng cũ làm hơi thở của Ngân ngắn lại, thế nhưng khi ngước ngước nhìn khuôn mặt Văn, thấy cái miệng méo mó và dòng nước rãi chảy dài từ mép, Ngân bỗng thấy nguội lạnh, chỉ còn biết kín đáo nhẹ thở dài. Cánh tay co quắp của Văn buông thõng bên mình, cánh tay còn lại để hờ trên vai Ngân. Ước gì, ừ ước gì, anh có thể ôm em trong vòng tay như xưa, rúc đầu trên khuôn ngực trắng hồng, để cho thân xác em run rẩy trong tình yêu lứa đôi. Tội nghiệp em, em còn quá trẻ, còn yêu đời thế nhưng anh làm gì được cho em? Em biết không, có nhiều lúc anh đã muốn tự kết liễu đời mình, để anh không còn đau khổ, và để em được tự do như chim trời, tình hạnh phúc ở một nơi nào không có anh. Anh chẳng còn gì để lại cho em, cho đứa con gái độc nhất của chúng mình ngoài cái hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Nhờ nó em sẽ bớt đi phần nào những lo lắng về cuộc đời, thế nhưng nếu anh tự kết liễu đời mình thì hợp đồng trở thành vô giá trị. Giá mà anh chết đi khi đột qụy thì em không có gánh nặng này. Anh yêu em, nhưng bây giờ anh làm gì được cho em! Cài xong khua áo cuối cùng cho chồng, Ngân dục: Để em đưa anh ra sân sau ngồi chơi. Florida mùa này gió mát. Anh uống gì không để em lấy cho? Văn vịn tay vào thành coffee table, cố gắng đứng dậy: Anh đi một mình được. Cũng mới uống xong tách trà. Thế hôm nay trên chùa có gì lạ không em? Ngân lắc đầu: Cũng không có gì lạ, chỉ đông hơn ngày thường thôi anh. Ngân nhớ tới khuôn viên nhộn nhịp của chùa, và chợt nhớ tới người đàn ông cô đơn vừa gặp. Chắc ông ta cũng chỉ bằng tuổi Văn, Ngân nghĩ thầm, nhưng thân hình thẳng băng và bờ vai rộng như đang che chở cho người đi cùng. Không biết bây giờ có mái tóc nào ngả trên bờ vai đó, và có cánh tay nào quấn quít ngang lưng. Chắc là không, vì trông ông ấy cũng thật là cô đơn. Như mình! Ngân lại nhẹ thở dài, nhìn theo dáng đi xiêu vẹo của Văn đang cố gắng bước từng bước một với cánh tay co quắp đong đưa bên mình. Sáng thứ Sáu hãy còn sớm nhưng Ngân đã đi làm còn Văn vẫn nằm trên giường suy nghĩ vẩn vơ, mắt nhìn lên trần nhà trắng xóa như cuộc đời buồn. Có tiếng chuông điện thoại reo. Văn nhìn sang bàn ngủ cạnh giuờng. Không phải điện thoại nhà mà là cell phone của Ngân. Sáng nay vì vội vàng nên Ngân đã quên điện thoại ở nhà. Điện thoại reo vài lần nhưng Văn không nhấc máy. Văn vẫn tôn trọng những gì riêng tư của vợ, nhất là khi thấy chữ “Private” trên màn hình. Tiếng chuông điện thoại tắt, và Văn lại trở về với những suy nghĩ vẩn vơ, nhưng chỉ vài phút sau tiếng chuông lại reo, cắt đứt dòng suy tư làm Văn hơi bực mình. Vẫn là “private call” nên Văn mặc kệ, tiếng chuông reo mãi rồi cũng thôi, nhưng Văn không còn cảm thấy thoải mái nằm trên giường nên trở dậy làm vệ sinh cá nhân. Khi trở lại phòng ngủ Văn lại nghe thấy tiếng chuông điện thoại, nhưng chỉ là một tiếng ngắn, báo tin là vừa nhận được “text message”. Văn nghĩ thầm, không biết là có gì quan trọng cần gọi vào sở cho Ngân không nên lóng ngóng nhấc điện thọai mở xem message nhắn gì. Đọc xong tin nhắn, Văn thừ người ngồi trên mép giuờng, đầu cúi gập. Lại có tiếng chuông điện thoại báo tin là vừa nhận thêm một text message. Văn vẫn ngồi lặng lẽ, mãi một lúc sau mới lê bước chân nặng nề sang