uối tháng ba, tôi về thăm quê. Quê tôi ở tỉnh Đông, nhưng gia đình đã chuyển vào vùng kinh tế mới ở Bảo Lộc, Lâm Đồng từ sau ngày miền Nam giải phóng. Tình cờ lúc qua đò Vạn tôi lại gặp bá Vần. Bá hỏi: "Anh về một mình?". Tôi đáp: "Vâng". Bá hỏi tiếp: "Anh về lâu không?". Tôi nói: "Thưa bá, cháu về được một tuần". Bá Vần nghĩ một lúc rồi bảo: "Thế thì ngày mai anh nên thu xếp đến thăm cái Hà. Nó đang nằm ở bệnh viện huyện. Bệnh nặng lắm, có lẽ không qua được".
Chị Hà là con ông bác ở chi trên họ Lê chúng tôi. Hồi ở nhà, chúng tôi cùng đi học với nhau, nhưng chị chỉ học hết cấp hai rồi nghỉ ở nhà làm ruộng. Tôi học xong đại học, được phân công về một tỉnh miền núi. Đã lâu hai chị em không gặp nhau.
Sinh ra làm kiếp người ở trên đời, nhất là trong thời tao loạn, cái cảnh gia đình chia phôi, thân quyến họ hàng tản mát, kẻ bắc người nam là chuyện không tránh khỏi. Miễn là, tuy xa nhau nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ đến nhau, nghĩ về nhau, những ý nghĩ tốt đẹp, những tình cảm chân thành là được. Tôi cũng có những kỷ niệm vừa ngọt ngào vừa cay đắng của thời thơ ấu ở quê hương. Theo dòng thời gian, những ký ức có thể phai mờ, nhưng bóng dáng chị Hà tôi không thể quên.
Chị lấy chồng từ năm mười tám. Chồng chị là anh Thỉnh, thuộc về dòng họ Nguyễn Đình. Anh Thỉnh ít nói, là người trung thực nhưng tính hơi khoảnh. Bố anh là ông bếp Cầu. Hồi Thế chiến thứ hai, ông đi lính tình nguyện và đã làm một chuyến viễn chinh bốn năm sang tận chiến trường Tây Âu. Ông xuýt chết cóng vì đánh dập mũi một tên đội say rượu. Tên quan ba người đảo Corse ra lệnh tống giam ông vào một cái  hầm băng lạnh đến ba mươi độ dưới không. Hồi Cải cách ruộng đất, nhà cửa, ruộng vườn chẳng đáng là bao, nhưng vì có "thành tích" đi lính cho Pháp nên ông vẫn bị quy lên thành phần phú nông kèm thêm cái tội tày đình là tay sai Quốc dân đảng. Vì thế, cứ mỗi lần Đội Cải cách tổ chức đấu tố địa chủ nào đó ở trong làng là ông và những người cùng cảnh lại bị trói thành một dây, buộc vào những chiếc cối đá thủng, quỳ xuống sân gạch để tận mắt nhìn các ông bà nông dân đấu tranh giai cấp.
Anh Thỉnh học cùng lớp với tôi. Anh học khá. Tôi thì học lớt phớt. Hồi ấy trọ học ở cạnh trường huyện, làm bài xong, anh con đi mò hoặc tát vét kiếm ít cua cá về nấu với cà chua xanh, mua năm xu một cân của bà chủ nhà tốt bụng cho chúng tôi ăn. Tôi lười học và ngại làm bài tập. Ngoài giờ học, tôi chỉ thích lên thuyền chơi với bọn thợ xúc cát giữa sông. Bọn xúc cát phần lớn còn trẻ, có những thằng không hơn tuổi tôi. Chúng sống lam lũ, bẩn thỉu, lênh đênh nay đây mai đó và có một kho từ vựng rất phong phú của nghề sông nước.Cả hai chúng tôi đều thi đỗ đại học. Tôi được đi, còn anh Thỉnh thì không. Nghe người ta kháo nhau, dù đã được hạ thành phần thời kỳ sửa sai nhưng lý lịch của anh vẫn có tỳ vết. Việc này phải đưa ra thường vụ đảng uỷ bàn tập thể chứ một mình ông phó chủ tịch phụ trách nội chính không dám giải quyết. Anh Thỉnh buồn. Mấy tháng sau anh theo người làng vào rừng cuốc hố trồng cây thuê cho lâm trường Cẩm Sơn.
