Việc Lý Thôi, Quách Dĩ hoành hành ở Tràng An là nhát dao cuối cùng chém gãy gục hẳn chính quyền trung ương, Thiên tử nhà Hán bất quá chỉ còn mang giá trị như một đồ vật tượng trưng, một ấn ngọc tỉ biết nói biết đi, biết ăn biết khóc mà thôi. Chính quyền trung ương sụp đổ, đương nhiên quyền lực để mưu đồ thiên hạ chuyển qua tay các lực lượng địa phương. Cái thế “Rồng tranh hổ đấu” lúc bấy giờ kịch liệt gay go nhất tại những địa phương: U, Tinh, Ký, Thanh, Duyện, Dự, Từ cùng các châu Kinh, châu Dương phía Bắc. Tình thế châu U Sự tiêu diệt khuynh loát lẫn nhau giữa các lực lượng khởi từ châu U. Cuối triều Linh Đế, châu U thuộc quyền cai trị của quan châu mục Lưu Ngu. Ngu vốn dòng tôn thất nhà Hán, tâm tính nhân hậu, trăm họ yêu mến, nhưng thiếu tài lược cần thiết cho lúc loạn. Tại đây có một vị quân quan tên gọi Công tôn Toản tay nắm binh quyền, hoài bão nhiều cao vọng, Toản từng rình rập ngôi vị Lưu Ngu. Ngặt vì chính trị trật tự chưa đảo lộn nên Toản phải gián chịu nép. Lúc Đổng Trác chuyên quyền bỏ vua này lập vua khác, Hiến Đế do Đổng Trác đưa lên, bị phe chống Đổng Trác không thừa nhận. Viên Thiệu bèn cùng Ký châu mục Hàn Phức liên hợp định suy tôn Lưu Ngu làm Hoàng Đế. Lưu Ngu phần sợ thành bù nhìn vì thiếu thực lực, phần sợ phá hoại nghĩa vua tôi nên cương quyết chối từ. Chối từ xong, Lưu Ngu mật phái người tâm phúc đến Tràng An triều kiến Hiến Đế. Tiếp xúc với bộ hạ của Lưu Ngu giữa lúc đang bị Đổng Trác làm khổ, Hiến Đế như người bệnh lâu ngày trông thấy thuốc, mừng rỡ viết chiếu chỉ, giấu đút giao cho con Ngu là Lưu Hòa hiện làm quan tại triều đem đi cầu viện. Để tránh tai mắt của Đổng Trác, Hòa không dám vượt ải Hàm Cốc, phải vòng phía đông qua Thương huyện, nên Hòa bị quân Viên Thuật bắt gặp ở Nam Dương, nơi mà Thuật vừa đoạt lại từ tay Tôn Kiên. Thấy có cơ hội làm ăn lớn, Thuật bèn giữ Lưu Hòa rồi sai người đến báo cho Lưu Ngu biết, và ước hẹn Ngu đem quân đến Tây Thượng hợp với quân Thuật ứng lời chiếu về Tràng An. Công Tôn Toản hay tin rất lo sợ cho sí đồ của mình, một mặt xui Lưu Ngu đừng gởi quân đến Tây Thượng, mặt khác thông với Thuật nói Lưu Ngu không muốn ai chia sẻ công lớn. Thuật giận giam Lưu Hòa. Khi Ngu gửi quân, Công tôn Toản chẹn đường cướp binh. Cơ hội nghênh giá của Lưu Ngu tiêu tan. Cơ hội liên kết giữa Viên Thuật với Ngu cũng lỡ chỉ vì một chút tiểu xảo của Công tôn Toản. Toàn bộ sự việc trên tuy nhỏ, nhưng có liên quan tới Đế vị cho nên ảnh hưởng không phải là không to tát vào tình thế chính trị Tam Quốc. Hậu quả của hành động mua giây thắt cổ Toản thực hiện được dã tâm của mình lấy làm đắc ý, liền dựa trên danh nghĩa thảo tội Đổng Trác mang quân đánh Ký Châu[1]. Ký Châu đặt trong tình trạng nguy cấp. Ai ngờ việc Toản làm lại mở đường cho Viên Thiệu xơi ngon Ký Châu. Hàn Phức thấy Ký Châu bị Toản uy hiếp, vừa lúc Đổng Trác thiên đô chạy, Thiệu kéo quân về, Phức nghe lời Thiệu thuyết phục, nhường Ký Châu cho Thiệu. Thế là Toản chiếm đất chẳng được, còn rước thêm con thú dữ về cạnh nách. Viện Thiệu sợ Toản, Thuật liên minh nên quyết tiêu diệt thế lực Toản. Lực lượng Tào Tháo trưởng thành Tranh chấp sơ khởi hết sức phức tạp, nên chính sách của mỗi thế lực đều mang hai mặt: Một mặt liên hợp. Một mặt đấu tranh. Bởi vậy ta mới thấy những hiện tượng: Tào Tháo liên kết với Viên Thiệu, Lưu Bị dung Lã Bố, Viên Thiệu hợp tác với Lưu Bị, Tào Tháo giúp Lưu Bị đánh Lã Bố, v.v. Những hiện tượng ấy hoàn toàn xuất phát từ nhu yếu chính trị, chứ không phải do cảm tình cá nhân như tinh thần Tam Quốc Chí diễn nghĩa diễn tả. Trong tình trạng rối ren, Tào Tháo chỉ có hai bàn tay trắng với chút ít lực lượng chẳng đáng kể. Thế mà thế lực Tào Tháo lớn như thổi. Sở dĩ Tháo mạnh là nhờ những tư tưởng rất thực tiễn của Tháo. Sau thời kỳ say sưa với khủng bố, làm dũng sĩ mưu sát hại Đồng Trác không xong, kế sách cùng Liên quân Đông đánh dấn Đổng Trác không được nghe, đơn thương độc mã, một mình Tào Tháo vác quân đuổi theo quân Trác, bị phục binh Lã Bố, Từ Vinh theo kế Lý Nho đánh suýt bỏ mạng. Tào Tháo tỉnh ngộ. Áp dụng chính sách từ gần đến xa, từ nhỏ đến lớn, gần tre ẩn nắng, gần mía bẻ cây, Tháo biến tất cả mọi hoàn cảnh nghịch hay thuận thành lợi thế cho mình. Ý thức chính trị của Tháo chuyển từ lãng mạn sang thực tế thật nhanh và thật