1. Từ năm mười đến mười bốn tuổi, mẹ là "thần tượng" duy nhất cuả tôi. Tôi thường bắt chước mẹ từ cách đi, đứng, nói, cười. Có đôi lúc còn mượn áo cuả mẹ mặc thử, những khi như vậy mẹ hay nhìn tôi chúm chím cười. Mẹ đẹp và sang. Ai cũng bảo thế, kể cả bố. Tuy nhiên, bố khen mẹ để khen, như người ta trầm trồ về con búp bê đẹp hay món đồ trang sức bày trong khung kính vậy. Những món đồ đó có lẽ vô hồn cho nên đôi lúc tôi thấy được chưng hoài trong tủ kính vì không có người "tri âm" nào tới mang đi. Nhưng mẹ đối với tôi là tất cả, cho nên ngoài sắc đẹp, mẹ còn có thêm tâm hồn và sự thông minh vì mẹ dạy bảo tôi, vui đùa với tôi nhưng với bố thì sức thu hút cuả mẹ hình như có chiều hướng ngược lại, không giống như tôi... Không biết đã bao lâu rồi, bố mẹ không còn trò chuyện với nhau trừ khi có việc cần bàn nhưng chỉ được câu trước, câu sau thì lại bất hoà, bố đóng sầm cánh cửa bỏ ra sân hút thuốc, mẹ đi lên lầu vào phòng, chỉ còn tôi lặng lẽ ngồi ôm chú gấu bông ngơ ngẩn không hiểu vì sao, chuyện gì đã xảy ra??? Hằng ngày, sau khi làm việc ở sở về vì giờ giấc khác nhau nên bố mẹ ăn cơm riêng. Sau đó là bố và tôi hay mẹ và tôi chứ không còn cả ba người nữa. Buổi tối, tôi học bài, bố xem tivi trong phòng khách, mẹ đọc sách trong phòng ngủ. Không ai nói với ai lời nào trừ khi tôi có câu hỏi để hỏi thì bố hoặc mẹ sẽ trả lời. Tôi chưa hề thấy bố mẹ xem chung một chương trình tivi hay đọc chung một trang sách, báo với nhau bao giờ. Những ngày đi nghĩ hè không khí cũng không thoải mái, nhẹ nhàng hơn và những cuộc cãi vã dù dài hay ngắn do bất đồng ý kiến giữa bố mẹ vẫn diễn ra trong vòng bức tường gia đình nhỏ cuả chúng tôi để không ai bên ngoài có thể nghe hoặc nhìn thấy được điều gì. Tôi có cảm tưởng bố mẹ đang đóng kịch để che mắt ông bà Nội, Ngoại và những người chung quanh vì những khi gặp người quen, ai cũng nhìn gia đình tôi ngưỡng mộ: - Gia đình thế này là nhất rồi. Không ai biết được những trống vắng, lạnh lùng trong căn nhà cuả chúng tôi. Khi ấy tôi còn nhỏ để còn la hét, cười đùa nên không khí đỡ loãng hơn một chút nhưng thời gian trôi qua, tôi lớn dần và càng lớn thì khoảng cách giữa mẹ và tôi lại càng xa hơn dù tôi vẫn rất thương yêu mẹ. Trái lại, hình ảnh chịu đựng, buồn phiền, và suy tư cuả bố lại khiến tôi gần gũi bố hơn. Thật là ngạc nhiên khi tôi khám phá ra tôi cũng thích thiên nhiên như bố. Chúng tôi thường đi với nhau tới ngoại ô, ngồi im lặng hằng giờ để ngắm trời đất, cây cỏ. Có khi tôi đem bài theo học, còn bố lẳng lặng bên cạnh, đôi mày thẳng nhíu lại, trầm tư. Tôi biết bố không vui nhưng tôi chỉ thích kể chuyện tôi cho bố nghe và hỏi ý kiến cuả bố về những điều cho riêng mình chứ tôi chưa biết hỏi về những muộn phiền cuả bố bao giờ. Có lẽ, tôi vẫn chưa đủ lớn để biết lắng nghe mà chỉ thích được phô bày, thổ lộ tư tưởng cuả mình thôi. Tuy nhiên, cùng một câu chuyện, sau khi nói với mẹ, tôi sẽ được nghe những câu giải nghĩa hời hợt và đôi khi ngược hẳn với những gì bố đã nói. Mười sáu tuổi, tôi bắt đầu manh nha nghi ngờ về đời sống hôn nhân cuả bố mẹ. Có lần tôi hỏi bố: - Thế nào gọi là hôn nhân, gia đình, hạnh phúc hả bố??? Bố cười: - Cô nhỏ hỏi nhiều vậy làm sao bố trả lời cho đầy đủ một lúc đây??? Rồi bố trầm ngâm: - Bây giờ có lẽ con chưa thể hiểu hết nên bố chỉ có thể tóm tắt thế này -- Hôn nhân, gia đình, hạnh phúc là sự kết hợp giữa hai người khác phái về tâm hồn và thể xác để tạo thành một mái ấm có bố, mẹ, con cái... Những tiếng nói cười, những chia sẻ buồn vui, gánh nặng, cơ cực, nghèo giàu cuả những người cư ngụ dưới mái ấm nho nhỏ đó tạo thành sợi dây hạnh phúc nối kết họ lại với nhau để mỗi người có thể giữ mãi tâm hồn an lành, niềm tin, và tình thương cho nhau tới mãn cuộc đời - Bố mẹ thường cãi nhau, như vậy bố mẹ không có hạnh phúc, đúng không??? Bố nhìn tôi, tính nói điều gì đó nhưng rồi bố im lặng khá lâu trước khi vừa kéo tay tôi đứng dậy, vừa nói: - Bố mẹ hơi khác nhau về vài nhận định, cách nhìn, và suy nghĩ nhưng mỗi người đều có hạnh phúc tự tìm được cuả chính mình con ạ. Tôi nghe không hiểu lắm, muốn hỏi thêm nhưng bố thở dài, nghiêm mặt nhìn thẳng, tiếp tục nắm tay tôi đi về chỗ đậu xe, thái độ cuả bố cho tôi biết là không nên hỏi thêm nữa. Thế là tôi cũng im, lặng lẽ đi cạnh bố nhưng trong đầu nhớ tới gương mặt thật xinh đẹp cuả mẹ. Có lần bố bảo: - Con không có những nét đẹp cuả mẹ nhưng con có tâm hồn cởi mở, ấm áp hơn. Là con gái, tôi luôn ao ước được đẹp dẽ, sang trọng y như mẹ để khi tôi ra đường có được nhiều đôi mắt dõi theo và trong mọi buổi tiệc, tôi là trung tâm điểm cho mọi sự chú ý nhưng càng lớn, tôi càng chịu ảnh hưởng cuả bố nhiều để rồi từ từ tránh xa đám đông, cũng như không còn quan tâm quá tới sắc đẹp nữa mặc dù tôi vẫn thường hãnh diện và thích thú khi nghe đám bạn bàn tán với nhau về nét đẹp tự nhiên cuả mẹ. Có lúc tôi cũng thắc mắc không biết mẹ có cảm thấy vui và hạnh phúc không hay với sắc đẹp, đời sống đầy đủ, tiện nghi, cùng với những lời khen tặng thì mẹ đã cảm thấy mãn nguyện rồi??? 2. Bố mẹ cho tôi học đọc và viết tiếng Việt từ nhỏ. Lớn lên dù bận bịu trường lớp, tôi vẫn để chút thì giờ đọc sách tiếng Việt vì tò mò những câu chuyện hấp dẫn mà bố kể cho