ại một mùa Xuân về trên đất khách trong không khí nhộn nhịp, chuẩn bị mua sắm vào những ngày cuối năm âm lịch. Phẩm vật và hương vị đặc biệt của ngày Tết đang bắt đầu trở lại với mọi người, mọi nhà, nhưng nhiều phần, chắc sẽ không còn đầy đủ nguyên vẹn, như được diễn tả trong câu đối Tết rất quen thuộc của những ngày xa xưa:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Bây giờ thịt mỡ chắc ai cũng e dè, ít dám đả động, chỉ dám nấu một nồi nhỏ, thịt nhiều hơn mỡ. Câu đối đỏ đã thưa thớt, thấy nhiều ở các chùa chiền, lăng, miếu thôi. Cây nêu lại càng hiếm, chỉ còn lác đác được dựng tại vài nơi tụ điểm vui Xuân để hoài niệm. Pháo thì ở đâu cũng cấm, lại đang ở thời thắt lưng buộc bụng, nên có đốt cũng là đốt lén, đốt đại, dồn vào đêm giao thừa là chính. Riêng dưa hành và bánh chưng xanh, nhất là bánh chưng vẫn còn hiên ngang ngự trị mọi nơi, khắp nẻo, tại những địa phương có đông người Việt mình cư ngụ, chợ nào, tiệm thức ăn nào cũng có. Cũng may còn có bánh chưng cùng với các loại bánh, mứt, hoa, quả để những ngày Tết nơi hải ngoại đỡ phần tẻ nhạt. Hơn nữa, bánh chưng bây giờ càng ngày càng được gói ghém đàng hoàng, toàn bằng lá chuối hoặc lá dong - dẫu lá đông lạnh - đúng khuôn mẫu, chứ không như thời những năm mới ổn định, sau khi chân ướt chân ráo định cư ở xứ người, cái bánh được gói bằng giấy nhôm hay giấy thiếc, chẳng có mùi vị gì là bánh chưng cả.
“Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết”, các cụ ngày xưa nói thế, nhưng Tết đến mà không có bánh chưng thì đâu còn là Tết nữa. Với lại mỗi năm mới có một lần, cái món quốc hồn quốc túy này không làm, không ăn vào dịp Tết để nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà thì đợi đến dịp nào? Vì thế hầu như nhà nào cũng có ít nhất một, hai cái bánh chưng. Ấy vậy, ăn thì được, nhưng gói và nấu bánh thì chắc chẳng mấy ai còn tự làm lấy. Rườm rà, lỉnh kỉnh lắm, mất thì giờ nữa, ai cũng biết thế. Bây giờ ăn vài cái bánh chưng đâu cần gì phải mất công gói với nấu. Ra chợ rước chừng năm, bảy cái về, vừa làm quà Tết, biếu xén đây đó, vừa để bày bàn thờ cúng rồi ăn dần, có đắt chút đỉnh cũng không sao. Tết mà, tiền mừng tuổi ông bà, bố mẹ, con cháu còn tốn hơn nhiều.
Tuy vậy, ngày mồng một, lúc bóc cái bánh chưng ra cho cả nhà thưởng thức lấy hên thì có khi lại ấm ức vì mua nhằm thứ bánh nhạt nhẽo, vô vị, không biết có phải là bánh chưng không, dù nhìn thật đẹp, cũng lá, cũng nếp, cũng đậu, cũng thịt. Nếu hên thì được cái bánh kha khá, còn nuốt trôi mấy miếng, nhưng thua xa hương vị bánh chưng ngày xưa ở nhà gói và nấu lấy. Bánh chưng ngày xưa! Cái ngày xưa ấy, tưởng xưa rồi nhưng không xưa lắm, hình như chỉ mới hôm nào. Vì cứ mỗi lần hây hẩy làn gió Xuân ấm áp thổi về, xua tan dần hơi lạnh của những ngày Đông giá, và cỏ cây bắt đầu đơm hoa nảy lộc, chào vui nắng mới, thì kỷ niệm xưa lại trở về đầy ăm ắp. Những hình ảnh êm đềm, âm thanh sống thực, mùi vị đậm đà của lạt giang, lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, bếp lửa hồng, thùng bánh đang sôi và những nét mặt vui tươi háo hức, giọng cười hồn nhiên, lại hiển hiện trong tâm tưởng như vừa mới đây, vừa hôm qua thôi.
- Dương, cái sợi lạt con đang tước nó mỏng dần đi rồi này. Con phải bẻ cong thanh giang hơn, cho sợi lạt nó dày lên thì lạt mới đều. Tước lạt mà không khéo thì một thanh được mấy cái? Làm sao đủ lạt để gói hết bánh.
Mẹ tôi vừa dùng tay tước sợi lạt vừa chỉ lại cho tôi cách làm cho đúng.Taymẹ thật khéo, vừa nhanh vừa dẻo, sợi lạt được tước ra mảnh mai và đều đặn. Chả bù cho tôi, vừa chậm vừa vụng. Mấy sợi lạt của tôi tước đã cứng lại không đều, đầu dày đầu mỏng. Trung bình một thanh giang to bằng ngón tay út, mẹ tước ra được sáu đến bảy sợi lạt đàng hoàng, còn tôi thì cố lắm chỉ được ba hay bốn sợi là cùng.
Hôm nay là ngày hai mươi chín tháng Chạp, nhà tôi đang chuẩn bị gói bánh chưng ăn Tết. Năm nay là năm đầu tiên tôi sẽ được mẹ chỉ dẫn và tập cho gói bánh. Mới sáng sớm mẹ và chị Mai đã thức dậy, ra chợ mua về những xấp lá dong xanh đậm, ống giang và thịt heo tươi. Gạo nếp, đậu xanh đã được ngâm sẵn từ đêm hôm qua. Vừa rồi mẹ đã vớt nếp ra mấy cái giá cho ráo nước, xốc đều lên với muối, còn đậu xanh cũng được đãi vỏ và đang hấp trong chõ, bốc hơi nghi ngút. Mẹ hay nói với chúng tôi: “Bánh chưng quan trọng nhất là cái nếp. Phải chọn thứ nếp dẻo mà thơm. Nêm muối và chút đường vừa đủ đậm đà thì ăn mới ngon được.” Trong lúc mẹ lo chuẩn bị những vật liệu quan trọng, tôi được phân công chẻ ống giang ra thành nhiều thanh nhỏ để sau đó tước thành những sợi lạt gói bánh. Trước khi chẻ tôi đã phải dùng mảnh chai vỡ cạo cho sạch lớp vỏ sừng ở bên ngoài ống. Đáng lẽ tôi chỉ cần chẻ ống giang như lời mẹ dặn, rồi ra lo việc rửa lá dong, nhưng tôi lại muốn tập tước lạt luôn vì đã từng thấy mẹ với chị Mai tước lạt dễ dàng quá.  