sắc bén. Đổng Trác chết, Tào Tháo nhờ cậy Viên Thiệu tiến cử xin vua Hiến Đế phong cho mình làm Thái Thú Đông Quận. Thiệu vin cớ Tháo đã bình định được giặc giã ở Duyện Châu mà xin. Năm Hiến Đế thứ ba, quân Khăn Vàng ở Thanh Châu đại tấn công Duyện Châu. Việc này La quán Trung tiên sinh kể như sau: Đám giặc ở Thanh Châu nổi dậy, tụ quân vài mươi vạn khởi loạn, cướp bóc của dân. Thái bộc Chu Tuấn xin tiến cử một người đi dẹp giặc. Thôi, Dĩ hỏi ai? Tuấn nói: Muốn phá giặc Sơn Đông, phi Tào Tháo không xong. Lý Thôi hỏi: Bây giờ Tào Tháo ở đâu? Chu Tuấn thưa: Hiện đang làm Thái thú Đông quận, có nhiều quân sĩ, giá sai người này đi đánh giặc thì không mấy bữa giặc tan. Lý Thôi mừng lắm, ngay đêm ấy thảo tờ chiếu cho người mang ra Đông quận sai Tào Tháo cùng với tướng Tế Bắc là Pháo Tín đi đánh giặc. Tháo vâng chiếu, hợp với Pháo Tín, cùng tiến quân đánh giặc ở Thọ Dương. Sở dĩ nói sai phái với phong chức vì Tam Quốc Chí diễn nghĩa vẫn chú trọng đạo đức lý luận chính thống. Thật ra lúc ấy Trung ương chẳng có chút quyền nào với địa phương hết. Việc đi đánh dẹp Duyện Châu là chuyện riêng giữa Pháo Tín với Tào Tháo. Quân Hoàng Cân lúc tấn công Duyện Châu đã giết chết ngay viên thứ sử châu này là Lưu Đại. Pháo Tín, võ tướng đất Duyện vốn vẫn hâm mộ Tào Tháo nên tự mang quân đến liên kết với Tào Tháo, đồng thời đem Duyện Châu cho họ Tào. Dẹp loạn ở Duyện Châu xong, nhờ chính sách cải biên, lực lượng quân sự Tào Tháo tăng lên hơn 30 vạn người. Thêm bàn đạp châu Duyện làm Tào Tháo mạnh như cơn sóng cả. Khái quát thực trạng đấu tranh và liên hợp giữa các lực lượng Nói về đất Kinh Châu, hồi này do Thứ sử tên Lưu Biểu nắm giữ. Kinh Châu tuy lớn, nhưng Lưu Biểu vô tài nên không mạnh. Kinh Châu lại tiếp cận với Nam Dương, địa bàn của Viên Thuật. Lúc đó lực lượng Tôn Kiên là một lực lượng không có căn cứ, tạm đóng ở huyện Lỗ Sơn tại Hà Nam. Viên Thuật vì muốn dòm ngó Kinh Châu, liên kết với Kiên bằng cách vận động cho Tôn Kiên được phong làm Thứ sử Dự Châu, để uy hiếp Kinh Châu. Mưu đồ của Thuật đã tạo nên minh ước Viên Thiệu-Lưu Biểu. - Nói về đất Từ Châu, địa thế tiếp cận với Duyện Châu, nơi mà thế lực Tào Tháo đang lên như vũ bão, Duyện Châu với Từ Châu không thể không thôn tính nhau. - Nói về đất Thanh Châu, bấy giờ thuộc Thứ sử Điền Khải cai trị. Điền Khải là người của Công Tôn Toản. Thế đấu tranh phân ra hai điều tuyến: - Viên Thiệu tại Ký Châu, Lưu Biểu tại Kinh Châu, Tào Tháo tại Duyện Châu đứng trên một điều tuyến. - Công Tôn Toản (con người có thực quyền) tại U Châu, Viên Thuật tại Nam Dương, Tôn Kiên tại Dự Châu, Đào Khiêm tại Từ Châu đứng trên một điều tuyến. - Còn Lưu Bị chưa đáng kể vào đâu, vẫn coi như gia tướng của Công Tôn Toản. Hai tập đoàn đấu tranh. Tập đoàn Thuật, Toản thất bại. Công Tôn Toản tiến binh đánh Viên Thiệu, Toản thua. Viên Thuật đẩy Tôn Kiên công kích Lưu Biểu, tuy chiến thắng nhưng vì Tôn Kiên dùng binh quá khinh suất nên bị quân Biểu bắn chết tại trận. Thừa thế, Lưu Biểu dồn quân cắt đứt đường tiếp tế của Thuật. Công Tôn Toản phát động Lưu Bị hợp cùng Đào Khiêm đánh vào Tây Bắc Sơn Đông để làm khốn Viên Thiệu, Viên Thiệu bèn liên kết với Tào Tháo đẩy lui được địch quân. Mặt khác Viên Thuật cũng tự mình đem quân đến địa phương Trần Lưu hòng đánh vỗ lưng Tào Tháo, nhưng việc không thành, Viên Thuật chạy trốn lên mãi quận Cửu Giang trong đất Dương Châu (nay thuộc huyện Thọ Xuân tỉnh An Huy). Tại đây Thuật giết ông Thứ Sử Dương Châu mà chiếm lấy đất này làm căn cứ. Chiến cục Tào Tháo và Đào Khiêm Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể cuộc chiến tranh Đào Khiêm, Tào Tháo rằng: Tào Tháo bình định Duyện Châu xong liền cho luyện binh, thu tướng, nạp hiền, phát triển thế lực. Khi uy danh đã lừng lẫy, Tháo sai Ung Thiệu về quê đón bố là Tào Tung. Tung hay tin Tào Tháo, mới cùng Tào Đức đem theo hơn một trăm gia nhân với nhiều của cải về Duyện Châu. Dọc đường đi qua Từ Châu, Tào được quan Thái thú Từ Châu là Đào Khiêm, xưa nay vẫn muốn làm quen thân với Tào Tháo nên thân hành ra đón. Khiêm mở tiệc khoản đãi Tung mấy ngày liền. Lúc Tung đi, Khiêm sai Trương Khải đem năm trăm bộ binh hộ tống. Không ngờ Trương Khải vốn là dư đảng Khăn Vàng, thấy Tào Tung có nhiều tiền bạc, thói xưa lại nổi dậy, Khải giết sạch toàn gia Tào Tung