tôi nghe, nhất là tôi thích thơ. Nhưng đọc thì tôi có đọc mà tập hoài vẫn không viết được bài thơ nào ra hồn, có lẽ tôi không có khiếu trong lãnh vực này. Bố thường mỉm cười khi đọc những gì tôi viết nhưng mẹ lại không bằng lòng: - Trong nhà có một người ưa mơ mộng, lãng mạn là đủ rồi. Sống thì phải sống cho thực tế chứ sống như đang ở trên mây như vậy ai mà chịu được. Tôi hiểu mẹ nói bố nhưng tôi đã quen với sự khó chịu cuả mẹ. Hình như những gì bố làm mẹ đều thấy chướng mắt và ngược lại. Tuy nhiên, tôi cũng bận bịu với bài vở và bạn bè nên đôi khi tôi cũng không quan tâm lắm. Bố và tôi vẫn "thân" với nhau, tôi ước gì tôi cũng có thể gần gũi với mẹ, tâm tình với mẹ như mọi người con gái khác nhưng suy nghĩ của tôi và mẹ càng lúc càng trái ngược nhau. Có khi tôi thẫn thờ nhớ lại lúc nhỏ đã từng xem mẹ như thần tượng, không ai có thể hơn để thay thế, không như bây giờ, mối liên hệ giữa hai mẹ con càng ngày càng lỏng lẻo, chỉ xoay quanh những sinh hoạt hằng ngày chứ không còn sự liên hệ mật thiết về đời sống tinh thần nữa, trái lại, sức hút cuả bố đối với tôi thêm mạnh mẽ, tôi có thể tự nhiên nói hết những gì tôi nghĩ về trường lớp, bạn bè, xã hội, bài vở, thơ văn... và bố luôn cho tôi thêm những cách nhìn đầy thú vị, thế nhưng, tôi vẫn chưa bao giờ hỏi chuyện riêng cuả bố, chỉ thấy bố càng ngày càng sống như thể một người không thể thay đổi được gì thì phải sống và chấp nhận mà thôi. Trong bố, hình như có một vết thương không bao giờ lành và càng thêm tuổi thì tôi chua xót nhận ra không phải tôi không quan tâm tới muộn phiền cuả bố mà là tôi sợ nếu như có một sự thật phũ phàng nào đó từ người bố mà tôi thương yêu, tôn kính. Nhưng rồi điều mà tôi không chờ đợi đã xảy ra. Thắc mắc mà tôi chưa muốn giải đáp bỗng dưng có đầu mối... Hôm ấy, hai bố con dẫn nhau đi bờ hồ, bố muốn ghé sở để lấy món đồ bỏ quên. Tới nơi, bố bảo tôi ngồi chờ ở bàn làm việc. Ngày thứ Bảy vắng hoe, tôi nhìn quanh rồi táy máy tay chân mở mấy ngăn tủ chung quanh bàn ra nhìn, bất chợt mắt tôi dừng lại ở một phong bì to có ghi tên bố từ một địa chỉ xa xôi, tiện tay tôi cầm lên, bên trong là một quyển sách. Trong phút chốc sự tò mò lấn át tất cả mọi suy nghĩ, tôi lấy quyển sách ra đọc tựa -- Cho Một Tình Yêu, thơ Nghi Bình. Là thơ, tôi thích thú mở ra xem nhưng ngay trang giấy trắng đầu tiên là dòng chữ viết tay khá bay bướm, hơi cẩu thả khiến tôi chú ý: Anh, Đây là tuyển tập thơ đầu tay của em mà cũng có lẽ là duy nhất, duy nhất như tình cảm lạ kỳ mà em dành cho anh bao lâu nay. Những bài thơ này, anh đã là người đầu tiên đọc trước khi em gửi đăng, cho nên cũng không có gì mới lạ cho anh, tuy nhiên, em vẫn gửi tới anh vì mỗi bài thơ đều gói ghém những trạng thái tình cảm buồn, vui, hay giận dỗi cuả em trong thời gian có nhau Giữ lấy quyển thơ này nếu anh thích, còn không, cũng tùy anh. Nghi Bình Bất giác tôi run tay vơ lấy tờ giấy và cây viết, viết vội địa chỉ người gửi rồi không hiểu sao tôi bỏ lại cái phong bì không vào ngăn tủ và nhét vội tập thơ vô túi xách cuả tôi. Sau đó, tôi ngồi yên cố trấn tĩnh lại chính mình trước khi bố trở lại. Suốt buổi đi chơi với bố, tôi đã bồn chồn không yên, cho tới khi trở về nhà, vào phòng đóng cửa lại, tôi bắt đầu lấy tập thơ ra đọc. Tập thơ ra đời đã hơn hai năm, những trang giấy có vẻ nhầu có lẽ do bố đã đọc lại nhiều lần nhưng cả cái phong bì cũng được bố giữ lại, có nghĩa là bố phải thương hoặc quý người đàn bà này lắm. Nghi Bình! Cô là ai??? Đã hiện diện trong đời bố từ bao giờ và có phải vì cô mà bố luôn thờ ơ với mẹ??? Có phải vì cô mà bố luôn suy tư, xa vắng??? Có phải vì cô..., vì cô không???? Tôi quay cuồng với nhiều câu hỏi, đọc xong những bài thơ ray rứt, lãng mạn, tôi lại càng tò mò về người đàn bà xa lạ này hơn... Cuối cùng, một tối, tôi cầm quyển thơ sang phòng cuả bố vì từ lâu bố mẹ đã không còn chia chung với nhau căn phòng ngủ nữa. Tôi chìa quyển thơ tới trước mặt bố, bố thoáng ngạc nhiên, sau đó bố lật trang đầu ra, đôi mày nhíu lại: - Con muốn hỏi gì không??? - Con tìm thấy quyển thơ này trong ngăn bàn làm việc cuả bố. Con đã đọc hết rồi bố. - Còn muốn hỏi gì nữa phải không cô nhỏ??? Bỗng nhiên tôi lại thấy tình thương đối với bố dâng lên trong lòng, tôi ngồi xuống cạnh bố: - Bố kể cho con nghe về cô ta đi bố. Bố ngồi dựa vào ghế, đưa mắt nhìn điểm nào đó trước mặt: - Nghi Bình là người thích thơ văn giống bố con mình. Tính tình lúc ủy mị, lúc cương quyết. Lúc lãng mạn, lúc lại thực tế. Bố thường đùa bảo cô ấy "hay có cơn", đôi lúc cô cũng đùa lại "em phải điên điên chút mới làm thơ được chứ". Bố và Nghi Bình thường nói chuyện với nhau về nhiều vấn đề. Cô hay dỗi và những lúc giận, cô nói liên tục những ý tưởng trong đầu một cách thẳng thắn, không cần biết bố có công nhận là đúng hay không nhưng có lẽ chỉ có Nghi Bình là người nhìn thấu những yếu đuối, khuyết điểm cuả bố mà thôi Không dằn lòng được, tôi hỏi: - Bố có yêu cô Nghi Bình không bố??? Bố dịu dàng nhìn xuống tập thơ, tay dở dở từng trang giấy rồi nhìn tôi: - Khi nào bố chết, con sẽ biết bố yêu ai. Bố và tôi nói thêm chút nữa về "cô Nghi Bình", sau đó tôi trở về phòng, mang theo những lời cuả bố cùng với hình ảnh người đàn bà do tôi tự hình