ó điều lạ, Thắng đến đây cốt để giúp gia đình ông bà Hạ về vụ Di, nhưng nãy đến giờ, tên Di không hề được nhắc đến trong câu chuyện. Ông Hạ tự ái không đề cập đến, bà Hạ và Lan đều biết Di và Thắng xung khắc nhau, nên cũng cho Thắng tự ý nêu chuyện Di ra trước. Sau khi hỏi Thắng vài câu về những hoạt động của đoàn Quân thứ, tình hình tại vùng quê, sức khoẻ và những công tác mới đây của Tô; Ông Hạ xem ý Thắng còn muốn ngồi lâu trò chuyện với Lan nên đứng dậy vào nhà trong, nằm dọc tiếp một cuốn sách ngoại quốc bỏ dở. Nói cho đúng, ông cũng hơi mếch lòng trước những câu trả lời cộc lốc cho đủ lệ của Thắng, và thầm bực tức trước thái độ thân mật của Thắng đối với Lan. Ngồi lâu trước mặt Thắng, ông ngại sẽ buột miệng thốt ra những câu xúc phạm đến Thắng, điều ông nên tránh. Nhất là trong giai đoạn gia đình ông gặp tai hoạ không lối thoát như hiện tại. Bà Hạ than phiền với Thắng về thái độ cứng rắn, khó hiểu của Di. Bà không trực tiếp phê bình những hành động như ném truyền đơn, liên lạc với Việt Minh của Di, thốt lên một câu đầy tuyệt vọng và nhẫn nhục: "Thời nay có con trai lớn thật khổ! Cái số của tôi nó vậy, khổ vì con suốt đời. Không biết đến bao giờ chúng mới lấy vợ, để tôi có cháu bế." Lan mỉm cười, Thắng vẫn nghiêm trang. Bà Hạ ngượng ngập một chút, đoạn hỏi: "Anh Thắng! Anh thân với Tô. Anh thấy Tô dạo này thế nào? Nó buồn hay vui?" Bà và Lan đều chăm chú nhìn Thắng, chờ đợi. Thắng đưa tay lên vuốt tóc, nhún vai, đáp: "Tô buồn hay vui? Làm sao biết được." "Chắc em nó hay trò chuyện với anh?" "Đôi khi. Thường thường Tô ít nói. Nhưng hễ mở miệng là nói hàng giờ. Nghe sốt ruột!" Thắng ngừng một chút. Tự nhiên hắn bật nói, giọng bất mãn: "Thật ra tôi không ưa nhiều chuyện Tô nêu ra. Không chịu nổi thì đúng hơn." Lan tò mò: "Lan tưởng hai anh hợp tính nhau chứ?" Thắng cười: "Lan nhầm!" "Tại sao không hợp?" "À! Tô nghĩ nhiều quá!" Lan vặn: "Anh nói làm như anh không nghĩ ngợi bao giờ." "Đúng vậy! Tôi không muốn nghĩ! Nếu bó buộc lắm, nghĩ càng ít càng hay. Trong trường hợp tôi muốn làm một chuyện gì: Tích tắc! Một giây sau, tôi quyết định làm cái đó!" Lan nhái giọng nói cả quyết của Thắng: "Tích tắc! Anh Thắng đi Quân thứ Lưu động. Tích tắc! Anh Thắng về Hà Nội đi nhảy! Tích tắc! Anh Thắng lại trở lại Quân thứ Lưu động." Bà Hạ lừ mắt, mắng yêu: "Cái con ranh này! Lém vừa vừa chứ!" Thắng vứt mạnh điếu thuốc hút dở xuống đất, lấy chân di mạnh. "Lan nói đúng đấy! Tôi như vậy." Lan ngẫm nghĩ một chút, đoạn ngửng đầu lên, khuôn mặt đầy kiêu hãnh, thách thức: "Anh có thể yêu một cái gì lâu bền được không?" Đôi mắt lim dim và luôn luôn chớp chớp của Thắng vụt mở nhìn thẳng vào mặt Lan. Dưới cặp lông mày rậm, hai con người mài thau của hắn nóng nảy, toả ra một sức say mê cuồng nhiệt. Hắn dằn mạnh từng chữ: "Khi tôi yêu, tôi không hề nghĩ đến chuyện lâu hay chóng. Tôi yêu! Giản dị có vậy!" Lan có vẻ lúng túng, cúi đầu xuống nhìn bộ ngực đầy đặn của nàng phập phồng dưới làn áo rồi từ từ ngửng đầu lên. Thắng, Lan yên lặng nhìn nhau. Vẻ say đắm trong mắt khiến Lan nhớn bổng hẳn lên, và nở ra như một bông hoa lớn. Bà Hạ mải nghĩ đến Tô, nên cũng không để ý đến Thắng và Lan. Sực nhớ một chuyện, bà hỏi: "Hôm nhận được thư Lan và tôi, em Tô có nói gì với anh không? Và Tô có cho anh hay tại sao nó không về Hà Nội?" "Dạ không? Tô lẳng lặng xem thư và rồi sửa soạn đi công tác như thường lệ. Đáng nhẽ tôi đi cùng với Tô nhưng vì vừa đọc xong thư Lan nhờ giới thiệu Vĩ, nên tôi quyết định về ngay Hà Nội. Sắp lên đường thấy tôi xếp quần áo Tô chỉ hỏi: 'Mày về Hà Nội hả? Thế có lẽ lại tiện.'" Lan chêm vào: "Anh Tô còn nói gì nữa không?" "Tô có nói 'Di đâu cần ai giúp đỡ. Nhất là tao! Dù tao có về gặp nó chắc hai anh em lại gây gổ với nhau, chỉ càng làm buồn lòng bà cụ. Gia dĩ, có mỗi việc mướn trạng sự cần tao về, mày đã về thay, mày lại quen biết nhiều, cũng chẳng còn chuyện gì tao có thể làm được.... Về phần thằng Di, tao nghĩ... Có lẽ một chút tình yêu, săn sóc của đàn bà – me tao và Lan chẳng hạn – cũng không hại gì.'” Bà Hạ và Lan đều lộ vẻ xúc động. Bà thở dài. Lan nóng nẩy nhận xét: "Anh Tô ác thật! Sao đàn ông các anh nhẫn tâm thế?" Bà Hạ chớp chớp mắt: "Anh mày nói phải đấy chứ!" Lan bực bội: "Phải? Anh ấy khinh đàn bà đến thế, ai mà chịu nổi. Có đúng không anh Thắng? Anh Tô coi me với Lan như là...như là...." Thắng ngắt lời: "Như là những dụng cụ?" Lan cáu thực sự: "Còn anh nữa! Anh cũng đồng ý với anh Tô hả? Lan không nói chuyện với anh nữa đâu." Bà Hạ hết nhìn Lan lại nhìn Thắng, hỏi ngơ ngác. "Hai anh em nói chuyện gì rắc rối vậy? Me cũng đến chịu các cô các cậu, thật lắm chuyện. Thôi me để hai anh em trò chuyện, me đi nằm nghỉ sớm một chút." Bà Hạ đứng dậy, nặng nề vào nhà trong, khuôn mặt đăm chiêu lo nghĩ. Sau mấy phút yên lặng hút thuốc, Thắng lên tiếng, môi hơi trề ra ngạo nghễ, châm biếm: "Lan đừng vội kết tội Tô nhẫn tâm, không thèm ngó ngàng đến số phận của Di. Lan nhầm to lắm đấy!" Lan lắc lắc cái đầu: "Anh tưởng anh biết rõ anh Tô hơn Lan hả? Lan là em gái anh ấy kia mà?" Thắng không khinh: "Ấy! Vì là em gái nên mới chẳng biết mấy tí về 'ông anh'. Theo thiển ý của một 'người lạ' là tôi, hai anh em Tô, Di rất...rất 'yêu' nhau. Hừ! Gớm cái chữ 'yêu' nó mới khó tin và chướng làm sao." Thắng cựa quậy trên ghế như người ngồi phải một ổ kiến. Hắn dằn mạnh: "'Yêu', 'yêu', 'yêu