Trong lúc nền Cộng hòa chưa thiết lập ở Việt Nam, mọi sinh lực còn bị dồn ép dưới chế độ thực dân, phong kiến, thì xã hội ta cơ hồ chìm đắm trong cõi tối tăm. Chua chát nhứt là mọi người không được công khai biểu lộ lòng yêu nước. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, một thế hệ thanh niên đã đứng lên. Tiêu biểu cho tinh thần tranh đấu của thế hệ thanh niên này là Tiếp và Bội. Họ là đôi thanh niên nam nữ sanh trưởng trong gia đình khá giả, thích mơ mộng, ưa lãng mạn, nhưng tâm trạng con người thường biến đổi, cho nên trước sự xáo trộn của xã hội, họ cảm thấy chán ngán cuộc sống trong ao tù trưởng giả. Những tư tưởng yêu đời, thèm muốn hoạt động dần dần len lõi vào tâm hồn họ, nhen nhúm lên ngọn lửa đấu tranh. Người thiếu nữ giác ngộ sau ngày tham dự đám táng trò Trần Văn Ơn. Đúng vào lúc đó, người thanh niên gây được cảm tình với thiếu nữ rồi dìu dắt thiếu nữ lên đường tranh đấu. Thoạt đầu họ yêu nhau vì tình. Họ sống những phút hồn nhiên đầy tình cảm. Đến ngày kia, người thanh niên đưa bạn tình đến trước những thực trạng xã hội, vạch cho thiếu nữ thấy nỗi lầm than của đồng bào, bây giờ thiếu nữ mới biết căm tức, mới ý thức được bổn phận làm người. Từ đó họ noi gương các nhà ái quốc Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang, gác tình riêng, chung lo xây dựng tình yêu nước. Cả hai đồng ý phụng sự cho chính nghĩa quốc gia, dốc lòng theo đuổi một lý tưởng thiêng liêng. Họ quý trọng nhau trong những ngày sát cánh hoạt động, tình yêu lắm lúc trở nên bồng bột, song họ vẫn giữ mối tình trong sạch thanh cao vì họ đã hiểu ái tình và nghĩa vụ. Cuộc đấu tranh có khi nào giản dị như người ta tưởng! Nhứt là những ngày tàn của chế độ thực dân, họ đã dùng mọi mưu mô xảo quyệt, gây chia rẽ giữa cha con, gieo rắc hận thù giữa anh em, cốt đưa con người vào vòng ly tán. Tình cốt nhục luôn luôn ám ảnh họ, làm chồn chân họ trong những chiều nắng quái buồn tênh hay những đêm lặng lẻ nền trời lấm tấm điểm sao khuya. Nhưng, thiếu nữ trong một bước sa cơ, không bị thực dân câu thúc mà lại bị cha nàng câu thúc. Người cha nào chẳng thương con? Song người cha trong chuyện nầy là một sản phẩm của thực dân uốn nắn, nên đành dẫm lên tình yêu trong trắng của con, bắt buộc con sống theo sự mù quáng của mình. Câu chuyện trở nên éo le, bức tường ngăn cách tình cốt nhục của thực dân tạo thành không phải là vô ích, nếu thiếu nữ giác ngộ, mất tin tưởng vào chính nghĩa. Trái lại người cha có những giờ phút sống trong hối hận đau đớn, lương tâm cắn rứt vày vò. Sự mâu thuẫn của lý trí chẳng khác chi màn sương mỏng manh dễ tan đi theo quyền lợi sẵn có hằng ngày. Nhưng ở đâu cũng có sự thật. Người cha chợt thấy sự thật khi chạm phải một cuộc xung đột, bây giờ mới hiểu được lòng dạ tàn nhẫn của thực dân, vội tìm cái chết đổi lấy sự lỗi lầm. Trước sự sụp đổ não nề, thiếu nữ thấy lòng phấn khởi băng mình ra ngoài chân mây tươi sáng. Tiêu Kim Thủy