hông ai nói cho tôi biết rằng khi một người đàn bà không còn yêu nữa họ sẽ trở nên như thế nào. Nhưng Sương Phố là một người đàn bà mới đây biết cách chia tay mà không để tôi phải buồn lòng hay trách móc.
Sau này lúc ngồi một mình ngắm lại căn phòng quạnh hiu tôi mới thấy mọi việc nàng đã chuẩn bị chu đáo. Từ chiếc áo ngủ mặc trong nhà đến viên thuốc ngừa thai để trong ngăn tủ. Từ những thỏi son môi đủ màu xài nửa chừng vứt bừa bải, nhiều như một quày hàng mỹ phẫm nho nhỏ cho đến tấm ảnh bán thân chụp hồi mới lớn. Không ai muốn để lại hiện trường những chứng cớ làm phiền lụy đến một cuộc hành trình tiến về tương lai. Như một hồ sơ bạch hóa của một nàng dâu trước hôm về nhà chồng, mọi điều gì liên quan mật thiết với nàng đều biến mất.
Tôi đưa Sương Phố ra phi trường Austin để về Việt Nam một tuần sau khi có những cơn bão dữ dội. Trong khi chờ đợi chuyến bay, chúng tôi tìm kiếm một bàn trống trong một shop gần đó, có thể nhìn thấy bảng chỉ dẫn phi hành và nghe được tiếng loa phóng thanh đọc tên những chuyến bay đi đến. Cô bán hàng nhanh chóng đem ra cho tôi một ly cà phê có pha chút rượu Rhum và một ly kem cho nàng. Vài ba người khác mua sắm vội vã vài món đồ lưu niệm bày trong tủ kính với giá tiền đau lòng.
- Mai mốt em trở qua nhớ đừng quên gọi anh ra đón. Tôi nói và bàn tay mò tìm trong túi áo những tờ giấy bạc mới vừa rút trong máy rút tiền. “Nếu em cảm thấy cần có người xách dùm em những túi hành lý chứa đầy những thứ hầm bà lằng này”.
Nàng nhướng mắt nhìn xuống dưới chân, nơi có hai túi vải có bánh xe phình ra ở mọi phía. Hình như không còn một chỗ nào để nàng có thể nhét thêm một món nào được. Và còn lâu hãng sản xuất túi xách mới có thể designe thêm một kiểu nào khác để thỏa mãn được lòng tham vô tận của một người đàn bà.
- Thật không? Coi bộ anh không đủ sức để mang ra đến ngoài parking. Không có cái nào dưới 30 pound.
Tôi khôi hài:
- Vì em, anh có thể mang vác mọi thứ quá tải trên đôi vai yếu đuối của mình. Anh đã chẳng từng mong muốn vác cả cuộc đời của em đó sao?
- Ðừng xạo. Anh vác em không nổi lấy gì vác cả cuộc đời em?
Ðiều nàng nói hơi phũ phàng. Nhưng sự thật cũng giống như vậy. Sương Phố là một người đàn bà mà mới cách đây vài tiếng đồng hồ tôi dự sinh nhật lần thứ bốn mươi của nàng. Và đôi môi thanh tú màu phượng đỏ đang in dấu trên miệng ly bằng men trắng như một dấu ấn làm ngậm ngùi mọi tâm hồn thấm mệt. Khi nhìn nàng ăn hay uống, tôi cảm thấy mình khó lòng yêu một người đàn bà nào khác ngoài nàng và phải chi tôi là một người dư thừa tình cảm để có thể nói với nàng một điều gì đó- như một lời khen ngợi chẳng hạn. Nhưng tôi chỉ thán phục chờ đợi nàng thanh toán hết phần kem của mình và hình như nàng muốn kêu thêm một ly nửa, nếu đồng hồ trên tay nàng không chỉ cho nàng sắp phải đến giờ lên đường.
- Anh không giận vì câu nói của em chứ? Nàng hỏi.
- Không đâu. Tôi đáp. Anh thích được nghe người khác nói về mình. Những điều tốt lẫn những điều xấu.
- Mới quen anh em thấy anh có vẻ như một ông cụ non. Và không biết tại sao em thích dáng diệu khổ sở của anh. Ðiều gì khiến anh quay lưng lại với đời sống này? Không phải do người vợ cũ của anh chứ?
- Thật vậy sao? Anh không nhìn thấy điều đó.
Thời gian quá dài đủ làm rách nát mọi ước mơ chật chội, trong khi tình yêu chưa đủ hào phóng để bù đắp cho con người một chút bóng mát. Tôi đang đi trên những giông bão của đời sống với lòng rười rượi buồn. Câu nói của Sương làm nhức nhối trong tôi mối tình mới vừa đổ vỡ. Hà Huệ lặng lẽ chia tay không một lời báo trước khi tôi làm thủ tục ra đi theo diện H.O. Ðối với nàng không cần tìm kiếm “Thiên đường” ở đâu xa, trong khi tiếng gọi của tình yêu thì quá khẩn cấp. Nàng trở về lại Ðà Lạt và nhiều tháng sau khi tôi định cư, tôi biết tin nàng đã tình nguyện đi thêm một bước nửa. Người cán bộ quản lý thị trường, đồng thời là ân nhân trên những chuyến buôn đường dài đã tiếp tục quản lý phần còn lại đời nàng. Có thể tôi luôn là một chiếc bóng chạy theo những vòng xe hạnh phúc người khác. Ðến một lúc nào đó, chiếc bóng sẽ âm thầm rơi lại đàng sau những rào chắn mệt mõi.