nhau'! Merde alors! Tại sao mình lại ngại dùng đến danh từ này?" Lan phì cười trước sự vật lộn ngộ nghĩnh của Thắng với những danh từ. Câu chuyện đang quay chung quanh Tô Di, tự nhiên Lan hỏi một câu: "Anh Thắng! Anh nói thực cho Lan biết, có phải vì anh Tô, nên mặc dầu đã xin thôi, anh vẫn quay trở về Quân thứ Lưu động làm không hưởng lương?" Thắng gật đầu không ngần ngừ. Lan lim dim đôi mắt, hàng lông mi dài và cong rung nhẹ và nhìn Thắng nửa khêu gợi, nửa tinh quái: "Không có gì cản được anh?" Thắng lại gật đầu, mắt nhìn đăm đăm vào khuôn mặt đẹp của Lan. Lan hạ tầm mắt xuống, giọng nhẹ trong hơi thở: "Nếu ví dụ Lan yêu cầu anh ở lại Hà Nội không đi Quân thứ Lưu động nữa, anh nghĩ sao? Và để đổi lại, Lan và anh sẽ..." Lan ngừng nói, nhưng ánh mắt hứa hẹn của nàng còn nói nhiều hơn. Thắng soi mói quan sát Lan. Đoạn hắn ngửa người dựa lưng vào ghế, cười khô khan. Lan lộ vẻ phật ý. "A! Bon! Thế ra Lan muốn thử sức mạnh của Lan...đến tôi phải không? Chà! Bây giờ mới thấy 'móng vuốt' của cô em ông Tô." "Anh trả lời đi! Đừng lảng! Đi hay ở?" Thắng tủm tỉm cười: "Tôi cũng chưa biết. Để xem đã." Lan lắc lắc cái đầu, nói nho nhỏ – giọng của một cô gái bướng bỉnh: "Có phải anh ra đi anh sợ lưu luyến? Sợ bị cầm chân?" "Lan muốn chê khéo là tôi chạy trốn một tình cảm...lưu luyến phải không? A không! Có lẽ tôi sợ khi tôi thay đổi, tôi sẽ làm khổ người yêu tôi... Hơn nữa Lan nên nhớ rằng tôi không giống Tô. Tôi không muốn đào bới trong tôi, tìm hiểu tôi là cái gì, tại sao tôi hành động thế này thế kia như Tô. Tôi sống, tích tắc! Tokhông muốn làm điều này, tôi làm. Tích tắc, tôi muốn làm thế kia, tôi làm. Comme ca!" Lan mở mắt to nhìn Thắng, nàng như bị hấp dẫn, quyến rũ bởi những câu nói – không gì lay chuyển nổi – của Thắng. Một ánh sợ hãi thấp thoáng trong cặp mắt đẹp của Lan. Lan giống một con vật nhỏ bị mê hoặc. "Lan… Lan sợ anh rồi đấy! Anh thật giống anh Di! Các anh làm Lan ớn lạnh cả xương sống." Nghe Lan nhắc đến Di, Thắng cau mày ngẫm nghĩ, đoạn lừng khừng: "Giống Di? Peut être! Tô cũng có lần bảo tôi như vậy." Bà Hạ từ dưới nhà lên, mang theo ấm nước mới pha. Bà cười nói: "Nằm mãi ngủ vẫn không được. Có ấm nước chè mạn nóng, anh Thắng uống cho tỉnh? Lan à! Con có nhớ sáng nay gặp anh Vĩ, anh ấy hẹn mấy giờ lại đây ấy nhỉ?" Lan dửng dưng đáp: "Giờ con đi học về chứ còn giờ nào nữa!" Thắng, dáng mặt khinh bỉ, buông một câu: "Vĩ! Hừ... cái thằng sợ vợ!" Lan tủm tỉm: "Lan đâu biết anh Vĩ đã là luật sư mà còn sợ vợ, nhưng...ngay từ lúc mới gặp, Lan đã thấy ngay anh Vĩ kỳ kỳ thế nào ấy. Khó tả lắm! Đôi khi anh ấy nhìn Lan, làm như Lan... như Phật bà ngồi trên toà sen..." Bà Hạ mắng Lan: "Chỉ nói bậy nào! Kể ra anh ấy có vẻ hơi gàn, nhưng tử tế và lịch thiệp." Lan, ánh mắt tinh nghịch, trêu cợt: "Cách đây mấy hôm, anh Vĩ ôm một bó hoa lớn bằng này này...đến tặng Lan. Ba đi làm chưa về, mê mải làm bếp, anh Vĩ quỳ ngay xuống chân Lan và trịnh trọng xin... xin phép... Lan cho anh ấy được yêu Lan, không cần được yêu lại. Xin phép được tặng Lan hoa, tặng quà và viết thư cho Lan. Thế có ly kỳ không anh?" "Lan trả lời ra sao? Lan thản nhiên đáp: "Lan bằng lòng chứ sao! Với lại anh Vĩ đâu có bắt buộc, đòi hỏi Lan yêu lại đâu mà Lan sợ." Thắng ngả người ra phía sau, phá lên cười. Từ dạo quen biết Thắng, đây là lần đầu tiên Lan và bà Hạ thấy hắn cười lớn và lâu như vậy. Lan tuy không hiểu Thắng cười vì thái độ khôi hài của Vĩ hay vì câu nàng vừa nói, nhưng cũng cười theo. "Tại sao anh cười? Anh cười Lan hả? Liệu hồn đấy!" Thắng gật gật đầu, vẻ mặt trở lại nghiêm trang. "Tôi cười vì thấy trả lời, hành động như vậy đúng là Lan, không thể lẫn với ai khác được." Đến lượt Lan thắc mắc: "Lan đặc biệt khác người đến thế kia? Có xấu không?" "Không! Hay là khác!" Bà Hạ quay trở lại chuyện Vĩ: "Vợ anh Vĩ gia thế ra sao? Có giàu không?" "Phải nói là giàu triệu phú, nhưng Vĩ lấy vợ đã năm sáu năm nay vẫn chưa có con." "Tội nghiệp! Chắc bà vợ phải buồn lắm!" "Vĩ có vẻ khổ sở vì hai vợ chồng hiếm hoi. Để bù lại hắn cặm cụi học đỗ cho bằng được cái cử nhân. Bà vợ cũng thúc đẩy hắn một chút thôi. Ham danh mà!" Lan ngẫm nghĩ một chút đoạn chợt hỏi: "Theo anh, anh Vĩ có phải là người có thể chết vì tình được không?" Thắng buột miệng một câu tiếng Pháp: "Quelle question! À! Có thể lắm! Lan hỏi làm gì?" Lan nói lảng sang vấn đề khác, và từ lúc đó Vĩ bị gạt ra ngoài câu chuyện. Đêm đã khuya. Sau khi thiếp ngủ một giấc ngắn, chợt tỉnh dậy, trở người, ông Hạ đã thấy vợ nằm bên cạnh từ bao giờ. Thấy đèn nhà ngoài còn sáng ông hỏi vợ, giọng gay gắt và khá lớn: "Thắng chưa về hả?" Chưa mình ạ." Tiếng Lan Thắng cười vang vào. Ông Hạ ngồi nhỏm dậy. Bà Hạ nhìn theo ông lo ngại hỏi: "Mình đi đâu vậy?" Ông không đáp, xỏ chân vào dép, lẹp xẹp ra nhà ngoài. Thắng Lan ngồi trên hai chiếc ghế kê sát vào nhau. Thắng không buồn quay đầu về phía ông, Lan vẫn tiếp tục câu chuyện nói dở. Tóc Lan hơi bù rối, má hồng mắt sáng, đôi môi mấp máy. Chợt ông Hạ nhìn thấy bàn tay lớn, thẫm màu của Thắng đặt lên trên bàn tay trắng nhỏ của Lan trên thành ghế. Mặc dầu sự xuất hiện của ông Hạ, Lan cũng như Thắng không ai rút tay về. Ông Hạ bật nói, giận dữ: "Tôi không hiểu sao anh còn ngồi tại đây. Anh Thắng! Anh nên tự trọng một chút!" Thắng ngửng phắt đầu lên, nhưng hắn vẫn không nhìn về phía ông Hạ và không những không rút tay về, những ngón