lấy hết của cải rồi trốn về Hoài Nam. Tháo nghe tin khóc lăn xuống đất, nghiến răng mà nói: “Đào Khiêm hỡi! Dám thả cho quân giết bố tao. Thù này mày với tao không đội trời chung được. Nay ta khởi hết đại quân sang giết sạch cả Từ Châu mới hả được giận này”. Liền sai Tuân Úc, Trình Dục lĩnh ba vạn quân ở lại giữ Nhân Thành, Phạm Huyện, Đông A, còn bao nhiêu quân kéo cả đến Từ Châu, sai Hạ hầu Đôn, Vu Cấm, Điển Vi làm tiên phong. Tháo hạ lệnh: “Hễ đánh được thành trì nào, bao nhiêu dân trong thành giết nhẵn để báo thù cho cha”[2] Diễn tả hồi này bằng giọng điệu trên đây, tác giả Tam Quốc Chí diễn nghĩa muốn cho nhân vật Tào Tháo theo ý ông càng linh hoạt, đầy đủ đức tính đáng gờm. Chẳng những Tháo đại gian mà còn đại ác nữa. Sự thật cái chết của Tào Tung không có chứng cớ, thủ phạm rõ rệt. Chiến tranh giữa Từ và Duyện hoàn toàn thuộc chính sách ra sức phát triển lực lượng của Tào Tháo. Những trận đánh gay go quyết liệt làm cho đổ máu nhiều chứ không phải Tào Tháo ra lệnh giết nhân dân mà báo thù cho cha. Tào Tháo không phải là người kém chính trị như vậy. Nếu có chuyện báo thù chăng nữa chẳng qua cũng chỉ là thủ đoạn mượn danh nghĩa để che đậy mưu đồ phát triển của Tháo mà thôi. Lưu Huyền Đức gặp cơ hội đầu tiên Tào Tháo khởi đại binh đánh Đào Khiêm, mặc dù phía Đào Khiêm có Lưu Bị, Viên Thuật, nhưng cả Khiêm lẫn Lưu Bị và Viên Thuật đều không phải là những mặt đủ khả năng đối địch với Tào Tháo. Tào Tháo chắc chắn nuốt trôi Từ Châu, nếu không có Lã Bố xuất hiện ngăn trở. Số là: “Lã Bố từ khi gặp loạn Lý Thôi, Quách Dĩ, trốn ra cửa Vũ Quan, định đi theo Viên Thuật, Thuật ghét Bố hay phản phúc không dùng. Bố lại đến với Viên Thiệu, được Thiệu dung nạp, Thiệu cùng Bố đánh tan Trương Yên ở Trường Sơn. Từ đấy, Bố lấy làm đắc chí, khinh nhờn những Tướng sĩ của Thiệu, Thiệu giận muốn giết. Bố lại bỏ sang với Trương Dương. Lý Thôi, Quách Dĩ biết, đòi Trương Dương phải giết Lã Bố. Bố liền bỏ Dương sang ở với Trương Mạc. Giữa lúc ấy thì em Trương Mạc là Trương Siêu đưa Trần Cung đến ra mắt Trương Mạc. Cung bảo Mạc rằng: Nay thiên hạ bị chia xé, anh hùng nổi dậy, ông có đất ngàn dặm sao lại chịu ở dưới quyền người khác, há chẳng hèn lắm sao? Nay Tào Tháo đánh mặt Đông, Duyện Châu bỏ trống. Lã Bố là dũng sĩ đời nay, giá ông cùng với Lã Bố đánh lấy Duyện Châu thì bá nghiệp có thể làm nên được. Trương Mạc cả mừng liền sai Lã Bố ra phá Duyện Châu, rồi chiếm cả Bộc Dương. Chỉ có ba xứ Nhân Thành, Đông A, Phạm Huyện may nhờ Tuân Úc, Trình Dục lập kế cố giữ được, các xứ kia đều bị phá vỡ cả. Tào Nhân đánh nhau mãi, nhưng không đương nổi, vì thế phải đi cấp báo với Tào Tháo. Tháo giật mình khi nghe tin và nói rằng: - Nếu Duyện Châu mất ta sẽ không còn chỗ để về nữa. Phải kíp lo toan ngay[3]. Tổng kết chiến tranh Tào Tháo-Đào Khiêm thì chỉ riêng Lưu Bị là có lợi, vì Tào Tháo định thôn tính Từ Châu nên Lưu Bị mới vào được đất này. Vì Lã Bố đánh Duyện Châu, Tào Tháo phải rút nên Lưu Bị mới bỏ được cảnh ăn nhờ ở đậu, có đất Tiểu Bái làm vốn khởi nghiệp. Vốn ấy không bao lâu đã sinh số lợi khá lớn là toàn thể Từ Châu. Về phần Táo Tháo, việc Lã Bố đánh Duyện Châu thực có quan hệ mất còn, sống chết của Tào Tháo. Giả thử đại bản doanh của Tào Tháo bị Lã Bố phá vỡ hoặc chủ lực quân Tháo về cứu bị Lã Bố đánh tan thì Tào Tháo chắc mất hẳn đất đứng. May nhờ ba huyện cố thủ nên Tào Tháo mới có căn cứ đương đầu. Lã Bố thua Nguyên nhân nào khiến cho Lã Bố thua Tào Tháo? Tam Quốc Chí diễn nghĩa mượn lời Tào Tháo bảo rằng: Lã Bố là đồ vô mưu. Hai chữ vô mưu ở đây mang ý nghĩa thuần túy quân sự. Câu trên đây Tam Quốc Chí đã chịu ảnh hưởng của Tam Quốc Chí Ngụy Vũ Đế ký ghi: Tào Tháo thấy Lã Bố đồn binh tại Bộc Dương mới nói: “Lã Bố một sớm chiếm lãnh hẳn một châu, thế mà không biết chặn Đông Bình, cắt đứt Thái Sơn, Khang Phụ để chẹn ta, lại đóng quân ở Bộc Dương, Lã Bố chỉ là đồ vô dụng”. Tôi không chối cãi tính chất vô mưu và vô dụng của Lã Bố. Nhưng trong trận này, kế hoạch quân sự của Lã Bố rất chính xác. Bởi vì Lã Bố vào đất mới chiếm, cơ sở chính trị chưa thể củng cố ngay, nếu chủ lực Tào Tháo tồn tại, thì Lã Bố không đủ khả năng làm cuộc chiến tranh lâu dài với Tháo. Trung tâm hoạt động của Lã Bố lúc này là bằng mọi cách tiêu diệt chủ lực quân Tào. Trần Cung mới bầy cho