ã quá một ngày đêm, Tuấn không hề ăn uống gì. Anh cứ quì mãi nơi góc nhà, miệng lẩm bẩm những câu gì không rõ .Trưa nay,Quyên cố gắng dỗ đút cho chồng  mấy muỗng cháo, nhưng cứ ngậm vào rồi Tuấn lại phun ra, mắt lơ láo, đờ đẫn, dáng hình tiều tụy trong bộ áo quần pyjama đã nhàu nát hôi hám mà mấy bữa rồi, anh nhất định không cho Quyên thay. Những con ruồi xanh được dịp, đậu cả trên mặt mũi anh. Quyên thở dài, đưa tay đuổi thay cho chồng. Hồng Quỳnh, đứa con gái lên ba của vợ chồng Quyên, có lẽ chưa hiểu nổi những gì đang xảy ra, nên cứ chồm hổm, hai bàn tay buông thõng trên hai gối, trố mắt nhìn cha, rồi quay sang mẹ: “ Sao Ba không chịu ăn cháo hả mẹ?”. Quyên không thể trả lời con, vì cổ chị nghẹn cứng, cố nén những giọt nước mắt chực trào ra. Chị không muốn khóc trước mặt con, vì sợ những mảng tối của cuộc đời đã sớm xâm nhập vào tâm hồn còn quá bé bỏng thơ ngây.
Tuấn và Quyên quen nhau khi còn học chung ở trường đại học khoa học xã hội và nhân văn. Tuấn học khoa báo chí còn Quyên thì theo tổng hợp văn. Họ yêu nhau đã bốn năm và cho nhau nhiều kỷ niệm đẹp của thời sinh viên thơ mộng, vì họ biết tôn trọng, giữ gìn cho nhau, khác với nhiều sinh viên cùng lứa, sống thác loạn trong một xã hội mà tuổi trẻ gần như mất cả phương hướng đạo đức và lý tưởng. Con đường của tuổi trẻ đời nay hình như chỉ là kiếm tiền và hưởng thụ. Họ rất khao khát những tiện nghi vật chất được quảng cáo đầy rẫy trên phim ảnh và trên cá phương tiện truyền thông đại chúng khác. Cuộc sống xa hoa của các đại gia mới nổi trong giới kinh doanh và các quan chức quyền thế cùng các tiểu công tử của họ đã làm mờ mắt những chàng trai có chút học thức khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Họ cố sống vội, sống gấp vì lỡ mai đây xã hội lại tạo được cái phanh cho cỗ xe tham nhũng thì họ không còn cơ hội để vung tiền vào những cuộc truy hoan.  
Khát vọng hôn nhân chín muồi và cháy bỏng trong nhau nhưng đôi uyên ương Quyên – Tuấn đành phải hẹn đến sau khi tốt nghiệp mới tổ chức hôn lễ được.Nhưng không phải lúc nào ý trời cũng chiều theo lòng người, nên cái giấc mơ đơn giản và thiết tha của hai người vẫn chưa thực hiện được sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Tuấn còn phải làm nghĩa vụ quân sự hai năm. Quyên lại phải đợi chờ, phải đè nén những đêm dài thổn thức và trống rỗng, những ngày thẫn thờ bên những trang giáo án và đám học sinh nghịch ngợm, vô tình. Quyên vẫn yêu cái ngây thơ của chúng, có khi lòng cô giáo trẻ cũng thấy vui lây, nhưng nỗi diết da nhung nhớ  kia hình như lúc nào cũng đeo một hòn đá tảng lên tâm hồn cô.
Thấy con gái ngày càng xanh xao, ông Quân, hiện là hiệu phó một trường trung học phổ thông ở dưới tỉnh, khuyên Quyên về trường ông dạy, gần gũi với các em cho đỡ buồn, nhưng cô con gái cưng của ông chẳng chịu chiều lòng cha, vì ở Sài Gòn, dẫu sao mỗi tháng hai lần Quyên còn có dịp thăm Tuấn ở quân trường, về dưới đó, phải xa Tuấn lâu quá, cô không chịu nổi. Ba mẹ Tuấn là cán bộ địa phương cấp thấp đã về hưu,rất yêu quý Quyên, coi Quyên như là con dâu chính thức, nên lần nào đi thăm Tuấn, ông bà cũng gọi Quyên.
