m,
Có nhiều thành phố rất ít khi có mùa đông. Trong đó có thành phố biển Vũng Tàu của chúng ta. Người ta sẽ không tìm thấy mùa đông lạnh lẽo giống như một nơi nào đó trong phim ảnh, có tuyết rơi trắng xóa vùi lấp những bờ đường. Người ta cũng sẽ không tìm thấy dưới mái che của các quán ăn, những tấm vải bạt phồng căng rét mướt. Đôi khi, mưa phùn và gió bấc có tạt qua, nhưng biển vẫn hiền hòa như một người con gái chưa quen tình đầu.
Ðêm Vũng Tàu hiếm hoi những vì sao vì nhà cửa mọc thêm mỗi ngày, che lấp những mái hiên lâu đời cùng những tiếng chim ngày cũ. Những vì sao nếu có, cũng rưng rưng không nói thành lời. Như đóm lửa vừa cháy hết đam mê để lụn tàn khao khát.
Khi anh vào đời hoa sứ nồng nàn vẫn đậu xuống phố đêm đêm và gió cứ miên man bên hông nhà bưu điện. Một nhà thờ nhỏ có tên là Đa Minh nhìn ra vùng biển trước mặt. Quán cà phê Năm Tròn nằm im lặng như tuổi thơ của anh. Câu chuyện nào dang dở từ mối tình đầu không tròn trịa như một vầng trăng đang khóc. Trên trang giấy rơi ra từ một tập vở cũ, những vết mực lem luốt một tuổi thơ khờ khạo, chỉ biết cho đi mà không biết lấy về. Mười tám tuổi anh biết tương tư một tà áo trắng trong sân trường và từ đó học hành không ra gì. Mười chín tuổi hồi hộp đi qua phòng thi. Những định lý, những phương trình, những tế bào, những diệp lục tố trả hết cho thầy Nguyễn Tuấn Văn. Thầy Phạm Đình Vình. Thầy Bùi Bằng Hãn...
Ngày tuyên bố kết quả dò không thấy tên mình, anh lặng mình trong nỗi cô đơn và nguyền rũa số phận. Những cơn gió bay qua đời từ thuở ấy, không biết có buồn không, sao vẫn cất vang lời chiêu mộ. Những nhánh bàng xôn xao như chưa từng biết bão giông ngày nào.
Phía bên kia, là con phố ghi đậm tuổi thơ em. Dù không phải là con phố em sinh ra, nhưng hình như em biết về nó rõ ràng hơn anh biết.
Con đường Phan Bội Châu cắt ngang đường Phan Chu Trinh, một hướng dẫn về Xóm Lưới, còn hướng kia dẫn về nhà thờ Đa Minh. Nhà của em lọt sâu trong một vườn cây um tùm nối liền với khuôn viên nhà thờ. Em nói với anh về những ngọn đèn ướt át sương muộn. Về những vạt đường mở lòng nghe tiếng chân em đi ăn quà vặt trở về. Tiệm bánh bèo Tuyết Mai cùng những góc xoài ủ đầy bóng đêm, chiếc bàn khuất lánh mà em thường ngồi để tránh người ta “dòm ngó”. Dẫu sao, một đứa con gái ăn hàng một mình, dù gợi cảm ngọt ngào cách mấy vẫn gợi trong lòng người qua đường một nỗi xốn xang. Nhưng em vẫn là em. Dưới mảnh trăng non chưa kịp chờ gọt vỏ, anh mường tượng một nốt ruồi bên khóe môi cong. Như vết bụi trầm luân bay qua những tâm hồn chai sạn. Anh cũng mường tượng từng ngọn gió đêm hối hả ùa lên mái tóc xuân thề và bờ vai mười sáu. Để từ đó làm thành biển đời bao la.
Em nói với anh bằng giọng nói miền nam, nhưng anh quê mùa không nghe thấy. Điều này làm anh xấu hổ. Lòng em ngày đó kín bưng như khu vườn chưa bỏ ngỏ. Những nhánh lá hãy còn xanh mỗi ngày.
Trên đường dây viễn liên, giọng em lúc thầm thì lúc sôi nỗi. như tiếng sông vừa tìm thấy biển. Dù năm tháng có vần xoay, dù mùa xuân có trở mình hay dù mùa hạ có làm cháy những cành phượng bên đường em vẫn ôm trong lòng màu  trẻ trung của biển.
