K im Mao Sư Vương là chuyện trí tưởng cũng như Hân Tố Tố... Ngày đó Kim Dung vẽ vời, thêu dệt trong bộ “Cô Gái Đồ Long” dữ dội quá làm tụi tôi say mê. Nhiều lần thầy dạy Việt Văn phải khuyên đám học trò coi chừng bị nhiễm; viết luận văn sẽ sặc mùi kiếm hiệp. Tôi là một trong đám học trò của thầy, thuở đệ lục cùng hai thằng bạn lên làm thuyết trình. Tôi lỡ dại giới thiệu toán mình theo kiểu cải lương chi bảo, cuối giờ bị thầy phê bình thành “quê” luôn từ đó.
Thằng họa sĩ số một của lớp ở cùng xóm tôi. Nhà nó nghèo lắm. Chiều chiều mẹ nó gánh đậu hũ đi bán rong. Nhiều lúc đi ngang qua nhà ba mẹ tôi, bác dừng chân nghỉ mệt. Bác hỏi mẹ tôi xin bát nước chè, miếng cau ăn trầu. Thuở đó người trong xóm thích tụ lại hiên nhà mẹ tôi để uống nước nấu bằng chè Truồi mang vào từ Huế. Mẹ bạn tôi ngồi đó lâu một chút để câu đám nhóc thích ăn hàng rong. Những lúc đó tôi có đậu hũ “chùa” ăn hoài vì bác cho.
Không biết sao bạn tôi bị dính biệt danh Phạm Cái Bang. Chắc thằng nào trong lớp coi Đại Cái Bang trên báo Dân Ta, nổi máu kiếm hiệp chế tên họ thằng họa sĩ của lớp thành thế. Và nó chết tên luôn từ đó!
Một thằng khác bị gọi là Huỳnh Đá Vàng. Thằng này là một trong vài tên bạn thân tôi đó. Lớp làm báo. Đến hạn nộp bài thằng chủ trương hối quá làm Huỳnh Đá Vàng hoảng. Nó “chôm” nhẹ thơ người nào trong tờ Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ. Bài thơ có câu: “Anh trở lại con đường Phan Thanh Giản...” Thơ tình. Tình lắm! Trong lớp tụi nó tin là thơ của Huỳnh Đá Vàng vì nhà nó ở đường Phan Thanh Giản. Báo in ronéo xong rồi thì đen trắng mới phân minh. Cười trừ thôi chứ có ai kiện cáo gì tờ báo lớp!
Từ thuở trung học đến giờ tôi không nhớ hết bài thơ đó. Chỉ có thơ bốn thằng tôi làm trong lớp, chuyền tay nhau đọc giờ học thì tôi nhớ kỹ. Một thằng bắt đầu với “anh yêu em” sau đó lớp có bài thơ “để đời” năm đệ tứ. Phải ghi rõ thế nhỡ mai có thằng nào viết về lịch sử trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng có đầy đủ tài liệu. Lịch sử bị xuyên tạc nhiều rồi sau cú đổi đời thảm nạn.
Tôi chép lại đây bài thơ hay đúng hơn là bài vè thời mới lớn, lúc mỗi thằng làm một câu. Không may có thằng bạn nào đọc được những gì nơi đây thì đừng cười.
Anh yêu em
Yêu quá xá
Như con cá
Nó cắn câu
Thề hộc máu
Anh yêu em
Thuở đó lỡ “thề hộc máu / anh yêu em” rồi nên thằng nào dính vào bài thơ cà chớn này đời khổ ráng chịu! Thế đó “tập thể làm chủ tình yêu và yêu tập thể”.
Chỉ có một thằng trong lớp, tôi biết, nó yêu ai. Nó dám chôm hình trong học bạ của “người ta” thì biết. Một thằng trong bọn tôi là con thầy giám học trường nữ. Cuối tuần nó lấy chìa khóa văn phòng của bố, mở tủ tìm học bạ của “người ta” cho bạn coi. “Người ta” đẹp lắm nhưng các môn thi của lục cá nguyệt đều dưới trung bình ngoại trừ Nữ Công Gia Chánh. Vậy là đủ rồi. Con gái đẹp đâu cần học giỏi. Bạn tôi lấy luôn cái hình có đóng dấu của cô nhỏ nào đó bỏ ví. “Thương em chẳng biết bỏ đâu. Sợ bỏ trên đầu thì rớt...” ai đau!
