ng Tư Bố năm nay đã ngoại thất tuần, thế mà trông ông còn rất vạm vỡ rắn chắc, dáng dấp của một nông dân đã nhuốm màu thế sự. Khi mới sinh ông, mẹ  ông hỏi chồng nên đặt tên con là gì. Cha ông bảo “ Tên là Bố”. Bà giật nẩy mình: “ Chẳng lẽ tôi và ông sau này cũng sẽ gọi nó bằng Bố, coi sao được”. Ông giải thích: “ Tôi với bà mà còn gọi nó bằng Bố, thì thiên hạ ai mà chẳng phải gọi nó bằng Bố chứ, ý tôi muốn sau này nó cưỡi lên đầu những tên dân đen như tôi và bà bây giờ bị người ta cưỡi vậy, chứ chẳng lẽ, bà nghĩ coi, cả cái dòng họ nhà tôi suốt đời này qua đời nọ cứ làm cố nông, để cho mấy thằng địa chủ nó cưỡi trên lưng mình mãi hay sao? Hơn nữa, bà không nhớ cái tên Lã Bố  trong Tam quốc chí, thật oai hết chỗ nói. Biết đâu nhờ cái tên đó mà nó sẽ làm cho dòng tộc tôi được đổi đời”. Bà ngẫm nghĩ, thấy cũng có lý, nên véo vào mông chồng: “ Đúng là ông cao kiến, biết lo xa”. Đâu có ai ngờ cái giấc mơ của đôi vợ chồng cố nông trong cái chòi tranh heo hút kia, sau này lại trở thành hiện thực!
Sau kỳ đại hội cấp tỉnh cuối năm ngoái, ông Tư Bố xin rút lui, và trong cái buổi đầy tai tiếng cho những công bộc hạ cánh an toàn,về vườn với một tài sản kếch sù từ trên trời rơi xuống, ông chỉ muốn thiên hạ gọi ông bằng hai tiếng thân mật: “Tư Bố”.  
Dù xuất thân từ một nông dân ít học, nhưng ông Tư cũng khá nhạy bén với thời thế, nên ông lên rất nhanh. Từ một anh du kích xã trong chiến tranh, chỉ trong vòng hơn hai mươi năm, ông nhảy lên cấp trung ương, được bổ về nắm quyền một tỉnh, dễ như trở bàn tay. Có người phục tài, hỏi ông bí quyết thành đạt, ông chỉ xua tay, triết lý: “ có gì đâu…có gì đâu, không cần khôn, cũng đừng dại, chỉ cần  “biết”  là được”.
Bây giờ thì ông Tư Bố đã vui thú điền viên. Một tập đoàn tài chính khổng lồ được giao cho cậu con trai đầu tên Chiến, ba mươi lăm tuổi, điều hành, còn chức tổng giám đốc công ty sắt thép thì dành cho cô con gái rượu tên Thắng, vừa tròn ba mươi mơn mởn, du học nước ngoài về, đang cặp bồ với cậu con trai của một vị chủ hảng máy bay lớn nhất nước. Có lúc ông Tư cười một mình:“Bọn nhỏ bây giờ nó cũng chọn môn đăng hộ đối dữ đó nha, khác xa thời của mình, các cô con gái bần cố nông thô kệch lại chính là cái bệ phóng cho sự nghiệp của các đức ông, có lúc mình cũng thấy bà nhà mình khô như gạch, mà lúc nào cũng phải nói là rất tự hào về vợ, vì cái nét duyên dáng không chê vào đâu được!
Thời ấy, sợ nhất là vướng phải các cô con gái địa chủ, phú nông thì coi như đời cắm xuống bùn đen ”. Ông Tư cười một mình và lẳng lặng  giấu kín ý nghĩ đó vào trong đầu. Ông Tư Bố ít con và có con muộn, ông nghĩ các con ông dù phải đứng tên các công ty cho hợp với thế cuộc, nhưng ông biết chúng còn rất non nớt trong thị trường và trên chính trường nên vẫn cần sự cố vấn của ông.