Em cũng nói về hoa sứ bằng giọng nồng nàn: “Không ai có thể quên được những cây sứ nơi quê mình. Những cây sứ đường về nhà em, anh ơi”... Cái màu hoa tiển chiều đi xuống phố và làm chết ngất một tuổi thơ.
Đôi lần bày đặt chơi trò mua bán, em gánh mùa trên vai. Những hoa sứ được em gom đầy túi áo, đợi ngày làm người lớn sang sông. Nhưng tháng ba rụng hối hả những ước mơ. Trò chơi nào dang dở giờ xin trả lại cho bàn ghế, cho bảng đen phấn trắng. Những lần bị phạt cấm túc, cả lớp bị quỳ gối giữa sân cờ. Vạt nắng lang thang nghe ngóng ngày chưa qua hết. Bờ môi thơm mùi mật. Vai áo thơm mùi bồ kết gội đầu. Đám bạn bè sót lại một thời nông nổi, mai nầy ai lấy chồng xa?
Khi em hiểu về cuộc đời, tình yêu vẫn còn xanh và chưa lo sợ. Ngày ấy tình yêu còn rất trẻ. Em đi qua những cửa biển xưa như một mảnh buồm nâu đi qua những sông đời lãng mạn.
Sau khi đậu Tú Tài em rời trường Vũng Tàu, để về Sài Gòn hoc luật. Ngôi trường em học nằm trên đường Duy Tân luôn rộn rã những ngày nắng sớm. Câu hát không thơm hết đường về nhưng làm vướng vít bánh xe:
Người từ trăm năm về qua trường Luật
người từ trăm năm về qua trường Luật
ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
đau lòng ta muốn khóc
Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên nói hộ dùm anh tâm sự của những gã con trai thi rớt. Họ bồng bế nỗi buồn đi trên những đông tàn, những thu phai. Và tiếng chim hót trong tim, như tiếng buồn của quá khứ.
Em hỏi anh có bao giờ đi qua trường Luật? Anh trả lời chưa bao giờ. Vì ngày đó anh làm sao có trình độ để tán tỉnh những cô nữ sinh kiêu hảnh của Sài Gòn Văn Khoa? Của Sài Gòn Luật Khoa? Và cũng không hề có luôn Gia Long, Trưng Vương với môi hồng má thắm. Những cô gái đẹp muôn đời đều giống nhau thường chỉ biết nhìn lên, ít khi nào ngó xuống.
Em cũng đừng hỏi vì sao chưa bao giờ anh đi qua Dược Khoa và Nông Lâm Súc, nằm ngay góc Cường Đễ- Thống Nhất.
Anh không biết làm sao cho em hiểu. Những ngày lính tráng ở cao nguyên, đôi lúc có về thăm Sài Gòn, anh chỉ quanh quẩn một vài chỗ có vài người bạn thời còn đi học trú ngụ. Một nơi đường Nguyễn Thiện Thuật, Bàn Cờ. Một nơi khác đường Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn. Thời đó, tim anh chưa sàng sẫy bởi nắng mưa rời rộng. Chưa với tay đụng bóng tối hoàng hôn hay chân trời phía trước. Chưa biết thế nào là gừng cay, thế nào là muối mặn. Nên những đoạn đường mà em nói, anh chưa mường tượng ra.
Anh chưa một lần đi ngang qua trường cũ của em. Nơi mênh mông dòng đời, dòng người. Những phù hoa mới mẻ đó cuốn em trôi theo những hạnh phúc lạ. Còn trơ những hàng cây phong trần hai bên đường và bóng những gã tình si nằm lại.
Anh chưa một lần đi ngang qua trường cũ của em. Điều này phơi bày cho em thấy anh quê mùa. Gần mười năm lính tráng, nếu cộng tất cả thời gian những lần về phép Sài Gòn và Vũng Tàu, thì chưa đầy 6 tháng. Còn lại là mưa phùn và bụi đỏ.
Đêm cao nguyên đầm đìa hương thơm của loài cúc núi. Những vì sao rưng rưng. Từng quán xá trôi lùi sau những vòng bánh xe GMC. Phi trường Phụng Dực của Ban Mê Thuộc từng là nơi ngả lưng của anh sau những lần chờ đợi chuyến bay. Những thùng phuy che chắn phòng hành quân dã chiến cùng những bao cát gọn ghẽ trên giao thông hào. Pleiku cũng không kém rực rỡ. Khu chợ trời Diệp Kính bán đủ thứ đồ thượng vàng hạ cám. Những người lính xa nhà có thể tìm thấy nơi đây một chút dịu dàng hay bối rối trên những hòn cuội dẫn vào cà phê Dinh Điền. Những ly cà phê càng uống càng làm thêm mất ngủ. Vì hồn lỡ sa vào đôi mắt cô chủ quán.
