ng bà mình hồi xưa, các bậc lão thành cố cựu, hay nói:
Người miền Nam, dân Nam Kỳ Lục Tỉnh thích cải lương có hậu,..vì vốn tánh thật thà hay xúc động, thương người cô thế, ghét kẻ gian tà, dễ tin, dễ khóc, dễ cười...họ cũng dễ “nhập vai” luôn theo đào kép diễn tuồng. Bởi cái tánh dễ duôi như vậy nên họ có thể coi hoài một tuồng hát bộ, ghiền một vở cải lương, tập hát vài câu cổ nhạc, mê đào kép.
Ra nước ngoài, thiếu vắng cải lương lâu ngày cũng nhớ!
Coi hát cải lương, cũng không ít người “chê”, khó chịu vì đào kép vô tuồng hay cất tiếng ca không đúng chỗ, hay lý sự vào cái lúc tình tiết đương xãy ra khẩn cấp: lúc xáp trận, sắp giết nhau mà còn nói lối vài câu, hoặc trước khi chết, ráng xuống mấy câu vọng cổ thiệt mùi rồi mới lăn đùng ra chết! Hoặc ta sợ buồn mà phải nghe dàn đờn ngũ cung đệm nhạc réo rắc buồn thảm, điệu ca của đào kép làm tuồng âu sầu áo não thê lương.Tuồng tích thường là bi ai, gở rối tơ lòng cho người bình dân, hợp với tầng lớp dân nghèo,lao động, dân chúng miệt vườn miệt quê.
Nhưng “văn hoá vọng cổ cải lương” mang tính dân tộc và là tính đặc thù của người dân miền Nam.Vọng cổ, cải lương có một ” không khí” riêng, nó tự phát sanh ra từ dân chúng, phản ảnh điều kiện sanh sống, theo hoàn c ảnh của người dân địa phương,trong môi trường địa lý và xã hội đương thời.
Nét nhạc hơi Ai, Oán ngũ cung, lời ca tiếng hát kể lể, ta thán hay than vản thân phận con người, mang nhiều âm hưởng từ những lời kinh tiếng kệ đọc chậm rãi của chùa Phật:
Nam mô A Di Đà Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát...
Tụng kinh cầu siêu, niệm Chú Vãng Sanh lúc lên lúc xuống, giọng chuyển thang âm:
Nam-mô A-Di-Ðà Bà-Dạ, Ða-Tha-Già-Ða Dạ, ÐaÐiệt DạTha: A-Di-Rị-Ðô-Bà-Tì, A-Di-Rị-Ða, Tất-Ðam-Bà-Tì, Adi Rị-Ða, Tì-Ca-Lan-Ðế, A-Di-Rị-Ða, Tì-Ca-Lan-Ða,Già-Di-Nị, Già-Già-Na,Chỉ-Ca-Ða-Lệ, Ta-Bà-Ha.
Lời Kinh Giảng thâm trầm của Phật giáo Hoà hảo:
Ta là cư sĩ canh điền,
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành.
Xa nơi tranh đấu lợi danh,
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.
Hay Thơ giáng bút tiên tri của Đạo Cao Đài:
Cuộc cờ xe pháo lướt xông pha,
Tách khỏi bình dương rõ chánh tà.
Áo tả đứt bâu, quần mất ống,
Cõng con dắt vợ lụy chan hòa.
Lìa cha xa mẹ phân đôi ngã,
Biệt tổ vong quê lạc cửa nhà.
Cõi thảm mạt đời trời chẳng nắng,
Một cơn tận thế khó mưa sa.
Lối ngân nga thơ lục bát “Truyện Kiều”, nói thơ “Lục Vân Tiên”, thơ “Con Tấm Con Cám”, “Thạch Sanh Lý Thông” rất phổ biến thời bấy giờ:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
(Kiều)
Trước đèn xem truyện Tây Minh,
Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le.
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
(Lục Vân Tiên)
Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa dưới hang trở về?....
....Đàn kêu: Ai chém chằn tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: Ai chém xà vương
Đem nàng công chúa triều đường về đây?
Đàn kêu: Hỡi Lý Thông mày
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân?
Đàn kêu: Sao ở bất nhân
Biết ăn quả lại quên ân người trồng?”.
(Thạch Sanh- Lý Thông)
Tiếng hò, giọng hát, chuyên chở tâm sự của những di dân về vùng khai phá mới:
Hò.. ơ...Con cá lý ngư sầu tư biếng lội
Con chim trên cành sầu cội biếng bay
Đến đây rồi ở lại đây
Chim kêu vượn hú biết khi nào về?...Hò.. ơ...
H ò... ơ....Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra bậu lấy quan ba
Cất nhà bậu ở, đem cha bậu về!... Hò...ơ....
Câu hò lơ hiền lành của người nông dân;
A li hò lờ, hò lơ hó lơ
Bùn không cái đít bùn không
Nấu cơm mà không chín
Mẹ chồng đuổi đi!
