au tháng 11 năm 1963, vào những buổi trưa nhất là mùa Hè nóng cháy người ta thường thấy một “ông già” mặt đỏ, lưng đeo gùi, quần áo ngay thẳng đầu đội chiếc nón lá rách tả tơi đi ngang qua làng. Đặc biệt là ông không bao giờ đi trong làng mà chỉ đi giữa cánh đồng. Ông đi từ quận Mộ Đức lên thôn An Ba, đi xuyên qua xã Hành Thịnh (xưa là xã Nghĩa Thành) lên đèo Quán Thơm, rồi biến mất! Nhưng vài ba ngày sau người ta thấy ông đi lại đoạn đường trên! Nghĩa là cũng từ đồng bằng quận Mộ Đức đi về núi, nhưng không thấy ông đi từ núi xuống đồng!
Người trong làng gọi ông là “ông gìa nuôi.”
Gọi là ông “già” nhưng thực sự ông còn dáng vóc trẻ trung của một người vừa qua năm mươi. “Ông già nuôi” không nói, không tiếp xúc với ai, và lúc nào mặt ông cũng đỏ như màu bả trầu vừa phẹt ra từ miệng của một bà già. Đã thế ông còn gay gắt và chống đối kịch liệt khi có người muốn tiếp cận ông.
Người ta muốn biết ông đựng ngữ gì trong cái gùi trên lưng.
Nhưng mỗi lần có ai đến gần, ông lại phùng mang chống cự quyết bảo vệ cái gùi trên lưng, nên riết rồi ai ai cũng để mặc ông đi qua làng.
Nhưng đám con nít thì khác. Chúng cố tìm “ông già nuôi” mang những gì trong cái gùi!
Hôm nào ông già nuôi đi ngang qua làng là đám con nít lại báo tin cho nhau rồi bu theo. Chúng chọc ghẹo phá phách và xem ông già nuôi như một quái vật! Chúng tò mò muốn biết ông già nuôi ăn cái gì, nhà ở đâu, vợ con đâu, sao chỉ thấy một mình đi gữa trưa nắng chang chang như người điên, ông có tên không, tên ông gọi là gì? Bao nhiêu thắc mắc và tra tấn nhưng ông già nuôi vẫn trơ trơ không nói đến một lời, mà ngược lại ông nhìn đám con nít với cặp mắt đỏ ngầu như mắt trâu điên, và ông như sẳn sàng xé thịt những đứa nào dám mạo hiểm đến gần. Đám con nít mất đi kiên nhẩn và trở thành bạo động. Chúng chửi bới, chúng chọi đất, reo hò rượt đuổi ông già nuôi. Nhưng rồi những ngày hôm sau đám con nít lại mong có ông già nuôi đi ngang qua làng, với chúng ông già nuôi là một cái gì đó để chọc ghẹo vui chơi, nên thấy vắng lại buồn!
Không ai biết “ông già nuôi” là ai, từ đâu đến. Nhưng có điều là tại sao ông lại xuất hiện giữa thời buổi nầy, thời buổi lọan ly! Phải chăng ông là người điên trong thời loạn!
Thực dân Pháp tháo chạy sau một trăm năm đô hộ, đất nước hòa bình nhưng bị chia đôi ở vĩ tuyến 17. Nền Đệ Nhất Cộng Hòa được thiết lập ở miền Nam Việt Nam năm 1955, nhưng nó đã bị bức tử vào ngày 1 tháng 11 năm 1963. Từ đó những ngày tháng thanh bình dần dần biến mất và chiến tranh bắt đầu sinh sôi nảy nở.
Và “chiến trường” là xã Hành Thịnh, quận Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Thời điểm: năm 1964, 1965. Địa thế chiến trường: Bắc giáp sông, Tây và Nam giáp núi, Đông làng mạc kéo dài và tiếp nối đến Quốc Lộ 1.