Chính nơi đây, anh đã gặp lại Lý Ngươn Hồng, một bạn học Trung Học cũ. Lý Ngươn Hồng con nhà công chức, cũng đẹp trai nhưng học không giỏi. Hắn cũng rớt Tú Tài như anh và đi Trung Sĩ Quân Cảnh. Ra trường làm việc tại Quân Đoàn 2. Hồi còn ở Vũng Tàu, hắn là một trong những nam sinh đào hoa và đàn hay hát giỏi. Giọng hát mượt mà và hơi làm dáng chút đỉnh. Những dịp tất niên- cây mùa xuân của trường, giọng hát của Lý Ngươn Hồng từng làm thổn thức mấy cô nử sinh đương thời.
Một buổi chiều cuối tuần của tháng ba, anh đang lang thang trên đoạn đường dẫn vào Diệp Kính, thì một xe Jepp Quân Cảnh vượt qua và thắng lại gấp gáp. Lý Ngươn Hồng trên xe nhảy xuống đến trước mặt anh làm bộ hỏi giấy ra trại. Buổi chiều cao nguyên lạnh như chưa từng vậy mà câu nói của Hồng làm anh đổ mồ hôi. Thầm chắc đêm nay ngủ dật dờ nơi một phòng giam nào đó trong trại Quân Cảnh. Thấy anh lúng túng. Lý Ngươn Hồng cười ha hả và anh hoàn hồn trở lại. Đúng là “tha hương ngộ cố tri”. Sau đó Hồng lôi anh lên xe Jepp ngồi cùng một vài người bạn của hắn chạy vòng phố Pleiku.
“em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”... (thơ Vũ Hữu Định). Đợi hết giờ công tác của hắn và sau đó là quán xá, bia bọt...
Có từng cơn mưa khát trong nhau từ thuở nào. Viên sõi rơi vào lòng giếng cạn. Em nhắc anh chuyện đời xưa.
Tháng ba rét nàng Bân và hương cốm bay thơm những góc đường Hà Nội. Em chỉ là cô gái miền nam, nhưng sống chung với những người miền bắc. Đó là khu nhà thờ Ba Chuông. Còn nơi đây, trong căn nhà đường Heatherglen tại hải ngoại, có người đàn ông già đếm thời gian, dấu nỗi đau trong lòng. Hạt mưa trái mùa rơi thầm trên mái hiên có sương mù quấn quít. Những tờ lịch bay theo nỗi mong chờ hư hao.
Em sôi nổi nói về thành phố Sydney của em. Chưa một lần anh sang bên đó. Nhưng anh đã nghe dường như nắng ấm xua đi rét mướt nơi này. Hãy nói cho anh nghe phải mất bao nhiêu lâu để nghe được lời chia tay. Cũng hãy nói cho anh nghe có bao nhiêu lứa đôi đến được bến bờ hạnh phúc?
Hơi thở của em bên đường dây viễn liên, tựa như hơi thở của mùa màng rung qua tuổi thơ của chúng ta. Những vệt rối mơ hồ trong bàn tay nối quá khứ chúng ta gần nhau. Điều này làm anh vừa đau lòng, vừa thân thiết.
Nơi em đang sống và làm việc, có những vòm mái màu trắng úp chồng với nhau, giống hình con sò. (Sydney Opera House). Buổi trưa giờ lunch em đi xe đến đó để ăn cơm. Từ những thời gian như vậy, em gọi phone cho anh. Khoảng cách tính bằng thời gian giữa chúng ta là 17 tiếng. Lúc em gọi là 2 giờ trưa Sydney, bên anh là 10 giờ tối. Em dạy anh cách tính lùi thời gian để không trở ngại giờ giấc. Em không biết là anh dở toán đến độ trên những trang ngày trang đêm, anh đã để mất trắng tình yêu của mình mà không tìm ra đáp số.