Gần ba năm trong quân ngũ, Tuấn là một bộ đội Cụ Hồ xuất sắc về nhiều mặt nên đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi xuất ngũ về địa phương, với tấm bằng đại học báo chí trong tay, cùng với sự giúp đỡ của những người bà con có chức quyền, Tuấn được nhận vào làm phóng viên phụ trách mảng xã hội ở một tờ báo có uy tín của thành phố. Là một trí thức trẻ đầy nhiệt huyết, nếp nghĩ, cách làm của Tuấn khác xa với một số “thanh niên cách mạng 30/4”, cầm cờ đỏ nhảy vào thanh niên xung phong hoặc các phong trào thanh niên khác, mong chạy trốn quá khứ, đi tìm cơ hội cho tương lai, có người rất thành đạt nhờ cái bầu nhiệt huyết và lòng tin vào sự đổi thay của đất nước nhưng cũng lắm kẻ cơ hội, nhờ giỏi nịnh bợ mà được cất nhắc lên tận cấp trung ương, để rồi rơi rụng dần vào vũng bùn của tiền tài và danh vọng, vác bạc tỷ chui vào khám để dưỡng già.
Vì muốn có cuộc sống tự lập nên sau ngày cưới, Tuấn và Quyên thuê một căn hộ chung cư để được hưởng trọn vẹn cái hạnh phúc trong một thế giới mật ngọt của tình yêu đôi lứa. Họ quấn quýt bên nhau. Hết giờ làm việc là Tuấn về ngay với Quyên. Nhiều hôm bạn rủ đi lai rai ở mấy quán nhậu vỉa hè gần sát cơ quan, dù rất nể bạn, nhưng anh đều kiếm cách hoãn binh, chỉ trừ khi phải cố hoàn tất một phóng sự điều tra không thể bỏ dở giữa chừng thì anh mới điện báo xin lỗi vợ. Những lần như thế, Quyên cứ cặm cụi soạn giáo án để quên đi cái thời khắc đợi chờ căng thẳng, thỉnh thoảng Quyên lại bật tivi xem, chứ không bao giờ chịu ăn cơm trước, nhiều hôm đến tận mười hai giờ đêm Tuấn mới về, cô chỉ nhẹ nhàng: “ Anh về muộn, em lo quá, có trở ngại gì không anh?” Khi nhìn vào mắt chồng, thấy Tuấn không vui, cô biết là công việc không suôn sẻ, nhưng chẳng dám hỏi tiếp. Tuấn thấy vợ lo lắng, gượng vui cho qua chuyện.
Nhờ vui tính, bộc trực,chân tình, hăng say trong công việc, bài viết sâu sắc, nên Tuấn được anh em trong cơ quan và lãnh đạo tờ báo thương yêu nể trọng. Anh cũng rất tin tưởng và kính mến chú tổng biên tập tờ báo. Tuấn phát hiện ra một điều thú vị là hầu hết các nhà cầm quyền trên thế giới được bầu bán thực sự hay giả tạo đều rao giảng rằng chính quyền của họ là từ dân, do dân và vì dân.Tuy nhiên, kimh nghiệm lại cho thấy rằng, không hiểu sao, suốt lịch sử của xã hội loài người, nhân dân thường là một thế lực đối lập với chính quyền và Tuấn đã vô tình, không biết từ lúc nào, anh lại đứng về phía của những người thấp cổ bé miệng. Những bài phóng sự điều tra dài, liên tiếp đăng trên ba số báo của Tuấn về hàng trăm hecta ruộng của đám dân nghèo khai hoang ở Đồng Tháp Mười bị lấy sung công, chỉ sau có hai năm khai khẩn, được dư luận hết sức quan tâm, đồng tình, thì ngược lại, các quan chức địa phương, những người ra quyết định lấy diện tích tích đất ấy chia nhau để “cải thiện đời sống khó khăn” của họ, lại rất giận dữ. Điện thoại và thư nặc danh tới tấp gửi cho Tuấn và tòa soạn báo với lời lẽ phí báng, đe dọa. Một tháng sau, tổng biên tập của tờ báo bị thay, còn Tuấn thì bị cấp trên liên tiếp gọi lên làm kiểm điểm, rồi tạm đình chỉ công tác. Trong khi đó, bạn bè anh viết những bài phóng sự giới thiệu các doanh nhân, doanh nghiệp thì được lãnh đạo khen lấy khen để, nào là “góp phần vào việc thúc đẩy sự hội nhập”, nào là “có tầm nhìn chiến lược thúc đẩy nền kinh tế quốc dân”… Và tất nhiên, những phong bì dày cộm công khai đút vào tay họ, sau các cuộc nhậu nhẹt linh đình.