Những năm trước, năm nào nhà tôi cũng gói và nấu bánh chưng. Hồi ấy tôi còn nhỏ, chỉ ham chơi đùa nên chẳng để ý gì lắm. Việc chuẩn bị, gói ghém, nấu bánh do bố mẹ và các anh chị lo. Vài năm đầu hình như chỉ một mình mẹ gói. Mấy năm về sau, mẹ tập cho anh Minh, là anh hai, lớn hơn tôi sáu tuổi, gói phụ với mẹ. Phần tôi, mẹ có sai bảo những việc vặt vãnh thì tôi ráng làm cho nhanh rồi mắt trước mắt sau, vớ cây nhang, chạy ra nhập bọn với đám trẻ con hàng xóm, đang chơi đùa vui vẻ với mấy viên pháo chuột. Bọn chúng tôi khoái đốt pháo trong cái lon sữa bò bằng thiếc úp dưới đất. Pháo nổ làm tung cái lon lên quá mái nhà là chúng tôi vỗ tay reo hò khoái chí. Thỉnh thoảng tôi chạy về nhà đứng nhìn người lớn gói bánh, thấy hay hay nhưng cũng chẳng lưu tâm. Chỉ đến khi trời tối tôi mới để ý đến thùng bánh chưng to tướng, đang sôi ùng ục trên mấy hòn gạch thẻ kê cao ba góc, làm thành ông đầu rau ngoài trời, ở góc sân trước nhà. Nhìn ngọn lửa đỏ bập bùng linh động, đang tỏa lan quanh đáy thùng, liếm vòng cả ra xung quanh cũng thú vị, tưởng như đang ngồi vòng quanh đống lửa trại trong những lần họp hướng đạo. Việc mẹ giao cho tôi lúc ấy chỉ là phụ với anh Minh, thỉnh thoảng đẩy cây củi gỗ đang cháy vào sâu trong lò, hoặc châm thêm củi mới khi cần. Tôi chỉ khoái khi về khuya, bụng đã cồn cào thì cũng vừa lúc có thể vớt những cái bánh mọn nằm ở bên trên ra để ăn. Bánh mọn là những cái bánh chưng nhỏ, gói theo hình khối chóp nón tựa như bánh giò, bánh  dợm nhưng to hơn. Thường vào gần cuối lúc gói bánh, khi đã gói xong những chiếc bánh chính thức vuông vức, thì phần gạo, đậu và thịt còn sót lại sẽ được dùng để gói bánh mọn. Vì nhỏ nên bánh mọn mau chín, không phải nấu lâu như những chiếc bánh to. Đối với tôi, được ăn cái bánh mọn vào lúc đó tôi thấy hương vị còn ngon lành hơn cả khi ăn bánh chưng to vào sáng hôm sau hoặc trong những ngày Tết.
- Thôi, con ra sàn nước rửa lá dong cho mẹ đi. Để chị Mai với mẹ tước lạt. Rửa hai lần nước, lấy cái khăn mặt vò cho sạch mà lau, vuốt nhẹ tay thôi, khéo không rách lá. Rửa kỹ thì bánh mới ngon và giữ được lâu. À mà nhớ xếp lá to ra một bên, lá nhỏ một bên và lá rách một bên giống như năm trước đấy.
Mẹ đã giục tôi đi rửa lá, chắc vì thấy tôi lọng cọng, không hợp với việc tước lạt. Mẹ đưa cho tôi một cái lá làm mẫu để biết là phải to bằng hay to hơn cái lá này thì mới gọi là lá to.
- Chia lá ra để làm gì vậy mẹ? - Tôi vờ thắc mắc dù cũng đoán được phần nào lý do.
- Thì để khỏi lộn xộn, dễ phân biệt - Mẹ chắt miệng đáp. - Lá to và lành để xếp làm lớp bao ngoài, lá nhỏ và rách để lót bên trong, lá lành đùm lá rách mà. Thôi rửa nhanh đi, khi nào xong mẹ chỉ cách xếp và cắt lá cho vừa khuôn. À mà rửa xong thì nhớ đếm cho mẹ xem có bao nhiêu cái lá to.
Mẹ vừa nói dứt lời đã quay ra lo tẩm thịt với muối, tiêu, đường, hành. Những lát thịt ba rọi trắng hồng, nửa nạc nửa mỡ, to bằng bàn tay trẻ con đã được cắt sẵn để trong cái thau nhôm. Việc rửa lá đối với tôi là quá dễ, vì tôi đã từng làm từ mấy lần gói bánh trước đây rồi. Cái lá dong nhìn như lá chuối nhỏ nhưng vững chãi hơn, một mặt xanh đậm, một mặt xanh nhạt. Tôi cầm từng cái cuống tròn như cây đũa, nhúng cả lá vào chậu nước rồi lấy khăn vuốt hai mặt cho sạch đất cát. Xong lại nhúng vào một chậu nước sạch rồi mới xếp lá vào từng nhóm to, nhỏ và rách như lời mẹ dặn. Mấy bó lá mua ở chợ về nhìn ở ngoài to đẹp, tưởng những lá bên trong cũng vậy nhưng không phải. Người bán hàng đã khôn ngoan nhét những lá nhỏ và rách vào giữa, tuy không nhiều. Với sức con trai lên mười hai, tôi làm một thoáng đã xong. Rửa và xếp xong ba chồng lá, tôi gọi to:
- Mẹ, con rửa lá xong rồi.
Mẹ đang xem lại nồi chõ hấp đậu xanh trong bếp nghe tôi gọi liền bước ra, trên tay hãy còn vài hạt đậu vàng óng, miệng thì đang nhâm nhấm, chắc mẹ thử xem đậu đã bở chưa. Mẹ vui vẻ:
- Con làm nhanh nhỉ. Mà rửa có sạch không đấy.
Mẹ đưa tay giở vài cái lá lên kiểm soát lại rồi gật gù:
- Ừ, sạch đấy. Thôi được rồi, bây giờ con đổ hết nước trong hai cái chậu này đi, tráng lại cho sạch để lát nữa đựng lá, rồi vào bếp mang cái thớt với con dao phay ra đây mẹ chỉ cách chặt lá cho vừa khuôn gói bánh. Thế con đã đếm được bao nhiêu cái lá to chưa?
 - Ơ chưa. Để con đếm. Đây một, hai, ba… Tổng cộng có sáu mươi tám cái mẹ à.
Mẹ hơi chau mày:
- Thế thì thiếu đấy. Mình cần bốn lá cho một bánh, vị chi tám mươi lá mới đủ gói hai mươi cái bánh. Còn thiếu mười hai cái.