Căn biệt thự rộng cả ngàn mét vuông đất của ông Tư được nhà nước hóa giá, nằm gần trung tâm một thành phố lớn, bây giờ dù có rất nhiều tiền cũng chưa chắc đã sở hữu được. Ông vẫn thường nghe chúng truyền miệng rằng “ Những gì mà thời nay không mua được bằng tiền, thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Ông cười nhạt: “Chúng nó bố láo, hãy thử đem tiền mà mua căn biệt thự của ông,xem có được không!”. Ngồi bên chiếc cửa sổ hai lớp kính, xây theo kiểu Pháp, mùa đông thì ấm, mùa hè lại rất mát, với khí trời tự nhiên ( là một quan chức gốc nông dân, ông không ưa dùng máy điều hòa), ông Tư Bố nhìn ra khoảng vườn dài mút mắt, với những hàng cây kiểng thẳng tắp, được cắt xén, uốn thành hình những con vật trong bộ tứ linh, mà trong cả nước ít người có. Một làn gió mát rượi đem ôxy từ những cành cây cao ngã bóng trên các con mương nhân tạo lượn quanh vườn, thổi vào người, làm cho ông có cái cảm giác khoan khoái thích thú lạ thường. Ông rất tự hào về căn biệt thự đó. Vì nó chính là xương máu kết hợp với tài xoay xở của ông. Không dễ gì, trong thời buổi kinh tế thị trường, tất đất tất vàng này mà chính phủ ưu tiên cho ông đến mức như vậy! Nằm đêm, nhiều lúc ông cao hứng thì thầm “Xin cảm ơn ông Các Mác, Ông “Sáu” Lê Nin. Dù con không hiểu một tí gì về chủ nghĩa Duy vật hay chủ nghĩa vô sản của các người, danh từ “ chủ nghĩa” mà con đã thuộc lòng, đối với con chỉ là sự phù phiếm, một thứ trưởng giả mới trong tư duy. Con hiểu rằng, duy chỉ nhờ cái tên “Bố” nằm mơ của cha con, một bần cố nông thứ thiệt, mà các người đã thương, cho con có được ngày hôm nay”.  Nhưng  ông Tư, một người sống trong sang giàu tột dỉnh quá nhanh chóng, như chưa kịp chuẩn bị cho mình một tâm lý hưởng thụ những tiện nghi mà như trên trời rơi xuống, có khi đâm ra ngỡ ngàng, nghi hoặc rằng cái của đó không phải là của mình. Nên có khi, ông  lại thì thầm như rên rỉ: “ Cha mẹ ơi, giờ đây cha mẹ đang ngậm cười nơi chín suối, nhưng còn con, vẫn phải ở lại cái trần gian đầy gió bụi vô thường này, đã có gì là chắc! Nhớ cái ngày giai cấp vô sản của mình vùng lên,  cải cách ruộng đất nổ ra,con là người lính xung trận đi đầu trong làng xã, chính tay con đã thi hành cái lệnh triệt bỏ bọn địa chủ bóc lột… Bao năm qua con đã tự hào về công lao mà mình đã đóng góp. Nhưng giờ đây, trong chính căn biệt thự nguy nga này và hàng trăm hecta rừng cao su mà con đang sở hữu kia, con lại trở thành một loại cố-nông-địa-chủ mới, giàu gấp trăm lần họ ngày xưa, nếu một ngày kia, lỡ có một cuộc cách mạng vô sản lần thứ hai nổ ra, thì máu trên sân đình  bây giờ lại chính là máu của con! Sao có thể như vậy được, cha mẹ ơi, có linh thiêng hãy phù hộ cho con, cho cháu sau này”. Nhưng rồi,có lúc phấn khích ông lại tự an ủi: “ Làm gì có cuộc cách mạng vô sản lần thứ hai, giai cấp tư sản ngày nay đều đã xuất thân từ vô sản, họ đang nắm trong tay quyền lực, và vẫn tự cho mình là vô sản, thì còn có giai cấp vô sản nào vào đây nữa chứ? Bố ơi, ngươi không thấy rằng giai cấp tư bản mới ở Nga đang chiến thắng giòn giã đó sao? Đầu óc ngươi bây giờ làm sao vậy, hãy an tâm đi, ngài Tư Bố ạ”. Nghĩ thì vẫn nghĩ vậy, nhưng ông Tư vẫn hoang mang vì ông không sao cắt nghĩa được bao nhiêu rối rắm đang từng ngày diễn ra trước mắt ông. Xã hội biến chuyển nhanh quá, đầu óc già của ông làm sao theo kịp! Ông Tư Bố càng ngày càng cảm thấy mỏi mệt vì sự lo sợ dày vò. Nỗi ám ảnh  về những cuộc giết chóc ngày xưa,gần như lúc nào cũng hành hạ ông, rồi cái guồng máy quyền lực và sự giàu sang kéo đến, quay tít trong đời ông, chẳng khác gì những ngày ông cầm súng chiến đấu, cận kề giữa cái sống và cái chết. Sự giằng xé giữa cái tôi và cái thực trạng của xã hội không bao giờ ngưng nghỉ trong ông, ông hoang mang đến cực độ, ít đêm nào ông được ngon giấc. Đôi khi ông cũng muốn nâng cấp tri thức của mình bằng cách phân tích lịch sử. Ông tự tra hỏi “ Trong sách vở mà ta đã học thì lịch sử nhân loại tiến lên theo đường thẳng, từ chế độ cộng sản nguyên thủy, qua chế độ nô lệ, đến phong kiến, tư bản, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội và kết thúc ở chủ nghỉa cộng sản khoa học. Nhưng bây giờ, ta thấy, nó chẳng thẳng tí nào! Ngày xưa, địa chủ kết hợp với tư bản thì bây giờ vẫn chưa xóa được tư bản và địa chủ. Có thay đổi chăng chỉ là những con người khác, được tô vẽ bằng thứ màu sắc khác, tên gọi khác, được khoát lên một lớp áo khác… vì chẳng có ai sống mãi để giữ cái giai cấp của mình. Ngày ấy, bần cố nông phải bán con mình cho địa chủ, lý hào. Bọn họ sống trong một làng một xóm,có đi ra, đi vào, còn thấy mặt mũi của con, nhưng bây giờ văn minh hơn, dân nghèo lại bán con gái mình cho Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Hoa, qua Miên làm gái điếm. Biền biệt không về, mà nếu còn về, thì chỉ còn lại cái xác không hồn hoặc là những thây ma! Có lẽ cuộc mua bán nào cũng cháy gan cháy ruột! Và không có cuộc đấu tranh giai cấp nào, mà con người không đưa vào đó sự hận thù, máu và nước mắt. Đấu tranh giai cấp, có khi là một thứ nhân danh nên nó lặng lẽ qua đi rất nhanh, và giai cấp thống trị không bao giờ chịu từ bỏ tham vọng, đem ban phát quyền lợi cho giai cấp bị trị. Ví như mình bây giờ, sau bao nhiêu năm cống hiến cả xương máu, chẳng lẽ bây giờ tự dưng đem cả quyền bính, nhà cửa,xe cộ, đất đai…. trả lại cho đám dân đen nghèo khổ kia.Thật là vô lý, bất công! (? )Người ta đang hô hào cho một thế giới phi giai cấp nhưng ông thấy cái hố phân cách giàu nghèo hình như ngày một sâu rộng hơn và không biết bao giờ mới lấp được. Khi mà trên quê hương ông còn đầy rẫy bất công thù hận và hình như vẫn còn sinh sôi nảy nở mỗi ngày ”.
