gồi trên máy bay, bà Toàn biết rõ rằng lúc này lòng bà vô cùng thanh thản. Bà đã và đang quyết định một việc vô cùng quan trọng cho cả một gia đình, cho cả một hạnh phúc mà bà đã chắt chiu xây dựng từ mấy chục năm. Đã mấy tháng rồi bà Toàn đau khổ và buồn bã lắm. Bà âm thầm chịu đựng, không dám mở lời than thở với ai, vì bà biết có than cũng chẳng thay đổi được hoàn cảnh mà không chừng lại còn rắc rối thêm.
Bà đau khổ vì ông Toàn, chồng bà thay lòng đổi dạ sau hơn ba chục năm tình nghĩa. Mấy tháng rồi, từ khi người em trai ông, chú Phong, gọi điện thoại báo tin mẹ ông bịnh nặng, muốn có ông bên cạn h thì bà vội vàng lo chuyến đi cho ông và ông thì tất tả mua vé về Việt Nam lo thuốc men cho bà cụ Bà Toàn chỉ biết câu chuyện bắt đầu từ đấy và đau khổ từ đấy nhưng những gì trước đó bà lại chẳng haỵ
°
Nguồn lợi chính để sống của gia đình bà là cửa hàng bánh cuốn. Bà phải lo tráng bánh để cung cấp cho khách nên không theo chồng về thăm mẹ chồng bịnh được,nhưng để làm tròn phận làm dâu, bà không tiếc tiền, bà đưa cho ông một số lớn và mua sắm mọi thứ cần thiết rồi nhờ người con lớn, Thông, chở bố ra máy baỵ Trước khi đi, bà không quên dặn tới dặn lui:
- Đường xá xa xôi, máy bay đi cả mười mấy tiếng đồng hồ, em lo lắm, về đến nhà, bố gọi ngay cho em nhá.( bà Toàn có thói quen hay gọi chồng bằng bố như bày con của bà)
- Yên tâm, anh sẽ gọi ngay cho em biết tình trạng của má.
Sau hơn hai ngày chờ đợi, tiếng chuông điện thoại reo và Thúy, cô con gái út đưa cho bà điện thoại:
- Mẹ, có phôn của bố nè mẹ
Bà Toàn vồ lấy chiếc điện thoại trên tay con:
- Bố về đến nhà lúc nào vậy? sao không gọi ngay, em mong qúa. Mẹ như thế nào rồi?
Giọng ông Toàn còn ngái ngủ:
- Anh về chiều hôm qua nhưng đến nhà thương thăm mẹ liền, Xong về nhà mệt qúa, ngủ đến bây giờ mới gọi em được. Tình trạng mẹ bết lắm mà thuốc men ở đây bịnh nhân thường không được hưởng qui chế thuốc như bịnh nhân cán bộ. Muốn có thuốc, phải có tiền. Muốn gặp bác sĩ cũng phải có hai loại quà.. Một cho y tá và một cho bác sĩ. Quà không gì tốt và quí hơn là phong bì. Cần thay tấm trải giường hay lau phòng cho sạch cũng phải có tiền dúi vào tay bác lao công, nếu không thì bẩn thỉu kinh khủng lắm. Tóm lại, cái gì cũng phải tiền.
Nghe chồng nói, bà Toàn thở dài:
- Cũng phải chịu vậy thôi anh ạ Cầu xin bề trên cho cửa tiệm của nhà mình đắt khách thì chúng ta vẫn lo cho mẹ được. Anh đừng hà tiện qúa mà mẹ không được săn sóc tử tế thì tội nghiệp. À, tình trạng mẹ thế thìchừng nào anh về nhà?
- Cái cô này.... mới chân ướt chân ráo đặt đến đây tối hôm kia, nay cô đã hỏi chừng nào về...Tôi đâu biết tình trạng mẹ như thế nào đâu mà nói trước.
