ài gòn tháng sáu có những cơn mưa bất chợt như chiều hôm nay. Thi đứng trú mưa dưới mái hiên trước cửa lối vào rạp Eden. Cùng đứng trú mưa với Thi còn có một thanh niên nói giọng bắc có lẽ từ Hà Nội mới vào. Anh chàng lóng ngóng hỏi đường ra chợ Bến Thành. Thi chỉ về phía cuối đường, nói ra đó quẹo phải rồi đi thẳng qua mấy ngã tư thì tới chợ. Anh chàng trẻ tuổi lừng chừng, nửa muốn đi nhưng có lẽ còn ngại cơn mưa rào còn nặng hạt nên đành nán lại. Ngày xưa Thi cũng gặp Nguyễn ngay đây, trước lối vào rạp Eden, nhưng hôm đó trời không mưa và nắng rất đẹp. Thi để ý thấy thấy Nguyễn đứng bên kia đường mà mắt cứ chăm chú nhìn sang phía Thi. Cho đến lúc Thi định quay trở vô rạp Eden thì Nguyễn hấp tấp băng qua đường, chút nữa thì bị xe đụng trúng. Vừa băng qua đường, Nguyễn vừa gọi với theo Thi:
- Nầy cô ơi!
Khi Thi quay lại, Nguyễn đã đứng trước mặt Thi và trong hơi thở Nguyễn hỏi Thi:
- Cô làm ơn cho tôi biết tên nhá!
Thi hơi sửng sốt với cách làm quen đường đột và táo tợn của Nguyễn, nhưng giọng bắc của Nguyễn dễ thương quá làm Thi không nỡ từ chối. Thi lý nhí trả lời:
- Mai Thi.
Nguyễn cười, một nụ cười rạng rỡ và thật đẹp, và sau này dù cho Thi có quên đi gần như tất cả nhưng sẽ không bao giờ Thi quên được nụ cười của Nguyễn sáng hôm đó. Nguyễn cười xong lại hỏi tiếp:
- Tôi thấy cô đứng đây có hơn mười phút, cô chờ bạn phải không?
Thi lại lý nhí trả lời:
- Dạ, chờ bạn.
Thi cảm thấy bối rối trước ánh mắt của Nguyễn. Thi chỉ mong hai nhỏ bạn đến để kéo Thi khỏi cảnh ngượng ngùng khi phải đứng trước một người con trai xa lạ có giọng bắc thật dễ thương và nụ cười thật đẹp. Thi không dám nhìn Nguyễn, chỉ cúi đầu nhìn tay mình đang vân vê chiếc nơ thắt trên mái tóc dài xõa qua vai. Rồi hai nhỏ bạn của Thi cũng tới, nhưng ngại nên chỉ đứng xa xa nhìn Thi đang đứng bên Nguyễn. Thi ngẩn lên nhìn Nguyễn, nói nhỏ:
 - Xin lỗi ông, em phải gặp bạn.
 Nhưng trước khi Thi bước đi, Nguyễn đã kịp ngỏ lời:
 - Tôi biết mình rất đường đột, nhưng có thể xin phép mời cô Thi cùng dùng ly kem với tôi được không?
Nói xong Nguyễn lại cười, nụ cười thật đẹp và tự tin. Thi thấy lòng xao xuyến lạ, như chưa bao giờ thấy trước những người con trai mà Thi đã gặp qua. Thi không trả lời Nguyễn, chỉ nhẹ nhàn gật đầu rồi Thi đi đến chổ Xuân và Huệ đang đứng đợi. Xuân trợn mắt hỏi:
 - Tên đó là ai vậy Thi?
 Thi lè lưỡi lắc đầu:
 - Thi mới quen nhưng chưa hỏi tên người ta!
Rồi Thi xin lỗi hai nhỏ bạn, hôm nay Thi không thể cùng hai nhỏ đi xem phim và đi ăn chè đậu như đã dự định để mừng sinh nhật thứ mười bảy của Thi. Thi sẽ đi ăn kem với người con trai mà Thi chưa hỏi tên đó. Hai nhỏ bạn lắc đầu nhìn Thi, không hiểu tại sao Thi hiền dịu và nhút nhát nhất lớp bỗng nhiên hôm nay trở nên bạo dạn và liều lĩnh trước người con trai xa lạ chưa biết tên.
