Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ
lá không vàng để mùa bước vào thu
ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành
gió đan vuốt … sợi thu vàng trên ngọn.
Đã bao mùa tôi ngồi chờ lá chuyển vàng và bao lần phủi áo quần, ngoái nhìn lại chỗ vừa ngồi. Chỉ thấy nỗi trống vắng mà tôi bắt đầu cảm nhận được chỉ vài năm nay. Đã bao lần tôi đặt tay trên bàn phím, thả suy nghĩ miên man, muốn viết thật nhiều, chuẩn bị, rồi đóng laptop lại. Hình như có vài điều còn lờ mờ quá, tôi chưa nhận ra, nên chưa muốn viết. Nhưng không lẽ cứ chờ, cứ nghiệm, cho đến một ngày dù có viết ra, cũng chẳng có gì đáng đọc. Hôm nay tầm nhìn lại lấm tấm những đốm vàng, đỏ sau cơn mưa. Tôi ngồi đây thả dòng tư tưởng bắt đầu từ buổi chớm thu, nghĩ về tuổi chớm thu.
Cứ đến mùa thu, không hiểu sao quanh tôi lại hiện ra ba hình ảnh đi liền với âm thanh quen thuộc. Chúng đến với tôi tuần tự và chính xác như tiếng đồng hồ báo thức. Hình ảnh thứ nhất là hai đứa trẻ nhặt lá bàng trong đêm.  “Gió lên! Gió nữa lên!, Gió lên! Lạy trời gió lên!” Âm thanh từ đoản truyện Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh réo bên tai tôi lạ lùng như vậy. Hình ảnh thứ hai là mấy chậu mai, cúc vàng của những chợ hoa gần tết bên nhà. Tôi cũng không hiểu sao tự dưng tôi lại nhớ quê nhà da diết. Sài Gòn đâu có mùa thu. Sài Gòn chỉ rực rỡ khoác lên chiếc áo đầy màu sắc vào những ngày cuối năm. Tiếng cười đùa nô nức của những cô cậu bước vào cái tuổi biết để ý. Tiếng là xào xạc nghe vui tai vậy sao? Hình ảnh thứ ba là cánh quạt đủ màu phe phẩy quanh xe tôi ở những khúc lượn dọc con lộ số 9. Những mùa thu đó, mỗi chiều đi làm về tôi thường lái xe trên con đường rực lá, nghe Ngọc Lan trong cassette, cho đến khi mặt trời chìm hẳn xuống dòng sông Hudson. Lên đến đỉnh đồi của trường West Point, tôi nhìn về thành phố New York. Xa quá, cả trăm triệu ngọn đèn hắt lên bầu trời một dải hồng nhạt. Mấy chiếc lá trên ngọn cây dường như trôi lững lờ giữa dòng sông đó. Tiếng Ngọc Lan ngọt ngào bài hát Thuyền Không Bến Đỗ của Lam Phương:
Đời buồn như chiếc lá
Lặng lẽ trên sông dài
Làm sao anh quên được niềm đau?
Ai đã đem mong chờ
Cho thuyền không thấy bờ?
Để riêng tôi chiều nay thẩn thờ?
Tôi mới tìm lại lời nhạc trên trang web. Thời đó tôi nghe nhạc, ít chú ý đến lời. Bài nào hợp với tâm trạng lắm, tôi mới cố nhớ đôi câu “đời buồn như chiếc lá, lặng lẽ trên sông dài …”. Lạ nhỉ, những năm trước tôi có trí nhớ tương đối không quá tệ. Có lẽ vì tôi ưa động não để phân tích đúng, sai và tìm hiểu nguyên nhân của những việc, đôi khi không đáng quan tâm. Tôi bị méo mó nghề nghiệp và còn giữ thói quen giải toán trong đầu từ thời đi học. Nhiều đêm tôi thức trắng để làm cho xong công việc vì cả ngày cứ bị dính trong những buổi họp nghe tranh cãi đến nhức tai. Bao nhiêu năm cuộc sống của tôi vội vã như còn tàu trên tuyến đường sắt xuyên đêm. Bây giờ nhìn lại tôi ngạc nhiên tại sao mình lại khổ công nhiều như vậy. Có lần tôi cảm thấy có cái gì thật vô lý. Tôi hơi hụt hẫng, nhìn quanh, ước lượng con đường trước mặt.