Trước cửa tiệm, người ta tất bật qua lại và những bước chân di chuyển không gây tiếng động, ngoài trừ âm vang từ chiếc máy truyền hình treo trên đầu chúng tôi tiếng của người xướng ngôn viên đang đọc bản tin thời tiết. Chỉ còn một chút nữa là Sương Phố sẽ rời khỏi đây. Nàng sẽ ngồi lọt thỏm trong một hàng ghế êm ái và lim dim mơ về một con đường một góc phố nào ở Sài Gòn, giữa những đồng hành xa lạ mang đủ mọi quốc tịch. Nàng sẽ đi giữa những bụi bậm phố phường mỗi ngày và thôi không còn nhớ lại một đời sống huyên náo hiện tại. Và không biết ai sẽ là người nàng sẽ bắt gặp bên những ngày vui và để lại nỗi xao xuyến trong khoảng trống tâm hồn ham thích vị ngọt của nàng.
- Ðừng quên xuống Vũng Tàu gặp Tân để cho anh gởi lời thăm hắn. Thăm Bé Sáu.
Tôi đứng dậy, xách phụ với nàng một túi xách, khi tiếng loa thình lình vang lên lời kêu gọi hành khách có chuyến bay Austin - Houston chuẩn bị hành lý. Tới Houston phi cơ sẽ ghé lại để lấy thêm một số hành khách sau đó bay thẳng về Ðại Hàn. Và một chặng nửa để về Tân Sơn Nhất.
Cuối cùng nàng cũng hôn tôi. Không có nước mắt long lanh và đôi mắt ráo hoảnh xanh biếc của nàng nhìn tôi như người thợ săn nhìn con mồi sắp bỏ chạy.
- Bye anh.
- Bye em. Tôi nói và nghe tiếng mình vang lên như từ một thanh quản nào khác.
Nàng để lại trên trán tôi dấu vết của màu son như một dấu ấn làm tin bên những hiu quạnh cuộc đời.
Tôi lái xe trở về. Con đường Airport chật hẹp và xấu xí không được tu sửa. Có một quãng dài người ta bắt gặp những ngôi nhà màu sơn củ kỹ như nhà vắng chủ và khoảng sân hoen ố những xác lá của mùa thu năm trước. Một dãy hàng rào bằng lưới sắt nhìn thấu suốt sân sau cỏ mọc tùy tiện và những đụn rơm dành cho mùa đông. Vài cửa tiệm buôn bán có vẻ cầm chừng, giống như một đường phố ở Mễ. Chỉ có những tiệm bán xăng là tương đối tấp nập.
Một mùi hương thoang thoảng bay qua khứu giác tôi khi tôi vặn volume để nghe một bản nhạc. Mùi hương của thân thể nàng còn lăn lóc đâu đây trên chiếc ghế ngồi bên cạnh, không chịu ra khỏi trí nhớ ngầy ngật và nỗi buồn choáng ngợp. Tôi ước ao phải chi tôi quên được Sương, hay ít ra tôi nhớ lại những thói xấu của nàng để có cớ quay lưng lại với những gì làm nên kỹ niệm mật thiết của hai đứa. Nhưng không thể được. Trí nhớ tôi không đủ tốt để đào xới trong những hỗn độn mang tên đời sống một chút manh múm nào coi như không hoàn hảo về một người đàn bà đã từng yêu tôi và đã từng trả tôi về những cô đơn lúc ban đầu. Ðã từng lặn ngụp cùng tôi trong những hoan lạc cũng như từng quay lưng lại với những vết thương rách rưới của người khác.
Mười một tuổi, con gái tôi có những nỗi bâng khuâng lạ lùng của nó. Nó lớn lên cùng những giấc mộng luôn thay đổi theo các phim hoạt hình mỗi buổi sáng trước giờ chờ xe buýt. Lúc tôi đến trường để đón nó mùa bãi trường vừa qua không có chỗ nào trống nơi parking. Phụ huynh nào cũng sẵn sàng bỏ một vài giờ trong sở làm để có mặt sớm hơn giờ tan học thường lệ vì hôm đó là ngày cuối cùng của niên học. Mùa hè nơi đây không có những hàng phượng vĩ rưng rưng và những cánh hoa máu rụng đầy sân trường. Cũng vắng tiếng ve rền rỉ ngoài cửa lớp để kêu gọi những tâm hồn niên thiếu tìm đến nhau qua những dòng lưu bút. Tuổi của con tôi không thể hiểu tại sao nội dung bài “Nỗi Buồn Hoa Phượng” lại có thể làm thổn thức thời mới lớn của ba nó và cũng không hình dung tại sao “màu hoa phượng thắm như... máu con tim”. Nó chỉ có một mùa hè bứt rứt mồ hôi và mấy đứa bạn Mỹ rượt đuổi nhau ở một hành lang dẫn ra ngoài sân chơi có cột cờ đứng vùi giữa nắng gió. Giống như bầy chim non, chúng tung tăng trên những ngày tháng rộng nhìn ra cuộc đời bên ngoài bằng mắt nhìn vô tư. Không có giống tố bão bùng nào đủ sức làm tổn thương trên những tâm hồn niên thiếu.
