au ngày đất nước rơi vào tay của chính quyền mới. Không riêng gì cô Tình, một nữ sinh trong trắng thơ ngây đã sa vào một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã. Đó là những ngày cuối cùng khi Sài Gòn thất thủ, người chồng vừa đính hôn không lâu đã chết bất đắc kỳ tử khi đang trên con đường di tản từ miền Trung trở về Sài Gòn. Cô nữ sinh trung học khóc ngất khi được bên nhà chồng cho hay tin và rồi hai tháng sau cô mới bắt đầu cảm thấy cơ thể mình khác lạ thì mới biết mình đã mang thai với vị hôn phu đã qua đời.
Đất nước đang đi vào khúc quanh của lịch sử và những người dân của miền Nam cũng bị thay đổi cuộc sống như trò chơi định mệnh của một ván bài. Những người giàu có bị chính quyền đương thời chiếm đoạt hết tài sản khổ công xây dựng bằng mồ hôi nước mắt bấy lâu. Con bài gian lận gán cho cái tội ăn trên xương máu nhân dân, thế là khi con bài bật ngửa ra trắng tay rồi còn bị đưa đi tù đày. Gia đình của Tình cũng bị nằm trong cuốn sổ bìa đen tăm tối đó. Tài sản bị tịch thu ngang nhiên đến trơ trẻn.Cũng may còn căn nhà lụp xụp, đó là căn nhà kỷ niệm được cha mẹ của Tình gầy dựng lên mấy năm sau khi vừa được di cư từ miền Bắc vào miền Nam. Căn nhà cuối cùng rất chật hẹp trong một đường hẻm nhỏ, vậy cũng chứa hết gia đình của Tình tất cả 10 người và một đứa cháu ngoại tương lai đang nằm trong bụng của Tình.
Những cơ ngơi làm ăn hưng thịnh của gia đình đã bị phong niêm và ba của Tình đã bị đưa vào tù đày. Mẹ của Tình đứng trước hoàn cảnh đó tinh thần đã sụp xuống và bỗng biến thành như người mất trí. Trong gia đình anh chị em phải bương chải ra cuộc đời để kiếm sống từng bửa một. Khi no khi đói là chuyện thường có trong gia đình,nên cũng từ cái hoàn cảnh bi đát đó mà hầu như ai cũng chỉ tự lo cho bản thân để sống còn.Riêng Tình còn phải lo luôn cho mẹ nữa.
Tình càng ngày cái bụng càng to vậy mà phải mỗi ngày đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi gõ cửa từng nhà trong xóm để hỏi ai có cần mang bột mì tới chỗ chế biến ra sợi mì. Khi xong việc mang trả về lại thì họ sớt chia cho công lao của Tình là nửa ký mì sợi. Lúc đó làm gì có gạo mà mua, nhà nước chỉ bán bột mì vậy mà còn phải chen chúc xếp hàng để mua.Bột mì thì phải chế biến, những người biết thức thời đã mở ra cái lò để chế biến ra mì sợi thật vô cùng thông minh. Tiền công để mang bột mì tới chế biến đôi khi gia đình Tình cũng không có để trả, nên Tình chế biến bằng cách nhồi bột rồi cắt ra thành bánh canh rồi nấu với chút xíu tép khô để ăn, để nuốt cầm hơi cho qua ngày đoạn tháng.Vậy mà có khi đạp xe vì quá đói tay chân run rẫy đạp không qua cái vũng sình làm chiếc xe nghiêng nhào xuống lăn lóc luôn cả bao bột mì xuống vũng sình. Tình ngồi bệt xuống đất mặt mày hốt hoảng vì biết làm sao để đèn lại cho người ta đây?. Cô cứ thế mà khóc òa khiến cho người đi qua nhìn thấy thật ái ngại dùm cho cô.
