Chương 12

    
Xà-bang, có một bà má coi tôi như con ruột. Đó là má Năm, mà bà con gọi là má Năm Xuồng Chài. Vì nhà má chỉ có hai công ruộng cấy nên má sanh sống chính bằng nghề chài cá. Ngày ngày má bơi xuồng cho anh con trai độc nhất của má là anh Vững liệng chài dọc song Xà-bang. Anh Vững năm nay đã trên ba mươi mà không biết sao vẫn chưa vợ con gì. Anh có sức khỏe, vai u thịt bắp và là một trong những người sống nhờ sông nước chớ không bị buộc mình vô cây cao-su. Với sức vóc của anh Vững, nếu làm cu-li cạo mủ thì anh cung đủ nuôi mình và mẹ, nhưng anh không làm. Anh sợ tờ giấy giao kèo có dấu lăn tay còn hơn sợ chết. Má Năm cũng nói cùng làng xóm: "Thuở giờ tôi thấy ai mà buộc mình vô gốc cao-su thì khó bứt ra lắm. Thôi, hai mẹ con tôi sống nhờ nước, hễ còn nước là mẹ con tôi còn kiếm được con tôm con cá đắp đổi qua ngày!".
Thường vào lúc chạng vạng, má Năm một mình bơi xuồng dọc theo sông thả mồi đất trộn cám. Má đổi lái xuồng làm mũi, tay bỏ dầm bơi tay liệng mồi tom tõm. Những cục đất bằng nắm tay trộn cán rang thơm phức đó rất lâu tan, nó sẽ nằm gần trọn đêm dưới đáy song, mời gọi cá tới. Cá úc, cá chày tới nhanh, tôm càng tới chậm. Nhưng chậm gì thì tới lúc hừng đông, chúng cũng đều có mặt, tranh nhau gặm rỉa cục mồi cám đã bắt đầu rã ra. Bấy giờ cũng là lúc miệng chài của anh Vững sắp vãi xuống tóm lấy chúng. Anh Vững liệng chài giỏi quá, anh toàn liệng kiểu. Đứng trước mũi xuồng, anh cầm cái chài vo gọn như cái áo, rồi rún nhẹ chân, anh vụt chài tỏa ra, chụp xuống mặt nước thiệt căng tròn. Mỗi lần anh liệng chài, chiếc xuồng chỉ hơi nhún nhảy một chút chớ không nghiêng lắc. Anh Vững mà chài giỏi bao nhiêu thì má Năm cũng bơi xuồng khéo bấy nhiêu. Bà má người gầy đen sắt lại như cây gỗ ấy đã bơi xuồng chài cho con trên mười lăm năm nay. Tôi thấy bà con gọi má là bà Năm Xuồng Chài kể cũng không ngoa.
Nhiều hôm tôi đi cặp bờ sông coi mải mê. Tất cả những chỗ nào má Năm đã bỏ mồi từ chiều ngày hôm trước, thì sáng hôm sau má đều nhớ đủ. Má bơi xuồng tới những chỗ đó theo thứ tự bỏ mồi trước sau không hề nhầm lẫn. Má bơi rà, bơi chận, bơi móc, bơi nậy đủ kiều, mái dầm nào bơi đủ dầm đó, không dư. Có má bơi, anh Vững yên tâm chài hết chài này tới chài khác. Khi anh bắt đầu kéo chài lên, bà mẹ trở dầm bơi ngược nước giữ cho xuồng đứng sững. Lúc anh Vững lo bắt tôm cá, thì mũi xuồng đã re re rẽ nước tới một chỗ mới.
Xuồng má Năm đi chài từ hừng đông tới chín mười giờ là về. Giác đó bà con xách rổ tới đón xuồng má mua cá. Tôi cũng thường ở ngoài trảng lỏn về giác đó, tiếp phơi chài cho anh Vững, nấn ná ở chơi tới trưa mới đi.
Bữa nay tôi gởi bò cho mấy đứa nhỏ coi dùm, vô tới nhà má Năm cũng vừa lúc xuồng về. Tôi chạy xuống bến, tiếp kéo rấn mũi xuồng lên cái ồ, rồi ôm xốc cái chài anh Vững đã giặt đem lên sân phơi. Lúc căng chài ra, thấy chài đã dợt màu, tôi nói với má Năm:
- Cái chài coi bộ bớt mun, để chút nữa con vô rừng lột một ôm vỏ sắn vỗ vừng về ngâm nhuộm!
