“…ơi vọng cổ nương bờ tre bay vút Điệu hò ơ…theo nước chảy chan hòa Năm tháng đã trôi qua Ray rức mãi đời ta Nắng mưa miền cố thổ…” (Thơ Sơn Nam) …Ông già lắt lĩu gánh trên vai, tần ngần đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ, ngó vô. Hai thanh niên mình tràn, quần đùi đang nằm trên giường tán gẫu giật mình nhỗm dậy. Một cậu nhảy vội xuống cầm tay ông già, giọng mừng rở thảng thốt: - Ba..ba mới lên…Ủa! sao ba tìm được ngay chỗ con hay vậy? Cậu thanh niên kia đứng lên nhấc cái ghế đẩu thấp, tay phủi bụi, miệng lí nhí chào: - Dạ thưa bác! Mời bác ngồi nghỉ mệt…Mày không lo giúp bác để đồ chỗ này, nặng gần chết! Gật gật đầu ra ý cảm ơn bạn con trai mình, ông già xoay người nặng nhọc đặt hai cái giỏ đệm lớn quãy bằng đoạn cây tràm non xuống góc phòng, tay bóp bóp vai, mắt ngó lên trần nhà, nhăn mặt: - Chà chà…trưa nắng mà nằm trong mái tôn này giống như sắp lớp lò bánh mì. Vậy mà tụi bây sống được, hay thiệt! Đưa cha ca nước mát, người con trai ngồi bệt bên chân ông, vân vê ống quần nhăn nheo, nhỏ nhẹ: - Đã con biểu ba đừng lên chi cho cực…Tháng rồi ít việc ít tiền nên con không về, tính tháng sau… - Biểu biểu thằng cha mày! Nhớ mày chớ bộ nhớ tiền sao? Má mày trông ngóng gần hai tháng trời bặt tăm hơi, bả cằn nhằn thúc tao lên coi mày có thiếu hụt hay bệnh hoạn gì không? Bả hiểu tánh mày từ nhỏ, thằng con trai ương bướng, quen chịu đựng mình ên. Ờ…mà già cả rồi ưa nghĩ mông lung chuyện không hay! Nhìn quanh gian phòng đơn sơ, chắp vá bằng những mảnh thiếc, bìa giấy cứng…loang lổ ố vàng, góc trống cạnh giường là cái bếp dầu hen gỉ, tô chén ngổn ngang, vung vải bao giấy mì gói; ông già thở dài: - Chỗ bây ở còn thua…cái chuồng trâu ông nội mày hồi xưa! Má mày thức khuya soạn sành, gói ghém chút đồ đem lên đây, anh em chia sớt nhau ăn lấy cái tình nghen con! - Dạ…ba gánh gồng chi đủ thứ cho cực. Mà từ bến xe tới đây ba đi bằng gì? - Tao đi bộ riết cũng tới, bây thấy rồi đó. Thằng cha xe ôm chắc biết tao nhà quê mới lên, nó dụ khị chở hai chục ngàn, tao ngó lơ, nó lẩm bẩm chửi thề, tao giả điếc. Má mày lâu lâu cấy dặm lúa mướn cả ngày, đêm nằm nhức xương nhức cốt cũng được nhiêu đó thôi. Già làm công rẻ mà con! Người con trai dụi dụi mắt, im lặng ngó xuống soạn hai giỏ đồ. Ông già chỉ vào từng món, hứng khởi giải thích: - Nè…mớ khô cá lóc, cá sặt coi nhỏ chớ phơi đặng nắng ngon lắm nghen con! Ba hủ mắm tép tao vó từng mớ, má mày làm trước sau có xé lá chuối khô ghi dấu cho biết cũ mới, liệu mà ăn. Ờ…ba đem lên năm ký sơ ri, quãy gánh tới đầu hẻm khu nhà trọ có mấy đứa con gái chắc cũng làm công ty xúm lại bao vây. Tụi nó biết rành mày, có đứa nhí nhảnh kêu tao bằng tía, đòi về quê làm dâu! Mày ở đây lâu chắc cũng vàng trời, ba cấm bậy bạ nghen con. Thấy thương thương, ba hốt cho phân nửa bịch sơ ri. Có con nhỏ kẹp tóc hỏi thăm, đòi ba kể chuyện ruộng vườn, đồng áng, nghe ba nói đôi câu, tay nó bụm mớ sơ ri mà..mít ướt, nước mắt chảy dài trên má…tội nghiệp quá chừng! Thiệt tình ba từng tuổi này mà phải ráng dằn lòng… Cậu bạn đứng lên giường kiễng chân gọi nhỏ qua phòng bên rồi trở xuống bỏ nhúm trà vô ly, chế nước sôi réo từ cái