tay hắn còn siết chặt hơn tay Lan. Trước khi ông kịp nói thêm, hắn đứng dậy, bảo Lan: "Thôi anh về để Lan ngủ. Khuya rồi." Lan khe khẽ gật đầu không đáp. Vẫn không nhìn ông Hạ, Thắng cúi đầu trong một cử chỉ gọn và ngắn: "Xin phép ông!" Hắn quay người tiến ra phía cửa. Thắng đi rồi, một bầu không khí im lặng bao trùm lên căn phòng. Lan vẫn ngồi yên trên ghế, mắt hướng ra đêm tối ở ngoài kia, đôi môi hé mở, một vẻ say đắm phảng phất trong khoé môi, ánh mắt. Lan đưa tay lên vuốt tóc và rồi mơn man trên hai cánh môi run nhè nhẹ. Ông Hạ gắt: "Lan! Đi ngủ, khuya rồi. Con gái nhớn mà..." Lan quay người nhìn bố, tự nhiên mỉm cười nhẹ nhàng đáp: "Ba cứ đi ngủ đi. Con ngồi đây một chút nữa." Ông Hạ ngạc nhiên trước thái độ vẫn tự nhiên, không một chút ngại hay lúng túng của Lan. Lan có ý thức những hành động vừa rồi của Lan là tội lỗi và xấu hay không? Ông không hiểu nổi Lan. Có lẽ cô con gái bé nhỏ và nghịch ngợm của ông đã nhường bước cho một thiếu nữ khác hẳn, mà ông không thể nhận ra những nét quen thuộc. Khuôn mặt ông Hạ cau có, nhưng ông lặng lẽ trở vào phòng trong. Lan ngồi một mình nghĩ ngợi, mơ mộng ở phòng ngoài rất lâu rồi mới tắt đèn đi ngủ. Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, tóm lại suốt trong tuần lễ Thắng sống ở Hà Nội, trước khi quay trở vào đoàn Quân thứ Lưu động, Thắng luôn luôn có mặt tại gia đình ông bà Hạ. Lan Thắng quấn lấy nhau như bóng với hình. Tự coi mình là người nhà, Thắng ở lại dùng cơm trưa, cơm chiều, cùng với gia đình Lan, bỏ tiền mua hoa quả, gà vịt, bánh trái mang lại lẳng lặng trao cho bà Hạ hoặc Lan và cũng không hề nói là biếu tặng. Thái độ tự nhiên của Thắng khiến bà Hạ không biết từ chối cách nào, sau cùng đành để mặc Thắng cư xử theo ý hắn. Tuy không trò chuyện với nhau về Lan Thắng, hai ông bà đều thầm biết Lan Thắng yêu nhau. Trước mặt ông bà, Lan Thắng không hề trao đổi những lời âu yếm, những sự ve vuốt lộ liễu, hay những lời lẽ nỉ non ướt át tương tự những cặp tình nhân lãng mạn đa cảm, nên ông Hạ cũng không biết vịn vào duyên cớ nào để trách mắng con gái, hay cư xử cứng rắn với Thắng. Vào buổi tối, mặc dầu có mặt ông bà Hạ và tuy Lan Thắng ngồi xa cách nhau, trao đổi những câu chuyện nghiêm trang về Tô, về cuộc sống của Thắng: Lạ thay Lan Thắng vẫn cảm tưởng gần nhau, quấn chặt lấy nhau, yêu nhau vượt hẳn vùng kiểm soát của bất cứ ai. Vào một buổi trưa, Thắng nghỉ lại tại gia đình ông Hạ, trên chiếc đi văng thường khi dành cho Tô ở phòng ngoài. Đến giờ đi làm, mặc xong quần áo bước ra ngoài, ông Hạ thấy Lan nằm trên đi văng, cuộn mình trong chiếc chăn mỏng, tóc bỏ xõa, một tay trần chống khuỷu để má tì vào. Thắng ngồi cạnh, hai chân bỏ xuống đất, người hơi cúi xuống mặt Lan. Nghe tiếng chân ông, hai chiếc đầu rời nhau ra. Hai người vừa hôn nhau. Lan môi hé mở, mắt lim dim, cổ chiếc áo trong nhà hơi trễ chị để lộ một mảng da thịt trắng nhạt. Không hiểu sao giọng nói của ông Hạ lại lạc hẳn đi, khàn khàn và đầy đe doạ: "Lan! Đứng dậy! Vào trong nhà ngay! Còn anh Thắng tôi yêu cầu anh rời khỏi nhà tôi tức khắc, để con gái tôi yên." Lan ngồi nhỏm dậy, mắt mở to nhìn bố. Thắng nhún vai, mặt cau lại có vẻ khó chịu và chán nản như một người phải xem đi xem lại một vở tuồng nhạt nhẽo. Không một phản ứng nào của Thắng chứng tỏ hắn quan tâm đến câu nói đầy xúc phạm của ông. Hắn dịu dàng bảo Lan: "Lan à! Nhớ nhắc mẹ tối nay dùng cơm với chúng mình đấy!" Lan chưa kịp trả lời. Ông Hạ đã cướp lời: "Anh Thắng! Tại sao anh không trả lời thẳng tôi? Anh không coi tôi ra gì phải không? Vô phép!" Thắng vùng đứng dậy, quay phắt, nhìn ông Hạ: "Thưa ông! Tôi đã nghe rõ lời ông nói. Ngán lắm! Ngán lắm! Cái trò này diễn đi diễn lại hoài thật mauvais gout…" Ông Hạ trừng mắt, Thắng khoa tay gạt đi: "Bon! Nếu ông muốn, tôi xin rời khỏi nhà ông ngay bây giờ. Nhưng thế không thay đổi được cái gì hết! Ông không hiểu hay sao?" Hắn cúi xuống, nhìn thẳng vào mặt Lan một giây, nói ngắn ngủi: "Tối anh lại! Bẩy giờ đúng." Hắn tiến thẳng ra phía cửa, dáng đi cả quyết và không quay đầu lại. Lan nhỏm dậy, chân đi đấy, chạy vội theo Thắng. Ông hạ gọi giật! "Lan! Lại đây tao bảo!" Ông toan theo ra cửa gọi Lan lại, thời một bàn tay níu áo ông. Ông vung ra. Bà Hạ đứng cạnh ông, vội can: "Tôi xin ông! Can thiệp vào chuyện riêng của chúng làm gì?" Ông nói gần như quát: "Bà không thấy thế lá xấu hổ nhục nhã à! Con gái lớn chạy theo trai. Động cỡn! Đĩ!" Bà Hạ đẩy ông lại gần chiếc ghế. "Ông ngồi xuống đi! Ông nặng lời quá! Chúng có làm gì nên tội." "Hừ! Bà lại còn bênh con! Không lẽ bạ thằng đàn ông nào đến nhà, con Lan đã quấn ngay lấy!" Giọng bà Hạ đổi hẳn, tuy dịu dàng nhưng cương quyết: "Ông đừng nói vậy oan cho Thắng. Trông bề ngoài cấc lấc, nhưng nó tử tế và kín đáo. Ông không biết chứ, trong một tuần nay nó giúp gia đình mình mấy nghìn bạc. Nào tiền trả trạng sư, nào tiền mua quà bánh gửi vào cho Di." Ông nhỏm người dậy, hỏi dồn: "Ai cho phép bà nhận tiền của Thắng đó hả? Tôi cấm bà!" "Ông cấm tôi cũng đành phải nhận. Tôi không muốn con tôi khổ trong tù... Tại sao, tại sao ông thích làm khổ con cái làm gì? Biết thế tôi đừng nói chuyện này ra cho xong. Thằng Thắng giúp tôi tiền giấu tất cả mọi người. Nó cũng không nói cả cho Lan biết. Nó sợ Lan không nhận và hiểu nhầm nó. Ông cho nhận tiền của người khác là nhục, nhưng thà tôi ngửa tay xin Thắng còn hơn mang