Bố mẹo nội gián nhà họ Điền đưa thư cho Tào Tháo hẹn đến cướp thành. Quả nhiên Tào Tháo mắc mẹo, trận Bộc Dương thành làm cho chủ lực Tào Tháo hao tổn khá nhiều. Tháo bèn dùng chính sách lâu dài đấu tranh với Lã Bố. Hai bên giữ nhau ròng rã sáu tháng. Lã Bố bắt đầu nao núng, lại thêm nạn đói kém vì sâu bọ phá hoại, giá thóc đang từ 30 tiền một hộc vọt lên năm vạn tiền. Binh sĩ đói khát. Quân Tào Tháo nhờ có cơ sở chính trị nên phân tán tự canh, tự tác kiếm được lương ăn. Quân Lã Bố đói quá sinh loạn bỏ trốn. Lã Bố thấy tình trạng nguy ngập đưa vợ con chạy. Trương Siêu tự vận chết. Trương Mạc về đầu hàng Viên Thiệu. Một điều tuyến nứt rạn Giữa lúc cuộc chiến tranh Lã Bố, Tào Tháo kết thúc, thì bên Từ Châu, Đào Khiêm lâm bệnh nặng. Khiêm sai My Chúc đến Tiểu Bái mời Lưu Bị về để nhường Từ Châu cho Lưu Bị. Lưu Bị trong những ngày cai trị Tiểu Bái đã ra công kiến lập uy thế chính trị cho mình cho nên khi nhận ấn Châu mục Từ Châu, Lưu Bị không vấp trở ngại nào. Vừa kịp Lữ Bố thua chạy đến Từ Châu xin nương nhờ, Lưu Bị thu dụng Lã Bố cho ra trấn giữ Tiểu Bái. Có địa bàn vững chắc rồi, nhưng lực lượng họ Lưu không phát triển, rút cục còn bị đánh bật khỏi Từ Châu là vì: Thứ nhất: Lưu Bị không có một chính sách nào mới ngoài chủ trương dựa vào đám triều thần để duy trì trật tự cũ. Thứ hai: Lưu Bị thiếu người tài giỏi điều khiển chính trị, quân sự cùng nhiều mặt khác, đồng thời Lưu Bị chỉ giỏi sử đãi cán bộ nhưng rất kém mặt trị sự. Thứ ba: Từ Châu sang tay Lưu Bị liền bị du vào cái thế “Tứ diện thụ địch”. Trước hết là địch ở ngay trong tâm phúc. Lã Bố tại Tiểu Bái lúc nào cũng chờ cơ hội phản bội. Rồi đến hành động ngu xuẩn nóng vội của Viên Thuật mắc mưu gây mâu thuẫn nội bộ của Tào Tháo (Kế Tuân Úc). Viên Thuật, Lưu Bị, Lã Bố mâu thuẫn, xung đột, điều tuyến chính trị do Viên Thuật gây dựng nay Viên Thuật tự tay phá hoại. Sự kiện này đã tạo cho Tào Tháo một cơ hội lớn để kiến trúc Đế nghiệp nhà Ngụy, mở đầu bằng việc chia binh nghênh giá Hiến Đế. Ví thử Viên, Lưu không chia rẽ, hỏi làm sao Tháo có thể rảnh tay mà đem binh về tranh thủ quyền chính Trung ương mà không phải trả một tổn phí nào? Khổng Dung chế độ “danh sĩ” đã hết - Tập đoàn Thái học sinh Đời Đông Hán các lãnh tụ tập đoàn Thái học sinh có uy quyền lớn đối với xã hội, đối với triều đình. Họ thường tự xưng tụng cũng như người thời bấy giờ xưng tụng họ làm: Tam quân như Đậu Vũ, Lưu Thúc, Trần Phồn (những lãnh tụ tối cao) Bát Tuấn (những vị anh hùng), Bát Cố (những người tài đức), Bát Cập (những người lãnh đạo, răn dạy dân) Bát Trù (những người nhiều tiền của cứu nhân độ thế). Sở dĩ nhóm Thái Học Sinh được chính quyền kiêng nể là vì tư tưởng, luận đàm của họ có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Về sau, Thái Học Sinh càng ngày càng mang hình thái quý tộc, ảnh hưởng Thái Học Sinh giảm dần. Tuy vậy cái tinh thần Bát Tuấn, Bát Cập, Bát Cố, Bát Trù mà Thái Học Sinh nêu ra trong cuộc đấu tranh với hoạn quan, ngoại thích người đương thời vẫn chưa quên hẳn. Khổng Dung Khổng Dung là tiêu biểu cho cái ánh sáng sắp tàn của nhóm trí thức Thái học Đông Hán. Dung không nổi tiếng hay không có uy danh bằng chức tước quan lại, mà bằng hai chữ danh sĩ. Loại danh sĩ kiểu Khổng Dung gồm những người thị tài ngạo vật, tự cao thân giá, nghị luận thanh đàm. Nhờ mánh khóe tán tụng lẫn nhau, họ đã tự biến thành một mục tiêu đức vọng truyền thống cho người đời và gây cho bản thân họ một tiềm lực trong xã hội không nhỏ. Lúc Tào Tháo chưa kiến lập được uy thế, nhờ ông Kiều Huyền dẫn Tháo đến yết kiến danh sĩ Hứa Thiệu. Hứa Thiệu gặp Tháo có phê bình một câu: “Tháo là người bề tôi cực giỏi nếu gặp thời trị nhưng Tháo sẽ là người cực gian hùng thời loạn.” Vì lời nói từ trong miệng Hứa Thiệu nên nó đã làm cho nhiều người chú ý đến Tào Tháo. Khi Khổng Dung bị quân Khăn Vàng bao vây, Dung sai người đến cầu cứu Lưu Bị. Lưu Bị kinh ngạc nói rằng: “Khổng Bắc Hải mà cũng thèm biết đến Lưu Bị ư?” Xem thế đủ biết tên tuổi đám nhân sĩ mạnh nhường nào. Một khi tâm lý chuộng thanh danh ấy chưa quét sạch thì bọn người kiểu Khổng Dung vẫn bám vào nó, dùng trí thức phản động để lũng đoạn xã hội. Bọn này còn lũng đoạn thì tiến hóa còn nhiều chướng ngại, xã hội lịch sử còn khó chuyển hình. Qua Khổng Dung chúng ta hãy phân