Suốt cuộc hành trình từ Nha Trang đến Vũng Tàu tôi cứ lơ mơ ngủ, mắt không nhướng lên được, dù rất muốn ngắm nhìn quang cảnh đang chạy vụt qua ngoài khung cửa. Cả đêm tôi không chợp mắt, không phải vì hồi hộp cho chuyến đi sắp đến, mà vì chồng tôi! Đã lâu rồi chúng tôi không còn nói chuyện cùng nhau, ba năm, bốn năm hay năm năm gì đó... Lần này cũng vì "di chứng" của những năm tháng tôi ra "làm ăn" bị vỡ nợ, tôi nhờ anh giúp đỡ. Anh bảo tôi đừng mơ và phải có một chút lòng tự trọng để không nói với anh điều đó. Đã nhiều năm qua vậy mà câu nói ấy của anh vẫn làm tôi đau đến nhói lòng. Tôi thao thức, trăn trở, đau đớn vì sự mơ mộng hão huyền của mình. Đúng là hão huyền. Nhưng tất cả những nghiệt ngã của cuộc sống vẫn không làm cho tôi chấm dứt những cơn mơ... Đến Vũng Tàu với tâm trạng u uất, tôi muốn vào phòng nằm một mình để chiêm nghiệm nỗi buồn mà mình đã mang theo. Tuy nhiên, với sinh hoạt của Nhà Sáng tác, của những người bạn lớn tuổi nhưng vui nhộn trong đoàn đã làm tôi quên đi sự phiền muộn của riêng mình. Buổi tối đầu tiên tại Vũng Tàu, tôi cùng mọi người dạo trên con đường đẹp nhất của thành phố, một đoạn ngắn thôi, đường Thuỳ Vân! Tôi thắc mắc không hiểu Thuỳ Vân là tên của một nhân vật nào trong lịch sử, hay của một nữ anh hùng nào trong hai cuộc chiến tranh? Nhưng không, chỉ là, ở đây chiều đến thường có những đám mây sà xuống bay bềnh bồng trên mặt biển, tạo nên một khung cảnh thật thơ mộng, lung linh và huyền ảo, nên người ta đặt tên cho bãi sau của Vũng Tàu là bãi Thuỳ Vân, bãi mây buông. Và con đường chạy bọc theo bờ biển cũng cùng mang tên Thuỳ Vân. Đường Thuỳ Vân của Vũng Tàu không như đường Trần Phú của Nha Trang, không ồn ào, náo nhiệt, hàng hoá xa hoa, du khách tấp nập. Nó rộng thênh thang nhưng nhẹ nhàng và tĩnh lặng, lác đác vài ba du khách dạo phố đêm, còn biển thì cứ lao xao lao xao với những con sóng cưỡi lên nhau chạy mãi vào bờ. Trên vĩa hè, những gánh hàng rong bán hải sản mực, ốc, tôm nướng ướp với xã, ớt và gia vị thơm lừng cả một đoạn đường. Tôi lại nhìn thấy một chiếc xe đẩy bán khoai lang nướng. Mùi khoai nướng và không khí se lạnh làm tôi nhớ đến đêm Sapa sương mù giăng kín với những người đàn bà ngồi bán khoai lang nướng nóng hổi, bên cạnh chiếc đèn dầu tù mù trong công viên chính của thành phố Sapa năm nào. Đi một đoạn nữa lại thấy những chiếc xe đẩy bán hàng mỹ nghệ trên hè phố. Những sợi dây chuyền bằng ốc biển đầy màu sắc, những chiếc kẹp tóc bằng sà cừ lóng lánh... và những tiếng kêu lanh canh lanh canh, âm thanh của những chiếc vỏ ốc va vào nhau từ những chiếc chuông gió treo bên trên... Phố đêm trên đường Thuỳ Vân thâm trầm hơn, vài khách bộ hành đi ăn khuya, xe cộ thưa thớt và vài tiếng nhạc vang vọng từ những quán bar nho nhỏ nép dưới những rạng thuỳ dương rậm rạp. Tuy nhiên tôi vẫn cảm nhận một sức bật đang tiềm ẩn bên trong của thành phố trẻ trung này. Sáng