   
  Đứng trước cái tuổi 75, không hiểu sao, càng ngày ông Tư càng cảm thấy thời gian cứ vùn vụt trôi qua mặt mình. Từng ngày từng giờ, từng phút từng giây, đều là nỗi ám ảnh của một thế giới bên kia, khi ông, một lần nữa sẽ phải bước qua cái ngưỡng cửa của tử sinh. Rồi ông sẽ về đâu! Bánh xe của thời gian sẽ nghiền nát ông thành tro bụi.  Và những gì mà bao nhiêu năm nay ông tưởng là của riêng ông, bằng mọi giá và mọi cách, sở hữu cho được nó. Bao nhiêu của cải ông có được, như muốn ngược dòng thời gian trôi về với quá khứ, tuột khỏi tay ông, biến thành ảo mộng … Cũng như ngày trước, ông phải chuẩn bị cho mấy mươi năm đời người  nơi trần thế. Ông đã sang giàu tột đỉnh, hưởng thụ không thiếu một thứ gì, kể cả các “ nàng tiên” cũng đã qua tay ông. Thì bây giờ đã đến lúc ông cần phải chuẩn bị một đời sống vĩnh cửu của kiếp sau. Mặc dù từ nhỏ, ông được dạy rằng làm gì có linh hồn, làm gì có kiếp sau. Chỉ có cái trần gian trơ trụi nhưng đầy cám dỗ này mà bao đời ông bà cha mẹ, cháu con ông thèm khát, đam mê…. Là một nông dân có tính thực tế, ông vẫn luôn luôn chu đáo mà! “Những ngày còn lại trên thế gian này, nhất định ta phải tìm đến Cửa Phật, để từ đó ta leo lên Niết Bàn, như ta đã từng leo lên trên các bậc thang của quyền uy trong xã hội hiện tại. So găng với con người mà ta cũng đã chiến thắng kia mà! Đức Phật bao giờ cũng từ bi hỷ xả hơn con người phàm tục, chắc chắn Đấng Thế Tôn chẳng bao giờ hẹp hòi với ta”. Ông lẩm bẩm.
Trong ngôi biệt thư sang trọng, lâu nay được ông và đứa con trai nhờ kiến trúc sư loại giỏi thiết kế và trang trí theo kiểu Tây, không gian sống thật thoáng đãng. Có thể xem đây là một thế giới thu nhỏ của sự giàu sang, phòng khách nhà ông cũng đồng thời là một thư viện, không thiếu bất kỳ loại sách gì, kể cả các loại sách quí hiếm mà người thư ký riêng của ông sưu tầm trước đây. Ông cẩn thận mời một cô quản lý thư viện tỉnh về sắp xếp thư mục giúp ông. Khách đến nhà, không ai là không trầm trồ,đánh giá mức độ thông thái của gia chủ và không tiếc lời bày tỏ sự ngưỡng mộ,cảm phục một nhà lãnh đạo tài năng, có tâm, có tầm hiểu biết sâu rộng qua cái thư viện mini này. Trên các bức tường xung quanh và trên các trụ cột hình trụ vuông, ốp đá hoa cương màu gụ bóng lộn,được trưng bày một cách điệu nghệ của một họa sĩ có tay nghề thiết kế tầm cỡ, những bức bức tranh đắc tiền của các họa sĩ nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Mỗi lần có khách, ông Tư không ngại mất thì giờ, đưa khách đi tham quan thư viện của nhà ông, đôi khi mất cả tiếng đồng hồ. Mặc dù có cái thư viện đồ sộ như thế, nhưng những lúc nhàn rỗi, ít khi ông tư sờ đến quyển sách, họa hoằng thì cũng chỉ với mấy đầu sách về chính trị, về tư tưởng  Mác Lê,  những nghị quyết của các kỳ đại hội…Ông cho rằng sách là nơi phù phiếm và lòe loẹt trí thức. Cái thư viện này là nơi để ông chứng tỏ với cấp trên rằng ông luôn tự nghiên cứu để xứng đáng với cái ghế của mình, còn với cấp dưới và quần chúng nhân dân không ai dám gọi ông là ông quan dốt vì chỉ mới qua lớp bốn trường làng rồi cứ thế mà học bổ túc cho có cái bằng đại học, chẳng ai biết là thật hay giả, thiên hạ vẫn phải gọi ông là cử Bố. Thế mà cũng có thằng xỏ lá ba que, bày người ta bỏ bớt hai cái râu của chữ “cử” đi. Ông tức phát điên, nhưng đành chịu, vì dù có quyền lực đến đâu cũng không ai bỏ tù được tin đồn. Đôi khi ông ra mặt coi thường cái hạng trí thức trói gà không chặt, mang danh ông tiến sĩ này, ông thạc sĩ nọ,nhưng gặp ông vẫn phải cúi đầu thật sâu mới dám bắt tay. “ Chính trị là chủ soái của xã hội thời nay mà!”. Ông đắc ý cười nhạt.