Người Mỹ có câu quá bốn mươi, đời chỉ còn con dốc xuống. Tôi không nghĩ vậy. Cho đến tuổi 45 tôi thấy mình còn sung mãn như lứa tuổi 30, trừ cái bụng hơi bị trọng trường làm áp lực. Tôi vẫn còn đầy hăng say và niềm tin ở bản thân. Tôi có quá nhiều may mắn về phương diện gia đình và nghề nghiệp. Tôi ít chú ý đến cái mình đang có vì nghĩ rằng chúng sẽ luôn ở cạnh. Qua tuổi 48, tôi bắt đầu giật mình vì từng thay đổi nhỏ. Ngồi làm việc nếu không mang kính thì chỉ sau dăm phút, trước mặt tôi chỉ là một vùng tuyết trắng. Cái tên của những người đồng nghiệp trước cửa phòng, đôi khi ngồi cạnh nhau trong phòng tôi quên bẵng đi. Ghé ngang chợ trên đường đi làm về và đón con, tôi cứ phải mua dư hai ba món vì không nhớ rõ vợ tôi vừa dặn mua gì. Tôi có ghi xuống mảnh giấy, rồi bỏ lại trên bàn. Thỉnh thoảng nhìn lại mình trong gương tôi cũng ngạc nhiên, ngày xưa tôi đâu như vậy. Các con tôi xem mấy tập hình cũ cứ bảo tóc của ba ngày xưa dầy vậy sao. Nói chuyện đôi khi thấy chút bực mình vì cái lưỡi không chịu cộng tác. Nó lặp lại những từ, tôi vừa nói và đôi khi còn líu lại, đến khó nghe. Những cái vớ vẩn không đâu, tự nhiên cứ vây quanh, làm tôi hoang mang. Tôi đâm lười, không thèm bỏ những việc không quá quan trọng vào đầu. Tôi thấy vui, có ngày nghe mấy cô cậu ở lứa tuổi 25-30 gọi tôi là anh thay vì chú. Tôi tự dưng cười hóm hĩnh khi nghe mấy “anh” bạn (họ không thích khi tôi gọi họ là chú) tennis của tôi kể chuyện cấm đàn bà nơi bàn cà phê. Lúc trước, mỗi khi họ bắt đầu nhen nhúm đề tài này, tôi thường kéo ghế xa mấy bàn, vì sợ liên lụy. Nhưng …
Nhưng đời là con sông, có những khúc rẽ bất thường, mấy ai ngờ được. Cách đây hơn hai năm, người bạn trong hội tennis mời cả nhóm đến nhà, lấy cớ ăn mừng thắng lợi kỳ tranh giải liên tỉnh. Sáng Chủ Nhật hôm đó, anh gọi ra sân nhắc mọi người đừng đến trễ. Chiều đến, mọi người vĩnh viễn chia tay anh tại bệnh viện. Đâu ai ngờ giữa sống và chết chỉ cách nhau tiếng cúp của cú điện thoại cuối cùng. Cơn nhồi tim đã mang đi anh bạn chỉ mới ngũ tuần, trông còn tráng kiện. Vài người tôi quen, ở lứa tuổi trung niên, cũng đi đột ngột như vậy. Vào mùa thu, thời tiết dịu hẳn lại, ngày thôi hối hả. Đi được nửa cuộc đời, chậm lại, nhìn quanh, tôi chợt nhận ra tiếng buông rơi của từng chiếc lá, khác nhau. Không ít cặp vợ chồng bắt đầu chia tay khi con cái trưởng thành. Tôi mừng cho vài phụ nữ thoát nợ với ông chồng bạo hành, bủn xỉn, lăng nhăng, say sưa từ tờ mờ sáng đến đêm. Tôi mừng cho vài người đàn ông không còn phải chịu đựng sự đay nghiến kéo từ năm này sang tháng nọ, sự nghi ngờ, kiểm soát từng phút và sự hỗn láo đến bẽ mặt với mọi người. Nhưng, có những cuộc chia tay, tôi không ngờ, thoạt nghĩ chẳng có lý do chính đáng. Có lẽ tôi chỉ vói nhìn, cái nhìn khách quan, bao nhiêu năm. Mùa thu vừa chớm. Gió nhè nhẹ. Nghe đâu đây những kỷ niệm đẹp như cổ tích. Thoáng chạm vào đôi mắt chưa thoát khỏi giấc mơ dĩ vãng. Cố cảm thông chút ngập ngừng giải thích, chút đắng cay, nén nghẹn …
Tiếng thở dài giấu trong khói thuốc
Nấc từng hồi … cho rượu bớt cay
Gió lặng, đêm nghe … lá trở mình
Vỡ trên gối giọt sương, khuya lạnh!