Hò lơ hó lơ, a li hò lờ
A li hò lờ
Anh kia lịch sự lịch sàng
Cái lưng mốc thếch cái đầu chang bang!
A li hò lờ
Người dân thôn quê không có phương tiện giải trí như ở thành thị, nên khi bản vọng cổ Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu) sáng tác ra năm 1918, được nhiều tài tử địa phương cổ động đàn hát, đem ra phổ biến khắp nơi. Bản vọng cổ này liền trở thành một “bản gốc”, theo 5 chữ nhạc ngũ cung.
Kỹ thuật ngũ âm hợp với giọng hò, tiếng tụng tán kinh Phật; nội dung lời hát gần gụi với dân quê, người bình dân, nên sáu vọng cổ mau chóng trở thành một bài hát phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Phần.
Dạ Cổ Hoài Lang
(nghe tiếng trống khuya nhớ vợ)
Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a
[ LyriÐường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
em luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trong tin chàng
Sao nỡ phủ phàng
Chàng hỡi chàng có hay
Ðêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lạt phai
Là nguyện cho chàng
Nguyện cho chàng đặng chữ bằng an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi í a
Từ sáu câu vọng cổ nguyên thuỷ nhịp 2, các thầy đờn chế biến ra thêm, lên 8, 16, 32, 64 đến 128 nhịp. Các tài tử vừa ca, vừa ra bộ tịch diễn tả. Các thầy tuồng soạn ra tuồng hát, phỏng theo sự tích tuồng cổ: lịch sữ đấu tranh; tuồng xã hội: tâm lý tình cảm nhơn vật, hoạt cảnh thói đời xã hội đương thời.
Cải lương được trình diễn theo tuồng tích kịch bản, phân vai đào kép có ca diễn múa hát; sân khấu trang hoàng màu sắc; rạp hát được mở nhiều nơi. Gánh rát được lập ra từ tỉnh lẻ đến Saigon Chợ Lớn; nhiều đoàn hát đi lưu diễn khắp nơi trong nước, hay “đem chuông đi đánh xứ người” nước ngoài, trở thành biểu tượng bản sắc văn hoá đặc sắc của dân tộc.
Nhưng lớp bình dân thị thành,người ở tỉnh ở quê, mới là cổ động viên cải lương tích cực nhứt. “Dân ghiền cải lương” đi coi hát không bỏ sót tuồng nào, thâu thập sưu tầm đĩa hát; những cô gái chàng trai quê muốn đổi đời “trốn nhà theo gánh hát” để thành đào kép nổi tiếng!
Cái hay của cải lương từ cách ca ra bộ tài tử, đến diễn tuồng trên sân khấu, đã đi vào lòng dân tộc lúc nào không hay? Nhóm ca hát tài tử địa phương, gánh hát, soạn giả, diễn viên cải lương trong gần một thế kỹ nay có công lớn đóng góp vào bản sắc văn hoá nước Việt mình. Đó là một nền tảng âm nhạc dân tộc riêng, không lệ thuộc ảnh hưởng văn hoá ngoại lai.
Tuồng cải lương phải có một cốt truyện hay dân gian. Ngâm thơ và hát nhiều hơn nói, lồng thêm vào vài bản cổ nhạc, bản vọng cổ mùi làm nền. Bản vọng cổ hát theo thể nhạc ngũ âm, không gọi là bài vì tự nó có sẵn một khuôn mẫu chung, cho từng câu riêng (1,2,3,4,5,6).
Thầy đờn (không gọi là nhạc sĩ), thầy tuồng (soạn giả) viết lời hát sao từ các câu cổ nhạc, mang nội dung mới tuỳ theo cảm hứng đối cảnh sanh tình. Lời hát thường thường mang một tình tự, tâm sự chuyện kể dân gian. Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953, sanh quán Long Xuyên) là người soạn giả đầu tiên, còn được gọi là hậu tổ cải lương.
Cải lương, sáu câu vọng cổ thời nay cũng còn người thích xem, thích nghe từ băng đĩa, trên mạng lưới internet. Dù pha trộn với nhiều thứ “tân cổ giao duyên tả pí lù” pha trộn lẫn lộn tây, ta, tàu...Nhưng không thể nào hay hơn, so sánh với bài bản tuồng tích cũ.
Về sáu câu vọng cổ các danh ca Lư Hoài Nghĩa, Út Trà Ôn có công chuyển thêm nhịp, làm giàu cho bản vọng cổ 2 nhịp. Soạn giả Viễn Châu cũng là thầy đờn Bãy Bá, ông xứng đáng được ca tụng là “vua bản nhỏ” với những bản nổi tiếng như:”Gánh nước đêm trăng”, “Tình anh bán chiếu”,”Ông lão chèo đò”, “Lòng dạ đàn bà” (chuyện hai con cua), “Cô gái bán sầu riêng”....Danh cầm có các ông Văn Vỹ(lục huyền cầm hay guitar lõm),Bãy Bá (đờn tranh), Chín Trích (đờn kìm), Văn Giỏi, Văn Hải (guitar)...Danh hề không ai qua mặt Văn Hường!