Phạm Cái Bang có số lận đận từ thời còn đi học. Nó vẽ số một trong lớp nhưng bài nộp lên là bị trứng vịt. Điệp khúc của cô dạy vẽ, giáo sư hoa khôi của trường dạo đó: “Ai vẽ dùm?” Phạm Cái Bang đỏ mặt lên, lúng ta lúng túng trả lời là “zéro”. Oan cho nó hơn oan Thị Kính vì tôi biết nó vẽ. Tranh của thằng khác nhờ nó quẹt sơ sơ thì điểm cao. Mười bảy mười tám là thường. Tài của Phạm Cái Bang chỉ được nhận ra khi lớp học vẽ thầy Đỗ Toàn.
Mấy đứa khác trong lớp thì sao không biết. Hộp màu nước của tôi màu trắng hết đầu tiên, màu đen còn dài dài. Những lúc thế tôi nghĩ đến Phạm Cái Bang. Tôi chạy qua mượn nó mà quên nhà nó nghèo hơn nhà tôi! Giờ nhớ lại vẫn còn mắc cỡ. Nhiều lúc thấy nó pha màu, quẹt vài nét trên giấy cứng mà ham. Tôi vẽ cả đời cũng không bằng năm phút nó múa cọ.
Phạm Cái Bang lại có trái tim hào hiệp. Tranh nào vẽ xong, bạn bè xin là nó cho. Thành ra cuối cùng nó chỉ còn một bức chưa cho được. Bức tranh vẽ cô hàng xóm. Người ta chưa xin mà nó chẳng dám mang tặng.
Nhà “người ta” ở sát nhà nó. Trên gác nhìn xuống thằng Cái Bang thấy em hàng ngày ra giếng vo gạo nấu cơm. Nhà nó có căn gác làm cứ điểm nhìn sang sân nhà của “người ta”. Trên cao đánh xuống sao không thắng được. “Người ta” làm gì bên kia thằng Cái Bang biết hết. Nhưng nó nhát như gì. Cứ nói càng hai câu cuối trong bài thơ cả bọn làm trong lớp “thề hộc máu/anh yêu em” rồi được, không được tính sau.
Bạn tôi không nói đâu. Nó giữ kín mối tình trong lòng và tập tành làm người lớn. Lúc đó muốn sang nhà ai chơi là chạy sang chứ đâu cần gọi điện thoại báo trước. Tôi đã làm vậy rất nhiều lần khi muốn thăm thằng Cái Bang. Xỏ dép vào chạy cái ào đến nhà nó. Thấy cửa mở là dọt luôn xuống nhà dưới, leo lên gác.
Có bữa thấy tôi vào nó vất que lửa mồi điếu thuốc không kịp. Tội nghiệp nó. Lại một màn lúng ta lúng túng như khi ở lớp bị cô dạy hội họa bắt bẻ. Thuở đó lớp tôi chưa có thằng nào biết thuốc lá là gì. Thằng Cái Bang mà tập kiểu này chắc có biến cố lớn. Mà lớn thật. Tôi biết vậy khi nhìn bức tranh nó giấu kỹ trong góc nhà.
“Mày cũng bày đặt hút Ruby hả mày?”
“Lạnh quá trời...”
Chữ này y chang như chữ mẹ tôi vẫn nói mỗi khi vấn điếu thuốc lá Cẩm Lệ. Tôi nhìn xuống nhà con bé Nguyện. “Người ta” của thằng Cái Bang đó. Nó đã biết được tên thật của con nhỏ rồi nên không gọi là Ni nữa.
“Bồ mi bên đó hả?”
Không có tiếng trả lời của nó. Thằng này nên đổi tên và họ nó thành Quách Cứ Tĩnh! Nói vậy chứ nó ít nói chứ không như tôi. Dân láu cá vặt. Tôi rủ rê nó.