Những ngày đầu cuộc chiến giao tranh thường xảy ra lẻ tẻ giữa một trung đội Dân Vệ và du kích quân. Người dân bắt đầu nghe lại tiếng súng cắt bùm và tạch tạch. Có hôm ông Ðại Diện xã Trần Cầu dẫn một tiểu đội Dân Vệ ban đêm vô núi tìm tung tích và truy nã kẻ địch. Nhưng càng về sau lính ông Ðại Diện xã chỉ cần ra đến giữa đồng là bị bên kia phục kích sẳn dưới đám đất cày. Họ chộ nhau bằng những cú chọi đất giữa đêm đen, vậy là bên này chùn bước nằm nghe ngóng! Rồi họ cắt phá bờ rào vi chun vô làng. Lần đột nhập đầu tiên vào làng là những người du kích quân. Giữa đêm đen người du kích vào sân sau nhà ông Ðại Diện xã tìm kiếm thức ăn. Trong khi tẩu thoát người du kích bị bắn chết, khi trong tay còn mang con vịt vừa bị bẻ gãy cổ! Ðây là chiến công đầu tiên của trung đội Dân Vệ.
Sáng ngày hôm sau Dân Vệ mang xác người du kích bêu lên bờ rào vi rồi mời ông quận Trưởng quận Nghĩa Hành xuống xem chiến công. Lính quận mang theo cây đại liên 50 đặt bên cạnh bờ rào vi và bắn băng đạn dài cả thước rào rào vào núi. Tiếng cụi của tràng đại liên 50 xé tan bầu không khí dội về rừng mang theo tín hiệu báo cho quân du kích biết rằng, những viên đạn đồng này là hứa hẹn cho sự quấy nhiễu của họ! Và tối hôm đó họ xuống mang xác người du kích về rừng. Ðó là tổn thất nhân mạng đầu tiên trong làng này.
Bẳn đi một thời gian yên tịnh rồi một hôm trung đội Dân Vệ được tin bên kia tập trung quân số du kích trong rừng. Tối về trung đội Dân Vệ rút vào giữa làng nằm kích dưới khu đất trũng tại vườn nhà ông Ngoạt. Trong đêm tối bên kia tiến quân bò lên vườn nhà thờ Thiên Chúa Giáo, nơi đất cao hơn nằm cạnh vườn nhà ông Ngoạt. Khi bóng người nằm trong tầm nút rùi, những khẩu súng Carbin của Dân Vệ thi nhau khạc đạn. Ánh sáng lóe chớp trên đầu súng và những viên đạn lửa vạch màng đêm với âm thanh réo réc nổ banh những bia đạn nằm trên vườn nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Họ thất trận. Gần chục xác du kích đầu chít khăn đỏ, mặc quần đùi nằm co queo mình mẫy trắng như bông! Bên Dân Vệ vẫn bảo toàn lực lượng. Và cũng trong bóng đêm họ trở về mang xác đi.
Chiến trường bắt đầu hâm nóng lên. Bên kia trở lại với bộ đội chính quy, súng ống và quân số đông đảo, họ đẩy lui trung đội Dân Vệ trong một buổi sáng. Giao tranh xảy ra ngay trong khuôn viên cơ quan hội đồng xã, họ đánh bật và rượt đuổi Dân Vệ chạy về ngã Ðức Thạch, nơi có quân tiếp viện đang ứng chiến. Giữa tiếng súng của phe Cọng Sản trên nầy bắn xuống, và tiếng súng yểm trợ của Quốc Gia ở dưới bắn lên, một người lính Dân Vệ nằm ngay giữa hai làng đạn bỗng rơi mình xuống con mương ấp chiến lược. Người lính chính quy nghĩ mình đã bắn ngã tên lính Dân Vệ, tiến lại nhìn xuống mương xác nhận chiến công rồi quay đầu trở lại. Nhưng dưới mương người lính Dân vệ đội đám rong rêu nín thở hụp sâu dưới nước! Vậy mà thoát chết!
Ngày hôm sau quân Quốc Gia tái chiếm cơ quan hội đồng xã. Và ngay sau đó một đại đội địa phương quân, đại đội ông Nghiễm về đóng trong làng. Người dân hân hoang chào đón và tri ân những người chiến binh giữ gìn làng mạc. Những bài ca như Ði Quân Dịch, Tình Anh Lính Chiến được những cô thôn nữ trong làng ca vang, và những người nông dân hiện rõ niềm vui trên cánh đồng. Ngày đó dân làng quen gọi là đại đội ông Nghiễm vì Thiếu Úy Nghiễm là đại đội trưởng nhưng không có đại đội phó. Người trợ lý đắc lực của Thiếu Úy Nghiễm là Thượng Sĩ Thâm, một Thượng Sĩ già. Trung Sĩ Chi là hạ sĩ quan tình báo và Rú là tay xạ thủ đại liên khét tiếng. Rú người dân tộc Nùng, to con khỏe mạnh có thể ôm cây đại liên 50 trên tay riết cò cả bân đạn.