Má Năm nói:
- Ờ lột về cho anh Vững mày ngâm, mai mốt sắn chài.
Má Năm ngồi bệt dưới đất, vừa ngoáy trầu vừa dặn:
- Con có đi lột vỏ thì đi sớm, lát nữa về kịp ăn bánh canh. Bữa nay tao bán cá thôi, còn tôm càng tao để lại nấu bánh canh cho tụi bây ăn!
Tôi nghe nói tới bánh canh thì thích quá, cười bảo:
- Má nấu nhiều nhiều ăn mới đã thèm!
Má Năm trực ngó tôi, không nhịn được cười khiến miệng má móm sọm:
- Tổ cha mày, mày nhắm bụng mày chứa nổi bao nhiêu... ờ được, để tao nấu đầy một trã 1 bự coi ăn có hết hay không?
Tôi cười khì khì:
- Má cứ nấu đầy nồi đi, con bảo đảm!
Láng cháng chơi một lát, tôi đi ra trảng. Trên đường ra bãi thả bò, nhơn có vụ bánh canh, tôi nhớ lại những ngày đã xa ở Phước-lai. Lâu rồi, từ ngày má tôi chết tôi có được ăn bánh canh nữa đâu. Cái món đó phải nói má tôi nấu ngon. Tuy nghèo chớ lần nào má tôi cũng nấu cho chị em tôi ăn no. Hồi đó nhà tôi làm bánh canh chỉ tốn gạo, tôm thì đã có ba tôi câu, khỏi mua. Má tôi mất rồi, tôi thường hay tủi thân. Nhưng gần đây tôi được cô bác Xà-bang làm cho bớt buồn tủi rất nhiều.
Tôi ở trong nhà Bảy Vàng, nhưng coi như không có Bảy Vàng, hễ rảnh lúc nào là tôi tọt vô xóm. Ở trong xóm tôi không hề thấy hiu quạnh như ở gian nhà kho của Bảy Vàng. Hơn nữa, ở đó tôi gặp lại những cái tôi đã mất, tuy không hoàn toàn giống nhưng cũng rất đỗi ấm áp. Đó là tình mẹ, như má Năm đối với tôi. Về hình dạng, nhứt định là má Năm không giống má tôi, nhưng tình nghĩa cũng tràn đầy. May áo cho tôi, má Năm cũng đã may. Thấy tôi thèm thứ gì, má cũng cho ăn.
Tới bìa rừng, tôi luồn vô quơ rựa hạ liền mấy cây sắn và vừng mà tôi đã để ý từ trước. Tôi ngồi cỡi lên thân cây, dùng sống rựa dần vỏ rồi lột riết. Lát sau tôi đã lột được một đống đầy vỏ vừng và sắn. Tôi bứt giây bó thành một bó lớn vác về. Dọc dường về nhà má Năm, bỗng tôi gặp một đám con nít báo cho tôi hay đứa coi bò dùm tôi ngủ quên, nên đàn bò của tôi đã càn lên đám vườn cao-su non của sở Nam-Trung. Tôi nghe tin, liền tạm bỏ bó vỏ xuống, chạy đi. Tôi chạy chưa tới vườn cao su của sở Nam-Trung, thì thấy đàn bò của tôi đã túa về. Trên sừng của mấy mươi con bò, thấy máng phơ phất những vật gì trăng trắng. Tôi lấy làm lạ, tới coi thử là vật gì. Thì ra đó là những tờ giấy, có ghi chữ trong đó Tôi ngạc nhiên cầm tờ giấy xây qua xây lại, nhưng tôi chớ biết nó nói chi, vì tôi có biết đọc đâu. Tôi nghĩ bụng: " Tụi này bữa nay chơi cái kiểu gì lạ quá, bộ đánh lộn với mình không lại, bây giờ tính đem chữ nghĩa ra xài xể mình chắc?".
Sau khi lùa bầy bò về nơi bãi cũ, tôi cầm xấp giấy lận lưng, trở ra đường vác bó vỏ sắn đi về xóm. Tới nhà má Năm, tôi liệng bó vỏ xuống sân, chạy vô kiếm anh Vững đưa xấp giấy:
- Đâu anh Vững đọc thử coi nó nói gì trong đó. Hễ xài xể thì tôi không nhịn đa!