dung... Bao nhiêu ý tưởng miên man, cuối cùng tôi nghĩ tới mẹ. Có lẽ mẹ không biết chuyện hoặc là đã biết nên bố mẹ cứ hục hặc với nhau mãi. Có lẽ bố yêu cô ấy hơn mẹ, vậy thì bố bất công với mẹ quá và nếu như mẹ biết mà không hề nói gì thì do mẹ giữ sĩ diện nên không thèm chấp nhưng tôi là con, tôi đã mười tám tuổi, đủ trưởng thành để tìm hiểu một câu chuyện có liên hệ tới hạnh phúc gia đình tôi. Bỗng dưng trong đầu tôi nảy ra quyết định táo tợn đó là viết cho "cô Nghi Bình" một lá thư... 3. Ngày..., tháng..., năm... Chào cô Nghi Bình, Cháu nghĩ khi cô đọc địa chỉ ở bìa thư thì đã biết cháu là con cuả... bố cháu và có lẽ cô không ngạc nhiên khi nhận được lá thư này cho nên cháu xin vào đề ngay, khỏi lòng vòng giới thiệu. Cháu đã đọc tập thơ cuả cô. Từ tập thơ đó mà suy diễn, cháu hiểu cô có những cá tính và sở thích giống bố cháu. Cô lãng mạn, văn chương, có thể dùng ngòi bút để biến những khô cằn trong thực tế thành thơ mộng và hoàn mỹ hơn, nhưng nếu như vậy, có bao giờ cô nghĩ bố cháu và cô đã dùng văn thơ để tự lừa dối chính mình và xem văn thơ như là cách để trốn tránh những đau khổ, buồn phiền nào đó mà hai người đã gặp phải trong đời không??? Nếu điều cháu nghĩ là đúng thì có thể hai người đã trốn tránh (hay đúng hơn là chối bỏ) cái hiện tại mà theo lẽ hai người nên chấp nhận và làm cho tốt hơn vì cho dù có trốn tránh cách nào thì vẫn có một điều mà cháu tin rằng bố cháu và cô không thể nào trốn tránh được, đó chính là người phối ngẫu vẫn đang hiện hữu cuả mình. Mẹ cháu là người thực tế và có lẽ có những điểm không hợp với bố cháu. Tuy nhiên, đời sống vợ chồng cuả bố mẹ cháu là sự thật hiển nhiên không thể thay đổi được, cho nên quan hệ giữa bố cháu và cô là quan hệ không thể nào chấp nhận. Bố cháu là người ít nói nhưng qua lời bố cháu kể thì với cô, bố cháu có thể tâm sự, cãi vã, nói đùa... khác hẳn với bố mà cháu thấy bên cạnh mẹ, chứng tỏ hai người có nhiều điểm hợp với nhau. Dẫu sao, cho dù hợp bao nhiêu thì cơ hội cuả bố cháu và cô đã qua ít nhất 20 năm rồi, vì thế, mong cô đừng mơ mộng hóa một sự thật không thể thay đổi được nữa và đừng nên dùng thơ văn để làm bố cháu thêm xa rời với hiện tại. Xin cô suy nghĩ kỹ điều cháu vừa nói cho sự bình an cuả một gia đình và cho cả chính cô. Cám ơn cô, Con gái cuả bố cháu Tôi ít khi nào thiếu suy nghĩ để phải hối tiếc về việc mình đã làm nhưng sau khi đã gửi lá thư, thỉnh thoảng đối diện với bố, tôi lại có cảm giác bất an, phản bội. Ước gì tôi có thể kể cho bố biết nhưng miệng tôi không thể mở thành lời được, có lẽ do bên cạnh tôi còn mẹ, do tôi mong muốn bố mẹ hòa thuận, thương yêu nhau để tôi có mái gia đình đầm ấm và hoàn hảo thật sự như lời khen cuả mọi người. "Cô ta" có thể là một vầng trăng cuả những đêm huyền thoại nhưng cũng có thể chỉ là một vì sao nhỏ giữa muôn vì sao thì sự thu hút cuả cô ta có thể hoặc không thể ảnh hưởng mạnh đến gia đình tôi. Cho nên, nếu không gửi lá thư đi, tôi cảm thấy bất công cho mẹ, mà gửi đi lại cảm thấy như đã làm điều gì không phải với bố. Cứ thế, tâm trạng tôi không an mỗi khi nghĩ tới chuyện bố, cô Nghi Bình và lá thư. Gần một tháng sau, khi tôi đã bắt đầu nghĩ là không có thư hồi âm thì một tối, bố cầm cái phong bì còn niêm kín vào phòng tôi. Bố và tôi nhìn nhau nhưng bố không hỏi gì, tôi cũng không nói gì vì tôi không biết bắt đầu làm sao... Chờ bố ra khỏi phòng, tôi mở phong thư ra đọc, vẫn là dòng chữ bay bướm, hơi cẩu thả... Ngày..., tháng..., năm... Chào... "Con gái cuả bố cháu", Thật không ngờ lá thư viết cho cháu lại khó viết hơn hết mọi bài viết và tôi bỗng thấy ngượng vì cháu bảo tôi là "người lãng mạn, văn chương" khi lá thư cuả cháu ngắn gọn nhưng vẫn bao gồm hết những điều mà người viết muốn viết và người đọc cần phải hiểu..., còn tôi cứ loay hoay mãi với phần mở đầu, hết bôi xóa rồi lại vất đi... Mẹ cháu và anh ấy hẳn đã không uổng công đào tạo, dạy dỗ cháu được như hôm nay. Những điều tôi sắp nói với cháu có thể bây giờ cháu sẽ thấy rất vô lý nhưng nói thì tôi vẫn sẽ nói vì cháu là con cuả anh ấy và tôi không thể mặc kệ cháu hiểu sao cũng được như tôi đã mặc kệ những kẻ tọc mạch đối với đời tư cuả tôi. Rồi cháu sẽ yêu và sẽ hiểu rằng ở lứa tuổi cuả cháu tình yêu là sự viên mãn, niềm hạnh phúc không bao giờ cạn vì tuổi trẻ khi yêu không nghĩ tới kết quả hay hậu quả, do đó đôi khi có những lầm lỡ đáng tiếc về sau. Ngược lại, người lớn tuổi khi yêu thường bị dằn vặt, đắn đo (có nhiều người dứt khoát bỏ đi theo "tiếng gọi cuả con tim" thì đó là điều không còn đáng đề cập tới nữa)..., hạnh phúc đối với họ mong manh như sương khói vì họ nghĩ tới trách nhiệm, tới hậu quả... Phải, hậu quả! Tôi không nghĩ có kết quả tốt đẹp gì vì lứa tuổi nông nổi đã qua đi, nhất là họ còn bổn phận đối với con cái và chưa kể sự "mệt mỏi tinh thần" khi nghĩ tới luân thường, đạo lý cùng với những "tội danh" mà người đời gán ghép cho. Nghe có vẻ mâu thuẫn quá phải không cháu vì đã biết thế tại sao có gia đình mà vẫn còn "yêu"??? Là vì con người vốn tham lam và mâu thuẫn, tự trói buộc mình vào những hoàn cảnh khó gỡ, là vì trái tim có những lý lẽ mà trí óc không sao hiểu nổi, là vì... và là vì... cháu ạ! Điều mà tôi cho là mai mỉa đối với