thân đi lạy lục vay nợ những người chỉ đáng làm đầy tớ mình..." Sau khi nói một hơi dài, bà Hạ ngồi phịch xuống giường, hơi thở dồn dập. Ông Hạ cố nén cơn giận và lấy lại bình tĩnh. Ngồi ngẫm nghĩ một lúc, ông hỏi vợ: "Thắng có lúc nào đả động đến chuyện hôn nhân với Lan không?" Bà Hạ lắc đầu. "Thế nó có nói gì với bà không? Dò ý tứ bà hay nhờ bà dò ý tôi chẳng hạn?" "Không! Thắng kín đáo lắm. Tôi cũng đã ngỏ ý mời bà mẹ Thắng đến đây chơi, hắn chỉ ậm ừ." Ông ngẫm nghĩ một chút. "Hay nó có vợ rồi và giấu không cho ai biết? Thằng đó lăng nhăng lắm, không tin được." Bà Hạ lộ vẻ lo ngại: "Chắc thằng Tô biết rõ về Thắng. Giá nó có ở nhà." Hai vợ chồng im lặng nhìn nhau về điều tiếc sự vắng mặt của đứa con giai cả. Lần đầu tiên ông Hạ cảm thấy vai trò gạch nối quan trọng của Tô, giữa ông và bọn trẻ: Di, Lan, Thắng. Bất giác ông thở dài. Ông nảy ra ý tưởng biên thư hỏi Tô. Thật là một công việc khó khăn, xưa nay cha con ông chưa bao giờ viết thư cho nhau, và ông cũng chưa bao giờ phải hỏi “ý kiến"ai trước khi quyết định một vấn đề. Lan từ ngoài cửa vội vã bước vào, qua mặt bố mẹ, môi mím lại cả quyết. Năm phút sau, Lan lại xuất hiện, quần áo chỉnh tề. Ông bà Hạ thắc mắc nhìn theo cô con gái. Lan đi đâu? Với Thắng? Ông vừa mở miệng định vặn hỏi, bà đã kéo tay áo ông, van xin nho nhỏ: "Thôi mình! Kệ nó! Chắc Lan vào thăm Di." Ông nặng nề đứng dậy. Đã đến giờ đi làm. Ông cảm thấy nản lòng và mệt mỏi vô kể. Ra đến cửa, ông thấy xa xa ở đầu phố Lan và thắng đi cạnh nhau, tay nắm tay. Ông nhìn theo chúng, xa dần và khuất ở đầu phố. Trái tim ông thắt lại. Ông có cảm tưởng như vừa mất đứa con gái thân yêu. Lan như vừa chết trong tâm hồn ông. Ông cảm thấy già hẳn đi và lẻ loi... Tất cả mọi người trong gia đình ông Hạ đều ngạc nhiên khi Di nhắn Vĩ là trong buổi các thân nhân được phép đến thăm các tù nhân ngày hôm nay, Di muốn gặp Lan, và chỉ Lan mà thôi. Nếu bà Hạ hay bất cứ người nào khác đi kèm với Lan, Di sẽ ở lì trong phòng giam không ra mặt. Nghe tin đó, bà Hạ nhợt nhạt cả người. Hết nhìn Vĩ, lại nhìn Lan, bà lúng túng mãi mới nói lên lời: "Hay anh Vĩ nghe lầm thế nào ấy chứ!" "Dạ! Không. Di dặn đi dặn lại cháu mấy lần." Bà Hạ cúi đầu, nói nho nhỏ: "Nó không muốn gặp tôi! Chắc nó bị tra tấn đau lắm nên không muốn tôi trông thấy mặt." Vĩ vừa buột miệng nói, “Cháu không nghĩ thế! Anh Di..."Lan lừ mắt. Vĩ vội im ngay. Lan chỉ nói gọn lỏn: "Nếu anh Di chỉ muốn gặp riêng con, con không vào thăm đâu." Bà Hạ thúc dục, ép buộc mãi, Lan mới miễn cưỡng vâng lời. Buổi chiều sau khi đã vào thăm Di, Lan về nhà trên xe hơi của Thắng. Lan, mặt có sắc giận, đi thẳng một mạch vào phòng trong, không nói một nửa lời với ông bà Hạ hay Thắng. Thắng chào ông bà Hạ như thường lệ. Hắn hình như cũng không mấy lưu tâm đến chuyện xích mích khá gay gắt giữa ông Hạ và hắn hồi trưa. Hắn đứng giữa phòng, cặp lông mày rậm nhíu lại, nhìn theo Lan. Bà Hạ chưa kịp hỏi chuyện, hắn đã vội chào ông bà quay người ra khỏi phòng cũng nhanh chóng và đột ngột như lúc bước vào. Tiếng động cơ xe Thắng rồ lên đoạn nhỏ dần và mất hẳn. Bà Hạ lên tiếng gọi: "Lan! Con thay quần áo xong chưa? Ra me hỏi chuyện." Không thấy tiếng Lan trả lời và cũng không một tiếng động nào vẳng ra chứng tỏ Lan đang thay quần áo. Bà Hạ toan đứng dậy vào trong nhà, ông gạt đi và sẵng giọng: "Lan! Ra ngay đây! Bà không việc gì phải đi đâu, tôi cũng muốn hỏi ít điều về Di." Lan bước ra phòng ngoài, vẫn mặc nguyên áo dài, đầu hơi cúi, hai tay nóng nẩy vặn đi vặn lại chiếc khăn tay. Nàng ghé ngồi lên giường cạnh mẹ, vẫn im lặng. Bà Hạ dịu dàng hỏi: "Con vào thăm có giáp mặt anh Di không?" Lan gật đầu: "Anh Di có nói gì với con không?" Lan lắc đầu. Ông bà Hạ đều thắc mắc. Chẳng lẽ nhắn Lan vào thăm, Di lại không có chuyện gì để nói. Bà giục: "Lan! Con nói đi chứ! Kể cho me nghe đầu đuôi. Con...con thấy anh Di vẫn như thường chứ?" Lan lặng thinh, mặt nhợt đi, tuy nhiên nàng cũng chế ngự được phần nào niềm xúc động và miễn cưỡng đáp: "Không! Con thấy anh Di như thường, chỉ hơi xanh một chút." Ông Hạ nghi ngờ nhìn Lan. Chắc Lan cố ý dấu ông bà sự thật về tình trạng của Di. Ông hỏi: "Di có nói là sẽ làm theo lời khuyên của Vĩ khi bị ông Biện lý thẩm vấn hay không?" Lan quay phắt người, đối diện với bố mẹ, mắt long lanh đầy tức giận phẫn uất, ghìm giữ mãi trong tâm hồn, bây giờ mới bùng ra. "Ba me đừng hỏi gì con nữa! Con và anh Di đâu có kịp trò chuyện. Mà làm sao trò chuyện nổi cơ chứ. Hai người đứng cách nhau hàng thước, có đến hai tấm mạng thép ngăn cách. Thật kinh tởm! Nó nhốt người ta như nhốt một con vật. Đã thế hàng mấy chục người vào thăm các tội nhân nhao nhao như cái chợ, nhức đầu váng óc, mấy cái thằng gác tù bắng nhắng dục toắng lên trông thật khả ố." Lan ngừng lại một giây để lấy hơi, môi run run. "Con và anh Di chỉ biết đứng ngẩn ra nhìn nhau. Đôi mắt anh Di sâu hoắm nhìn con..." Lan rùng mình, hai bàn tay chợt nắm lấy nhau. "Con chẳng nhớ đứng như thế bao nhiêu lâu... Nhưng trước khi hết hạn năm phút, anh Di đã rời bỏ, đã quay trở về phòng giam sau khi dặn con... Không! Không phải thế! Con gọi lớn 'Anh Di! Anh Di'. Anh không ngừng bước chỉ quay đầu lại, dơ một ngón tay lên chỉ vào mắt ra hiệu bảo con đừng khóc. Và con ra về! Có vậy!" Mọi người im lặng một lúc khá lâu. Ông Hạ với lấy chiếc điếu, nhồi thuốc, hút. Bà cầm lấy một bàn tay Lan, vuốt