Con người khi đi tới tận cùng của nỗi khổ thì cũng đâm ra lanh lợi. Cô Tình hiền lành ngay nào nay thừa khôn ngoan xông pha ra giữa cuộc đời để tìm sống. Cô xoay trở gian nan thì có được chút vốn, rồi tìm một góc đường bày ra hai cái bàn và tám cái ghế nhỏ để bán cà phê. Cái lạ cô Tình lúc còn con gái đâu biết uống cà phê vậy mà không biết học từ nơi đâu lại biết pha cà phê ngon tuyệt. Thế là quán của cô lúc nào cũng có khách, thiếu ghế thì khách ngồi bừa xuống đất rất tự nhiên,bởi khách của cô phần nhiều là dân lao động như anh xích lô, ông ba gác, mấy bạn hàng rong và dĩ nhiên là không thiếu những tay anh chị đang ẩn mình dưới bộ dạng hiền lành tới lui đều đặn.
Rồi sáng nắng chiều mưa Tình vẫn bạm trụ lấy cái góc lề đường đó bằng cách mỗi đêm xếp tám cái ghế lại thành cái gường để ngả lưng. Trời không mưa thì nằm tênh hênh ngửa mắt ngó trời đếm sao. Có hôm cơn mưa kéo tới thì lấy tấm bạt to trùm phủ lên người mặc cho mưa rào từng trận rơi xuống lộp độp trên người, nghe riếc cũng quen, giống như một khúc hòa tấu êm ái để ru vào giấc ngủ chập chờn chan hòa cùng với những giọt nước mắt tủi nhục nhọc nhằn.
Khi đứa con tròn ba tháng. Tình phải mang con theo bên mình để cùng nhau dầm sương dải nắng cơ khổ trăm bề. Hoàn cảnh của Tình bỗng dưng có một ngày lọt vào đôi mắt của một người. Phải nói là một tay anh chị không phải là đại ca vang bóng như những đại ca,có tên có tuổi.Nhưng những người trong giới giang hồ vào thời điểm trước khi mất nước cũng từng biết qua. Là tay chơi mã thượng, chơi đẹp chơi rất anh hùng và một con người đầy nghĩa khí Đúng là "anh hùng ngộ gái thuyền quyên".
Một cuộc gặp gở giữa một người vừa lang bạc khắp nơi trở về lại quê nhà để phụng dưỡng mẹ già với nghề đạp xích lô. Và một người đàn bà chân yếu tay mềm một mình nuôi con chịu đựng biết bao nỗi tủi nhục giữa chợ đời. Thời thế đã đưa họ đến bên nhau như một sự an bày của định mệnh.Cô Tình vẫn nhìn thấy ra trong bộ dạng của một người đàn ông ngày ngày ghé qua quán cóc của Tình, thường lếch thếch bê bối với chiếc quần jean cũ mèm với chiếc áo bạc màu nhưng cũng không giấu nỗi vẻ lịch lảm của một thời vang bóng. Còn người đàn ông không cần phải nghĩ ngợi, chỉ với kinh nghiệm từng trải khi nhìn thấy Tình với chiếc nón lá trên đầu với hai bàn tay pha chế cà phê nhanh nhẹn, cùng gương mặt đẹp còn phảng phất hình bóng của cô nữ sinh áo dài trắng tóc mây là một người đàn bà có ăn học và gia thế ngày trước rất cao sang.
Chẳng bao lâu người ta thấy Phước mỗi ngày ghé tới quán cà phê thường hay bồng ẩm cháu Nu con của Tình rất tự nhiên. Và chuyện gì đến thì nó phải đến mà thôi. Phước đã về bẩm thưa với mẹ già để đưa Tình và cháu Nu về sống chung. Thế là một mái gia đình thật vô cùng hạnh phúc dẫu sống trong sự nghèo khó chật vật, có khi cháu Nu phải uống nước cháo thay cho sửa. Phước vẫn chạy xích lô, cháu Nu được bà nội chăm sóc. Tình lúc đó phải tính toán sao cho gia đình khá hơn,con cái đã có mẹ chồng giúp đỡ nên rộng tay lao vào đời cơm áo,Tình bỏ cái quán cà phê mỗi ngày đôi khi không kiếm nỗi bữa cơm cũng cảm thấy luyến lưu. Tánh khi của Tình như đàn ông, cương cường nói là làm, với cái túi chút ít tiền lẻ đi lên trung tâm Sài Gòn đứng la cà ở những viã hè gặm bánh mì khô để chờ thời cơ. Thời đó những người từ nước ngoài vừa được trở về thăm quê hương, muốn đổi tiền dolla ra tiền Việt Nam cũng phải đổi chui rúc không hợp pháp. Cô Tình khôn ngoan lanh lẹ nên có người chịu đứng ra hợp tác bằng cách là Tình rà như ra đa rà theo những người Việt Kiều đang tìm người để đổi tiền. Với vóc dáng và lời ăn tiếng nói của một người có ăn học, Tình đã được tin tưởng từ hai phía người mua và người bán.Những khoảng lợi nhuận hoa hồng không ít trong công việc này.