một người có gia đình là cảm được sự cô đơn cuả chính mình! Tiền bạc, vật chất không thể bù đắp được. Sự trống vắng nội tâm sẽ làm tinh thần suy sụp và mất dần hướng đi. Có những điều rất giản đơn trong đời sống hằng ngày mà mỗi người chúng ta vẫn cần có một người nào đó để chia sẻ hoặc lắng nghe, nhưng thái độ cuả đối tượng có khiến cho chúng ta tiếp tục kể lể hay không dù chỉ là câu chuyện đơn giản, bình thường..., đưa đến kết luận tại sao cháu có thể kể câu chuyện này cho người này nghe mà không thể kể cho người khác nghe. Tôi nhìn từng gia đình mà tôi quen biết, tôi nhìn từng gương mặt buồn, vui và tôi nhìn chính tôi nữa, tôi nghiệm ra được rằng không ai có thể biến ước mơ cuả mình thành sự thật sau hôn nhân. Có người bằng lòng, chấp nhận những gì đang có dù là vui lòng chấp nhận hay miễn cưỡng chấp nhận. Tuổi trẻ có những quyết định sai lầm, người vô trách nhiệm có thể bỏ mặc, người có trách nhiệm không thể làm vậy nhưng ai biết được những suy tư dày xéo nội tâm cuả chính họ vì những điều không thể thay đổi được nữa. Đã có nhiều thứ mà họ dùng tới như việc làm, con cái, hội đoàn, thơ văn, ước mơ, kỷ niệm, giao tế, tiệc tùng... hay bất cứ điều gì có thể dùng được nhưng dù cố gắng thế nào thì những lỗ hổng cuả cuộc đời vẫn còn nguyên đó. Thật chua xót khi phải đếm từng ngày sống cuả mình hoặc đếm từng tháng năm chờ đứa con đủ tuổi trưởng thành dù khi ấy tuổi tác đã hằn sâu dấu vết để càng không thể nào tẩy xóa hay thay đổi đời sống được nữa và cũng thật chua xót khi nghĩ người phối ngẫu với mình chỉ là người chia chung một mái nhà vì sự đồng cảm cuả hai tâm hồn không bao giờ có!!! Vậy, tình cảm giữa anh ấy và tôi là tình cảm như thế nào??? 18 tuổi, tôi đã gật đầu khi người tôi yêu hỏi "em có yêu anh không???", thế nhưng, gần 20 năm sau, anh ấy đã nói với tôi: - Em hiểu thế nào là yêu mà em nói đến yêu hở??? Trong lòng anh, em luôn là cô bé được anh nuông chiều thái quá nên đâm hư Tôi chột dạ, đây là lối nói kẻ cả cuả người bố hay người anh nhưng tôi lại không hờn và trong thơ tình cuả tôi vẫn ẩn hiện hình ảnh cuả anh ấy như tình nhân. Tôi vẫn sẽ la lên giận dỗi: - Trong thơ anh không có em Nhưng tôi hiểu hơn ai hết những dòng văn chua chát, ngán ngẩm đời cuả anh ấy và trong thâm tâm tôi vẫn không muốn vì tôi hay vì bất cứ ai mà anh ấy ngưng đẩy bớt những muộn phiền vào câu, chữ. Đúng vậy, cháu cho đó là "cách trốn tránh hay chối bỏ hiện tại", còn tôi, tôi nghĩ đó là "cách để nhớ và để quên", như một cứu cánh mà tôi thường dùng hoặc có thể bố cháu thường dùng khi "quyển nhật ký lòng" đã đầy ắp không còn chỗ chứa. Cháu nói đúng, bố cháu không ít nói đối với tôi và tôi cũng vậy. Tôi chưa từng biểu lộ hết những cá tính của tôi với ai như đã biểu lộ cho bố cháu thấy. Những câu chuyện mà thỉnh thoảng bố cháu kể cho tôi nghe, tôi nghĩ chắc bố cháu cũng chẳng kể với ai. Cháu ạ, rồi đây cháu sẽ cảm thấy biết ơn thượng đế hay định mệnh đã sắp đặt cho cháu gặp được một tri kỷ, một người có thể hiểu được cháu, một người để cháu thích được lắng nghe và thích được kể lể với... Và cháu sẽ hiểu "yêu" ở khía cạnh khác (điều mà rất lâu bố cháu mới "truyền" được hết cho tôi hiểu dù đôi lúc tôi vẫn "nổi cơn" không thèm hiểu nữa đó cháu à...) Chúng tôi cũng có rất nhiều lúc cãi vã, hờn giận rất trẻ con như để thêm vào những bản ngã mà con người phải có, thế thôi. Tình cảm cuả tôi như thế bao gồm tình yêu trai gái, tình anh em, tình bằng hữu... Những thứ tình cảm trộn lẫn này sẽ không bao giờ tìm thấy giữa hai vợ chồng, hoặc có thì cũng rất hiếm hoi. Bởi lẽ đó, tôi không bao giờ cảm thấy hổ thẹn với chính tôi vì tôi hiểu những gì đã có, đã xảy ra giữa bố cháu và tôi. Có một câu cuả Chúa Jesus mà tôi rất thích "ai trong các ngươi tự thấy mình vô tội thì hãy ném đá người đàn bà này đi". Tôi nói câu này với cháu để cháu hiểu rằng nếu cháu nhìn sự việc khắt khe thì sự việc sẽ trở thành khắt khe hoặc ngược lại. Tuy nhiên, cách nhìn đối với sự việc sẽ còn thay đổi theo tuổi tác cuả chúng ta nữa. Rất cám ơn cháu đã viết cho tôi. Những gì tôi viết hôm nay, có thể mãi về sau cháu mới hiểu nhưng ở đời, không có gì là quá trễ. Ngay cả sự quen biết cuả bố cháu và tôi, đứng về phương diện tình yêu thì đã muộn mất 20 năm nhưng ở phương diện hiểu biết nhau trong thời điểm cần thiết thì tôi thấy chúng tôi đã quen nhau đúng lúc và tôi không bao giờ hối tiếc đã có anh ấy trong đời... Nghi Bình 4. Tôi vào đại học. Ngày khai giảng, bố nhất định đòi đưa tôi tới trường, tôi cản sao cũng không được, bố nói: - Có những mơ ước bố không có cơ hội để bắt đầu, cho nên bố vui mừng vì con có thể làm được, cố gắng nha con. Tôi đã cười thật tươi cho bố biết là tôi sẽ nghe lời bố. Mấy năm học cuả tôi lặng lẽ qua đi, nhiều bài vở hơn, bận rộn hơn và tôi quen biết nhiều hơn. Bạn bè cuả tôi Tây, Tàu, Mỹ, Việt đều có cả. Tôi cặm cụi siêng năng suốt mấy năm, vài bóng hình thanh niên đến rồi đi, hơn tình bạn một chút nhưng không phải là tình yêu để tôi phải vấn vương nghĩ ngợi. Tôi nghĩ có lẽ đến khi tôi học xong, có việc làm, sau đó hoặc trở lại trường học tiếp hoặc " yêu "để rồi thành vợ. "Làm vợ", tôi lại nghĩ đến bố mẹ và đời sống hôn nhân kéo dài miễn cưỡng cuả họ. Gương