 Nhưng Nguyễn không chỉ mời Thi đi ăn kem, Nguyễn còn đưa Thi đi dạo phố. Thi ngượng ngùng đi bên cạnh Nguyễn nhưng chỉ một lúc thôi là Thi đã thoải mái để vừa đi vừa trò chuyện với Nguyễn. Ra đến bến Bạch Đằng, Thi ngồi trên ghế công viên hướng ra bờ sông cùng với Nguyễn, thấy lòng rộn ràng vui. Thi đã biết tên của Nguyễn và cả tuổi nữa, biết Nguyễn sinh ra ở Hà Nội, biết Nguyễn vào nam với một mẹ già và biết ngày mai Nguyễn sẽ phải đi xa. Nguyễn muốn viết thư cho Thi, nhưng Thi không chịu vì ba Thi rất khó. Nhưng Thi vẫn cho Nguyễn biết địa chỉ của Thi.
 Sau đó Nguyễn đi biền biệt. Thi biết Nguyễn sẽ không viết thư cho Thi nhưng thật lạ khi Thi cứ mong chờ và Thi không dám nghĩ sẽ có một ngày Nguyễn trở lại gặp Thi. Nhưng bốn tháng sau Nguyễn trở lại tìm Thi. Nguyễn đến trong một sáng chúa nhật khi cả nhà Thi đang chuẩn bị đi lễ. Chính ba Thi ra mở cửa rồi mời Nguyễn vào phòng khách. Thi đứng phía sau trong phòng ăn như sắp khóc. Thi mừng khi Nguyễn cuối cùng đã đến, nhưng lo vì ba Thi sẽ trách mắng. Một người con trai đường đột đến nhà tìm Thi, lại là người bắc thì nhất định ba Thi không thể bỏ qua. Thi không hiểu do đâu cả ba và mẹ Thi đều không thích cung cách nói chuyện khéo léo của người bắc, cứ cho là đãi bôi. Nhà Thi, ba mẹ đều là người nam có đạo gốc từ thời ông cố và thuộc loại gia đình gia giáo, tuy không giàu sang. Ba Thi xuất thân là giáo sư hiện làm chánh sở học vụ, rất nghiêm trong việc giáo dục con cái, còn mẹ Thi dễ dãi hay chìu con nhưng mọi việc trong nhà đều phải nghe theo ba Thi. Thi đứng thấp thỏm nhìn ra phòng khách, xem ba thi hỏi chuyện Nguyễn nhưng chỉ nghe câu được câu mất. Khi mẹ Thi đến hỏi người con trai đó là ai thì Thi lúng túng không dám trả lời. Chẳng lẽ Thi nói với mẹ là Thi chỉ gặp Nguyễn có một lần rồi bây giờ Nguyễn tìm đến tận nhà.
 Nhưng điều Thi lo sợ đã không xảy đến, ba Thi đã không trách mắng, còn cho Nguyễn cùng theo cả nhà đi lễ. Trên đường đi lễ, ba Thi cầm lái, Nguyễn ngồi ghế trước bên cạnh ba Thi, lâu lâu lại quay xuống cười với mẹ Thi, với đứa em trai và với Thi. Nụ cười của Nguyễn thật đẹp, ngay chính mẹ Thi sau khi Nguyễn về cũng đã nhận xét như vậy. Thời gian sau đó Nguyễn đến nhà thăm Thi thường xuyên hơn. Cứ mỗi hai tuần Nguyễn lại đến. Nếu Nguyễn đến buổi sáng sẽ cùng cả nhà Thi đi lễ, còn đến buổi chiều thì Nguyễn xin phép ba Thi cho Nguyễn được đưa Thi đi dạo chơi đâu đó và lần nào Nguyễn cũng đưa Thi về trước giờ cơm chiều.