……
Đổ vỡ nào cũng hằn trong tim vết sẹo. Thỉnh thoảng sờ lại vẫn nhói đau. Với thời gian những gút mắc ta tự trói mình sẽ dần nới lỏng. Nhiều người nhìn lại, mừng vì còn đủ can đảm bước tới, để được thấy một chân trời mở rộng hơn. Có thứ, nhiều người ỷ y sẽ luôn ở bên mình và chưa thấy quan trọng. Có mất mát làm mình trưởng thành hơn và thay đổi khái niệm sống, cách sống. Tôi nghe như vậy từ nhiều người. Tôi chưa đến đó nên chỉ lắng nghe, gắng nghiệm. Câu nói quen “Có con mới hiểu lòng cha mẹ”. Đôi khi tôi trăn trở, tự trách mình không làm được gì cho bố mẹ. Một, hai tuần nằm trực trong nhà thương mỗi năm, mấy lời thăm hỏi cuối tuần, hay vài dịp về thăm trong năm … Có đủ chưa? Tôi cứ hỏi mình. Tôi thấy ăn năn như làm điều sai, trong những năm nay, khi bố mẹ tôi tuổi càng chồng chất. Tự nhiên tôi khóc. Những dòng nước mắt vô tích sự. Rất bình thường, nhiều người đột nhiên tìm đến tín ngưỡng khi cha hoặc mẹ họ mất. Chắc họ cố tìm sự bình an trong lòng hay lời giải thích mù mờ nào đó. Mỗi lần gặp tôi, một anh bạn cứ sà đến nhắc về thiền và ngã. Sau vài tháng, tôi vẫn nghe, anh lặng im. Chúng tôi bắt tay nhau sau mười phút đứng cạnh, không một lời. Tôi nghĩ tôi hiểu những điều anh muốn chia sẻ. Tôi mừng cho người bạn đã tìm thấy câu trả lời. Và tôi … còn bức rức.
Tôi cũng quan sát thấy rằng sau khi bị mất cha, mẹ hay một người thân yêu trong gia đình, khá nhiều người trở nên từ tâm hơn. Họ bắt đầu nhìn thấy những bất hạnh chung quanh, ráng góp một bàn tay, bỏ chút “thời giờ không có”. Hai năm gần đây tôi đọc được nhiều lời hay, ý đẹp và gặp gỡ lời nhắc rằng hạnh phúc có từ cho, chứ không phải nhận. Tôi nghiệm được điều này trước khi được đọc câu đó. Có những việc nhỏ hết sức làm cho tôi vui, như ánh mắt long lanh của mấy đứa trẻ, lúc chờ lãnh quà Giáng Sinh, nơi nhà kho của hội từ thiện Salvation Army. Ngày rực rỡ hơn nhờ tiếng cười trong vắt của mấy đứa nhỏ quây quanh xe truck ở khu gia cư nghèo chờ món đồ chơi hay vài bộ quần áo cũ. Tôi theo người đồng nghiệp chở những vật dụng thừa của người quen cho vài hộ gia đình tỵ nạn từ Miến Điện. Thấy mấy đứa nhỏ bồng trên tay èo uột quá, đôi khi tôi dúi vội vài chục bạc lẻ vào đôi tay run xúc động. Dù chỉ làm được những việc nhỏ để ngày tháng có ý nghĩa, tôi vui như vậy. Tôi ngả mũ đến những người bạn làm được những việc lớn hơn. Tôi mừng vì có nhiều người bạn giàu lòng nhân ái, có tài và làm việc thiện nguyện từ nhiều năm. Với tôi, đó là những người đẹp, đáng quý trọng.