mặt kiêu hãnh, lạnh lùng cuả mẹ..., nét nhìn đăm chiêu, chán nản của bố. Tôi đâm nghi ngờ có hay không có một hôn nhân hoàn hảo??? Nhưng rồi tình yêu, chiếc bóng vô hình, cảm giác thật lạ cuả trái tim lại đến đúng vào mùa học cuối. Tôi thường nghe chúng bạn kháo với nhau về Steve, "anh chàng hoạt bát, bụi đời, đẹp trai nhưng nhất quyết sẽ không cưới vợ". Tôi cười vang, nghịch ngợm bảo: - Thế thì cơ thể hắn hay đầu óc hắn có vấn đề rồi. - Nhưng nhiều cô mê Steve lắm. Steve là học sinh đã tốt nghiệp, trở về trường để học cho bằng Tiến Sĩ và Steve có dạy một lớp mỗi mùa. Đầu mùa học còn rảnh rỗi, tôi vì nghe đám bạn kháo nhau mãi về Steve nên đâm tò mò, rủ nhỏ bạn thân vào lớp Steve để "xem hắn dạy dỗ học sinh thế nào". Bạn tôi bảo: - Mày sẽ mê hắn như tụi kia. Tôi bĩu môi: - Thì cũng mặt mũi tay chân, có khác gì ai mà tao phải mê. Nhưng thật ngạc nhiên, môn học khô cằn, qua cách giảng cuả Steve đã trở nên sống động, vui nhộn vô cùng. Đám học trò chăm chú lắng nghe Steve, kể cả tôi. Gương mặt gã con trai Mỹ gốc Ý, thái độ từ tốn, đôi mắt trầm tư khác hẳn với cái miệng hoạt bát, lanh lợi đã làm tôi nao núng. Trường tôi được xây trên một ngọn đồi. Các dãy lớp học nối với nhau bằng những vuông sân có cầu thang. Mỗi chiều thứ Sáu không có lớp, tôi thường ngồi xếp bằng trên chiếc ghế đá tại một góc vắng vẻ và cao để nhìn mặt trời lặn dần xuống chân đồi. Đây là sở thích tôi học được từ bố, có lẽ cuối tuần này nếu bố rảnh, tôi sẽ rủ bố đi câu hoặc ra ngoại ô ngắm thiên nhiên yên tĩnh. Năm học thứ hai và thứ ba, tôi đã lấy hết những lớp khó và cần thiết nên mùa cuối này, tôi không lo ngại lắm và có nhiều thì giờ để tìm việc làm hơn. Đang nghĩ vẩn vơ, chợt có tiếng nói vang lên: - Cô ngồi đây một mình không sợ sao??? Tôi quay lại, ngạc nhiên thấy Steve với điếu thuốc cháy dở trên tay nhưng tôi vẫn tỏ ra bình thản: - Đây là khuôn viên trường và tôi sẽ về trước khi trời tối, có gì mà sợ. - Tôi thấy cô hôm đầu mùa học, cô bỏ lớp tôi rồi à??? - Vào để xem ông dạy học ra sao chứ ngành của tôi không bắt lấy lớp đó. Steve cười hiền hòa "thế à " rồi dập tắt điếu thuốc, tự nhiên ngồi xuống cạnh tôi. Bắt đầu bằng những câu nói bâng quơ về ngôi trường, các môn học, sở làm chính cuả Steve..., chúng tôi nói chuyện đến khi trời bắt đầu tối. Steve đi với tôi ra bãi đậu xe: - Tuần sau cô có đến nữa không??? Tôi cười, không trả lời, giơ tay làm dấu hiệu tạm biệt rồi phóng xe đi. Nhưng rồi những tuần kế tiếp, mỗi thứ Sáu, chúng tôi đều gặp nhau tại chiếc ghế đá quen thuộc đó. Câu chuyện đã đi xa hơn ngôi trường và thành phố đang ở, đi dần tới tiểu bang nơi Steve sinh ra, lớn lên. Tôi đã ở đây từ khi mở mắt chào đời nên không có gì để kể, chỉ thỉnh thoảng nói với Steve về những lần bố và tôi cùng ngồi yên lặng ngắm hoàng hôn như Steve với tôi thường làm bây giờ hay trêu lại Steve khi Steve nói về một trận banh mà đội Steve thích bị thua. Thứ Sáu hôm ấy, tôi ngồi bó gối nhớ lại trận cãi nhau cuả bố mẹ vài hôm trước. Hình như càng lớn tuổi họ càng xa nhau hơn về ý tưởng và cách sống. Steve đến khi tôi vừa buông ra tiếng thở dài thậm thượt: - Em có chuyện gì không vui à??? Trong lúc buồn phiền, tôi kể cho Steve nghe về bố mẹ và đời sống cuả gia đình tôi. Kể liên tục như trút ra hết từ trong lòng những ấm ức, giận dỗi dồn nén bấy lâu nay. Tôi nói thêm với Steve là tôi thèm có gia đình đầm ấm, hoà thuận nhưng có lẽ từ giờ đến cuối đời, bố mẹ tôi may ra "mệt mỏi" vì bất hòa với nhau bao nhiêu năm nên chấm dứt những trận cãi vã, để không khí đỡ căng thẳng thì tôi đã đủ mừng rồi. Steve im lặng lắng nghe, không ngắt lời tôi lần nào. Còn tôi, sau khi không còn gì để nói, tôi chợt nhớ đến câu nói trong lá thư cuả cô Nghi Bình "rồi đây cháu sẽ cảm thấy biết ơn thượng đế hay định mệnh đã sắp đặt cho cháu gặp được một tri kỷ, một người có thể hiểu được cháu, một người để cháu thích được lắng nghe và thích được kể lể với...", trong lòng tôi bất giác ngẩn ngơ trong khi Steve lên tiếng: - Bây giờ anh mới hiểu tại sao em ưa ngồi ở chỗ vắng vẻ này. Nghe chuyện cuả anh không??? Và rồi không đợi tôi trả lời, Steve tiếp: - Từ khi bắt đầu có trí khôn, anh đã chứng kiến những tranh cãi cuả bố mẹ anh hầu như từng ngày. Theo thời gian, anh có cảm giác bố mẹ anh ghét nhau hơn và sau mỗi lần làm ầm ĩ với nhau, mẹ sẽ gọi anh vào phòng "bố con thế này..., thế này..." và bố anh cũng kéo anh ra một góc "mẹ con thế kia..., thế kia...". Cả hai không còn chút tôn trọng tối thiểu nào dành cho nhau nhưng họ vẫn kéo dài hôn nhân cuả họ. Bố bắt đầu say sưa và sinh bệnh. Mẹ bỏ đi thường xuyên theo bạn bè sau giờ làm việc. Lúc nhỏ, anh thường sợ hãi trốn trong góc nhà hay trong phòng. Lớn lên anh vùi đầu vào sách vở. Điều mà anh lo lắng luôn luôn chính là có ngày bố mẹ sẽ ly dị. Anh thật mâu thuẫn, nửa muốn bố mẹ có thể tự giải thoát cho nhau, nửa muốn thà như vậy mà anh còn bố, còn mẹ. Nhưng năm anh 15 tuổi thì điều anh lo sợ đã xảy ra, bố mẹ quay lưng lại với nhau như hai người xa lạ ngay sau khi ký tên ly dị. Bố anh qua đời năm anh 18 tuổi và mẹ anh đã từ chối đi dự đám tang. Ít ra bố mẹ em còn vì em mà nhường nhịn, tránh né nhau nhưng bố mẹ anh khi đã bắt đầu "chiến tranh" thì hình như