Dự đoán trước được những điều không may đang và sẽ xảy ra với Tuấn, trong bữa cơm chiều, Quyên gác đũa, ngước nhìn chồng:
- Anh nghĩ là mình có thể thay đổi được gì ư?
- Em muốn nói đến thay đổi điều gì?
-Thay đổi một số chi tiết máy trong một guồng máy đang quay với tốc độ địa cầu.
-Được chứ. Đó là nhiệm vụ của bất cứ ai, khi họ còn là con người trên trái đất này. Anh mãi mãi tin ở con người  bây giờ và tin ở lịch sử nhân loại, như tin ở tình yêu của em!
Tuấn đưa mắt trìu mến nhìn Quyên, nhưng cô lại nhìn chồng đầy thương xót:
-Anh hơi lãng mạn và không tưởng đấy! Không biết bao nhiêu con đường mà mỗi con người phải lựa chọn để đi qua, nhưng chánh đạo thì quá ít, còn tà đạo thì lại vô cùng và có ai tự nhận con đường mình đang đi là tà đạo bao giờ, khi mà con đường ấy đem lại sự giàu sang một cách mờ ám cho cá nhân, cho bè nhóm họ. Những kẻ mạnh bao giờ cũng có những lý lẽ riêng và ngòi bút chân chính của anh chỉ vẽ được những nét vẽ quá mờ nhạt trên nền trời đêm, rồi sẽ không ai thấy dùm cho anh cả. Em sợ tòa án dị giáo La Mã sẽ giết chết Galilei của em!
Tuấn chăm chú nghe, nhìn Quyên, thỉnh thoảng lại ngước nhìn lên trần nhà, cái bầu nhiệt huyết và nỗi âu lo đang hòa quyện với nhau, xâu xé tâm hồn non trẻ của anh. Chần chừ một chút,anh đặt đũa xuống mâm rồi quả quyết:
-“ E pur si mouve”, em yêu ơi, “Dù sao thì trái đất vẫn quay quanh mặt trời”, và Galilei của em đã nói như thế. Phải tin vào chân lý chứ em! Không tin vào chân lý thì ta còn gì để sống, sống mà không dám đấu tranh cho lẽ phải thì còn sống để làm gì? “Hạnh phúc là đấu tranh”, Marx đã từng trả lời con gái mình như vậy. Và Galilei cũng đã khẳng định: “ Chân lý luôn hàm chứa một sức mạnh, càng công kích nó thì nó càng vững chắc”. Em hãy vững tin vào anh, anh có làm gì sai đâu?