Có những hạnh phúc không thể nói bằng lời. Nhưng anh vẫn thấy hạnh phúc khi nghe em nhắc lại chuyện vui buồn ngày xưa. Vũng Tàu xa bao ngày và lũ lượt mọi người qua bao bể dâu. Qua những nắng nôi làm tóc cháy nhưng môi thắm vẫn còn.
Em thân yêu,
Ba mươi bảy năm qua vèo như giấc mộng. Nhưng giấc mộng đó không êm đềm. Như một nhánh sông lặng chảy vào lòng đất, anh từng có một thời yêu không dám nói ra. Bây giờ, qua hết một vòng tử sinh sáu mươi năm cuộc đời, anh mới nhận ra người anh yêu vẫn là kẻ lạ. Người con gái ấy vẫn giữa mọi người và đi giữa phù hoa đô hội. Trong khi tiếng cười chỉ một lần ngắn ngủi mà làm thành nỗi nhớ dài gần bốn mươi năm.
Những buổi sáng mùa đông đẹp như trong phim ảnh. Anh ngồi trong quán cà phê nhìn ra. Tuyết đang phơi phới trên đường. Rất ít xe cộ chạy qua vì người ta sợ tai nạn hay sợ xe bị chết máy. Người đàn bà ngoại quốc có mái tóc bồng sũng ướt vì vừa ở ngoài đường bước vào. Đôi mắt xanh man dại đang quanh quất tìm một chỗ ngồi. Cuối cùng nàng ngồi trước mặt anh. Qua vai nàng, cây dầu cô độc nơi góc phố bên kia đang trắng xóa như được quấn bằng bông gòn.
Tin tức dự báo thời tiết cho hay những thành phố vùng đông bắc Hoa Kỳ đang chìm ngập trong mưa tuyết và có nơi lên đến 3 feet. Trường học và công sở đóng cửa nhiều ngày và hàng triệu người sống trong hoàn cảnh không có điện nước. Bây giờ đến lượt những thành phố phía nam. Miền bắc của tiểu bang Texas là Dallas đang bị phủ tuyết ngày hôm qua. Lợi dụng thời gian tuyết chưa có nhiều tại Austin, anh liều mình lái xe ra ngồi ở Starbuck’s.
Những buổi sáng đẹp như vậy, không được nghe một khúc hát hay một lời ca. Những buổi sáng đẹp như hôm nay, sẽ buồn vô cùng nếu không có ai ngồi bên cạnh. Không có ai để cùng nắm tay bước chậm trên đường.
Người từ trăm năm về như dao nhọn
người từ trăm năm về như dao nhọn
dao vết ngọt đâm ta chết trầm ngâm
dòng máu chưa kịp tràn dòng máu chưa kịp tràn
Có những lòng thuyền không bao giờ về đến bến. Cây bàng già năm xưa đâu rồi? Khi anh rời Vũng Tàu nó chỉ còn một chiếc lá. Gió đời và bão giông rồi sẽ mang nó xuống. Quán cà phê Năm Tròn để rơi những giọt cà phê đen như màu mắt. Cũng như Vũng Tàu để rơi một người con gái. Ai đem nỗi buồn thả xuống đáy ly?
Những trang vở đời lật qua, nhưng suy tư còn nằm lại. Khi anh còn trong lính, đôi lần về thăm nhà. Mùa xuân đang hiện mình trên phố chợ. Hai con đường Trưng Trắc- Trưng Nhị ồn ào người mua bán. Những quả dưa hấu chất đống thành hàng làm xanh những vĩa hè. Những nhành mai rung rẩy trong nắng như những lời tỏ tình e ấp. Đôi khi mùa xuân là nỗi buồn trên mắt của mẹ anh, khi năm đó anh không về. Sáng mồng một Tết cả nhà tụ tập, bằng bặt đứa con miền xa.
Đêm đêm ngồi trước bàn viết, chiếc laptop rã rời từng phím chữ. Anh chờ nghe tiếng phone của em. Những bông tuyêt ngoài kia không biết mòn mõi hay sao mà vẫn bay hoài, làm đau cả mộng. Người ta nói có hàng trăm triệu bông tuyết, mỗi bông là một thế giới không có cái nào giống cái nào. Chúng vẫn vô tư không biết cuộc đời ngắn ngủi. Còn những con dốc phía bên này năm tháng, có nghe lạnh buốt một lời chim?
