uyến lấy chồng. Cả nhà Thục đi dự đám cưới, cùng xóm mà. Thục còn chơi với Xuyến từ nhỏ nữa. Nhưng Xuyến của hôm nay khác xưa nhiều quá. Chị em gặp nhau thấy lạ lẫm, chỉ cười nói qua loa. Xuyến có vẻ bận rộn, di động réo liên hồi, quần áo tóc tai thơm nức, mặt hoa da phấn kiêu kỳ. Dù sao thì vẫn còn tình nghĩa xóm giềng, Thục nhất định phải tới dự đám cưới Xuyến rồi.
Ðám cưới Xuyến được tổ chức thật linh đình. Ðèn, hoa, cỗ, âm nhạc ầm ĩ suốt hai ngày đêm. Nhà trai từ Sài Gòn về, rồng rắn một đoàn ô tô, to có, nhỏ có. Họ chở đến 40 mâm cỗ cùng hai mươi con người sang trọng có; lòe loẹt, diêm dúa cũng có. Những mâm quả được mở ra, nào là bánh hồng, bánh kem, nho táo Mỹ... Tất cả đều to mòng mòng, thơm tho, hấp dẫn. Ðám trẻ con trong xóm mắt nhìn hau háu. Còn người lớn thì lại hoa mắt lên trước chiếc phong bì lễ vật được bóc ra trước bàn dân thiên hạ 2000 đôla Mỹ. Bác Tư Hến đã say khướt đập bàn:
- Ðm, con thế mới là con. Bà Hoa béo ngồi cạnh tấm tắc:
- Sướng thật!
Bà Nhung liếc nhìn đứa con giá đi cùng, chép miệng choèn choẹt:
- Nhìn con người ta mà phát thèm, rõ nở mặt nở mày, xe đưa xe rước, chả bù...
Một ông già lẩm bẩm:
- Sính lễ mà đưa tiền à, giống như mua bán vậy, chắc họ chê nhà gái nghèo, rõ thiếu tôn trọng!
Một ông sồn sồn ngồi cạnh lập tức gắt lên:
- Ơ hay! Tôn với chả trọng. Tôn trọng là cái gì? Có ăn được không? Có mua xe, xây nhà được không? Vớ vẩn! Năm nay nắng như thế này, lại mất mùa, giá cả thì tăng vùn vụt, sắp đói vàng mắt ra ấy chứ, nhà này thật may mắn!
May mắn gì, con người ta xinh đẹp thế, sướng là phải rồi, một người chen vào.
Ðám trung niên vừa ăn uống ồn ào vừa bàn tán xôi nổi. Ðối với người dân ở cái thị trấn nhỏ đa số làm nghề nông thì hai ngàn đôla Mỹ quả là một cú sốc, một đề tài thời sự. Ðã mấy mùa rồi họ đâu có thu nhập được gì từ những mảnh đất gắn bó máu thịt, tưới đẫm mồ hôi mỗi ngày. Hết mất mùa lại đến rớt giá. Cuộc sống cứ bó lại ngột ngại vì không có tiền. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là gả những đứa con gái xinh đẹp cho những người đàn ông giàu có.
Những đám cưới như Xuyến ngày một nhiều và luôn là đề tài nóng bỏng của thị trấn này. Ðám choai choai vô tư trước sự đời thì tiếc cho Liễu đã bỏ dở hai năm đại học để lấy chồng. Có đứa lại thầm phục chị Xuyến lắm. Khối đứa con gái ao ước được như thế. Nhóm thanh niên đứa coi thường, đứa vị nể. Các bà sồn sồn bảo nhau: Học làm gì cho lắm vào, thất nghiệp đầy ra đấy, biết đến bao giờ mới nuôi nổi mẹ cha, có ai giàu xin cưới, gả quách chúng nó đi. Ðời bay giờ, ai bảo hồng nhan bạc phận nào, hồng nhan bạc tỷ chứ.
Bỏ lại dư luận sau lưng, Xuyến lên xe hoa cùng với những gương mặt hãnh diện của gia đình. Ðám cưới tan, nhưng lời bàn tán còn kéo dài mãi. Ðám em của Thục nói với chị: Chị Thục nhà mình bao giờ được như thế nhỉ! Mẹ chẳng nói gì, song ánh mắt mẹ nhìn Thục như muốn nói: "Còn con bé này, bao giờ đây, lấy chồng để cho mẹ nhờ".
