Thời gian là cái thước, ta trải ra để đo những gì đã qua hay ta gập lại để tìm lại những gì chưa xảy đến. Bước vào mùa thu, trời bắt đầu se lạnh, cảnh vật quay lại chỗ năm xưa hay tôi đang sống lại ngày tháng cũ? Đọc lại đôi dòng tôi viết đã khá lâu, lòng tôi không khỏi bồi hồi, níu thời gian quay lại, để đợi chờ …
Mùa hè vừa qua. Cả thành phố thở phào! Những đám mây xám nhạt kéo về che khuất ông mặt trời gay gắt. Cái nóng bức buổi chiều dần tan đi. Vài cơn gió mát, tuy chỉ nhẹ, mang cái dễ chịu đến cho mọi người. Nắng vàng đi, nhạt và mỏng manh hơn. Cảnh vật chung quanh cũng thay đổi. Màu vàng của đám cỏ thiếu nước bên đường chầm chậm bò lên ngọn cây. Nắng và gió trêu cợt làm ửng hồng những chiếc lá. Đẹp lắm, quyến rũ lắm. Con đường đi làm về ẻo lả hơn, mời gọi hơn. Tiếng xập xình từ CD đưa xe nhanh chậm theo điệu nhạc, lả lướt qua mấy đoạn đường cong, xoay tròn những cái lá nằm chờ đợi trên đường. Xe rú lên, lao về phía trước, cuốn theo đám lá … hụt hẫng … vẫy tay chào.
Mùa thu đã đến. Cái náo nức lại trỗi lên. Không phải chỉ từ những mái đầu giờ bắt đầu ngả mầu theo lá. Không phải chỉ ở những tâm hồn giờ muốn được trẻ lại, muốn được sống thi vị hơn, một chút cho chính mình, sau những giờ làm việc thật dài và căng thẳng, cái bận rộn không xuể với gia đình, và những cái lo âu bất tận cho con cái và tương lai. Cái háo hức trỗi lên từ những đứa trẻ. Vâng, đúng thế. Những trái bí đỏ (pumpkin) xếp đầy trước các siêu thị nhắc nhở cho đàn trẻ nhỏ ngày Halloween sắp đến. Năm nào tôi cũng chở mấy đứa con đến nông trại vào dịp này. Ở đó có cả ngàn trái bí đỏ đủ cỡ được xếp thành núi hoặc vất cho có vẻ ngỗn ngang trên mấy vòm đất. Đến đó con tôi chỉ ham đi xe ngựa quanh nông trại, rượt đuổi theo mấy đứa trẻ khác trong mấy cái khung ma trận, rồi vuốt đầu và cho mấy con dê, con ngựa nhỏ ăn. Tôi cũng lăn ra đất quay phim, chụp hình đủ kiểu cho mấy đứa nhỏ. Mấy năm nữa khi chúng lớn đi học xa còn có đoạn phim, cái ảnh để nhớ đến! Khi trời nhá nhem, con tôi mới lựa bí đỏ để mang về. Đứa lớn bao giờ cũng chọn trái dị hình nhất, thật dễ sợ cho thật giống ma. Đứa nhỏ thích chọn trái khuyết tật. Mấy người bán ngạc nhiên lắm vì đó là những trái người ta đá lông lốc, chờ vứt sọt rác. Hai đứa con tôi lại chọn chúng. Một chốc nữa, nếu có nhớ tôi sẽ kể lý do.
Về đến nhà chưa kịp ăn tối, tôi mở con dao nhỏ tạc ngay hai trái bí mới mua. Những năm đầu tôi còn vụng về. Các tác phẩm của tôi chắc phải gọi là nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi. Sau này với một chút kinh nghiệm, tôi khoanh mắt, đẽo răng gọn hơn nên trái bí có hình thù tương đối. Thằng con trai lớn chỉ muốn tôi tạc cho nó Darth Vader, một nhân vật trong bộ phim Star Wars. Đứa em gái muốn tự vẽ những hình chi tiết hơn, rồi nhờ bố khoét hộ. Nó đứng canh tôi còn hơn đứa em gái kế khi tôi đứng cạnh mâm cỗ vào những ngày giỗ chạp. (Những lúc đó, tự dưng tôi nhớ lại những ngày gần Trung Thu năm cũ. Cứ đến gần rằm tháng Tám thì ba đứa em quây quanh xem tôi cắt đục mấy cái lon sữa, bậm môi bẻ sợi dây thép dầy làm trục xe, lấy cuộn chỉ rỗng làm bánh xe xoay tròn cái lon theo nhịp bước. Mặt lon đập vào cái nắp phéng kêu coong cóc. Hàng răng sún và cái nheo mắt cười của mấy em tôi lại hiển hiện trước mặt. Mới đó mà đứa nào cũng có chồng vợ và con cái đầy nhà. Không biết tụi nó còn nhớ mấy cái kỷ niệm nhỏ đó không?) Ngày hôm sau hai trái bí chễm trệ nằm trước cửa. Tối đến cặp mắt và mấy cái răng trông cũng dễ sợ, nhờ cái đèn điện bỏ bên trong. Tôi phải ra nhà xe lấy thằng bù nhìn đóng đầy bụi ra cho bầu bạn với hai trái bí. Bao nhiêu lá trên sân cỏ được gom lại, vất bừa bãi chung quanh. Tôi chạy vội ra tiệm bán đồ thủ công để mua thêm lọ keo xịt mạng nhện giả đầy cửa ra vào. Ừ, bây giờ cửa nhà tôi giờ chẳng khác cái rừng âm u, đầy huyền bí.