tích, mổ xẻ tâm trạng và sinh hoạt của bọn danh sĩ cuối Đông Hán. Nói trắng ra bọn danh sĩ phần lớn chỉ hoa hòe, hoa sói mà vô thực tài, nói nhiều hơn làm. Chẳng những họ không có tài cán cứu nước cứu dân, ngay cả trên tâm lý và hoài bão cũng không sạch sẽ gì, dễ a dua phản bội. Danh sĩ Khổng Dung, thời gian làm Thái thú Bắc Hải nổi danh bằng sinh hoạt uống rượu tán dóc “tọa thượng khách thượng mãn, tôn trung tửu bất không”, bài binh bố trận trên bàn tiệc. Một năm mất mùa Tào Tháo cấm rượu, Khổng Dung phản đối. Dung lý luận: “Đức rượu tồn tại đã lâu. Trời có sao rượu, Đất có sao rượu, người truyền tụng Đức rượu. Vua Nghiêu dùng ngàn chum rượu để lập trật tự hòa bình. Khổng Tử không rượu lấy gì làm Thánh?” Mỗi lần phải giải quyết vấn đề thực tế, mỗi lần đối chọi với khó khăn, Khổng Văn Cử đều thất bại và đều áp dụng một chính sách đào tẩu. Chính sách Tào Tháo sử đãi bọn danh sĩ Thấy thế lực bọn danh sĩ vẫn còn lớn, nên Tào Tháo phải dùng chính sách chính trị giải quyết. Chinh sách sử đãi bọn danh sĩ là: một mặt co kéo thu dụng và giáo dục, một mặt tiêu trừ. Tào Tháo đã nhìn thấu suốt tính chất và nhược điểm của bọn người này. Trước tiên, Tào Tháo đem quan chức câu nhử. Tháo thừa biết các danh sĩ thường lợi dụng hai chữ danh sĩ để làm cầu vào quan lộ. Quả nhiên hầu hết các danh sĩ xúm xít quanh miếng mồi đó treo nơi đầu móc câu của Tào Tháo. Người mang tật quan nặng nhất là Khổng Dung. Kết cuộc Khổng Dung cũng như Dương Tu, Biên Nhượng bị Tào Tháo chặt cổ ráo. Các danh sĩ khác nhận chịu ép một bề nên hóa thành “ngự dụng phẩm” của Tháo. Trong tranh đấu với thế lực danh sĩ, Tào Tháo đề ra hai đường lối chính trị tài mới: 1) Tuyển lựa nhân tài, tuyệt đối bãi bỏ lề lối môn phiệt, thế gia. Bằng biện pháp này Tào Tháo đập vỡ khối cấu kết ỷ thế lẫn nhau của môn phiệt và thế gia. 2) Dùng người theo tài năng, không quá chú trọng cao danh mỹ đức. Những người có tài thực tế trị quốc, dụng binh, dù trên sinh hoạt phạm điều lầm lỗi, nhất nhất đều được lưu dụng. Lệnh Tào Tháo ra đã chấm dứt chế độ danh sĩ môn phiệt Đông Hán, mở chân trời mới cho phần tử trí thức. Tào Mạnh Đức cần vương (sai chư hầu bằng uy Thiên Tử) Ở Long Trung, Gia Cát đối đáp Lưu Bị, nhận định thế lực Tào Tháo rằng: “Nay Tào Tháo có dân hàng trăm vạn, ăn hiếp Thiêu Tử để sai chư hầu, tranh phong với Tháo bây giờ thật khó”. Tác giả Tam Quốc Chí diễn nghĩa vì cần cho câu chuyện kể được ly kỳ hấp dẫn, nên chỉ chú trọng đến mấy chữ: “hiếp Thiêu Tử dĩ lệnh chư hầu.” Người đọc sau này cũng bị Tam Quốc Chí diễn nghĩa lôi cuốn nên thường cho rằng: việc mượn uy Thiêu Tử là điều kiện thắng lợi lớn nhất của Tào Tháo. Tôi nghĩ phê phán như vậy là sai, là bị tư tưởng chính thống, bị tình cảm yêu ghét của tiểu thuyết chi phối. Từ trước tới nay theo cổ truyền, với nền văn hóa nông nghiệp vĩ đại, vị Hoàng Đế ở Trung Quốc không quan hệ cho trăm họ nặng như mọi người vẫn tưởng đâu. Kinh Thi có câu: Nhật xuất nhi tắc. Nhật nhập nhi tức. Tạc tỉnh nhi ẩm. Đế lực hà hữu vu ngã tại. Dịch: Mặt trời lên thì làm. Mặt trời lặn thì nghỉ Đào giếng lấy nước uống. Cầy ruộng lấy cơm ăn. Oai Vua chẳng ăn thua gì đến ta. Mạnh Tử nói: “Quốc dĩ dân vi mệnh, dân dĩ thực vi tiên”, vai trò Hoàng Đế, Thiên Tử chỉ trọng yếu khi nào dân chúng thừa nhận đấy là tượng trưng, là đại biểu của dân tộc quốc gia trong cuộc đấu tranh đối ngoại, chống xâm lược mà thôi. Với đấu tranh nội bộ, cá nhân vị Hoàng Đế chẳng là quái gì đối với dân chúng. Dân chúng cần người nào đem lại no ấm, yên bình, tiến bộ, thế là đủ rồi. Như vậy, những danh từ Hán thất chẳng qua chỉ là phiêu ngữ của mấy người có quyền lợi nêu ra. Không thể vì đấy mà bảo: Lòng dân còn tựa nhà Hán v.v.. Nói đến nhân tâm tư Hán, sao lúc Vương Mãng thất bại lại thấy nhiều người vì Mãng mà hy sinh? Chúng ta không thể nhận thức chính cục lịch sử bằng đôi mắt của Ban Cố xưa coi lịch sử làm của riêng một nhà được nữa. Chúng ta hãy phê phán với tinh thần nhận lịch sử là công vật của toàn quốc dân. Nếu nhận định dùng nhãn quan Ban Cố nhìn thời đại Tam quốc thì chính trị Tam quốc sẽ mất đi ý nghĩa. Tóm lại lý luận: Hiếp Thiên Tử, sai chư hầu xem như quan kiện quyết định thắng lợi của Tào Tháo là một kiến giải hoàn toàn không chính xác. Sự thành công của Tào Tháo ở nơi Tháo có một đường