rong những ngày Tết sắp đến, xin mời quý vị, các anh chị và các bạn đọc câu chuyện ngắn "Mùi Củ Kiệu" (đăng trên Việt Báo Xuân 2012) để cùng trở về với ký ức tuổi thơ vào dịp Tết. Tôi sinh ra ở Sài Gòn trong một gia đình bố là quân nhân nay đây mai đó và mẹ tôi quê ở Thủ Đức. Biến cố năm 1975 đã đưa đẩy gia đình tôi trôi dạt về quê nội, xã Chánh Mỹ, nơi tôi đã trải qua quãng đời niên thiếu. Chánh Mỹ là một xã nhỏ thuộc tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn khoảng ba mươi cây số và cách thị xã Thủ Dầu Một ba cây số. Hơn hai mươi năm sống xa quê hương nhưng mỗi khi gần đến ngày Tết, lòng tôi bỗng chợt bâng khuâng nhớ về những ngày tháng cũ với một hương vị đặc biệt đã để lại nhiều kỷ niệm trong tôi về ngày Tết. Nhắc đến Tết, chúng ta thường liên tưởng đến những hình ảnh thân quen từ nồi bánh tét, bánh chưng đêm giao thừa, xác pháo đỏ, lũ trẻ con đi chúc Tết ông bà, đến dưa hành, câu đối đỏ, hay đi lễ chùa, v.v. Riêng đối với tôi, hình ảnh và hương vị quyến rũ nhất của ngày Tết lại là một hình ảnh rất đơn sơ, mộc mạc: mùi củ kiệu. Nhắc đến củ kiệu và ngày Tết, ký ức của một thời niên thiếu trên mảnh đất Chánh Mỹ lại hiện về trong tôi. Khi lũ trẻ bắt đầu tựu trường vào tháng 9 là khoảng thời gian chúng tôi thấy bà con trong xóm chuẩn bị kiệu giống để trồng. Trước những sân nhà là những chiếc nia phơi củ kiệu giống để chuẩn bị đem đi trồng. Một mùi thơm nồng toả ra khắp làng trên xóm dưới. Ngoài đồng ruộng, từ sáng sớm tinh sương, nhiều người đã có mặt ngoài đó để chuẩn bị cày bừa đất cho thật kỹ trước khi những củ kiệu giống được mang đi trồng. Có thấy những khổ cực của nhà nông, mới càng yêu quý những sản phẩm được tạo ra từ những giọt mồ hôi đổ xuống bên những luống cày. Có được những củ kiệu to và trắng muốt xếp trong dĩa bên cạnh những con tôm khô trong ngày Tết, chắc không mấy ai buồn nghĩ đến những nỗi nhọc nhằn của người nông dân tạo ra chúng. Công việc chuẩn bị đất để trồng củ kiệu đòi hỏi nhiều thời gian vì tôi nghe bố mẹ nói củ kiệu không chịu đất quá ẩm, nên những người trồng kiệu phải tháo nước mảnh ruộng cho thật khô vài tuần lễ trước đó. Sau khi cày xới cho thật kỹ, họ đắp thành những liếp đất có chiều ngang khoảng hơn một mét và chiều dài từ bờ này qua đến bờ ruộng phía bên kia. Tôi còn nhớ trên con đường đi học về, lũ học trò chúng tôi thích thú nhìn những liếp đất trải dài, nối đuôi nhau nhưng những con rắn. Có lúc nghịch ngợm, tụi tôi nhảy xuống những mảnh ruộng và rượt đuổi nhau giữa những liếp đất vừa mới được đắp lên. Vì ham xô đẩy rượt bắt nhau, nên có đứa té vào những liếp đất. Chúng tôi sợ dơ quần áo thì ít, mà sợ bị la rầy thì nhiều vì người ta đã bỏ nhiều công sức để đắp lên những liếp đất này, mà bây giờ bị bọn trẻ chúng tôi làm lỡ sạt xuống. Cả đám hoảng sợ bỏ chạy tứ tán như bầy chim sẻ đang ăn lúa sót sau mùa gặt bay vụt lên không trung khi chợt nghe thấy tiếng động. Khi những liếp đất đã chuẩn bị xong, những củ kiệu giống được mang ra trồng. Từng củ kiệu được thả nằm gọn lỏn trong lỗ đất nhỏ vừa được ngón tay người trồng bấm xuống lớp đất xốp mịn. Một lớp rơm được phủ lên để giữ ẩm cho những củ kiệu giống đâm chồi. Sau đó, từng gàu nước được múc lên từ những con mương gần đó tưới xuống từ chiếc vòi hình hoa sen để cho củ kiệu giống có đủ độ ẩm để nảy mầm. Những ngày tháng kế tiếp, người nông dân phải lo nhổ cỏ, bón phân, tưới nước, xịt sâu rầy, v.v., lo chăm sóc, nâng niu cho những củ kiệu giống từ từ mọc lên những lá xanh non mơn mởn. Chỉ vài tuần lễ sau, những thửa ruộng trước đây