Gần đến ngày Halloween con tôi lại nao lên về quần áo hoá trang. Cái đống quần áo đáng vất từ lâu được tận dụng tối đa để tạo nên những hoá trang rất đặc thù. Mấy trái bí nhựa bỏ trên cao được mang xuống, rửa cho hết bụi bặm để đựng kẹo bánh. Giờ đã đến. Không cần kêu réo, mới năm giờ chiều là mấy đứa nhỏ đã đẩy xong bữa ăn tối. Tụi nó lăng xăng như gà mắc đẻ. Gọi điện thoại cho nhau ơi ới hẹn giờ khởi hành. Trời vẫn ửng hồng mà đám con nít đã lao nhao trước cửa đợi nhau. Đứa này trầm trồ khen quần áo đứa kia. Những vết mực trên mặt không che hết cái tươi rói ngày hội. Trời vừa nhá nhem, đèn trước cửa đồng loạt bật lên. Đám con nít nối đuôi nhau đi xin kẹo, cười nói như vỡ chợ. Đàng sau là cái đuôi cha mẹ vừa đi, vừa tán dóc. Từ xa nhìn lại chẳng khác nào dòng người trẩy hội chùa Hương. Mấy đứa nhỏ lanh khỏi nói. Năm trước nhà nào cho kẹo ngon và nhiều, chúng nhớ, đến thăm trước. Khu tôi ở có khá nhiều nhà nên đi hơn hai tiếng mới hết. Hai cái bị tôi vác trên vai nặng dần theo từng bước chân. Khi đứa nhỏ trên lưng than mệt thì ba cha con đã đến bậc thang trước nhà. Đi tháp tùng một đêm Halloween, tôi vận động đủ cho cả tuần.
Khi chúng tôi vào nhà thì đèn nhiều nhà đã tắt. Bọn trẻ con đi ngủ vì còn buổi học ngày mai. Không gian tĩnh mịch hẳn đi, đủ để nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng ếch nhái vọng ồm ộp từ mé công viên. Trăng lên cao, vượt qua mấy ngọn phong sân trước. Ánh trăng đổ tràn trên con dốc … lai láng như một dòng sông. Gió thổi rì rào. Mấy ngọn cây đong đưa, khi che, khi mở bóng trăng, tạo những cơn sóng nhấp nhô. Tôi say, thỉnh thoảng bám vào bậc thang đá để khỏi ngã vào bức tranh hữu tình. Vài con thỏ sột soạt trong bụi cây, đôi mắt tròn linh động, cái miệng nhóp nhép cười trừ, đôi tai vễnh lên cảnh giác. Cuối con dốc vọng lên tiếng lộc cộc. Nai à? Rõ, chỉ hai chân. Thì ra, đứa nhỏ phục sức làm thằng gù. Tôi chờ đợi … Thằng bé từ từ tiến đến nhà tôi. Đứa bé chừng bảy hay tám tuổi. Nó chẳng nói một lời, chìa cái bao ny lông của chợ Walmart, trống rỗng. Tôi nhìn nó, mặt nó lờ mờ khuất sau cái áo trùm qua cổ. Tôi định hỏi nó, rồi thôi. Tôi mang cái bao vào nhà. Mấy cái rỗ đầy ắp kẹo ban chiều, giờ trống trơn. Tôi định mở hai cái túi kẹo nặng chình chịch mới mang về. Con tôi ít ăn kẹo. Chúng chỉ thích kiểm kê chiến lợi phẩm để phân tranh hơn thua. Thường thì ngày hôm sau, tôi mang đống kẹo bỏ trên bàn làm việc, làm vui miệng mấy người đồng nghiệp đến tán dóc. Con tôi đang đánh răng nên tôi chưa muốn động đến chiến lợi phẩm của chúng. Nhìn quanh, ở góc nhà còn đống quà thưởng sót lại từ tết Trung Thu. Tôi dồn hết vào vài bao mang ra cho đứa bé. Nó mừng vì được nhiều quà. “Dạ, cháu cám ơn bác nhiều lắm”, nó rối rít. Thằng bé trễ vai, thả xuống cái bị. Sau cái khăn trải giường làm