Bà Toàn cười:
- Bố hay nhỉ, em chỉ hỏi có thế mà gắt như mắm ấỵ Thôi được, mình cứ lo cho mẹ đị Nhớ gọi cho em thường. Chừng nào cần thêm tiền thì nói cho em haỵ Vợ chồng chú Phong ra sao? mấy đứa bé lớn lắm hả anh? Chúng nó có thích quà bố mang về không?
Ông Toàn dịu lại:
- Đã bảo là về anh đến nhà thương thăm mẹ liền rồi về nhà ngủ. Chợt tỉnh anh gọi cho em, chưa có thì giờ gặp mấy đứa con chú Phong nên quà cáp vẫn còn kia...
- Thôi, cái gì cần trước thì lo trước. Vài hôm nữa đưa quà cũng được. Nhớ nói em thăm vợ chồng chú Phong nhé... À, nhưng mà em dặn này, bố có đi chơi với bạn chút chút thì đi chớ đừng đi bia ôm bia ấp, tắm hơi tắm hướng,cà phê cà pháo gì đấy nhé....
Ông Toàn cắt ngang:
- Lại rắc rối! Về chủ đích là chỉ lo cho mẹ. Chính cô cũng hối tôi về, thế mà vừa về có hai ngày cô đã hỏi han răn đe đủ thứ. Sao cô không cùng về với tôi để giờ cô lắm chuyện...
Bà Toàn dịu giọng:
- Thì em có nói gì đâu, chỉ dặn anh thế thôi mà. Thôi em bận, anh đi thăm mẹ nhớ nói em bận cửa hàng không về được và chúc mẹ mau mạnh nhé.
BàToàn cúp máy rồi lẩm bẩm một mình:
- Cái ông này lúc này làm sao ấy, đổi tính đổi nết đến khó chịu. Nói có thế thôi mà gắt ầm lên.
°
Ấy, với bà Toàn ông vẫn theo sách lược ồn ào đàn áp.. Nghĩa là mỗi khi nói chuyện với bà, ông không muốn bà đi sâu vào chi tiết việc gì ông muốn giấu hay khi biết mình trái hoặc đuối lý ông thường làm bộ gắt toáng lên để chặn đứng bà tại chỗ. Bản chất một người đàn bà Việt Nam có giáo dục, bà Toàn dịu dàng, hiền, chịu đựng và yêu chồng nên lúc nào cũng nhường nhịn. Nhất là từ tháng Tư năm 1975, sau một thời gian dài đi tù cộng sản, ông Toàn sang Mỹ theo diện HO và không thích ứng với hoàn cảnh xã hội Hoa Kỳ nhanh như bà nên ông có nhiều mặc cảm. Bà Toàn thì sau khi cùng chồng con đến quê hương mới, bà thấy vùng bà ở có nhiều người Việt nên bà đã nhờ Nhạn, người em gái sang tị nạn từ năm 75 giúp lo mọi thủ tục cần thiết để bà mở cửa hàng bánh cuốn. Bà lấy tên ông đặt cho tên tiệm. Thế là bà thành bà Toàn Bánh Cuốn. Bà Toàn Bánh Cuốn kiêm đủ mọi chân trong cửa hàng, vai chính là trong bếp. Ông Toàn trở thành ông Toàn Bánh Cuốn nhưng là người thâu ngân của tiệm và lo việc bên ngoài. Bà tráng bánh rất ngon, mềm và dai, ai ăn cũng nhớ. Nghề này bà học được ở một bà cô họ trong khoảng ông Toàn đi tù cải tạo.
