rời mới vào tháng Chạp ghe đò đã tấp nập hơn trên chợ nổi Thới Bình bán mua sắm Tết từ lúc sương sớm còn lan trên mặt sông. Vợ chồng ông Tư Đáy ngồi uống trà dưới hiên nhà nhìn ghe xuồng kéo bầy về họp chợ, mặt trời chưa lên đã chống chèo đầy kín ngả ba sông. Dạo này nhờ con gái gởi tiền về hàng tháng, ông Tư cho mướn lại hàng đáy phía sông Trẹm, rảnh rang nhưng vợ chồng vẫn quen mắt thức giấc từ lúc trời chưa rợn sáng. Bà Tư nhìn không dứt những người mẹ trẻ dắt con gồng gánh trên cầu Chắc Băng. Bà chép miệng nhớ con nhớ cháu còn ông ngoại thì khấp khởi một chuyến đi. Ông Tư khoan khoái nghĩ tới cảnh ngồi nhâm nhi li rượu Tây trên sân thượng lầu cao nhìn xuống đường phố Cao Lãnh bên hai đứa cháu ngoại nhỏng nhẻo quây quần. Ông vào nhà mở tủ kiếng chưng ở gian giửa lấy ra cặp rượu nhãn đen cổ lùn, săm soi nhìn rồi cẩn thận cất vào chổ cũ.
- Con bé Lục Hà lóng rày chắc lớn bộn rồi.
- Tụi nó lớn nhìn không kịp! Lục Bình mười ba, còn bé Hà sắp sửa sáu tuổi. Đi học mẫu giáo đã được mấy tháng.
Bà trả lời mà mắt không rời điệu bộ của chồng lúc ông mân mê vuốt quanh lên cổ chai rượu khiến bà không khỏi bật cười.
- Tui thiệt hết biết mấy ông già miệt Thứ rồi. Rượu ngon không uống, ngày nào cũng lấy ra cất vào săm soi rồi chiều chiều lại chờ tui xách xị không đi mua rượu đế về cho mà khè.
- Mấy bà mà biết gì về rượu Tây mà nói. Cặp rượu này giá gần bằng cây vàng, để càng lâu rượu càng đằm càng ngon. Chai nào mà nhãn đen thì sang và mắc hơn nhãn đỏ. Con rể của bà nói kì này lên sẽ tặng thêm cho tía cặp rượu Ăng-Lê “ron nì đi bộ” gì đó, nghe nói cũng quí lắm.
- Con cái nó thương, tặng cho cái gì quí cái đó.
Ông cười, có cùng ý nghĩ.
- Cho nên rượu đế bà mua mỗi ngày cho tui càng quí hơn. Cũng như con cái mình lúc nào cũng hỏi mật tràm, ba khía, khô sặc. Mỗi lần nhớ lại ông con rể ngồi mê man húp lẫu mắm U Minh uống rượu Tây là tui không nín được cười.
Bà châm thêm trà cho chồng.
- Cảm ơn Trời Phật cho vợ chồng mình có rể hiền, thương con riêng của vợ như con ruột của mình. Nhìn quanh lớp con gái Chắc Băng dại dột lấy chồng tập kết hồi nẳm, đứa lỡ thì làm lẻ làm mọn, đứa lam lũ nuôi con chờ hoài chẳng thấy chồng đâu lại phải nhịn ăn nhịn mặc làm nghĩa vụ tiếp tế cho đám du kích trong bưng, rủi thời lại bị quốc gia bắt bỏ tù.
Ông Ngoại chạy xuồng vô U Minh. Tiết trời sau tết Dương Lịch đang mùa ong lấy mật, bông tràm nở trắng rừng rụng loang đầy mặt nước. Ông về đùm đề cả chục chai mật tràm, khô sặc, và cả cặp chim dòng-dọc bắt được trong rừng tràm. Chiếc lồng tre xinh xắn ông căm cui vót đan mỗi buổi chiều suốt tuần lễ mới xong. Ngoại hài lòng nhìn công trình của mình, mường tượng tới nét mặt rạng rỡ của hai đứa cháu lòng càng vui hơn. Bà Ngoại tay quết bánh phồng bụp bum tiếng cối, mắt nhìn chồng loay hoay treo cái tổ chim vào lồng tre. Cặp chim dòng-dọc nhìn thấy tổ quen trông như một chiếc túi hình chuông buông thỏng bớt sợ thôi nhảy bay quýnh quáng.
