hi Tôlic vào lớp học, tất cả đã ngồi vào vị trí của mình. Anna Gavrilôvna chỉ cái gì đó trên bản đồ. Nghe thấy tiếng mở cửa, cô giáo quay ra: - Chào Rưzcôp – Anna Gavrilôvna nói – Tại sao em đi muộn? - Em? - Vâng, em – cô giáo nói. - Em … - Tôlic mở miệng, tần ngần. Cô giáo mỉm cười. - Chưa kịp nghĩ cách phải không? - Em … không – Tôlic ngập ngừng. - Ngồi vào chỗ Rưzcôp. Chúng ta sẽ nói chuyện sau giờ học – Anna Gavrilôvna quay lại phía bản đồ và tiếp tục giảng. Tôlic ngồi vào chỗ mình, bên cạnh Misca. - Thả rồi à? – Misca hỏi. - Cậu không nói với ai chứ? - Không. - Bây giờ cậu cứ nói, tớ chẳng sợ đâu – Tôlic thì thầm, vỗ nhẹ vào túi quần. - Cậu có cái gì vậy? – Misca hỏi. - Có gì đâu. Biết nhiều sẽ nhanh già đấy – Tôlic trả lời. - Rưzcôp, Pavlôp! – Anna Gavrilôvna nói, không quay lại. Misca và Tôlic nín lặng và bắt đầu nghe. Anna Gavrilôvna kể về những thay đổi của bản đồ đất nước sau 10 năm. Cô nói về những đập thủy điện sẽ xây dựng trong thời gian tới. Cô nói về những dòng sông, về sự mở rộng lòng sông gần như ngang tầm với biển. - Bây giờ tớ có thể bơi qua bất cứ con sông nào – Tôlic thì thầm. Masca nhìn nó và im lặng gập ngón tay gõ vào trán. Nhưng Tôlic không thèm giận. Bởi Misca chẳng biết gì hết. Sau đó Anna Gavrilôvna kể về kho báu sẽ được khai thác dưới đáy đại dương. Nào là rong tảo có thể ăn được, nào là dầu lửa và những thứ gì đó mà Tôlic không nghe được vì lúc này nó đang nói với Misca: - Bây giờ tớ có thể bơi qua bất cứ đại dương nào. Misca lại gõ ngón tay vào trán. Lần này thì Tôlic giận. - Chính cậu mới ngu – Tôlic nói – Không biết gì thì im đi - Rưzcôp – Anna Gavrilôvna nói – nhắc lại điều tôi vừa nói. Tôlic đứng dậy - Cô nói về những đập nước và về rong tảo ạ. - Tôi đã nói gì về đập nước và rong tảo? - Chúng có thể ăn được. - Có thể ăn được đập nước? – Cô giáo hỏi. Cả lớp cười ồ. Misca cũng cười. Tôlic tức giận thật sự. Nếu như bọn chúng biết là nó có cái gì trong túi thì chúng sẽ hết cười ngay, mà còn khóc vì thèm muốn nữa là khác. - Đập nước không thể ăn được – Tôlic lầm bầm – Chúng bằng sắt. - Đập nước bằng bêtông – cô giáo chữa lại – Tôi cho em hai điểm vì thiếu chú ý nghe giảng. Tôlic không muốn nhận điểm hai. Nó chưa bị điểm kém nào trong học kỳ này. Thật là khó chịu – Lần đầu tiên phải nhận điểm hai. Tôlic đút tay vào túi. - Ôi, cô Anna Gavrilôvna, em có thể ra ngoài một phút? – Tôlic nói. - Cái gì đấy? - Em … em mệt. Cô giáo nhún vai: - Đi đi. Tôlic bước ra cửa. Cô giáo mở sổ và viết điểm hai đối diện với tên Rưzcôp. Tôlic trở lại lớp ngay. Nó khiêm nhường ngồi xuống bên cạnh Misca và nhìn về phía cô giáo. Anna Gavrilôvna ngẩng đầu: - Rưzcôp – cô nói – tôi đã cho em điểm hai về sự thiếu chú ý. Còn bây giờ … tôi sẽ … sửa lại thành điểm … năm. Cần phải làm như thế. Rưzcôp, em … là … một học sinh … rất tốt. Cô Anna Gavrilôvna mệt mỏi lau trán. - Hôm nay chúng ta dừng ở đây – Cô giáo nói và bước nhanh ra khỏi lớp. Cả lớp càng nhìn về phía Tôlic. Chúng chẳng hiểu gì cả. Chúng nó hiểu cô Anna Gavrilôvna từ lớp một. Cô rất công bằng, không bao giờ thiên vị một học sinh nào. Nếu trả lời tồi thì cô cho điểm hai, trả lời tốt - điểm năm. Tôlic hầu như lúc nào cũng trả lời tốt. Nhưng riêng hôm nay, điểm hai dành cho nó là xứng đáng. Cuối cùng Lêna Seglôva không