Quyên linh cảm và mơ hồ thấy những điều không lành như sắp xảy đến trên con đường đầy chông gai mà Tuấn đang đi. Nhưng biết Tuấn đang mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự tự tin và cả quyết. Lúc mới quen nhau, chính cô cũng yêu những điều đó, nhưng hôm nay cô thấy lo sợ. Quyên dịu dàng khuyên chồng:
- Sống mà không có lý tưởng và lòng nhân ái thì quả thật là không đáng sống. Nhưng là người khôn ngoan, vẫn phải biết lách qua làn đạn đang hướng về mình. Trước tòa án giáo hội La Mã, nhìn người vợ và hai đứa con thơ, Galilei vẫn phải nhận là mình sai để giữ lấy mạng sống. Và anh đã biết đấy, cho đến bây giờ, chân lý của Galilei vẫn là chân lý…
Quyên đứng lên, vòng qua sau lưng ghế chồng, hai tay ôm cổ Tuấn, miệng áp vào tai anh, ngượng ngập thì thầm: “Em đã…có mang rồi anh yêu ạ”. Trong thoáng chốc, Tuấn đưa tay giằng lấy tay Quyên,quay phắt lại phía sau, ánh mắt rạng ngời sung sướng nhìn Quyên: “ Có thật không em, từ bao giờ, sao em không nói với anh?”. “Chắc cũng đã hai tháng, gần đây em có hiện tượng ốm nghén, nên mới dám báo với đức lang quân. Anh không thấy gì khác ở em sao? Có nghĩ gì đến em đâu, chỉ lao đầu vào mấy bài báo!”. Tuấn đứng lên, đẩy chiếc ghế bên cạnh, đỡ nhẹ Quyên ngồi xuống, hôn lên tóc vợ rồi ôn tồn: “Thật là anh có lỗi nhiều với em. Mấy bài phóng sự điều tra cùng những cái bóng đen phủ lên nó, đã chiếm hết thì giờ và tâm trí anh, em hãy thông cảm và tha thứ cho anh”. Biết là Tuấn không đời nào từ bỏ nỗi đam mê của mình, nên cô chộp lấy cơ hội: “ Và từ nay em sẽ phải dài dài tha thứ cho anh chứ gì?” Quyên âu yếm nhìn sâu vào mắt chồng…
Sau khi bị kết cho cái tội “nói xấu cán bộ chủ chốt cấp tỉnh” và “gây hoang mang trong nhân dân”, Tuấn bị treo bút một năm, đưa xuống phụ giúp công tác ở xưởng in. Trong thời gian này, anh được nhàn hạ, rảnh rỗi để chăm sóc cho mẹ con Quyên. Anh bao hết mọi khâu từ giặt giũ đến nấu nướng, quét dọn, kể cả xoa bóp và làm hề cho vợ cười. Đêm nào bé Hồng Quỳnh khó ở, khóc nhè thì Tuấn đưa nôi con sang phòng làm việc của mình dỗ dành ru con, để cho Quyên ngủ. Anh cố làm mọi cách cho Quyên vui, nhất là không bao giờ dám đi làm về muộn một phút nào. Quyên thấy Tuấn rất hạnh phúc khi cô sinh cho anh một đứa con, nhưng cô vẫn phát hiện được một nỗi buồn hãy còn giấu kín trong mắt chồng.
Sau ngày thôi nôi của Hồng Quỳnh, cũng là lúc Tuấn được phục chức. Nếu như con thiêu thân lao vào ánh sáng chói chang của những ngọn đèn, thì ngược lại, Tuấn lại lao vào những mảng tối của cuộc đời, trong một cái xã hội mà con người đã bị tha hóa đến cùng cực. Nhiều bài phóng sự điều tra phát hiện sự rút ruột lớn trong xây dựng cơ bản, trong việc phát triển hạ tầng giao thông,đặc biệt nghiêm trọng là việc bòn rút nguồn vốn ODA vào những canh bạc lớn và việc ăn chơi sa đọa của một số quan chức cấp cao làm xôn xao dư luận cả nước. Nhân dân đi vay tiền của nước ngoài về để ngài thứ trưởng tắm bia với các em chân dài, xây nhà riêng còn lộng lẫy hơn cả hoàng cung của các đời vua nước Đại Cồ Việt. Và có lẽ Lý Công Uẩn đã thấy trước điều xấu hổ nhục nhã ấy nên đã dời đô về Thăng Long đúng một ngàn năm nay rồi!
Đâu có ai ngờ, những lời động viên báo chí tham gia vào công tác chống tham nhũng đại bi ai và tiểu bi ai, lại đưa Tuấn vào cái bẩy việt vị. Anh đã hăng hái “cầm đèn chạy trước ô tô”. Thế là một lần nữa, Tuấn lại vướng vào cái tội là viết những điều chưa được công bố hoặc cho phép, không phải anh thổi phồng những quả bóng của dư luận mà anh lại đi thổi phồng vào những hòn đá tảng đen ngòm đang chìm sâu dưới đáy Hồ Hoàn Kiếm. Con cừu non ngước mắt nhìn trời, thấy bầu trời vẫn xanh, nhưng chung quanh mình lại là một bầy thú lạ.