Ông bà gặp cháu, gặp con vui vầy mấy ngày cuối năm. Bà Ngoại ngồi không yên, lăng xăng giúp con gái trông coi quán ăn ở tầng dưới lúc nào cũng đông khách mời mọc nhau vào dịp tất niên. Hai cô bé được nghỉ học, quấn quít bên Ông Ngoại trên sân thượng với đôi chim chưa quen chủ nằm lấp ló trong tổ. Hai chị em chăm chú nhìn lồng chim treo dưới giàn thiên lý bông nở vàng mơ. Hai chiếc đầu chim nhỏ bé cũng pháng phất vàng như màu hoa.
- Ngộ quá há Ngoại!? Cái tổ chim nhìn giống như cái dấu chấm hỏi treo ngược tòn teng.
Bé Lục Hà cũng reo vui theo chị.
- Ngộ quá! Ngộ quá! Mà dấu chấm hỏi là cái gì vậy Hai?
Lục Bình nắm tay em vẽ quơ trong không khí theo dáng chiếc tổ chim.
- Là vậy đó. Sang năm Út biết đọc biết viết rành sẽ biết dấu chấm hỏi là cái gì.
Ông Ngoại xoa đầu hai cháu, kéo ngồi xuống bên mình.
- Chim dòng-dọc mẹ làm tổ đẹp nhất trong các loài chim. Ông cười…Hai đứa bây là chim dòng-dọc con đó, biết không!?
Nỗi vui chất chứa từ lúc ông rón rén bắt tổ chim trên cây tràm cao nở đầy hoa trong rừng U Minh rộ dậy trong lòng ông. Bên kia sông bồn chứa nước thành phố vụt cao khỏi tàng cây và dãy mái nhà lô xô sáng bừng lên trong nắng.
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân, cúng rước ông bà xong cả nhà quây quần ăn mừng năm mới. Nhìn bé Lục Hà ngáp dài ngáp ngắn cố gắng chống chọi với cơn buồn ngủ mà mắt cứ ríu lại, cha nhìn Lục Bình cười đùa.
- Sao? Chị Hai đã buồn ngủ giống Út chưa? Cha già rồi, không đủ sức cỏng cả hai đứa đâu nha!
- Con lớn rồi chớ bộ!
Cô bé Lục Bình xấu hổ lắc đầu quầy quậy. Bé đứng dậy chào ông bà cha mẹ rồi đở dắt em vào nhà trong. Mẹ nhìn theo.
- Hai đứa ngủ ngon. Sáng mai thức dậy thay áo mới, ba mẹ lì xì cho. Lục Bình nhớ mặc áo dài Ngoại may để về Mỹ Hiệp chúc Tết Nội của con.
Ông Ngoại và cha tiếp tục chuyện trò bên ly rượu trong lúc hai người đàn bà tiếp tục sửa soạn thức ăn cho ba ngày Tết không bếp núc. Câu chuyện đang dòn thì bổng có tiếng xe jeep thắng gấp trước nhà rồi tiếng gỏ cửa vội vàng. Người sĩ quan tham mưu của Tiểu khu Kiến Phong phải vào đơn vị ngay vì Biệt khu 44 vừa đặt tỉnh lỵ Cao Lãnh trong tình trạng báo động, địch quân có thể tấn công tiểu khu bất cứ lúc nào. Tiếng máy bay thả bom vọng về thật gần quanh vòng đai tỉnh lỵ.
Cha về xông đất ngôi nhà của mình vào trưa mùng một trong quân phục tác chiến. Tin tức cha cho hay đã xác thực những điều mọi người đang hoang mang lắng nghe từ đài phát thanh. Cọng quân bội ước cuộc hưu chiến vào ba ngày Tết đang tấn công vào nhiều thành phố, tỉnh lỵ trên toàn quốc.
Cha dặn dò mẹ, lì xì cho hai cô con gái rồi ngồi vào bàn ăn trưa với gia đình.