“Bữa nào mày qua nhà tao, lên mái nhà ngủ tối. Đã lắm mày. Con Nguyệt, mày biết phải không, hay ngồi học bài ở cửa sổ. Nhà nó bên kia bờ tường Kho Y Dược. Nằm trên mái nhà tao là thấy nó rõ lắm.”
Phạm Cái Bang phá ra cười.
“Có bữa nằm ngủ trên đó, lăn qua lăn lại rớt xuống đất chết bà mày. Coi chừng chết vì tình si.”
“Làm sao rớt được mày. Ba mẹ tao biết an toàn nên mới cho ngủ trên đó. Đã lắm.”
Mặt thằng Cái Bang bỗng nghiêm trọng.
“Bộ mày thích con đó hả?’
“Tao cóc biết.”
Lúc đó là năm cuối của đệ nhất cấp. Tụi tôi gần xong lớp 9 nên coi như lớn rồi. Lên lớp 10 là có quyền học chung với con gái. Chiến tranh đã đến thành phố. Cái đám trốn chui trốn nhũi trên rừng cứ kê súng bắn bậy. Thỉnh thoảng đạn pháo kích về giữa đêm khuya trúng nhà dân. Người ta chết oan cũng nhiều.
Thời gian đó tụi trong xóm phải đi Nhân Dân Tự Vệ. Phạm Cái Bang được phát cây carbine. Tôi cũng vậy. Hai thằng chơi ngon, hỏi xin mấy chú lính Quân Y đóng đồn gần xóm băng đạn cong. Lắp vào súng trông cũng ngầu lắm. Nhưng carbine của tụi tôi chỉ dùng để lấy le những đêm gác khuya, không có chuyện làm. Có mấy thằng biết nhiều về súng ống, chế đạn mã tử để bắn chuột: Những “bia sống du kích” đêm khuya thập thò tìm đồ ăn trong cống. Chưa có thằng nào vào lính nên thấy súng ham lắm. Sau này làm dân tác chiến, mang hoài cấp số hành quân bốn ngày muốn bỏ mà không được.
Đêm tụi nó gác ông tổ trưởng dặn hoài. “Phải canh phòng cẩn thận”. “ Dạ. Bác đừng lo”. Bác tổ trưởng đi vào nhà ngủ là tụi nó quậy. Phạm Cái Bang rủ tôi tìm cách hái dừa nhà cô giáo dạy trường nữ trong xóm. Chồng cô là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 610 Truyền Tin. Dừa thì cao. Thằng nào cũng muốn hưởng phần nhưng không dán trèo. Tôi đề nghị vào lấy cái thang nhà bác tổ trưởng. Thằng khác mang theo cái chăn. Đứng dưới cây căng ra để thằng trèo lên thả dừa xuống. Dừa rớt vào chăn êm ru bà rù. Như vậy chủ nhà khỏi biết.
Có thang rồi chẳng có tên nào dám leo lên hái. Phạm Cái Bang suy nghĩ một lúc, gật đầu đồng ý xung phong ăn trộm. Ba quầy dừa ngon lành quá. Chịu không nổi! Nó trèo lên, lấy tay lắc mạnh. Tụi tôi bốn thằng căng chăn đứng dưới hứng dừa mà tim đập như trống làng. Lần đầu đi ăn trộm một cách quy mô. Ăn trộm có súng carbine yểm trợ! Phạm Cái Bang chắc cũng run nên dừa rơi không trúng tọa độ. Một trái trúng lưng thằng Thành con bác Đóa. Nó la ối, thả góc chăn đang cầm. Thế là những trái tiếp rớt xuống đất lịch bịch. Chủ nhà thức dậy. Đại Úy tiểu đoàn trưởng lên đạn súng colt. Thằng Phạm Cái Bang còn ở trên cây. Tôi hoảng vác luôn cái thang, không quên kéo cây súng, mà chạy. Phạm Cái Bang ôm thân dừa tuột xuống, thương tích không biết thế nào. Tôi chạy một hơi, cố nén tiếng thở mạnh, gác cái thang vào hiên nhà bác tổ trưởng rồi len lén đi về nhà. Gác trực mà làm gì!