Mẹ cũng cần tiền lắm. Thục biết chứ. Mẹ phải vay tiền ngân hàng, vay nặng lãi để sống, để chuyển đổi cây trồng xung quanh vườn xoành xoạch. Mẹ khổ nhiều từ khi ba nằm xuống. Mẹ phải gánh vác một lũ con ăn đang lớn mà làm không ra. Rồi bà nội già cứ bệnh liên miên. Mẹ thương con gái nên chẳng nói gì. Nhưng người ta thì cứ bóng gió: "Tại sao Thục không lấy một người chồng giàu có để giúp đở gia đình?". Mà năm nay Thục 26 tuổi rồi đấy chứ. Ở cái xứ này, con gái chừng tuổi ấy đã thuộc hàng quá lứa. Thục mà cứ chưa chồng thì đúng là một cái tội. Nhìn vào sốt ruột, chướng mắt lắm. Nhưng Thục được cái trẻ hơn tuổi và xinh. Ðám con gái trăng tròn cũng thua xa. Ðây cũng là một cái tội. Các bà sồn sồn cứ lườm nguýt, lũ con gái thì ganh tỵ, còn đàn ông con trai vừa thích vừa ghét. Thục đẹp thế song có thuộc về họ đâu. Thục thì đã yêu rồi nhưng chưa dám bày tỏ với gia đình, vì anh ấy nghèo. Một sinh viên mới ra trường đang thất nghiệp. Nhà Thục bây giờ không thể chấp nhận thêm một thành viên như thế. Thôi thì, chờ thêm một thời gian để cả hai cùng lập nghiệp.
Ánh mắt mọi người soi vào sự lẻ bóng của Thục như nhìn vào kẻ tội đồ, như thể cô không bình thường. Gia đình im lặng nóng lòng chờ ngày vu quy của Thục. Thục khổ sở vì tất cả. Bản năng đàn bà trỗi dậy, cô muốn được làm vợ người mình yêu, được làm mẹ những đứa con.
Tối chủ Nhật, Thục gặp Duy trong một quán cà phê nhỏ nép sâu vào góc phố. Thục thì thầm sau một nụ hôn:
- Chúng mình cưới nhau đi anh. Duy ngạc nhiên nhìn người yêu, vừa nói vừa khẽ vuốt tóc Thục:
- Không được, chờ anh lập nghiệp đã. Thục nghe xong nũng nịu hờn dỗi:
- Anh không yêu em à? Duy ôm Thục sát vào lòng dịu dàng nói:
- Chính vì yêu em nhiều, nhiều lắm nên không dám cưới, anh sợ em khổ.
Khổ mấy cũng được, Thục dụi đầu vào ngực Duy khích lệ.
Gia đình em không đồng ý, Duy thở dài. Chờ anh có nhiều tiền đã.
Chẳng cần, cưới nhau xong chúng mình sẽ cùng làm. Chúng mình có học thức, lại mạnh khỏe, sợ gì. Cưới, anh nhé! Duy không nói gì, vòng tay xiết Thục thật chặt như sợ cô vuột mất.
Khuya về, Thục không ngủ được. Thục hận cái nghèo. Tại sao Thục và Duy lại cùng nghèo. Cưới nhau bây giờ thì ở đâu. Nhà Duy đông em, Duy phải lo cho các em. Thục cũng phải phụ mẹ nuôi em. Cái mầm của hạnh phúc đã có rồi đấy. Chỉ cần tiền nữa thôi là nẩy lộc, đơm chồi, mọi việc sẽ đổi thay bừng sáng. Ðang miên man suy nghĩ, Thục giật mình vì tiếng mẹ rên. Mẹ lại nhức mỏi, đau đầu, đau lưng... đây mà. Tối nào cũng thế, bệnh của làm nhiều, lo nhiều. Thục thương mẹ quá, nếu có tiền, cô sẽ đưa mẹ đi viện ngay. Cô choàng tay ôm mẹ, sống mũi cay xè.
Cả đêm không chợp mắt, mới sáng sớm đã nghe tiếng bà Hưng đòi nợ, thật là... Thục bị tiền ám ảnh. Bây giờ, Thục có làm lương cao như một quan chức cao cấp, thì cũng cả chục năm mới trả hết nợ, rồi còn lo chuyện ăn học cho từng đứa em. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Thục thấy bế tắc. Cô bật khóc.
Hôm nay là đêm rằm. Ánh trăng trong veo tỏa xuống mặt hồ dịu mát, vắng lặng. Thục xõa mái tóc huyền phủ kín hai bờ vai thon. Cô mặc chiếc áo đỏ yêu thích nhất. Áo Thục pha màu đêm, màu trăng, đỏ đằm đằm huyền hoặc. Duy đặt lên mái tóc Thục chiếc vòng được kết bằng hoa hồng, trong Thục xinh đẹp liêu trai như một nàng công chúa thuở xa xưa. Duy và Thục cùng thắp nến. Một trăm ngọn nến hồng lồng vào nhau thành hình trái tim lung linh tỏa sáng. Duy sung sướng hét lên "anh yêu em mãi mãi!". Tiếng yêu thoát xác bay xa, vọng xuống lòng hồ, vút lên trời đêm sâu thẳm, mắt Thục lung linh nhòe ướt. Duy ôm chặt lấy Thục, những nỗi niềm nghẹn lại. Một cảm giác lạ lùng la tỏa, nước mắt rơi xuồng môi Duy từ khi nào. Họ hôn nhau. Nụ hôn vừa ngọt ngào vừa chát mặn. Thục thì thầm:
- Chúng mình cưới nhau rồi, em là vợ anh đấy nhé! Duy cắn nhẹ vào môi Thục, bàn tay run run chạm vào da thịt người con gái anh yêu. Ðêm tân hôn trôi trong gió trăng nồng nàn say đắm...