Tôi học đại học được hai năm. Một hôm anh Thỉnh mượn đâu được chiếc xe đạp lên chỗ tôi.Anh bảo anh có ý định lấy vợ, nhân tiện đi chơi muốn hỏi ý kiến tôi, là chỗ bạn học cũ với nhau. Tôi hỏi: "Anh lấy vợ theo kiểu nào? Yêu hay gia đình cưới cho?". Anh bảo: "Cô Hà, con ông chưởng bạ Ngoạn, về đằng họ Lê nhà cậu". Tôi bảo: "Được, chị Hà là chị họ tôi, khi nào cưới tôi sẽ về". Anh bảo: "Đầu tháng một âm lịch. Dịp ấy đã cấy xong, lại có nhiều ngày tốt".
Chị Hà thuộc loại phụ nữ có duyên nhưng hoàn toàn không xinh. Bù lại, chị có cặp mắt và đôi bàn tay rất đẹp. Nhiều khi, ngẫu nhiên bắt gặp đôi bàn tay chị, tôi thấy ngơ ngẩn cả người. Đôi bàn tay ấy nhỏ, có những ngón búp măng thon, dài, phơn phớt màu ngà vô cùng hấp dẫn. Mỗi lần qua nhà chị, thế nào tôi cũng tìm cách ngắm trộm cái "báu vật" ấy. Đôi mắt của chị hơi to so với bình thường, nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy nó trong veo, sâu thăm thẳm tưởng như không cùng. Nhưng tôi cho rằng cái đó chỉ chứng tỏ con người có chiều sâu tâm hồn, trí tưởng tượng phong phú và giầu cảm xúc thôi. Cái mà làm cho các chàng trai chết mệt chính là ở chỗ, trong đôi mắt chị nhiều khi như có ánh lửa. Nó bất chợt loé lên, cháy sáng, tạo nên một trường hấp dẫn đặc biệt, giống như ma lực ở cặp mắt của những người có thuật thôi miên. Anh Thỉnh chắc không phải là người đầu tiên bị đôi mắt chị Hà cuốn hút. Thú thật, tôi không thích đôi mắt chị. Nhiều khi gặp chị, tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy.
Đám cưới anh Thỉnh và chị Hà tổ chức vào buổi trưa. Bà con hàng xóm đến đông đủ và chỉ ăn trầu, hút thuốc, uống nước chứ không làm cỗ bàn linh đình. Lý do là, thời buổi chiến tranh, máy bay Mỹ bắn phá khắp nơi, cần tổ chức nhanh, gọn để giữ an toàn tính mệnh cho nhân dân. Thêm nữa, nhà anh Thỉnh nghèo, ông bố mới mất năm trước, nếu bày vẽ sẽ phải mang công mắc nợ. Lễ cưới làm theo lối đời sống mới, mọi việc đã có chi đoàn thanh niên lo. Lúc tay bí thư chi đoàn trong vai chủ hôn, dắt đôi vợ chồng mới vào ngồi ở bàn đầu, tôi thấy hơi chướng. Bàn tay thô tháp, đen đủi của tay bí thư hình như nắm quá lâu bàn tay chị Hà. Tôi thoáng thấy gò má chị đỏ lên.
Vào cuối năm sáu mươi bẩy, khi thằng cu Thoảng con anh Thỉnh được bốn tháng thì anh có giấy gọi đi bộ đội. Anh là con một nhưng đến lúc này cũng không được miễn. Guồng máy chiến tranh đang vận hành quyết liệt. Người ta đang muốn giải phóng miền Nam bằng mọi giá. "Tất cả cho tiền tuyến. Thanh niên thời đại Hồ Chí Minh có nghĩa vụ phải vào chiến trường chống Mỹ bảo vệ tổ quốc". Tay bí thư chi đoàn nói thế và động viên anh em tân binh giữ vững niềm tin, vui vẻ lên đường.
Hai năm sau, vào cuối năm sáu mươi chín, anh Thỉnh có giấy báo tử. Uỷ ban xã và đoàn thanh niên tổ chức lễ truy điệu rất long trọng. Chị Hà nhận được bằng Tổ quốc ghi công và tiền trợ cấp gia đình liệt sỹ. Bí thư chi đoàn thôn bây giờ là thường vụ đảng uỷ. Khoá hội đồng nhân dân vừa rồi anh ta lại trúng ghế chủ tịch, thuộc loại trẻ nhất và tỏ ra có năng lực nhất trong hàng ngũ lãnh đạo. Việc đầu tiên của vị tân chủ tịch là thay bộ máy giúp việc cũ của họ Nguyễn Phúc bằng bộ máy mới mà chủ yếu là những người trong họ Đỗ. Đến thời kỳ ấy thì tôi được điều động đi công tác ở các tỉnh miền Trung. Miền Nam giải phóng, tôi cùng vợ con vào Lâm Đồng, thành ra, bận lo sinh kế, lúc ấy lãng quên mất họ hàng, làng xóm. Không biết bây giờ chị Hà ra sao? Khổ thân chị tôi.