lối đấu tranh chính trị sát thực tiễn, ở cái tài dùng binh của Tào Tháo chứ không phải tại hiếp Thiên tử, dĩ lệnh chư hầu. Điều khó khăn mà Khổng Minh nói đây là phải đương đầu với tài trí của Tào Tháo cùng mấy vạn dân theo Tào đó. Nội tình việc đem vua về Hứa đô. Tuy nhiên, danh vị Hoàng Đế không phải hoàn toàn không còn chỗ nào khả dĩ lợi dụng. Hoàng Đế vẫn có thể là phương tiện tốt cho một thủ đoạn chính trị. Tào Tháo đánh bại Lã Bố, tái bình định Duyện Châu nhằm thời gian Hiến Đế lên ngôi đủ sáu năm. Mấy tháng sau, Hiến Đế trở về Lạc Dương, lực lượng Tào Tháo ở Hoài Dương cách Lạc Dương không bao xa. Hiến Đế trong tay bọn Lý Thôi, Quách Dĩ chẳng khác gì cá nằm trên thớt. Các cận thần của Hiến Đế mới bầy mưu cho Hiến đế vời Tào Tháo đem binh về triều. Sở dĩ có mưu kế này là vì trong triều đã quá loạn lạc, các thế lực xung đột giằng co bất phân thắng bại. Tam quốc chí Lã Bố truyện chép: “Hán Hiến Đế lúc ở Hà Đông, từng hạ chiếu gọi Lã Bố đến giúp. Chiếc thân phiêu bạt, Lã Bố nhận chiếu thư mà vô kế khả thi”. Nhu yếu cầu ngoại viện của triều đình đã lên đến cực độ. Tào Tháo bình định xong Duyện Châu, đang cần bành trướng sang phía Tây Nam chiếm nốt Dự Châu, dòm dỏ Lạc Dương, thì mưu mời Tào Tháo của các quan trong triều khác gì mâm cỗ sẵn cho họ Tào vậy. Tào Tháo cân nhắc: “Ủng hộ Hiến đế lợi hơn đánh đổ Hiến Đế”, cho nên Tháo mới chọn lộ tuyến cần vương. Nhờ danh nghĩa cần vương, Tào Tháo vừa chiếm lĩnh Lạc Dương mà không mất công chiến trận máu đổ xương rơi. Tại Lạc Dương, Tháo gặp Đổng Chiêu. Chiêu bầy kế cho Tháo thiên vua Hán Đế về Hứa Đô cho gần căn cứ, rồi sau hãy tiêu diệt các lực lượng. Ngoài việc bầy mưu, Đổng Chiêu còn tự thân viết thư thuyết phục bọn Dương Phụng đừng cản trở việc rời đô, khi Phụng tỉnh ngộ thì quá muộn. Rước Hiến Đế về Hứa Đô rồi, Tháo lần lượt đánh phá các phe đảng vẫn có thế lực xưa nay ở khu vực trung tâm như Hàn Tiêm, tàn quân Thôi - Dĩ, Dương Phụng để thực hiện công cuộc thống nhất toàn bộ chính trị, quân sự trong khu vực này. Chính trị họ Tào bây giờ ví như dòng sông lớn cuộn chẩy, mặc dầu có những xoáy nước nhưng sông lớn vẫn xuôi theo chiều của nó. Chỗ hơn người của Tào Tháo, là tầm nhận thức chính trị rộng rãi, đại cục. Do đó Tào Tháo mới được những tay hào kiệt loại Đổng Chiêu, mặc dù không phải là mưu thần sách sĩ của Tào Tháo mà cũng ra sức giúp đỡ Tháo. Vụ chiếu chỉ đai áo Ở Hứa Đô, trên danh nghĩa, Tháo làm Tể tướng nhà Hán, nhưng trên thực tế Tháo đã chiếm giữ một địa bàn quan trọng. Để ổn định Quốc gia, Tháo lập chính sách dập tắt hơi lửa tàn của hệ thống thống trị cũ là bọn bá quan triều thần. Mở đầu, Tào Tháo trục Dương Bưu và Triệu Phạm. Tào Tháo tổ chức cuộc đi săn Hứa Điền để dò xét phản ứng của từng người. Nhờ việc đi săn Hứa Điền mà Tào Tháo phát hiện được âm mưu do Đổng quốc Cữu cầm đầu. Tam quốc Chí diễn nghĩa viết nguyên nhân vụ đai áo chiếu như sau: Về cung, nghĩ đến việc đi săn hôm ấy, vua tủi mà khóc bảo vợ là Phục Hoàng hậu rằng: Ta từ khi lên ngôi đến giờ gặp nhiều gian hùng. Trước thì Đổng Trác, sau thì Lý Thôi, Quách Dĩ. Những điều khổ ải người ta chưa từng thấy bao giờ, ta và Hoàng hậu đều đã nếm trải cả. Đến nay gặp Tào Tháo, tưởng nó là bầy tôi xã tắc, không ngờ nó lộng quyền tự làm uy làm phúc. Ta trông thấy nó bao giờ là như chông gai cắm vào lưng bấy giờ. Hôm nay, nó ra nhận lời chúc mừng của các quan thật là vô lễ. Nay mai tất có vạ, vợ chồng ta chưa biết chết chỗ nào. Phục Hoàng hậu nói: Công khanh đầy triều, đều ăn lộc nhà Hán, chẳng lẽ lại không có ai cứu được quốc nạn sao? Phục Hoàng hậu nói chưa dứt lời thì có một người ở ngoài bước vào tâu rằng: Xin vua và Hoàng hậu đừng lo, tôi xin cử một người có thể cứu được nạn nước. Vua trông ra thì là bố đẻ Phục Hoàng hậu là Phục Hoàn. Vua gạt nước mắt hỏi rằng: Quốc trượng cũng biết giặc Tào Tháo nó chuyên quyền à? Hoàn nói: Xem như việc bắn hươu ở Hứa Điền thì ai chẳng biết, chỉ vì cả triều văn võ phi là họ hàng Tào Tháo thì là đầy tớ của nó. Nếu không phải quốc thích thì ai chịu hết lòng đánh giặc. Lão thần không có quyền thế gì, khó làm nổi việc ấy, nhưng có Xa kỵ Tướng quân Đổng Thừa có thể tin cậy được. Vua nói: Đổng Quốc cữu nhiều lần liều mình với nạn nước, ta vốn đã biết, nên mời vào trong cung để bàn việc lớn. Hoàn nói: Tả hữu ở đây đều là tâm phúc của Tào Tháo, nếu việc tiết lộ sẽ xẩy ra vạ to. Vua hỏi: Thế thì nên làm thế nào? Hoàn nói: Tôi có một kế, Bệ hạ nên cho may một cái áo bào và làm một cái đai ngọc, mật ban cho Đổng Thừa, ở trong đai để tờ mật chiếu. Khi về thấy tờ chiếu, Thừa sẽ ngày đêm nghĩ kế thi hành, thế thì dù quỉ thần cũng không biết được.