Đã bao nhiêu năm, ông Tư Bố rất tự hào về cái thư viện mini trong nhà mình, và  cũng một phần nhờ nó như một biểu tượng của trí thức giúp ông đã êm ru leo lên  từng nấc thang danh vọng. Nhưng giờ đây, cái thư viện chẳng còn đắc dụng cho ông nữa. Bước chân ông đã đi qua trần gian của những tháng năm biến động mãnh liệt của đất nước, dù muốn hay không, ông cũng  đã phải đi tôn thờ vật chất, gươm giáo, súng đạn và cả sự gian dối xảo quyệt, thì giờ đây gối đã mỏi, chân đã chùn, những ngày còn lại trên cái cõi vô thường này, ông phải trở lại với con đường tâm linh, hướng về Phật pháp. Do đó, căn phòng ngay trên đầu cái thư viện đồ sộ, ông quyết định lập một Niệm Phật đường thật lớn, chẳng thua gì một ngôi chùa nho nhỏ trong thành phố, để ông bắt đầu cuộc hành trình về Niết Bàn.Nét mặt ông bỗng đăm chiêu và nghiêm trang mỗi khi nghĩ đến điều ấy.
Sau gần một năm thi công gấp rút, công trình mà ông Tư Bố gọi là Niệm Phật Đường đã hoàn thành,ngay trong ngôi biệt thự của ông. Niệm Phật Đường có kích thước 10 – 15 chưa kể hai dãy hành lang. Căn phòng dùng làm Niệm Phật Đường bây giờ, trước đây là nơi vui chơi giải trí của gia đình, bạn bè, khách khứa. Các trò tiêu khiển cực “hot” đã được tổ chức ở đây. Khi ấy, nói như các con ông, đó là thiên đường của trần gian, còn bây giờ theo ông, nó là thiên đường trên thiên đường và ông sẽ đi vào cái thiên đường vĩnh cửu ấy. Mắt ông trở nên rực rỡ, môi ông run run vì sung sướng mỗi khi nghĩ về điều mà ông không ngờ, tiền tài, vật chất đã biến thành  thần thánh! Nơi mà ông Tư xây dựng để phục vụ nhu cầu tâm linh cuối đời, vừa đồ sộ lộng lẫy vừa trang nghiêm lại pha nét trầm mặc của màu thiền Trúc Lâm.Trước sân Niệm Phật Đường là hai cây bồ đề thuộc hàng cổ thụ, rễ cây si bám đầy mà ông đã mướn tìm từ hơn một năm nay, bứng về trồng ở hai bên góc vườn, phủ bóng rợp  cả một khoảng sân rộng. Lùi vào bên trong là tượng của Đường Tam Tạng cao 5 mét,đứng trước là tượng Quán Thế Âm và Thích Ca mâu Ni ngự trên đài sen, nét mặt đầy vẻ nhân từ, trông giống như đang mỉm cười với chúng sinh. Bên hông trái,lùi về phía sau một chút là hòn giả sơn thật lớn, cao khoảng 5 mét, trước cửa hang là tượng đức Quán Thế Âm đang truyền giáo pháp của Đúc Như Lai biến thành nước Cam lồ vĩnh viễn chảy xuống trần gian. Hông phải của chánh điện là tàng kinh các,chứa hầu hết các bộ kinh quí của của Phật giáo.Trong chánh điện rộng gần một trăm rưởi mét vuông, mái đúc trên 6 cây cột tròn, được điêu khắc rất tinh tế hình rồng vàng ánh, tượng Thích Ca Mâu Ni tọa trên đài sen cao 2 mét đúc bằng đồng, trước mặt tượng là chiếc lư  lớn, khói hương nghi ngút, bên phải là chiếc chuông đồng treo trên chiếc giá gỗ mun được chạm trổ công phu, bên trái là chiếc mõ to bằng cái đầu người làm bằng gỗ hương bóng lộn …Ông Tư đã không tiếc, bỏ ra hàng chục tỉ đồng để hoàn thành một công trình phục vụ cho nhu cầu tâm linh, dù cũng đã có người khuyên ông không nên làm quá rình rang, e không hợp với cái địa vị lãnh đạo của ông đối với nhân dân địa phương, nhưng ông không nghe, vì dù sao, ông cũng đã về hưu, công khai như thế còn hơn có vị lãnh đạo cao cấp lén lút đi xem bói để đoán trước thời vận của mình. Nơi đây sẽ cứu rỗi linh hồn ông, phải  xứng đáng với tâm nguyện của ông.