Nhờ trời, bánh bà tráng ngon, ông tiếp đãi khách vui vẻ lịch thiệp nên tiệm bánh cuốn Toàn chẳng bao lâu màchật khách. Bà phải mướn thêm vài người trong bếp và một người phụ chạy bàn với ông. Chỉ vài năm, ông bà mua được nhà, xe cho mình và các con. Con ông bà ba người, một người mới lập gia đình năm ngoái, còn hai người đang học đại học. Thái và Thúy rất ngoan, đi học về là đến cửa hàng tiếp tay với bố mẹ. Thế là bà Toàn Bánh Cuốn trở thành nguồn cung cấp tài chính căn bản và dĩ nhiên là quan trọng trong gia đình. Ông Toàn tuy nhàn nhã với chân giữ két của tiệm nhưng đôi khi không giấu được mặc cảm thua kém sự nhanh nhẹn và tài xoay trở của bà. Bà biết thế nên càng thương chồng hơn. Càng thương chồng, bà càng nhịn, có khi bà thấy bà nhịn ngay cả lúc ông trái be trái bét.
°
Ngưng nói chuyện với bà, ông Toàn bỏ điện thoại lên chiếc bàn con cạnh đầu giường rồi quay sang ôm người đàn bà nằm bên cạnh. Đào đang lim dim ngủ, cô đưa một tay ôm ngang bụng ông và rúc đầu vào nách nũng nịu:
- Gớm, mới đi có hai ngày mà nhớ bả rồi hả. Gọi gì mà gọi sớm thế, còn nói chuyện lâu nữa Coi chừng em giận à nha.
Ông Toàn ôm chặt thân thể trẻ của Đào:
- Gọi giờ này thì bả mới rảnh. Cũng phải gọi để bả khỏi nghi chứ em. Bả mà nghi, bả mò về đây thì chúng ta mệt đó.
- Hứ, có anh mệt chứ em sức mấy mà mệt. Anh sợ bả qúa thì anh về đây làm chi?. Giờ em mới biết vì anh sợ bả qúa nên mấy năm rồi anh chẳng giải quyết được gì ráo. Em chờ đợi hết nổi rồi. Còn thằng Tú nữa, tuy không là con anh nhưng nó yêu thương anh như cha ruột. Nó ước ao được khoe với bạn bè là nó cũng có cha như mấy đứa trẻ cùng tuổi của nó anh thấy hông?. Tội nghiệp thằng nhỏ mới bốn tuổi đầu, nó nghĩ anh là ba nó thật, bộ anh không thương nó và không thấy nó vui mừng ôm lấy anh khi đón anh ở phi trường hay sao chớ.
Ông Toàn hôn lên tóc người đàn bà dỗ ngọt:
- Anh dừng lại hết công chuyện để về với em, em không thấy sao? Đừng trách anh làm không khí mất vui đi. Lúc nào anh cũng cố gắng tìm cách hợp thức hoá tình trạng chúng mình để đưa em và thằng Tú qua đó với anh. Vì lo cho em, mỗi tháng anh gởi tiền cho em ăn xài đầy đủ, em không thấy đó là tình yêu và sự cố gắng của anh à?
Đào dịu giọng:
- Ừ thì anh có gởi tiền đầy đủ thật nhưng em muốn được chính thức làm vợ anh kià. Em muốn lúc nào cũng được ở bên anh, pháp lý và tình cảm. Em yêu anh và cần anh, anh không thấy hả?
Nghe Đào nói yêu ông, cần ông, ước ao được làm vợ ông và làm vợ ông là điều hạnh phúc nên nàng lúc nào cũng muốn được ở bên ông, ông hài lòng, sung sướng. Tự ái của người đàn ông được vuốt ve tới cùng.. Ở Mỹ, vợ ông tuy giỏi giang tần tảo thật nhưng bà có bao giờ nói là cần ông đâu. Lúc nào bà cũng tất tả quay cuồng với công việc chứ nào có ngó ngàng gì đến ông. Cả năm sáu năm nay, từ ngày bà là nguồn cung cấp chính và duy nhất của gia đình thì ông thấy ít khi nào bà ngồi lâu với ông chứ đừng nói đến là bà nói bà yêu ông, cần ông như Đào thủ thỉ với ông thế này, thậm chí, nhiều khi bà như quên cả có ông hiện diện. Có lẽ tại bà là nguồn thu nhập chính trong gia đình nên bà coi thường ông. Chính ông còn phải lãnh lương của bà nữa kia mà. Gọi là lãnh lương chứ mỗi ngày ông lấy năm bảy chục một trăm thì bà đâu có kiểm soát được. Hơn nữa, bà tuyệt đối tin chồng, tối đến, sau khi đóng cửa tiệm, bà dọn dẹp thi ông đếm tiền. Sau đó ông đưa cho bà bao nhiêu thì bà biết chừng ấỵ Ông tiêu tiền thoải mái, muốn mua gì bà không cản nên có bao giờ bà nghĩ chồng mình phải lấy giấu riêng. Tiền giấu bà, ông không dám xài mà gom lại, tháng tháng gởi về cho Đào.