Những ngày kế tiếp người ta lại thấy ông già nuôi xuất hiện đi ngang qua làng. Đám con nít chọi đất vào người và chạy theo rượt đuổi ông già nuôi. Bất chợt ông vấp chân té ngã và chiếc gùi trên lưng sút ra lăn tròn trên mặt đường! Ông già nuôi vội vã chạy đến chụp chiếc gùi, nhưng đã trể! Một con heo con từ trong gùi chạy ra kêu en éc. Đám con nít lại reo mừng rượt đuổi con heo con. Nhưng không ai lanh chân bằng ông già nuôi và cuối cùng ông đã bắt lại con heo con, bỏ vô gùi cắm đầu chạy về chân núi đèo Quán Thơm. Từ đó đám con nít rêu rao rằng ông già nuôi đựng con heo con trong gùi và ăn sống thịt heo con nên mắt lúc nào cũng đỏ như trâu điên! Và không ai còn quan tâm đến ông già nuôi khùng khùng điên điên nữa!
Lính ông Nghiễm ban ngày đóng quân tại các nhà của dân trong làng, tối về đi kích ngoài ruộng đồng canh chừng du kích quân. Tết năm 1965 cả làng có một mùa Xuân an vui.
Lính địa phương quân chỉ đóng quân một thời gian ngắn tại làng mạc nào đó rồi sẽ di chuyển đến làng khác. Sau bốn tháng, giữa mùa Xuân năm 1965 đại đội ông Nghiễm rời xã Nghĩa Thành mang quân về bảo vệ quận lỵ Mộ Đức. Trong một lần đụng độ với cọng quân tại cầu Cây Bứa, đại đội ông Nghiễm tổn thất nặng, chỉ còn lại hơn nửa quân số và trong đó có Trung Sĩ Chi. Trong trận cầu Cây Bứa Rú xạ thủ đại liên 50 bị cọng quân bắt sống. Sau trận cầu Cây Bứa Trung Sĩ Chi được thăng cấp Chuẩn Úy. Rồi những trận kế tiếp Chuẩn Úy Chi giữ tròn tính mạng và lại được thăng cấp. Đến năm 1967 Trung Úy Chi vào Sài Gòn học khóa bổ túc đặc biệt để trở về lên lon Đại Úy. Cuối cùng Đại Úy Trần Đình Chi, người Bình Định, thăng cấp Thiếu Tá. Trong quân đội ngày ấy có hai cách để lên lon lẹ: một là có bằng Tú Tài và tốt nghiệp từ trường võ bị, hai là không tốt nghiệp từ trường võ bị nhưng đánh giặc giỏi. Thiếu Tá Trần Đình Chi là người thứ hai nói trên. Và tiếc thay, trong cuộc hành quân qua đèo Eo Gió, xe ‘ríp’ Thiếu Tá Chi bị trúng B40 tại đèo Đá Bàng núi Đình Cương, rớt xuống vực sâu sông Vệ và bỏ mình tại đó!
Đại đội ông Nghiễm đi thì đại đội ông Thắng đến. Thiếu Úy Thắng là đại đội trưởng và Chuẩn Úy Học đại đội phó. Mú là đầu bếp cho đại đội ông Thắng.