Hôm nay là đêm cuối cùng Tuấn được tại ngoại hầu tra. Quyên dỗ con ngủ sớm, cô đẩy cửa bước vào phòng làm việc của chồng, Tuấn đang ngồi trước bàn vi tính, chống cằm ngước mắt chăm chăm nhìn vào bức hình cưới của hai người treo trên tường, trong ảnh, Quyên nép sát dầu vào ngực anh, cười dịu dàng rạng rỡ. Thấy Quyên vào, anh từ từ quay lại nắm tay vợ:
- Theo tin mấy đứa bạn anh ở bên tòa án, lần này anh ít khả năng được tha bỗng hay lãnh án treo.
Quyên bá vai chồng, tay kia âu yếm vuốt ngược tóc anh ra sau:
-Dẫu sao thì thập tự giá cũng đã được đóng lên. Họ cho rằng các anh là bọn “ăn cơm chúa, múa ngược đường gươm”, còn mấy ông quan con trong cơ quan anh thì được dịp bĩu môi: “Khéo ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”. Thật là một bi hài kịch hoàn toàn  đúng nghĩa! À, còn luật sư đã nói gì với anh?
- Em biết rồi còn phải hỏi. Xưa nay việc tranh luận công khai trước tòa chỉ là một thủ tục có tính hình thức, tất cả hầu như đã được định sẵn đàng sau cái búa và cái chuông. Mấy ông bên công tố nói với luật sư Trung, bạn anh, kỳ này phải cho mấy con ngựa non nhà báo biết rằng cái loa không phải là của họ.
Quyên lặng lẽ đứng ôm cổ chồng. Một đám mây đen dày đặc kéo qua che khuất bầu trời trong xanh  trên đầu họ. Người vợ, người mẹ trẻ cố mím chặt môi, để khỏi bật ra tiếng khóc làm nao lòng chồng. Không phải vì sợ những ngày tháng khó khăn sắp vây quanh cuộc đời mẹ con chị,vì dẫu sao từ bé, chị cũng đã quen sống trong một gia đình nhà giáo đông con. Giờ đây, với đồng lương ít ỏi của một cô giáo trẻ, chị sẽ cố gắng dè xẻn để được sống với tất cả lương tri của một con người. Nhưng điều chị không thể yên tâm là sức khỏe của Tuấn, anh thường ho và mất ngủ.
Với bản án hai mươi bốn tháng tù giam cho Tuấn, Quyên đã đêm đêm âm thầm mất nhiều nước mắt cho nó, lời dun dế đã thành câm, chẳng còn than khóc nổi phận mình, chỉ còn mong ngày mai sẽ có ánh mặt trời. Đã một năm trôi qua, với Quyên, thời gian là một sự vô tình đầy khắc nghiệt. Cô đơn là nỗi dằn xé lạnh lùng và khủng khiếp nhất. Những hình ảnh của một thời sinh viên đầy ắp lý tưởng và thơ mộng như đang mưng mủ từng ngày trước cái thực tế phũ phàng, mà không biết những “người lớn” đã vô tình hay cố ý giáng xuống lòng tin của họ. Chẳng lẽ giờ đây họ cũng đành phải học theo phương cách mới là dối trá và vô cảm,  nhập vào một nền văn hóa mới là “văn hóa phong bì và cúi lòn”. Ngòi bút không thể đứng thẳng thì cái xương sống cũng đành phải cong, người ta không thể bước đi bằng hai bàn chân, mà phải lê mình trên hai chiếc đầu gối. Đã và đang có hiện tượng chảy máu chất xám vì những hiền tài của đất nước không chịu nổi với cái nạn bè phái – xin cho – luồn lọt – đút lót. Đứa trẻ mới bước chân vào ngưỡng cửa cấp một, đã được nhà trường dạy cho bài học đầu tiên là hối lộ và nói dối, nó rất tài trong việc che đậy lỗi lầm của mình trong giao tiếp ứng xử, và đánh mất niềm tin vào những người đang dạy dỗ nó. Sau những năm làm cái nghề nghe rất kêu: “kỹ sư tâm hồn”, Quyên thấy mình đang bị đọa đày trong sự dối trá, đang phá hoại tâm hồn trẻ thơ, mình phải quay tít trong một guồng máy “ thành tích” mà từ ông bộ trưởng cho đến chị lao công, có lẽ ai cũng phải cắn răng mà cười trong trĩu nặng ưu tư và nước mắt. Quyên thấy mình có tội với thế hệ tương lai.
