gôi nhà nhỏ lợp mái ngói âm dương nép mình khiêm tốn dưới cây xoài rợp bóng. Một mảnh vườn bao bọc chung quanh trồng các loại bông hoa thông thường, quen mắt như soi nhái, mười giờ…chen lẫn vài chậu mai vàng sần sùi, già cỗi. Làn gió nhẹ đong đưa những cành phong lan sắc màu kỳ diệu lủng lẳng trong vỏ dừa treo trên hàng hiên. Thầy ngồi tựa băng ghế trầm ngâm có đến hàng giờ, thói quen mỗi buổi sáng khi cô con gái duy nhất đã đi làm. Tuổi tác ngoài bảy mươi, bây giờ thầy hay hồi tưởng những kỷ niệm thời gian dạy học khá dài, gần như chiếm hết thời thanh xuân. Không thể nào nhớ đầy đủ những khuôn mặt thân quen, đồng nghiệp, học trò được. Có khi bất chợt, thầy thấy hiển hiện hình ảnh, tính ý hồn nhiên, nghịch ngợm của những đứa học trò mà từ khi rời lớp chưa một lần gặp lại. Thầy băn khoăn tự hỏi chúng nó giờ sống ra sao? có vất vả lắm không?, giá như biết chút tin tức thì an lòng hơn. Nói điều này ra, nhiều người cho là thầy lẩm cẩm lo xa bởi chắc gì những đứa học trò ấy nhớ thầy, cho dù chỉ mọt phút. Thầy không tranh luận mà nghĩ rằng những học trò cũ giống như những đứa con trong một gia đình lớn, khi trưởng thành thì phải chia tay nhau, kẻ nhớ người quên không trách. Mình là thầy, cần rộng mở tâm hồn cùng mong ước thiết tha chúng vào đời sống tốt, có ích cho xã hội là vui lắm rồi, còn gì hơn?. Lấy tờ thư trong túi áo ra, thầy vuốt ve mà không xem, tâm trí quay lại chuyện ba ngày trước… Mười giờ sáng chủ nhật, bốn học trò cũ của thầy cùng ghé thăm một lượt. Anh làm ăn thành đạt, anh có địa vị cao, tất cà đều sống ở thị xã và huyện gần bên. Nghe tin thầy bệnh, chuẩn bị lên thành phố mổ, họ hẹn nhau đến thăm hỏi. Ai cũng mang theo quà bánh, sữa đường cho thầy bồi dưỡng cùng sự kính trọng người khai sáng cho tương lai mình. Chuyện trò một lúc, một anh ra xe mang vào thùng bia cùng túi thịt nguội và xin thầy cho phép ra ngoài vườn vui chơi một lúc. Chuyện bình thường, thầy vui vẻ bằng lòng ngay. Bốn anh hứng thú bàn chuyện làm ăn, khoe sự quen biết rộng, hứa hẹn liên kết nhau sau này. Những tràng cười phấn khích rộ lên, ai cũng có vẻ tự mãn về cuộc sống hiện tại. Thầy ngồi nhấm nháp ly trà sâm, có lúc nhíu mày trầm tư khi nghe các học trò bày tỏ quan niệm trong đối nhân xử thế, hình như không đơn giản, dễ chịu giống thời thầy trước đây. Vừa lúc có khách đến chào thầy, mọi người ngờ ngợ hỏi nhau đôi câu mới biết khách cũng là học trò cũ của thầy. Anh cùng thầy vào nhà hồi lâu trở ra vườn, uống một ly bia rồi xin thôi. Thầy thân mật giới thiệu: - Đây là Hùng, học trên các em một lớp, mười mấy năm nay sinh sống ở Đồng Tháp. Có ghé thầy một lần, hồi cô mất. Đường xá xa xôi mà cũng cực công đến thăm, tình nghĩa này thiệt thầy không biết cảm ơn em ra sao cho… Hùng lễ phép cúi đầu: - Thưa thầy! xin thầy đừng nói vậy…Công ơn thầy dạy dỗ em bao nhiêu năm trời còn chưa đền đáp được… Qua phút ngỡ ngàng ban đầu, những người học trò cũ thay nhau nhắc từng kỷ niệm ngày chung mái trường