- Bửa nay Lục Bình ở nhà với em và Ngoại, ngày mai ba về rồi mình qua chúc Tết bà Nội luôn thể. Tiếc quá! Cả nhà không nhìn thấy tiểu thư Lục Bình lần đầu tiên mặc áo dài lụa Tân Châu ngày đầu năm.
- Con hổng mặc đâu. Nhột quá hà!
Mọi người quên cả lo lắng, cười vang làm Lục Bình càng thêm mắc cở. Bé Lục Hà nhìn chị, thắc mắc.
- Sao Hai mặc áo mới mà nhột dzậy Hai?
Lục Bình đứng nép vào bà Ngoại, mắng em.
- Cái gì Út cũng hỏi, phiền quá! Bửa nào lớn bằng Hai, Út tròng dzô là biết liền.
Bà Ngoại cười nháy mắt nhìn mẹ, dắt tay hai cháu lên lầu.
- Hai đứa dắt Ngoại lên sân thượng cho chim ăn đi. Coi mà đặt tên cho tụi nó, chớ không bửa nào lại giành cải nhau, không có ông Ngoại ở gần mà xử kiện đâu.
Người con rể lấy ra chai wisky đã vơi phân nửa. Ông rót rượu vào ly xây-chừng trao cho cha vợ.
- Con có để dành cho Tía một cặp rồi. Rượu này uống đậm, chắc hợp với Tía.
Ông Ngoại nhìn sắc rượu hổ phách lóng lánh, đưa lên mủi gật gù, ngửa cổ ực mạnh rồi khà ra khoái trá.
- Thứ này là “ron nì đi bộ” đây phải không!? Được lắm! Đã lắm!
Sau vài vòng xây-chừng thì chai rượu cũng vừa hết. Người con rể đứng dậy đội nón sắt, choàng dây ba-chạc qua vai.
- Lần đầu tiên ông bà Ngoại lên ăn Tết với con cháu mà mấy cha Cọng Sản này không biết điều gì cả. Lu bu quá! Tía Má thông cảm cho tụi con.
- Dzậy mà tốt đó con. Ngồi dưới đó lo ngóng lên trên này còn bứt gân hơn.
Mẹ đang đứng chờ cha với xách thức ăn.
- Em bới theo gà-mên cơm với khô sặc Cà Mau, lỡ tối nay anh không về được. Còn mấy đòn bánh tét thì dành cho dượng Ba và chú truyền tin.
Ngoại bước ra ngoài đứng tần ngần bên chiếc xe jeep. Đường phố vắng hoe, không phải cái vắng vẻ của ngày đầu năm mọi người sum họp vui Tết trong nhà mà là sự trống trải bởi co rút, nghi nan. Cuối con đường vài toán lính thấp thoáng di hành về phía cây cầu cửa ngỏ vào thành phố. Tiếng cười đùa vô tư của hai đứa cháu gái ví đuổi nhau trên sân thượng vọng xuống dòn tan như nắng rớt.
- Cũng may có Tía ở nhà, con bớt lo. Tình hình này cũng cả tuần nữa mới yên được.
Ông Ngoại nhìn con rể thở dài lo lắng.
- Con có nghe động tỉnh gì về đám người tập kết hồi nẳm không?
- Trận này thì không biết sao, chớ từ trước giờ chỉ toàn là du kích, cao lắm là cơ động tỉnh cấp đại đội. Thế nào rồi cũng tới cái ngày đó.
Người cha rồ máy xe. Chiếc jeep nhà binh vụt lăn bánh, bụi cuốn lòng đường.
Chiều mùng hai Tết cả nhà ngạc nhiên mừng rỡ đón dượng Ba mặc áo quần xi-vin đưa Bà Nội và gia đình từ Mỹ Hiệp qua Cao Lãnh. Hai cô bé nhao nhao lục tìm nem Nội làm và giỏ xoài cát vườn nhà rồi hối hả dẩn cậu anh họ chỉ hơn bé Hà một tuổi lên sân thượng khoe cặp chim dòng-dọc. Mẹ chúc tết Bà Nội, vui vẽ nắm tay cô Ba nói đùa.
- Chị Ba gan quá! Dám để dượng Ba mặc bộ đồ bà-ba lụa nhìn giống công tử Bạc Liêu hồi còn đi cua mèo ở cù lao Mỹ Hiệp quá.