Đang ngồi chụm lửa nồi bánh, anh Vững phủi tay cầm xấp giấy, cấm cúi đọc qua một tờ. Đọc xong, anh bật cười ha hả. Tôi sốt ruột hỏi:
- Nó nói cái gì hả anh?
Anh Vững vẫn cứ cười bò ra, làm má Năm đang ngồi lột vỏ tôm cũng phải sốt ruột:
- Thì nó nói sao, nói nghe thử, cái thằng...
Anh Vững đọ mấy tờ nữa rồi mới bảo:
- Tụi nó năn nỉ thằng Quyết đừng cho bò lên phá cao-su non của nó chớ có gì đâu mà nó lại kêu thằng Quyết bằng ông Cả mới tức cười. Đây nè...
Anh Vững bắt đầu chậm rãi đọc: "Kính gởi ông Cả Quyết. Chúng tôi có lời tha thiết yêu cầu ông đừng cho bò lên phá cây của sở chúng tôi. Cây chúng tôi là cây cao-su non mới trồng, nếu bò của ông lên vài lần nữa thì thiệt hại cho chúng tôi nhiều lắm. Sở Nam Trung".
Đọc xong, anh Vững dơ mấy tờ kia lên nói:
- Mấy tờ này cũng viết y hệt như vậy. Chắc tụi nó sợ viết một tờ móc vô sừng bò rủi rớt mất.
Tôi nói:
- Nó nói kiểu xeo nậy, em biết mà!
- Không, nó xuống nước năn nỉ em đó chớ. Em không thấy nó kêu em bằng ông Cả à?
- Kêu ông Cả ông chủ gì mà nghe nói xốc óc quá. Em có cho bò đi phá hồi nào đâu mà yêu cầu. Chẳng qua thằng nhỏ coi bò nó ngủ quên...
Má Năm lột vỏ tôm xong, buông xuôi hai tay nơi gối, rầy tôi:
- Con ơi... tụi nó đã xuống nước như vậy mà con còn làm hùng làm hổ mà chi. Quyết à, má hỏi con bao lớn mà con bắt người ta kêu bằng ông Cả. Ở đời, mình đừng có ác với ai, nghe không con? Thôi đi, lại hốt dọn mớ vỏ tôm rồi tiếp nạo dừa cho má!
Tôi nghe lời má đi hốt vỏ tôm rồi lấy bàn nạo ra ngồi xổm, nạo dừa rồn rột. Nạo được nửa miếng dừa, tôi mới nói:
- Má nè, hổi giờ con đâu có làm gì ác với ai, họ làm ác với con thì có. Tại con ghét mấy cái thằng cứ bắt mình phải kêu nó bằng ông chủ. Từ hồi nhỏ tới lớn con thấy họ lấn lướt mình không. Ở Phước-lai cũng vậy, ba má con động mở miệng ra một cái là phải thưa ông này ông nọ. Tại vậy đó nên bây giờ con bắt mấy thằng chủ sở phải kêu cơn bằng ông Cả chơi. Ông Cả còn trên ông chủ một nấc, phải không má?
Má Năm nghe tôi hỏi thì bật cười xòa, rồi chép miệng:
- Tao rầu mày quá Quyết, còn nhỏ mà gây gổ với họ hoài. Ừ phải, ông cả thì lớn hơn ông chủ một nấc, đó là theo hội tề hương chức hồi nẳm. Còn đời bây giờ mà bộ mày còn muốn làm hội tề nữa sao?
- Con không biết, miễn là tụi nó phải kêu ngược lại mình bằng ông thì con khoái rồi.
Má Năm đến bên. xỉa ngón tay vô giữa trán tôi, cười mắng:
- Tổ cha mày... Thôi, nạo dừa riết đi, đặng tao vắt nước cốt đổ vô nồi, trưa trờ rồi!
Nồi bánh canh sau khi đổ thêm một tô nước cốt dừa, được má Năm nhắc ra đặt giữa nhà. Ba mẹ con xúm xít ngồi quanh nồi bánh canh bốc mùi thơm béo ngậy.
