ăm 1966 một cuộc triển lãm hội họa của họa sĩ L.V.T. được tổ chức tại phòng Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (đối diện đầu cầu Trường Tiền, đường Trần Hưng Đạo) dưới sự bảo trợ của vị Đại tá tỉnh trưởng. Trong phòng tranh hôm ấy, mắt tôi đập vào một bức tranh sơn dầu, với các gam màu tươi mát. Giữa không gian thăm thẳm và lồng lộng đó, một đường sáng chạy dài đến chân trời xa, theo một vạt màu đen như mái tóc của người con gái đang tung bay trong gió. Dưới góc bức tranh, ghi hàng chữ: “Phương Thảo trên đường chim bay”. Năm ấy tôi chỉ 16 tuổi, không phải là một người đam mê hội họa, nhưng tôi đã bị cuốn hút bởi bức tranh. Họa sĩ L.V.T. bây giờ ở phương trời nào, sống hay đã chết? Sau năm 1975, một người bạn của tôi kể rằng có thấy L.V.T chân đi dép cao su, đội mủ tai bèo theo chân những người lính miền Bắc vào tiếp quản miền Nam. Vài năm sau, lại nghe tin L.V.T đã vượt biên. Hư thực thế nào chưa kiểm chứng. Tôi có một kỉ niệm thuở niên thiếu với L.V.T. Năm 1965, một người bạn của tôi là họa sĩ Nguyễn Thi rủ tôi và một số bạn quen thân nhau làm một tạp san viết tay lấy tên là “Thu Cũ”. Tờ tạp san có nội dung phản ảnh những trăn trở của tuổi trẻ trong tình yêu, cuộc chiến. Tập san trình bày đẹp, chữ viết tay đẹp, …và trong đó có sự cộng tác của L.V.T. Tôi chỉ biết T và thấy T một đôi lần khi cùng người bạn đi bách bộ và gặp T lang thang trên con đường dưới gầm cầu Trường Tiền. Dạo ấy, tôi thấy T làm thơ tự do theo kiểu của Thanh Tâm Tuyền. Một bài thơ, tôi đã đọc thấy hay hay nhưng không còn nhớ nữa, trong đó có câu tôi nhớ mãi: “Như một chiều lên núi hái thiên nhiên” Trở lại bức tranh Tên bức tranh rất có ấn tượng, “Phương Thảo trên đường chim bay” Phương Thảo là tên một người con gái, một cá nhân cụ thể. Phương Thảo không phải là 1 đơn vị được gọi bằng những con số. Phương Thảo là một cá nhân sống động, độc đáo, là khát vọng hướng tới sự tự do, tuyệt đối. Phương Thảo là nghệ thuật. Nghệ thuật là gì? Phải khẳng định nghệ thuật không phải là một công cụ cho một giai cấp hay một thế lực nào. Nghệ thuật là công trình sáng tạo của một cá nhân, một chủ thể, nhằm tạo ra những tác phẩm vật thể hay phi vật thể. Nếu nghệ thuật nhằm đáp ứng những đòi hỏi tinh thần thì một trong những yếu tính của nghệ thuật là tự do. Mặt khác, nghệ thuật là phi thực (L’ art est irréel). Phi thực không phải là không thực, phi thực là dựa vào thực tại và biến đổi thực tại theo tư duy của chủ thể. Cézane khi nhìn thấy người họa sĩ vẽ cây sồi trên giá vẽ y như cây sồi mà anh ta đang nhắm để thể hiện, Cézane la lên: “Sao anh không lấy máy ảnh chụp quách”. Họa sỹ Paul Cézanne Nhà văn khi xây dựng một tác phẩm, viết một cuốn tiểu thuyết thì nhà văn dựa vào một mãnh đời nào đó, một câu chuyện nào đó, sắp xếp nhân vật và rồi có thể hư cấu nghiã là biến đổi câu chuyện, mãnh đời đó thành một tác phẩm theo quan niệm, cảm nghĩ của mình. Hoa diên vỹ, tranh Van Gogh Danh họa Picasso khi vẽ một bức tranh với mặt người trong đó có những con mắt lồi ra, lõm vào rất kì dị. Phải chăng họa sĩ muốn diển tả sự kinh hoàng của con người trong trận Chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng ta lưu ý một một họa sĩ khác của Huế: Cố Họa sĩ Bửu Chỉ. Chúng ta biết gì vê Bửu Chỉ? Những năm 1968 về sau, Bửu Chỉ là sinh viên Đại học Luật khoa Huế. Đất nước đắm mình trong bảo lửa chiến tranh, trong những biến cố chính trị. Sinh viên, học sinh dấn thân xuống đường đòi hỏi quyền dân tộc tự quyết, đòi hỏi hòa bình... Trong đó có Bửu Chỉ. Sinh viên Luật Bửu Chỉ thời kỳ ấy đã nổi tiếng với những bức tranh phản chiến chỉ dùng 2 màu đen trắng, được chuyền tay cho các bạn bè tranh đấu, được thể hiện trên tập san Đối diện của Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, … Ông bị chính quyền Sài Gòn bắt với tội danh nỗi loạn và bất phục tùng” Biến cố năm 1975 xảy ra khi Bửu Chỉ ở trong tù được phóng thích, với bao nhiêu kì vọng, tin tưởng một xã hội mới, Bửu Chỉ hăng say sáng tạo và tranh của Bửu Chỉ trở thành những áp phít cổ động cho chế độ mới, những công nhân, nông dân