Ông Tư Bố chọn hôm nay ngày rằm tháng bảy, ngày mà Tôn giả Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, đem lễ vật dâng cúng Tam bảo, xin giúp sức để cứu cha mẹ mình đang bị đảo huyền nơi âm cảnh, để gióng tiếng chuông mõ khánh thành Niệm Phật đường, cầu mong sao nơi suối vàng, cha mẹ ông sẽ mỉm cười mừng đứa con  tên  Bố, đã theo gót Mục Kiền Liên Tôn giả, một ngày kia sẽ đưa ông bà ra khỏi cõi âm, siêu thăng về nơi tiên cảnh. Trong lễ khánh thành hôm nay, ông Tư chỉ mời hai vị Thượng tọa có uy tín nhất của địa phương cùng một số trai tăng đến dâng lễ cung nghinh và an vị Phật. Ông không dám mời các quan chức địa phương, vì e rằng sẽ bị đả kích vì ông đã “tiến bộ” quá nhanh, bỡi dù sao thì trong túi ông vẫn còn giữ chiếc thẻ đỏ, đó là chiếc bùa hộ mệnh, đã bao năm,nhờ nó mà ông mới có năng lực tài chính để rước “thuốc phiện của dân chúng” về nhà. Người ta rất ngạc nhiên về sự thay đổi rất nhanh dáng vẻ bề ngoài của ông tư Bố. Trừ những lúc đi ra ngoài, trên chiếc Roll Royce giá gần cả triệu đôla, về đến nhà là ông thay ngay một bộ nâu sồng hoặc già lam, phong thái giống như một vị hòa thượng, có điều là mái tóc dày và cứng của ông vẫn còn được nhuộm đen một cách cẩn thận. Đã hơn một tháng nay, sau hôm quy y ở chùa Vĩnh Nghiêm về, mặc dù ông chỉ ăn chay có 4 ngày mỗi tháng, theo thói quen, bữa ăn nào, ít nhất cũng phải có mấy lon bia, nhưng hằng ngày ông Tư đọc kinh hai lần, buổi sáng và buổi tối. Phải gọi là đọc kinh vì ông Tư đã thuộc câu kinh nào đâu và khi đọc, ông Tư không hiểu và cũng không quan tâm là mình phải hiểu những câu kinh ấy có ý nghĩa gì. Trước mặt ông là 3 bộ kinh đang mở, sắp hàng ngang. Thường là ông ngồi theo kiểu nửa kiết già hoặc quì trên chiếc gối bông dày để đọc kinh. Khi ông lễ Phật, ông không muốn ai theo dõi nên đóng kín các cửa lại.
 
Hôm nay, đêm rằm tháng tám, bên ngoài trăng mùa thu vành vạnh, tỏa ánh vàng lung linh tinh khiết xuống  niệm Phật đường nằm giữa ngôi biệt thự mênh mông sang trọng nhưng đầy vẻ huyền mặc, chỉ một mình ông Tư ở nhà cùng với bầy chó berger đang canh giữ ở phía dưới, sau gần 2 tiếng đồng hồ đọc kinh, ông quyết tâm  "tham thiền nhập định", để cầu xin Đức Phật hiển linh cho ông thấy được hào quang của đấng Thế Tôn
- Nam mô A Di đà Phật …Nam mô A Di Đà Phật ….
Cứ một câu ấy, mắt nhắm nghiền, ông Tư lâm râm trong miệng cả ngàn lần.
 
Bỗng nhiên, đầu óc ông trống rỗng, rồi trời đất như quay cuồng, thân xác ông bồng bềnh giữa không trung, cảnh vật chung quanh biến mất.Ở phía đàng tây, một vầng hào quang sáng chói cả khoảng trời, Đức Phật xuất hiện trên đài sen lơ lửng ở lưng chừng trời,với muôn ngàn tia sáng lung linh tỏa ra từ Pháp Thân rọi chiếu xuống trần gian ngồn ngập. Tâm hồn ông Tư như bị thôi miên và mê hoặc bỡi những luồng tia sáng đó, ngực ông nặng trĩu, máu nóng dồn lên thái dương, tim đập liên hồi. Cuối cùng ông Tư dồn hết can đảm, lấp bấp:
  -Bạch đấng Thế Tôn, con tục danh là Lê Bố, pháp danh là Vạn Hảo, hôm nay được ơn trên cho con được diện kiến Như Lai, con xin cúi đầu nghe đức vô thượng quyền năng dạy bảo!
Một giọng nói ấm trầm vang xa trong không trung, không biết phát ra từ đâu mà vang vang trong tai ông, nghe như ở từ mọi phía:
  -Thí chủ đáng thương kia, con cần gì ở ta mà đêm nay con gọi ta không ngớt. Chẳng phải con đã bỏ nhiều tiền của, xây cất công trình đồ sộ để tu niệm rồi đấy sao?