kiềm chế được. - Này Rưzcôp – cô bé nói – Học sinh giỏi Rưzcôp, hãy nói thử về đập nước bằng sắt xem. Ngay lập tức bọn trẻ rời chỗ của mình và vây quanh bàn của Tôlic. - Học sinh giỏi! Học sinh giỏi! Ăn đập nước! – bọn trẻ đồng thanh. - Có thể cô ấy đùa – Tôlic chống đỡ - Có thể cô giáo bị đau đầu nên đi ra ngoài. - Cô ấy không đùa một tí nào – Lêna nói – Chính mắt tớ thấy cô ấy sửa điểm hai thành điểm năm. Vì cậu nên cô ấy mới bỏ đi. Còn cậu bé chơi đàn viôlông Lênha Traviy thì nói: - Cậu phải xin lỗi cô Anna Gavrilôvna. - Tại sao tớ phải xin lỗi? – Tôlic giận dữ - Tớ có cho điểm đâu? Chính cô ấy cho điểm. Tớ không chịu trách nhiệm thay cho cô ấy. - Thế thì chúng ta cùng đi đề nghị cô giáo sửa điểm năm thành điểm hai lại cho cậu. Như thế mới công bằng – Lênha nói. - Cứ việc – Tôlic cười ranh mãnh – Cô ấy sẽ không nghe cậu đâu. Tốt hơn là cậu đi kéo viôlông. - Ai cùng đi gặp cô giáo với tôi nào? – Lênha hỏi. Nhưng không hiểu sao, chẳng ai muốn đi. Kể cả Lêna Seglôva thường tự cho mình là người biết bênh vực lẽ phải nhất trong lớp. Ngược lại, bọn trẻ lần lượt về chỗ của mình. Rời bàn Tôlic, Lêna nói: - Đồ hèn. - Sau giờ học sẽ biết – Tôlic đe dọa. Chỉ còn một mình Lênha đứng lại bên bàn. - Thế thì tớ sẽ đi một mình – Nó nói. Bất thình lình Misca đứng dậy: - Tớ cũng đi. - Đi đi, xin mời! – Tôlic tức giận – Rồi các cậu cũng chẳng đạt kết quả gì đâu. Còn cậu – Tôlic quay sang Misca – là đồ phản bội. - Tớ không phản bội gì hết. Tớ thấy là phải đi, thế thôi. Còn nếu cậu muốn thì tớ sẽ kể về chuyện công an. - Ha – ha – ha – Tôlic nói – Cậu cứ nói xem tớ có sợ không. Vừa lúc đó cửa mở và thầy hiệu trưởng dòm vào lớp. Bọn trẻ ngồi nín lặng. Học sinh lớp bốn rất sợ thầy hiệu trưởng. Và cả lớp năm, lớp sáu, lớp bảy, lớp tám đều sợ. Bởi vì thầy muốn đuổi ai tùy ý. - Giờ gì đây? – Thầy hiệu trưởng hỏi. - Địa lý – Lêna Seglôva trả lời. - Anna Gavrilôvna đâu? - Cô ấy … đi khỏi. - Đi đâu? Cả lớp im lặng. Bọn trẻ không muốn phản cô giáo. Có thể, cô sẽ bị khiển trách về chuyện bỏ đi vì Tôlic. Và nếu như thầy hiệu trưởng biết được cô sửa điểm hai thành điểm năm thì có khi cô bị đuổi cũng nên. Cuối cùng, Lênha đang chuẩn bị chuyển vào trường âm nhạc nên ít sợ thầy hiệu trưởng hơn, nói: - Chắc là cô ấy bị đau đầu. - Hừ - thầy hiệu trưởng lắc đầu đi ra. Cả lớp lại nhào về phía Tôlic. Chúng la lên rằng, do Tôlic mà cô Anna Gavrilôvna sẽ bị khiển trách. Và có thể, cô sẽ bị đuổi khỏi trường. Lúc ấy tốt hơn hết, Tôlic đừng mò đến lớp nữa. Lêna Segiôva đề nghị đi gặp thầy hiệu trưởng, kể lại tất cả sự thật, rồi đề nghị thầy tha lỗi cho cô giáo. Bọn trẻ phản đối Lêna. Chúng cho rằng làm như thế, thầy hiệu trưởng sẽ biết hết mọi chuyện. Còn cứ im lặng thì chưa chắc thầy đã biết. Lớp học ồn ào đến mức chẳng ai biết cô Anna Gavrilôvna vào lớp từ lúc nào. - Tại sao các em lại ồn vậy? – Cô giáo nói – Chẳng lẽ không thể để các em tự quản một phút hay sao! Tất cả về chỗ ngồi! Bọn trẻ nhanh chóng ngồi vào chỗ, chờ đợi. Chúng muốn biết thầy hiệu trưởng nói gì với cô giáo. Cũng có thể thầy hiệu trưởng chưa gặp cô giáo? Tốt hơn là đừng gặp. Không học sinh nào muốn cô bị đuổi khỏi trường. Điều đó cũng có thể xảy ra lắm, bởi thầy hiệu trưởng là người quan trọng nhất trong trường. Anna Gavrilôvna ngồi xuống ghế, bóp