 Nguyễn đã không hề nói lời tỏ tình với Thi, chỉ một cái nắm tay thôi là Thi chấp nhận tình yêu của Nguyễn. Thực sự Thi đã yêu Nguyễn ngay từ lần đầu gặp mặt, nhưng Thi còn e dè với chính mình. Thi không dám nghĩ một người con trai như Nguyễn sẽ yêu một cô gái như Thi. Lần đầu được Nguyễn hôn, mắt Thi ngấn lệ cứ như chợt khóc. Nguyễn đưa tay gạt giọt nước mắt đọng trên má Thi rồi ôm Thi thật chặt vào lòng. Nguyễn thì thầm nói với Thi:
 - Mình sẽ mãi mãi thuộc về nhau em nhé!
 Thi ấp đầu vào ngực Nguyễn, nghe nhịp tim của Nguyễn rộn rã và Thi tin lời Nguyễn. Ba tháng sau Nguyễn đưa mẹ đến nhà gặp ba mẹ Thi để xin cầu hôn. Ba mẹ Thi bằng lòng ngay, còn Thi đứng trong phòng ăn mặt đỏ bừng vì thằng em cứ chọc Thi:
 - Chị Thi sắp lấy chồng ta ơi, lêu lêu chị Thi sắp lấy chồng!
Mẹ Nguyễn người Hà Nội và cũng có đạo gốc như ba mẹ Thi. Mẹ Nguyễn nói năng thật khéo léo và rất biết giữ lễ. Bà muốn hai đứa làm lễ hỏi trước rồi qua tháng Giêng năm sau khi Thi đủ mười tám tuổi mới làm đám cưới. Ba mẹ Thi tuy không nói ra mặt nhưng rất hài lòng với lối cư xử đầy lễ giáo của mẹ Nguyễn. Đám hỏi của Nguyễn và Thi chỉ tổ chức nhỏ thôi, trong vòng gia đình nhưng Thi có mời hai nhỏ bạn thân, Xuân với Huệ đến dự. Hai nhỏ bạn cứ chọc Thi, nói trong đám bạn gái Thi lên xe hoa sớm nhất, và với Nguyễn nên làm tụi nó phải ganh tị. Thi thấy cuộc đời thật đẹp và không một chút lưu luyến khi phải giả từ thời con gái sớm hơn mấy nhỏ bạn cùng lớp.
 Đám hỏi xong Nguyễn lại ra đi biền biệt, nhưng lần nầy Nguyễn viết thư cho Thi. Những cánh thư đều đặn hai tuần một lần, đến từ một miền xa xôi nắng gió nào đó nuôi sống Thi. Thi chờ mong, rồi rộn ràng mở những lá thư xanh để được đọc những dòng thư với nét bút nghiêng nghiêng và đều đặn của Nguyễn. Thi để những lá thư của Nguyễn trong cặp, mang theo đến lớp học để có cảm tưởng Nguyễn đang ở cùng bên Thi. Rồi hôm sau Thi gửi lại cho Nguyễn bằng nét chữ học trò những thương yêu đong đầy và nhớ nhung khắc khoải. Hằng đêm Thi cứ nhớ day dứt nụ cười thật đẹp của Nguyễn và Thi đếm tháng đếm ngày, mong cho mau ra Giêng để Nguyễn trở về làm đám cưới với Thi.
 Sau khi học hết trung học, Thi ghi danh vào học đại học sư phạm như ba Thi mong muốn. Sinh nhật thứ mười tám của Thi, ba Thi tổ chức thật chu đáo và Thi mời gần hết bạn học trong lớp đến chung vui. Nhưng Nguyễn không gửi thiệp mừng sinh nhật cho Thi như Thi đã mong đợi. Và cả thư của Nguyễn nữa, đã hơn hai tuần mà Thi chưa thấy. Thi khắc khoải đợi chờ thư của Nguyễn, rồi không chờ được nữa Thi đến nhà mẹ Nguyễn để biết tin tức của Nguyễn. Nhưng Nguyễn ít khi gửi thư cho mẹ, có khi đến vài tháng mẹ Nguyễn mới được một lá thư và lần cuối thư về là hai tháng trước. Thi trở về lòng nóng như có lữa. Thi đã quỳ xuống để cầu nguyện rất lâu và rất khẩn thiết trước tượng Đức Mẹ Maria, xin cho Nguyễn được bình an.
 Một tuần sau mẹ Nguyễn đến nhà Thi báo tin Nguyễn mất tích. Hôm đó Thi đi học chỉ có mẹ Thi ở nhà. Hai người đàn bà đã ngồi nhìn nhau để khóc. Đến khi Thi được tin, Thi quỵ xuống mắt như ngây dại nhưng nước mắt chẳng thể trào ra. Những ngày sau đó Thi đã cầu nguyện hằng đêm và mỗi tuần sau khi tan lễ, Thi quỳ thật lâu trước tượng Đức Mẹ, khẩn thiết cầu nguyện để Nguyễn được trở về. Nhưng Nguyễn đã không trở về như lời Thi cầu nguyện, và cứ như vậy Thi sống trong khắc khoải và đợi chờ vô vọng cho đến khi Thi tốt nghiệp đại học sư phạm. Mẹ Nguyễn có đến nhà gặp Thi một lần, khuyên Thi nên quên Nguyễn đi vì Thi còn phải lập gia đình. Thi nước mắt ứ trong mắt, nghẹn ngào nói với mẹ của Nguyễn:
 - Làm sao con quên ảnh được hả mẹ?
 Nhưng rồi Thi cũng phải lấy chồng. Người Thi lấy làm chồng do chính bạn của ba Thi giới thiệu, một luật sư quê ở Gò Công nhưng có văn phòng ngay trung tâm Sài Gòn. Chồng Thi cao ráo, lịch sự, hết mực thương chìu vợ và nếu như không có Nguyễn, Thi sẽ rất yêu chồng vì một người đàn ông như vậy, biết bao nhiêu cô gái hằng mong muốn được làm vợ. Thi biết mình phải quên Nguyễn đi, quên đi cái nắm tay lần đầu thay lời tỏ tình, quên đi những nụ hôn nồng ấm của Nguyễn làm Thi như đang say và tất cả những gì dính dáng đến Nguyễn, Thi cũng không được nhớ đến. Sau khi lấy chồng được một năm, Thi trở về nhà ba mẹ lấy tất cả thư từ và hình ảnh của Nguyễn ra đốt. Nhìn tàn lửa, mắt Thi ngây dại như lần nghe tin Nguyễn mất tích.
Rồi Thi trở về nhà chiều hôm ấy để thực sự làm người vợ hiền tận tụy chăm lo cho chồng và sau này là chăm lo cho những đứa con.
o0o
Buổi sáng tôi náo nức từ Hà Nội bay vào Sài Gòn. Đây là lần đầu tôi vào Sài Gòn, còn lý do là chỉ để dự một hội nghị vớ vẩn của mấy anh nhà báo thích khoa trương thanh thế.  Ở Hà Nội, đứa con gái tiễn tôi ra tận sân bay Nội Bài cứ một mực răng đe, vào đấy không được ở lại, có chết cũng phải về với em.
Buổi chiều tôi ra dạo phố thì gặp ngay cơn mưa rào. Cơn mưa đầu tiên của Sài Gòn chào đón tôi không có gì đáng nhớ nếu như tôi không đứng lại để trú mưa cùng với một người đàn bà lớn tuổi nhưng rất khải ái. Người đàn bà lớn tuổi ấy ăn vận nhã nhặn, trang điểm thật nhẹ và khi nói chuyện tay thường vân vê những lọn tóc xõa qua vai. Và trong lúc chờ mưa tạnh, tôi đã tò mò hỏi cuối nơi hành lang hun hút kia hình như là một rạp hát. Người đàn bà khả ái khẽ gật đầu, bảo ngày xưa đấy là rạp hát và bắt đầu kể cho tôi nghe một câu chuyện có dính dáng ít nhiều đến rạp hát ấy. Rất thật lòng mà nói, những câu chuyện trong thời chiến tranh như thế tôi đã nghe nhiều, đến nỗi không còn hứng thú để ghi lại thành truyện,  nhưng lần nầy người kể chuyện là một người đàn bà rất khả ái và chỉ về thăm Sài Gòn trong vòng một tuần rồi lại đi ngay, nên tôi thấy cần phải ghi lại đây.
 © 2011 DL Bui

Xem Tiếp: ----