Ở đầu mùa thu, chiếc lá trở mình nhìn xuống cành cây và ước lượng … mùa xuân sang năm, bao nhiêu lá mới sẽ vươn lên từ đây. Làm cha mẹ, làm sao khỏi lo cho con cái. Biết thế nào là đủ. Đứa con trai của tôi đứng xấp xỉ ngang tôi, nhưng sao tôi vẫn thấy nó nhỏ quá. Đôi khi tôi muốn ôm và hôn trên má nó như khi nó còn nhỏ. Tôi phải phì cười khi nó bảo rằng chỉ có những người đồng tình luyến ái mới làm như vậy. Tôi quên rằng con tôi đang bước vào tuổi dậy thì. Đứa con gái cũng không chịu cho tôi nựng. Đôi khi ghiền quá, tôi hôn nó chụt một cái rồi bỏ chạy. Vợ tôi phải đứng ra dỗ dành dòng nước mắt đang chảy dài trên đôi má còn phính, phụng phịu vì bị phá. Nghĩ đến hai đứa con chỉ còn vài năm là xa mái nhà này, tự dưng tôi thấy hơi buồn. Buồn nữa là việc vợ tôi cứ lo xách gói đi theo lo cho hai đứa nhỏ, ở đại học nào đó. Nhiều người đặt lắm hy vọng vào con cái của mình. Họ dồn bao nhiêu thứ vào đứa nhỏ để chuẩn bị cho tương lai sáng lạn. Tôi thấy tội cho mấy đứa bé với chút triển vọng, không có thời giờ để hồn nhiên hay để thở. Có đứa nghĩ chỉ có làm bác sĩ mới là người tốt. Tôi không đồng ý với lối giáo dục hay đúng hơn là lối đi lại con đường mà vài người đã đi, chưa đến đích. Con tôi, tôi chỉ mong chúng trở thành người có lòng nhân để cuộc sống đầy ý nghĩa, có nghị lực để vượt qua những chông gai, thử thách trong đời, và luôn cố gắng làm bất cứ việc gì với tất cả khả năng sẵn có. Học làm người tốt, cố gắng làm điều tốt.
Vào mùa thu, vạn vật dường như chậm lại. Khả năng phân tích của tôi bắt đầu giậm chân tại chỗ. Tôi không quá bận tâm lo toan cho tương lai sắp đến. Thấy những thứ mất, còn chung quanh, tôi hướng đến quan niệm mới về cuộc sống. Ở khoảng ngắn, trống rỗng của suy nghĩ, tôi chợt nghe, chợt thấy những điều mà cuộc sống vội vã đã cuốn trôi... từ nhiều năm. Ngồi làm việc quá nửa đêm, tôi ngủ quên trong dĩ vãng. Hiện về hình ảnh của tôi khi còn bé, hồn nhiên như hai chị em trong đoản truyện “Nhặt Lá Bàng”, gọi gió lên để đuổi theo mơ ước. Hồi còn bé, thỉnh thoảng tôi thoáng nghĩ mai mốt cuộc đời sẽ ra sao. Giờ tôi đã đến nơi đó, nhìn lại bóng hình cũ của mình. Chiều bước ra khỏi chỗ làm, tôi nán lại đôi phút nhìn những chiếc lá vừa thay màu áo. Cùng một góc nhìn, có hôm tôi thấy ngày rực rỡ hẳn. Tôi nhìn mà lòng rộn rã như đi chợ tết. Tôi ngỡ những chiếc lá vàng, đỏ trên cành là những cánh mai, cánh đào đang khoe sắc thắm. Nhớ lại những chiếc áo dài ngày tết, tôi can đảm nhìn kỹ hơn chỗ lá uốn cong, một chút bóng loáng nhô lên. Hình ảnh tết đi liền với chốn cũ. Tôi nhớ Sài Gòn, khi đi tôi không nghĩ đến ngày trở lại. Giờ đây, đâu có gì ngăn cản chuyến trở về của tôi. Chắc chỉ tại lòng! Tôi mới chợt nhận một điều thú vị: tĩnh vật có linh hồn, có lúc vui, biết buồn... theo tôi. Chỉ mấy năm trước, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những