ấm nhôm đen thui vào, hai tay bưng lại chỗ ông già, ngượng nghịu nói: - Dạ…bác uống trà cho khỏe! Vơ tờ báo quạt phành phạch, ông già cười, đuôi mắt nheo nheo thân thiện: - Cảm ơn cháu…à…quê cháu đâu? cha mẹ còn khỏe không vậy? Một thoáng như lúng túng, cậu bạn ngập ngừng: - Dạ…cháu quê Đồng Tháp, ba cháu mất vừa giáp năm. Xin phép bác, cháu ra ngoài chút! Chần chừ ngoái nhìn lưng áo bạc thếch mồ hôi của cha bạn, cậu ta khép nhẹ cửa ngồi ở bậc thềm. Người con trai ôm vai, ghé sát tai cha: - Nó ở Xẻo Quít đồng nước mênh mông, nhà nghèo xơ xác…Có đứa em gái vừa bỏ học nên nó buồn lắm, ba đừng hỏi thêm… - Ờ thôi…Lúc vô đây ba thấy mấy con diều vướng dây điện vật vã nhào lộn coi não nề quá. Mùa này dưới mình, tụi nhỏ ra đồng đánh trổng, thả diều mịt trời. Ai đời đánh trổng hoài, ông trời làm sao sa mưa cho được? ba rầy hoài hổng chịu nghe, bỏ luôn! - Quên, má khỏe hôn ba? - Chà…nãy giờ đợi mày hỏi! Tao tính không nói, bả đi đám giỗ về ngang rào ông Sáu-câu-rê vướng nhánh tre gai de ra đường té sưng đầu gối, đắp muối nay bớt rồi, mày chớ lo. Bả tiếc cái khăn đội đầu mày mua cho hồi trong năm giờ bị rách, nằm than thở cả đêm. Tao giận, khuya sớm xách rựa ra chặt tỉa gần nửa bụi tre cho hả. Cha Sáu cự nự tao một chập, chiều đem mớ cá trắng xào sả qua nhậu, huề! Ờ, tụi con làm công ty đây êm không? Ánh mắt người con trai lắng đọng, man mác, rồi ngước nhìn cha khẽ cười gượng gạo: - Dạ êm…mà sắp tới con tính xin việc chỗ khác, lương khá hơn. Với lại… Cầm chặt tay con, ông già giọng nghèn nghẹn: - Mày đừng giấu ba…Tao hỏi dò mấy đứa đầu hẻm biết công ty mày giải thể rồi. Tụi bây thất nghiệp nằm chèo queo cả tuần nay, phải không? Nói! Cậu bạn dợm bước vô, nghe loáng thoáng câu chuyện hai cha con, rụt rè thối lui. Người con trai ngó vô vách, giọng rầu rầu: - Nghỉ chỗ này thì con xin làm chỗ khác…Ba má thương, nhưng thiệt bụng con hổng muốn về quê. Bao nhiêu năm nay có thay đổi gì đâu ba? Chậm rải quơ hai cái giỏ đệm trống không bó vào đoạn tràm, ông già chống gối đứng lên, giọng ráo hoảnh: - Trai tráng bây giờ ăn học cao, nhưng suy nghĩ khác thời ba nhiều, nhiều lắm. Ba không chấp nhặt, nhớ một điều ba muốn nhắc con rằng có những thứ thay đổi mà ba mày, má mày, tất thảy bà con làng xóm mình hổng ai ham, hổng ai cần. Con nằm đêm mà ôn lại, nghĩ lại lời ba, vậy thôi. Giờ ba phải về cho kịp xe, má mày trông đứng trông ngồi…Coi khó khăn quá thì về liền nghen con! Nói vài lời chân tình an ủi cậu bạn con mình xong, ông già ra cửa, vói lại một câu: - Ba kẹp hai trăm ngàn trong gói chuối khô, để dành ăn tiện tặn… Người con trai đứng nhìn theo cha, đôi bàn chân trần lam lũ dẫm trên đường nhếch nhác. Cậu bạn ngồi lặng lẽ trên giường, đôi mắt đỏ hoe… -------o------- …Những nhát cuốc lật đoạn liếp đến cuối bờ vừa xong, ông già mệt nhọc rã rời, buông cuốc ngồi bệt. Nghĩ một lúc lại sức, ông tặc lưỡi nhặt nhạnh những ánh gừng đầy đặn chưa tới lứa cho vô bao. Chẳng đáng gì, nhưng bỏ lại thì nay mai người ta cũng tới xới tung lên, rồi đầm nện, rồi xây dựng, tội cho đám gừng non nớt. Bần thần nhìn mảnh ruộng vuông vức đẹp mắt, quen thuộc từng chỗ bùn, chỗ cạn, ông