Sau hơn một năm bị giam giữ, Tuấn có quyết định được giảm án, trả về cho gia đình, vì có dấu hiệu tâm thần. Hôm đón Tuấn ở khu quản lý trại giam, Quyên đã ôm chồng khóc nức nở như một đứa trẻ, như nàng chưa bao giờ được khóc. Có lẽ dòng nước mắt ấy là sự pha trộn của vui mừng và buồn tủi, còn Tuấn thì ngơ ngác, đờ đẫn nhìn mọi người, hình như Quyên cũng chỉ còn là cái bóng chập chờn trong trí nhớ của anh. Quyên đưa Tuấn ra cỗng trại giam, một tay cô xách cái túi nhựa đựng quần áo còn tay kia thì dắt chồng như dắt một đứa trẻ, nước mắt vẫn ràn rụa trên khuôn mặt trái xoan thanh tú, nhưng đã hằn sâu nét ưu tư khắc khổ của một thiếu phụ chờ chồng mà như đang đợi chờ một nỗi tuyệt vọng xa xăm. Nàng không thể tưởng tượng nổi một tình cảnh tồi tệ đến như thế này.
Quyên nấu nước ấm, pha dầu sả tắm cho chồng. Có lẽ ít nhất là một tháng rồi Tuấn không hề tắm rửa gì. Mùi hôi từ thân thể anh bốc ra, làm cho Quyên liên tục bị ói, dù cho sự nhớ mong, lòng yêu thương và nỗi xót xa đang cuộn chảy trong lòng cô, đang muốn khóa cái cuốn họng Quyên lại, cũng như cô muốn đóng chặt nỗi khổ đau đang dâng lên, chực trào ra nơi đôi mắt, nhưng không được. Tắm và mặc quần áo xong, Quyên lặng lẽ dìu Tuấn ngồi lên ghế rồi cẩn thận cắt móng tay, móng chân cho anh, một công việc mà khi còn tỉnh, Tuấn không bao giờ cho Quyên làm, trừ có một lần Quyên muốn chứng tỏ sự âu yếm của mình đối với chồng.
Bất ngờ Tuấn gạt tay Quyên ra, chạy xuống bếp lấy cái xon đặt lên bàn, hai tay cầm hai chiếc đũa, vừa gõ nhịp vừa hát:
“Homo  sapiens. Homo sapiens. Con người tinh khôn. Con người tinh khôn.Tính xưa vẫn còn. Anh giấu con chồn. Vào trong túi xách.Tìm đường chui lách. Để mà ăn riêng. Chúng mình cùng săn. Sao anh lại thế. Lòng người dâu bể. Làm kẻ vô luân. Sa mạc lớn dần. Vào hồn anh đó. Trăng sao cùng khổ. Anh có biết chăng. Homo Sapiens?” Ha…ha…ha…
Tuấn cười một tràng dài, còn Quyên thì chẳng hiểu gì cả. Mấy câu nghêu ngao của Tuấn cùng cái xon và chiếc đũa gợi Quyên nhớ lại ngày mới yêu nhau, buổi tối Tuấn rủ Quyên đi ăn kem  ở bến Bạch Đằng, ăn xong, Tuấn ôm vai Quyên, hai người đứng tựa vào lan can, nhìn con tàu đang kéo còi rời bến, anh cầm chiếc muổng gõ nhịp vào thanh sắt và ca trong gió một đoạn bài “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn: “ Ngày mai em đi cồn đá rêu phong rũ buồn, đèn phố nghe mưa tủi hờn, nghe ngoài trời giăng mây tuôn. Ngày mai em…”. Một làn gió mát lạnh lướt qua mặt sông rồi lồng lộng thổi vào hai người, làm tóc Quyên bay xõa vào mặt Tuấn, anh ôm siết cô vào ngực, ghé vào tai thì thầm: “ Xin em đừng bao giờ bỏ anh đi như con tàu kia, chắc khi ấy anh sẽ điên mất, em nhớ nhé”. Đâu có ai ngờ, cuộc đời lại oái oăm và trớ trêu đến như vậy. Cô chẳng rời chồng nửa bước, nhưng giờ đây, người yêu của cô ngày nào, cũng đã thành người mất trí rồi! “ Định mệnh chăng?”.Một linh cảm thoáng qua. Trái tim đa cảm của Quyên quặn thắt, nàng đứng sát lại sau ghế, quàng tay ôm cổ Tuấn, nghẹn ngào:
- Anh yêu ơi, đừng nói nhảm nữa, em sợ lắm! Rồi em sẽ mời bác sĩ chữa khỏi bệnh cho anh, hay là anh muốn mãi mãi là môt người sống trong hoang tưởng  để quên hết những khổ đau của trần gian điên dại này. Không được đâu anh ơi, nếu như thế thì em cũng sẽ chết mất! Xin anh hãy thương em và  con của chúng ta.