Tôi chưa về làng mà vào thẳng bệnh viện. Đến nơi, tôi hỏi ông bác sỹ trực phòng cấp cứu: "Bác sỹ chỉ giúp, bệnh nhân Lê Thị Hà nằm ở phòng nào?". Ông bác sỹ trả lời nhanh như máy chứng tỏ một trí nhớ lạ thường: "phòng mười ba, gác hai, giường số tám". Tôi lại hỏi: "Tôi vào được không?". Ông chỉ cái áo màu cháo lòng treo trên mắc bảo: "Mặc cái áo kia vào. Đấy là khoa lây". Tôi bóc bao Hero: "Mời bác sỹ". Ông ta nhón một điếu rồi nói: "Cái thứ Hero này thơm nhưng không đậm bằng loại ba số. Anh là thế nào với bệnh nhân?". Tôi nói: "Là em họ". Ông lại bảo: "Thế thì nên vào thăm ngay đi. Cô ấy nằm đây hai tuần rồi".
Tôi nhận ra ngay chị Hà mặc dù chị gầy hốc hác với đôi mắt trũng sâu như mắt của những người mắc chứng suy nhược thần kinh. Trong phòng chỉ có mình chị. Các giường khác không có người. Căn phòng thoáng, sạch sẽ, nền lát các tấm granito nhưng tôi vẫn có cảm giác rờn rợn. Chị nửa nằm nửa ngồi, đầu gối cao, gương mặt mệt mỏi.
Chị nhìn tôi rất lâu. Chừng như đã nhận đúng là tôi, thằng Định con ông chú họ  mà chị vừa quý vừa nể xưa nay chị mới nói bằng giọng thều thào, gần như cố sức:
- Chị chờ. Biết cậu sẽ về...
- Em tình cờ gặp bá Vần ở bến đò Vạn mới biết chị ở đây. Chị có mệt lắm không?
- Mệt... - Chị thở dài, tiếng thở nhẹ, đôi lúc đứt quãng.- Chỉ có cậu là chị tin được. May mà còn kịp.
- Sao vậy chị?
-Cậu sao thế? Ra đóng cửa vào cho chị.
- Kìa chị...
Chị nhăn mặt:
- Chị nhờ cậu đóng cánh cửa vào. Còn ít thời gian lắm. Chị biết...
Tôi ra đóng cửa.
-Cậu lại gần đây.
- Chuyện này chị chỉ kể với cậu, vì cậu là người có học, biết lẽ phải trái ở đời. Hơn thế nữa, cậu còn là bạn học với anh Thỉnh. Chị biết, cái hồi anh chị sắp lấy nhau, anh Thỉnh có đạp xe lên tận Hà Bắc hỏi ý kiến cậu.
-  Vâng, có chuyện gì chị cứ nói.
- Nói thật với cậu, chị không sống được mấy nữa...
- Kìa chị... - Tôi chợt thấy đăng  đắng nơi cổ họng. - Đừng nghĩ quẩn, chị còn phải sống để nuôi dạy cháu nên người chứ.
- Cậu đừng ngắt lời chị.- Chị xoay người hướng cặp mắt như có lửa vào tôi - Số chị thật chẳng ra gì, chưa đến nửa đời người đã thành goá phụ. Ngẫm ra chị là người đàn bà có tội...
Giọng chị thổn thức. Tôi có cảm giác là mọi nỗi đau đớn vật vã của chị đều được biểu hiện qua đôi mắt. Và dường như không phải chị kể cho tôi nghe nỗi cơ cực của một kiếp người mà đang tự vấn lương tâm hướng tới cái thiện ở một cõi  xa xăm nào đó trước lúc nhắm mắt.