Quân chính quy Bắc Việt tràn xuống chiến trường miền Nam càng ngày càng nhiều. Khoảng đầu năm 1965 quân Bắc Việt dồn dập tấn công những làng cận sơn ở miền Trung. Tại xã Nghĩa Thành một đại đội chủ lực quân ve vảng trong chân nuí Giàng thâu thập tin tức từ du kích quân là những người nhảy núi ở địa phương. Sau khi nắm được tình hình, quân chủ lực chọc mũi dùi tại các thôn nằm giáp chân đèo Quán Thơm, họ đẩy lui đại đội ông Thắng và chiếm đóng xã Nghĩa Thành. Trong trận tấn công này tổn thất hai bên không đáng kể vì trước hỏa lực hùng mạnh và cả quân số của quân chủ lực Bắc Việt, đại đội ông Thắng rút lui để bảo tồn quân số. Bốn năm ngày sau đại đội ông Thắng được sự yểm trợ của đơn vị bạn, pháo từ đồn Cộng Hòa và trung đội thiết giáp. Cuộc hành quân tái chiếm xã Nghĩa Thành được mở ra từ hai mũi: Thứ nhất quân ông Thắng tiến lên từ đập Bến Thóc, và thứ nhì đoàn thiết vận xa từ An Chỉ Nghĩa Phước bơi qua sông Vệ. Với sự yểm trợ của đại bác 155 ly dội liên tiếp từ đồn Cộng Hòa, đoàn xe tăng ào ạc bơi qua sông tiến vào khúc giữa xã Nghĩa Thành. Với chiến lược chận đường rút của quân Bắc Việt do mũi dùi đoàn quân ông Thắng và đại đội yểm trợ đánh lên từ đập Bến Thóc. Giao tranh xảy ra kịch liệt. Đoàn xe tăng cày nát ruộng lúa tiêu diệt đoàn quân Bắc Việt trên đường rút vô núi qua cánh đồng trước làng. Trong khi cánh quân ông Thắng và đơn vị yểm trợ bám sát đẩy lùi đại đội chính quy Bắc Việt về chụm cho đoàn thiết vận xa. Tiếng súng AK47 và tiếng Thompson, Garand, đại liên trên mui thiết giáp xa nổ vang rền bầu trời xã Nghĩa Thành, khói xanh bốc lên thành từng cột. Cánh địa phương quân đụng độ một toán cọng quân trong đó có một tay xạ thủ AK47 thật lợi hại, anh ta hăng say chiến đấu hết mình bên đồng đội. Tiếng súng AK47 áp đảo làm rát chân và nhiều lần chận đứng bước tiến của lính địa phương quân.
Trong trận tái chiếm xã Nghĩa Thành đại đội ông Thắng và đơn vị yểm trợ hạ sát và bắt sống một số tù binh quân Bắc Việt, trong số tù binh đó có một người đã từng đứng trong hàng ngũ địa phương quân của Quốc Gia chiến đấu mãnh liệt chống lại quân miền Bắc, đó chính là xạ thủ AK47! Ðúng, anh ta chính là xạ thủ đại liên 50 Rú của đại đội ông Nghiễm bị cọng quân bắt sống trong trận cầu Cây Bứa!
Sau khi bị bắt xạ thủ Rú xin được tái gia nhập quân đội Quốc Gia để đánh lại quân Cọng Sản! Cấp chỉ huy tìm hiểu lai lịch, biết khả năng đánh giặc của Rú và đã chấp nhận cho Rú gia nhập lại địa phương quân. Và ngay lập tức anh ta ôm đại liên 50 chung vai sát cánh quay đầu 180 độ tấn công quân đội Bắc Việt không một chút nương tay! Nhưng trong một trận giao tranh khác Rú bị quân miền Bắc bắt sống và anh ta lại ôm AK47 quay đầu hăng say chống lại quân đội miền Nam! Cho đến một hôm xạ thủ AK47 Rú tham chiến trong trận đánh lớn tại chiến trường Đổ Xóa, quân miền Bắc và miền Nam bao vây lẫn nhau nhiều vòng. Phòng chỉ huy kêu gọi giải cứu và hoanh tạc cơ Skyraider ném bom tiêu diệt. Trong số tử trận của quân Bắc Việt có xạ thủ AK47 Rú!
Có lẽ trong suy tư của xạ thủ Rú chiến tranh này chắc chắn sẽ không bao giờ là “chiến tranh ý thức hệ”, có chăng chỉ là cuộc nội chiến do ngọai bang tác động cho anh em một nhà chém giết lẫn nhau, cho nên dù cầm súng bên đây hay bên kia có khác gì!? Nhưng đó có thể là tư duy của Rú vì Rú cũng chỉ là một dân tộc thiểu số và đã làm sai lạc lý tưởng chận đứng sự bành trướng Cọng Sản đỏ của quân dân miền Nam. Nhưng cái đáng nói là hệ lụy của cuộc chiến. Hệ lụy đó là Việt Nam đã rơi vào quỹ đạo của chế độ Cọng Sản. Chế độ này đã và đang đưa đất nước đến đâu thì chắc hẳn người Việt Nam hiểu rỏ hơn ai. Vấn đề là những người đã theo, ủng hộ, và cộng tác để đưa đất nước đến hiện trạng ngày nay cần suy nghĩ và tìm cho mình câu trả lời chính xác cho câu hỏi: Tại sao người lảnh đạo Bắc Việt ngày ấy lại tôn thờ chịu sai khiến và nhận viện trợ từ Trung Quốc để tiến chiếm miền Nam Việt Nam, trong khi toàn dân Việt Nam muôn đời xem Trung Quốc là nỗi đe dọa và là kẻ thù xâm lược truyền kiếp của dân tộc?!