- Cái bánh to thế mà chỉ cần bốn lá thôi à mẹ? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Ừ, bốn lá là nhiều rồi, chỉ khi lá hơi bé thì mới cần một cái che lót bên trên nữa.
- Hay mình lấy thêm từ đống lá nhỏ này nè mẹ. Con thấy có những lá chỉ nhỏ hơn cái lá mẫu một chút thôi, nhưng con cũng để vào đống lá nhỏ này.
- Ừ, cũng được. Con xem lại rồi lấy từ trong đó ra mười hai lá để thêm vào nhóm lá to cho mẹ. Nếu còn thiếu thì lấy cả mấy cái lá to mà rách ít nữa.
Tôi làm theo lời mẹ dặn. Khi lá và dao thớt đã sẵn sàng, mẹ lấy một chiếc lá to xếp hai cạnh lại theo chiều dài, lấy dao nhỏ lạng cho mỏng bớt sống lá, rồi lại gấp đôi theo chiều ngang. Mẹ ướm nó vào cạnh bên trong của cái khuôn gỗ hình vuông. Đánh dấu xong, mẹ dùng dao phay chặt bỏ cuống và đuôi cho phần lá còn lại dài vừa vặn với khuôn. Chiếc lá dong bây giờ trông gọn gàng như tờ giấy xếp làm tư. Mẹ bảo tôi cứ xếp và chặt giống như vậy cho đến khi hết đống lá to, chỉ cái nào có sống lá cứng và cộm mới phải lạng bớt cho mỏng. Tôi khua tay xếp lá rồi chặt, chém một lúc là xong. Những xấp lá đều đặn được xếp ngay ngắn đầy hai cái chậu. Theo lời mẹ, tôi cũng chặt bỏ cuống của những chiếc lá nhỏ và lá rách rồi xếp hết vào hai cái rổ tre. Vừa xong việc và đang định thu dọn sân bãi thì mẹ lại gọi vọng ra từ trong bếp:
- Dương, vào bếp giã cho mẹ nồi đậu xanh này.
- Con còn đang hót mấy cái cọng lá đầy ra dưới sân đây. - Tôi trả lời vọng vào, một tay đã cầm chổi rễ, một tay cầm cái hót rác.
- Bỏ đấy, tí quét. Rửa tay đi rồi vào giã ngay không đậu nó nguội. - Tiếng mẹ thúc hối.
Tôi vội quăng chổi cùng hót rác, rửa tay sạch sẽ xong bước vào bếp thì thấy mẹ đang múc từng thìa đậu xanh đã chín, còn bốc hơi nghi ngút, từ trong nồi chõ đổ vào cái cối đá, bên cạnh cối là cái chày gỗ to. Thấy tôi vào, mẹ nói ngay:
- Ngồi xuống giã ngay cho mẹ. Không cần mạnh tay như giã cua, đậu nó văng ra ngoài mất. Cũng đừng giã nát quá. Khi nào được một mẻ thì lấy thìa múc ra cái nồi này rồi lại múc đậu trong chõ bỏ vào giã tiếp.
Mùi đậu xanh chín bốc ra thơm nồng từ cái cối đặt trên nền xi măng có lót hai tờ giấy to bản. Tôi ngồi xuống cái ghế nhỏ, cầm chày, lựa phía đầu sạch, rồi bắt đầu giã. Mẹ đứng nhìn tôi giã đậu cho đến khi được một mẻ, vừa theo ý mẹ rồi mới bỏ đi lo chuyện khác. Với tôi, việc ôm chày dọng cối cụ thể như thế này, chứ không phải chuyện “cãi chày cãi cối”, là việc thường như cơm bữa. Mẹ sai tôi giã giò, giã chả cá, giã cua đồng cho mẹ làm cơm hoài nên tôi đã quen. Mẹ thường nói với cả nhà lúc ăn cơm: “ Thằng Dương nó giã giò, giã chả khỏe lắm. Có nó thì mới làm được mấy món chả cá thì là với canh riêu cua đồng chứ không thì chịu.” Bố tôi nghe thì cười đáp: “Con trai tuổi nó không giã thì ai giã. Để cho nó một công hai việc, tập thể dục luôn cho khỏe tay.” Vì đã quen phải giã những món thức ăn cần dùng nhiều sức nên khi giã đậu xanh chín, tôi cảm thấy công việc thật nhẹ nhàng. Ngoài đậu, không cần phải cho thêm mấy thứ lỉnh kỉnh gì khác để giã chung nên chỉ một lát đã xong.
Mẹ cũng vừa quay lại. Mẹ bảo tôi rửa tay sạch rồi nắm đậu lại thành từng nắm tròn, to hơn quả bóng quần vợt. Mẹ dặn:
- Con áng chừng chia đậu ra thành hai mươi phần. Mỗi phần là một cái bánh. Nhớ cũng để chừa ra một ít để gói bánh mọn. Gạo, thịt mẹ cũng phân ra như thế rồi.
Thấy mẹ nhắc đến bánh mọn và chợt nhớ lúc xếp lá đã không có đủ lá to cho những cái bánh chính thức, tôi buột miệng hỏi:
- Thế gói bánh mọn dùng lá rách à mẹ?
Mẹ trả lời ngay:
- Thì lấy lá nhỏ với lá rách mà gói. Những cái bánh ấy đâu cần lá to với lá lành.