Hai lá cờ tượng trưng cho Tổ Quốc Mỹ và Tiểu Bang Texas mỗi buổi sáng đã được hai đứa bé trai kéo lên và giờ đây chúng đã hạ xuống, xếp ngay ngắn trước khi đem trả lại cho office. Ngày mai chúng sẽ không còn có mặt tại đây và người tạp vụ của trường sẽ làm công việc của chúng.
Mười một tuổi, vào Midle School con gái tôi có những điều để kể với bạn của nó mà không cần có sự tham dự của ba mẹ. Cho nên nó mải mê nói chuyện với mấy đứa cùng lớp mà không biết rằng tôi ngồi chờ quá lâu sau tay lái. Khi nó trở lại tôi cằn nhằn:
- Con nói chuyện gì mà lâu quá vậy? Ba chờ con mệt quá.
- Lâu lâu có một lần mà Ba. Con không còn gặp tụi nó nửa.
- Ðành như vậy, nhưng nóng quá con bắt cha ngồi trong xe hoài sao?
- Sorry Daddy. Vừa nói nó vừa vuốt mái tóc ướt đẫm mồ hôi của nó ngược về phía sau. Daddy này. Tuần sau daddy chở con đi tắm hồ được không? Con có hẹn với mấy đứa bạn.
- Nếu hôm đó ba không bận đi làm.
- Cám ơn Daddy.
Một lần nơi hồ bơi, tôi gặp Sương Phố. Nàng cũng đưa đứa con gái của một người bạn đến hồ bơi và buổi chiều trở nên dễ thương lạ lùng khi nàng đứng trên thành hồ nhìn xuống mặt nước trong xanh. Trước đó mấy phút tôi không thấy nàng. Làm như nàng từ dưới nước hiện ra và trở thành một người cá vừa rời bỏ môi trường quen thuộc để gia nhập vào một nơi chốn huyên náo của thế gian, và sau đó sẽ phóng mình mất tăm vào lòng nước xanh ngắt bên dưới. Chiếc kiếng đen che nắng làm nổi bật khuôn mặt thanh tú và màu son môi bỗng trở thành một nỗi thôi thúc khiến tôi muốn đến làm quen với nàng. Nhưng thật ra không cần phải như vậy. Vì con gái của tôi đã làm việc đó thay tôi. Nó làm quen dễ dàng với người bạn mới không cần rào đón trước sau và chỉ trong vài phút đồng hồ hai đứa trẻ đã trở nên mật thiết như hai người bạn lâu đời.
Khi tôi trở lại ngồi ở băng ghế đặt dưới một thân cây “ask” còn non, tôi thấy nàng từ xa đi lại. Lúc này nàng đã gỡ chiếc kính đeo mắt cầm tay và nhìn tôi như muốn hỏi lý do nào tôi cũng có mặt tại đây.
- Chào cô. Tôi không biết hai đứa nó quen nhau. Cô định ngồi ở đây chứ?
Tôi hỏi cho có hỏi và ngồi né qua một bên.
- Tôi cũng vậy. Nhưng dù không biết nhau tôi cũng nghĩ chúng sẽ quen nhau được. Người Mỹ có cái hay là dạy con cái của họ học được niềm tự tin ngay khi còn nhỏ.
- Tôi thì vẫn không bao giờ học được điều đó. Ngay cả trong giờ phút này.
- Tại sao?
Nàng cười cợt với những lúng túng của tôi. Phải chi tôi có thể nói thẳng với nàng là tôi không phải là một người đàn ông có thể giữ được bình tĩnh khi gặp một người đàn bà lạ, có một nhan sắc trên trung bình. Trong khi nàng quá đẹp.
- Tôi ngạc nhiên khi thấy cô hiện diện nơi đây.
- Còn anh thì sao?
- Tôi khác. Tôi chỉ về phía con gái tôi đang ngụp lặn giữa làn nước, bên cạnh người bạn mới. Chúng tôi chỉ có hai người với nhau.
- Tôi tưởng anh đang có một gia đình hạnh phúc chứ?
- Cách đây nhiều năm thì có. Bây giờ thì không. Còn cô?
Người đàn bà nhìn về phía đứa bé đang nô đùa với con tôi:
- Nó là cháu gọi tôi bằng dì. Ba má nó gởi cho tôi coi chừng để đi dự đám tang của một ông già H.O nào mới qua. Trời nóng quá nó đòi đi tắm bất tử. Trong khi tôi mới đổi về địa phương này không biết đâu là đâu.
- Ai chỉ cho cô biết nơi này?
- Ba má nó đưa tôi đến đây.
- Trước kia cô ở đâu?
- Seatlle. Thung lũng tình xanh. Anh biết chứ?
- Tôi không biết. Nhưng nước da của cô chứng tỏ cô đang sống ở một nơi nào tương tợ như thế.
- Austin nóng kinh khủng. Tôi không chắc tôi sống ở đây lâu, ngoại trừ tôi có một công việc làm ổn định. Xin lỗi, suýt chút nữa tôi quên cám ơn lời khen của anh.
- Vậy thì cô hãy giữ nó lại. Vì tôi thấy tôi chưa nói đúng mức những gì tôi đang thấy trước mặt.