-Bạch Đấng cứu thế,  con chỉ xây được cửa chùa nhưng con chưa bao giờ thấy được cửa Phật. Cả năm nay, từ ngày nương vào cửa tôn nghiêm, con cứ ngỡ rằng con sẽ gặp được Như Lai mách bảo cho con đường dẫn vào cửa Phật, để cầu xin Đức Thế tôn toàn năng gọt bỏ những tội lỗi con đã gây ra trên trần gian điên dại và ô trọc này. Nhưng nào có được! Con thấy linh hồn con vẫn cứ trĩu nặng những trói buộc của trần gian…
  -Hỡi thí chủ đáng thương kia, Cửa của ta có ở khắp mọi nơi, bao giờ cũng rộng mở, nhưng lại khó vào, khi tự thân con còn mang nặng nhiều nghiệp chướng. Linh hồn con bây giờ đang đeo nhiều chiếc bao nặng nề đó, giống như một người đang mang nhiều bao cát nơi giếng sâu, nếu không vứt bỏ được những bao cát ấy đi, thì làm sao nhảy nổi lên khỏi miệng giếng? Con hãy vứt bỏ những bao nghiệp chướng ấy đi thì con sẽ tìm ra cửa của ta ở ngay trong lòng con.
-Bẩm Đức Thế Tôn, vì sao con lại tạo ra nghiệp chướng?
  - Hành ác tất tạo nghiệp con ạ!
  - Tội ác của con sao? Con đã gây ra nhiều tội ác?
  - Tội ác con ạ! Nếu như khi con vào các cửa của các tổ chức nơi trần gian, con phải cung khai lý lịch, thì hôm nay nếu con chưa nhận ra tội lỗi của mình thì làm sao con có thể vào Cửa Phật?
Toàn thân ông Tư run lên bần bật như người lên cơn sốt rét, vì ông thường nghe người ta nói: “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không lọt”. Ông hoang mang: “ Những gì mà lâu nay ta lừa dối nhân dân, lừa dối tổ chức, bây giờ đứng trước đấng toàn năng không biết ta còn có thể quanh co được nữa hay không!”. Rồi giọng nói vừa từ bi vừa đanh thép kia lại vang lên trong tai ông:
- Làm sao ta có thể rửa sạch những tội lỗi cho con, chỉ có chính con mới làm được điều đó, nên con phải thấy được tội lỗi của mình. Con tự xưng mình là một công bộc của nhân dân và là đứa con của Phật, con đã biết ngũ giới là gì chứ?
Đến đây thì hồn phách của ông Tư suy sụp hoàn toàn, mồ hôi tháo ra ướt cả lưng áo lam già, một biểu tượng của từ bi,xuất thế. Ông nói trong bụng:“ Trả lời về mấy chữ: Cần - kiệm - liêm - chính, chí công - vô tư, thì thật dễ ẹt trước những người cùng một ruột với ông, nhưng bây giờ trước mặt Như Lai, làm sao ta có thể xảo ngôn với Đấng toàn năng”. Ông cố thu hết sức bình sinh để bộc bạch:
  -Bẩm Đức Thế Tôn, con đã mon men hiểu được 5 điều răn của Bậc Đại Giác, trước hết là không sát sanh, nhất là không được giết người …
-Đúng thế. Điều ấy con tự hiểu con hơn ta.
  -Bạch Thế Tôn, con chí lỡ giết người trong khi con đang chiến đấu để tự bảo vệ mình!
  - Chỉ có thế thôi sao? Con không giết ai trong tư thế quỳ gối van xin con chứ?
Môi ông Tư tự nhiên cứ rung lên, ánh sáng trước mắt nhòe nhoẹt,  khi ông nghĩ đến sau cái ngày toàn thắng. Giữa lúc tranh sáng tranh tối, và lòng hận thù chất chứa trong hàng chục năm, ngùn ngụt bốc lên cùng với đôi tay quen chém giết, ông đã lỡ phạm sai lầm tày trời mà chính ông, ông cũng không thể nào dung tha cho mình được. Ông mở lòng sám hối:
-Bạch Như lai, Quy luật của chiến tranh thật nghiệt ngã, hậu quả của chiến tranh thật khốc liệt, sự khốc liệt ngấm sâu vào tận đáy tim của những người chiến bại và cả những người chiến thắng. Đã mấy mươi năm rồi, chúng con cố quên đi, nhưng những vết sẹo hồng kia vẫn không bao giờ chịu liền thịt trên lưng của thời gian. Ôi, chủ nghĩa. Ôi, đấu tranh. Ôi, súng đạn. Ôi, hận thù! Ôi, lịch sử và nhân danh! Loài người không còn con đường nào khác hay sao? Chân lý và sai lầm chỉ cách nhau có một kẽ tóc!
  - Con nói đúng. Vết thương trên thân xác con, trong tâm hồn con rồi sẽ lành, nhưng vết thương trên lưng thời gian thì vẫn còn đấy. Thiện và ác, chân lý và sai lầm, những vết thương kia sẽ là chứng nhân của lịch sử.
  Đức Như Lai ngưng  một chút rồi tiếp:
  -Còn điều giới thứ hai, con còn nhớ không?
  -Bạch  Đức Như Lai, con nhớ rất rõ. Đó là không được ăn cắp! Và từ lúc ấu thơ, con chưa hề ăn cắp một xu, một hào của ai.