ve nhè nhẹ. Giọng bà Hạ cất lên, mơ hồ như từ một nơi xa vẳng tới: "Anh Di dặn con những gì?" "Không! Lúc nãy con kể nhầm. Anh Di không nói gì với con hết." "Lạ nhỉ? Me vẫn không hiểu tại sao anh Di không muốn me vào thăm. Nhỡ nó mệnh hệ nào..." Lan ngửng đầu nhìn rất lâu khuôn mặt buồn bã và tuyệt vọng của mẹ. Lan đang bị giằng xé giữa nhiều ý muốn đối chọi nhau. Cuối cùng, Lan đứng dậy lảng vào trong nhà, sửa soạn bữa cơm chiều. Đột nhiên bà Hạ hỏi chồng một câu khiến ông ngạc nhiên không biết trả lời ra sao: "Mình! Mình có nghĩ rằng Di 'cũng' chẳng yêu gì tôi hay không?" Ông hừ một tiếng không đáp. Thắng đến khi gia đình ông Hạ sắp dùng cơm chiều. Lan bận tay dưới bếp. Thắng quần áo tề chỉnh, mặc complet xẫm màu, thắt cravate cẩn thận. Sau khi chào ông bà Hạ, Thắng hỏi ngay bà: "Chắc Lan đang sửa soạn, tối nay dùng cơm hiệu cùng ông bà như cháu mời hôm qua." Ông đáp khô khan, lãnh đạm: "Tôi xin khếu!" Bà Hạ lúc đó mới sực nhớ ra lời mời của Thắng, lúng túng một chút, đoạn cũng thoái thác: "Chết chửa! Tôi quên bẵng đi mất... Lan hư đến thế thì thôi chẳng nhắc nhở gì tôi." Bà đưa tay lên bóp trán, giọng mệt mỏi: "Anh giận tôi chịu lỗi, nhưng thú thật, tối nay tôi thấy người váng vất, đầu óc rối tung chẳng ra làm sao. Nhất là anh cũng biết em Di đang tù tội, chúng tôi cũng không tâm trí đâu mà vui được. Thôi! Anh để cho lần khác vậy." Thắng không gặng mời, và trước sự từ khước của cả hai vợ chồng ông Hạ, hắn cũng không lộ vẻ phật ý. "Vâng. Thế cũng được. Chẳng sao!" Lan từ nhà dưới bưng mâm cơm lên. Trông thấy Thắng, nàng không nói gì, hai gò má ứng hồng một chút. Thắng hỏi, không nhìn Lan: "Lan! Lan mặc quần áo rồi đi ăn cơm hiệu với anh. Ba me Lan chiều nay mệt không cùng đi với chúng mình." Lan lắc đầu, thẳng thắn đáp: "Lan cũng vậy, không thể đi được." Thắng nhún vai: "Lại vì Di phải không? À! Di, Di...vẫn lý do ấy?" Lan giọng thách thức: "Anh cho lý do đó không đủ hay sao?" Thắng không đáp, đi đi lại lại trong phòng, dáng điệu nóng nẩy. Bà hạ chắc muốn làm nhẹ bớt bầu không khí căng thẳng giữa Lan và Thắng, nên dịu dàng bảo: "Anh Thắng! Ngồi chơi một chút rồi dùng cơm một thể với chúng tôi. Để tôi làm thêm mấy món. Anh chắc cũng chưa thấy đói?" Thắng ngồi xuống ghế châm thuốc hút. Chợt hắn nói: "Ngày mai anh trở về với đoàn Quân thứ! Lan có gửi gì cho anh Tô không?" Lan hơi giật mình và vẻ mặt thoáng bối rối. Lan lại gần Thắng, ngồi trên chiếc ghế đối diện với Thắng. Lan mỉm cười – một nụ cười cầu xin tha thứ của một cô bé vừa phạm lỗi – nhìn thẳng vào mắt Thắng và hỏi: "Anh giận Lan hả?" Lan nhún vai, sắc mặt không thay đổi. "Anh giận Lan vì tối nay Lan thất hứa với anh. Anh giận, nên anh quyết định ngày mai trở về đoàn Quân thứ Lưu động." "Hừ! Lan trẻ con nên tưởng anh cũng trẻ con như Lan. Bon! Lan muốn nghĩ thế nào về anh cũng được. Nhưng, mai anh đi." Lan hất chiếc cầm nhỏ ra phía trước trong một dáng bướng bỉnh, dễ thương: "Thế còn Lan?" "Anh đi việc quái gì đến Lan!" Lan bất mãn, gặng: "Việc gì chứ! Mỗi lúc một khác. Trước đây mấy hôm khác, hôm nay lại khác. Anh trả lời thẳng vào câu hỏi của Lan đi." Nét mặt Thắng căng thẳng, hắn im lặng nhìn Lan một cách kỳ lạ, dữ tợn và thoáng ác cảm. Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa, một bó hoa mầu sắc tươi thắm thò vào, đoạn Vĩ xuất hiện, nửa người nấp sau bó hoa khá lớn. Hắn tiến lại gần Lan và vì Thắng ngồi quay lưng ra phía cửa, nên hắn không nhận biết là ai. Giọng hắn lắp bắp: "Chào ông ạ! Cô... cô Lan, chiều nay cô đã vào thăm anh Di chưa? Cô có gặp khó khăn không? Tiện đây, tôi mang lại biếu cô bó hoa để..." Thắng vẫn ngồi yên trên ghế, không quay đầu lại, cắt ngang: "Anh Vĩ đó hả? 'Chị' có mạnh không anh?" Vĩ sững sờ, đứng ngây ra. Đây là lần đầu hắn chạm trán với Thắng tại gia đình ông Hạ. Lan liếc nhìn Thắng, ánh mắt tinh nghịch, trêu cợt, và mời Vĩ. "Anh Vĩ ngồi chơi! Gớm! Ngày nào cũng mua hoa biếu chị ấy, chắc chị phải cảm động lắm. Anh Thắng thường nhắc đến anh chị." Thắng, giọng sai khiến: "Vĩ à!Toa lại gần đây moa bảo cái này." Đôi mắt lim dim sau cặp kính cận của Vĩ chớp liền mấy cái. Hắn nửa muốn lại ngồi cạnh Lan, nửa như muốn trốn chạy sự dàn mặt với Thắng. Hắn liếc nhìn Lan rất nhanh, hình như muốn thu hình ảnh, ghi khắc vào tâm khảm, đoạn đặt bó hoa xuống bàn, hắn lắp bắp: "Xin lỗi, toa và cô Lan... moa có hẹn công việc, phải đi ngay... Để lần khác! Dạ! Kính chào ông! À! Thắng, toa ra ngoài này, moa có chút việc riêng muốn nhờ toa." Vĩ kéo Thắng ra ngoài hành lang, thầm thì trò chuyện. Tiếng Thắng cất cao, cợt nhạo: "Ồ! Toa rắc rối lắm! Việc gì phải che đậy...!" Tiếng Vĩ van nài: "Toa nói khe khẽ chứ! Moa xin toa!" Ông Hạ ngồi vào mâm nhấm nháp mấy món ăn, một mình. Ông vẫn có thói quen ăn trước gia đình như vậy, mặc dầu nhà có khách ăn cơm hay không. Lan xuống nhà bưng thêm mấy món ăn lên, Thắng cũng vừa dứt câu chuyện với Vĩ, quay vào. Lan hỏi: "Anh Vĩ nói chuyện gì với anh thế? Bí mật tệ!" Thắng đột ngột hỏi lại Lan: "Lan có quen và biết rõ vợ Vĩ không:" Lan lắc đầu, giọng dửng dưng: "Sao? Vợ anh Vĩ muốn quen Lan à?" Thắng cười, ánh mắt thoáng vẻ khâm phục. "Nếu Lan cho Vĩ biết ý kiến đó, chắc Vĩ ngã ngửa người. Vợ hắn ghen có tiếng!" "Lan nghe nói bà ấy đẹp lắm, và giàu. Anh nói phải đấy! Hôm nào Lan phải đòi anh Vĩ dẫn đến thăm 'chị ấy' mới được." Ông Hạ đằng hắng giục Lan: "Lan! Xuống nhà mời me lên ăn cơm!" Trước khi xuống bếp, Lan nghiêm trang bảo Thắng: "Kể ra Lan thấy anh Vĩ thật tội nghiệp!" "Tội nghiệp? Mais non! Nếu Lan biết rõ Vĩ hơn, Lan sẽ thấy khó mà dùng chữ 'tội nghiệp' cho một 'thằng hèn' được!" Lan quay người nói với lại: "Si tình mà anh chê là hèn kể cũng hơi quá." Suốt trước bữa cơm, hầu như chỉ có Lan và Thắng trò chuyện. Ông Hạ không nói với Thắng một câu. Bà Hạ ăn uống uể oải, nghĩ ngợi đâu đâu. Thỉnh thoảng bà đưa mắt quan sát hai khuôn mặt Lan Thắng kế bên nhau, vẻ mặt tươi lên một chút. Cơm nước xong, Thắng bảo Lan: "Lan xin phép ba me đi chơi với anh một vòng." Lan gật đầu, quay sang bố mẹ. "Xin phép ba me cho con đi chơi quanh quanh với anh Thắng. Mai anh Thắng lên đường rồi." Ông Hạ lưỡng lự một chút đoạn hỏi: "Đi đâu? Có lâu không?" "Độ nửa tiếng thôi ạ!" Ông không đáp, nhưng Lan hiểu ngay ông đã ưng thuận, nên vào nhà trong thay quần áo. Lan và Thắng đã đi rồi, ông bà Hạ ngồi bàn chuyện về mấy đứa con trai. Bà Hạ cho chồng biết tình trạng tài chính hao hụt của gia đình trong tháng này. Tô vẫn chưa gửi tiền về, Di ngồi trong tù, chủ nợ thúc dữ, bao nhiêu nỗi lo âu buồn phiền dồn dập đè lên hai vợ chồng. Ông đi đi lại lại trong phòng tựa một con thú bị giam trong cũi. Tuy khí hậu mùa thu dịu mát, không hiểu sao ông lại thấy người nóng hâm hấp như sốt. Chân tay ông hình như không phải là của ông nữa. Nghe hoài giọng nói đều đều, than thở của vợ, ông mất hẳn bình tĩnh, quát lên: "Thôi! Bà im đi. Tôi xin bà!" Tiếng quát của ông cũng như bị giam hãm trong bốn bức tường chật hẹp. Bà Hạ ngửng đầy nhìn ông. Bao nhiêu năm nay sống cạnh nhau, đột nhiên giây phút này, tự nhiên ông thầm mong muốn vợ ông chết đi và đôi mắt trách móc đang soi vào ông kia, khép lại mãi mãi. Ông Hạ vội vã ra khỏi nhà, đi dọc theo hè phố. Bầu trời đen kịt không trăng sao. Gió thổi cuốn lá xào xạc chạy quấn vào chân ông. Cơn nóng bức trong cơ thể ông dịu xuống dần dần. Bao giờ đêm tối dài dằng dặc này của đời ông mới chấm dứt? Ông lang thang hàng tiếng đồng hồ, cho đến lúc hơi lạnh thấm vào người mới quay trở về. Về đến gần nhà, một chiếc xe hơi lướt qua dưới đường: xe của Thắng. Chắc Thắng và Lan không nhìn thấy ông Hạ vì đèn đường ở quãng phố này hỏng gần hết, ông lại đi lẫn trong bóng tối. Xe Thắng đỗ trước cửa nhà, tắt máy, nhưng không thấy ai xuống. Nhờ ánh sáng chiếc đèn đường gần nhà hắt xuống, ông nhìn thấy lờ mờ bóng Lan và Thắng ngồi cách xa nhau ở hàng ghế trước, mắt hướng vào nhau. Chợt hai chân ông đứng khựng lại. Hai bóng người trong xe vừa ôm ghì lấy nhau trong một cử động say mê, dữ dội và đột ngột. Thắng và Lan hôn nhau rất lâu. Chợt hai chân ông đứng khựng lại. Hai bóng người trong xe vừa ôm ghì lấy nhau trong một cử động say mê, dữ dội và đột ngột. Thắng và Lan hôn nhau rất lâu. Người ông hừng hực và máu vụt chạy mạnh. Ông không thể rời mắt khỏi hai bóng đen đang quấn lấy nhau cách ông không bao xa. Một tiếng nói thầm kín vang lên trong ông, cho ông biết ông chưa già. Đã từ bao nhiêu năm nay, mải ngụp lặn trong những tham vọng làm giàu và những thất bại liên tiếp, ông hầu như lãng quên đã có thời ông trẻ, thân hình căng đầy dục vọng. Những ham muốn đòi yêu ngủ gục từ lâu, hình như vừa trỗi dậy. Ông Hạ ghen với Thắng Lan, với tuổi trẻ của chúng. Giờ ông mới chợt hiểu tại sao ông không chịu nổi mọi người chung quanh ông tán tỉnh nhau, yêu nhau. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, ông đồng thời cảm thấy ý chí muốn thành công của ông hình như vừa được tiếp thêm sức. Ông tự hứa một khi giàu có, ông sẽ tìm đủ mọi cách để hưởng lạc. Ừ! Tại sao ông không thể “có"một cô nhân tình trẻ, thân hình tròn lẳn, bộ ngực khiêu khích của riêng ông? Thắng Lan xuống xe, vào nhà đã khá lâu, ông Hạ mới sực tỉnh, trở về với thực tại. Ông đi qua phòng khách không nhìn tới chúng. Vợ ông đã thiếp ngủ, mấy vết nhăn khá xâu đả bắt đầu xuất hiện trên vầng trán và khoé mắt. Ông nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh vợ, tay vắt lên trán, mắt mở trừng trừng mà không trông thấy gì. Đầu óc ông trống rỗng không một tư tưởng. Ông nằm như vậy bao nhiêu lâu, ông cũng không rõ. Ở phòng ngoài Lan nói nho nhỏ: "Mai anh đi?" "Ừ mai...!" "Em yêu anh!" Thắng im lặng. Lan nhắc lại, giọng tha thiết hơn: "Anh! Anh nghe rõ em nói không? Em – yêu – anh!" Giọng Thắng chớm bực bội: "Nếu nhắc đi nhắc lại câu ấy làm em sung sướng hơn, anh không ngăn!" Lan, giọng thoáng một vẻ nhẫn nhục, tuyệt vọng khó tả: "Vậy mà anh vẫn đi!" "Em im đi! Điều đó vô ích!" "Điều gì?" "Cố gây cho anh một mặc cảm phạm tội đối với em. Anh có cảm tưởng theo ý em, anh rời bỏ em vào lúc này là một tội... À!" Giọng Lan ngỡ ngàng: "Em... em không hiểu anh! Đúng ra em không hiểu nổi tất cả các anh! Anh Tô, Anh Di và anh. Lúc nào các anh hình như cũng muốn gạt em sang một bên, không cho em đả động đến, chứ đừng nói dự phần nào, những chuyện các anh làm... thế giới của các anh..." Thắng chua chát đáp: "Có lẽ, vì cái thế giới của đàn ông là thứ độc nhất của các anh còn có thể tin vào." "Anh không tin vào tình yêu?" "Không hẳn vậy! Nhưng... tình yêu không thể đủ được. Anh yêu em, em yêu anh say đắm, chúng ta sung sướng, nhưng vẫn chưa đủ..." "Anh ích kỷ lắm! Anh chỉ nghĩ đến anh..." "Ích kỷ? Em muốn hiểu như thế cũng được." Hai người im lặng. Giọng Lan lại cất lên, Lan có vẻ bị