°
°
Bà Cầu, mẹ anh Thỉnh mất sau khi anh đi bộ đội được hai năm. Chị Hà ở một mình với thằng cu Thoảng trong căn nhà ba gian, hai chái, lợp rạ ở khu xóm Trại. Thời gian này ở hậu phương có nhiều việc phải làm để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chị vừa uỷ viên chấp hành chi đoàn thôn vừa là dân quân tự vệ. Tuy có chồng đi chiến đấu xa, nhưng nhìn chung phần lớn phụ nữ như chị ở nông thôn sống không đến nỗi cô đơn, buồn chán. Không khí thời đại chống Mỹ lúc ấy, cùng với phương thức tuyên truyền rất hiệu quả của ngành tuyên huấn và các đoàn thể quần chúng làm con người quên đi thân phận mình mà thường nghĩ đến những cái lớn hơn là vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Họ  không có thói quen suy nghĩ độc lập mà luôn tin tưởng vào sự đúng đắn của cấp trên. Với họ, cấp trên không bao giờ sai. Vì thế đã có nhiều chị em được biểu dương là phụ nữ ba đảm đang.
Trong những buổi họp ban chấp hành, chị cảm thấy tay bí thư đoàn chú ý đến mình. Anh ta là một thanh niên đẹp trai, có khoa nói giỏi. Học xong lớp bẩy trước chị bốn năm. Ngồi họp, có lúc bất chợt ngẩng lên, chị lại bắt gặp đôi mắt anh ta nhìn mình đắm đuối. Những lúc như thế chị nhìn lảng đi nơi khác, hai gò má chợt thấy nóng.
Rồi một tối anh ta đến. "Hà ơi, mở cửa". Chị hỏi: "Ai gọi đấy". "Tôi đây, Tiệp đây". Anh ta nói rất nhỏ, gần như thì thầm. Chị hỏi: "Có việc gì mà anh đến lúc này? Để ngày mai". "Không được, mai tôi phải đi học lớp chính trị ở trường Đảng tỉnh một tháng. Việc gấp". Cửa mở. Anh ta lẻn vào nhanh một cách kỳ lạ, không hề phát ra tiếng động, tiện tay kéo chốt rồi ôm choàng lấy chị. Chị vùng ra, giận dữ: "Tôi kêu lên đấy". Anh ta càng ghì chặt chị hơn, đôi môi nóng bỏng lướt trên má chị, giọng hổn hển: "Cặp mắt của em hút hồn anh. Anh yêu em. Hãy thương anh...". Chị cười nhạt bảo: "Còn vợ anh? Nó đến đây xé xác tôi ra thì anh đẹp mặt". Anh ta hạ giọng van vỉ: "Anh không yêu nó. Nó như con quỷ cái. Thế nào cũng có lúc anh cho  nó một trận". Chị dằn giọng mỉa mai: "Anh không sợ chồng tôi à? Trêu vào vợ lính mà chơi. Mai kia anh ấy về thì cứ ốm đòn". Anh ta bảo: "Từ tháng ba năm ngoái đến nay, làng này có mười chín thằng đi thì mười một thằng báo tử rồi. Xem ra cuộc chiến còn kéo dài mà phụ nữ tuổi xuân có hạn". Chị giãy giụa, một cánh tay tuột ra liền giơ thẳng cánh tát đến bốp vào mặt anh ta: "Thôi đi, đồ hèn". Chị lùi ra, định kéo chốt cửa nhưng anh ta giữ lại: "Đừng có làm bộ nữa. Tôi biết, từ lâu cô đã có tình ý với tôi, tôi quyết không để cho bất cứ thằng nào ở xã này động đến cô". Mãi sau này, khi đến với chị những lần khác, trong lúc ái ân cuồng nhiệt, anh ta mới bảo, cái đêm hôm ấy, anh ta đã biết anh Thỉnh hy sinh, giấy báo tử gửi về từ tuần trước nhưng uỷ ban xã tạm thời chưa công bố sợ ảnh hưởng đến đợt tuyển quân sắp tới.
Cuối tháng chín, tức là sau khi lớp tân binh làng Yên lên đường bốn ngày, người ta phát giấy báo tử một loạt chín người. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại hội trường uỷ ban. Bí thư chi đoàn thôn, lúc ấy đã là thường vụ đảng uỷ, phó chủ tịch xã, đọc bản tuyên dương công trạng và tỏ lời chia buồn với các gia đình, động viên họ nén tình cảm đau thương, biến căm thù thành hành động cách mạng để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các liệt sỹ. Chị Hà  mặc đồ tang bằng vải xô trong đám thân nhân những người chết trận. Thằng cu Thoảng cũng mặc áo tang. Nó chẳng biết gì, lũn cũn theo mẹ đến trước bàn thờ có treo một loạt ảnh viền khung đen, có vẻ như cái nào cũng giống cái nào, nên tìm mãi không thấy bố.