Người đàn bà nhìn tôi có chút chế diễu:
- Tôi thường đau khổ vì có một màu da không biết ăn nắng. Có lẽ mai mốt cái nắng tại đây sẽ làm tôi trở nên một công dân da màu hợp lệ của thành phố này.
- Chừng nào đến đó hãy hay. Bây giờ cô hãy để cho tôi giữ lại trong trí nhớ của mình một chút tươi mát nào đó cho lần gặp gỡ hôm nay. Tôi tên Nguyên.
- Tôi tên Sương Phố. Một cái tên hơi khó nhớ và kỳ cục.
- Ít ra là nó cũng làm cho người ta hình dung ra một sự lãng mạn bất ngờ.
- Trong khi tôi rất ghét điều đó. Nàng nói một cách quả quyết.
Một hồi còi ré lên báo hiệu đã đến giờ nghỉ. Mọi người đề phải lên bờ để nhân viên bảo vệ hồ bơi kiểm tra lại nước. Cô gái trực ca đi qua chỗ chúng tôi ngồi để về phòng giải lao. Bộ bikini màu đỏ ôm sát thân hình nẩy nở và những bước đi trên mười đầu ngón chân như bước đi của một con báo. Những đường cong phía trước lẫn phía sau của cô làm thèm thuồng bất cứ ai muốn phơi bày thân thể mình giữa nơi công cộng. Chiều rực rỡ trên những đồi cỏ xa tít ngoài công viên và ánh nắng lấp lánh giữa màu xanh của cành lá. Có cánh diều của ai bay lơ lửng. Như một nỗi tức tửi không nguôi của thời thơ ấu. Cánh diều không có những mơ ước kèm theo chưa phải là cánh diều đúng nghĩa. Và đàng sau sợi dây căng hình như thiếu đi những rung động mơ hồ. Bây giờ ngồi ngắm lại hình ảnh một cánh diều chao đảo trên đất Mỹ, tôi nghĩ tôi đã già hơn mình tưởng và dĩ vãng gần như trôi dạt ngoài trí nhớ từ bao giờ. Phải chăng khi rời bỏ Việt Nam, tuổi trẻ cũng bỏ rơi chúng ta để ở lại cùng với khung trời cũng đứt lìa bên kia. Như những chia lìa ruột thịt? Cánh diều thời thơ dại của tôi nơi cánh đồng no đầy nắng gió Vũng Tàu chở trên đôi cánh bằng giấy bồi của nó nỗi ao ước thèm làm một người lớn. Thèm những đam mê vùi dập cùng những trái cấm chua răng. Ðâu đây dưới cánh diều căng chật một thời hoa niên, sợi dây cũng căng theo cùng những nhịp tim run bồi hồi của đứa con trai chôn chân nhìn theo một mái tóc dài kênh kiệu...
Hai đứa trẻ lúc này đã trở lại chỗ chúng tôi ngồi và đều than khát nước. Con gái tôi lục lọi từ trong bao giấy đem theo hai lon nước ngọt thản nhiên mời người bạn mới. Tôi tìm kiếm một vòng nhẫn ôm khít khao ngón tay áp út của nàng để thẩm định tình hình, nhưng không thấy. Hay nàng có nhưng đã cởi ra để khỏi vướng víu, bận lòng. Cũng không có dấu vết nào tượng trưng cho nàng đã từng có một ràng buộc nào đó với một người đầy may mắn. Tôi hỏi:
- Không biết tôi có nên hỏi đến hoàn cảnh gia đình của một người mới vừa quen hay không? Hay là tự tôi sẽ tìm hiểu?
- Anh thử phán đoán xem.
- Tôi không muốn thất vọng.
- Anh là một người thông minh. Nhưng thất vọng sẽ làm cho con người khôn lớn.
- Từ ngày qua Mỹ đến nay, tôi chưa hề nghe ai nói tôi thông minh.
- Thiên hạ bất công. Nàng cười và đưa tay vén những sợi tóc bay che mắt.
Hãy để cho tôi luôn là một người kém thông minh nhưng đừng để tôi khôn lớn bằng những thất vọng.
Tôi nghĩ. Quá đủ để cho một người đàn ông bốn mươi lăm tuổi từng tìm kiếm mãi những âu sầu với những bước chân ngập ngừng về phía trước. Nàng tiếp lời:
- Với từng tuổi này nếu tôi nói không có gia đình chắc người ta sẽ nghĩ tôi là một người nữ không bình thường.
- Cô cũng là một người thông minh.
- Vậy là huề.
Sương Phố không hé mở một chút gì cánh cửa bí mật dấu kín quá khứ của nàng đàng sau đó. Tôi phải tìm hiểu và góp nhặt mỗi ngày một chút. Có những tin tức đúng và cũng không ít những tin sai. Giống như một tay tình báo mới vào nghề, tôi phải khó khăn lắm mới xắp xếp một cách tương đối những dữ kiện làm nên cái “tiểu sử” của nàng. Một “tiểu sử” dầy cộm luôn khuấy động những yên tĩnh đời sống kẻ khác.