Vì ông Toàn còn mẹ ở Việt Nam, bà Cụ không đi Mỹ khi ông bảo lãnh mà chỉ muốn ở lại với người con út, chú Phong, nên mỗi năm ông đều về thăm bà Cụ một lần. Ông thường đi một mình vì bà Toàn là người tráng bánh. Ở tiệm Bánh Cuốn Toàn, bánh ai tráng cũng không ngon bằng bà nên nếu vắng bà là vắng khách.
Cửa tiệm là nguồn lợi thâu thu duy nhất của gia đình, có trăm thứ phải chi và có hai người con đang học đại học nên cả tuần bà chỉ dám nghỉ ngày thứ ba.
Mới tháng Năm ông về thăm mẹ xong thì tháng Tám mẹ ông đau. Bà cụ tuổi già nên đau ốm không tránh được. Nhưng sự đau ốm của bà cụ không nặng như cú điện thoại ông nhờ em ông gọi để báo tin cho vợ ông tuần trước. Trước đó, khi chú Phong gọi ông báo tin mẹ đau, ông bảo chú rằng:
- Mẹ già rồi như ngọn đèn trước gió, nghe tin mẹ đau anh muốn về thăm nhưng ngặt mới về vài tháng trước, bây giờ anh tự ý về chắc chị không vui. Hay là chú gọi chị nói là mẹ đau, mẹ muốn gặp anh cho anh dễ bề ăn nói với bà ấy nhé.
Thế là ông Toàn được vợ lo cho chu đáo từng món quà cho chuyến đi và tiền lo thuốc cho mẹ chồng rất trọng hậu. Người đi đón ông ở phi trường không là chú Phong mà là Đào. Lý do chỉ vì Đào giận dỗi, đòi bỏ ông đi lấy chồng, nếu ông không về ngay để giải quyết chuyện tình của họ nên ông mới có chuyến đi không định trước nàỵ
°
Hơn hai năm trước, trong một dịp về thăm mẹ, ông đi chơi với ngươì bạn và quen Đào ở tiệm cà phê. Đào còn trẻ lại xinh đẹp. Đào biết ăn nói và biết nhõng nhẽo, biết liếc mắt đưa tình. Từ ngày quen Đào, ông cảm thấy đời có ý nghĩa và thấy mình trẻ lại, vì thế, ông chăm về thăm mẹ lắm, ông bảo với bà là cụ gìa rồi, nay mai ai biết lúc nào nên có khi một năm ông về đến hai lần, dù mỗi lần chỉ vài tuần. Gặp Đào, ông mê Đào ngay và đề nghị Đào nghỉ làm ở tiệm cà phê để ở nhà săn sóc thằng Tú, con của Đào và ông sẽ gởi tiền về hàng tháng cho Đào tiêu dùng. Đào đồng ý với đề nghị của ông, cộng thêm lời hứa hẹn là sẽ thu xếp chuyện nhà để chính thức cưới Đào đem nàng đi Mỹ. Cuộc tình giữa ông và Đào êm ả với số tiền một ngàn đô la mỗi tháng và những lần ông về thăm ngập quà ngoại quốc.