Khi tôi nắm đậu xong bưng lên thì mẹ và chị Mai đã quét dọn sàn nước xong xuôi. Dưới mái hiên nhà nơi sân sau, bố tôi đã kê thêm cái bàn mộc cạnh bàn ăn và mọi thứ đã được bày biện sẵn sàng để chuẩn bị cho việc gói bánh chưng. Bên cạnh chậu nếp trắng là thau thịt heo đã tẩm, lốm đốm hạt tiêu, lại có cả mùi cà cuống thơm thơm. Mấy chồng lá dong cũng được đặt nằm quanh đó. Bó lạt chẻ xong đang ngâm trong chậu nước. Tôi đặt nồi đậu xanh cạnh thau thịt rồi quay ra lấy nước lạnh uống. Loay hoay làm việc từ sáng, đồng hồ đã điểm mười giờ nhưng tôi không thấy mệt, chỉ hơi khát nước. Có lẽ niềm vui háo hức đón Tết trong không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm đã xua tan mọi nỗi nhọc nhằn. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên tôi được tập sự gói bánh chưng. Một điều tôi cảm thấy thích thú vì trước đây tôi chưa từng bao giờ được làm qua. Mẹ bảo tôi năm nay tập gói bánh được rồi, để phụ với mẹ gói thay anh Minh mỗi lần Tết đến. Từ năm ngoái, anh Minh viện cớ đã lớn không chịu gói bánh nữa. Mẹ nói gói bánh có khuôn không khó gì. Ngày xưa người ta còn gói không cần khuôn mà bánh vẫn đều và đẹp không thua gì gói có khuôn. Với lại đa số là đàn ông, con trai gói, giỏi hơn đàn bà con gái nhiều. Lát nữa đây, mẹ sẽ chỉ cho tôi gói chiếc bánh đầu tiên. Có lẽ tôi sẽ vụng về lắm, và có khi hậu đậu làm tung hết gạo, thịt ra không chừng. Trong nhà, tôi vẫn bị tiếng là nhanh nhảu đoảng, thích làm nhanh nhưng lại hay hỏng việc. Mẹ mỗi lần sai hay nhờ tôi việc gì cứ phải nhắc đi nhắc lại để tôi đừng phạm vào những sai lầm do vô tình hay sơ ý. Mẹ đã dặn tôi phải đặc biệt cẩn thận, để tâm vào việc gói bánh vì mỗi năm mới có một lần. Đừng để công lao mẹ chuẩn bị kỹ lưỡng bao nhiêu thứ nguyên, vật liệu, chọn lựa, ngâm, tẩm, nêm nếm đến từng chi tiết nhỏ, trở thành công cốc, chỉ vì mấy cái bánh do thằng con gói vụng, gạo thịt lòi hết cả ra trong khi đang nấu. Kể từ sáng sớm đến giờ, tôi chưa làm hư hỏng chuyện gì cũng là điều đáng hãnh diện. Hôm nay tôi phải chứng tỏ cho mọi người trong nhà thấy là tôi đã lớn và đã khéo chân khéo tay. Chẳng gì tôi sắp lớn thêm một tuổi. Chỉ hai ngày nữa là tôi sẽ được mười ba tuổi rồi. Nếu nói theo tuổi ta thì tôi sẽ mười bốn đấy. Ngoài tuổi ta, sao người ta không nghĩ thêm một cách tính nào nữa để tôi lên mười lăm tuổi cho chẵn nhỉ? Chờ được lớn thêm một tuổi sao mà lâu thế.
Còn đang thơ thẩn suy nghĩ thì chợt có tiếng bố tôi gọi:
- Dương, lại bố bảo.
Bố đang đứng cạnh bàn, tay cầm cái khuôn gỗ mới. Khi tôi đến gần, bố đưa cái khuôn cho tôi rồi dặn:
- Bố mới đóng thêm cái khuôn này giống như cái cũ. Con đưa cho mẹ. Tí nữa mấy mẹ con gói bánh cho nhanh.
Bố nói xong đưa mắt nhìn từng món vật liệu bày quanh bàn gật gù đắc ý. Bố tôi là nhà giáo, bố dạy học quốc văn và hay viết sách, viết truyện nhưng bố cũng giỏi cả việc sửa chữa tu bổ nhà cửa, đồ dùng trong nhà, nhất là những món đồ gỗ. Những lúc rảnh, bố hay đem bàn, ghế, kệ, tủ ra đóng đinh, bắt ốc, gắn “ê-ke” lại cho chắc. Những lúc ấy thì tôi luôn phải ở bên cạnh chờ bố sai bảo, và để được bố chỉ cho những điều hữu ích. Riêng việc gói và nấu bánh chưng, ngoài chuyện đóng khuôn, bố còn lo chuẩn bị chỗ kê gạch làm bếp, uốn vòng miếng tôn để che gió, xếp sẵn ván gỗ và những vật nặng để ép bánh. Có lần tôi tò mò hỏi bố:
- Bố, tại sao mình phải ép mấy cái bánh chưng vậy bố.
Bố xoa đầu tôi giải thích:
- Bánh chưng chín tới, vừa vớt khỏi thùng nấu, còn nóng hổi, là phải ép ngay cho chảy bớt nước còn đọng bên trong ra thì mới giữ không bị thiu, mốc được. Với lại ép như vậy bánh nó mới rền, ăn ngon hơn.
- Rền là gì hả bố? - Tôi thắc mắc vì mới nghe chữ này lần đầu.
-À, rền nghĩa là nếp bên trong bánh dẻo đều và chặt, không bị chỗ lỏng, chỗ nhão. Ăn bánh chưng mà mềm nhão thì mau ngán lắm.
 
Cầm cái khuôn mới trong tay, tôi thấy nó cũng giống như cái khuôn cũ. Cũng hình vuông, mỗi chiều cỡ một gang tay người lớn và cao khoảng hai đốt ngón tay. Sờ thớ gỗ và các góc gạnh, tôi thấy trơn nhẵn chứng tỏ bố đã cẩn thận dùng giấy nhám chà cho mịn để người sử dụng yên tâm, không sợ gai hay giằm đâm vào tay hoặc làm rách lá gói. Chắc mẹ đã nhờ bố đóng thêm một cái khuôn nữa đây. Kể ra, bố mẹ chu đáo như thế là phải, một cái để tôi thực tập còn một cái để mẹ dùng gói bánh cho nhanh.
-  Mọi thứ chuẩn bị xong rồi, bây giờ mình bắt đầu gói bánh nhé. - Mẹ tôi vừa lau tay vào tấm khăn khô vừa bước tới đứng ở cạnh bàn. Mẹ nói tiếp:
- Dương, con để ý nhìn mẹ gói một cái làm mẫu rồi làm theo này.
Trong lúc tôi chăm chú theo dõi, và bố tôi đứng gần mẹ, vui vẻ nhìn, thì mẹ đã nhẹ nhàng rút hai sợi lạt đặt thành hình chữ thập dưới cái khuôn, rồi cầm từng chiếc lá dong đã được gấp và cắt từ lúc nãy, bẻ ra, xếp đứng vào bốn góc khuôn, mỗi góc một lá.Taymẹ khéo léo và thuần thục nên chỉ chưa đầy một phút bốn chiếc lá đã nằm dựng ở bốn góc khuôn, quây thành cái hộp, hở ở trên. Mẹ xúc một bát gạo nếp đổ vào khuôn lá, dàn cho đều trong lòng khuôn, rồi nhón một nắm đậu xanh bẻ ra làm hai. Một nửa nắm đậu được bóp vụn, rải đều trên mặt gạo, rồi mẹ dùng đũa gắp hai lát thịt đặt lên trên. Sau đó lại rải nửa nắm đậu còn lại, và sau cùng là một lớp gạo nếp phủ trên cùng, nhiều bằng với lớp gạo lúc đầu. Mẹ dùng tay san gạo, ấn nhè nhẹ nơi góc khuôn cho nếp nằm đều sát bốn góc. Bây giờ, mức gạo trên cùng đã cao ngang với bề cao của cái khuôn. Cuối cùng mẹ lấy một chiếc lá dong nhỏ đặt lên mặt gạo rồi dùng tay bẻ bốn cạnh khuôn lá xuống gọn gàng như người ta gói một món hàng. Khi xếp xong cạnh lá cuối cùng, mẹ dùng tay trái giữ ở trên còn tay phải kéo cái khuôn lên cho tuột ra khỏi chiếc bánh. Chiếc khuôn tạm nằm gác trong cổ tay trái của mẹ, trong lúc đó, tay phải mẹ nhanh nhẹn cầm lấy hai đầu sợi lạt thứ nhất chập lại rồi xoay mấy vòng. Khi lạt đã vừa chặt, mẹ bẻ cong và nhét đuôi lạt thừa vào bên dưới sợi dây. Xong sợi thứ nhất, mẹ thắt nốt sợi thứ nhì. Cái bánh chưng lá dong đã thành hình, trông vuông vắn, gọn gàng và đẹp đẽ. Việc kế tiếp chỉ là buộc thêm bốn sợi lạt để giữ bánh cho đủ chặt là xong.