Mọi người mừng tuổi nhau, vừa xoay qua chuyện thời sự không vui thì cha về. Dượng Ba vội vàng xếp gọn bàn ghế quán ăn rồi lái xe jeep vào hẳn trong nhà. Quân phục tác chiến của hai người và máy truyền tin, vủ khí chất sẳn sàng trong xe. Thì ra cha đã phái người tài xế cũng là bà con trong nhà chạy xuồng về Mỹ Hiệp đón gia đình qua để sáng mai ông Ngoại đưa mọi người về thánh địa Hòa Hảo, an toàn ở chơi mấy ngày để cha yên tâm trong lúc bận chuyện nhà binh. Dượng Ba đở ly rượu từ tay ông Ngoại.
- Cháu đã đổ đầy dầu cho ghe nhà rồi. Ghe lớn, máy hai lốc chớ không phải máy kô-le, Ngoại có cần chạy dợt thì mình xuống làm một vòng cho quen.
- Khỏi cần đâu dượng Ba. Ở dưới tui cũng hay chạy ghe lớn đi bốc cá linh ở mấy cái đáy dọc sông Trẹm quen rồi.
Trong lúc ăn tối, người lớn lại bàn chuyện chiến sự. Cha cho hay đây quả là một cuộc tổng công kích của Cọng Sản trên toàn miền Nam. Một phần thành phố Huế cả cổ thành, Đại Nội bị Cọng Sản chiếm. Sài Gòn đang giao tranh lớn ngay khu vực đài Phát Thanh và các vùng ven đô. Nhiều tỉnh thành khác cũng đang đẩy lui nhiều đợt tấn công, pháo kích của địch. Hai bà sui gia thì mãi xuýt xoa lúc nghe người xướng ngôn tường thuật cảnh thành phố đổ nát vì bom đạn, dân chúng vô tội gồng gánh bế bồng chạy loạn, bị kẹt giữa hai lằn đạn chết chóc thương vong.
Sáng mùng ba Tết, cha đứng trên sân thượng nhìn theo bé Lục Hà ngồi quây quần với chị bên chiếc lồng chim trên nóc ghe. Bóng ghe nhỏ dần trên sông, lầm lủi theo hướng Cù Lao Giêng để về Thánh Địa.
Chiếc xe jeep chạy chầm chậm giữa lòng phố trống. Người sĩ quan thỉnh thoảng vẩy tay chào những toán dân quân giáo phái Hòa Hảo tự nguyện tham gia tuyến phòng thủ quanh Tiểu khu. Ông lo lắng nhìn những khẩu súng carbine, Thompson cũ kỷ từ thời Tây sót lại trên tay những nghĩa quân gan dạ. Tin tình báo cho biết Cọng Sản đang điều quân sát vòng đai tỉnh lỵ có thể tấn công bất cứ lúc nào, thế nhưng Cao Lãnh vẫn im lặng một cách đáng sợ. Người sĩ quan nhìn quanh các cao điểm trong thành phố, tự hỏi không biết súng sẽ nổ lúc nào. Đêm nay? Đêm mai? Còn có lựa chọn nào khó khăn hơn cho người lính ngoài sự chờ đợi, căng mắt lắng tai trong im lặng rợn người nghe ngóng lằn đạn đầu tiên bắn về phía mình để sau đó bắn trả mà sống còn, bảo vệ người thân, gia đình, làng nước. Không còn là lựa chọn nữa rồi. Hay nói cho cùng, chính sự lựa chọn cuối cùng đó cũng là số phần đã định. Hẩm hiu như quê hương, như con người Việt Nam chết tươi, chết mòn trên đó. Người lính miền Nam tự hỏi rồi bế tắc trong nỗi đợi chờ dày dạn.