thắm thía nỗi buồn chia biệt đất đai cồn cào gan ruột. Mấy tháng nay cả xóm ấp này đôn đáo loay hoay, thấp thỏm họp hành, bàn tán quanh dự án khu công nghiệp đã triển khai. Rồi thì giải thích, đo đạc, biên bản chung, ký tên từng hộ chấp nhận đền bù; mọi việc coi như xong. Nghe nói có địa phương tỉnh bạn còn thu hồi cả vùng ruộng đât màu mỡ cận quốc lộ để làm sân gôn, sân banh cho người nhiều tiền vô chơi giải trí, đây coi bộ còn đỡ xót xa lấn cấn hơn. Giờ ruộng bỏ cỏ mọc đầy chẳng ai tới lui làm chi, phần đông nhăm nhe số tiền đền bù để tính toán chuyện cất nhà, sắm xe máy, truyền hình màu…Những người lớn tuổi thì dàu dàu nét mặt, lo mai này sống sao đây khi cây rơm, bồ lúa…căn bản gốc quê đã mất? Cũng có chương trình hướng dẫn chuyển đổi, dạy nghề mới, nhưng so với cái thiệt thòi của người nông dân thì đố ai bù đắp tương xứng được? Đành vậy thôi, thời đại tiến bộ công nghiệp mà! Ông già nhẫm tính, hai mươi sào ruộng của mình được tám chục triệu, nó là nhiều hay ít đây? Miệng mồm khô khốc, ông nhai nhai đọt cỏ đắng chát, thở ra “Không khéo xáo trộn lắm chớ hổng chơi!”. Chợt nhớ, ông lần túi áo bà ba lấy tờ thơ thằng con trai gởi hồi tháng rồi ra coi lại. Mừng cho nó có việc làm ở một công ty lắp ráp hàng điện tử tận Bình Dương, thôi cũng tốt rồi. Ông chịu đoạn này “…ngày nghỉ con học thêm chuyên môn cho giỏi hoặc tới các trại cây giống, nhà vườn tìm hiểu kinh nghiệm về đất đai, trồng trọt. Biết đâu chừng sau này là lợi ích cho mình. Con mới biết một giống tre tàu mới, dễ trồng, năng suất cao, đặc biệt là không kén đất. Mai mốt nghỉ lễ con đem ít cây giống về, ba thấy là ưng bụng liền…”. Thằng còn tiềm tàng máu nông dân như ông cha, vậy được! Mặt sau thơ, nó viết thêm “Con nhỏ kẹp tóc ba cho sơ ri lần lên con, giờ làm ở Khu chế xuất Tân Thuận, tụi con liên lạc thường và…khá thân nhau. Chừng tết con về thăm ba má, chắc có nó cùng đi cho biết quê mình…”. Ông già bật cười, lòng cảm thấy dễ chịu hơn. Nhắc tới cây tre chợt nhớ gần mươi năm trước, dịp đi miệt Bảy Núi thấy tre bạt ngàn xanh thẳm phát ham. Cũng ngộ, khoảng tháng mười trở đi thì lứa tre già đổi màu vàng nhạt, cằn cỗi, rụng lá trơ trụi, chỉa ngọn lên trời rồi…ra bông từng chùm màu đất, cam chịu lụi tàn. Lần đầu tiên ông cảm nhận cụ thể cái vòng đời tre tàn măng mọc, sự tiếp nối mạnh mẻ như những đời người, những thế hệ. Dõi mắt bao quát một vùng đất rộng chạy dài tới rặng cây mé sông, tương lai sẽ là cầu cảng, ông mường tựong đến viễn cảnh nhộn nhịp, kinh tế sáng sủa hơn. Nhà còn miếng vườn với vài chục cây dừa lão ít trái, đợi con trai về cùng bàn chỉnh đốn, sửa sang lại cho ổn định rồi lựa thế đặt cái nò mé rạch… Thôi, mình tâm niệm vì cái chung và biết tính toán căn cơ, liệu cơm gắp mắm, không đua đòi…, có lẽ cuộc sống thanh thản hơn, ông già nghĩ vậy. Trời về chiều, từng đàn chim nhịp nhàng bay theo nhóm hình rẻ quạt như giục ông đứng lên. Cột chặt bao gừng vào cán cuốc, ông quãy lên vai, bước đi vững chải. Ở xa xa, thấp thoáng bóng người phất phất khăn ra hiệu, làn khói bếp mờ nhạt lững lờ theo gió. Không dừng chân, ông già che mắt nhìn, miệng bỗng cười bâng quơ… NGUYỄN KIM