Đời sống bắt đầu đã có chiều hướng đi lên và như người ta thường nói, khi mà đã gặp hên rồi thì mọi thứ chung quanh đều xãy ra những điều tốt đẹp. Sự may mắn trong công việc làm ăn đang thuận lợi, thì người mẹ già lại được giấy tờ bảo lãnh của người con trai thứ hai là em của Phước đứng ra lo cho mẹ đi qua Mỹ đoàn tụ. Căn nhà bà cụ sang tên lại cho Phước và sau khi bà cụ rời Việt Nam thì với đầu óc kinh doanh Tình bàn với chồng mang căn nhà đi thế chấp để mở một gian hàng bán áo quần tại con đường Tạ Thu Thâu mà bấy lâu nay Tình đã quen thuộc đường đi nước bước. Có vốn, có kinh nghiệm làm ăn cửa hàng của Tình càng ngày càng phát triển lớn. Những hình ảnh cơ cực ngày nào đã như một cuốn phim coi như diễn xong vai trò.
Hai vợ chồng Tình trở lại hình dạng của chính mình, lịch lãm và cao sang. Cái ăn cái mặc đã trở nên dư thừa thì đời sống tình cảm bỗng dưng lại thấy thiếu khi Tình cứ luôn miệt mài để đi kiếm tiền bởi ai cũng phải thông cảm cho cô khi nghĩ lại cái nghèo trước đây thật sự là quá kinh hoàng, vì thế mà cô cứ lao tới với đồng tiền không hề cảm thấy mệt mỏi.
Còn Phước mỗi ngày thấy Tình như đã hoàn toàn thay đổi, anh bỗng dưng trở thành người thụ động, không còn chủ kiến của riêng mình. Anh thấy cái tôi của mình hầu như không còn có chút giá trị bên người đàn bà quá tháo vác và giỏi giang như Tình. Thế là trong gia đình đã bắt đầu có một vết rạn nứt và khi Tình nhìn ra điều này thì đã quá muộn màng. Phước không còn là Phước của hai mươi năm về trước. Anh đã mạnh dạng tuyên bố chấm dứt mọi sự khi bên cạnh đang có một người đàn bà trẻ đẹp hơn Tình. Đứng trước sự đổi thay quá hết sức bất ngờ,Tình thật vô cùng chới với. Lòng tự trọng và tự biết mình không làm điều gì sai sót khi chỉ muốn cố làm cho thật nhiều tiền để khỏi bị cái chữ nghèo ngày nào đeo bám ám ảnh.
Tình biết ly nước đã tràn khó mong hốt lại được khi Tình chính mắt nhìn thấy Phước đã công khai ăn ở với cô gái trẻ đẹp kia. Căn nhà là gia sản của Phước nên Tình bước ra với hai bàn tay trắng để về sống chung với đứa con gái đã lập gia đình ra riêng. Cũng may đứa con rễ hiếu thảo nên bên con bên rễ Tình cũng vơi đi những nỗi buồn rầu. Đời sống với khối óc và đôi bàn tay giỏi giang như Tình lại đưa Tình đi ra một lối rẽ khác. Tình được cô bạn thân thời trung học trong một lần về thăm nhà gặp lại. Tình bạn vẫn như ngày nào không thay đổi đã đưa Tình sang nước Mỹ theo diện du lịch chơi cho biết xứ người. Tình đến nước Mỹ vui chơi nhưng đầu óc lại nảy sanh ra chuyện làm ăn kiếm lợi, nên thong thả đi qua mua hàng, đi về bán lại kiếm lời mấy lần rồi cuối cùng quyết định ở lại nước Mỹ khi may mắn có một người cũng là bạn thân gặp lại chịu đứng ra làm giấy tờ hôn nhân.