xúc phạm: "Anh làm em buồn! Bây giờ em mới hiểu, trước đến nay anh vẫn khinh em. Anh coi em cũng như... Phương... Pauline..." Thắng xô ghế, tiếng Thắng gay gắt, tàn nhẫn: "Bon Dieu! Quả thật em chẳng hiểu cái gì hết! Tại sao em phải hạ mình xuống, so sánh em với những người đàn bà khác? Tại sao em không nghĩ rằng trường hợp chúng ta là một trường hợp đặc biệt, không thể đặt cạnh trường hợp nào khác! Trước khi gặp em, anh đã gặp nhiều người. Những chuyện đó đã xảy ra... Em muốn anh làm gì bây giờ? Hối hận? Thật khôi hài...! Mà làm sao anh hối hận nổi cơ chứ? Khi anh gặp họ, yêu họ anh đã biết có em trên cái cõi đời này đâu!" "Em... em cũng biết vậy. Nhưng em chỉ là một người đàn bà, làm sao em ngăn nổi em, nghĩ đến những lúc anh sống 'họ', yêu họ, thân mật với họ..." "Nếu vậy, em chỉ làm khổ em, làm em bực mình, và kém yêu anh." "Anh Thắng! Lại gần đây em bảo! Tại sao anh cứ cau có và đứng quay lưng vào em như thế kia." Thắng bước vội lại gần Lan và rồi im lặng bao trùm lên tất cả. Hơi thở dồn dập của Lan lẫn với tiếng rên rất nhẹ, tiếng rên của một người đàn bà say đắm trong tình yêu. Lan gọi tên Thắng, âu yếm, níu kéo: "Anh Thắng! Anh!" Một khoảnh khắc qua, Lan Thắng lại tiếp tục trò chuyện. Lan hỏi: "Anh định ở lại đoàn Quân thứ Lưu động bao nhiêu lâu?" "Một tuần, có thể một tháng, khi nào đoàn bị giải tán, anh sẽ về." "Tại sao lại bị giải tán?" "Em không đọc báo à? Trong vòng mấy hôm vừa qua, đoàn Quân thứ Lưu động bị Việt Minh tấn công. Chẳng bao lâu sẽ đến lượt đoàn các anh. Chắc sẽ có lắm trò vui. Ồ! Anh đã thấy nóng ruột muốn đi rồi đây!" "Hôm từ biệt anh Tô, anh có hẹn ngày nào trở lại không?" "Không!" "Nhưng em chắc anh Tô đoán biết rồi anh sẽ trở lại! Anh ấy tinh ý lắm mà!" Thắng nhún vai: "Có thể lắm!" Lan lẩm bẩm một câu, như tự hỏi mình: "Em vẫn chịu không hiểu nổi... Trở lại Quân thứ Lưu động, anh được cái gì? Anh bảo vì anh Tô, nhưng em vẫn không tin. Ở lại Hà Nội, đâu có gì thay đổi, anh Tô vẫn là bạn kia mà?" Thắng ngẫm nghĩ, cặp mắt chớp chớp, môi hơi trề ra. Bỗng nhiên, hắn lắc đầu khá mạnh mấy lần liền. "Không! Không! Anh không nghĩ rằng nếu anh ở lại Hà Nội, anh và Tô lại tiếp tục vẫn là 'bạn' được!" "Sao kỳ khôi vậy? Em tưởng đã thân nhau, dù sống xa nhau, đâu vì thế mà kém thân. Thắng đứng bật dậy, đi đi lại lại trước mắt Lan. Hắn vừa nói vừa lấy một bàn tay nắm lại đấm nhẹ vào lòng bàn tay kia mở rộng. Dáng điệu hắn kích thích, nóng nẩy." "Lan không hiểu! Không! Lan hiểu tình bạn theo một nghĩa tầm thường và nông cạn. Bọn! Là bạn, khi một thằng này gặp mặt thằng con trai khác hợp tính nhau, quyến luyến nhau – Phải thế không? Để rồi hai thằng dắt tay nhau dung dăng dung dẻ ngoài đường phố? Như hai thằng oắt con đa cảm? Trời đất! Bạn kiểu vậy, anh lậy ba vái…!" Thắng đứng sững, ngón tay trỏ vào mặt Lan. "Lan! Lan vẫn nhầm tưởng anh có cảm tình với cái ông anh gàn dở của Lan phải không?" "Dĩ nhiên rồi! Không cảm tình với nhau sao chơi với nhau nổi!" "Đấy! Lan nhầm to ở chỗ ấy! Anh là bạn Tô không phải anh ưa bộ mặt ông ấy, khoái lối đi đứng, sống, yêu gái của ông ấy. Hoàn toàn không! Anh và Tô khác nhau về đủ mọi mặt. Ông ấy khoái suy nghĩ, trầm tư mặc tưởng, lúc nào cũng phân tích phân tiếc loạn cả lên... Anh ghét suy nghĩ thậm tệ, lắm khi anh thấy ông ấy sống thật vất vả, đăm đăm chiêu chiêu tìm tòi 'ý nghĩa sâu xa' của từng sự việc xảy đến cho ông ta, hay từng tình cảm 'tế nhị', 'uẩn khúc' trong tâm hồn... Ô là là! Điên cái đầu luôn! Trông anh đây này, anh sống đại đi, tích tắc, tích tắc, có tiện lợi hơn không? Tóm lại..." Thắng ngừng nói, lầu bầu rủa: "Merde alors! Chà! Khó nói thật! Anh chỉ quen hành động." Lan tinh quái: "À! Em hiểu rồi! Hai ông không giống nhau, không có cảm tình với nhau nên, hai ông trở thành 'bạn thân' của nhau? Khó tin quá!" Thắng ngồi phịch xuống chiếc ghế cạnh Lan, đưa tay lên vuốt tóc liên hồi. Hắn chuyển câu chuyện sang một hướng khác. "Để anh kể cho Lan nghe chuyện về mấy thằng bạn anh... Dạo anh là tự vệ, ở lại Hà Nội đánh Pháp với một lũ bạn cùng lớp, có mấy lần chiến xa Pháp tấn công phố bọn anh giữ, bọn anh say mê bắn, bò, ném xăng vào chiến xa. Vừa bắn vừa la hét gọi nhau. Ấy! Vào những giây phút đó, anh thấy yêu chúng nó ghê gớm, quên tất cả... Bao nhiêu sinh lực, ý chí trong người đều được anh đổ dốc ra sống cho bằng hết. Anh cảm thấy anh sống thật 'đàn ông'! Voilà! Người cứ căng ra, đầy ứ và anh cười rất nhiều! Cười như chưa bao giờ anh có dịp được cười thoải mái đến như vậy. Nhưng sau đó, khoảng đời còn lại của anh khác hẳn. Anh hậm hực với me anh, với chính anh. Anh sống lủi thủi một mình, vất va vất vưởng. Tình yêu đàn bà, chơi bời, rượu chỉ lôi cuốn anh phần nào, trong một thời kỳ thường rất ngắn ngủi. Thằng đàn ông trong anh say ngủ, mê muội, abruti, cho đến khi anh gặp Tô." Thắng lại đẩy ghế đứng dậy, đi đi lại lại. "Mặc dầu anh phải nói ngay, anh ghét một vài đặc điểm của ông anh Lan, nhưng ghét yêu đâu quan trọng. Tình cảm, Sensibleries chỉ làm anh ghê tởm. Anh chỉ thấy Tô là một người thật hiếm hoi! Tô cũng là một người đàn ông như anh. Có lẽ cái type đàn ông ở hắn có khác anh, nghĩa là không hùng hùng hổ hổ, vũ phu tàn nhẫn, lao đầu ra phía trước. Nhưng, không thật formidable! Hắn thật thông minh và can trường, hắn không sợ một cái gì hết, dù có những phút mềm yếu trước đây của hắn. Ngồi nghe hắn nói