Sáng mai đi học ngang qua nhà cô giáo, tôi không dám nhìn vào. Đôi dép thằng Phạm Cái Bang để ở gốc dừa sát đường đi khuya qua không còn nữa. Vào lớp hai thằng tôi ngó nhau thì thào:
“Sao mày?”
“Tao bị trầy cả ngực. Xuống không kịp là ổng bắn chết! Sao mày lấy thang đi?”
Nó định chửi nhưng ngưng kịp.
“Tại tao hoảng hồn.”
“Đôi dép tao còn để dưới gốc cây. Vậy là chết mẹ rồi.”
“Đổ tội cho toán thằng “đạo dừa” bên xóm lục lộ đi. Thằng này có thành tích từ trước đến giờ rồi.”
“Tao không biết. Nhưng buồn mày ạ. Đêm qua con Nguyện không có nước dừa để uống.”
“Mày nói gì. Mày đi ăn trộm dừa vì vậy!”
“Sao tao có thể làm chuyện đó nếu không vì ‘người ta’...”
Ba của Phạm Cái Bang làm cho sở hỏa xa. Sau những bữa đi sửa đường sắt ngoài đèo trở về bác hay nhâm nhi rượu đế. Những cuộc độc ẩm như thế ngoài quán kéo dài đến tối. Bác trở về khi xóm đã lên đèn. Lúc đó “mặt trời cũng thức dậy” trên mặt bác. Không biết vì rượu hay vì tuổi ngày càng lớn mà bác chắt cheo lại. Hình như vậy hay tại tụi tôi đang tuổi lớn, mỗi ngày mỗi thấy mình cồ ra nên có cảm tưởng bác nhỏ đi!
Phạm Cái Bang có người chị cả. Lúc đó chồng chị tử trận, để lại mẹ con nheo nhóc sống. Chị Ký phải ở nhờ nhà ba mẹ để buôn thúng bán bưng nuôi con. Mỗi đầu niên học ở Phan Chu Trinh, nhiều lúc ba mẹ thằng Cái Bang lo chới với để kiếm tiền đóng niên liễm phụ huynh học sinh. Tôi nhớ ba cái vụ này vì không có tiền đó không được vào lớp. Thầy phụ tá giám thị nhắc hoài khi có dịp vào những buổi chào Quốc Kỳ.
Có buổi tối nó rủ tôi qua căn gác nhà nó ngủ. Trời sáng trăng. Ngồi đấu láo một lúc tôi ngủ hồi nào không hay. Đến khi thức dậy, nhìn quanh thấy vắng. Chút vàng trăng rớt vào căn gác nhỏ. Thi vị. Ước gì có đối tượng cho tôi làm thơ như Mường Mán: “Trăng từ hoàng cung trăng lên lầu nguyệt”. Phạm Cái Bang đang làm gì gần cánh cửa. Tôi tò mò nhìn thằng bạn. Mắt nó như dán vào khe hở. Chắc có chuyện gì đây. Nghe tiếng bước chân, nó quay lui, dơ ngón tay lên môi. Tôi thì thầm.
“Gì đó mày?”
Mặt bạn tôi chắc đỏ lên. Chẳng có tiếng trả lời. Kéo nhẹ nó qua một bên, tôi nhìn ra ngoài. Trăng vằng vặc trên những mái nhà. Trăng trải lụa. Trăng đầy con xóm nhỏ. Chiến tranh đêm này còn đâu đó xa lắm, như trên giòng mực in trang nhất của báo chí đến từ Sài Gòn. Bên giếng nhà hàng xóm bạn tôi, Nguyện đang tắm. Nguyện tự nhiên để nguyên áo quần từ từ xối nước. Nước ướt áo bám sát vào người cô nhỏ. Tôi nhìn ké... rồi hiểu vì sao Phạm Cái Bang vẽ tranh mà không dám mang tặng. Đám mất dạy trong xóm vẫn đòi “xin xôi hay bánh ú” những khi tình cờ thấy Nguyện. Tụi nó dùng tiếng lóng. Giờ tôi hiểu. Chỉ mong người đang tắm dưới kia đừng thắc mắc những chữ kia của đám tôi vừa nhắc đến. Sao không: “...Em đến nằm phơi mộng giữa vườn trăng. Trong bóng lá anh thấy mình chết điếng. Từ dạo đó anh đâm ra lười biếng. Bởi mộng đời còn lại có bao nhiêu”° cho thi vị hơn. Chẳng biết nữa. Mắt nhìn của người thi sĩ khác xa nhịp sống thường nên đám tôi níu không kịp.