Nói tóm lại Sương Phố là một người đàn bà trước khi có chồng nàng đã có vài mối tình ngắn hạn. Người chồng trên giấy tờ chính thức còn kẹt lại Việt Nam khi đang còn trong trại cải tạo. Nàng vượt biên cùng với đứa con duy nhất và trên đường gian khổ, đứa bé đã chết. Người chồng thứ hai là người Mỹ lớn hơn nàng vài chục tuổi. Ðó là người đã bảo trợ cho nàng khi chân ướt chân ráo định cư tại Hoa Kỳ. Hình như bây giờ ông đã chết và số tiền để lại cho nàng không nhiều nhưng đủ cho nàng phung phí thanh xuân còn lại của mình mà không so bì. Không nghe nàng đá động gì đến người chồng còn ở lại Việt Nam. Ðó là một sợi dây đàn đã đứt nên không thể rung động những tiếng tơ lòng xưa. Hay là một quá khứ nhức nhối làm nàng ngại ngần không muốn nghĩ lại. Ngay cả những nơi chốn tạm dung ban đầu khi nàng sống chung với người chồng bảo trợ cũng không nghe nàng nói đến. Chỉ biết rằng nàng sống rất nhiều nơi trước khi về Seatle. Và hôm nay là Austin, Texas. Ðịa danh nào sẽ bổ sung và làm phong phú thêm những vòng kỷ niệm trên cánh con chuồn chuồn thích bay hơn là đậu kia? Tôi không biết và không muốn nghĩ đến.
Thời gian ba tháng hè trôi qua quá nhanh và khi những đóa hoa hai bên đường đến sở làm đã kịp tàn phai vì hơi nóng từ miền hoang mạc thổi về, tôi đọc xong hết những trang giấy viết về nàng. Cũng vừa lúc tôi thấy lòng mình thay đổi. Tôi không thể không yêu nàng giữa những ngổn ngang của công việc. Mùa thu đi qua vàng úa trên những bãi cỏ sau nhà và công viên bên kia hàng rào buổi sáng có sương mù che kín những băng ghế vắng. Tôi lái xe đi làm sau khi đưa con gái đến trường. Xe chạy ngang qua những cây phong rũ rượi có hai màu lá, và chỉ vài tuần lễ nửa thôi gió sẽ làm rơi không để sót lại một dấu vết gì trên cành nhánh của chúng. Lá vàng đang rụng dọc theo hai bên lề đường chạy đuổi theo mỗi chiếc xe chạy qua. Con đường như hẹp lại. Tôi mang cảm giác chạy xe qua những trống trải của đời buồn trước mặt và cuộc sống mỗi lúc mỗi quạnh hiu hơn. Trong khi tình yêu cuối đời như một vệt khói mờ nhạt chìm khuất đàng sau những ngã ba đường.
Mới ngày nào tôi thảnh thơi ngồi sau tay lái và lòng hân hoan nắm bắt những kỳ thú mà thiên nhiên đã ưu đãi con người. Vài lần tôi và con gái tôi không trở về nhà mà ghé vào Popeyes hoặc Mac Donald. Trong khi con tôi ngồi ăn những món đồ khoái khẩu của nó thì tôi ngồi đọc sách bên ly cà phê. Cơ thể tôi thư giãn đôi chút và tôi cho phép mình tự nhớ lại- giữa một phân đoạn- vầng trán thông minh của nàng. Nơi mà tôi đã run rẫy đặt đôi môi khô ráp của mình lên đó. Sương Phố không phản đối hay biểu lộ một đồng tình để tôi có thể định giá được lòng nàng. Ðôi mắt nàng cũng không khép lại như tôi mường tượng và tôi tự hỏi tại sao nàng không tặng cho tôi một cái tát. Ðó là một lần duy nhất nàng đã chịu “quá giang” về nhà trên chiếc xe cũ mèm như chính cuộc đời của tôi. Và đó lần duy nhất tôi ngỏ lời cầu hôn với nàng. Mùa đông dài vô tận và đêm như chỉ mới bắt đầu với những ngọn điện cháy lung linh trên mái nhà báo hiệu mùa Giáng Sinh. Vài ánh đèn hắt ra từ những rèm che không kín nơi một ngôi nhà, lúc chúng tôi dừng xe chờ lưu thông. Có một tai nạn ở phía trước và mọi xe cộ không thể vượt qua hay quay đầu trở lại trước khi cảnh sát có mặt. Tôi muốn thời gian bị kẹt xe kéo dài, lòng thầm mong mấy tên cảnh sát chết tiệt đang bận bịu ở một nơi nào đó, đừng vội vàng hú còi chạy đến. Chỉ để nơi chốn này luôn là của tôi và Sương Phố. Vì một giấc mộng đẹp thường ít khi sống lâu trong giấc ngủ. Nàng hỏi:
- Trông thấy anh không có vẽ gì sốt ruột?
Nàng quả thật thông minh để đặt cho tôi một câu hỏi như vậy, trong khi nàng chồm người về phía tôi để coi cho rõ tai nạn xãy ra bên kia đường. Với tư thế như vậy, mặt nàng gần chạm với mặt tôi và tôi không bỏ lỡ cơ hội để hôn lên chiếc trán đầy hương thơm có khả năng mời gọi bất cứ mọi đôi môi thô tục nào.
- Ðôi lúc sự rủi ro của người này là một may mắn của kẻ khác. Tôi thì thầm trong tiếng đập liên hồi của trái tim có triệu chứng già nua.