phòng ăn. Bữa ăn sáng Ngân làm sẵn cho Văn nằm chơ vơ trên bàn. Văn đưa mắt nhìn nhưng không đụng tới, vươn tay với chai cognac trên kệ, rót cho mình một ly đầy. Ngồi xuống bàn, Văn run run đưa ly rượu lên môi, nhắm mắt ngửa cổ nốc cạn ly rượu cay đắng như đời mình, nước mắt trào ra và gục đầu trên bàn, nấc nhẹ: “Ta làm gì cho hết nửa đời sau”. [1] Chiều thứ Sáu Ngân đi làm về chỉ kịp gật đầu chào Văn đang ngồi suy tư tại sofa phòng khách tước khi vội vã vào phòng ngủ tìm điện thoại của mình. Có hai “missed calls” và tin nhắn mới. Tin nhắn cuối cùng do Trí gửi sáng nay, Ngân đưa mắt đọc vội: “Anh gọi em hai lần nhưng em không bắt máy. Anh không biết điện thoại nào của em khác hơn là số này. Gửi tin nhắn này nữa là hai. Liên lạc với anh ngay nhé, em yêu.” Ngân thở nhẹ, mở xem tin nhắn trước đó: “Vé máy bay và khách sạn đã đã sẵn sàng. 8 giờ sáng mai gặp anh ở phi trường. Nhớ mang theo áo ấm, tháng Tư trời D.C. còn lạnh. Mong em.” Ngân xóa vội hai tin nhắn, thừ người ngồi xuống giường. Mới đó mà đã mấy tháng từ lần gặp gở đầu tiên trên chùa. Trí lúc nào cũng nhã nhặn và coi trọng Ngân nên tình bạn của hai người mau chóng trở lên đằm thắm, nhưng niềm cô đơn đã mang họ lại gần nhau hơn nên khi Trí tỏ tình, Ngân đã đã không cầm lòng được, gục đầu lên bờ vai rắn chắc, và run rẩy trong vòng tay của người đàn ông. Trí không biết gì về hoàn cảnh gia đình của Ngân vì có lần hỏi tới Ngân chỉ lắc đầu, rơi nước buồn phiền. Trí không nhắc tới nữa vì sợ chỉ làm Ngân thêm đau, hơn thế nữa tình yêu mới đã làm mắt Trí mờ đi vì hạnh phúc, không nghĩ và không thấy gì ngoài vành môi gợi cảm và vòng tay thiết tha, mặc dù hai người chưa một lần đi tới tận cùng đam mê. Ngân đã nhiều lần băn khoăn suy nghĩ, nhất là những phút giây qùy gối trước tượng Phật Bà Quan Thế Âm, thế nhưng nghĩ tới bờ vai ấm áp của Trí và căn nhà vắng lặng với bóng dáng nhạt nhoà của Văn, Ngân lại thấy mềm lòng. Tuần rồi gặp nhau tại một quán café vắng vẻ Trí đã ngồi sát vào Ngân, vuốt ve bờ vai thon nhỏ, thủ thỉ những lời êm ái, mong mỏi hai người được sống với nhau một ngày, cho nhau hết những dạt dào nhớ thương, Ngân đã không suy nghĩ mà ngây ngất gật đầu. Văn vẫn ngồi yên trên ghế xem tin tức buổi chiều như mọi ngày. Bữa cơm tối vẫn xảy ra như thường lệ nhưng Văn ăn ít hơn và vào phòng ngủ sớm hơn. Ngân loay hoay lau rửa bát đĩa, nghĩ ngợi thật nhiều nhưng vẫn chưa biết nói sao với Văn để có lý do vắng mặt cuối tuần. Một lúc lâu lắm Ngân mới bước chân vào phòng ngủ. Văn đã nằm trên giường, quay mặt vào vách nhưng chưa ngủ. Ngân nằm xuống cạnh chồng, gọi nhẹ: Anh. Văn vẫn quay mặt vào tường: Chuyện gì vậy Ngân? Ngân rụt rè: Anh … Em muốn đi cùng với chị Tiến cuối tuần này lên D.C. xem hoa anh đào. Được không anh? Văn vẫn nằm yên, Ngân hồi hộp đợi chờ, và tưởng như là thời gian ngừng trôi. Ngân nuốt nước bọt nói thêm: Mai con về nhà, con sẽ “take care” anh khi em đi vắng. Tiếng Văn vẫn bình thường như mọi ngày: Ừ, em đi chơi cho vui. Đã lâu lắm rồi em không đi đâu xa. Thật là tội nghiệp. Ngân thở ra một hơi dài nhẹ mhõm: Cám ơn anh. Văn xoay người nhìn lên trần nhà, nói một cách từ tốn: Nhớ mang theo áo ấm, tháng Tư trời D.C. còn lạnh. Ngân như thấy một cơn gió lạnh