Sau khi trúng cử chủ tịch xã, Đỗ Hữu Tiệp bàn với ban thường vụ và thường trực uỷ ban: "Xã ta phải tạo điều kiện giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sỹ khó khăn, neo đơn để đền đáp công ơn những người hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập dân tộc". Bí thư đảng uỷ hỏi: "Biện pháp giúp đỡ như thế nào? Và những ai thuộc diện thật khó khăn?". Chủ tịch bảo: "Tôi thấy cô Hà ở xóm Trại, chồng mới báo tử, nhà ọp ẹp sắp đổ, nên cấp một vạn gạch với ít vôi ngói để xây hai gian". Phó bí thư, người thôn Gành, xưa nay vốn ghét tay chủ tịch có máu trăng hoa, hỏi: "Còn những gia đình khác thì sao? Xã ta có đến sáu mươi tám liệt sỹ, riêng ở làng  Gành là mười bảy". Chủ tịch liếc bí thư rồi bảo: "Cứ dần dần, đầu tiên là những đối tượng đặc biệt khó khăn đã". Ông bí thư già lấy mu bàn tay dụi cặp mắt lông quặm, hỏi xỏ xiên: "Nhà cô Hà khó khăn nhất làng Yên à?" Chủ tịch đánh trống lảng: "Bố mẹ chồng cô ấy mất cả rồi".
Ngôi nhà hai gian của chị Hà làm xong trong vòng một tháng rưỡi. Thỉnh thoảng chủ tịch rẽ vào thăm và động viên anh em thợ. Ngoài việc duyệt cấp vật liệu, chủ tịch còn chỉ thị cho chủ nhiệm hợp tác xã ghi công điểm cao cho thợ nên công trình làm vừa nhanh vừa đẹp. Chỉ có điều, chị Hà là người đầu tiên và cũng là người duy nhất xóm Trại được ở ngôi nhà "tình nghĩa" mà xã xây cho. Nhưng sự việc không dừng ở đấy. Nếu mọi việc chỉ có thế thì chẳng ai bận tâm làm gì cho mệt người. Trên đời này còn nhiều cái phức tạp, rối ren gấp trăm nghìn lần nhưng rồi nó cũng bị chìm dần vào sự quên lãng. Thời gian chính là môi trường tuyệt vời để khoả lấp, làm tan biến đi những định kiến hẹp hòi, những mớ lý thuyết đạo đức giả của không ít kẻ cơ hội hễ có dịp là lên giọng răn dạy người khác. Chị Hà nắm chặt tay tôi bằng bàn tay nóng bỏng của người sốt cao. Mắt chị nhìn như xoáy vào tôi làm tôi có cảm giác chị không còn là người thật nữa mà đã biến thành cái bóng vật vờ của những cô hồn. Chị nói trong hơi thở gấp:
- Một đêm có tiếng gõ cửa. Chị choàng dậy, nghĩ là tay chủ tịch. Nhưng không phải cậu ạ. Anh Thỉnh về...
°
°
Giống như bị một cơn sốc đột ngột, chị Hà lặng đi, người mềm ra ngã vào hai cánh tay chồng. Anh Thỉnh sờ soạng tìm dầu con hổ trong túi xoa vào hai thái dương vợ. ít phút sau chị tỉnh lại. Chị bảo: "Để em bật đèn". Anh Thỉnh nắm tay chị: "Đừng bật đèn". Chị hỏi: "Sao lại thế?". Anh Thỉnh nói nhỏ: "Anh trốn về". Chị hốt hoảng: "Hả? Anh trốn về?". Anh bảo: "Ừ. Sau này anh sẽ nói, chuyện dài lắm". Chị khóc: "Xã đưa giấy báo tử của anh rồi. Người ta đã làm lễ truy điệu". Anh bảo: "Thế thì tốt. Anh vẫn lo chuyện ấy". Chị nói: "Vâng". Anh Thỉnh lại hỏi: "Con đâu?". "Nó nằm ở phía trong kia". Anh thì thầm: "Có lớn không?". Chị cũng nói nhỏ: "Lớn. Giống anh lắm".