Má Năm múc đưa cho tôi tô đầy, có rất nhiều tôm, đến nỗi gạch tôm nổi đỏ một lớp dầy trên mặt. Rồi chính tay má rắc tiêu, chan nước mắm cho. Bánh canh nóng, tôi vừa thổi phù phù vừa ăn. Tôi ăn vừa hết tô bánh thì má Năm đã đón lấy múc thêm. Nhưng tới tô thứ hai tôi nuốt như mắc nghẹn, nghĩ xa nghĩ gần, nhớ tới má tôi, tưởng như mới hôm qua hôm kia má tôi còn nấu cho tôi ăn và ba tôi với chị Hòa ngồi bên lua húp sì sụp. Tôi đặt cái tô xuống mâm, ngồi ngẩn ra, khóe mắt rưng rưng. Má Năm lấy làm lạ, đưa mắt ngó tôi. Tôi biết sở dĩ hôm nay có nồi bánh canh chính là vì tôi.
Cách đây hai hôm, tôi có nói ước chi có bánh canh ăn. Tôi kể với má Năm rằng hồi má tôi còn sống, lâu lâu má tôi làm một bữa bánh canh thiệt là ngon. Chẳng qua vì hôm đó phụ bắt tôm cá dưới xuồng, những con tôm càng xanh chài được búng banh bách nơi khoang đã gợi tôi thốt ra lời ao ước đó. Không ngờ má Năm thì sốt sắng, hối anh Vững xay bột, gấp rút làm ra bữa bánh. Bánh canh thiệt là ngon, nhưng ăn một miếng tôi lại nghẹn ngào nhớ má tôi, nghĩ tình má Năm đối với tôi bây giờ nên không dằn lòng được. Tôi lẳng lặng bưng tô bánh ra ngoài thềm nhà, ngồi ăn một mình. Má Năm lên tiếng:
- Thằng Quyết đương ăn mà sao ra ngồi ngoài thềm vậy, vô đây ăn chớ con!
Cái câu nói của má Năm là câu nói ngọt ngào, ấy vậy mà lại khiến tôi khóc lớn thành tiếng. Chưa bao giờ tôi khóc trước kẻ mà tôi căm ghét, như trước Biện Tư hoặc Bảy Vàng. Nhưng trước những người như má Năm, anh Vững tôi khóc không kìm giữ, khóc xả r
Chiều hôm ấy, sau khi lùa bò từ ngoài bãi về, tôi bỏ cơm. Tôi cũng chẳng buồn nổi khói un cho bò nữa. Đóng cửa chuồng bò xong, tôi uể oải đi về gian nhà kho, nằm lăn ra trên phản. Trời tối mịt rồi mà tôi cũng không thắp đèn. Cứ vậy tôi nằm im trong bóng tối. Lâu lâu tôi lại có một bữa buồn như thế. Có việc gì nhỏ gợi lại là những kỷ niệm, những hồi ức đau thương liền trỗi dậy. Tôi mở mắt trố nhìn, trong bóng tối. Lại thấy ba tôi nằm nơi sân, bụng bị mổ, ruột lòi ra. Lại thấy dáng má tôi ngồi im lìm bên vách bếp. Lại ngó thấy những trái bần dĩa chị em tôi ra sông Phước-lai hái về chiều hôm đó, nhưng má tôi thì lại không được ăn. Khốn khổ cho tôi, lần nào trong hồi tưởng, những trái bần ấy cũng làm gan ruột tôi xót xa. Đã bốn năm trôi qua, mà cái đêm tôi đưa ba má tôi ra gò mả vẫn cứ hiển hiện, với ánh đuốc rơm cháy xèo xèo, với những thuổng đất từ long huyệt đỏ rói như máu, với tiếng rền rĩ tru rống của con Phèn. Và hơi bấc của đêm hôm ấy mới lạnh lẽo làm sao, miệng huyệt mới sâu làm sao, hòn đất tự tay tôi liệng đánh bộp lên nắp hòm nghe mới đau đớn làm sao...
Vào lúc tôi đang nhìn thấy lại cảnh đó chợt có tiếng động ngoài cửa. Tôi giựt mình nghe tiếng dép đi lạch phạch. Đúng là tiếng dép của vợ Bảy Vàng. Nhưng tôi vẫn nằm im. Lát sau, khi tôi thấy ánh sáng cây đèn gió rọi hắt vô nhà thì mụ đã lên tiếng:
- Thằng Quyết bộ ngủ rồi hả?