Một lần như vậy, anh tình cờ thấy từ Yahoo những tấm ảnh. Có một tấm làm anh ngẫn ngơ. Hình ảnh một con chó nhỏ đứng chờ chủ nó trên đường phố mùa đông. Hàng chữ “I waited for you” nói lên sự cô đơn tuyệt vọng, nếu quả thật trong cái đầu nhỏ xíu của nó tồn tại điều đó. Khi save vào trong my document, anh đổi tên là “bền lòng”. Anh không biết nó bị lạc mất chủ của nó bao nhiêu lâu, nhưng hình ảnh cho chúng ta thấy dường như thời gian nó ngồi chờ là rất lâu. Tuyết xuống mênh mông trên đường chiều mịt mùng làm phủ ngập một phần đuôi của nó. Người chụp ảnh có thể là một người qua đường tình cờ, rồi vội đi, vì không ai có thời gian để ngồi canh đợi kết quả. Không biết chủ nhân của con vật tội nghiệp có quày xe trở lại tìm kiếm hay cuối cùng nó sẽ chết vì lạnh, hay vì một vòng bánh xe lơ đảng của ai đó. Sự bền lòng của nó, hình như đã làm anh mât ngủ nhiều đêm.
Nếu kết thúc có hậu đến cho con chó, có nghĩa là nó sẽ tìm găp lại chủ nhân giống như một đoạn kết trùng phùng trong một tuồng cải lương ngày xưa, thì anh sẽ an tâm coi như mình là một khán giả đứng lên rời bỏ rạp hát ra về. Những ngày mai có việc của ngày mai. Nhưng nếu không phải như vậy, thì cuộc đời buồn thảm biết bao. Và những tiếng chim bay ngang qua khu vườn cũ, sẽ làm nặng trên vai những u sầu.
Năm vừa rồi, con gái của anh đem về một con chó con mới vừa rời vú mẹ. Con chó nằm ngủ cuộn tròn trong lòng nó như một cuộn bông gòn màu cà phê sửa. Khi thức giấc, con chó chạy loanh quanh trong phòng, nhiều khi vấp ngạch cửa té lăn cù. Mới đầu anh rầy con gái vì đem sự phiền phức về nhà. Nó khẩn khoản xin anh cho phép nó nuôi và nó sẽ làm tròn bổn phận đối với con vật. Gương mặt đau khổ của nó cuối cùng làm anh xiêu lòng.
Thời gian trôi qua, lòng háo hức vì yêu thương loài vật đã bị suy giảm trong lòng nó, trong khi điều đó lại tăng trưởng trong lòng anh. Con chó lớn theo ngày tháng và tháng giêng vừa rồi nó được 1 tuổi. Vai trò săn sóc con vật lần hồi bị hoán đổi không biết từ bao giờ. Nhiều khi ham chơi, con gái anh đi suốt ngày, anh phải coi chừng và lo cho con chó ăn uống, làm việc vệ sinh. Không đi làm thì thôi, nếu anh ở nhà nó lẩn quẩn bên cạnh. Mỗi ngày tan sở làm về nhà khoảng 4 giờ anh thấy nó nằm bên cửa, dưới tấm mành che nắng bằng mica, nhìn ra, chờ đợi tiếng xe. Nhiều buổi sáng, tiếng chuông đồng hồ báo thức 6 giờ, anh vẫn còn nằm nán bên giường. Con chó đến cạ đầu trên tay anh để kêu dậy. Sự quyến luyến của con vật đôi lúc làm con gái anh ghen tị. Nó nói: ”Con Roxie nó phản. Con đi làm về nó không mừng mà nó lại mừng ba”. “Đáng đời”. Anh nói. Tại làm sao mà trở nên như vậy, con phải tự biết.
Lúc anh ngồi làm việc trong phòng riêng, ánh đèn ngủ dội ra chỉ đủ soi sáng màn ảnh computer, con gái anh bày đặt nói với con chó: “Roxie, ông ngoại đâu rồi? Con tìm ông ngoại đi”... Và con chó chạy đi kiếm anh thật.
Buổi sáng nay, ngồi bên ly cà phê đầu ngày, anh lại liên tưởng đến một điều khác. Một câu chuyện khác. Anh sẽ nói cho em nghe. Đó là chuyện từ con chó bị chết. Có một người đàn ông đã kiện người hàng xóm làm chết con chó của ông. Luật sư George Graham Vest khi ra tòa đọc bài diễn văn bào chữa cho con chó, có những đoạn như thế này:
“Thưa quý ngài hội thẩm,
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù quay ra chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi ra có thể là một lũ vô ơn.
Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự, có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành.
Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại một giờ.
Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận.
Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta.
Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như lúc bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù gió đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết vấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được! Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng, dù ta có làm một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân tàn danh liệt, thì vẫn còn, con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù. Và một khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước linh hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, khi tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ. Thì khi ấy vẫn còn bên nấm mồ ta - con chó cao thượng của ta, nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở ra cảnh giác, trung thành và chân thực ngay cả khi ta đã chết rồi!”
Bài bào chữa của luật sư George Graham Vest làm cho thân chủ của ông thắng kiện và sau này Phóng viên Wiliam Safire của tờ Nữu Uớc Thời Báo (The New York Times) đã bình chọn đó là bài diễn văn hay nhất trong tất cả những bài diễn văn trên thế giới khoảng 1,000 năm trở lại.
Trên chuyến xe chở hoàng hôn vào phố, cây bàng thời thơ ấu còn nguyên tiếng đời đi vội vã. Riêng anh, biển vẫn ngược về sông. Những dấu chân qua miền dâu bể. Anh viết xuống những điều vu vơ nơi gian phòng đêm trống hoát. Có tiếng động gì không rõ ngoài kia, như câu thơ của một mùa không ngủ.
Mùa đông sẽ nằm lại sáng mai. Nhưng những người đi qua đời nhau rồi trở thành xa lạ. Họ quên hết những con đường trong câu chuyện cỗ tích. Sự phiêu bạt của người này để rồi làm xanh thêm đợi chờ của người kia. Điện thoại reo giữa chiều lộng gió. Có những điều sao cứ mãi phân vân, giữa hai bờ chộn rộn. Ngã tư đèn vàng như con mắt chiều thoi thóp.
Có những điều anh không muốn nói ra. Chẳng hạn những cuộc tình buồn như mưa bóng mây. Những năm tháng mù sương. Bảo Lộc cách xa Sài Gòn 125 cây số đường dài. Nhưng còn khoảng cách giữa hai người yêu nhau làm sao đo được?
Anh dấu đời mình nhưng không đủ kín, nên em nhìn suốt lòng anh. Những tình yêu về đâu khi miệng đắng môi cười?
Nhiều buổi sáng thức giấc nhìn ra vườn, bổng dưng cồn cào nhớ biển. Ngôi nhà không đủ ấm và đóa hồng lạnh bao dung với đời, mùa đông này mình quen nhau...
Năm 1991 anh định cư tại Hoa Kỳ. Tháng ba rét mướt như bây giờ. Buổi sáng chủ nhật tuần lễ đầu tiên anh rời khỏi chung cư băng qua bên kia đường Lamar, tìm đến một siêu thị Việt Nam. Nơi đây anh tìm thấy vài tờ báo cũ bị cắt bìa, chuẫn bị trả về cho nhà phát hành. Anh mua lại vài số báo tượng trưng có thời gian gần nhất. Đó là tài sản văn chương đầu tiên mà anh có ở nước ngoài.
Từ những trang báo hiếm quý đó, anh bắt đầu viết trở lại. Những bài tạp ghi báo hiệu một cõi lòng phục sinh sau tháng năm dài chết ngất. Sài Gòn lùi lại sau lưng. Kỷ niệm như mưa bụi trải lên bàn phím ngã màu làm bâng khuâng con chữ. Ngọn cỏ xanh hổn hển bên ngoài và vầng trăng vừa phập phồng khát vọng.
Những ngày như vậy anh hạnh phúc biết bao và giàu có biết bao. Anh chưa biết bon chen và vai chưa mệt mề cơm áo. Nỗi buồn cũng chưa trôi qua kẻ tay.
Từng buổi sáng cuối tuần có tiếng mưa bay trên bảng hiệu, làm mát chỗ ngồi trong quán cà phê quen thuộc. Anh yêu đời, yêu người. Yêu luôn màu xanh của biển.
Nhưng bây giờ lại khác. Mười chín năm trôi qua. Trên bàn tay rối chỉ thấp thoáng những bóng đời bất an. Những bài thơ dang dở như những vết thương nằm lại bên ngoài giấc mơ có quá nhiều bí mật.