Trong ánh hào quang rực rỡ một góc trời, Đấng Thế Tôn vẫn dịu dàng, ôn tồn và nhân từ:
  - Con nghĩ thế nào là ăn cắp, và làm gì thì mới gọi là ăn cắp? Chẳng lẽ chỉ có đi bẻ trộm một quả bắp mới gọi là ăn cắp hay sao? Ăn cắp là cố thủ đắc tất cả những gì mà không phải do mồ hôi, cơ bắp, trí tuệ của mình tạo ra cho xã hội và bản thân. Là trực tiếp hoặc gián tiếp, dùng mánh khóe và quyền lực lấy đi những thành quả lao động của người khác, lấy đi những tài nguyên của đất nước, đó là xương máu của cha ông đã bao đời để lại, là làm giàu trên mồ hôi nước mắt của đồng đội, đồng bào …Con không thấy đồng bào con còn biết bao người cùng khổ.Khẩu phần của họ không bằng của con chó nhà con. Giá một chai rượu ngoại con dùng có thể nuôi sống gia đình họ một năm. Con có biết của cải xã hội chảy về đâu không? Lương tri con người bây giờ quả đã không đuổi kịp dục vọng rồi!
Sự thực thì ông Tư chưa bao giờ nghĩ là mình đã ăn cắp của nhân dân. Có “cống hiến” thì phải có hưởng thụ chứ! Và ông luôn mạnh miệng phê phán những kẻ ăn cắp, vì ông thấy còn biết bao nhiêu quan chức còn giàu sang hơn mình. Thế rồi ai cũng có quyền chửi người khác, vì dù có ăn cắp, thì mình vẫn còn ăn cắp ít hơn, và bàn tay mình vẫn sạch hơn. Họ cứ nhìn cái túi của nhau, tự hào về cái túi trong sạch của mình mặc dù mỗi ngày cái túi ấy, trong vòng quay của lòng tham, sự non nớt của luật pháp và sự móc ngoặc, che chắn, nó cứ tự động đầy thêm lên. Đồng tiền, của cải cứ núp sau cái ghế của ông mà chảy vào nhà ông như nước lũ, không còn kiểm soát nổi nữa. Ông đã chẳng hiểu rằng đồng tiền cứ chảy theo quyền lực và quyền lực lại đẻ ra đồng tiền. Ông nhớ lại bao nhiêu cách đồng tiền cứ tìm những kẽ hở nhà ông mà chui vào. Như cái tên Hùng kia, bỗng nhiên đến trả giá gấp 10 lần giá thị trường để mua căn biệt thự cũ của ông, cứ tưởng rằng hắn hớ và dại, nhưng đâu có ngờ liền sau đó hắn xin được trúng thầu khai thác titan dọc theo các bãi cát ven biển miền Trung, ông đành phải chìu theo ý hắn, vì đã lỡ rồi. Đại loại là như thế …và như thế... Nhưng ông nào có bắt ép hắn, hắn tự nguyện đấy chứ? Đồng tiền cứ tự nguyện và những con người tự nguyện theo ông. Ông không hiểu hay không muốn hiểu, vì sao đồng tiền cứ chạy đến những nhà quyền thế mà chui vào và luật pháp nước ông thì không có điều nào cho rằng cả gia chủ và đồng tiền ấy có tội. Chưa có tội “hối mại quyền thế”. Những ông quan quyền cao chức trọng thì tha hồ bán cái quyền thế mà làm giàu và bán mãi không bao giờ cạn. Quyền càng lớn thì bán càng nhiều tiền,càng dễ bán, nhiều người mua mà giá lại càng cao!Lạ thật! Lâu rồi thành thói quen, một ngày kia, không còn cách nào để giaỉ thích, ông Tư coi cái tài sản kếch sù mà ông hiện có là do phúc đức của ông bà cha mẹ ông để lại, do ông ăn ở hiền lành nên Trời Phật cho ông! Bây giờ Đức Như Lai dạy như thế, chẳng lẽ, cái tài sản kia là của ăn cắp hay sao? Ông mơ hồ và bàng hoàng,ông không còn hiểu đâu là chân lý nữa!