- Tôi chưa ngủ.
Mụ Bảy Vàng dơ cao cây đèn gió có tháp kính lên, ngó tôi suốt từ đầu tới chân. Rồi mụ bước tới, đặt cây đèn xuống góc phản, hỏi:
- Sao hồi chiều mày không un muỗi cho bò?
Tôi không trả lời câu hỏi hậm hực của mụ. Tôi vẫn cứ nằm yên, cố tình tỏ vẻ như không màng tới câu hỏi đó. Thiệt ra, nếu lúc khác thì tôi cũng ráng trả lời. Nhưng giữa lúc này, câu hỏi đó chẳng khác gì một cú gậy phang bồi, giữa lúc tôi đang một mình lặng thầm nghe thấy trong đêm tối những bóng người, những tiếng nấc, những giọt máu thì mụ Bảy Vàng xuất hiện cùng câu hỏi của mụ như lạnh lùng bảo với tôi rằng dẫu tình cảnh tôi có bi thảm tới đâu chăng nữa thì mụ cũng không cần thiết, cái mà mụ cần biết là tại sao chiều nay tôi lại không đốt đống un bò, tại sao chiều nay tôi lại không tiếp tục làm nô lệ cho mụ. Trong đôi con mắt long lanh nhờn váng những thèm khát của mụ đàn bà chủ trại trắng mập này như còn nói: "Ê, cái thằng mắt xếch kia, bộ mày không biết nếu thiếu khói, bày bò tao bị muỗi cắn là nó�t đi bao nhiêu ký lô thịt hay sao?".
Dưới ánh đèn, mụ Bảy Vàng vảnh tay chống nạnh nơi hông, móng tay dài vút, bôi trát thứ son chi coi tợ màu huyết bầm. Chiếc áo ni-lông mụ đang mặc nó mỏng tang, rằn rện in hình các con thú dị kỳ. Chiếc áo ấy hở nách hở ngực và thít sát lấy cái hông đột nhiên eo thắt lại tưởng như có thứ dây nhợ gì bó chặt lấy cái nây mỡ.
Tôi ngồi nhổm dậy đưa mắt liếc nhìn hình tướng mụ Bảy Vàng. Bỗng dưng tôi thấy con mụ nầy như là có dính dáng tới cái chết của ba má tôi, có liên can tới sự đầy đọa khổ cực của đời tôi, của em Biếc em Thắm, của ông Cổ và của nhiều người khác. Bỗng dưng, dưới ánh đèn, tôi thấy con mụ Bảy Vàng không phải chỉ là con mụ ấy mà còn thay mặt hết, thay mặt cho thằng chồng, cho Biện Tư, cho tụi lính ác ôn.
Mụ nghiến hàm răng khít rịt kể tội tôi:
- Mầy còn có cái tội nầy lớn lắm nghe. Tối nay mầy có biết chồng tao đi đâu không? Suốt mấy bữa nay, ngày nào tự sáng tới tối ổng phải vất vả đi làm công vụ, lo xây dựng ấp. Rồi bây giờ còn phải lên trên sở Nam Trung năn nỉ người ta. Họ đòi bồi thường vì mầy đã để bò lên phá mất mấy lô cao su non của họ. Đó, mầy thấy tội của mầy chưa? Coi bò không chịu lo coi, cứ lo thả rễu đi chơi, để bò phá cây cho người ta bắt đền. Mà ai đền? Tụi tao chớ ai vô đó? Một cây cao su phải trả năm chục, mà họ nói bò nhổ phá tới chín mươi hai cây, tính ra phải đền gần năm ngàn đồng bạc!
Tôi nói:
- Để còn coi cây cao su của họ có bị phá tới chừng đó hay không, nếu có mà họ đòi đền thì tôi đền?
Mụ Bảy Vàng trố mắt, ré lên với giọng khinh bỉ:
- Á... á, mầy nói mầy đền à? Mầy đào tiền đâu ra mà đền?
- Tôi không đào ở đâu, mà tôi đòi bà, bà phải trả tiền cho tôi!