Tình quyết định chọn đất nước thứ hai để làm quê hương và coi như tự cố gạt hình bóng của Phước ra khỏi đời mình.Tình mua hàng bên này gửi về cho con gái bán buôn. Thì chưa đầy ba năm Tình nghe tin Phước bị bệnh nặng.Nghe con gái gọi hỏi mẹ có về thăm bố không? đứa con gái vẫn quan tâm tới người bố sau như chưa bao giờ trong gia đình đã xãy ra rạn nứt. Nghe con hỏi nước mắt Tình lại rơi rồi lòng bồn chồn lo lắng. Tình vội vã thu xếp để về thăm Phước dầu gì nghĩa cùng là nghĩa tận và đâu ai chấp trách chi với người đã ngả ngựa. Người phụ nữ trẻ nghe đâu đào được một số tiền lớn của Phước rồi cao bay xa chạy theo người tình đồng trang đồng lứa với mình khi hay tin Phước bị bệnh nặng.Tuổi trẻ nên cô ta đâu có kiên nhẫn để hầu hạ chờ khi Phước qua đời để được hưởng gia tài, bỏ lại Phước với căn nhà lạnh tanh với căn bệnh phát tán nguy hiểm.
Tình trở về lại ăn nhà xưa, gặp lại Phước an ủi vổ về trước cái thân xác héo mòn của Phước. Tình không đi đâu hết, cùng Phước đến nhà thương tái khám và ở nhà cùng với Phước cơm nước, giặt dủ. Bạn bè đến thăm nhìn thấy cũng thầm mong cho hai vợ chồng hàn gắn lại khi nghe Tình nói đùa " tui là nữ cưu thương trên chiến trường " và có phải như trong bài hát " anh ơi trái đất vẫn tròn chúng mình hai đứa vẫn còn gặp nhau " không!?...
Trước tình cảm đối xử của người vợ cũ lòng Phước tràn ngập sự nuối tiếc những không dám mở lời tự trái tim mình muốn nói và chỉ ngập ngừng dò xét hỏi
_ em ở lại Mỹ theo diện hôn nhân chắc là em đã lấy chồng rồi phải không?
Tình cười vui nói
_ có thằng nào nó khùng cho tui 200 ngàn dolla thì tui dám lấy lắm à
Phước với đôi mắt sáng rỡ khi biết Tình chưa lấy chồng chính thức, chỉ là chồng trên danh nghĩa, Phước thấy mừng và nói rất mau, tiếng nói gần như lắp bắp.
_ vậy có thằng khùng là anh cho em, em có lấy không?
Nghe câu nói của Phước lòng Tình thấy như " con tim đã vui trở lại ", và rồi sau đó Phước đã ra luật sư làm giấy tờ cho Tình đứng chủ quyền căn nhà hợp pháp có giá trị trên cả 200 ngàn dolla. Phước làm xong điều này đã thấy yên lòng và cũng không còn mong hy vọng gì khi cơn bệnh gần như vô phương cứu chửa.
....
Kể từ khi về lại Mỹ.Mỗi ngày Tình đều nhận được một cú phôn từ Việt Nam gọi sang, Phước cho biết tình hình của cơn bệnh giống như một phép lạ đến vị bác sĩ theo dõi bệnh tình cũng ngạc nhiên hầu như đã không còn phát tác mà trở ngược lại như bị teo lại để trở nên bình thường trong cơ thể. Phải chăng tất cả là phát xuất từ tình yêu và niềm tin tưởng?. Và cứ thế mỗi tháng Tình ở Mỹ vẫn gửi tiền và những thùng quà thuốc men đầy đủ cho Phước bồi bổ.
Chuyện " Châu về hiệp Phố " có hay không thì thôi cứ để nó lơ lững vậy đi nha ai muốn hiểu sao thì hiểu.Vì thực sự nó chưa có đoạn kết thì làm sao mà người kể chuyện viết đây hè!?...
Mầu Hoa Khế
Jun-2012
 

Xem Tiếp: ----