về hắn, tra hỏi anh ác hơn cả một ông đội xếp, bắt anh nói hết về anh, thật sướng. Và khi cần đến hành động, hắn sẽ có mặt, hô ngay 'Présent!'" Thắng rùng mình. "Được cầm súng, chiến đấu cạnh Tô thật khoái hơn tất cả mọi thú trên đời..." Lan cắt ngang, gay gắt: "Anh lệ thuộc anh Tô! Kết luận là vậy." Thắng nóng nảy đáp: "Em nhầm! Không phải lệ thuộc! Đối diện, đối diện! Lạ thật! Đàn bà không bao giờ có thể sống ngang hàng với một người khác. Lúc nào cũng lôi vấn đề ai lệ thuộc ai vào cuộc sống mới nghe. Les femmes! Oh! Cesêtre inférieurs…" Lan dằn dỗi: "Em hiểu anh rồi! Em biết mà: các anh khinh em, khinh đàn bà! Đúng vậy không?" Thắng tàn nhẫn: "Anh đâu muốn vậy! Tự em, em làm anh khinh em đấy chứ! Em là đàn bà. Vào thời này, em ngồi nhà, em làm bếp, em đi học, em trang điểm, em săn sóc mọi người trong gia đình. Đối với em thế là đủ. Nhưng các anh, những người đàn ông, các anh bắt buộc phải sống khác, Tô nói đúng! Hắn có lần bảo anh 'Số mệnh đàn ông chúng mình – vào thời này – chia cắt mình, tách mình khỏi tình yêu của những người đàn bà'. Em tưởng anh sung sướng lắm hay sao, khi phải rời bỏ em…?" Lan gần như kêu lên, đau đớn, say đắm: "Anh Thắng! Đừng, anh đừng nói nữa... Anh lại đây với em... Em xin lỗi anh..." Một phút yên lặng trôi qua. Đột nhiên bà Hạ nằm cạnh ông mê sảng, kêu thất thanh: "Di! Di! Trời ơi! Tội me lắm! Đừng hắt hủi! Me xin con..." Ông Hạ lay vợ, gọi: "Dậy! Tỉnh dậy! Lại nằm mê hoảng rồi." Bà Hạ mở mắt, ngơ ngác nhìn ông, và không nhận ra ông. Trán bà đẫm mồ hôi, hai tay ôm lấy ngực. Bà yếu ớt mỉm cười, ngồi dậy, vấn lại tóc, nói với ông như xin lỗi: "Chà! Tôi mê hoảng sợ quá! Mình chưa ngủ à?" Lan ở nhà ngoài vội vào, tay bưng chén nước nóng: "Me uống đi cho tỉnh! Me đừng ngủ lại vội, ngồi một chút cho tỉnh trí đã." Bà Hạ vẫn chưa hoàn hồn, đỡ lấy chén nước uống một hơi, đoạn dựa lưng vào tường, ngồi thở. Lan đứng nhìn mẹ, ánh mắt đầy lo ngại. Bà hỏi: "Khuya chưa con? Anh Thắng đã về chưa?" Lan lắc lắc đầu. Bà Hạ đuổi con gái: "Con ra ngoài nhà tiếp chuyện anh ấy đi! Để mặc me! Tóc con làm sao bù thế kia?" Lan hơi đỏ mặt, không đáp, quay trở ra nhà ngoài. Ông Hạ nhắm mắt nhưng không ngủ nổi. Ông tự hỏi, vợ ông hơi yếu tim, sống qua giai đoạn đầy những xúc động này, sẽ có tránh khỏi mang bệnh nặng hay không? Thắng hỏi Lan: "Me mê hoảng phải không?" Khuôn mặt Lan thoáng lo ngại: "Vâng! Lan lo cho me. Dạo này me có vẻ yếu, không đêm nào không mê hoảng. " Thắng, Lan hạ giọng thầm thì về bà Hạ. Loáng thoáng những câu "nhỡ anh Di”, “nếu em cần anh sẽ đưa tiền mua thuốc.” Một lát sau, Lan hỏi Thắng: "Anh! Anh kể cho em nghe về ba me anh đi!" Thắng miễn cưỡng: "Có cái quái gì mà kể!" "Tại sao anh không thích nhắc đến ba me anh?" "Không thích? Lan moi đâu ra cái tư tưởng kỳ quái ấy! Ba anh, như em đã biết hôm nào anh kể cho Tô nghe. Còn me anh? Nếu em muốn, hôm nào anh giới thiệu em với me. Lan chưa biết me anh! Me anh chiều con, yêu con một cách quá đáng. Anh ít khi dám ngồi bên cạnh me anh, sự âu yếm của me làm anh ngạt thở. Lắm khi anh cáu, gắt um lên." Lan cười: "Em hiểu lắm! Đến như em thỉnh thoảng anh mới gặp em, mà em cũng đã nhiều lần khiến anh nghẹt thở, nữa là me anh nuôi anh, yêu anh từ thuở nhỏ." "Lan thông mình lắm!" Lan ngập ngừng: "Thế còn anh, anh yêu me anh chứ!" Thắng dửng dưng đáp: "Anh không để ý. Thực ra anh cũng chưa bao giờ tự đặt câu hỏi đó cho anh. Anh chỉ biết anh không ghét me anh, thế thôi!" "Thế còn ba anh... Ba anh chết có làm anh xúc động nhiều lắm không?" Thắng ngửng phắt đầu, cặp mắt long lanh đầy giận dữ uất ức. Thắng đảo mắt nhìn vào nhiều điểm trên khoảng không như tìm tòi lục lọi một kẻ thù vô hình. "Anh chỉ biết tin ba anh bị Việt Minh giết ít lâu trước khi Pháp Việt đánh nhau ở Hà Nội. Anh tưởng điên lên! Vô lý, vô lý hết sức! Tại sao tụi nó dám giết ba anh? Đảng phái, chính trị? Je m’en fous! Tụi Pháp còn chẳng dám giết ba anh nữa là. Bon! Ba anh trí thức gàn, ương ngạnh, quân tử sĩ phu Tầu, et quoi! Nhưng giết ba anh thời thật quá sức! Chúng là một lũ điên, dã man!" Anh đã quyết định rời bỏ làng ngũ tự vệ thành, nhưng về sau, vì mấy thằng bọn công tử bột nhà giàu say mê giết Pháp, anh đổi ý kiến. Anh nghĩ rằng anh, cũng như chúng nó, chẳng đảng phái đếch gì hết, chỉ muốn đánh Pháp.. Anh đã ở lại Hà Nội! Anh đã giết vô khối Pháp và chính tay anh cũng đã bắn què một thằng cán bộ Việt Minh. Thằng này được cấp trên gửi xuống để chỉ huy bọn anh. Nó hèn! Lúc tụi Tây tấn công khu phố anh, nó bỏ chạy. Anh bắn liền! Vì không chết, nên nó ra lệnh cho tụi bạn anh bắt giam anh. Tụi bạn anh sợ liên lụy, ngầm giục anh trốn. Anh không chịu, xỉ vả chúng một trận. Phiền một cái tụi chúng một hai thằng thân Việt Minh và biết ba anh là đảng viên Việt Quốc. Chúng nó lợi dụng một buổi tối đến phiên anh phải gác, họp nhau lại bàn tán. Chắc hẳn chúng tìm một giải pháp nào đó giải quyết sự có mặt của anh. Lan tưởng tượng xem... Anh ôm súng, gác ngoài ụ, trời tối lạnh, mưa phùn, đằng trước anh là Pháp, đằng sau lưng anh tụi bạn anh rập rình đâm anh sau lưng... Cuối cùng anh vứt lại khẩu súng, bỏ đi. Không phải là anh sợ! Không! Anh chán ngấy đến cổ, buồn nôn muốn ọe thì đúng hơn. Mỉa mai thay, anh ghét Pháp mà kết cục anh đã ở lại Hà Nội, không tản cư. Anh tìm đến me anh, sống lẫn trong khu người Tầu ở hàng Buồm. Voilà! Lan đã hài lòng chưa?"