Nhìn mẹ gói và buộc lạt chiếc bánh đầu tiên thật nhanh và dễ, nhưng tôi biết với tôi thì không dễ chút nào. Chỉ nội việc buộc dây lạt sao cho chặt, tôi cũng còn loay hoay chưa rành. Còn đang cầm cái bánh chắc nịch trên tay, thán phục tài gói bánh của mẹ thì tôi đã nghe mẹ giục:
- Con vào tập gói đi. Làm đến đâu mẹ chỉ cho đến đấy.
Tôi bước vào thế chỗ mẹ, lau tay vào tấm khăn sạch rồi bắt chước mẹ, tôi lấy một chiếc lá xếp, giở ra rồi dựng đứng ở một góc khuôn. Mẹ lên tiếng nhắc liền: “Con phải đặt hai sợi lạt dưới khuôn trước khi lót lá. Nếu không chút nữa bánh gói xong khó luồn dây lắm.” Sau khi đặt dây lạt, tôi tiếp tục công việc. Mẹ đứng cạnh, chỉ tôi cách xếp mép lá đầu tiên trong lòng khuôn cho thành hình chéo góc rồi mới đặt chiếc lá thứ nhì ở góc đối diện. Mấy ngón tay tôi lóng nga lóng ngóng vì thường chỉ giỏi bắn bi chọi đáo, bây giờ phải dùng vào việc quan trọng nên trở thành lúng túng. Phải mất mấy phút tôi mới xếp xong bốn cái lá dong vào đúng vị trí và bắt đầu đổ lớp gạo nếp đầu tiên, tiếp theo là rắc đậu xanh và xếp thịt. Mẹ vừa nhắc vừa sửa giúp tôi những động tác sai lầm. Mẹ nói: “Con nhớ rải đậu cho đều khắp mặt bánh. Thịt cũng vậy để khi cắt ra ăn không bị chỗ thì thừa, chỗ lại thiếu.”  Khi đổ xong lớp gạo nếp ở trên, mẹ dặn: “Con nhớ lấy mấy ngón tay ấn gạo cho đều, nhất là ở bốn góc nhưng đừng làm mạnh quá. Nơi bốn góc, lá rất dễ bị nứt, làm gạo bung ra khi bánh chín.” Nghe lời mẹ tôi dùng tay san lớp gạo cho đều mặt rồi ấn xuống nhè nhẹ. Mẹ lại bảo: “Con ấn mạnh hơn một chút nữa. Nếu ấn  không đủ chặt thì lại bị úng nước khiến bánh bị nhão.” Tôi loay hoay thêm một lúc thì lớp gạo đã được ấn chặt đều khắp mặt. Vừa lúc đến giai đoạn gói cạnh khuôn lá thì có tiếng gõ ở cửa sau nhà rồi tiếng con gái vang lên:
- Bác Kiên ơi, mẹ cháu mời bác sang chỉ mẹ cháu cách xếp lá vào khuôn kìa.
Đó là tiếng con Chiêu, con bác Mẫn gái. Bác Mẫn là hàng xóm nhà bố mẹ tôi. Nhà bác ít người, chỉ có bác với ba người con. Bác Mẫn trai chẳng may mất sớm vì tai nạn. Chiêu là con út của bác, nhỏ hơn tôi một tuổi. Trên nó là thằng Hùng bằng tuổi tôi và anh Hải bằng tuổi chị Mai. Bác Mẫn với mẹ tôi rất thân với nhau, còn mấy anh em nhà nó thì là bạn chơi đùa nghịch ngợm với chị em tôi hàng ngày. Nghe tiếng con Chiêu, mẹ nói nhanh với tôi:
- Con đặt thêm miếng lá nhỏ rồi xếp cạnh lá lại xong buộc lạt. Khéo không gạo bung ra đấy. Hay chờ mẹ về hãy làm tiếp. Để mẹ chạy sang nhà bác Mẫn một tí.
Tôi vội hỏi:
- Nhà bác Mẫn năm nay cũng gói bánh chưng hả mẹ? Mấy năm trước bác ấy có gói bao giờ đâu.
Mẹ tôi vừa quay người bước đi vừa trả lời:
- Ừ, năm nay nhà bác ấy gói nhưng ít hơn nhà mình.
 
Mẹ đi rồi, bố tôi cũng bỏ lên nhà trên chắc để xem lại mấy chậu hoa, bày biện bàn thờ, hay dán mấy câu đối gì đấy. Tôi quyết định không chờ mẹ về. Tôi muốn tự hoàn tất công đoạn gói bánh sau cùng cho cái bánh đầu tay này. Tôi nghĩ chỉ cần xếp bốn cạnh khuôn lá xuống như mẹ làm lúc nãy, rồi lấy khuôn ra và buộc dây lạt là xong, chắc không khó gì. Nếu làm được, tôi sẽ tiếp tục gói cái bánh thứ nhì, và những cái bánh khác. Khi mẹ về chắc sẽ ngạc nhiên và phục tôi lắm. Nghĩ thì vậy, nhưng sau khi lấy một chiếc lá nhỏ phủ lên, xong đến việc xếp bốn cạnh khuôn lá xuống tôi không biết phải làm sao cho đúng kiểu. Lúng túng xếp mãi cũng không thành hình đẹp đẽ như cái bánh của mẹ gói làm mẫu. Những mép lá xếp xuống cứ méo mó, lệch lạc, nổi cồm cộm lên. Ở một góc bánh, lá đã có vẻ muốn rách vì bị gập xuống bẻ lên nhiều lần. Cuối cùng, tôi quyết định xếp đại bốn cạnh lá xuống rồi bắt chước mẹ, tay trái tôi đè lên cái bánh, tay phải kéo khuôn lên. Chiếc bánh hình như hơi nhúc nhích sau khi bị rời khỏi khuôn. Mấy ngón tay phải của tôi run run, xoay sở mãi mà chưa khép được hai đầu sợi dây lạt đang nằm bên dưới bánh lại với nhau để thắt buộc. Sức đè vụng về của bàn tay trái lên cái bánh càng lúc càng làm nó trở lên lỏng lẻo, mất dần hình dạng vuông cạnh lúc ban đầu. Đã thấy mỏi, tôi muốn đưa cái khuôn đang lồng trong cổ tay vào lại cái bánh nhưng không được nữa, bánh đã bè to ra hơn khuôn rồi. Tôi đưa mắt trông về phía cửa sau nhưng chưa thấy mẹ về, chỉ có chị Mai đang chuẩn bị vo gạo nấu cơm trưa ở sàn nước thì phải. Tôi vội gọi to:
- Chị Mai, lại em nhờ một tí.