Nguyện tắm xong vào nhà. Tôi chọc Phạm Cái Bang.
“Tao biết sao rủ hoài mà mày không sang nhà tao để ngủ trên mái nhà rồi.”
Bạn tôi cười.
“Từ mái nhà mày nhìn sang chỗ con Nguyệt xa quá sao mà thấy... cho được.”
Lần đầu tôi nghe nó nói chuyện đùa về con gái. Phạm Cái Bang bước sang ngưỡng cửa khác rồi đó.
Có thời gian thành phố mọc đầy bar dành cho quân đội Mỹ. Đường Độc Lập, đường Bạch Đằng chạy dọc sông Hàn toàn là bar. Tội nghiệp cho nơi dân tôi sống. Gần xóm tôi, đường Gia Long cũng nổi lên cái bar. Người trong xóm gọi là bar Đại Hàn. Cách gọi không giấy tờ của dân xóm tôi nó dễ làm sao ấy. Thấy tụi Đại Hàn vào bar đó nhiều thì gọi vậy. Nhưng bên đường Lê Lai, nơi có động... thì bị gọi là “xóm chuối”. Chữ này tôi không biết ở đâu mà ra. Xóm đó đâu có trồng chuối! Chỗ như thế lại ở rất gần cơ quan công quyền. Chỉ có trời mới biết ai là người đỡ đầu những nơi ăn chơi này.
Xóm tôi ở tụi nhóc nhóc chia làm hai loại. Đi học phần đông. Dân bụi đời cũng dăm ba mạng. Có đám sống lang bang, qua tuổi vị thành niên rồi đi lính. Hình như lính thứ dữ không à. Phá phách ở đâu không biết nhưng về đến xóm tụi nó hiền. Đi ra đi vô thì cũng con chú này, con thím kia. Mới đó thôi mà lớn như thổi. Trong đám cô hồn có mấy thằng con nhà giàu. Tối tối tụi nó tập nhảy đầm trong sân nhà. Nhìn một cặp, hai thằng con trai ôm nhau nhảy slow kỳ thấy bà. Tôi với Phạm Cái Bang thỉnh thoảng ngó vào bị tụi nó nghinh. Mà nghinh thì mình đi chỗ khác chơi. Chuyện nhỏ.
Đến khi Nguyện bị một thằng chận lại bóp vú thì chuyện không còn nhỏ nữa. Thằng để tóc như con gái, học ở Sài Gòn về. Nó là sinh viên. Mới nghe dân đại học tụi tôi khớp lắm nhưng nhìn mái tóc dài theo lối hippie như đám nhạc trẻ mà ngứa mắt. Thằng này bảo nó là đàn em Chín “đá”. Đó là một thằng trốn lính chuyên phá làng phá xóm, đi hốt sòng bài.
Một lần tên du đãng này tới số. Nó kênh một anh lính tác chiến thứ thiệt. Anh này dân tiểu đoàn 5 Nhảy Dù về phép thăm nhà. Thằng Chín “đá” chạy xe gắn máy lạng qua lạng lại rồi chơi cái thắng gấp trước mặt anh ta. Chuyện gì đây? Xém nữa đụng người rồi cha. Chín “đá” xổ giọng mất dạy “đ. cha đ. má” kiểu Sài Gòn. Anh nhảy dù nghe người trong xóm nói rồi nên muốn dằn mặt nó. Mày Chín “đá” thì tao Mười “cước”. Chín “đá” bị dũa toe, bỏ cả xe mà chạy. Nó về vác dao và kéo thêm đàn em ra. Anh Mười “cước” đâu phải tay vừa, dễ gì đánh đòn hội đồng. Anh “nhá cạnh” trái lựu đạn M67 trong túi. Chín “đá” biết gặp tay chơi thứ thiệt khựng lại. “Thằng nào nhào vào banh xác liền.” Cho tiền cái đám cắc ké cũng không dám thử. Mười “cước” dằn mặt được thằng Chín “đá” thì cả bọn chạy. Cái đám chuyên chơi trò ỷ đông hà hiếp người khác là vậy đó.