Ngay đêm ấy, vợ chồng anh Thỉnh đào một chiếc hầm trong gian buồng. Đất xúc lên cho vào đôi thùng gánh nước chuyển ra đổ xuống ao bèo phía sau nhà. Đồ đạc của anh Thỉnh chỉ có chiếc ba lô lép kẹp, một bộ quần áo lính đã sờn, chiếc xẻng cá nhân, một con dao và phong kẹo lạc cho thằng cu Thoảng. Chiếc xẻng công binh lúc này tỏ ra được việc. Tầm bốn giờ sáng thì xong hầm. Nó được đào cách tường bốn mươi phân. Phía ngoài để chiếc hòm khoá chuông bố mẹ anh Thỉnh cho làm vật che chắn có tính chất nguỵ trang. Nắp hầm là nắp thùng phuy. Chiếc nắp này khá thuận tiện để người ở dưới, nếu cần, có thể đội lên được nhưng lại khá bất ngờ với những ai vô tình vào buồng.
Thu dọn đồ đạc xong, chị Hà bế thằng Thoảng đặt ra chiếc giường cá nhân gian ngoài. Nó vẫn ngủ mệt. Chị múc nước cho anh Thỉnh rửa ráy chân tay, lau người rồi khoá cửa buồng để anh ngủ còn chị xuống bếp nấu cơm. Anh Thỉnh vừa đi bộ vừa đi nhờ xe mất đúng ba tháng mười chín ngày mới về đến nhà. Lúc ăn cơm, trời đã hơi  rạng, chị Hà nhìn thấy chồng mà phát khiếp. Anh mặc bộ quân phục bạc phếch, tay áo, cổ áo, ống quần dính bết một thứ bụi đất hung hung đỏ. Mặt anh Thỉnh hốc hác, da tái nhợt và dày. Đó là nước da của những người mắc bệnh sốt rét rừng gần như đã nhờn với các chủng kháng sinh, thường lên cơn kịch phát theo một chu kỳ nhất định, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ban ngày, anh Thỉnh ở trong buồng, nếu thấy động, nghĩa là có người đến, thì phải nhanh chóng xuống hầm, ban đêm mới được ra ngoài nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng thôi. Xóm Trại là địa bàn hẻo lánh, có đến hơn chục cô vợ lính vắng chồng lâu ngày, không thiếu các loại dân quân lảng vảng dưới danh nghĩa tuần tra, mắt lấm la lấm lét, nhìn chỗ nào cũng thấy kẻ thù giai cấp. Họ mà phát hiện ra thì coi như xong đời.
Ở làng tôi, những anh chàng đi bộ đội mà trốn về thì nhục hết chỗ nói. Ông phó chủ tịch phụ trách nội chính bảo, đào ngũ là phản bội Tổ quốc, tội danh tương đương với tội làm gián điệp. Những kẻ đào ngũ, trước hết sẽ được lực lượng dân quân "mời" về nhà giam của uỷ ban xã "ngồi chơi xơi nước vài ngày", sau đó mới đến nhiệm vụ của công an huyện. Thời kỳ này, kẻ trốn tránh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc bị phạt cải tạo lao động cật lực mà không được hưởng công điểm. Hàng ngày, người nhà phải mang cơm ra tận công trường. Nếu anh ta thực sự ăn năn hối lỗi, lao động tốt, tư tưởng thông suốt, thì hết hạn lao động công ích, lại được biên chế vào một đơn vị tân binh của xã để làm nghĩa vụ lại từ đầu. Tuy nhiên, với những người ngoan cố, chứng nào vẫn tật ấy thì hãy giờ hồn. Chính quyền sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn. Không những anh ta mà cả bố mẹ, vợ con, anh em anh ta cũng phải gánh chịu số phận nhục nhã. Cho nên, ở làng Yên có câu thành ngữ mới lưu truyền: "Trốn đi B, về mất lối".
Một đêm, chị Hà mếu máo hỏi: "Sao anh lại trốn về?". Anh bảo: "Tiểu đội có mười ba thằng, bị phục kích, mười một thằng chết, một thằng bị thương, còn anh thoát chết, bơi qua sông, sau đó lạc đơn vị, lần mò trong rừng hàng tháng, không tìm thấy đường ra, xuýt chết đói. Thằng bị thương là thằng Dự ở thôn Gành. Nó gãy một chân,  chẳng biết sống hay chết". Chị hỏi: "Bây giờ anh tính thế nào?". Anh Thỉnh bảo: "Anh chỉ muốn nhìn thấy em và con rồi anh đi". Chị khóc: "Đi đâu?". anh lắc đầu: "Chưa tính đến việc đó, nhưng phải đi ".