buốt luồn vào sống lưng. “Nhớ mang theo áo ấm, tháng Tư trời D.C. còn lạnh”, như vậy là anh đã đọc tin nhắn của Trí gửi em rồi ư? Anh biết em sắp đi chơi xa với một người đàn ông lạ mà sao anh vẫn bình thản như thể là không có gì xảy ra. Anh khinh em tới độ không đáng nói hay là anh cam chịu làm người tình thua? Tội nghiệp cho em hay là đau xót cho anh? Ngân nằm vật xuống giường, quay mặt vào tường, nước mắt trào ra thấm xuống gối. Văn vẫn nhắm mắt nằm im lìm. Anh muốn im lặng làm người tình thua, đến một lúc nào đó khi em đã có người nương tựa thì anh sẽ lặng lẽ từ giã thế gian này mà không ân hận vì bỏ lại em bơ vơ với cuộc đời, nhưng anh cũng không muốn em băn khoăn vì đang lừa dối anh nên anh gián tiếp cho em biết là anh bằng lòng để em đi chơi với người em yêu. Bao nhiêu năm rồi em không có một ngày nào vui, tội nghiệp em. Anh biết em có nhu cầu của một người đàn bà mà anh không mang lại được cho em. Em cứ yên tâm, dù thế nào đi nữa anh cũng vẫn yêu em. Ngân vẫn nằm im khóc âm thầm. Giá mà anh mắng chửi em thì có lẽ em sẽ không đau đớn như lúc này. Em biết anh không phải là người yếu hèn. Từ ngày tàn tật chưa bao giờ anh nói một lời than van. Anh im lìm nhưng em biết là anh rất yêu em. Có những đêm chợt thức giấc thấy anh vuốt tóc em âu yếm, nhưng ánh mắt anh cũng thật là xót xa. Những lúc đó em nghĩ là anh thương cho thân phận mình, nhưng bây giờ thì em biết là anh chỉ tội nghiệp cho em hơn là cho anh. Ngân nghiêng mình khẽ gọi: Anh. Không có tiếng trả lời. Có lẽ là Văn đã ngủ hay là anh chìm vào trong cơn mê của những ngày chinh chiến cũ như là anh thường kể với em. Ngân nhẹ nhàng ngồi dậy, cầm cell phone đi vào phòng tắm. Mở điện thoại, Ngân nhắn tin cho Trí: “Xin lỗi anh em sẽ không tới được… Cám ơn anh đã cho em những ngày vui. Vĩnh biệt anh.” Gần 8 giờ vẫn không thấy Ngân ra khỏi nhà, Văn nhắc: Muộn rồi đó em. Ngân mang cho Văn ly cà phê: Em đổi ý. Sợ trời lạnh lắm, sống ở Florida nắng ấm bao nhiêu năm em đã quen rồi. Văn nhìn Ngân đăm đăm không nói. Tội nghiệp anh, mắt anh trũng sâu, chắc là đêm qua anh không ngủ được nhiều. Ngân ngồi xuống sofa cạnh chồng: Chút nữa nắng lên em đẩy xe cho anh ra công viên chơi. Dạo này anh xanh xao quá. Văn vẫn im lặng. Ngân bùi ngùi: Anh biết không, sư cô thường hỏi thăm anh. Chủ nhật tuần tới em sẽ đưa anh lên chùa. Nghe kinh kệ như lời ru, dù mình không hiểu nhưng ngửi mùi trầm hương cũng thấy lòng êm ả anh à. Văn e dè: Em không thấy … bất tiện sao? Ngân biết là Văn định hỏi là em không thấy mắc cở sao nên thở dài, cúi đầu nói nhỏ: Em xin lỗi anh. Em đã hiểu … Và không để cho Văn trả lời, Ngân nói tiếp vội vàng: Cuối tháng này mình đổi cái xe nhỏ lấy chiếc xe van để anh lên xuống cho thuận tiện. Rồi chúng mình sẽ có dịp đi chơi xa. Năm tới em sẽ đưa anh sang Cali họp khoá. Bao nhiêu năm rồi anh không gặp bạn bè đồng đội cũ. Kẻ mất người còn, gặp nhau không biết được mấy lần nữa đâu anh. Văn không nói, chỉ lặng lẽ gật đầu, run run nắm nhẹ bàn tay Ngân. Không biết làm gì cho hết nửa đời sau nhưng lâu lâu “ông” được gặp “chúng mày” thì có chết cũng vẫn vui, Văn reo lên trong lòng khi nghĩ tới bạn bè đồng ngũ ngày xưa.Trần Quang ThiệuNov. 12, 2011Chú thích:[1] Thơ Cao Tần.