Mẹ anh trong nhà nghe tin con bày trận ngoài đường lộ hớt hãi chạy ra. “Con ơi! Là con.” Bà kéo anh đi về gấp, cất lựu đạn vào tủ rồi giữ luôn chìa khóa.
Anh Mười “cước” hết phép trở về đơn vị thì thằng Phạm Cái Bang lãnh đủ. Tên tóc dài hippie dũa nó lại vì mày dám kêu đàn anh đục tụi tao. Bạn tôi làm gì có đàn anh đàn em. Tội nó. Kẻ mạnh bao giờ cũng có lý. Thằng hippie biết Phạm Cái Bang đang mết Nguyện nên đánh dằn mặt. Từ bữa chận đường cô nhỏ “xin xôi” nó về to nhỏ với đám con nhà giàu trong xóm. Thế đó tụi nó cứ qua lại ngõ nhà Nguyện hoài. Đến lúc bạn tôi nổi máu nóng lên:
“Đám mất dạy.”
Nó chỉ nói được chừng đó. Nguyện cũng ngại đi qua khúc đường xóm gần nhà đám kia. Thành ra con xóm nhỏ tự nhiên có phe có đảng. Tôi chỉ mong có ngày đánh lại được mấy thằng này vì tôi cũng là nạn nhân như Phạm Cái Bang.
Trước khi đôn quân, tôi có dịp uống rượu đế lần đầu với thằng bạn nghèo cùng xóm. Nó say sướt mướt. Khi đó mối tình câm của chàng được dịp tuôn ra. Nó cho tôi coi bức tranh vẽ Nguyện đang tắm đêm, nửa kín nửa hở. Tay cầm cọ của thằng bạn tôi chạy kịp theo cái đầu nên nhìn tranh như thấy cô nhỏ đêm nào bên giếng. Chết người thật. Hình trang giữa của sách báo Mỹ bán ngoài chợ trời không bằng.
Thời gian sau tôi hay ngồi ở bót gác đầu ngõ xóm của Nhân Dân Tự Vệ để nhìn Nguyệt. Con nhỏ cứ đạp xe mini lên xuống khúc Nguyễn Du, ghé chợ đường Đống Đa để mua đồ. Tôi ngồi nhìn để mà nhìn vì nhát. Giờ cho làm lại tôi vẫn thỏ đế như thường. Vậy đó mà nhớ. Về nhà tôi buồn vu vơ rồi làm được bài thơ. Sau thời di tản, được đoàn tụ với gia đình, nghe đứa em nghêu ngao "thơ tui" những khi xỉn tôi biết mình chỉ thua thằng Đoàn Dự về vụ mê gái vài ba bậc là cùng! “Mai ta đi cũng chỉ ta tiễn ta. Còn nhớ gì không nguyệt đêm tóc thả...” Tôi ghi lên tường phòng ở nhà như vậy. Nào ngờ nó vận vào người. Có lúc dạy đám em tập viết, tôi lại dùng tên người quen mà tôi đang theo. Bạn bè thân ghé ngang nhà, thấy tụi em được tôi ra bài như vậy hiểu liền. Có thằng sau này thành nhà thơ nổi tiếng trên các tạp chí văn học hải ngoại, đã chọc quê. Thật ra nó chỉ nói với bạn bè thân chơi chung với nhau. Tôi biết được đâm ra “quê độ” từ dạo đó. Nhưng thương nhau, một chiều, chiều rưỡi, hay được hai chiều thì đâu phải tội. Tôi vờ như không biết cho nhẹ người.