Thằng cu Thoảng được gửi về bên ngoại. Vài ngày chị Hà mới đón nó một lần. Đêm thứ mười kể từ khi anh Thỉnh về, lúc ấy vào khoảng chín giờ, bên ngoài có tiếng gõ cửa. Chị Hà bảo: "Anh xuống hầm để em đậy nắp cho". Anh Thỉnh hỏi: "Ai gõ cửa thế?". Chị Hà nói nhỏ: "Chắc là mấy ông dân quân tự vệ đi kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu đột xuất ban đêm, ở đây vẫn có lệ như thế". Đậy nắp hầm xong, chị Hà bước nhón chân ra cửa. "Hà ơi!". Có tiếng gọi nhỏ, nghe như gió thoảng bên tai. Không thấy tiếng trả lời, một bàn tay luồn qua lỗ thủng phía trên ổ khoá khẽ đẩy chốt ngang. "Đừng vào". Chị Hà thì thầm và đứng nghiêng người lấy vai tì vào cánh cửa. Nhưng sức đẩy phía ngoài mạnh hơn làm chị chao người, cánh cửa bật ra. Gã chủ tịch lẻn vào như một bóng ma, nhanh tay kéo chốt rồi ôm thốc lấy chị Hà. Anh ta gắt khẽ: "Sao không cho vào?". Chị Hà đẩy hắn ra: "Hôm nay tôi mệt". Tay chủ tịch lại thì thầm:" Khẽ chứ. Anh có mang cho ít thuốc bổ đây". Chị Hà Bảo: "Anh về đi". Đỗ Hữu Tiệp đột nhiên lên giọng: "Đừng có vớ vẩn. Tôi vừa họp thường vụ, đã chính thức đề nghị huyện uỷ ra quyết định kết nạp cô. Sao tự nhiên hôm nay lại giở chứng thế?". Chị Hà bảo: "Anh là đồ đểu, anh làm hại đời người ta". Chủ tịch cười khẽ: "Thế cái nhà này ai làm cho cô? Cô tưởng tay bí thư đảng uỷ với thằng Hiểu ở thôn Gành nó tán thành đấy hả? Tôi phải đấu tranh mấy cuộc họp mới được đấy. Còn chồng cô thì báo tử từ lâu rồi, việc gì mà sợ". Đúng lúc ấy, trong bóng tối dày đặc, anh Thỉnh đội nắp hầm bước lên, tay cầm con dao găm Mỹ vẫn giấu trong người để phòng bất trắc. Anh gầm lên: "Thằng khốn nạn! Mày có còn nhớ tao là ai không?". Tay chủ tịch bị bất ngờ nhưng vẫn tỏ ra khá bình tĩnh, quờ khẩu súng ngắn vẫn mang theo vừa để ở đầu giường, bật chốt an toàn rồi dằn giọng:
- Thì ra là thằng Thỉnh. Từ một tuần nay tao đã ngờ ngợ là mày trốn về, nhưng tao im lặng và không cho dân quân đến bắt vì tao thương vợ con mày. Cô Hà là vợ liệt sỹ chứ không phải là vợ một thằng đào tẩu hèn nhát hiểu chưa? Bây giờ mày là thằng chết rồi. Uỷ ban đã tổ chức lễ truy điệu long trọng. Vợ mày biết đấy.
- Đồ đểu! - Anh Thỉnh hoa con dao quờ quạng tiến lại phía giường tìm tay chủ tịch. - Mày là thằng đê tiện, nói dối trắng trợn, làm nhục vợ bộ đội. Tao... tao... sẽ giết mày!
Tay chủ tịch lùi đến cuối giường, cười gằn, rê nòng súng về phía anh Thỉnh, giọng vẫn ôn tồn nhưng chị Hà biết, anh ta cố ghìm để cuộc đấu khẩu bất đắc dĩ khỏi bị bại lộ:
- Cậu tiến một bước nữa, tôi sẽ bắn. Hồi còn ở nhà, cậu đã biết tính tôi đấy...
Chị Hà run rẩy, mồ hôi toát khắp người như là vừa tỉnh dậy sau cơn mê khủng khiếp. Chị ngồi thụp xuống nền nhà ôm đầu rên rỉ. Cảnh ngộ của chị lúc này thật khốn nạn. Thôi thì, một sống hai chết, chị vùng dậy chen vào giữa hai người đàn ông, giọng thảng thốt:
- Các anh giết tôi đi. Tất cả là tại tôi. Sao trời không giáng sấm sét để tôi chết đi  cho rảnh mà bắt phải nhục nhã như thế này!
Lưỡi dao của anh Thỉnh rớt xuống nền nhà. Nòng súng của tay chủ tịch chếch lên phía mái ngói. Anh ta khoá chốt an toàn.