còn khoác trên mình một màu nâu sậm của những cọng rơm, được thay bằng màu xanh non của lá kiệu. Đứng xa xa, những cánh đồng trồng củ kiệu trải dài một màu xanh non mơn mởn không khác gì những thửa ruộng lúa sau khi mạ non được cấy xuống sau một vài tuần lễ. Những khó khăn của nhà nông giờ đây lại còn tùy thuộc vào yếu tố thời tiết vì nếu trời trở lạnh hay mưa nhiều quá, cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây kiệu do bị úng nước. Sắp đến Tết, tôi thường mon men ra những cánh đồng để thích thú ngắm nhìn màu xanh của lá kiệu xen lẫn màu vàng của hoa cúc, màu cam của hoa vạn thọ, mà một số nhà nông trồng để bán kiếm thêm chút tiền vào dịp Tết. Tôi không biết cái tên "củ kiệu" có từ đâu mà chỉ còn nhớ mang máng câu chuyện tôi được nghe trong một buổi trưa hè khi bà nội của tôi ngồi đưa võng cho tôi ngủ. Nội kể rằng ngày xưa, từ thời Hùng Vương, khi vua đi săn thú trong rừng và các nàng hầu được bảo phải vào rừng để kiếm thêm rau cho vua ăn chung với thịt rừng sau khi săn được. Một nàng hầu đã tìm ra được một loại củ lạ có màu trắng mà khi nướng thịt, nàng bỏ chung vào và tạo ra một hương vị thơm ngát. Vua ăn khen ngon và đặt tên là "Kiệu", như tên của nàng hầu. Không biết câu truyện truyền thuyết này có đúng hay không, nhưng với trí óc non nớt của tôi khi nghe kể những câu chuyện thần tiên thật đẹp như vậy, tôi tin ngay mà không cần phải bỏ công sức lên "Google" tìm hiểu thêm như bây giờ. Bà nội của tôi, trong ý nghĩ của tôi lúc đó, còn hay hơn "ông thầy Google" bây giờ nhiều. Sau mấy tháng dưới bàn tay cần cù chăm sóc của người nông dân, mùa thu hoạch củ kiệu nhằm vào những ngày cuối tháng Chạp âm lịch, tức là vào khoảng tháng Giêng hoặc bước sang tháng Hai dương lịch. Bọn trẻ chúng tôi cũng háo hức thức dậy sớm khi người lớn chuẩn bị ra đồng để nhổ kiệu mang đi bán. Từng cây củ kiệu được nhổ lên khỏi lớp đất, phơi ra những củ tròn căng, mùi thơm nồng có thể ngửi thấy dù đứng cách xa hàng trăm mét. Con suối Giữa mà ngày thường bọn tôi thường lội xuống tắm sau giờ học, bây giờ được dùng làm nơi để rửa những bó kiệu được buột lại một cách thật khéo léo. Những lớp bùn đất còn sót lại bị cuốn trôi theo dòng nước để lộ ra những củ kiệu còn trắng hơn khi vừa được nhổ lên. Những chiếc lá già cũng được lột bỏ bớt, chỉ giữ lại những lá còn xanh và chùm rễ. Tôi nghe nói ở ngoài Bắc, người ta dùng rễ của củ kiệu để làm món mọc sườn. Còn ở quê tôi, củ kiệu được dùng để xào với thịt bò nếu nhà nào khá giả, còn nếu không thì xào với lòng gà. Ở một số vùng đồng bằng Tây Nam Bộ, tôi còn nghe nói người ta bẫy chuột đồng để làm món xào với củ kiệu. Lúc nhỏ, tôi nhát gan nên khi thấy chuột, dù chuột nhà hay chuột đồng thì đã bỏ chạy từ xa, nên chưa bao giờ được dịp thưởng thức món ăn dân dã này mà tôi nghe tả rất hấp dẫn. Còn có nhiều món ăn được chế biến từ củ kiệu, từ rễ đến lá tùy theo từng địa phương như món cá đối chiên lên rồi chưng mắm kiệu trút vô ăn với cơm cháy, hay canh chua nấu với thịt bò, v.v. Tất nhiên, món chính vẫn là món củ kiệu ngâm chua mà mỗi dịp Tết đến, người dân từ thành thị đến nông thôn đều không thể thiếu món củ kiệu tôm khô thường được chủ nhà bày ra đãi khách cùng với các món ăn khác. Có lẽ hương vị vừa nồng nồng, vừa cay cay, đã tạo ra một vị đặc biệt cho củ kiệu mà không có một món ăn nào có thể thay thế được. Riêng tôi, hương vị củ kiệu dường như đậm đà hơn vì tôi đã được sống và quan sát từng ngày từ khi củ kiệu còn là một củ giống được phơi khô trên những chiếc nia cho đến lúc chúng được mang đi