ĐƯỜNG QUÊ KỶ NIỆM

    
i đó xa quê nhiều tháng nhiều năm, mỗi khi thả hồn về ký ức tuổi thơ thường bắt đầu từ con đường làng quen thuộc. Sự mộc mạc, bình dị của các con đường quê khắp nơi gần như đều giống nhau, chất chứa biết bao tình cảm mát rượi hương lúa gió đồng. Con đường đất quanh co nối liền thôn xóm, bờ tre lả ngọn rợp bóng, hàng trâm bầu cứng cỏi che mát buổi trưa hè. Mùa mưa lầy lội, thương dáng mẹ gầy oằn vai gánh lúa, chân trần bám chặt đất trơn đem no đủ về cho đàn con đang tuổi lớn. Mùa nắng chói chang, chị lầm lũi gánh từng đôi nước trên đường quê lồi lõm sống trâu đau bầm gót nhỏ. Đặt gánh nghỉ chân, chị phe phẩy nón lá, giọt mồ hôi mặn thánh thót rơi cho đám em thơ dòng nước ngọt ngào, trong mát. Vệ cỏ ven đường những đêm trăng thanh là nơi hò hẹn nói lời yêu thương chân tình đôi lứa. Những bước chân đi trên đường quê, những đám cưới và đám tang, nụ cười và nước mắt, tất cả trôi dài theo thời gian, để lại vết hằn trong tâm tưởng mỗi người đã một thời gần gũi, thân thương. Những nẻo đường thường tụ hội một chỗ gọi là chợ quê, chọn nơi đất trống ven lộ lớn hoặc gần bến bãi sông rạch. Ngoài việc mua bán hàng hóa, ăn uống, đây là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm hỏi, nói chuyện đồng áng với nhau. Người lớn mua chiếu, đệm, lờ, lọp…, trẻ con theo mẹ đi chợ ăn chén sương sáo, lúc về còn vòi vĩnh cho được miếng kẹo đục, cái bong bóng màu cầm tay. Khi nắng lên cao thì chợ tan, chỉ còn ít mái lều che lá cố định, đìu hiu. Đường quê ngoằn ngoèo lại bình thản đón người về, qua rào qua ngõ, cười vui mái ấm gia đình. Một không gian nhỏ mà đậm đà, sâu sắc tình quê. Cũng là con đường, cũng là chân bước, nhưng tình cảm dịu dàng khác xa phố sá rộn ràng thực dụng, nhựa đường bóng bẩy xa hoa!
Quê nội tôi ở một xã nghèo, nhưng là nơi ấp ủ thật nhiều kỷ niệm ngày thơ. Hồi chiến tranh, xã là vùng tranh chấp, du kích làm rào chiến đấu, đào đường cắm chông ngăn chận các cuộc bố ráp, càn quét của địch. Các ngã đường vào làng trồng trâm bầu hai bên rậm rạp và đào rất nhiều hầm trú ẩn. Lúc ấy tôi còn nhỏ có lần được má dắt về ăn đám giỗ. Đường đất lông chông, má giục đi không dám dừng lại vì sợ máy bay thấy người là bắn. Tới ngã ba làng, tai vừa nghe tiếng trực thăng ù ù thì hai bác đang nhổ mạ dưới ruộng chạy nhanh lên kéo má con tôi xuống hầm gần đó, phủ rơm nấp kín. Đám giỗ trong thời chiến không kéo dài, các bác các chú ăn uống vội vàng, súng để gần tay. Đường quê trong đêm thấp thoáng những bóng người liên lạc, canh gác, không khí thật khẩn trương, phập phồng bất trắc. Đường quê chứng kiến mấy thế hệ lên đường chiến đấu giữ gìn làng mạc, xóm thôn. Nhiều người trong họ hàng thân thuộc đã ngã xuống bên bờ tre, bụi chuối…, dòng máu chảy tràn thấm đất quê hương. Đất nước, làm sao kể xiết vạn vạn nẻo đường quê nuôi dưỡng khôn lớn biết bao tâm hồn, bền chí đấu tranh, xây dựng. Đã ba mươi lăm năm qua, cuộc sống thanh bình làm lắng đi những nhọc nhằn, gian khổ ngày ấy. Những người cao tuổi, nông dân cầm súng đánh giặc xưa kia nay không còn mấy người. Lâu lâu có dịp cùng ngồi với nhau hàn huyên chuyện cũ, nhắc nhớ những kỷ niệm đường quê gắn liền chiến tích, bùi ngùi thương tiếc đồng đội đi xa…
Những con đường quê bây giờ phần nhiều đã trở nên khang trang, thuận tiên việc đi lại hơn xưa. Học trò khăn quàng đỏ thắm, tíu tít chân sáo vô tư, hít thở không khí trong lành, tương lai ngày mới. Cụ già chậm rãi dắt tay cháu bé đi trên đường bê-tông bằng phẳng, ánh mắt trầm tư nhớ con đường đất chở biết bao người xuôi ngược cùng mồ hôi, nước mắt và máu. Mùi khét của khói súng, tiếng ì ầm của bom đạn…đã trở thành quá vãng. Tuổi thơ đôi lần va vấp gốc rễ khô cằn trên đường làng, nay sống đời an nhàn phố thị, có khi nào nếm miếng quà quê, ngắm bức tranh quê mà thảng thốt bùi ngùi?. Hoài niệm đường quê với rất nhiều ray rức để không quên bản sắc dân tộc, anh linh lớp lớp cha anh luôn còn phảng phất bên gốc trâm bầu, ngọn tre…dọc dài quá khứ!
NGUYỄN KIM