- Giữa hai người chúng ta ai là kẻ chịu rũi ro đây? Lại thêm một câu hỏi khác.
- Có lẽ không ai là kẻ kém may mắn. Tôi nhìn sang bên kia đường. “Vì mọi thứ đều có insurance lo liệu.” Tôi đánh trống lãng.
Nàng cười:
- Có hãng bảo hiễm nào bồi thường cho nụ hôn lạc đường vừa qua chăng?
- Hình như sẽ có một tờ giấy tạm gọi là hôn thú. Nó sẽ khỏa lấp được mọi cô đơn của bất kỳ những ai đồng thời sẽ cột chặt được bất kỳ cánh chim không mệt mõi nào.
- Thật không?
- Con tim chân chính... không bao giờ biết nói dối.
- Bao giờ?
- Không lâu lắm đâu. Có lẻ không qua hết mùa đông này.
- Làm sao để biết rằng bên chịu rũi ro chấp nhận cái giá như vậy?
- Vì thời gian luôn đứng về phía những người có thiện chí.
Thời gian cũng đang đứng về phía tôi thật. Lâu lắm rồi tôi không có dịp nắm bàn tay của một người khác phái, từ khi chia tay với Hà Huệ. Ðêm mát lạnh bên ngoài và trong xe tôi máy sưởi không đủ ấm. Ðêm cũng đồng lõa với tôi làm tối chật khoảng không gian nhỏ của buồng lái. Từ những ngọn đèn đường không đủ sáng dội xuống những màu sắc hổn hển như một phông màu lạnh của Claude Monet, khuôn mặt đang tái xanh của nàng trở nên thanh tú hơn. Ðôi mắt nhìn tôi vừa đắm đuối vừa như một thách thức và chiếc cổ trắng màu cẩm thạch làm tôi liên tưởng đến một phim kinh dị có ma cà rồng. Trước khi tiếng kèn xe cứu thương xé tan sự yên tĩnh và ánh đèn xanh đỏ xoay vòng dội lại từ kính chiếu hậu, tôi gởi đến môi miệng nàng một cái hôn thứ hai, dài và đậm đà hơn. Nàng cũng vậy. Nhưng nụ hôn của nàng thì khác. Nó đủ sức xua đuổi hay làm tan chảy những giá rét bên ngoài.
Thật buồn cười khi một người đàn ông ở tuổi bốn mươi lăm cảm thấy bận lòng vì một tình yêu. Như thời mới lớn. Tôi bỗng như một kẻ bị ném ra ngoài đời sống, bị hụt hẫng không trọng lực khi thiếu vắng sự hiện diện của Sương Phố. Căn nhà ba phòng trước đây đã rộng đối với chúng tôi bây giờ trở nên rộng và lặng lẻ hơn. Con gái tôi vùi đầu học để kịp lấy cái test cuối năm. Nó đã lên lớp bảy và lớn mau lạ lùng. Nó đang trở thành một thiếu nữ đẹp giống mẹ nó ngày xưa. Hơn một năm trôi qua, mọi việc đều có vẻ như không thay đổi. Chỉ có tôi đi cày hai job để lấp đầy khoảng trống mỗi ngày. Chỉ có một tin tức nhỏ của Sương trước khi nàng về Việt Nam. Giống như một trò chơi trốn tìm của Hướng Ðạo, khi chia tay ở phi trường, nàng bảo tôi hãy về nhà và tìm kiếm đâu đó một dấu vết của nàng. Ðó là lá thư được nhét dưới ngăn cuối cùng trong hộc tủ của bàn trang điểm.: “Em không thể trở lại trước khi tình trạng của em và Toàn ngã ngũ. Toàn cần em trong lúc này trong khi em thì muốn quên đi những ràng buộc ngày trước. Nhưng dù sao em cũng có trách nhiệm trong nỗi đau khổ của Toàn. Xin lỗi đã không nói trước sợ anh buồn. Chúc anh và bé Michelle vui.” Lá thư có những nét chữ to và đầy ham hố không chừa lề quen thuộc không xua tan được những nghi hoặc trong tôi. Cũng như không thể làm cho nỗi buồn biến mất khỏi căn phòng khi chúng tôi trở về. Toàn là người chồng cũ của nàng và tin tức cho tôi hay hắn trở thành một nhân vật mánh mung có tầm cỡ ở Việt Nam bây giờ. Con chim ngày nào chưa biết mỏi cánh đã thôi không bay nữa và trụ lại trên vùng đất đầy những bụi bậm và bất trắc? Nàng tìm thấy gì giữa nắng gió biển mặn để có thể quên đi một mùa đông lạnh lẽo nhức nhối những đầu ngón chân, khi một mình đi bộ ra công viên sau nhà. Chẳng lẽ tôi và nàng mãi luôn là hai nhánh sông đời không chảy cùng một phía. Một người là một thanh xuân đang lao về phía trước và người kia chìm khuất đàng sau những đêm tàn.