Chị Mai không trả lời. Hình như chị không nghe hay có nghe nhưng lờ đi. Tôi phải lặp lại, to hơn. Không quay lại, chị trả lời gấm gẳng:
- Nhờ cái gì, chị đang bận vo gạo đây.
Tôi phải năn nỉ:
- Chị lại buộc hộ em cái dây lạt đi. Cái bánh sắp bung ra rồi này.
Chị Mai đứng lên quay lại nhìn. Khi thấy bộ điệu thảm hại của tôi, chị mới chịu đến gần giúp kéo hai đầu sợi lạt chập lại rồi xoáy mấy vòng. Tôi thở phào buông tay ra khỏi mặt bánh. Nhờ hai sợi dây lạt buộc thành hình chữ thập, chiếc bánh tuy may mắn chưa bị bung ra nhưng đã méo mó, lệch lạc đi nhiều. Chị Mai nhìn cái bánh phì cười:
- Bánh gì mà méo mó, xộc xệch thế này. Chắc phải tháo ra làm bánh mọn thôi. Cái này mà bỏ vào nấu, gạo phun ra là làm hỏng lây cả nồi bánh đấy.
Tôi phân vân chưa biết có nên nghe lời chị hay cứ thắt thêm mấy sợi lạt nữa cho chắc. Tôi hỏi chị cầu may, quên mất là hình như chị cũng chưa từng gói bánh chưng khuôn bao giờ:
- Hay chị sửa lại cho nó ngay ngắn hộ em đi. Làm sao cho nó vào lại cái khuôn bây giờ?
Nghe tôi nói chị lại bật cười, lắc đầu:
- Bánh lấy ra khỏi khuôn rồi là nó bè to ra chung quanh, làm sao mà nhét vào lại được. Chị cũng không sửa được đâu. Chị chỉ biết thắt lạt thôi. Cứ để nó đấy, đợi mẹ về đã.
Chị Mai tuy là con gái, lớn hơn tôi hai tuổi, người gầy ốm, nhưng tính tình ương ngạnh như con trai, lại trực tính như lời mẹ nhận xét. Khi bày trò chơi đùa với nhau, hai chị em coi nhau như ngang hàng và có lúc cãi nhau ra trò. Chúng tôi thường không dễ chấp nhận ý kiến của nhau. Tuy nhiên lần này tôi phải công nhận lời chị nói là đúng. Đành phải đợi mẹ về tính sau vậy. Gói bánh chưng tưởng dễ mà không phải. Tôi đang lúi húi tập xếp mấy miếng lá vào khuôn thì mẹ từ cửa sau bước vào nhà. Mẹ đi nhanh đến bàn gói bánh, chắc mẹ là không muốn mất thêm thì giờ. Chợt nhìn thấy chiếc bánh tôi vừa gói, mẹ thốt lên:
- Gớm, bánh gì mà nhúm nhó như bò gặm thế này. Sao không đợi mẹ về đã?
Tôi mắc cỡ quá, nghĩ bụng chắc chị Mai cũng đang cười tôi ở ngoài kia. Tôi vội chống chế:
- Thì con làm cũng giống như mẹ. Chỉ tại lúc lấy khuôn ra không buộc lạt ngay được.
Mẹ ôn tồn giảng giải:
- Đúng rồi. Khi vừa lấy khuôn ra phải nhanh tay thắt lạt ngay. Với lại phải đóng cạnh khuôn lá cho khéo, chỉ làm một lần thôi, không thì lá dễ bị rách ở góc. Tại con chưa quen tay, tập gói nhiều sẽ thấy dễ.
- Bây giờ cái bánh này mình làm gì mẹ? Mẹ sửa nó có được không? Hay mình bọc thêm lá bên ngoài cho nó.
- Sửa cũng được nhưng chả phải tội. Thôi, cứ để đấy chút nữa tháo nó ra để làm bánh mọn. Bây giờ gói tiếp cái khác đi.
Hai mẹ con tôi lại khởi sự từ đầu. Nhờ đã có chút kinh nghiệm, lại được mẹ ở bên cạnh sửa ngay cho những sai sót, tôi đã gói được một cái bánh, tuy không đẹp đẽ, chắc tay, ngay ngắn bằng cái bánh mẫu mẹ gói, nhưng nhìn cũng không đến nỗi nào. Trong các động tác gói bánh, đúng như mẹ nói, khó nhất là lúc xếp cạnh khuôn lá xuống cho gọn gàng, chặt chẽ, cùng việc thắt sợi dây lạt đầu tiên sau khi lấy khuôn ra khỏi bánh. Những chiếc bánh sau đó đã dần dần trông khá hơn. Hai bàn tay tôi cũng bớt vụng về, tuy hãy còn chậm chạp. Mẹ bắt đầu tin tưởng, không theo dõi tôi kỹ lưỡng nữa. Mẹ khen: “Con gói tạm được rồi đấy. Năm sau chắc sẽ gói giỏi bằng anh Minh.” Nói xong mẹ lấy cái khuôn thứ nhì đặt lên bàn và cũng bắt đầu trổ tài gói bánh cho mau xong. Chị Mai đã hết cười trêu chọc tôi và đang thi hành nhiệm vụ của chị là buộc thêm dây lạt vào những chiếc bánh vừa gói lá. Thỉnh thoảng chị lại đem bó lạt ra nhúng vào nước cho sợi lạt dẻo mềm, thắt được chặt hơn mà không gãy.
Công việc gói bánh diễn ra xuông xẻ cho đến giờ ăn cơm trưa thì gần xong. Mẹ chỉ cho chị Mai và tôi cách gói bánh mọn xong, mẹ dặn:
- Dương gói nốt hai cái bánh to với phần gạo, thịt, đậu xanh mẹ phân ra sẵn đấy. Còn lại thì các con dùng để gói bánh mọn. Con tháo cái bánh đầu tiên ra gói lại thành bánh mọn luôn. Chắc cũng được năm sáu cái tất cả. Bây giờ mẹ phải xuống bếp dọn cơm đã. Ăn cơm xong thì còn phải thu xếp để nấu bánh cho sớm.