Ở không cả năm, Đào nhớ lại không khí sống động ở tiệm cà phê nên ghé chơi. Chị Năm, chủ tiệm mừng rỡ, rủ Đào đi làm lại. Đào bằng lòng làm cuối tuần và do đó, Đào quen một chàng Nhật Bản. Anh chàng Nhật này trẻ hơn ông Toàn, có việc làm tại VN, Nếu Đào lấy được hắn, với số lương kia, cuộc sống của Đào phong lưu hơn vài bậc. Có nhà đúc, có xe hơi, có người giúp việc. Nhưng vì chưa chắc chắn với ông Nhật và còn chút tình với ông Toàn nên Đào gọi điện thoại cho ông về ngay để giải quyết chuyện của hai người. Ông Toàn về Việt nam ở với Đào nhưng cuối tuần thì Đào viện cớ phải đưa con về ngoại nên ông Toàn đến ở nhà Phong. Bà Toàn ở Mỹ, vẫn cặm cụi tráng bánh, chẳng biết chuyện gì, ngoại trừ chuyện gởi thêm tiền cho ông đến hai lần để ông... lo cho mẹ đang đau yếu.
Thấm thoắt ông Toàn về Việt Nam đã gần hai tháng. Càng ngày ông lại càng thưa gọi về nhà. Mỗi khi gọi bà, ông có mặc cảm tội lỗi. Ông biết rất rõ việc ông làm là rất không phải với bà nhưng khi bà hỏi chừng nào ông về và sức khoẻ của mẹ chồng ra sao thì ông lại nói quanh co không đầu không cuối. Bà Toàn thấy lạ nhưng vì tin chồng, bà không muốn gọi chú Phong để hỏi, sợ làm mất mặt ông. Nhân tiện có cô Nhạn, em gái bà về ăn đám cưới đứa cháu bên chồng cô, bà Toàn nhờ cô lại thăm mẹ chồng đau nên mới lòi ra cớ sự.
Câu chuyện đổ bể, không còn giấu được. Ông Toàn như người ngồi trên lửa. Một mặt bà Toàn giận không tiếp điện thoại và ba đứa con ông gọi trách hờn khóc lóc. Một mặt Đào đay nghiến hăm dọa đi lấy chồng, ông Toàn cứ rối cả lên, không biết giải quyết cách nào cho ổn. Làm sao ông có đủ can đảm để nói thật với Đào về hoàn cảnh gia đình ông. Bởi ông biết khi ông nói ra, hình ảnh đẹp đẽ của ông trong Đào sẽ tan biến hết. Đó là sự thật mà ông sợ vô cùng. Đào chỉ biết ông là chủ nhà hàng ăn, có mực thu nhập khá cao qua cách ông tiêu xài rộng rãi với Đào. Mỗi tháng ông gởi cho Đào cả ngàn đô để Đào ăn xài thoả thích chứ đâu có hiểu rõ là tiệm bánh cuốn hoàn toàn do công sức của bà. Rời bà và tiệm bánh cuốn ra, ông kiếm ở đâu ra cho đủ tiền nuôi sống bản thân ông và mỗi tháng gởi cho Đào. Vì thế, ông có về để gặp Ðào nhưng chả giải quyết được gì.
Từ khi biết chuyện, bà Toàn không gởi thêm tiền cho ông nữa. Tiền cạn, Đào nhắc:
- Chừng nào anh mới đi về bên đó thu xếp với bà ấy cho xong để còn lo cho em hả? Em cho anh thời hạn là ba tháng. Sau ba tháng ấy, anh không lo xong chuyện thì anh đừng gặp em nữa.
Ở bên Đào đã gần ba tháng rồi, ông cũng muốn " về lại bên ấy " như lời Đào nói lắm nhưng về bằng cách nào đâỵ Bà Toàn thì không bảo ông về, các con ông cũng không gọi ông về mà mỗi lần nói chuyện chỉ kể công lao vất vả của mẹ và trách móc ông bội bạc.
