hư lệ thường, gần đến Tết, tôi chạy xe vòng quanh phố. Mọi thứ như đang vươn sức xuân. Mảng tường nhà ai đang được sơn lại. Con phố nhỏ ấm và sáng hơn. Cờ hoa rợp phố như thể đất nước được mùa. Nhìn người ta mua sắm Tết cũng là điều thú vị với tôi. Tưởng chừng như tôi đang sắm Tết. Nào là kẹo mứt ; nào là bánh chưng, bánh tét ; nào là chả giò ; nào là mọi thứ… Hàng hóa như theo người về nhà vui Tết. Một chút rượu làm hân hoan mọi nỗi lòng trong năm mới ; một chút hạt dưa làm hồng môi ngọt của ai ; và cả một chút tờ báo xuấn trải lòng người cùng Tết … Tôi gửi xe và vào chợ hoa xuân. Đầy hoa! Hoa ngợp trước mắt tôi. Ngày thường dễ gì thấy hoa như thế! Ước gì trên những con đường lớn Đà Nẵng cũng có hoa đẹp quanh năm! Chỉ toàn là cái đẹp, toàn sự tốt lành đang ẩn hiện trên mỗi loài hoa, ai mà chẳng thích? Tết đến mà có một chậu mai chưng thiệt là tuyệt! Và tôi cố tìm cho được một chậu vừa ý mà lại vừa túi tiền. Có mai, căn nhà như sáng thêm lên, như mùa xuân ngập cả nhà. Vợ chồng con cái gắn chặt nhau hơn trong những lần mai nở. Và bè bạn nói những điều tốt đẹp cho nhau khi Tết đến xuân về. Dại gì ta nói xấu nhau! Sao ta không nói tốt về nhau, nếu được? Đang chú mục vào môt chậu mai, đang thưởng thức để tìm thêm cái đẹp, cái tốt trong mai để đem về còn khoe với vợ con, bằng hữu. Bỗng nhiên, có cái vỗ vai của ai đó làm tôi giật mình. Quay lại nhìn, tôi ngờ ngợ thấy gương mặt quen quen. Ấp úng, tôi hỏi: “ Ông … Ông là..? ”. Người đàn ông giờ đối diện với tôi cũng ấp úng: “ Xin lỗi có phải … Ông là...”. Tôi thấy quen quá, nên nói luôn: “ Tôi là An ”. Người đàn ông nói: “Tôi là Thanh, bạn cũ của ông đây!”. Hai chúng tôi mừng nhau không thể tả. Chúng tôi tìm một quán nước gần đó để trò chuyện. Tôi được biết Thanh từ thành phố Hồ Chí Minh về quê ăn tết. Hắn ta – tôi phải gọi như thế để nhớ lại cái thuở còn thanh niên – về quê lần này tiện thể vừa để tìm người yêu cũ. Gần 20 năm mà hắn vẫn không quên cô ấy dù đã cả hai đã có gia đình. Hắn chỉ cười buồn và trải lòng cho tôi nghe. … Kể từ dạo ấy, cái thưở hai đứa hắn cảm lòng nhau. Lòng của hắn như có kiến đốt. Hắn ăn cũng không ngon, hắn cười cũng chưa hết cở. Nói tương tư thì không đúng lắm, hắn chưa đến nỗi phải nằm liệt gường bởi yêu. Vả lại, yêu mà bị bệnh thì ai dám yêu. Yêu như thế quả là khổ sở. Mỗi lần ra đường, đầu óc hắn vẩn vẩn vơ vơ. Ngó thấy ai có cái dáng dấp của cô ấy thì hắn mừng, tưởng như là gặp cô ấy. Nhiều khi buồn, hắn bâng quơ lấy xe chạy vòng vòng khắp phố, không biết là chạy đi đâu. Hắn chạy xe qua nhà cô ấy bao nhiêu lần, hắn cũng không nhớ hết. Mỗi lần như thế, hắn đều ước ao gặp cô ấy. Điều ước ấy có lúc xảy ra nhưng là những lúc tình cờ. Tình cờ mà gặp nhau, còn cố tình cũng chưa thể gặp nhau, âu đó cũng là cơ duyên, hắn nghĩ vậy. Và chuyện của hắn, ban đầu cũng là sự tình cờ của những lời bông đùa, như ngọn gió bỡn cợt trên cành hoa xuân, như ngọn nắng đùa trên cỏ, như cánh diều bâng khuâng treo gió trên nắng mùa xuân và như sự bông đùa của gái trai muôn thuở. Nhưng rồi, như sự ngẫu nhiên của trái tim, của sự chân thành, chúng đã yêu nhau. Yêu nhau thôi, yêu nhau tha thiết, yêu