Câu trả lời treo trên đầu súng AK47 mới rợi của đoàn cán binh sinh Bắc tử Nam bôn tập từ đất Miên vào. Tiểu đoàn bộ đội chính qui tuy bị thất thoát chậm chân vì hỏa lực giang đỉnh Hải Quân lúc qua ngả Hồng Ngự cũng đã về tới Cao Lãnh theo kế hoạch, chờ tấn chiếm bộ tư lệnh Biệt khu 44 cùng nhịp với cuộc tổng công kích trên toàn miền Nam. Những tuyến chiến đấu theo cách thế điểm diện, công đồn đả viện được đào đắp xong vào những ngày giáp Tết. Bộ đội sinh hoạt, liên hoan với du kích địa phương trong những dãy hầm chử U chống phi pháo đào sâu vào lòng đất được ngụy trang kỹ càng.
Vào tối ba mươi Tết một cán binh gốc địa phương lén theo du kích về thăm gia đình đã bị tình báo Tiểu khu khám phá, theo dõi lúc họ trở về lại tuyến chiến đấu. Chính trị viên tiểu đoàn chủ trì buổi họp kiểm thảo người cán binh phạm kỉ luật. Trong màn đen váng mịn hắc ám của đêm trừ tịch, giọng quê Nam Bộ pha lớ âm hơi Thanh Nghệ chắc nịch tuôn ra từng luồng âm thanh sôi nổi mà bài bản quen thuộc. Hi sinh. Phấn đấu. Đi đầu trong kháng chiến chống Mỷ cứu nước. Miền Nam thành đồng đi trước về sau. Giải phóng miền Nam. Đánh cho Mỷ cút đánh cho Ngụy nhào. Quyết liệt phê phán tình cảm cá nhân ủy mị tiểu tư sản…Người bộ đội phạm kỉ luật rụt rè phát biểu lời tự phê, tự kiểm. Anh tình nguyện tự xích chân mình vào ổ súng nặng của đại đội trong lần tiến công tới. Người bộ đội nào hay đã lấy mạng sống ra mà trả cho bản án tự kết của mình.
Buổi họp kiểm điểm kết thúc chưa được bao lâu thì loạt bom từ phản lực A37 Skyraider đã rơi xuống ngay đầu họ. Biệt khu 44 quyết định giữ nguyên lực lượng tại các tuyến phòng thủ, không ra quân tấn công mà chỉ nhanh chóng gọi phi pháo. Một quả bom 500 cân đánh chính xác đã nổ tung xác vài cán binh, gây vết tử thương cho người bộ đội miền Nam tập kết vừa bị kiểm điểm và vài người khác bị thương nhẹ, kể cả người chính trị viên tiểu đoàn.
Trong cơn hấp hối anh thều thào chuyện gặp lại cha mẹ già sau gần mười bốn năm xa cách. Có lẽ đó là hình ảnh duy nhất anh mang theo về bên kia thế giới. Người chính trị viên vuốt lên hốc mắt vừa khép của đồng chí mình. Trong bóng tối của ngày đầu năm đang tới, giữa giây phút bất chợt lặng im hình như đâu đó có tiếng nước Tiền Giang trở mình. Tiếng thời gian. Tiếng sóng vỗ bờ cù lao Mỹ Hiệp êm đềm thuở hoa niên. Tiếng nói cười đêm bộ đội liên hoan bừng bừng lửa trại trong vùng tập kết Cà Mau sau ngày đất nước chia đôi. Trong quầng mắt nhắm chợt lan dài thăm thẳm dòng sông Trẹm lả tả hoa bần rơi.
Không điệu được hổ ly sơn lại bị tổn thất khá nặng, cánh quân chốt phía Đông Biệt khu 44 phải rút ra ngoài, chỉnh bị tinh thần mà xâm nhập vào lại tỉnh lỵ mấy ngày sau đó. Yếu tố bất ngờ không còn, nhưng vì kế hoạch trên đã đề ra đồng thời cơ sở du kích hạ tầng đã bị lộ, Cọng quân nhất loạt tiến công vào Cao Lãnh đêm mùng Năm Tết. Súng nổ nhiều nơi trong thành phố. Giao tranh quyết liệt diễn ra tại hai cứ điểm quan trọng, đài chứa nước bên kia sông và cây cầu cửa ngỏ vào thành phố. Toán lính thuộc Tiểu khu Kiến Phong phải hi sinh tới người lính cuối cùng mới bảo vệ được lầu nước thành phố. Trong lúc đó cánh quân chủ lực của bộ đội tấn kích cây cầu chịu thiệt hại nặng và bị đẩy lui bởi một đại đội của Biệt khu 44 án ngử ngay đầu cầu và súng cộng đồng yểm trợ từ sân thượng khách sạn gần đó.