Tuồng cải lương một thời vang bóng của các soạn giả Qui Sắc, Kiên Giang, Viễn Châu, Hà Triều Hoa Phượng...với những vở tuồng lớn, còn giữ mãi dư âm trong lòng khán giả như:...” Đời cô Lựu”,” Tô Ánh Nguyệt”,” Bên cầu dệt lụa”, “Tiếng trống Mê Linh”,” Mưa Rừng”,” Con gái chị Hằng”,” Nửa đời hương phấn”...v...vv...
Đào kép cải lương thường được giới bình dân yêu mến. Thiệt xưa có những kép Tư Sạng, Tư Chơi,Năm Châu, Ba Vân,Bãy Cao, Minh Chí, Việt Hùng, Hoàng Giang... cho đến những kép nổi tiếng như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Minh Cảnh, Thanh Sang, Minh Vương, Thanh Hải, Dũng Thanh Lâm, Hùng Cường... một thời làm vua sân khấu, nhà hát.
Các cô đào hát mang nhiều giai thoại truyền kỳ: Năm Phỉ, Bãy Nam, Phùng Há, Kim Cương,Thanh Hương, Út Bạch Lan,Thanh Nga, Lệ Thuỷ, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ... vẫn giữ trong lòng khán thính giả lòng yêu mến nhiệt thành, dù ngày nay đã khuất hay còn vương kiếp tơ tầm.
Đoàn hát xa xưa, có gánh hát Thầy Năm Tú(Mỹ Tho), Tân Thinh,Phước Cương, Nam Đồng Ban,...Thanh Minh Thanh Nga(Năm Nghĩa), Dạ Lý Hương(Thành Được), Kim Chung(Kim Chung, Huỳnh Thái)...nhiều... như tuồng cải lương không ai có thể nhớ hết. Nhưng người bình dân mê cải lương, không những thuộc tuồng hát, nhớ tên đào kép, gánh hát, bầu gánh... thậm chí những truyện thêu dệt của các ký giả “trương kịch tràng trang kịch trường” đăng báo hằng ngày!
Những người cựu trào còn lại, những ai thích cải lương, hay nghe sáu câu vọng cổ, hể có dịp là nhắc lại chuyện xưa,từ coi hát cọp, hát đình hát chợ, chuyện đào kép cải lương...rồi xúm nhau lại đàn hát ca tài tử, để nhớ lại một thời đã sống trong niềm say mê một bộ môn văn nghệ bình dân, phổ thông.
Cũng may là vào cái thời internet phát triển, mạng lưới truyền thông thế giới rộng khắp, bà con mình có dịp coi lại tuồng hát cũ, nghe lại tiếng đờn giọng hát dư âm ngày trước.
Mở computer, lên online cải lương, tự mình mở màn hình trên nhiều mạng: You Tube, conhacvietnam.com, cailuong.com... tha hồ tìm lại tuồng hát xưa. Muốn nghe đờn có đờn, nghe ca có ca, nhiều” gánh ảo”, nhiều “rạp ảo”, thải mái muốn coi lúc nào cũng được, không sợ mang tiếng coi cọp. Tò mò muốn xem mặt đào kép (cũ, mới) đề có có “chưng” sẵn hình ảnh, cuộc đời sự nghiệp công danh....trên trang mạng.
Ai muốn thử giọng hát chơi, tự mình tìm tài lại năng mới(đang già), hoặc học ca vọng cỗ theo lối mới tân cổ giao duyên, có thể thử giọng qua máy karaoke. Cũng có những nghệ sĩ, người thảo chương lập sẵn chương trình bài bản karaoke dễ hát, hay vọng cổ online để mọi người tự hát.
Nghệ thuật cải lương ca cổ nhiều nơi trên thế giới có người Việt định cư, đang hồi sinh? Nghe nói có nhiều người đem thiện chí làm sống lại nét văn hoá bản sắc dân tộc Việt Nam trên xứ người. Điều này thiệt đáng khích lệ và bà con nên ủng hộ hết lòng.
Xa nhà nhớ quê ai không buồn lòng cho thế sự thăng trầm,dư âm ngày cũ vẫn còn vang trong lòng người hay tưởng nhớ.
Ngày nay tuy vẫn còn những người cựu trào đang sống xa quê hương, còn nhớ cải lương, ghiền nghe sáu câu vọng cổ, nhưng chắc khó cảm nhận được một thời “ mê đờn hát vọng cổ, ghiền cải lương” trước năm 1975.

HẾT

Xem Tiếp: ----