bằng cả ngôn ngữ của tình yêu, yêu bằng mắt bằng lời, bằng cả nỗi lòng thơ ca của chúng. Kể cũng lạ, bình thường hắn ít viết, viết không nổi một câu thơ, thế mà khi chúng yêu nhau thì không biết cớ sao, hắn lại làm thơ, làm rất nhiều thơ, mà bài nào cũng được. Lần đầu tiên cô ấy đọc thơ hắn, cô ấy chỉ cười, nụ cười bây giờ hắn vẫn còn có cảm giác ngọt lịm. Còn gì đẹp bằng khi có kẻ tri âm, tri kỷ. Và mặc nhiên chúng coi nhau là tri kỷ, tri âm. Không biết sao hắn biết cả tên cha, tên mẹ, tên em trai, em gái của cô ấy, biết cả số nhà, số điện thoại. Và cô ấy biết hắn thích gì. Kể cả chuyện riêng tư, cô ấy cũng kể hắn nghe. Thế nhưng! Đời mà! Biết bao sự “thế nhưng” trong cuộc đời này. Chúng yêu nhau, quả là vậy! Thế nhưng chúng vẫn không thể sống cùng nhau. Yêu nhau mà sống đuợc với nhau thì quả là tuyệt rồi! Thế nhưng, đâu có phải yêu nhau là phải sống với nhau. Nhiều lúc hắn tự an ủi cho riêng mình, như là một sự ru lòng mình yên tĩnh. Đã 20 năm xa cô ấy. Hắn đếm ngón tay là đã 20 năm ; hắn tặc luỡi là đã 20 năm. Nơi cô ấy ở trước đây giờ đã khác. Người cũng khác, toàn là người lạ. Hắn cảm thấy buồn buồn. Dễ gì gặp cô ấy để khen cô ấy có cái áo đẹp ; dễ gì gặp cô ấy để cả ngày hắn trọn niềm vui. Như một định mệnh, lẽ hợp tan là thường tình của trời đất. Hắn biết cái quy luật ấy, cố nín lặng chịu đựng nỗi nhớ của riêng mình. Đặt ly cà phê xuống bàn, tôi hỏi hắn: - Thế ông không yêu vợ ông sao? Hắn trố mắt nhìn tôi, chửng hửng: - Sao không yêu? Không yêu vợ con thì yêu ai? Tôi gặng hỏi: -Thế sao ông còn nhớ cô ấy? Giọng hắn như lạc vào cổ tích: - Kỉ niệm, ai mà không nhớ! Vả lại, cái tôi của thằng đàn ông đầy tham lam lắm ông ạ! Nhất là trong tình yêu! Có vợ có con rồi mà vẫn muốn có người yêu như là sự khẳng định mình với trần gian này, không biết tôi nói như thế có quá không? Im lặng… Và tôi. Tôi không thể giấu lòng mình. Tôi cũng có vợ có con rồi ; tôi cũng muốn quên “ cô ấy của tôi ”, nhưng đâu dễ gì quên. Chỉ có kẻ vô tình mới không để ý đến nhau, mới dễ quên nhau. Và chỉ có kẻ dửng dưng, đâu cần ai để nhớ! Tôi nhớ như in, hầu như ngày nào tôi cũng ghé quán cà phê cô ấy. Nắng cũng như mưa, thời tiết dẫu thay đổi nhưng tôi cứ như là đúng hẹn cùng cô ấy. Chỉ có thế thôi mà tôi đã cảm lòng bởi sự chân thành của cô ấy. Rồi, Đà Nẵng chỉnh trang đô thị. Nơi cô ấy bán được giải tỏa để mở rộng đường. Cô ấy không còn bán cà phê, cô ấy chuyển sang làm nghề khác. Tôi không còn cớ để gặp cô ấy. Chỉ còn nỗi nhớ xốn xang. Nhiều lúc đi trên đường, bất chợt, tôi thấy một số xe của ai đó, nếu chỉ cần có một con số hoặc chỉ cần màu xe gần giống xe cô ấy là tôi lại nghĩ đến cô ấy, hoặc nhiều lúc tôi làm thơ, thơ đâu chẳng thấy, chỉ thấy trên giấy tòan là tên cô ấy. Tôi vẩn vơ nghĩ về cô ấy, nghĩ về tình yêu. Tình yêu cũng như hoa kia. Bạn có thể thích hoa, nhưng đâu có thể đem về nhà tất cả hoa mình thích. Chỉ cần một cành hoa, nhà bạn cũng Tết rồi! Tôi bắt tay chào Thanh. Tôi vào chợ hoa xuân. Trên đường về nhà, trên xe, một chậu mai vàng cùng tôi chào đón mùa xuân. Tháng Giêng - 2009 Phan Trang Hy (trích trong tập truyện NGƯỜI THẦY DẠY BÚP BÊ, Nxb Văn nghệ, 2009)