Bây giờ, tôi đang nôn nóng ngồi nơi phòng đợi của phi trường Tân Sơn Nhất để chờ thông qua thủ tục nhập cảnh. Cuộc trở về Việt Nam bất ngờ của tôi vì bức điện thư khẩn cấp của Tân gởi đi từ Vũng Tàu cho hay Sương đang bệnh nặng. Nàng đang nằm ở bệnh viện Vũng Tàu. Bác sĩ cần có mặt tôi để làm một cuộc giải phẫu. Buổi chiều có mưa bay êm ả giữa những vạt nắng hiếm hoi ngoài phi đạo, khi tôi rời khỏi thân phi cơ. Mùa đông sắp hết và bầu trời đôi lúc âm u trên những hàng cây sao bên kia phi trường. Thời gian quá lâu đủ để tôi bỡ ngỡ với những hình ảnh thay đổi chóng mặt của Sài Gòn. Mọi thứ đều có vẻ như mới mẽ, huyễn hoặc hơn ngày tôi ra đi. Nhưng không phải vì vậy mà che hết được những chua xót chìm khuất dưới những mắt nhìn thảng thốt của từng người dân lao động Sài Gòn. Họ hối hả chụp giựt những cơ may trên từng ngã tư, từng góc phố và chiến tranh đã lui vào quá khứ từ lâu, nhưng tôi không thấy được sự an bình thật sự. Lại càng thấy bất an hơn khi đêm xuống mịt mùng. Sài Gòn cuối năm thừa mứa ánh đèn giăng mắc như hoa đăng từ trên những khách sạn nhiều tầng nói lên sự phồn thịnh bề ngoài nhưng còn cơn ung thư bên trong thì sao? Ánh đèn lấp lánh đủ màu như vòng chuỗi kim cương giả trên cổ người đàn bà ăn sương cùng những son phấn che lấp già nua bệ rạc.
Gần sáng, tôi về đến Vũng Tàu trên chuyến taxi tốc hành thuê bao. Bệnh viện Lê Lợi một thời thơ ấu của tôi giờ cũng thay đổi theo những đổi thay cả nước. Tôi tìm đến phòng chỉ dẫn xuất trình giấy tờ chứng minh tôi là thân nhân của Sương Phố để người ta cho tôi gặp Bác Sĩ Trưởng Khoa giải phẫu. Tân nói trong fax là sinh mạng của nàng tùy thuộc vào sự có mặt nhanh hoặc chậm của tôi. Vì tôi là người về từ nước ngoài nên mọi thủ tục được họ cho thông qua nhanh chóng. Bác Sĩ trưởng khoa cho tôi hay bệnh của Sương Phố là bệnh Osteoporosis- một thứ bệnh rỗng xương. Tôi ký vào những giấy tờ cần thiết, trong đó có tờ cam kết chấp thuận cho bác sĩ tiến hành cuộc giải phẫu trong thời gian sớm nhất. Và một tờ giấy trang trải mọi phí tổn theo giá... Việt Kiều. Tôi đòi được gặp nàng trước khi mọi việc không nằm trong tằm tay của mình. Bác sĩ đồng ý.
Bệnh Viện Vũng Tàu trong thời mở cửa có những sắc thái giống như những bệnh viện nhỏ ở Mỹ, chỉ khác ở cái không khí chứa đầy những tùy tiện của thuốc men và hơi người qua lại. Cũng có một quầy bán hoa nằm khép nép trên lối vào phòng hồi sinh, và khi đi ngang qua đó, tôi có ý định mua cho Sương Phố một bó cúc vàng tươi rói, lòng ước ao nàng có thể vui mừng khi nhìn thấy nó.
Có cả vợ chồng Tân và Bé Sáu đang ngồi bên giường bệnh nhân. Họ là những người bạn học cũ thân thiết ngày xưa. Họ yêu nhau và lấy nhau như hai nhân vật chính trong một tiểu thuyết có hậu của Quỳnh Dao. Rất ít khi ngoài đời có thật một cuộc hôn nhân bắt nguồn từ một mối tình học trò thơ dại. Tân là con nhà buôn bán giàu có nổi tiếng lâu đời tại địa phương và Bé Sáu gốc dân Bến Tre- quê hương Ðồng Khởi. Họ đại diện cho một thứ hạnh phúc không hề có sóng gió và là khuôn mẫu cho những cuộc hôn nhân không có mấm muối màu mè- kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Ở góc phòng, nơi đặt một chậu Westeria giả có hoa màu tím, một người đàn ông đang ngồi mắt dán vào tờ báo, chợt nhìn lên, khi tôi bước vào. Tất cả đều có vẻ lo lắng, và là những hình ảnh xao động, có sự sống tương phản với thân thể bất động trên giường. Sương Phố nằm thiêm thiếp giữa những mền gối phẳng phiu màu trắng. Chỉ có mái tóc xổ ra màu đen trên một vầng trán mê đắm ngày nào khiến tôi nhận ra được nàng nhanh chóng. Tôi muốn chảy nước mắt khi thấy những giây nhợ chằng chịt nối liền từ các lọ chứa dung dịch, nước biển đến hai cánh tay ốm o của nàng. Ðiều này cho thấy một dấu hiệu không mấy sáng sủa tình trạng bệnh tật của Sương Phố. Nó có vẻ trầm trọng hơn tôi tưởng. Người nữ y tá theo lệnh của bác sĩ mời mọi người ra khỏi phòng, chỉ cho phép còn lại mình tôi. Tôi đặt bó hoa lên bàn ngủ bên cạnh giường nằm Sương Phố và đến bắt tay Tân cùng Bé Sáu:
- Mạnh giỏi không? Tân hỏi. Trông bạn hơi mệt?