tay cầm búa, tay cầm liềm với tư thế xung phong, ông đặt tên::”Cách mạng gọi ta vào trận mới”. Với chính quyền mới, nghệ thuật phải phục vụ cho Đảng, cho quyền lực chính trị, nghĩa là phải ca tụng, phải tô hồng xã hội mới. Trong những năm tháng sau 1975, thời kỳ bao cấp với những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Bửu Chỉ sinh hoạt trong Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, ông vẽ trang bìa cho tạp chí với cảnh nhà máy vôi Long Thọ mà không có khói. Ám chỉ nhà máy Xã hội chủ nghĩa? Ông bị đem ra phê bình, kiểm điểm. Hơn mười năm sau, kể từ Nguyễn Văn Linh tại Việt Nam và Gorbachov tại Liên Xô, cụm từ “đổi mới tư duy” được hô hào và phổ biến rộng khắp. Ông Nguyễn Văn Linh, TBT của đảng CSVN tuyên bố: “Các văn nghệ sĩ đã được cởi trói”, Kể từ sự kiện đó, vấn đề tự do trong văn học nghệ thuật đã được đề cập. Tạp chí Sông Hương mở các cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề con người nhìn từ góc độ một chiều hay đa chiều? Bắt nguồn từ những bức xúc, họa sĩ Bửu Chỉ phân tích nghệ thuật trong hội họa với yếu tính tự do, anh nói: "...Khởi đi từ nhận thức rằng: nghệ thuật chỉ có trong tự do, nên làm nghệ thuật đó là công việc của cá thể. Vì vậy đòi hỏi sự trung thực và dũng cảm ở người sáng tạo...” (Bửu Chỉ: Bằng chính tôi, tôi đến với cuộc đời – Tạp chí Sông Hương, Xuân Mậu thìn năm 1988). Tranh Bửu Chỉ Tác phẩm nghệ thuật là tác phẩm có bóng dáng cái tôi. Điều này chúng ta tìm thấy nổi bật trong thi ca, trong hội họa và cả trong văn chương. Đã một thời tuổi trẻ say sưa tìm đọc các tác phẩm của nhóm Sáng tạo, Hiện đại, Thế kỉ hai mươi, Nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo, Thanh Nam, Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Cung Trầm Tưởng, Cung Tiến, Vương Tân, Quách Thoại, Trần Dạ Từ, Trần Thi Nhã Ca, …. Nói chung là những người cổ súy cho một nền văn học nghệ thuật tự do không bị ràng buộc vào những thói quen, những suy nghĩ cũ. Nhà văn Mai Thảo, chủ biên tờ Sáng Tạo và Nghệ Thuật Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền Nhà văn Nhã Ca Nghệ thuật là công việc của cá thể như cố họa sĩ Bửu chỉ đã khẳng định, do đó đừng ai nghĩ rằng sự thưởng ngoạn hay ghi nhận một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi sự khách quan hay dựa trên nền tảng lý trí để phê phán, như Kierkegard đã kêu gọi mỗi người hãy trở nên là chính mình và đừng bao giờ là cái bóng của đám đông. Nghệ thuật, ấy là sự bất tử, không bị thời gian đào thải. Nghệ thuật để lại cho những thế hệ kế tiếp những công trình văn hóa mà cả thế giới ngưỡng mộ. Những kì quan của thế giới, những lâu đài của các triều đại xưa xây dựng, văn minh Hy Lạp với các công trình kiến trúc, hệ thống triết học, văn chương, âm nhạc thế giới,... Vinh quang thay cho những người làm nghệ thuật. Khi vào Đại nội Huế, nhìn 9 cái lư đồng vĩ đại (cửu đỉnh), tôi ngậm ngùi tưởng nhớ những nghệ nhân đã làm ra nó, những người thợ đồ đồng ở làng Kim Long đã cặm cụi ngày đêm bằng mồ hôi, nước mắt để ngày nay chúng ta chiêm ngưỡng nó như một công trình văn hóa lưu lại dấu vết thủ công điêu luyện của những người thợ Việt Nam dưới thời đại quân chủ. Viết tới đây, tôi nhớ tới những họa sĩ, nhiếp ảnh gia, những nhà văn, nhà báo, thi sĩ, học giả, tư tưởng gia một thời của Sài Gòn. Thương nhớ làm sao những người mà tác phẩm của họ trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của tôi, những nhân vật của họ trở thành đề tài mà thế hệ chúng tôi bàn cãi. Ngày nay, một số những bậc tiền bối đã nằm xuống, một số đã ở nước ngoài, nhưng họ vẫn mãi bên tôi trong cuộc sống bằng hoài niệm, bằng những tác phẩm để lại cho đời. Những tác phẩm của họ không những ở trên kệ sách mà nằm trong hồn tôi. Người ta có thể đốt hết, phá bỏ hết nhưng làm sao có thể đốt được ý nghĩ, tư tưởng của những người đã được sống, trưởng thành trong môi trường sinh hoạt văn học nghệ thuật của Sài Gòn một thời… Nghệ thuật luôn luôn là sự thách đố với thời gian. (Tất cả hình ảnh trong bài đều lấy từ trên net. Xin chân thành cảm ơn các tác giả có hình trong bài)