họ quên mất sự hiện diện cuả anh trên đời. Do đó, anh rất hiểu tâm tình những đứa trẻ trong một gia đình bất hoà, cho nên... Tôi buột miệng: - Cho nên anh nhất quyết không cưới vợ - Phải, anh nghi ngờ hôn nhân, nghi ngờ nếu như trên đời này có những cặp vợ chồng thật sự hạnh phúc... Anh sợ con cuả anh sẽ phải sống lo lắng không biết ngày nào bố mẹ bỏ nhau và khi lớn lên lại đa nghi như anh không dám nghĩ tới chuyện lập gia đình. Tai vẫn nghe Steve nói, tôi lặng lẽ quay đi, cố giấu tiếng thở dài... 5. Thái độ cuả tôi không qua khỏi mắt bố. Tôi làm gì cũng uể oải, thiếu tập trung. Cuốn sách mở để trên cỏ trong khi mắt tôi nhìn đăm đăm vào khoảng trống trước mặt, câu chuyện của Steve chờn vờn trong đầu nhất là ý tưởng "không lập gia đình" của Steve làm tôi hoang mang... - Có chuyện gì hở con??? Tôi nhìn gương mặt lo lắng của bố, không nỡ giấu nên kể chuyện Steve và tôi cho bố nghe. Bố trầm ngâm một lúc rồi nói: - Theo bố thấy thì con đã yêu anh chàng người Ý này rồi. - Có lẽ vậy bố a. - Nhưng cậu ấy không muốn lập gia đình. Bố mẹ đâu thể để con vì tình yêu mà theo không người ta được. Tôi cười như mếu: - Vậy chắc con chỉ còn cách yêu một mình mà thôi. Sau này đi lấy chồng con sẽ có "mối tình mang theo" há bố. Bố cũng cười theo: - Nghi Bình mà nghe con nói vậy sẽ bảo "hạnh phúc là có người để thương yêu và nhung nhớ". - Đó là cách tự xoa dịu nỗi buồn cuả chính mình hay đúng hơn là tự lừa dối chính mình để cảm thấy nhẹ nhàng hơn mà sống. Thật ra, ai cũng muốn yêu và được yêu. Con thấy tình cảm một chiều giống như con nước trôi thẳng ra biển, ở lằn ranh giới giữa sông và biển có lẽ mùi vị sẽ biến thái, không thể phân biệt ngọt hay mặn nữa. Bố có nghĩ như vậy chẳng ra làm sao không, vô ý nghĩa lắm không vì hoặc là sông hoặc là biển, đâu cho ra đó. Tôi nói một hơi, không để ý bố đang trợn mắt nhìn: - Con học được cách nói chuyện "lý sự" của Nghi Bình từ bao giờ vậy. Tôi cúi đầu cười trong khi bố bảo: - Chuyện con và Steve. Con còn trẻ, còn thời gian để suy nghĩ và bố nghĩ nếu Steve yêu thật lòng thì cũng sẽ thay đổi tư tưởng. Cả hai đều cần thời gian. Bố chỉ mong rằng con xác nhận được rõ ràng tình cảm trong lòng con trước khi tiến tới việc gì khác vì bố biết tính con không bao giờ bỏ cuộc nhưng hôn nhân không phải là chuyện phải đạt được từ lòng hiếu thắng vì như vậy con sẽ khổ một đời và có thể kéo theo những người khác khổ chung. Con hiểu ý bố chưa??? - Con sẽ nghĩ kỹ bố a. Tối hôm ấy, tôi đưa bức thư cuả cô Nghi Bình cho bố đọc. Đọc xong, bố nhìn tôi: - Mấy năm rồi, tại sao con còn giữ lá thư này làm chi - Con cũng không biết, có lẽ có những điều cô ấy viết con còn chưa nhận ra được đúng, sai. Hơn nữa, con thích giữ lại thư từ. Bố nhìn xa vắng: - Nghi Bình cũng là người thích giữ kỷ niệm. - Bố thường hay nhắc tới cô ấy. Bố yêu cô Nghi Bình lắm hở bố??? - Cô nhỏ này! Bố đã bảo khi nào bố chết con sẽ biết bố yêu ai mà Tôi vẫn nghĩ hoài không ra, tình cảm cuả con người thật lạ kỳ. Bố mẹ có lẽ đã từng yêu nhau nên mới là vợ chồng, tại sao bây giờ lại khó gần gũi với nhau như vậy??? Bố mẹ Steve có lẽ đã từng yêu nhau, tại sao đến cuối đời lại coi nhau như kẻ thù, ngay cả nhìn nhau lần cuối cũng không màng. Có phải từ bắt đầu, họ đều sai vì cái mà họ gọi là "yêu" thật sự chỉ là tình cảm nhất thời nên đã phai nhạt dần theo thời gian và từ từ mất hẳn... Còn tôi, có phải tôi yêu Steve không??? Tôi sợ sau này sẽ như bố mẹ, tôi sợ con tôi sẽ có dấu chàm khắc sâu trong tâm khảm và tránh né hôn nhân như Steve... Nghĩ mông lung như vậy rồi tôi lại gạt đi -- lịch sử không thể tái diễn! Tôi sẽ thuyết phục để Steve hiểu rằng chúng tôi đều đã sống trong hoàn cảnh tương tự, đó là bài học thuộc lòng để tôi và Steve nhớ mãi làm kinh nghiệm cho mình..., đó là cái vấp ngã cuả người đi trước để tôi và Steve không giẫm chân lên dấu vết cuả họ nữa... Tôi sẽ chứng minh cho Steve thấy sự đồng nhất về cách suy nghĩ cuả hai tâm hồn sẽ giúp cho tình cảm thêm bền chặt vì chúng tôi có thể cởi mở lòng ra với nhau thì không có gút mắc nào không thể tháo gỡ nếu như trong tương lai chúng tôi có chuyện bất hòa. Hơn nữa, sự nhường nhịn cuả bố là tấm gương cho tôi bao lâu nay. Bỗng dưng, tôi cảm thấy tự tin hơn. Tôi không thể để tình cảm đã có giữa tôi và Steve tàn dần và biến mất hoặc sau này sẽ lấy người chồng mà tôi không thương yêu. Đúng vậy, một trong những điều bắt đầu cuả bi kịch đời người chính là phải chấp nhận nhau chứ không có tình yêu làm sợi dây nối kết, ràng buộc. Thời gian qua mau, tôi ra trường, đi làm và vẫn bền bỉ, kiên nhẫn trong việc thuyết phục Steve. Tôi dẫn Steve về giới thiệu với bố mẹ. Steve rất quý bố và thưởng thức tận tình những món ăn cuả mẹ. Thỉnh thoảng, bố, Steve và tôi dẫn nhau đi tìm chỗ yên tĩnh, ngắm thiên nhiên, bỏ lại thành phố, bỏ lại muộn phiền và những tất tả cuả đời sống hằng ngày sau lưng. Dường như Steve dần dần có cảm giác có gia đình, có người thân vì chúng tôi nói chuyện rất hợp nhau và vui vẻ. Bố mẹ hình như nhìn ra tôi đã có người yêu thì ngày nào đó, vai trò cuả bố mẹ sẽ khác hơn nên cũng bớt xào xáo với nhau dù khoảng cách đã có vẫn không thể nào rút ngắn lại được nhưng với tôi, đó là dấu hiệu đáng mừng... 6. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được thật rõ ràng niềm vui vì kết quả gặt hái được từ sự kiên trì, chờ đợi, và thuyết phục như khi Steve cầu hôn tôi. Cám ơn bố mẹ tuy ngấm ngầm nhưng đã giúp tôi rất nhiều chứng tỏ dù bất đồng ý kiến hay tư tưởng tới đâu, bố mẹ vẫn có điểm chung là tình thương dành cho tôi. Ngày cưới, tôi rạng rỡ trong nụ cười, hoa hồng và áo trắng. Steve ghé tai tôi thì thầm: - Em là cô dâu xinh đẹp nhất. Hạnh phúc nhẹ nhàng như những cánh hoa đầy lối đi mà cô bé phù dâu rải theo từng bước chân cuả tôi. Hạnh phúc như những chiếc bong bóng đủ màu nghiêng nghiêng trong nắng. Tôi cười mãi, Steve cũng thế. Bố mẹ đi cạnh nhau vẫn xứng đôi vô cùng. Mẹ vẫn đẹp, thời gian không làm nhan sắc cuả mẹ tàn phai, trái lại mặn mà hơn, sang trọng hơn nên bên cạnh mẹ, bố có vẻ khắc khổ, trang nghiêm quá dù tôi biết hôm nay bố vui lắm, vui vì niềm vui cuả tôi... Steve và tôi trải qua những tháng năm hạnh phúc, an lành. Tôi có cảm giác như chúng tôi là hai cánh chim tìm được nhau sau giông bão. Steve lúc nào cũng lắng nghe và chia sẻ, tôi cũng vậy, không bao giờ giấu giếm nhau. Tuy nhiên, đời sống không êm ả mãi. Steve càng thuận lợi trên đường sự nghiệp thì thời gian chúng tôi dành cho nhau ít dần đi. Xã hội như guồng máy đẩy con người lao tới trước, không ngừng khai phá và đổi mới. Chúng tôi đều còn trẻ, còn rất hăng say trong mọi lãnh vực. Cho nên, tôi hiểu và luôn khuyến khích Steve trong công việc nhưng đồng thời trong tôi lại bắt đầu nuối tiếc những ngày ngồi trên ghế đá trong sân trường, kể cho nhau nghe những mẩu chuyện con con, thú vị... Tôi thấy tôi mâu thuẫn lạ lùng. Bé Kathy ra đời. Tôi nghỉ việc ở nhà chăm cho con, từ từ trở thành bà nội trợ khép kín bên bếp núc và con gái. Steve với những chuyến công tác thường xuyên xa nhà hay những ngày họp hành về muộn. Tôi chờ bên mâm cơm nguội lạnh..., tôi chờ sau khi bé Kathy đã ngủ... Nhiều lúc tôi đối diện bóng mình trong đêm vì có hôm Kathy ngủ say thì Steve cũng đã ngủ ngon với mớ giấy tờ đang đọc dở dang còn để trên gối hoặc khi tôi mở mắt dậy muộn một chút buổi sáng thì Steve đã đi tới sở. Tôi bất giác phát giác ra tôi nhớ chồng tôi kinh khủng từng ngày dù Steve vẫn thương yêu, chu đáo và cố gắng dành những giờ phút có được cho mẹ con tôi. Buồn thường đến với tôi vô cớ dù tôi vẫn rất bận rộn với việc nhà, đến khi Kathy bắt đầu đi học thì tôi lại càng cảm thấy trống vắng hơn. Một mình quanh quẩn trong nhà, dọn dẹp mãi cũng chán, nấu nướng mãi cũng chán, đi ăn trưa với bạn cũ mãi cũng chán hơn nữa họ cũng là đàn bà và đều đi làm nên càng bận, đâu có thì giờ cho tôi mãi. Tôi bắt đầu đặt bút viết những dòng thơ tương tư, nhung nhớ những khi Steve đi xa hay những khi Steve bận bịu và tôi có cảm giác như không gặp Steve trong nhiều ngày. Tôi đưa bố đọc những gì tôi viết, bố cười: - Thơ cuả con đã có hồn rồi. Trầm ngâm một lúc, bố tiếp: - Dẫu sao con vẫn "còn" Steve để chia sẻ. Sự cô đơn cuả con chỉ là không có chồng thường xuyên bên cạnh. Điều đáng sợ chính là sự cô đơn do "đồng sàn dị mộng" con ạ Tôi bất giác thở dài... Phải, dẫu sao tôi còn Steve..., dẫu sao tôi có thể nói bất cứ điều gì trong lòng với Steve cho dù là bằng điện thoại khi Steve ở sở làm hoặc đang đi công tác xa..., dẫu sao tôi không bị hoàn cảnh đưa đẩy để quen người đàn ông khác với mục đích lấp đi vài lỗ hổng nào đó trong đời sống hôn nhân... "... Điều mà tôi cho là mai mỉa đối với một người có gia đình là cảm được sự cô đơn cuả chính mình! Tiền bạc, vật chất không thể bù đắp được...". Tôi chợt nhớ tới cô Nghi Bình. Tôi bất giác hình dung người đàn bà đối bóng mình trong đêm hoặc đối diện với đêm đen qua khung cửa sổ. Cửa sổ phòng cô hẳn sẽ không bao giờ có màn che để khi mưa cô có thể nhìn sấm chớp lóe ngang hoặc khi trăng lên có thể thấy bóng cây sau vườn chập chờn, quái dị... Cô sẽ thấy những chuyến bay cùng một tuyến đường và cùng một giờ hằng đêm từ chỗ cô nằm qua khung cửa ấy... Những vì sao có lẽ cũng trở thành quen thuộc với cô hay tiếng còi xe cứu thương ré lên trong đêm vắng, vội vã đến với một bệnh nhân hay mang theo một người sắp hoặc đã từ bỏ thế gian... Cô có bao giờ thấy vì sao nào rơi chưa, hở cô??? Những bài thơ ra đời từ tâm hồn cô độc..., những ý tưởng hão huyền, vụn vặt kết thành hình ảnh người yêu riêng tư, không ai có thể hay biết hoặc nhìn thấy... Trái tim người đàn bà đa đoan hay định mệnh vô tình góp bàn tay đẩy cô bước đi những bước hoang vu trong rừng chữ nghĩa... Và chắc gì cảm giác trống rỗng càng không gia tăng sau khi lời thơ, ý văn đã được ghi xuống... Não nề hơn, chua xót hơn, cay đắng hơn, buồn bã hơn, chán nản hơn... nhưng không thể không viết, không thể chối từ những con chữ gom góp lại thành một linh hồn biết sống thật và yêu thương thật dù biết rằng lối sống ấy rất mơ hồ, rất mong manh... Tôi lại viết cho cô Nghi Bình lá thư khác nói về những cảm nghĩ cuả tôi đối với cô sau những năm dài làm vợ, làm mẹ..., sau những năm dài học được bổn phận cuả người đàn bà cho dù ở xã hội văn minh cỡ nào thì cũng nên biết đặt nguyện vọng, tâm huyết cuả chồng, người đàn ông mình thương yêu trên hết... Tôi đã từng hờn dỗi bảo Steve: - Bà thư ký Gail cuả anh bây