trán. Dường như cô muốn nhớ lại một điều gì đó nhưng không thể nhớ ra. Cả lớp im lặng. Lêna Seglôva là người đầu tiên phá tan bầu yên tĩnh. - Thưa cô – cô bé nói – thầy hiệu trưởng vừa mới đến đây ạ. - Tôi biết – cô giáo gật đầu. - Chúng em nói rằng cô bị đau đầu … Cô giáo nhìn cả lớp một lượt. Bọn trẻ lấy làm hài lòng, rằng bọn chúng đã khéo nói dối thầy hiệu trưởng và bảo vệ Anna Gavrilôvna. Cô giáo mỉm cười và những nếp nhăn trên trán biến mất. - Các em quả là những đứa trẻ mưu trí – cô giáo nói – Thế mà tôi vẫn tưởng … - Tất nhiên, thưa cô – Lêna trả lời – cô đừng sợ, chúng em sẽ không nói với một ai. - Các em sẽ không nói cái gì? - Không nói chuyện cô cho Rưzcôp điểm năm. - Không hiểu gì cả - Anna Gavrilôvna nói – Tất nhiên tôi đã cho điểm năm. Tại sao phải giữ bí mật? Rưzcôp trả lời rất tốt. TÔI CẦN PHẢI cho cậu ta năm điểm. Bọn trẻ nhìn nhau. Chúng không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô giáo. Một thời gian dài hầu như chúng đã quên Tôlic. Còn Tôlic thì ngồi sút lưng xuống gần như cúi dưới bàn để ít bị chú ý. Chỉ có nó là biết chuyện gì xảy ra. - Không hiểu gì cả - Anna Gavrilôvna lặp lại – Tại sao các em lại nhìn tôi như vây? Điều gì đã xảy ra, Seglôva? - Em … em không biết ạ - Lêna miễn cưỡng trả lời, rồi ngồi xuống. Cô giáo nhìn Tôlic một cách thiếu tự tin: - Rưzcôp, em có thể giải thích chuyện gì đã xảy ra chăng? Tại sao cả lớp lại tỏ ra lo lắng về điểm của em vậy? - Em … em không biết. Tôlic đứng lên nghiêng đầu về một phía, dường như chính nó cũng không hiểu. Vào lúc ấy một cục giấy thấm vo tròn bắn vào tai cậu. - Grômôp, ra khỏi lớp ngay – cô giáo nói. Ghênha Grômôp lẳng lặng bước ra cửa. Đây không phải là lần đầu nó bị đuổi ra khỏi lớp. Nhưng lần này thì cả lớp ái ngại nhìn nó, và se sẽ đưa cùi chỏ về phía Tôlic. Ngay cả Lênha Travin cũng giơ cùi chỏ, mặc dù chưa bao giờ nó đánh nhau – Lênha sợ hư ngón tay, khi ấy nó sẽ không thể trở thành một nghệ sĩ viôlông được. Cửa đóng lại sau lưng Gômôp. - Tôi đang chờ, Rưzcôp – Cô Anna nói. Tôlic đỏ mặt, bẻ mấy ngón tay. Nó rất hối hận vì không cẩn thận. Nó đã hiểu là cần phải đạt điểm năm theo cách khác. Từ ngày mai nó sẽ nhận được hàng trăm điểm năm. Còn bây giờ … bây giờ thì phải trả lời cô giáo đã. - Em, thưa cô – nó bắt đầu nói, nhưng bỗng nó khuỵu xuống ghế - Xasa Ardukhanhan thò chân dưới bàn đạp vào khuỷu chân nó. - Ardukhanhan, ngồi lên bàn đầu! Cô giáo ra lệnh. Và Xasa Ardukhanhan, một học sinh thường cãi lại cô giáo, lần này im lặng đi lên ngồi vào bàn đầu. - Ngồi xuống, Rưzcôp – cô Anna nói. Cô đưa mắt nhìn cả lớp rồi tiếp – Tôi thường nghĩ là tôi và các em coi nhau như bạn bè. Và chúng ta đã thỏa thuận là mọi chuyện đều kể cho nhau nghe. Thế mà … tôi vừa ra khỏi lớp thì đã có chuyện gì xảy ra. Và các em không muốn nói với tôi. Tôi thấy các em bắt đầu đối xử với tôi không tốt … - Không! Không! – Cả lớp đồng thanh. Nhưng cô Anna tiếp tục: - Hãy suy nghĩ và tự quyết định, chúng ta có nên tiếp tục quan hệ với nhau như trước không? Cái đó tùy các em. Còn tôi, tôi sẽ không phạt một ai hết. Kể cả Grômôp và Ardukhanhan. Thích thế nào thì cứ xử sự thế ấy. Chuông điện báo hết giờ. Cô giáo cầm kẹp sách đi ra khỏi lớp. Bọn trẻ im lặng. Xasa Ardukhanhan nói: - Thôi được, Rưzcôp, sau buổi học sẽ biết.