Trong lúc tôi gói nốt hai cái bánh to bằng khuôn như lời mẹ dặn thì chị Mai đã bắt đầu gói bánh mọn. Cứ như cách mẹ chỉ dẫn thì cũng chẳng khó gì. Tôi thấy chị xếp hai cái lá dong rách, chồng so le lên nhau, gấp lại rồi vặn loe thành hình cái phễu. Một tay giữ cái phễu lá, một tay chị đổ gạo nếp, đậu xanh, thịt, rồi lại gạo nếp lên trên. Khi dàn xong lớp gạo ở trên cho đều, chị khum tay xếp lớp lá xuống rồi dùng dây lạt quấn vòng chung quanh mấy lớp và xoắn chặt. Chiếc bánh mọn đã thành hình, trông như cái nón chóp nhọn nho nhỏ. Nhìn chị gói chiếc bánh gọn gàng tôi tỏ vẻ thán phục:
- Chị Mai gói bánh giỏi nhỉ. Sao chị không tập gói bánh vuông bằng khuôn đi?
Chị trả lời nhát gừng:
-  Ờ, tay chị không quen.
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, chị thắt lạt được, gói bánh mọn được. Sao lại không gói bánh vuông được?
Chị chần chừ rồi nói rõ hơn:
- Gói bánh to mỏi tay lắm.
Thì ra tại chị ngại mỏi tay, hay tại lý do gì nữa chị không nói ra. Những năm trước, mỗi lần nhà gói bánh chưng, tôi cũng thấy chị chỉ  phụ mẹ thôi chứ không thấy chị đứng gói bánh to bao giờ. Chắc tại cái tạng người của chị gầy yếu, tính chị lại hơi bướng bỉnh nên mẹ cũng không ép chị phải tập gói bánh có khuôn, vốn là loại bánh to và nặng.
Khi gói xong nốt hai cái bánh chính thức, tôi bắt đầu tập gói cái bánh mọn đầu tiên. Tưởng dễ hoá ra cũng phải vất vả bung ra rớt xuống mấy lần tôi mới gói xong một cái bánh mọn giống như cái của chị Mai vừa làm mà không đẹp bằng, lại phải chằng buộc dây lạt tứ tung. Có lẽ vì đến lúc này tay tôi đã mỏi, người đã thấm mệt, do mải mê đứng gói bánh gần hai tiếng đồng hồ liên tục. Đó là chưa kể công việc rửa lá và giã đậu xanh trước đó. Chị Mai gói thêm một cái bánh mọn nữa thì cũng xuống bếp phụ mẹ dọn cơm. Còn lại mình tôi vun quén hết đám gạo, thịt và đậu xanh loay hoay thêm một lúc thì hoàn tất công việc. Vừa lúc mẹ và chị Mai đã bày biện xong mâm cơm ở cái bàn nhỏ gần đó. Mẹ hỏi ngay:
- Được mấy cái bánh mọn? Con đếm lại luôn xem tổng cộng có phải là hai mươi cái bánh vuông không? Xong rửa tay rồi mời bố ra cùng ăn cơm không trưa quá rồi.
Tôi vội trả lời:
- Được sáu cái bánh mọn đó mẹ. Bánh vuông to thì đúng hai mươi cái, lúc nãy con vừa đếm rồi.
- Ừ, thế thì tốt. Thôi con đi rửa tay rửa mặt đi, rồi vào ăn cơm không thức ăn nguội hết. Để mẹ lên mời bố xuống ăn cơm cho.
Chợt nhớ đến anh Minh đi đâu chưa về, tôi hỏi mẹ:
- Anh Minh có về nhà ăn cơm trưa hôm nay không mẹ?
- Mẹ cũng không biết, nhưng sáng nay anh con nói sẽ về để phụ nấu bánh đấy.
Mẹ đáp xong bước nhanh lên nhà trên, còn tôi và chị Mai thì ra sàn nước rửa tay chân. Bụng tôi đã đói meo mà vì mải lo gói bánh tôi không để ý. Bây giờ ngửi mùi thức ăn xông lên ngon lành càng làm cho cái bao tử cồn cào thêm.
Sau bữa cơm trưa, cả nhà đang chuẩn bị việc nấu bánh thì anh Minh về, tay cầm mấy phong pháo. Anh đã đi đâu từ sáng, chắc sang nhà bạn học chơi hay cùng bạn đi xem chợ Tết vì hôm nay anh không phải đến trường, giống như chị Mai và tôi. Anh đang học năm thứ nhất đại học, lại là anh hai nên bố mẹ tôi để anh được tự do như người đã trưởng thành, không phải phụ việc lặt vặt trong nhà. Anh cũng không nhất thiết phải về nhà ăn cơm đúng bữa như chị em tôi. Mẹ thường để phần đồ ăn cho anh, để bất cứ lúc nào anh về cũng có cơm ăn nếu muốn. Tính anh vui vẻ, hay trêu chọc mọi người, có khi đùa cả mẹ. Anh vừa bước vào nhà đã lên tiếng ngay, như bản tính sôi nổi cố hữu của anh:
- Bố mẹ à, nhà mình mới chỉ có một bánh pháo. Con mua mấy phong pháo nữa nối lại cho dài để đốt giao thừa này. Ngoài đường người ta đã đốt ì ầm lên cả rồi đấy.
Bố vui vẻ:
- Ừ, nhà mình chưa có nhiều pháo. Con mua cũng đúng lúc. Tối mai là giao thừa rồi.
Mẹ giục anh:
- Thế con đã ăn cơm chưa. Mẹ để phần cơm với thức ăn đấy. Có ăn thì mẹ bảo em Mai nó dọn ra cho.
Anh vội xua tay đáp:
- Thôi mẹ. Con ăn bên nhà bác Giao rồi.
Và như chợt nhớ ra hôm nay gói và nấu bánh chưng, anh hỏi ngay:
- Nhà mình gói bánh xong chưa vậy? Dương nó tập gói có được không mẹ?
Vừa nói anh vừa bước nhanh lại mấy chồng bánh đang được xếp nằm đầy trên mặt bàn. Anh cầm một cái bánh lên lật tới lật lui nhìn rồi lại đặt xuống, cầm một cái khác. Không đợi mẹ trả lời, tôi nhanh nhảu:
- Em gói bánh được rồi đó, giỏi không. Anh đoán thử coi cái nào mẹ gói, cái nào em gói.
Mắt vẫn liếc nhanh mấy cái bánh anh chỉ tay đáp liền:
- Nhìn biết ngay. Mấy cái dày, cao thấp không đều này là em gói phải không.