Nhưng Đào không chờ đến ba tháng như cô cho ông thời hạn mà từ khi biết ông khan tiền Đào lạnh lùng ra mặt. Hình như sự thông minh của Đào đã cho cô biết thực lực về nguồn tài chánh của ông. Vì thế, Đào không cần giấu giếm nữa, một buổi chiều ông thấy Đào trang điểm thật đẹp, mặc áo đầm đắt tiền và đi chơi tới gần sáng mới về. Ngay đó, ông và Đào gây lộn và ông đã chua xót đau đớn đến bàng hoàng khi Đào nói thẳng với ông:
- Em nói thật cho anh biết, em đã trên tuổi ba mươi, Em cần có một mái ấm gia đình, cần một người chồng trẻ như em, có đủ điều kiện, đủ khả năng để lo cho em về mọi mặt. Anh, nói anh đừng buồn, chưa chắc anh đã có đủ khả năng lo cho em đâu. Số tiền một ngàn đô anh cho em mỗi tháng đó, nhiều thật nhưng với em, vẫn không đủ cung cấp cho em một đời sống thoải mái như em mong muốn. Lại nữa, anh có vợ. Với vợ anh, anh không dứt khoát được thì làm sao mà em chờ đợi được. Em nghĩ, lúc này là lúc chúng ta nên thành thật với nhau và dứt khoát chia taỵ Thôi, anh hãy về với vợ con anh đi và em sẽ nhận lời người khác. Nói thật với anh, tối nay em đi chơi với anh ấy, anh ấy đã cầu hôn với em và em đã nhận lời.
Vừa nói, Đào vừa chìa tay ra. Một chiếc nhẫn kim cương lấp lánh trên ngón tay áp út.
Ông Toàn cảm thấy hoa mắt. Toàn thân ông đóng băng như bị ngâm vào nước đá. Một cảm giác tê tái, thua cuộc giống như cảm giác ông bị cán bộ cộng sản nhục mạ lúc ở trong tù. Giận qúa, không kềm nổi, ông vung tay đập mạnh xuống bàn rồi ném cái ghế về phía Đào. Đào ngã chúi, cô khóc và chu chéo ầm lên. Công an khu vực ập đến còng tay ông đưa đi nhốt ở trụ sở công an phường trước hàng chục con mắt tò mò bu lại.
Được tin, Phong đến gặp ông. Nhờ có một tên công an vẫn theo đuổi con gái, Phong lãnh được ông về nhưng cũng phải chi cho cả bọn hai ngàn đô cho trắng chuyện. Về đến nhà Phong, ông Toàn ngã bịnh.
°
Phong vừa đi làm về thì tiếng chuông điện thoại reo:
- Chú hả chú? Cháu chào chú ạ. Chú có biết bố cháu ở đâu không chú. Cháu gọi bố mấy tuần nay mà bố không bắt máỵ
- Thúy phải không? Bố đang nằm nghỉ trên lầu. Mấy tuần rồi bố đau Thúy ạ
Giọng Thúy hốt hoảng:
- Bố cháu đau sao hở chú? Nặng hay nhẹ? cháu có thể nói chuyện với bố cháu không?
- Được chứ, Thuý chờ, chú đem phôn vào phòng cho bố.
Cầm phôn, giọng ông Toàn đầy nước mắt:
-Thúy đó hả con. Mẹ có khoẻ không? Mẹ giận bố lắm hả? Tôị nghiệp me.. Bố ân hận qúa con ạ. Càng nghĩ bố càng thấy mình qúa nông nổi vàcó lỗi với mẹ với các con nhiềụ Cũng tại bố cứ nằm mãi trong cái vỏ ốc của mình nên bố đã mặc cảm với sự thành công của mẹ. Mẹ thì bận tối ngày lo sinh kế cho cả nhà, bố không cảm thông cho mẹ mà lại cứ nghĩ mẹ coi thường bố, không còn yêu thương bố như ngày xưa. Bởi thế....khi gặp người nói ngon, nói ngọt, đưa bố lên mây, bố thoả mãn tự ái, bố đã lầm lẫn u mê.....Thôi, con nói với mẹ, bố xấu hổ lắm, bố không dám nhìn mặt mẹ và các con nữa đâu. Bố ở lại đây với bà nội. Khi nào bà nội trăm tuổi, bố sẽ tính sau....
