"Ông giáo rút trong cặp ra tờ giấy trắng, đưa trước lớp hỏi:
Cái gì đây?
Cả lớp trả lời:
  - Thưa thầy, tờ giấy trắng ạ!
Ông giáo lấy cây bút chấm lên đó, rồi hỏi tiếp:
  - Cái gì đây?
Đám học trò nhao nhao:
  - Thưa thầy, dấu chấm ạ!
Ông giáo đưa mắt quanh, rồi khẽ hỏi lại:
  - Bao nhiêu chấm?
Cả lớp im phăng phắc. Người thầy mới ôn tồn bảo:
  - Tờ giấy trắng, anh ngồi cuối lớp kia cũng thấy. Dấu thầy vừa chấm, trò ngồi gần đây nhất cũng không thấy. Sao cả lớp chỉ nhìn vào điểm nhỏ như vậy?"
Câu chuyện đó tôi đã được nghe qua và mang vào kể trong một lớp Việt ngữ, kèm lời giải thích:
  - Đã là con người thì ai cũng có lỗi lầm. Bắt đầu làm học sinh, các em sẽ có lỗi lầm, như vài dấu chấm nhỏ trên trang giấy.
Tôi bảo:
  - Mỗi em hãy điểm vài chấm trên trang giấy trắng, rồi chuyền sang cho bạn ngồi bên hay ngồi sau lưng.
Chờ cả lớp làm xong, tôi tiếp:
  - Các em cố đếm trên trang giấy của bạn bao nhiêu dấu chấm. Viết con số đó ở góc phải cuối trang, rồi trả lại cho bạn đó.
Khi tờ giấy cuối cùng được hoàn trả, tôi hỏi:
- Con số bạn em viết xuống có đúng với số những dấu chấm của em không?
Cả lớp lắc đầu. Tôi tiếp lời:
- Những dấu chấm đó chỉ là những lỗi lầm, có thể nhỏ nên không ai để ý đến. Đôi khi làm việc lỗi, chỉ có ta mới nhận thấy lỗi lầm của mình. Đừng nhìn những lỗi lầm đó mà quên rằng tờ giấy còn rất trắng. Bây giờ các em hãy nối những dấu chấm đó lại, cố tưởng tượng hình gì, rồi viết bài luận văn cho ngày hôm nay. Mong các em luôn nhớ bài học này.
Trong những đứa học trò, tôi nhớ nhất Nguyễn Thành Danh. Những năm tháng tôi dạy Việt Ngữ ở nhà Bronx, New York, Danh bám theo tôi như cái bóng; từ lớp học, đến sân bóng chuyền hay những đêm không ngủ đòi nhân quyền cho người dân tỵ nạn Việt ở các trại Hồng Kông hay xa hơn, bên nhà. Tôi thương Danh như đứa em trai và cố dẫn dắt nó khỏi lầm vào con đường du đãng như những đứa trẻ ở lứa tuổi vị thành niên trong vùng thời đó. Tôi rời New York cuối năm 1989. Chỉ vài tháng sau, tôi nghe tin Danh ngồi tù vì đi cướp với bạn bè. Cái tin đó làm tôi tê liệt đến mấy tháng và mất đi niềm hăng hái trong cuộc sống. Năm tháng trôi qua. Tôi lập gia đình. Trong cuộc sống mới, tôi bận rộn vun đấp mái ấm của mình và dần xa những hoạt động thiện nguyện. Tôi cũng quên rằng mình đã từng làm thầy, dù chưa bao giờ nhận mảnh bằng, chứng nhận việc làm không công đó. Một buổi tối nọ khi tôi đang dìu cho đứa con thứ hai tập đi thì tiếng chuông điện thoại vang lên làm tôi giật mình.
Đầu dây bên kia còn im lặng nhưng tôi nghe như có tiếng thở rất quen thuộc. Sau vài chục giây:
- Em … là Danh đây.
Cả hai đầu dây lại im lặng … sau câu chào. Một lúc khá lâu sau, Danh bật khóc. Nó xin lỗi tôi đủ điều. Qua những câu đứt quãng, tôi thấy lại diễn tiến thật quá vô duyên đã đưa đứa em học trò của tôi vào tù. Danh vì ham vui đi chung xe với đám bạn làm liều, cướp tiệm vàng. Xong Danh kể những ngày trong tù và nỗi hối hận của nó trong đó. May cho cậu em trai, nó học được cái nghề xâm người trong đó. Khi trước tôi đã sẵn biết tài vẽ của Danh. Sau khi ra ngoài, Danh làm công cho người khác, rồi dần đã làm chủ nhân của hai tiệm trong khu Soho. Nó đã có gia đình và vừa có con đầu lòng.
Danh nhắc đến bài luận văn năm xưa đã giúp nó vượt qua nỗi bứt rứt trong tù và tạo cho nó lòng tin khi ra ngoài. Đến khi thành công Danh mới dám liên lạc với tôi, dù nó biết rất rõ những nơi tôi đã ở, rồi đi trong suốt mười mấy năm. Vẫn chưa nói một lời, tôi mỉm cười, mơ màng nhìn vào khoảng không. Một bức tranh thật đẹp... trên trang vở trắng của cậu học trò mà ngày đó... xa quá, tôi nhìn không tới.
Khù Khờ

Xem Tiếp: ----