người nghệ sĩ nam dễ rướm nước mắt khi nhắc đến kỷ niệm tạo cảm xúc cho họ. Tôi nghĩ họ không thật, hay quá yếu đuối. Tôi từng ngồi nhìn bố tôi rơi nước mắt như vậy. Tôi từng nhìn vài người ngồi khóc ngon ơ như đứa trẻ khi nhắc về tuổi thơ của họ. Họ kể cho tôi vài lần, rồi về bên kia thế giới. Cái vỏ nam nhi cứng rắn của tôi mỏng dần. Tôi mới khám phá ra rằng dám khóc là sự can đảm, chứ không phải yếu hèn. Tôi trôi theo những suy nghĩ mông lung đó trên bàn phím, đôi khi ngay giữa buổi họp, lúc cuộc tranh cãi đến hồi quyết liệt. Ở những góc xa kia, có vài tên, mặt đăm chiêu lắm. Có lẽ họ đang đọc giá cổ phiếu lên xuống trong ngày hay bài bình luận về trận banh sắp diễn ra vào buổi tối. Có ai hỏi ý kiến, tôi ba phải, pha những câu đùa, ngơ ngác như bài thơ tôi vừa làm. Đâu phải lúc nào mình cũng cần phải nghiêm chỉnh, cứ hằn học lẫn nhau, vạch muộn phiền ngang vầng trán. Có những cái không đáng, tôi ráng vất bỏ bên ngoài. Cuộc đời có quá nhiều thay đổi, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có ai biết được, chắc được ngày mai của mình.
 
Đừng bịt tai vì thơ đâu biết nói
đừng lắc đầu dồn máu đỏ mặt thêm
đừng bậm môi, vai rung rõ tiếng cười
đừng nhắm mắt nhìn ra đằng sau gáy.
Có cho vàng, chỉ vài năm trước, tôi khó tưởng tượng được mình viết được những câu như vậy. Không phải vì đó là những câu thơ hay. Những lời đó, rất khác với lối tôi nói,  nghiêm túc lắm. Ít người quen nghĩ rằng tôi lại bông đùa như thế. Thỉnh thoảng tôi cũng ngờ vực thơ tôi làm. Có phải nó thoát từ trong tôi, hay chỉ là âm điệu tôi vô tình nghe được, rồi vội chép xuống? Khởi đầu từ bài thơ đầu tay “Cơn Gió Thoảng” đến với tôi khi đứng chờ mưa tạnh. Đọc lại, tôi vẫn thấy lâng lâng, trẻ lại với chút ngại ngùng của tuổi mới lớn. Trong bao bài thơ của tôi, tôi ưng ý nhất cảm hứng đầu tay đó. Tôi bất chợt tìm thấy nguồn cảm hứng từ hình ảnh của “tóc chấm vai” trong nhiều bài thơ học trò. Nhân vật đó có thể là thật, mà tình tiết đều hư cấu. Tôi giữ nét ngớ ngẩn trong thơ, vì thỉnh thoảng đọc lại, tôi thấy mình trẻ lại. Tôi đi lạc và đâm mê thơ, lúc nào không biết. Trước đây tôi không thích thơ tự do vì vần điệu khó theo và ý khó nắm. Bây giờ tôi tặc lưỡi thưởng thức cái đẹp mà thơ mang đến cho tôi. Thơ tự do không bị đóng khung nên âm điệu ít nhàm chán và ý hay dễ thoát hơn. Tôi dạo qua những trang thơ, thấy ý tưởng lạ, đôi khi phải trở lại một bài thơ nhiều lần mới cảm nhận được nhiệt độ và sức cuốn đẩy của nó. Đọc hết những bài thơ của một tác giả hay nghe lại những sáng tác của một nhạc sĩ, tôi thường tìm thấy vài từ và vài hình ảnh được dùng đi, dùng lại. Tôi nghĩ không phải vì họ thiếu từ ngữ hay thiếu cảm xúc. Tôi đoán rằng họ chưa hài lòng với cách bày tỏ cảm xúc qua hình tượng mới khám phá. Tôi cảm thấy như vậy, vì tôi cũng lặp lại, vài thứ đã viết.