- Muộn rồi, bố..... Tuần trước chú Phong phôn cho mẹ xin lỗi việc chú nghe lời bố mà gọi mẹ báo tin bà nội cần bố về bên cạnh. Chú nói, nếu chú không gọi bố, thì nay đã không có chuyện xảy ra, và bố đã không bị công an bắt nhốt....Chú giấu không cho bà nội hay chuyện sợ bà nội buồn...
- Con nói không đúng lắm đâu. Chuyện xảy ra từ hơn hai năm nay rồi chứ không phải vài tháng trước. Việc công an bắt nhốt bố chỉ là kết quả của sự lầm lạc của bố mà thôi. Chú không có lỗi. Người có lỗi trong vụ này chỉ là bố. Bố ân hận lắm. Nằm đây, bố suy nghĩ rất nhiều. Bố nhớ thương mẹ và các con vô cùng. Nhưng như bố đã nói, bố ân hận lắm, các con tha lỗi cho bố và bố nhờ con nói lại với mẹ là bố xin lỗi mẹ. Bố xấu hổ lắm, không còn đủ tư cách để gặp lại mẹ và các con nữa đâu....
- Muộn rồi, bố...bố không có thể....
Cửa phòng xịch mở, bà Toàn bước vào. Ông Toàn tưởng mình nằm mơ. Chiếc phôn rơi khỏi taỵ Như một phản xạ, ông đưa hai tay ra đón lấy bà.
Bà Toàn ngã vào vòng tay chồng. Ông Toàn ôm chầm lấy vợ trong niềm thương yêu và hối hận. Một phút im lặng. Bà cảm thấy xúc động như ngày ông ôm bà lần đầu. Những giọt nước mắt lặng lẽ trào trên má hai người. Ông nâng mặt bà, dùng tay lau những dòng nước mắt trên đôi má đã có vết nhăn và ông cúi xuống hôn lên đó. Bà ngước nhìn ông mỉm cười rồi cùng ngồi xuống:
- Anh ạ, Lúc dì Nhạn nó gọi về nói anh có bồ bên này, em giận lắm, tính trả tự do cho anh đi luôn. Nhưng khi chú Phong gọi phôn xin lỗi và nói hết những gì anh tâm sự với chú thì em suy nghĩ suốt đêm. Em thấy mình có lỗi phân nửa trong việc anh làm. Lỗi của em là em đã vì công việc mà quên đi rằng em còn là người bạn đồng hành của anh nữa. Quên đi rằng đời sống ngắn ngủi và em dù vẫn bên anh nhưng đã để anh cô đơn một đoạn đường. Vì thấy mình có lỗi nên em thu xếp công việc, đóng cửa một tuần để về thăm mẹ và tìm anh. Cũng may mà cô Đào có tính thẳng thắn và dứt khoát chứ không thì cũng khó xử cho chúng ta. Từ nay, mỗi năm em sẽ đóng cửa tiệm hai tuần, dành thì giờ cho riêng các con và cho anh.
À này, nhà mình có tin vui, ông bà Chung hai tuần trước đã đến thăm và xin hỏi con Thúy cho thằng Mẫn. Em nói với họ là chờ anh về thì làm lễ đính hôn. Như vậy, lễ đính hôn sẽ vào trước Tết. Tết này, có thêm chàng rể tương lai, chắc nhà mình vui lắm anh nhỉ...Thôi, anh dậy tắm rửa cho khoẻ rồi mời gia đình chú Phong đi ăn với chúng mình xong tất cả cùng đi thăm mẹ.
Có lẽ đây là lần thứ nhất, từ sau tháng Tư 1975, ông Toàn làm theo lời vợ mà không một tiếng cằn nhằn...
Ngô Minh Hằng

Xem Tiếp: ----