Tôi bước xuống đất. Mụ Bảy Vàng không biết tôi tính làm gì, đâm hoảng. Nhưng tôi chỉ bước xuống và nói:
- Bà còn thiếu tiền tôi. Ba năm nay tôi coi bò, vợ chồng bà chưa trả tôi một đồng xu cắc bạc nào. Bây giờ rủi bò phá hư cây của sở, bà đưa tôi tiền đó đề tôi đền cho người ta. Cho là có đền tới năm ngàn đồng, cũng chưa hết số tiền vợ chồng bà phải tính để trả cho tôi!
- Cha chả, thằng nầy bữa nay ăn nói nghe ngon lành dữ ha? Ê, ba năm nay, ai nuôi cơm, ai may quần áo cho mầy, hả? Mà mầy về đây coi bò là để trừ nợ cho cô mầy, chớ tụi tao chừng nào mới thiếu nợ mày? Nè mầy đừng có giỡn mặt với tao nghe!
- Tôi nói thiệt chớ không nói giỡn. Bà nói tôi về đây coi bò là để trừ nợ cho cô tôi hả? Cô tôi thiếu nợ bà hồi nào? Cô tôi có thiếu là thiếu của Biện Tư bốn giạ lúa, tôi ở đó giữ trâu coi như trừ dứt rồi. Nói cho mấy người biết, không phải tôi ở đây giữ bò không công cho mấy người đâu!
Lần đầu tiên bị tôi vặn bẻ, mụ Bảy Vàng bất ngờ tức tối đến sửng sốt. Chắc chẳn là mụ càng nghi có ai bày vẽ cho tôi. Bây giờ mụ tin chắc mười mươi là việc để tôi là cà vô xóm rõ ràng có hại:
- Cha cha, thôi tao biết rồi, chẳc tụi cu-ly cạo mủ với tụi Việt cộng nằm vùng ở Xà-bang nó xúi giục mày rồi. Nghe cái giọng mầy nói là tao biết liền!
- Không có ai xúi giục tôi hết!
- Cái kiểu đốc lói đòi công đòi xá là nghề của tụi Việt cộng, tụi cu-ly, tao đâu có lạ!
Mụ Bảy Vàng vốn keo kiệt, nên chạm tới tiền nong công xá, mụ làm như bị tôi cầm dao đòi lóc mỡ thẻo thịt:
-Thằng kia, tao nói cho mà biết, đi coi bò cho tao có cơm ăn, áo mặc là quý rồi. Mầy không coi bò cho tao thì mầy chết đói. Thử hỏi, một bộ quần áo, đứa khác chỉ cần bốn thước, còn mầy phải tốn bốn thước tư. Một bữa cơm đứa khác ăn cao lắm bốn chén, còn mầy dộng tới bảy tám chén. Nuôi mầy tổn hao quá đi mà mầy phủi bạc. Thứ đồ mồ côi chết cha chết mẹ cầu bơ cầu bất như mầy được vậy là phước rồi, còn làm eo làm sách!
Cái câu chửi của mụ Bảy Vàng, cái câu nguyền rủa tôi là đứa chết cha chết mẹ khác nào như chính giữa lúc tim tôi đang bị vết thương ấy hành cho nhức nhối, thì mụ lại xọc tay vào bươi thêm. Tôi tức giận nhảy tới túm lấy mụ. Tôi chưa đánh gì cả mà mụ đã la:
- Mầy đánh tao hả Quyết, mầy đánh tao hả Quyết?
Con mụ nầy luôn luôn như vậy giờ nó cũng nói thêm. Mình chưa giết chồng nó, nó đã bảo giết chết. Mình chưa đánh, nó đã rùm beng hô mình đánh nó. Tuy vậy, tôi cũng cố nén, chỉ nắm chặt hai tay nó bẻ quặt ra sau.
- Trời đất ơi, bớ làng xóm ơi?
- La hả?
Tôi bẻ quặt tay mụ một cái, mụ đau điếng không dám la nữa, nhưng lại nằm lăn xuống đất như muốn ăn vạ. Tôi ngồi xổm một bên, vẫn nắm chặt hai tay mụ:
- Tại sao mầy dám chửi cha chửi mẹ tao? Tao đánh cho mày chết, để lát nữa chồng mầy về lo đào lỗ chôn mày chơi!