ra tôi và người bạn cùng phòng đi dạo trên bãi biển. Một cảnh tượng mà tôi chưa từng gặp ở Nha Trang. Ban đêm, bước vài bước chân xuống bãi cát là gặp ngay mép nước. Vậy mà sáng nay thật bất ngờ, những con sóng rút tít ra xa, để lại một bãi cát mịn phẳng lì, rộng mênh mông, thoáng đạt. Có rất nhiều người đi tới đi lui, cào cào một cái gì đó dưới mặt nước. Đến gần tôi mới biết họ đang cào ốc. Cả một bãi ốc lộ ra lấp xấp. Đàn ông, đàn bà hì hục cào. Dụng cụ họ cào là một cái bàn cào có răng như răng lược, rộng khoảng 50cm, gắn phía sau là một cái bao hình phểu dài hơn 2m. Họ cứ đi dọc theo mép sóng, đè mạnh cái bàn cào xuống mặt cát, loáng cái đã thấy đầy một bao. Tôi tò mò đi theo hỏi, đó là ốc gì và để làm gì. Họ bảo đây là ốc ruốc (tôi lại thấy nó giống con hến nước ngọt hơn) và đem về bán làm thức ăn cho vịt. Một bao khoảng 35 ngàn đồng. Mỗi buổi sáng từ 4 giờ đến 6 giờ họ có thể cào được 3 đến 5 bao. Buổi chiều nghỉ vì thuỷ triều lên và sóng to. Gần đó có 2 thanh niên cầm hai đầu chiếc lưới, rộng bằng cái võng nằm, kéo giăng ra và chưa đầy 5 phút sau họ đưa lưới vào bờ, những con cá mắc lưới tươi ròng, vảy óng ánh bạc bị vứt ra dãy dụa trên mặt cát. Và kia nữa, vài chàng trai, tay cầm một ống nhựa dài, đầu có ngoàm, lom khom cào cào mặt cát rồi chọc chọc cái ống nhựa xuống, vài con vật gì đó bị kéo lên theo. Tôi lại chạy đến xem. Hoá ra các chàng trai này đi bắt con tôm tít (một loại giống con bàn chải ở Nha Trang). Ôi thật là ngạc nhiên! Và tôi nhận ra, với bộ mặt giận dữ gầm gào sóng, biển ở đây thật hào phóng với con người. Một buổi sáng khác tôi lại ra biển. Bất ngờ tôi ngẫn người, hàng đàn hàng đàn con dã tràng đang xe cát trên bãi biển. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhiều dã tràng đến thế. Ở bãi biển Nha Trang thỉnh thoảng mới thấy vài con chạy vội vàng trên cát. Ở đây, hàng ngàn hàng ngàn con dã tràng đang điềm nhiên xe cát, thực hiện ước mơ của mình, Ước mơ lấp được biển đông, mặc cho mọi người qua lại, vô tình dẫm đạp lên những viên cát được vo tròn như hàng vạn hàng vạn viên ngọc láp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Đột nhiên tôi lại chợt nhớ đến những giấc mơ của riêng tôi. Liệu có viễn vông lắm không, liệu có như giấc mơ không bao giờ thực hiện được, giấc mơ của dã tràng? Và 12 ngày đêm ở Vũng Tàu trôi qua, đối với tôi giống như một giấc mơ tôi chợt gặp. Gần đến ngày về. Vội vàng gọi vài cuộc điện thoại. Nhận được vài câu trả lời. Lòng chợt chùng xuống rồi lại bùng lên sự nghi ngại về tất cả mọi điều. Giấc mơ tan biến! Một lần nữa sự nghiệt ngã và niềm ưu ái lại luôn luôn xen kẽ nhau trong cuộc đời tôi. Trên đường về gần đến Nha Trang, tôi nhận được tin nhắn của bạn tôi. Người bạn mà chỉ khi nào thật sự khó khăn, đơn độc, không nơi bám víu, tôi mới nhớ đến. Và cái tin nhắn ấy đã làm cho những giấc mơ của tôi trở lại...
Nha Trang, 24.12.2008 Dzu Sa