Tuấn quay nhìn Quyên, đôi mắt vô cảm, rồi anh tiếp tục hát:
“Ta giống Rồng Tiên.Anh giống Rồng Tiên. Một bọc trăm con. Ta lên Trường Sơn.Ta ra Đông Hải. Đôi vai trần trụi. Gánh cả non sông. Hơn bốn ngàn năm. Cùng xây tổ ấm. Bây giờ nhung gấm. Treo vạt sông trôi. Giàu sang hỡi người. Cũng về hư ảo. Nay ta khờ dại. Ôm trái tim người. Đi về muôn nơi…”
Tuấn ngừng hát khi thấy hai người lạ bước vào nhà vì Tuấn đã không còn nhận ra cha mẹ ruột của mình. Quyên bước ra, cúi đầu: “ Con chào Ba mẹ”. Ông bà Quang thấy Quyên mặt đầy nước mắt, rất xót xa, nhưng cố gắng gượng:“Đừng quá đau buồn con ạ, hãy cứng rắn lên, nỗi bất hạnh nào rồi cũng sẽ qua đi. Còn có Ba mẹ đứng bên con”. Quyên đưa tay quệt nước mắt và nói nhỏ “dạ”. Bà Hoa đến nâng bàn tay Tuấn lên, nhìn vào mắt con, nghẹn ngào: “Con có nhận ra mẹ không? Sao con đến nông nỗi này”. Lời nói của bà lại rơi vào im lặng, Tuấn trân trân nhìn bà.
Ông Quang nhớ lại, trước khi cho đăng loạt bài phóng sự điều tra về việc các quan chức của mấy tỉnh miền tây lấy đất khai hoang của dân chia nhau “cải thiện”, ông đã nghe cái bầu nhiệt huyết đang sôi sục trong đứa con trai ông, nhưng ông cũng mường tượng được rằng khi Tuấn chìa cái gương soi cho người có tật, thì cũng đồng nghĩa với việc anh sẽ nhận những mảnh kính của cái gương vỡ bắn tung tóe vào mặt anh, tấm gương mà con ông đưa ra sẽ là một tai họa cho nó. Tuấn đi trước một bước, chọc đau vào cái túi tham của thiên hạ nên đã phải lãnh hậu quả. Ai dám cả gan cầm đèn chạy trước ô tô, đều bị ô tô cán chết, đó là chân lý. Bài học của người bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Văn Nguộc vẫn còn đấy, những kẻ có quyền không ai muốn nhớ đến những trang sử mà nó có thể đe dọa đến cái túi tham của mình. Sự nhập nhằng giữa đất công và đất tư là dòng sông nước đục cho những người cơ hội buông câu, cho những kẻ quyền thế ở địa phương muốn vơ ruộng đất của nhân dân về cho mình. Người ta dựa vào cái chính sách tập thể hóa để biến đất tư thành đất công, sau đó lại quy hoạch hóa để làm ngược lại, lấy đất công bán cho doanh nhân. Mua rẻ, bán đắt gấp chục, có khi gấp trăm lần, kẻ “ lèo lái” trở thành “ nứt đố đổ vách” chỉ trong một sớm một chiều.