- Trời ơi, thôi tôi xin lỗi cậu, tôi lạy cậu...
- Lạy tao cũng không tha. Cha mẹ tao chết cũng là do bà con đồng đảng của tụi bây giết. Vậy mà bây giờ còn rủa tao nữa. Tao phải bóp mầy chết!
- Trời ơi, tôi lạy cậu, từ rày tôi không nói vậy nữa. Hổi nẫy tôi lỡ miệng...
- Hồi đó tới giờ tao bỏ qua cho tụi bây nhiều lắm rồi!
- Tôi hứa từ rày không dám động tới sợi lông chân của cậu. Thiệt tình tôi thề có trời làm chứng, tôi mà còn nói cậu vậy nữa thì tôi chết thảm chết khốc, chết bỏ chồng bỏ con, chết cá ăn quạ rỉa...
Mặc cho mụ Bảy Vàng viện đủ thứ ra thề thốt, tôi vẫn cấu bàn tay xuống cổ mụ, từ từ bóp siết lại. Mụ ta hồn phi phách tán, vừa thở khò khè vừa co chân chòi đạp tứ tung. Tới chừng đó tôi nới lỏng bàn tay ra. Rồi
bất thần tôi buông mụ, đứng xổng dậy, cười ha hả.
Phải mất một lúc, mụ Bảy Vàng mới vỡ lẽ là tôi chỉ dọa. Hoàn hồn lại, mụ lóp ngóp bò dậy, quơ vội đôi dép Nhựt xỏ vào, lạch phạch chuồn ra khỏi cửa. Tôi vẫn còn đứng cười. Thấy mụ bỏ quên cây đèn, tôi xách đưa với theo:
- Còn bỏ quên cây đèn đây nè!
Tôi đem đèn ra cửa cho mụ, rồi quay vào nằm ngã ngửa trên phản. Nghĩ lại việc xẩy ra vừa rồi, tôi vừa giận vừa ức cười, phần nào lại thấy hả hê vì chưa chi mà mụ Bảy Vàng đã hoảng sợ van lạy tôi lia lịa. Con mụ đó thiệt là ác mà cũng thiệt là hèn. Nằm một lúc, tôi ngủ thiếp đi.
Tới khuya, thình lình tôi bị một ánh đèn dọi sang chóa mắt và nghe có ngườỉ bước vô. Tôi mới dụi mắt, lồm cồm ngồi dậy thì ngó thấy Bảy Vàng. Hắn đã đến sát bên tôi, tay cầm thanh cây gài cửa vuông cạnh dơ lên thẳng cánh giáng xuống. Tôi bị cái cây đánh trúng ngay đầu, ngã bật ra. Bảy Vàng còn đánh tôi thêm một cây nữa, trúng cốp phía dưới cằm. Bấy giờ, tôi chỉ ngó thấy gian nhà đảo lắc và bóng Bảy Vàng cũng đảo lắc theo. Tôi nhận ra máu từ trên đỉnh đầu chảy xối xuống, ướt cả mặt. Tôi tính đưa tay lên vuốt máu, nhưng tay tôi bủn rủn không nhấc lên nổi nữa. Sau cùng tôi có cảm giác người tôi nhẹ hẫng. Tôi ngất đi.
Tôi bị Bảy Vàng đánh nằm ngất không biết bao lâu. Chỉ biết là lúc hơi tỉnh lại, tôi nghe văng vẳng tiếng gà gáy. Đầu tôi đau buốt, ê ẩm. Tôi khe khẽ cựa mình, muốn mở mắt ra mà mở không được, vì máu khô đặc cứng, hầu như dán kín mi mắt tôi lại. Nhớ lại mình bị Bảy Vàng đánh, tôi đưa tay rờ rẫm bóc lớp máu. Khi đã mở được mắt ra rồi, tôi vẫn không nhìn thấy gì. Lúc đó chừng hơn năm giờ sáng. Đêm đã nhợt rồi, mà ban đầu tôi vẫn thấy tối đen. Ngay những chỗ vách trống mọi đêm thường trổ từng khoảng sao trời thì bây giờ đối với tôi cũng đen nốt. Đầu tôi nhức nhối tê buốt đến nỗi tôi chỉ nghe có cái tiếng chi giựt băng băng, giống như tiếng của sợi thép căng bị búng, y như mọi lần tôi nghe thấy lúc lặn quá sâu xuống sông mà chưa kịp trồi lên. Chưa có khi nào người tôi bủn rủn, yếu nhớt, tưởng chừng khó ngồi
dậy được như lần này. Tôi chỉ còn nhớ bộ mặt đằng đằng sát khí của Bảy Vàng, thanh cây bổ vụt xuống. Tinh tỉnh lại một chút rồi mà tôi vẫn sợ Bảy Vàng còn đứng đâu đó, tay thủ cái cây để đánh tôi nữa. Càng về sáng, trời càng mát lạnh, cái khí trời trong lành của buổi sớm sắp đến đó giúp tôi dần dần tỉnh hẳn.