Những danh vọng đuổi theo nhau về đâu, gió cũng buồn không đợi mùa biển lớn. Anh như con còng gió già quanh quẩn bên bờ cát nước ròng. Những trang văn không chở được tình yêu nên anh bất lực nhìn theo hương sắc.
Không khi nào em hỏi anh về những điều còn mất, những hôm nay và những ngày qua. Em cũng không đòi hỏi anh hư cấu một khung trời mở ra bình minh, nơi có biển và trái tim rất biển. Dù vậy, anh vẫn nói với em rằng trong mỗi cơn mơ là mỗi bước đường cơm áo. Cái còn không nhiều nhưng cái mất thì bao la.
Buổi sáng mai hôm nay, tháng ba năm 2010. Xa cách tháng ba năm 1991 mười chín năm. Anh nhận ra rằng mình đã chạm vào ranh giới. Dù biển trong anh và em vẫn tràn ngập màu trăng nhưng dường như đã khác. Vì cánh buồm chở đời anh rưng rưng, nằm lại giữa trái tim em bốn mùa độ lượng.
Anh đứng bên đời nghèo túng như ngày xưa. Như những ngày chưa từng mất biển. Không vàng son, không phù hoa cũng không ngọt ngào suối mật. Giông tố và bể dâu đã làm hư hao con người và làm trái tim xơ xác. Mọi cơn địa chấn đi qua, đều để lại sau nó nhiều đổ nát.
Nếu như mọi chuyện được làm lại, anh không biết anh có thể làm khác hơn không? Câu chuyện “Ống Chỉ Thần” trong bài học thời thơ ấu làm anh buồn bã mỗi khi nhớ lại.
Một người đàn ông được vị thần tặng cho một ống chỉ và nói rằng từ ống chỉ nầy, chàng có thê nhìn thấy tương lai của mình. Mỗi đoạn dây chỉ tương trưng cho một thời gian cuộc đời. Nghe vậy chàng háo hức muốn thấy trước tương lai mình ra sao nên những ngón tay kéo phăng sợi chỉ vội vàng. Những năm tháng đời lần lượt đi qua. Trong đó có biết bao vui buồn, biết bao hạnh phúc và bất hạnh hiện ra trước mắt chàng như nhìn qua một chiếc gương soi. Cho đến một hôm chàng chợt nhận ra bề dài của sợi chỉ không còn bao nhiêu. Ống chỉ gần đến đoạn cuối. Hoảng hốt, chàng định cuốn sợi chỉ trở lại như lúc ban đầu. Nhưng vị thần hiện ra cản ngăn. Đời sống chỉ dừng chớ không bao giờ trở lui.
Em,
Những dòng sông đã đi hết chiều dài để nhập vào lòng biển. Nhưng con thuyền muộn màng lại không về kịp.
Đêm đêm anh trãi lòng trên giấy trong khi bên ngoài tiếng đời lạnh căm. Vài hạt mưa cuối mùa vỡ trên mái hiên khẻ khàng như tiếng chân tìm về. Những chàng trai, những cô gái ngày xưa vào đời, ai đã từng tìm ra những bến đợi? Ai đã từng lạc mất nhau và nghe tiếng sóng lòng ngăn cách?
Anh đang là dòng sông cũng biết đau lòng khi em gợi trong anh một khoang thuyền trống vắng, không được mùa cá tôm.
Em hỏi anh những bài văn gởi đăng trên báo, có khi nào anh viết về sự thống khổ nơi quê nhà? (Em không biết gì về chính trị và cũng không thích nghe ai nói về chính trị). Nhưng về những người thương phế binh còn lại ở Việt Nam, thì khác. Em muốn được biết về họ và muốn được chia sẻ với họ. Với em, họ là những nhân chứng sống trong một cuộc chiến tranh cũ. Hình như mọi người trong nước đều quay lưng lại với họ, nhứt là nhà cầm quyền...
Giọng em như nghẹn và nơi đầu dây bên kia, anh nghe rõ sự thổn thức. Anh viết nhiều trang văn, những mạch văn mênh mang như đêm chảy tràn ngoài sông lạnh. Nhưng không giá trị bằng những lời đơn sơ của em. Anh ngại nói về mình, nhưng ước gì anh có thể cầm được tay em để biết được trong bàn tay kia sự hồn nhiên làm thao thức một tâm hồn già nua. Như những trận gió đêm làm mát mẻ những thăng trầm...
PNY

Xem Tiếp: ----