Còn 3 điều giới còn lại! Ông Tư Bố đang đắm chìm trong hồi tưởng …
Từ ngày ông được cất nhắc lên những bậc thang của danh vọng, kinh qua nhiều chức vụ về chính trị và kinh tế, có quyền rồi có tiền, đã giàu thì phải sang, cái mùi bùn đất lam lũ hôi tanh, cái nếp sống quê mùa thô kệch đã bao đời nay, dần dần tách khỏi con người ông, lùi xa về  dĩ vãng để nhường chỗ cho cuộc sống trưởng giả xa hoa. Cái bản năng hưởng thụ đã bị đè nén bao nhiêu năm nay bây giờ trổi dậy. Người đàn bà bần cố nông nồng nặc mồ hôi lúa đất heo gà chưa kịp chạy theo mùi nước hoa thứ xịn, đã một thời làm bệ phóng cho ông bay lên trên con đường danh lợi, giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh của ông trước và sau các cuộc truy hoan với các cô gái chân dài tha thướt. Ông nhớ lại mấy mươi cô gái tuổi đôi mươi mơn mởn, vì phải kiếm cho được việc làm nhàn hạ, đành phải ôm hận qua tay ông, khi ông làm giám đốc một khách sạn lớn. Gian dâm ư? Hồi ấy ông cố ngụy tín rằng “hai bên cùng có lợi”, ông có lấy không cái gì của ai đâu? Nhưng bây giờ đứng trước Đấng Toàn Giác, cái bao nghiệp chướng ngàn cân kia lại tròng lên cổ ông, có lẽ không bao giờ ông thoát ra được! Thân ông Tư Bố mềm nhũn ra như một đống  thịt không xương. Khi mà hình ảnh của những ngày xa hoa sa đọa trở về bên ông thì cáiCửa Phật linh thiêng, nơi ông hằng mơ ước cho những ngày còn lại, chỉ còn là cái bóng xa xăm mờ nhạt. Ông Tư ngước nhìn lên bầu trời đầy trăng sao, ánh hào quang trước mắt ông khi mờ khi tỏ. Chắp hai tay lên ngực, ông khẩn khoản:
-Bạch Đức Thế Tôn, trong cả ngũ giới con đều mắc phải, tội lỗi của con chồng chất, nghiệp của con tạo ra có khi còn nặng hơn cả núi thái sơn, chẳng lẽ cửa Phật đã đóng kín lại với con, con sẽ mãi mãi chịu bao nhiêu hình phạt tàn khốc nơi địa ngục, con đường đi đến Cửa Phật vĩnh viễn bị cắt đứt rồi hay sao!
-Thí chủ tội nghiệp kia, Cửa Phật ở khắp mọi nơi mọi lúc và không hề khép lại với bất cứ ai bao giờ. Cửa Phật là chốn thiêng liêng vi diệu, sắc sắc không không, ở giữa sâu thẳm của chính linh hồn con mà con chưa bao giờ thấy được. Bao nhiêu sinh linh trượt dài theo cái ác, tạo nghiệp từ kiếp này qua kiếp khác, ngụp lặn triền miên trong bể khổ luân hồi. Trong suốt cuộc đời, từ một anh nông dân hiền lành, con đã say men chiến thắng, dấn thân vào cuộc tranh giành quyền lực và của cải, lao vào cuộc sống xa hoa hưởng thụ, đã lấy đi biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của người khác. Chính lòng dục đã che lấp tâm trí con, dẫn con vào cái đêm tối của tội ác, bây giờ muốn thoát ra, không phải nhất triêu nhất tịch, mà phải trải qua sự khổ hạnh lâu dài…
  Ông Tư Bố chắp tay vái lia lịa:
  -Bạch Như Lai, dù gian nan vất vả đến đâu con cũng nguyện đi theo Phật pháp, quyết giũ bỏ gánh nặng của trần gian!
-Con đường tìm về vô ngã không dễ dàng chút nào đâu con.
  -Bạch Đấng Đại Giác, dù phải leo trên núi cao hay lặn xuống biển sâu, con cũng quyết làm cho được.
  - Thế thì tốt lắm. Cửa Phật đâu cần con phải khổ nhọc như vậy. Điều con phải làm dễ hơn nhiều, đó là, trước hết, con hãy đem tất cả nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, công ty, ngân hàng, đồn điền, nói chung là những gì không phải là của con, trả lại cho nhân dân, trả lại cho những đồng bào cùng khổ trên quê hương con, cắt bỏ đi những món nợ của trần gian mà con đang mang nặng bên người. Chính những thứ đó đã trói buộc con, không bao giờ buông tha cho con thanh thản ra khỏi cái trần gian nợ nần đó, con sẽ mãi lẩn quẩn trong bức màn vô minh, không thể ngộ được Chánh Pháp, thì làm sao con thấy được Cửa Phật mà vào. Hỡi thí chủ đáng thương của ta, hôm nay ta chỉ có mấy lời này cho con, mong con đừng quên.
Chợt vầng hào quang sáng rực cứ lùi xa mãi và mất hút về cuối chân trời. Ông Tư Bố  như giật mình ra khỏi trạng thái nửa thực nửa mơ, đôi bàn tay còn chắp  trên ngực trong thế ngồi nửa kiết già. Ông bàng hoàng rên rỉ:
  -Đức Như Lai toàn năng ơi, sao Đấng Toàn Giác không bắt con bỏ ra hàng ngàn tỉ để xây hàng trăm ngôi chùa trên đất nước con, để những đứa con của Phật, từng đêm, từng đêm, tụng niệm, vinh danh Đức Thích Ca Mâu Ni, mà lại khuyên con phải từ bỏ tất cả của cải, dù là phù vân nơi trần gian mà con kiếm được.Làm sao con tự cắt bỏ đi một phần thân thể của con! Đức Thế Tôn ơi, biết đến bao giờ con mới tìm ra Cửa Phật!
Ông Tư Bố gục xuống trên cuốn kinh Pháp Hoa còn mở ở trước mặt,ruột gan rối bời, hồn như đang mang theo bao nhiêu tảng đá cõi trần. Còn ở ngoài kia mảnh trăng rằm đã chếch về hướng tây, buông ánh vàng vằng vặc xuống sân Niệm Phật Đường tĩnh lặng. Hình như chỉ có chú sóc trên cành Bồ Đề đang nheo mắt cười với chị hằng. Rất xa xôi…

Xem Tiếp: ----