Tôi chòai tay, ráng gượng ngồi dậy. Giờ thì tôi biết Bảy Vàng không còn ở đây nữa. Tôi cũng đã nhận ra được những chỗ vách hở trống, in màu da trời xanh tái, chớ không còn ở trong tình trạng thấy cái gì cũng tối đen như lúc nãy nữa. Ngay khi đó, tôi tính đi kiếm cây búa bổ củi rồi lên nhà Bảy Vàng xông vô đập hắn cho chết rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng sức tôi bây giờ không cho phép tôi làm được việc đó. Tôi tụt xuống gầm phản mò đụng cây búa, nhưng lúc cầm cây búa lên lại rất khó khăn. Bảy Vàng đánh tôi bị thương ra máu nhiều quá nên tôi mất sức. Chính lúc cầm cây búa lên không muốn nổi đó, tôi mới hiểu ra Bảy Vàng đánh tôi rất nặng, có thể hắn tính đánh tôi chết luôn cũng nên. Điều này đã làm tôi đổi ý định ngay lúc ấy. Chi bằng còn lại bao nhiêu sức, tôi ráng rời khỏi chốn này trước khi trời sáng. Tôi sẽ đi khỏi chốn nầy để có ngày tôi sẽ trở về tìm gặp lại Bảy Vàng. Trong đầu tôi bừng lên cái ý định mà từ lâu tôi đã nhen nhóm. Trước hết là phải đi khỏi đây.
Tôi ngồi dưới gậm phản một chốc cho khỏe thêm, rồi từ từ đứng dậy, mò mẫm lôi từ góc phản ra một bọc khăn xẹp lép, buộc trước ngực. Trong túm khăn, có một vật thế nào tôi cũng phải đem theo. Đó là cái áo vải xiêm đen má tôi may. Cái áo ấy nay đã chật, tôi không còn mặc được nhưng vẫn nâng niu cất giữ. Lâu rồi tôi tự dặn lòng rằng dẫu tôi có xiêu lạc tới chân trời góc biển nữa, tôi cũng đem tấm áo đó theo sát bên mình. Nếu không may tôi có chết, tôi sẽ ôm tấm áo đó mà chết. Buộc túm khăn có đựng cái áo lên ngực, tôi thấy như được hồi sức, thấy như có má tôi ở kề bên, trợ lực cho tôi đi thoát khỏi nhà Bảy Vàng.
Tôi sờ soạng bước ra khỏi gian nhà kho. Bây giờ tôi ra khỏi đó không chút bịn rịn. Có cái gì đâu để tôi bịn rịn. Gian nhà đó chẳng lưu lại lòng tôi chút tình cảm gì ngoài những kỷ niệm xưa kia giữa tôi với ông Cổ. Cái gian nhà trống hơ trống hoác như chính nó cũng không chịu nổi sự cô độc quạnh quẽ triền miên, bởi vì hầu như lúc nào nó cũng giam hãm có mỗi một người, với bóng của người đó. Trước thì là hình bóng ông già Châu-ro suýt hóa thành thú và gần đây là tôi.
Nhưng tôi đã bước khỏi chỗ đó. Tôi lê bước một cách vất vả, trong bóng tối lờ mờ, mãi cho tới lúc trời hé sáng tôi mới lết được tới ngõ nhà má Năm. Và tôi đứng sựng tại đó, không bước tới được nữa. Mắt tôi bỗng hoa lên, đôi chân tự nhiên khuỵu xuống.
--------------------------------
Một loại nồi bằng đất.