- Tôi không có lỗi cậu Thỉnh ạ. Trong chuyện này, cùng lắm là tôi bị kiểm điểm về quan hệ bất chính với một phụ nữ goá chồng. Nhưng ở đời mấy ai học hết chữ ngờ. Nếu như cậu không trốn về thì làm gì có cuộc gặp gỡ khó chịu hôm nay. Cậu nên biết rằng, ở làng Yên này chưa có gia đình liệt sỹ nào được chăm sóc chu đáo như mẹ con cô Hà.
- Còn gì nữa, nói nốt đi.- Anh Thỉnh bảo.
- Thành phần gia đình nhà cậu, như cậu biết đấy, là có vấn đề. Ông bếp Cầu đi lính cho Tây làm đến chức cai. Hồi Cải cách, nhà cậu thuộc thành phần phú nông. Xã đưa cậu đi bộ đội chính là nhằm xoá cái quá khứ không tốt ấy, đồng thời để cậu tạo cho con trai một lý lịch cơ bản như nhiều người khác. Cậu biết ở thời kỳ nước sôi lửa bỏng này, những kẻ đào ngũ thì số phận mình và cả số phận con cái sau này như thế nào rồi. Hãy nghe tôi, tìm cách lánh đi đâu vài năm mà làm ăn, đợi mọi chuyện lắng xuống rồi hãy về.
- Thôi...! - Anh Thỉnh gầm lên, giọng uất nghẹn. - Đây là nhà tao, nơi tao sinh ra, tao có quyền sống, thách thằng nào dám bước qua cửa.
Chủ tịch cười nhạt, rút chốt cửa:
- Chuyện ấy thì dễ. Cậu chẳng phải đợi lâu đâu.
°
°
Buổi chiều, khi đi làm về, không thấy chồng ở trong buồng, linh tính báo cho chị Hà một điều gì không hay. Chị cài chốt cửa, thắp đèn, mở nắp hầm. Anh Thỉnh không trèo lên như mọi khi mà hình như ngủ mệt vì đêm hôm trước thức khuya. Chị  gọi nhỏ: "Anh Thỉnh ơi, lên đi". Không thấy tiếng trả lời. Chị tụt xuống hầm lay chồng dậy, nhưng anh Thỉnh đã chết, đầu ngả vào một bên vai, tựa sát vách hầm. Chị cuống cuồng định xốc chồng lên nhưng không nổi vì hầm quá chật mà người anh Thỉnh đã cứng.
 Đêm hôm ấy, chị Hà gắng sức liệm cho anh Thỉnh bằng hai tấm vải nhựa tháo ra từ bao gạo Trung Quốc sau đó lần ra vườn chuối xúc đất vào hai chiếc thùng gánh nước mang vào lấp hầm. Gần sáng, khi công việc xong, chị kéo chiếc hòm khoá chuông để lên trên rồi loạng choạng lê đến giường, nằm vật xuống ngất đi, đến lúc tỉnh lại thì trời đã nhá nhem tối.
Kể đến đây, chị Hà thảng thốt nhìn quanh như sợ có ai rình rập nghe trộm. Giọng chị thấp dần, nghẹn lại: "Chị là người đàn bà có tội... Hàng ngày chị vẫn thắp hương khấn anh ấy. Hình như anh ấy cũng đã tha thứ cho chị nhưng lương tâm chị thì không lúc nào được thanh thản. Những năm qua, chị cố phải sống là vì thằng Thoảng, giọt máu của anh ấy. Giờ cháu nó đã lớn, lúc này chị chết cũng không có gì ân hận".
Tôi hỏi: "Chị có dặn gì nữa không?". Chị bảo: "Hàng năm, đến ngày hai mươi ba tháng bảy âm lịch, cậu thay chị kiếm bát cơm quả trứng thắp hương cho anh ấy.
Sáng hôm sau chị Hà mất tại bệnh viện. Tôi, cháu Thoảng và hai người em trai của chị mang thi hài về làng. Đám tang cũng không đông lắm. Lúc sắp đưa, tôi thấy  ông cựu bí thư đoàn Đỗ Hữu Tiệp, nay đã là phó bí thư huyện uỷ, chủ tịch xã  Nguyễn Công Vằn cùng đám tuỳ tùng mang vòng hoa bước vào. Dân làng ai cũng hiểu, họ là những cán bộ chủ chốt thay mặt chính quyền địa phương, đến vĩnh biệt một người vợ liệt sỹ, có chồng hy sinh anh dũng ở chiến trường vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Đ.V.S.

Xem Tiếp: ----