Khi làm thơ, tôi ít chú trọng đến vần điệu, tự cảm xúc dẫn dòng thơ lên thấp cao. Tôi ít quan tâm đến từ dùng. Tôi không ngồi cắn bút, ráng lựa chữ hay, gieo đúng luật bằng trắc, để tạo âm vang và giúp cho bài thơ dễ nhớ. Với tôi, làm thơ không phải là xếp chữ. Đôi khi cái bóng nhoáng của từ ngữ làm lu mờ ý thơ, thậm chí còn làm bài thơ rỗng tuếch. Tôi không biết vẽ, nên tôi làm thơ. Bắt đầu từ hình ảnh lờ mờ, tôi vẩy mực quanh, điểm thêm vài chấm chấm. Tôi có thói quen bỏ vài khoảng trống để người đọc tự diễn giải. Có lẽ, thơ khác nhạc và văn xuôi ở chỗ đó. Lạ lắm, tôi chưa hiểu tại sao, khi đọc lại những bài thơ cũ của mình, tôi vẫn sống lại cùng cảm xúc ở những khoảng trống đó. Đôi khi vì vội, làm rồi không đọc lại, hay không muốn đọc lại để sửa tới, sửa lui làm mất ý thơ... tôi phạm những lỗi chính tả quá sơ đẳng vì thói phang thơ, vì nhìn không ra dấu chữ đánh sai, viết sai những từ lâu không dùng, hay bỏ sót dấu nối. Trong bài thơ làm gần đây, tôi viết:
đất nứt, chồi quả nắng hồng
soi tấm áo mỏng, thẹn thùng sương tan...
Có người nhắc tôi sửa lại chính tả, trồi thay vì chồi. Tôi nhận ra sơ sót:
đất nứt, chồi / quả nắng hồng
soi tấm áo mỏng, thẹn thùng sương tan...
Hiện tượng mặt trời mọc, tôi kéo dài ra ba hình ảnh tiếp nối nhau. Người làm thơ được mặc sức tưởng tượng, nên tôi vẽ vời mặt trời từ lòng đất chui lên. Đất nứt ra chồi cây và từ đó kết trái mặt trời. Viết như vậy, tôi cố níu kéo thời gian để lớp sương mai đừng vội tan. Tôi thích thú với khám phá mới “quả nắng hồng”, như một lần đã mường tượng mặt trời chiều là quả cam, muốn ngắt về bỏ túi. Về sau, đọc thơ của Luân Hoán, tôi mới biết ông có viết một câu na ná như vậy về mặt trời chiều. Tôi đâm ngỡ ngàng, sao hai người lại cùng suy nghĩ, cách nhau hơn chục năm. Dăm bài thơ, tôi cố viết mông lung, thả những câu không kết nối. Rồi tôi dùng chỉ một chữ hay một hình ảnh làm trọng tâm, diễn tả cảm xúc của tôi trong bài thơ đó. Vậy mà có người, đôi người nhìn ra. Tôi ngạc nhiên, lịm người vì sung sướng.
Chỉ vài bài thơ, tôi được nghe khen. Tôi chắc, có nhiều bài thơ bị coi là lãng xẹt. Người làm thơ không muốn giải thích những bài thơ của mình. Tôi cũng thế. Tôi thoáng nghe... dạo này, thơ tôi... hơi trăng hoa. Tôi ngập ngừng, gõ bút. Sau khi đọc đi, đọc lại những bài thơ tôi đã viết, tôi an tâm. Vì vậy, trong những bài thơ gần đây, tôi phớt thêm nụ hôn. Thơ không phải là tự sự. Nếu chỉ là tự sự, thì đó chỉ là của riêng của người làm thơ, chứ nó không thể chở cảm xúc của độc giả. Họ đọc thơ, để được thông cảm. Trong thơ, tôi muốn hài hoà màu sắc của dĩ vãng và hiện tại. Thả bước trở về dĩ vãng để thấy mình trẻ lại, nhận rõ cảm giác muốn yêu và được yêu. Quay bước về hiện tại, xác định những gì nên làm, để còn yêu và được yêu. Nụ hôn trong thơ tôi, đơn thuần chỉ là sự ân cần, sự rung động ở bất cứ tuổi nào cũng có.
Buổi chớm thu, em ngồi thương chiếc lá
đủ sắc màu, ngày tàn héo bao xa?
tay chậm sương, tôi phớt nhẹ môi hồng
bảo còn đấy, nụ cười... tôi điêu đứng.
Khù Khờ

Xem Tiếp: ----