Sau khi đẩy lui bộ đội Bắc Việt đại đội địa phương quân ông Thắng tiếp tục đóng quân ở xã Nghĩa Thành để bảo vệ người dân làm ăn. Nhưng cũng sau lần thất trận trên bộ đội miền Bắc gia tăng quân số. Dường như mỗi đêm đều có đụng độ, và mỗi đêm tiếng đại bác từ đồn Cộng Hòa đều vang rền trên khắp ruộng đồng núi non và ở bìa làng. Khi bộ đội miền Bắc áp đảo về quân số họ từ từ xâm chiếm làng mạc và quân đội Quốc Gia có vẽ yếu thế. Nên về đêm những cuộc đi kích của đại đội ông Thắng dạt dần ra bờ sông và tránh né những thôn xóm nằm cận chân núi.
Và cũng trong thời gian này người ta thỉnh thoảng thấy những đứa bé ra đồng thả diều vui chơi. Những con diều có hôm có đuôi, có hôm trục lúc và mang nhiều màu sắc khác nhau.
Giao tranh hai bên vẫn tiếp tục xảy ra nhưng hầu hết là quân miền Bắc thắng thế do địa hình của chiến trường. Trong một trận đánh, đại đội ông Thắng cầu cứu việu trợ. Lính cứu viện di quân từ đồn Cộng Hòa đi xuyên qua núi Ngan. Tin cứu viện bị lộ và quân Bắc Việt phục kích hai bên lối đi phủ kín cây cối dưới bìa rừng. Khi đoàn quân cứu viện đi ngang qua, ho ập ra bắt sống trọn trung đội cứu viện mà không nổ một tiếng súng! Có hôm đầu bếp Mú của đại đội ông Thắng đang nấu ăn thì quân miền Bắc từ trong rừng ùa ra. Hỏa đầu quân Mú vừa đội nồi cơm trên đầu vừa chạy, chỉ năm phút sau là xuất hiện quân miền Bắc rượt theo sau!
Cuối cùng vào khoảng cuối mùa Xuân năm 1965 đại đội ông Thắng chỉ có mặt trong làng trước khi trời xế chiều. Ban đêm quân Bắc Việt hoành hành! Họ bắt đầu lục xét những gia đình giàu có trong làng thâu lúa gạo, ngũ cốc, tiền bạc gọi là đóng góp giúp “quân giải phóng”. Những ai bị gõ cửa đều phải đóng góp, và sang ngày hôm sau lại đi khai báo cho Quốc Gia biết là trong đêm đã “bị đóng góp” bao nhiêu. Việc khai báo này “quân giải phóng” không thể ngăn cấm được, vì nếu không cho khai báo thì coi như tiếp tế cho Cọng Sản, sẽ bị liệt vào hàng theo địch! Quân giải phóng được điềm chỉ và họ vào bắc bớ khủng bố tinh thần những người dân cộng tác với Quốc Gia, thậm chị bị thủ tiêu một cách dã man! Họ lôi một người chỉ làm một công việc tầm thường là đi rao loa kêu gọi người dân đi mít-tinh mỗi lần xã ấp có thông tin về hoa màu hay phân bón muốn cho nông dân biết, và một người phó đại diện xã đã về hưu ra cây rơm sau nhà. Xong họ đọc bản án người rao tin là kẻ phản động công cuộc giải phóng, và đập bể đầu chết trước mặt ông phó đại diện về hưu! Ông phó đại diện là người ra tin tức, thế mà họ đập chết người rao loa vì tội rao tin của ông phó đại diện!