Người chính trị viên tiểu đoàn bị thương lần thứ hai. Mãi về sau, trong mật khu Đồng Tháp Mười người sĩ quan bộ đội có đôi lần nghĩ về buổi sáng đầu Xuân sau Tết Mậu Thân ở Cao Lãnh với nỗi buồn của một đứa con lêu lổng không thể trở về nhà. Những bản báo cáo lên lảnh đạo về cuộc hành quân thất bại đầy kín trên nhiều trang giấy về lí do khách quan, chủ quan, tích cực, tiêu cực nên chẳng còn chổ cho luyến tiếc ước mơ. Sự luyến tiếc không thấy lại được khúc sông quê nhà, không thể bước qua cây cầu mà thằng bé ngày xưa còn trong trí nhớ đạp xe qua mỗi ngày chỉ làm những buổi chiều trong cánh rừng tràm hoang mang gió buồn thêm.
Người sĩ quan miền Nam đứng lặng nhìn xác bộ đội tử thương bị bỏ lại nằm rải rác trên chiến địa phía bên kia cầu. Thi thể cả tiểu đội lính bảo vệ đài chứa nước thành phố bị bắn nát vì B40 vừa được đồng đội đưa về hậu cứ đơn vị. Những người lính chết trận đêm qua, họ có kịp nghĩ gì khi nghe tiếng súng, tiếng đạn pháo trong sát na cuối cùng lúc trái tim đập nhịp chung thân? Bác Đảng. Đồng đội. Thầy U. Gia đình. Vợ con. Người yêu. Bờ đê, bến nước, rẫy nương... Ông thở dài nhìn quanh ngôi nhà vắng, lắc đầu xua đuổi ý nghĩ ông không muốn nghĩ tới. Từ trên sân thượng nhìn xuống dòng sông trải mình vắng lặng không một bóng ghe đò, cù lao Mỹ Hiệp chìm xa trong lẩn khuất chân trời. Tiếng súng chiến trận vừa im lòng đã xốn xang cảm giác bị rớt tuột vào nỗi đợi chờ khác, ray rưa nấm mọc âu lo.
Ngược phía Tiền Giang, mẹ dắt con ra bến đò Mỹ Luông đứng nhìn về Cao Lãnh lửa đạn quắt quay chờ ngóng tin cha. Chuyến đò xuôi về lại nhà nôn nao sóng dục trong lòng mà sông thì mãi thẩn thờ trôi trong trễ nải bóng chiều. Nước mắt mẹ trào ra lúc thấy cha đứng chờ tận bờ nước chờ đón gia đình. Mẹ nhìn cha giang tay ôm hai con vào lòng, hờn dỗi với chồng.
- Từ rày trở đi, ông đừng có hòng đuổi được mẹ con tui đi như vầy đâu.
Dự cảm lìa xa và nỗi đợi chờ bất trắc là tâm sự bi thương của mỗi người đàn bà Việt Nam trong chiến tranh. Riêng sâu trong lòng mẹ còn chôn kín phần đời không muốn nhớ tới như mộ phần lẫn khuất trong lau cỏ ngút ngàn, không khói hương giổ chạp nhưng chẳng thể nào quên. Có lúc nhìn đứa con riêng với người chồng tập kết bắt đầu trổ dáng thanh xuân mẹ bức rức nhớ lại mình thuở lầm lạc đầu đời rồi lo sợ có lúc đến hoảng hốt giữa canh khuya. Những lúc như thế mẹ ôm rịt lấy cha. Mẹ muốn tan nhập vào chung một hình hài máu thịt, không chừa cho dù một phân ly khoảng cách để không thể nào bị len lấn, hòng mong được chở che.
Âu lo của mẹ chẳng thể nào giấu kín xua tan. Nỗi niềm riêng mãi ở đó gặm nhắm, chực chờ như một thứ mặc cảm triền miên để rồi một ngày trở thành nỗi đớn đau ngất trời lúc hai người đàn ông trong đời ngã xuống trên cùng một chiến trường.
Phan Thái Yên
 

Xem Tiếp: ----