trồng trong những liếp đất. Sau đó, chúng đã cùng người nông dân trải qua bao nhiêu ngày mưa nắng với sự chăm sóc, lo lắng từng gàu nước, phân bón, nhổ cỏ, trừ sâu, cho đến ngày thu hoạch vào những ngày cận Tết. Tuy nhiên, nỗi khổ cực của người nông dân dường như chưa dừng lại đó. Sau khi đã rửa những bó kiệu xong, chỉ có một số ít củ kiệu được người trong xóm gánh hoặc chở mang đi bán ở những chợ gần đó. Số còn lại, mọi người phải chờ cho đến khi những người lái buôn mang những xe tải lớn đến để thu mua. Trí óc non nớt của tôi ngày ấy chưa hiểu tại sao người dân phải xếp những bó kiệu dọc theo con đường lộ từ sáng đến trưa mới có người mang xe đến mua. Sau này, tôi được giải thích sở dĩ những người lái buôn cố tình đến trễ vì họ muốn chờ cho những bó kiệu khô ráo hết nước để nhẹ cân đi khi mua lại của người dân. Tuy nhiên, khi đi bỏ mối, họ lại tưới thêm nước vào những bó kiệu cho chúng được nặng cân hơn để kiếm thêm lời. Người dân trồng kiệu biết rõ thủ đoạn nầy, nhưng họ không dám làm gì hơn vì những người lái buôn khi cầm bó kiệu mà nước còn nhiễu xuống, họ sẽ từ chối không mua hàng trong khi người dân thì chỉ mong sao bán cho được để còn kiếm tiền trang trải nợ nần và chuẩn bị cho mấy ngày Tết. Chứng kiến bao nỗi thăng trầm với cuộc sống vất vả của người dân hiền lành và cam chịu, có lẽ vì vậy mà hương vị của củ kiệu càng thêm nồng, thêm cay như muốn cảm thông với cuộc đời nhiều cay đắng của người dân hiền lành, tay lấm chân bùn chăng? Riêng tôi, cứ mỗi lần mùi hương củ kiệu toả lên từ những cánh đồng là nỗi háo hức chờ đón những ngày Tết lại trỗi dậy trong lòng. Tôi mong có được bộ quần áo đẹp để đi chúc Tết ông bà, chúc Tết các Thầy Cô và đi chơi với các bạn bè trong ngày đầu năm. Tuổi thơ vốn hồn nhiên, nhưng tôi vẫn ý thức được những khổ nhọc của mẹ cha, nên dù có những năm Tết đến không có áo mới để mặc vì củ kiệu bị mất mùa hay bị mua với giá chèn ép, tôi chỉ buồn thầm trong lòng chứ không dám lên tiếng đòi hỏi với bố mẹ. Nhiều mùa trồng và thu hoạch củ kiệu như vậy lặng lẻ trôi qua cho đến khi tôi từ giã xóm Chánh Mỹ để đi học trên Sài gòn và sau đó đi qua Mỹ. Kể từ lúc đó, tôi không còn đựợc dịp chứng kiến những mùa trồng kiệu, thu hoạch và bán củ kiệu nhộn nhịp như xưa nữa. Sau này, mỗi lần vào chợ Việt Nam, khi đi ngang qua hàng bán rau cải và nhìn thấy thau củ kiệu được bày bán, tôi đứng tần ngần thật lâu như muốn tìm lại những hình ảnh của một quảng đời đã qua... °°° Mười mấy năm trôi qua, tôi có dịp về thăm lại xã Chánh Mỹ trong một dịp cận Tết. Tôi ngơ ngác và cảm thấy như hụt hẫng khi thấy những thửa ruộng ngày xưa ven đường quốc lộ số 13 giờ đây đã bị lấp đi để xây lên những ngôi nhà và những hàng quán. Con suối Giữa cũng bị lấp đi. Con suối nhỏ đã in dấu những nhiều ký ức tuổi thơ ngày xưa không biết giờ đây đã bị tắt nghẽn nơi nào? Tôi gặp lại một người bạn học cũ ngày xưa, bên một quán nước ven đường với chiếc áo rách vai bay phất phơ theo những cơn gió từ những chiếc xe vận tải chạy ngang qua. Người bạn cho tôi biết thanh niên trong làng giờ đây không còn ai sống nổi với nghề làm ruộng đồng, nên phần lớn đã bỏ làng lên thành phố tìm việc làm. Nhiều thửa ruộng xa đường lộ không thể bán để xây cất nhà, nên bị bỏ hoang. Không còn tìm thấy cảnh nhộn nhịp mua bán củ kiệu như xưa nữa... Trên chuyến bay về lại Mỹ, tôi mang theo hình ảnh một quê hương mà khi trở về thăm sau bao năm xa cách, tôi cứ ngỡ mình là người khách lạ. Hình ảnh những mùa củ kiệu năm nào giờ đây chỉ còn trong ký ức. Anthony Cao Minh Hưng