Trong thời gian quân Bắc Việt tung hoành và khủng bố người dân thì vào ban đêm đã xảy ra phong trào “đi ngủ”. “Đi ngủ” là cụm từ dùng cho những người đàn ông có dính dáng với chính quyền Quốc Gia hay người giàu có trong làng. Hai thành phần này đều bị xem là có tội với cộng cuộc “giải phóng”. Cho nên trước khi đêm về những người này rời nhà mình đi đến nhà người quen nào đó trong làng mà ngủ! Ban tối họ về tìm bắt, lục soát khắp nhà không thấy họ chỉ nói qua loa vài câu rồi đi. Có khi người “đi ngủ” nằm trốn trong căn nhà “nguy hiểm” mà lại thoát chết! Nhưng sợ lưng mật! Ngày đó ngoài tiếng đại bác ngày đêm câu xuống từ đồn Cộng Hòa còn có tiếng chó sủa là âm thanh làm người dân trong làng mất ngủ và sợ đến run người! Trong đêm vắng có tiếng chó sủa là có “quân giải phóng” vào làng.
Rồi có một hôm ông đại đội trưởng Thắng về quận Nghĩa Hành họp. Ông để lại quyền chỉ huy cho Chuẩn Úy Học. Trong đêm Chuẩn Úy Học dẫn quân lính đi kích ngoài bờ sông và trong đêm đó yêm như tờ, không có lấy một tiếng chó sủa. Mới vừa hừng sáng quân lính ông Thắng trở về nhà dân nghĩ. Họ dựng súng ống nằm ngủ khắp nơi trong nhà, trên vỉa hè, dưới gốc cây. Họ ngủ say như em bé thì tiếng súng nổi lên từ khu nhà thờ Thiên Chúa Giáo! Quân bộ đội miền Bắc ùa ra từ nhà thờ Thiên Chúa như ong vỡ tổ và bên cạnh nhà thờ là ba căn nhà lớn lính ông Thắng đang nằn ngủ! Tiếng súng xé tan bầu không khí bình minh nã vào ba căn nhà lớn. Những người lính Quốc Gia người mặc quần đùi, người không có áo chạy tán loạn tìm cây súng trong giấc ngủ! Có người quơ được cây súng ra bờ mương cạnh nhà nằm núp chống cự lại. Nhưng hỏa lực quân miền Bắc quá mạnh và xảy ra quá đột ngột, lính ông Thắng bỏ làng chạy ra cánh đồng, lối thoát duy nhất không có tiếng súng của “quân giải phóng.” Nhưng ác nghiệt thay! Những người lính Việt Nam Cộng Hòa khi chạy ra đến ruộng đều bị trúng một viên đạn đại liên phòng không bắn ngay vào giữa trán! Thì ra trước khi tấn công họ đã đào một cái hầm tròn trên đỉnh gò Đồn trước mặt làng, chừa một ụ đất chính giữa và đặt cây đại liên phòng không trên đó! Người xạ thủ có thể quay khẩu đại liên 360 độ và thấy hình bóng người chiến sĩ VNCH chạy trên cánh đồng nằm lọt trong màn lưới ổ nhắm! Họ tấn công từ hai mặt và chỉ chừa cho lính VNCH hai lối thoát là chạy ra đồng hoặc chạy trong làng về hướng đèo Quán Thơm.
Hầu hết lính ông Thắng chạy ra cánh đồng. Chỉ có bảy người chạy trong làng về hướng núi đèo Quán Thơm thì còn sống sót! Dưới chân đèo Quán Thơm bảy người lính VNCH chiến đấu và lật xác ông gia nuôi lên bên cạnh khẩu AK47. Trong cái gùi trên lưng ông già nuôi chứa đầy tài liệu mật của bộ đội miền Bắc, vài ba con diều với ý nghĩa của từng màu sắc, của con diều có đuôi hoặc cụt đuôi, và có cả ngày giờ ông Thắng rời đơn vị về quận họp! Chiều hôm đó người ta lượm những chiếc nón sắt bỏ vào lưới khiêng ra bờ sông Vệ đưa về quận. Những chiếc nón sắt nặng trĩu trên vai người khiêng! Ông đại đội trưởng Thắng trở về lấy con đò ông Đàn qua sông mà lòng bùi ngùi, thương tiếc và nỗi giận, giận vì đã quá nhân đạo với một ông già điên điên khùng khùng!
Xã Nghĩa Thành hoàn toàn thất thủ và người dân lần lượt rời bỏ ra đi. Chỉ còn lại ngôi làng trống trơn, một ít người theo Cọng Sản, đám du kích và những người lính viễn chinh miền Bắc. Và bầy chó trong làng họ giết sạch để ăn thịt!
____________________
Đồng Sa Băng. 11/ 2011

Xem Tiếp: ----