Hồng Quỳnh ở mẫu giáo về, thấy ông bà Quang, vội vòng tay: “ cháu chào ông,bà nội ạ!”. Bà Hoa chạy lại bế cháu, hôn lấy hôn để rồi khen:“Cháu bà ngoan quá”, rồi bà lấy mấy con búp bê đưa cho bé, bé cúi đầu cảm ơn rồi bất chợt quay nhìn sang Tuấn: “Ba ơi, sao Ba không nói gì, ngày mai Ba mua búp bê cho con nhé! Đêm qua con thấy mẹ khóc, sao Ba không dỗ mẹ?”Tuấn ngơ ngác nhìn con, không nói gì, rồi lại cầm đũa gõ vào xon hát tiếp: “…Ôm trái tim người. Đi về muôn nơi. Hỡi dòng sông trôi. Ngàn năm chẳng cạn. Dòng sông tìm bạn. Là ánh trăng ngà. Nay ta đã già. Đi tìm ngôi sao. Nhật nguyệt trên cao. Còn ta dưới thấp. Sao đời vẫn đục. Như mắt vua quan. Lời dọc lời ngang. Bao nhiêu mệnh bạc. Ngoài kia sông khát. Khóc người đầu non. Lòng mẹ héo hon. Đứa con lầm lạc. Tim anh máu nhạt. Lúa đợi mùa thơm. Bao nhiêu tủi hờn. Dồn lên  ngọn bút. Em về xuân sắc. Cho ta cội tình. Ta thắp bình minh. Vào hang hùm sói. Ngàn năm ngồi đợi. Xin trời mãi xanh. Tay vun chồi xuân. Thiên thu một cõi. Ai người có tội. Hỡi màu thanh thiên. Homo Sapiens?”
Đã quá nửa đêm, sau khi dỗ giấc cho chồng con và hoàn thành những trang giáo án cho ngày mai, trằn trọc mãi, không thể nào chợp mắt, Quyên ra đứng tựa vào lan can, nhìn ra dòng sông Sài Gòn đang âm thầm lặng lờ trước mặt.Trăng mùa thu hạ tuần yếu ớt gieo ánh vàng hấp hối lên không gian tĩnh lặng mơ hồ. Những chòm sao đêm rơi rụng trên sóng nước lăn tăn tạo thành những con rắn vàng ngoe ngoảy rồi tan loãng trong dòng nước bâng khuâng.
 Bầu trời trong veo nhả làn gió thu mát rượi lướt thướt qua mặt sông rồi tràn vào những tầng chung cư mới xây đang yên ngủ nặng nề. Quyên muốn tan vào trong cái khoảng không tĩnh mịch êm ả của trời đêm,nhưng nào có thể được, nàng đang đối mặt với những cơn sóng đang trào dâng trong tâm hồn, trước những bão tố chỉ là mới bắt đầu kéo qua cuộc đời nàng. Quyên cố hít thở sâu để giảm bớt tần số của nhịp tim trong lồng ngực cô. Cô âm thầm rên rỉ: “ Anh yêu ơi, cái giấc mơ làm thay đổi lòng người, làm cho xã hội đầy ắp thương yêu, biết sẻ chia nhau miếng cơm manh áo, cắt bỏ bớt đi cái dạ dày và cái túi tham của những người quyền thế, trong xã hội ngày nay, những ôm ấp của chúng ta, phải chăng cuối cùng cũng chỉ là những hoang tưởng còn nặng nề hơn cái bệnh hoang tưởng đang dày vò anh bây giờ?”Phải chăng thế giới của loài người là thế giới của dục vọng?Và ngọn lửa dục vọng phi nhân kia sẽ dẫn loài người đến chỗ tự thiêu đốt mình. Quyên bâng khuâng không biết mỗi chúng ta đang ngăn chặn nó lại hay cũng vô tình trôi theo dòng chảy của nó. Bàn tay của tạo hóa đang nắm một bài toán mà ẩn số mãi mãi cũng chỉ là ẩn số, và những nhà đạo đức học trên thế gian này còn phải mãi mãi đi tìm!
Quyên thấy mệt nơi ngực, quay vào phòng chồng, Tuấn đang ngủ say, hơi thở nặng nề. Một nỗi cô đơn như đang lan tỏa trong từng mạch máu và từng tế bào trên da thịt cô.Thật khủng khiếp! Cô ngã người xuống giường, kéo chăn trùm kín đầu. Ngoài kia màn đêm vẫn lạnh lùng phủ lên dòng sông đang chảy.
 
Sài Gòn  12/5/2012

Xem Tiếp: ----