- Không sao. Còn hai người? Tôi cố gắng về sớm hôn nhưng không thể.
- Vẫn mạnh. Nhưng tôi rất lo cho Sương trong khi thơ từ cho bạn thì lại quá hạn chế.
Qua vai tôi, Tân nhìn về phía người đàn ông: “ Cả Toàn cũng vậy. Chúng ta không thể làm gì khác hơn là cầu nguyện.”
- Dù sao cũng rất cám ơn bạn và Bé Sáu. Chúng ta sẽ gặp nhau lại ngoài kia?
Người đàn ông buông tờ báo và đứng lên miễn cưỡng. Ông đến bắt tay chào tôi, miệng nói vừa đủ nghe:
- Hân hạnh được biết anh. Tôi là Toàn.
Tôi thảng thốt:
- Hân hạnh. Tôi tên Nguyên. Chúng ta sẽ gặp lại?
Khi còn mình tôi một mình trong phòng, nỗi xúc động chợt ùa đến khiến tôi muốn ngợp thở
trong giây phút. Tôi đến bên giường nàng và cúi xuống nhìn rõ khuôn mặt trắng xanh đã từng gây xáo trộn đời sống tôi một thời. Màu da không biết ăn nắng khi xưa vẫn không thay đổi và trước mặt tôi khuôn mặt nàng giống như khuôn mặt của một pho tượng làm bằng thạch cao. Chỉ khác là pho tượng kia đang có hơi thở.
Tôi trang trọng đặt đôi môi vẫn khô ráp của mình như ngày nào trên đôi trán đầy huyền nhiệm kia. Và khờ dại nghĩ rằng nếu nụ hôn luôn tiềm ẩn những hạnh phúc có thật, thì qua đó, cái hôn của tôi sẽ lôi kéo nàng khỏi tay Thần Chết đang đứng ngạo nghể ở đầu giường. Hoặc tôi sẽ mặc cả với Thần Chết để hắn đổi ý chọn đời sống tôi và buông tha cho đời sống của nàng.
Thời gian không hề trôi qua kể từ khi tôi cúi xuống bên giấc ngủ của người đàn bà đẹp não nùng kia. Giống như một cơn mơ mà tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ. Tôi đang chạy đuổi theo cánh diều trên cao giữa lồng lộng nắng gió. Sương Phố cũng đang bay cao càng lúc càng vời vợi theo chiều dài của sợi dây nối kết với đau khổ tâm hồn tôi. (có một lúc sợi dây bị thu ngắn lại trở thành những sợi dây nối liền với các chai dung dịch trên đầu nàng). Không cách nào để kéo nàng trở lại tham dự cùng tôi những đắng cay của đời sống trước khi sợi dây bị đứt.
Cũng không ai nói cho tôi biết rằng khi một người đàn bà đã vĩnh viễn xa mình, thì mùi vị nỗi buồn sẽ trở nên như thế nào? Và những cơn gió quyến rủ quen thuộc của mùa đông sắp tàn trên những thân cây gầy sẽ mang màu gì khi tôi ngồi trên phi cơ nhìn xuống. Chuyến đi kéo dài hơn dự tính một tuần lễ và tôi trở về không có Sương Phố bên cạnh. Cuộc giải phẫu không thành công kéo theo luôn mạng sống nàng. Làm sao tôi có thể bắt người khác làm hơn sức của họ? Trong khi y khoa của xứ sở tôi còn hạn chế vì mọi đầu tư của nhà nước nhắm vào du lịch và phát triển ăn chơi. Người ta còn mãi chạy theo những tiện nghi dành cho những người mạnh khoẻ hơn là cho những kẻ đau yếu.
Hình như có một chút mưa bay nghiêng trên đường vôi của phi đạo để cho hơi thở rét mướt của tháng chạp Sài Gòn làm ướt đẫm cầu thang xe buýt. Tôi vừa biết rằng tôi vừa giũ bỏ một mối tình ở bên dưới, khi máy bay vươn mình lên cao. Không có nụ hôn nào tôi mang theo để làm nặng thêm đôi cánh phi cơ nhưng sao môi miệng tôi đắng chát hương vị của đời sống? Cũng không có những dòng lệ hoan lạc chảy bên ngoài những đêm vui ngày vui và hương thơm của ai trên chăn gối ngày về.
Hôm qua, tình cờ con gái tôi mở lại cuộn băng hoạt hình “Pocahontas”. Nó không biết tôi ngồi một mình trong bóng tối và lắng nghe tất cả lời hát trong cuốn phim do Vanessa Wiliams trình bày. Người đàn bà da đen đứng hát, lưng tựa vào dương cầm và tiếng hát làm nền cho bộ phim như thể tiếng gió làm xao động những đời lá vàng phai. Bài hát có tựa đề là “Colors of the Wind”.
Làm sao để vẽ lên đúng nghĩa một màu sắc nào đó của niềm vui hay của nỗi buồn và chúng ta đi qua những chông chênh đời này không nhất thiết phải có một vầng trán hay nụ cười bên cạnh? Làm sao để thấy rằng những môi hôn và những rét mướt luôn chờ dịp để bổ sung cho nhau dù cuộc tình chết non không đi kịp hết một đêm dài?
PNY

Xem Tiếp: ----