Phạm Cái Bang ra trường ở Nha Trang, được pháo binh bốc. Nó lại khăn gói về Dục Mỹ trình diện để học chuyên môn với thằng con thầy giám học trường nữ. Cũng bạn bè nhau cả. Cuối cùng số thằng nhỏ bớt lận đận. Nó dính ngay tiểu đoàn Pháo Binh 105 Cơ Động, hậu cứ nằm Đà Nẵng. Kỳ này nó ngon a. Pháo binh đạn to súng dài. Lại gặp pháo 175 ly cơ động thì còn thua thằng nào. Nhưng nó thua những thằng có điều kiện không đi lính. Nguyện đã biết ngồi sau honda để đứa khác đưa em xuống phố. Lúc đầu con nhỏ không dám để người ta đưa đón ngay đầu xóm. Nguyện đi bộ xuống tới ngã tư đường Gia Long-Lê Lợi, nhìn tới nhìn lui mới lên xe để người ta chở. Cô nhỏ theo tình đi đâu ai biết. Chỉ có bức tranh Phạm Cái Bang vẽ Nguyện tắm đêm ngày nào, lúc bạn tôi còn đi học, theo giòng đời chạy về nhà chỉ huy hậu cứ tiểu đoàn. Ông này đối xử với nó tốt quá, lại thích tranh nhìn vào “có ấn tượng mạnh” thì Phạm Cái Bang tặng vậy. Nó thấy Nguyện ngồi sau honda với người nào đó một lần, về nhà ốm cả tháng. Sau lần tình vật thê thảm người cũng chẳng là ân nợ nói gì bức tranh câm nín.
Ngày tôi theo đơn vị rời Đà Nẵng, bạn bè kẹt lại cả. Phạm Cái Bang trở về xóm. Nguyện nghe nói theo tàu di tản về Sài Gòn. Nguyệt của thuở trước tôi vẫn nhìn từ mái nhà những tối mùa hè leo lên đó ngủ cũng bỏ thành phố chạy loạn. Ty Cảnh Sát đã trở thành chỗ ở của Công An bên đó. Những cán bộ vào từ miền Bắc mua lại nhà trong xóm. Giá cả sao không ai rõ vì ai cũng nơm nớp lo sợ.
Có căn nhà lầu của một người trong xóm, được một tên làm công an miền Bắc mua lại. Căn này trước đó đẹp lắm. Sau khi đổi chủ, tên công an cho xây tường thật cao, phía trên còn giăng thép gai như pháo đài. Chắc nó lấy kiểu từ ngoài Bắc.
Từ đó người trong xóm tôi như gần lại với nhau hơn. Đám nhóc nhóc đánh lộn thuở trước, đám du đảng phá xóm phá làng, tự nhiên trở thành một. Cái gai là đồn công an với những tên đội nón có ngôi sao. Gần nhất là tên mua căn nhà của người trong xóm.
Buổi làm vệ sinh đường hẻm, đám nhóc chôn rác, đào hố ngay trước ngõ nhà tên công an. Nó về nghe người nhà nói lại, ra chửi dân trong xóm là thiếu thông minh! Từ đó người trong xóm gọi thằng công an là “thiếu thông minh” không cần biết tên thật nó là Nguyễn Văn Trổi, Hoàng Văn Thụ, hay Đồng Khởi như tụi Xã hội Chủ Nghĩa vẫn tru tréo mỗi ngày trên loa phóng thanh. Biết làm cái con mẹ gì! Thời gian đầu, tranh cãi nhau nhiều lúc nó xách súng ra hăm dọa. Những du đãng trước 75 của xóm cũng đâu có hiền. Con bác tổ trưởng Nhân Dân Tự Vệ, thằng Chín “đá” cũng mang súng ra. “Đ.m. bắn thì bắn. Thằng nào lỗ biết liền!” Tên “thiếu thông minh” mới hưởng được mùi phú quí đâu dám chơi với những kẻ liều.
Thằng họa sĩ lớp tôi sau này vừa vẽ vừa bán chợ trời. Chỉ huy hậu cứ nó đi học tập. Tài sản trong nhà, có bức tranh ông thích, lần lần chạy ra đường Khải Định ở chợ Cồn. Khu chợ trời nổi tiếng của thành phố. Tôi biết Phạm Cái Bang khóc khi nhìn bức tranh nó vẽ Nguyện nằm lăn lóc giữa chỗ bày hàng. Tảng màu vẽ áo cô nhỏ như bị bóc ra!

An Phú Vang


Xem Tiếp: ----