giờ đã trở thành bạn thân cuả em rồi, anh biết không??? Hình như thời gian em nói chuyện với bà ấy còn nhiều hơn là nói với anh nữa. Steve âu yếm ôm hôn tôi: - Cho anh một thời gian nữa với công việc mà anh say mê này cưng ạ. Chúng ta vẫn mãi mãi là cuả nhau và anh lúc nào cũng yêu em không thay đổi. Chúng ta có một đời cho nhau nhưng anh chỉ có một khoảng thời gian cuả đời người cho công việc, cho sự đam mê cuả anh mà thôi Steve từng bước dẫn dắt tôi tham dự vào đời sống cuả Steve và càng ngày tôi càng bớt đi cảm tưởng bị bỏ quên, hay chỉ có thể đứng bên lề cuộc đời Steve. Vì thế, lá thư này tôi viết cho cô Nghi Bình dài hơn và cảm thông hơn nhưng thư đi nhiều ngày rồi nhiều tháng vẫn không có hồi âm. Bố bảo đã 15 năm rồi kể từ khi tôi gửi lá thư đầu tiên cho cô Nghi Bình, biết đâu cô không còn ở địa chỉ cũ, biết đâu... Nói lửng lơ thế rồi bố im, lặng lẽ nhìn trời... 7. Bố ngã bệnh bất ngờ. Lúc đầu chỉ là cảm nhưng rồi lại biến sang những chứng khác nhanh chóng. Thật ra, có lẽ vì tâm bệnh nhiều năm thêm vào tuổi tác cao khiến bố yếu hẳn đi, cuối cùng thì nằm liệt. Khi bác sĩ lắc đầu từ chối thì tôi mang bố về nhà chăm sóc. Bố Mẹ bỗng nhiên lại nói với nhau nhiều hơn hay đúng hơn là mẹ nói vì bố hay mệt không nói nhiều được nữa, đôi lúc chỉ ậm ừ hay đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn mẹ và tôi. Đêm cuối cùng, bố bỗng dưng tỉnh táo hẳn, tôi ngồi cạnh bố, nói chuyện với bố, nhắc lại những khi cùng bố ra ngoại ô ngắm trời đất..., câu chuyện loanh quanh dẫn đến cô Nghi Bình, tôi nói: - Con tiếc quá, không tìm được cô ấy để bố và cô gặp nhau lần cuối. Bố thều thào: - Không cần đâu con, để yên cho Nghi Bình với gia đình và cuộc sống cuả cô ấy - Bố yêu cô ấy thì cũng nên gặp nhau chứ bố. Bây giờ ai cũng lớn tuổi hết rồi, đâu còn như xưa mà ngại Bố mỉm cười, nói thật chậm: - Sau khi bố mất rồi, con mở quyển thơ cuả Nghi Bình ra sẽ biết điều con muốn biết. Bố ra đi an lành lúc gần sáng trong giấc ngủ. Mẹ cầm tay bố, âm thầm khóc. Tôi không khóc được, tôi im lặng nhìn bố và nghĩ đến cuộc đời buồn nhiều hơn vui của bố vì những xào xáo lớn, nhỏ trong gia đình, vì những bất hòa ngày càng tăng cuả bố mẹ mãi đến cuối đời cuả bố... Những ngày tang ma cho bố là những ngày tôi nghĩ tới hai chữ "hợp, tan" nhiều nhất. Đời người thật ra cũng chẳng đủ dài cho thâm tình nhưng con người chỉ thích làm khổ nhau bằng những lưỡi dao vô hình để lại những vết thương không bao giờ lành hay những vết sẹo nhớ hoài... Tôi lại cầm quyển thơ cuả cô Nghi Bình về nhà vì trong ấy có kèm theo phong thư dán kín. Ngày..., Tháng..., Năm... Cô nhỏ thương yêu cuả bố, Xưa nay bố ghét nhất là viết thư nhưng hôm nay bố lại muốn viết vài dòng cho con để con khỏi thắc mắc chuyện bố và Nghi Bình nữa. Bây giờ con đã là vợ, là mẹ, đã trải qua những buồn vui cuả đời sống hôn nhân. Biết bao chuyện đã xảy ra, biết bao ý tưởng đã đến tưởng chừng như sẽ làm đông đặc khối óc bé nhỏ cuả mình, phải không con??? Tuy nhiên, bất cứ điều gì cũng có lối thoát tùy theo cách suy luận hay cách nhìn cuả mỗi người, chỉ có bản chất, cá tính khi đã thay đổi sẽ vô tình đóng lại rất nhiều cánh cửa nhất là cánh cửa linh hồn cuả chính mình và người bạn đời cuả mình. Người đàn bà bố yêu đã từ từ rời khỏi vòng tay bố, không thể kéo lại được nữa, nhưng bố không thể quên nên chỉ lặng lẽ giữ tình yêu ấy cho riêng mình bao nhiêu năm nay. Nghi Bình là hình ảnh, là chiếc bóng nối tiếp giấc mơ dang dở cuả bố. Tính tình và sở thích giống nhau chưa hẳn tạo được tình yêu. Người đàn ông không thích bị "đọc" tư tưởng, bị "nhìn thấy" thói hư tính tốt bởi người đàn bà, trừ khi người ấy là vợ mình vì trời ban cho đàn ông bản năng thích che chở cho nên họ chỉ chuộng sự dịu dàng, yếu đuối ở người phụ nữ. Mở bìa cuả quyển thơ này ra, con sẽ thấy tấm hình người đàn bà ấy, người mà bố yêu suốt bao nhiêu năm qua. Hãy cẩn thận gìn giữ những gì con đang có vì tất cả hạnh phúc hiện tại cuả con bao gồm trong bốn chữ mà con hằng mong muốn, đó là "yêu và được yêu". Thương con nhiều, Bố Đọc xong lá thư, tôi hý hoáy mở bìa quyển sách đã được bố dán lại kỹ càng và khi lấy được tấm hình ra, tôi đã phải ngồi thừ người khá lâu vì kinh ngạc. Tấm hình đã cũ, hơi ố chút xíu, trong hình là người con gái khoảng 20 hay 22 tuổi... hồn nhiên, tươi tắn, xinh đẹp..., mặt sau tấm ảnh có ghi tên cuả mẹ... Ngày chôn bố, trước khi nắp quan tài được đậy kín, tôi lặng lẽ để tấm hình vào túi áo cuả bố, tôi hôn bố lần cuối và thì thầm: - Bố ơi, thương bố quá vì cái khó chịu cuả con người là sống chịu đựng và cái đau cuả con người là dùng quá khứ như liều thuốc bổ cho hiện tại để tiếp tục sống, tiếp tục chịu đựng, tiếp tục nhìn tháng ngày qua... Từ nay, tất cả sẽ theo bố, ngủ yên... Tôi chầm chập bước theo chiếc quan tài rời khỏi nhà quàn. Tôi đi giữa Steve và mẹ. Steve nắm chặt tay tôi và tôi đang nắm chặt tay mẹ..., nước mắt nhạt nhòa... Mang ơn em trao tình một lần là kỷ niệm dù không đầm ấm Mang ơn em đau khổ thật đầy là nắng vàng dù nhốt trong mây Mang ơn trên cho cuộc đời ta vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ Trong cơn đau một vùng nhang khói kéo ta về, về cõi hư vô... (°°) Nghi Bình (°°) Trầm Tử Thiêng