Tôi phải phục là anh Minh tinh mắt, nhận xét đúng. Trong lúc gói và xếp bánh, tôi đã chủ ý ghi nhớ những cái bánh nào của mẹ gói và những cái nào tôi gói. Nếu chỉ nhìn thoáng qua sẽ khó phân biệt được. Chắc anh đã từng gói bánh trước đây nên có nhiều kinh nghiệm rồi. Tôi bẽn lẽn gật đầu, nói vớt vát:
- Vâng. Mấy cái đó em gói. Nhưng đó là mấy cái đầu thôi. Anh xem nè, mấy cái này cũng là em gói đó, có đẹp không?
Tôi chỉ cho anh mấy cái bánh tôi cho là trông được nhất. Anh cầm một cái lên xem xét rồi gật gù:
- Ừ, được đấy. Cũng khá chắc tay, tuy còn hơi méo. Nhưng mới lần đầu tập gói mà được thế là giỏi lắm rồi. Sang năm em sẽ gói đẹp hơn đó.
Được anh khen tôi sung sướng ra mặt dù biết rằng khi đã gói được bánh chưng thì sẽ phải làm chân gói bánh hàng năm. Chợt nhớ điều gì, tôi nháy mắt hỏi nhỏ:
- Anh có mua thêm pháo đại không vậy?
Anh Minh suỵt một tiếng, đưa ngón tay ra hiệu, như bảo tôi đừng để bố mẹ và chị Mai nghe thấy, rồi xoè cả mười ngón tay, miệng phát ra tiếng “viên” thật nhỏ. Tôi hiểu ngay anh đã mua đến mười viên pháo đại và đang dấu ở đâu đó. Bố tôi thì không sao nhưng mẹ tôi và chị Mai lại sợ pháo, nhất là pháo đại. Mỗi lần nhìn thấy viên pháo nào to hơn pháo chuột là lại hoảng lên. Quả pháo đại to bằng cổ tay, mỗi lần nổ là đinh tai, nhức óc nhưng lại có sức hấp dẫn ghê gớm những thằng con trai như tôi, đến anh Minh đã lớn mà cũng còn khoái. Kỳ này nhà tôi sẽ có một dây pháo dài cả mấy thước, với những quả pháo đại gắn cách quãng để đốt giao thừa đua với nhà hàng xóm. Thể nào cũng vui lắm đây.
 Bố tôi chợt xen vào, chắc không muốn anh em tôi lần khân, mất thì giờ:
- Thôi mấy mẹ con nhanh nhanh đi còn luộc bánh. Đừng để trễ rồi lại phải đợi đến gần sáng hôm sau mới vớt bánh ra như năm ngoái thì mệt lắm đấy.
Theo lời bố, anh Minh, chị Mai và tôi lần lượt khuân chồng bánh chưng xanh mát mắt đặt vào cái thùng tôn đã kê sẵn trên mấy hòn gạch thẻ ở góc sân trước nhà, nơi vẫn thường để nấu bánh mỗi dịp Tết. Mẹ đã rải dưới đáy thùng một lớp dày cuống và lá trước khi anh em tôi xếp đứng những cái bánh đầu tiên vào trong thùng. “Để bánh không dán sát vào đáy thùng, có thể bị cháy”, mẹ bảo thế. Xếp hết một lớp dưới cùng, chúng tôi lại rải một lớp mỏng cuống và lá dong lên trên xong mới xếp một lớp bánh khác.  Khi tất cả hai mươi cái bánh lớn và sáu cái bánh mọn đã được nhét vào thì cũng vừa đầy thùng. Mẹ bảo tôi xách mấy xô nước sạch đổ vào thùng cho mấp mé mặt bánh xong đậy nắp lại. Sau khi kiểm soát lại toàn bộ thùng tôn và mấy viên gạch kê làm bếp cho chắc là không sơ sót điều gì, bố bảo anh Minh và tôi bắt đầu chụm củi và châm lửa. Ngọn lửa nhỏ nhưng mạnh từ vài que củi thông dần dần bắt sang mấy cây củi đước và chẳng mấy chốc đã bập bùng toả lan dưới đáy thùng.
Mẹ tôi đứng nhìn, nét mặt rạng rỡ như đang cảm nhận niềm khoan khoái vừa hoàn tất được một giai đoạn quan trọng của việc gói và nấu bánh chưng. Bố tôi đứng cạnh mẹ mỉm cười hài lòng, còn anh chị em chúng tôi cũng hân hoan, háo hức. Kể từ bây giờ, chỉ cần chú ý giữ cho lửa cháy liên tục và châm thêm nước vào thùng khi hơi cạn. Vào giữa thời gian nấu, có hơi vất vả một chút là phải vớt bánh ra, đổi lớp bánh, dưới lên trên, trên xuống dưới, và thay nước mới cho bánh chín đều và sạch. Việc này sẽ do mẹ, anh Minh và tôi phụ trách như đã từng làm từ mấy năm trước. Chị Mai sợ hơi nóng ít khi đến gần, còn bố chỉ thỉnh thoảng ghé mắt nhìn để biết chắc là mọi sự vẫn tiến hành tốt đẹp. Với đống củi tạ mua sẵn chất ở gần đó, cộng với những cây gỗ tạp, đồ gỗ cũ đủ cỡ, thu gom khắp nhà từ cả tháng trước, anh em tôi không lo thiếu nhiên liệu cho cuộc đun bếp kéo dài mười hai tiếng đồng hồ. Năm nay nhà bác Mẫn cũng nấu bánh chưng sẽ càng vui hơn vì chúng tôi có bạn cùng thức khuya canh nấu bánh, tha hồ chạy qua chạy lại nhà nhau kháo chuyện Tết, hoặc bày trò đùa nghịch, không lo buồn ngủ.
Vài đứa trẻ con đang chơi ngoài đường, thấy ánh lửa hồng và cảnh tượng lạ mắt, thì nhốn nháo bu quanh cổng nhà tôi nhìn vào chỉ trỏ, ngạc nhiên thích thú. Thoáng qua hàng rào dâm bụt, bên nhà bác Mẫn, hình như bác và ba anh em con Chiêu cũng đang thu dọn một góc vườn để kê nồi nấu bánh. Vẳng từ những nhà hàng xóm phía bên kia và xa hơn nữa, có tiếng người cười vui, tiếng nói chuyện ồn ào, tiếng chỉ bảo nhau cách đặt bếp, cách xếp bánh vào thùng, cách chất củi, nhúm lửa vang lên ơi ới. Những làn khói trắng dần dần cùng xuất hiện, tỏa lên cao, quyện nhập với nhau, trước khi tan loãng vào bầu trời trong xanh dịu mát của miền Nam thanh bình, một buổi chiều cuối năm vui tươi và nhộn nhịp.
Quang Dương
Xuân Nhâm Thìn 2012

Xem Tiếp: ----