Sáng thứ Hai, Thục nộp đơn xin thôi việc ở tờ báo văn nghệ địa phương. Thục yêu thích tờ báo này từ ngày còn học phổ thông. Cô làm việc hết lòng vì nó, hăng say thức cả đêm để viết bài. Song đồng nhuận bút còm cõi cũng chỉ đủ nuôi thân. Dù sao lìa bỏ nó cô cũng thấy xót xa. Ðừng mềm yếu, cô tự khích lệ, rồi lạnh lùng đặt lá đơn xin thôi việc lên bàn Tổng biên tập.
Ngày Thục ra bến xe lên Sài Gòn chỉ có mẹ ở bên. Thục cười thật tươi, gương mặt háo hức phấn khởi để mẹ yên lòng. Mẹ lụi cụi xách giỏ đồ đi bên Thục, bờ vai mẹ nghiêng xuống, hanh hao, khắc khổ. Khi bóng mẹ đã khuất thật xa, Thục mới để những giọt nước mắt trào ra.
Nhờ có kinh nghiệm làm việc, ngoại hình xinh đẹp, Thục xin được việc trong một công ty quảng cáo với mức lương khá cao. Do công việc đòi hỏi, nên Thục phải chú ý cách ăn mặc, trang điểm. Thục bây giờ lại càng xinh hơn xưa. Ôi! Cái dáng người thắt đáy lưng ong ấy làm khối chàng trai mất ngủ, làm nhiều trái tim đàn ông ngạt thở, lạc lối. Các ông chủ giàu có, từng trải thì không ngại ngần săn đón, gạ gẫm. Những tin nhắn làm quen, những lời mời mọc hứa hẹn đầy ắp trong điện thoại của Thục.
Rồi đùng một cái Thục lấy chồng. Chú rể lớn hơn Thục hai mươi tuổi, là chủ một công ty quảng cáo đang ăn nên làm ra. Cả xóm lại được chiêm ngưỡng những đoàn xe sang trọng, lại dự một đám cưới linh đình. Các em Thục mừng vui hớn hở. Mẹ ôm Thục khóc chẳng biết vì điều gì. Mắt Thục ráo hoảnh, cô nở nụ cười không vui không buồn, dụi đầu vào bờ vai khẳng khiu của mẹ. Lại những lời bàn tán xuýt xoa, Thục chẳng nghe, chẳng thấy gì...
Ngày cưới Thục có một người lặng lẽ ra chiếc hồ vắng ngắt phía Tây thị trấn. Hắn gào thét, bơi lội như một kẻ điên. Rồi người ấy bỏ đi thật xa lập nghiệp. Ðám cưới tan, thị trấn lại bình lặng với cây cối, ruộng vườn.
Ðùng một cái cả xóm lại nhốn nháo. Bây giờ là tin dữ. Xuyến qua đời do tự tử. Cả gia đình nhà Xuyến không ai biết nguyên do. Họ kéo nhau đến ngôi nhà sang trọng kín cổng cao tường, ôm đứa con gái xinh đẹp gào khóc. Trên giường ngủ, Xuyến nằm yên lặng, mặt trắng nhợt dưới ngọt đèn neon xanh lét. Một lọ thuốc ngủ rỗng không lăn lóc dưới sàn. Họ hét lên tại sao, nhưng Xuyến đã mãi lặng im. Người chồng sang trọng bệ vệ trả lời bằng đôi mắt trống rỗng vô hồn...
Từ đấy, mẹ thường xuyên gọi điện cho Thục. Thục thì vẫn lộng lẫy kiêu sa. Người chồng hết mực cưng chiều cô vợ giỏi giang xinh đẹp. Gia đình bên ngoại, ai cũng vui mừng cho là Thục gặp may, số sung sướng. Các cụ già thì bảo, phận đàn bà mười hai bến nước, biết bến nào trong, may nhờ rủi chịu, Thục có phúc vào được bến trong. Song, chỉ có ngôi sao trước cửa sổ phòng Thục biết rằng, Thục đã chết. Ngôi sao ấy thấy Thục luôn ngước lên nhìn nó vào những đêm vắng, ánh mắt Thục day dứt buồn đau. Nó thấy tâm hồn Thục vỡ ra theo lời khẩn nguyện cho một người đã xa. Ngôi sao buồn lắm, song chỉ mãi lặng im tỏa ánh sáng lấp lánh vô hồn giữa muôn vì tinh tú trên cao.
Khả Tú

Xem Tiếp: ----