thân quen. Ánh mắt thầy hiền dịu nhìn ra xa xa, tai lắng nghe từng lời gợi nhớ quãng đời bụi phấn rắc đầy tay. Nghe các bạn hỏi nhiều lần, Hùng mới cho biết từ khi thôi học anh làm đủ nghề kiếm sống, sự cực nhọc, lăn lộn đã nhiều. Cho tới khi lập gia đình, anh định cư hẳn ở Đồng Tháp, theo nghề làm ruộng, chăn nuôi. Nghe anh kể thêm về những khó khăn, thiếu thồn trong sinh hoạt miền quê cùng những thăng trầm nghề nghiệp bởi có năm thời tiết, giá cả thất thường, bốn người bạn nhìn nhau lắc đầu ái ngại. Thầy không nói gì, chỉ nhìn Hùng đăm đăm thương cảm. Ngó đôi chim sâu nhảy nhót bên rào, Hùng chợt nói: - Không biết thầy còn nhớ năm cuối em học thầy, dịp gần Tết có cơn bão ngang qua thị xã…Hết giờ học, thầy giữ cả lớp lại chưa cho về ngay vì sợ giông gió gây tai nạn. Em nhớ hoài câu chuyện thầy kể lúc đó… Vuốt mái tóc bạc trắng, thầy cười hiền hậu: - Thầy nghe mang máng như…Em nói tiếp đi! - Dạ…thầy kể chuyện con chim Từ Quy trong mùa đông giá rét không tìm được thức ăn đã dùng mõ rứt thịt mình cho đàn con no lòng. Đêm đó về em đã khóc, khóc vì tình thương vô bờ. Má hỏi vì sao, em kể lại làm má cũng rưng rưng. Nhà em nghèo lắm, ráng nuôi em ăn học được cũng lắm gian nan…Thầy thương, nhín nhút giúp cho em tập vở, giấy viết và tiếp thêm nghị lực. Mấy năm sau má em mất, khuya khuya em tỉnh giấc lại nhớ má, nhớ câu chuyện thầy kể và chỉ biết khóc một mình! Tất cả bỗng dưng cùng yên lặng. Hùng đứng lên khoanh tay trước ngực, lễ phép: - Thưa thầy! bây giờ em mới cảm nhận thêm điều này nữa. Thầy ví như chim Từ Quy, đem tâm huyết, sức lực cả đời dành cho lớp lớp học trò. Sự răn dạy điều hay lẽ phải ở đời cùng kiến thức của thầy truyền đạt, em không hề quên. Dù cuộc sống có nghèo nàn hay cao sang, có lẽ những học trò thầy vẫn luôn xứng đáng với bài học làm người mà thầy thường nghiêm khắc nhắc nhỡ khi xưa… Bốn người bạn cũng xúc động đứng lên nói lới biết ơn thầy rồi bịn rịn chia tay nhau sau khi trao đổi địa chỉ liên lạc. Hùng nán lại một chút, ân cần dặn dò thầy giữ gìn sức khỏe. Khoác chiếc áo bụi bặm lên người, anh xiết tay thầy từ giã. Đợi xe chạy xa khuất, thầy quay vào nhà. Lúc mở gói quà Hùng gởi, thầy sững sờ khi thấy chiếc phong bì đựng số tiến ba triệu cùng dòng thư ngắn “Thưa thầy! tình thầy trò em không dám đo bằng tiền, nhưng xin thầy nhận cho tấm lòng của gia đình em cùng chia sẻ trong lúc hoạn nạn. Hẹn lần sau gặp thầy được mạnh khỏe hơn. Đứa học trò cũ. Hùng”… Một tốp thợ xây dựng lưng áo đẫm mồ hôi đang khuân vác dụng cụ ngang nhà, tiếng cười đùa lao xao cắt ngang dòng suy nghĩ của thầy. Hai bé gái trông giống nhau- chắc là chị em- rụt rè kiễng chân với hái cành dâm bụt bên rào. Thầy nhìn ra, gật đầu ngụ ý khuyến khích, bằng lòng. Chúng vụt chạy đi với những bông hoa tươi thắm trên tay cùng tiếng cười trẻ con khúc khích. Những nếp nhăn trên trán như dãn ra, thầy lẩm bẩm một câu danh ngôn đã đọc “Trí óc lớn lên bằng những gì người ta nuôi dưỡng chúng”… NGUYỄN KIM