áo quàng là một đứa bé chừng 3 tuổi. Mặt nó kháu lắm. Đôi chân nó khẳng khiu, có lẽ cái lớn, cái bé. Tôi không muốn nhìn rõ. Thằng anh rút từng món quà trong bao khoe với em. Mắt hai đứa rực sáng, long lanh hơn các vì sao trên trời. Tôi hỏi chúng “Nhà các cháu ở đâu mà giờ này mới đi xin kẹo”. Thoáng nhìn quần áo, tôi biết chắc chúng không ở trong khu này. Thằng anh ngập ngừng một lát rồi chỉ xa qua bên kia công viên “Dạ, cháu ở bên kia, khu chung cư.” Trời đất! Hai anh em nó lội bộ qua cánh rừng cả hai cây số để đến đây. Tôi hỏi nó có nhớ số điện thoại không để tôi gọi ba mẹ nó đến đón. Nó trả lời nhà không có điện thoại, rồi chào tôi ra về. Tôi bảo hai đứa đứng chờ. Tôi chạy vào nhà, vơ thêm đống kẹo bỏ cho đầy trái bí nhựa. Tôi bảo hai đứa con tôi đi cùng, rồi chở cả đám về khu chung cư. Đến đầu khu nhà mình, thằng anh lớn lễ phép cám ơn và xin phép xuống. Tôi bảo nó cứ ngồi, tôi sẽ đưa nó về tận cửa nhà và giao cho ba mẹ. Nó ngần ngừ nhìn tôi một lúc, rồi nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe “Mẹ con đi làm chưa về. Ba con đi ngủ rồi.” Thấy nó ái ngại tôi chợt hiểu. Ba của nó đã xỉn rồi và nằm lăn lốc ở một xó. Mẹ nó chắc còn phụ ở tiệm giặc nào đó. Một số thanh niên Mễ vậy đó. Họ làm việc cực nhọc cả ngày. Đêm về mượn xâu bia làm bầu bạn. Con cái phó mặc cho vợ. Tôi muốn ôm hai đứa nhỏ thật chặt mà không dám. Ở Mỹ có một số kẻ bệnh hoạn, nên việc tỏ tình thương với con nít cũng chừng mực. Tôi dặn nó sang năm trở lại nhà tôi sớm để đi xin kẹo chung với mấy đứa con tôi. Nó chỉ háy mắt... rồi mất hút sau dãy nhà.
Mùa hè qua có nhiều diễn biến trong thành phố tôi ở. Một số người biểu tình chống đối di dân bất hợp pháp và đòi trục xuất họ về bản xứ. Một số đòi bình quyền và cơ hội cho những người Mễ bất hợp pháp đã sống nhiều năm trên đất nước này. Ai cũng có cái tình và cái lý. Tự dưng trước mắt tôi hiện lên những hình ảnh của hàng rào kẽm gai, cảnh người gào thét khi bị đẩy lên phi cơ, cảnh những cái bụng mỗ ra bày tỏ sự kiên cường thà chết trong tự do hơn sống trong ngục tù cộng sản. Cảnh cưỡng bức hồi hương ở những trại tỵ nạn Hồng Kông và vùng Đông Nam Á sống lại trong tôi. Đó là lý do tôi tham gia những đoàn biểu tình suốt mùa hè. Công lý là cán cân … nghiêng về những kẻ có quyền lực. Một số người Mễ bất hợp pháp đã bị ruồng bắt ở các công xưởng, tiệm ăn và chợ búa. Nghe nói mấy chục gia đình đã bị trục xuất khỏi chung cư tôi đã lái xe đến năm ngoái. Nỗi lo sợ hiện rõ trên nhiều khuôn mặt người Mễ trên đường phố.
Mùa thu lại về. Các con tôi lại háo hức chuẩn bị cho đêm Halloween. Tôi cũng vậy. Hai trái bí mới đã nằm sẵn trong góc nhà. Một ít quà và hai túi kẹo chưa mở nằm cạnh đó. Chỉ còn hai tuần. Từng ngày trôi qua … quá dài cho nỗi đợi chờ, ủ thật nhiều hy vọng.
Khù Khờ

Xem Tiếp: ----