[4] Đổng Thừa nhận chiếu chỉ Hiến Đế, về nhà rủ bọn Vương tử Phục, Sung Tập, Ngô Thạc, Mã Đằng, Lưu huyền Đức lập kế giết Tào Tháo. Năm Kiến An thứ 5, Đổng Thừa bệnh, vua biết tin sai quan thái y Cát Bình đến chữa. Đổng Thừa nhân cơ hội rủ Cát Bình cộng tác, rồi cùng bọn Vương Tử Phục bàn dùng Cát Bình đầu độc Tào Tháo. Chẳng may người đầy tớ nhà Đổng Thừa phản bội, đem chuyện tố cáo với Tháo. Cát Bình bị bắt quả tang, Tào Tháo sai bắt luôn bọn Vương tử Phục, Đổng Thừa giết hết cùng với Đổng Phi. Kinh dịch có câu: “Quân bất mật tất thất thần, thần bất mật tất thất thân, cơ sự bí mật tất hại thành” (nghĩa là: vua không kín đáo thì hại bề tôi, bề tôi không kín đáo thì hại đến thân, làm việc không kín đáo tất thất bại), thật rất hợp cho hoàn cảnh bọn Thừa – Phục. Giết xong nhóm quần thần đối lập, Tào Tháo truyền lệnh rằng: “Từ nay về sau, những người ngoại thích và tôn tộc nhà vua không được phép ta mà tự tiện vào cung thì cứ chém”. Vụ này duy có Lưu Huyền Đức nhanh chân “chuồn” được. Vương nghiệp Hán từ sau cái chết của Đổng Thừa kể như không còn nữa. Vụ chiếu đai áo, Tam quốc chí diễn nghĩa sao chép mấy câu thơ khen Đổng Thừa: Chớ kể thành hay bại. Nghìn thu trung nghĩa bền. Xét cho cùng, Đổng Thừa không xứng đáng với lời tán dương trên đây. Đổng Thừa bất quá chỉ là một đứa con hoang bệnh hoạn của mối tình giữa quân phiệt Đổng Trác với Hán triều đã què quặt. Với cái xuất xứ chính trị tàn phế ấy, việc làm của bọn Đổng Thừa mang thuần tính cách phản động. Có lẽ Lưu Huyền Đức cũng nhận thấy như thế mà bỏ trốn trước chăng? Lưu Huyền Đức Nhân một lần Tào Tháo dẫn Lưu Bị tới gặp Hiến Đế, Hiến Đế hỏi Lưu Bị: Tổ ngươi là ai? Lưu Bị tâu: tôi là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu xa đức Hiếu Cảnh Hoàng Đế, cháu Lưu Hùng và con Lưu Hoằng. Vua lấy sổ tôn tộc ra kiểm xem thấy: Hiếu Cảnh Hoàng Đế sinh mười bốn con, con thứ bẩy là Trung Sơn Tĩnh Vương, tên Lưu Thắng, Thắng sinh ra Lưu Chinh. Chinh sinh ra Lưu Ngang, Ngang sinh ra Lưu Lộc v.v.. và trải thêm hai chục lần sinh đẻ nữa đến Lưu Bị. Vua so trong thế phả thì Lưu huyền Đức vào hàng chú, Vua mừng lắm mời vào Thiên điện làm lễ nhận họ. Vua bấy giờ nghĩ bụng rằng: “Tào Tháo lộng quyền, việc nước không tự ta làm chủ. Nay người chú anh hùng, may ra ta có người giúp”. Thân phận hậu duệ nhà Hán của Lưu Bị quả là mơ hồ. Sở dĩ Hiến Đế nhận ngay bằng chú và Lưu Bị cũng im lặng là vì cả hai đều có nhu yếu chính trị bên trong. Giả thử, Lã Bố bỏ họ Lã mà lấy họ Lưu, rồi cũng nói đại là con cháu Trung Sơn Tĩnh Vương thì Hiến Đế cũng chẳng ngần ngại gì gọi Bố bằng chú. Hai chữ Hoàng thúc trong đầu óc Hiến Đế không mang ý nghĩa máu mủ họ hàng nào hết. Vậy nên luận về Lưu Bị, không thể xét trên cái lý lịch tôn thất, mà xét trên lý lịch “dệt chiếu, bán chiếu”. Lưu Bị là một người lái buôn nơi thị tứ, gia sản trung bình. Tính tình Bị hào kiệt, từ thủa thiếu thời có nhiều bạn, phần lớn là loại thành thị buôn bán. Nguyên nhân khiến Lưu Bị nhẩy vào vũ đài chính trị khởi từ việc hai đại thương gia Tô Song và Trương Thế Hòa (hay Trương Thế Bình) thuê Lưu Bị vũ trang hộ tống hàng hóa của họ chống lại quân Khăn Vàng. Ít lâu sau anh em Lưu Bị mới hưởng ứng việc mộ quân của Lưu Yên. Tâm chất Lưu Bị khả dĩ thu gọn vào mấy điểm: “Không ưa đọc sách lắm, thích chó ngựa, khoái âm nhạc, ăn mặc quần áo đẹp, sính kết giao với các hào kiệt". Tóm lại Lưu Bị hoàn toàn mang tác phong một anh hùng thành thị, thương nhân tiểu tư sản. Đem so sánh với Tào Tháo về học vấn, Tháo vượt xa Lưu Bị. Tào Tháo quyền trí, làm thơ, viết sách quân sự, Lưu Bị không. Tuy thế Lưu Bị chẳng phải người thiếu sở trường. Sở trường của ông ta là: Chịu đựng, nhẫn nại, khoan hậu, khiêm hư, biết dùng người, dùng người đúng chỗ, yêu mến cán bộ, về cái học thực tế kể ra Lưu Huyền Đức cũng chẳng kém Tào Tháo bao nhiêu. Tào Tháo dựa vào quyền trí mà tranh thủ địa vị. Lưu Bị dựa vào cảm tình quần chúng mà tranh thủ địa vị. Vốn là người hồ hải, tang bồng, nên Bị nhận thức được tầm quan trọng của quần chúng và cán bộ quan hệ với sự nghiệp chính trị, vì vậy ngay cả lúc lưu ly, phiêu bạt, Lưu Bị không bao giờ quên săn sóc đến đội ngũ, đến dân chúng. Người dân Tân Dã có câu hát ca tụng đức tính yêu dân của Lưu Bị như sau: Tân Dã mục Lưu Hoàng Thúc Từ khi đến đây Dân được sung túc. Ông thường nói: “Làm việc lớn, phải cần người, nay người về với ta nỡ nào lại bỏ”. Nhờ đức tính yêu người mà Lưu Bị dầu năm bẩy phen thất điên bát đảo, các cán bộ ly tán đều tìm cách trở về với ông. Cuộc đời chính trị của Lưu Bị có hai quan niệm trọng đại đáng kể, đã làm cho ông giác ngộ thay đổi quan niệm chính trị và thay đổi hẳn thân thế sự nghiệp ông. Quan kiện thứ nhất: ông xin Tào Tháo cho đem quân đi chặn đánh Viên Thuật để tránh vạ chu diệt. Đầu đuôi là: Lưu Bị sau khi ký vào tờ chiếu đánh giặc Tháo, mấy ngày sau Tháo sai người vời đến, tiếng rằng uống rượu thưởng mai, nhưng thực ra Tào Tháo muốn dò xét hoạt động của nhóm triều thần. Đàm luận với Tào Tháo xong, về nhà, Lưu Bị biết chắc âm mưu Đổng Thừa chẳng chóng thì chầy cũng vỡ lở, ông nghĩ ngay kế thoát thân, liền thưa cùng Tào Tháo: Nếu Thuật sang với Thiệu, tất phải qua Từ Châu, tôi xin lĩnh một cánh quân đi đón đường đánh chắc bắt được. Tào Tháo cười nói: Để ngày mai tâu vua rồi sẽ khởi binh. Hôm sau Huyền Đức vào gặp vua, Tào Tháo sai Huyền Đức đốc suất năm vạn quân sĩ, lại sai Chu Linh, Lộ Chiêu cùng đi. Huyền Đức về nhà trọ, nửa đêm thu xếp khí giới và ngựa chiến, đeo ấn tướng quân đốc thúc để đi cho chóng. Quan, Trương hỏi rằng: “Sao phen này anh đi vội vàng vậy”. Lưu Bị nói: “Ta ở Hứa Đô như chim lồng cá lưới, chuyến này đi như cá vào bể lớn, chim lên mây xanh, không bị giam hãm trong lồng trong lưới nữa”. Nói xong, thúc quân mã đi cho mau. Bấy giờ ở Hứa Đô, Quách Gia và Trình Dục đi khám xét tiền lương về nghe thấy Tào Tháo sai Lưu Bị đem binh sang Từ Châu vội vàng bẩm rằng: “Sao Thừa tướng lại sai Lưu Bị đi đốc binh?” Đời sau có thơ rằng: Gióng ngựa dục quân, lòng vội vã Nỗi lo canh cánh, chiếu trong đai Hổ tung cũi sắt về rừng rậm Rồng phá then vàng ra bể khơi. Thơ đó chẳng đúng với tâm trạng và hoàn cảnh: Ra đi thì sự đã liều Mưa mai không biết, nắng chiều không hay của Lưu Bị chút nào. Chuyến đi hấp tấp này mục đích để giữ cho thủ cấp khỏi rơi chứ đâu phải tâm trạng hổ về rừng rậm, rồng về biển khơi. Từ nay Lưu Bị bỏ hẳn đường lối dựa vào các triều thần cũ mà gây uy thế chính trị, đồng thời Lưu Bị cũng kiểm soát lại khả năng của mình, ông thấy cần phải đứng về phía lực lượng trí thức bình dân đang trưởng thành. Quan kiện thứ hai: gặp gỡ Gia Cát Khổng Minh. Trốn khỏi Hứa Đô bị Tào Tháo đuổi đánh, thua, Lưu Bị sang nương nhờ Viên Thiệu, Thiệu thất trận, Huyền Đức bỏ đi với Lưu Biểu. Sái Mạo tướng của Lưu Biểu lập kế đuổi Huyền Đức, Huyền Đức qua Nam Dương gặp Khổng Minh. Khổng Minh bày kế: Đây là địa đồ 54 châu ở Tây Xuyên. Tướng quân muốn thành Bá nghiệp thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía Bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía Nam, còn Tướng quân thì nắm vững lấy nhân hòa. Trước hãy chiếm Kinh Châu làm căn bản, sau đến lấy Tây Xuyên dựng cơ đồ, hình thành cái thế chân vạc, sau mới tính đến Trung nguyên được. Lời nói trên đây mở đường vào cuộc đấu tranh Tam quốc, toàn bộ sự nghiệp, chính lược, chiến lược của Lưu Bị cũng theo cuộc đối sách ở Long Trung mà chuyển thành. Hai người đàn bà có ảnh hưởng đến đời chính trị của Lưu Bị Cái tài ăn nói duyên dáng của Gia Cát Khổng Minh không những chỉ ở những cuộc du thuyết hoặc trên bàn ngoại giao, nó còn được sử dụng tài tình để kéo về cho Lưu Bị hai bà vợ, ảnh hưởng đến chính cục nước Thục. Hai người đàn bà ấy là Tôn phu nhân (Tam quốc chí diễn nghĩa có kể tỉ mỉ) và Mục Hoàng Hậu (Tam quốc chí diễn nghĩa không nhắc đến). Tôn phu nhân là em khác mẹ của Tôn Quyền. Trong chuyện không chú ý đến nhan sắc, mà chỉ tả nàng với những cử chỉ cân quắc anh hùng. Đặc điểm của cuộc hôn phối giữa Tôn Phu Nhân và Lưu Bị là chính trị chứ không phải là tình ái. Tam quốc chí diễn nghĩa, La Quán Trung kể: Qua vài hôm, quân do thám về báo: Trong thành Kinh Châu cắm nhiều cờ trắng, ngoài thành mới xây một nấm mồ mới, quân sĩ đều mặc đồ tang. Du ngạc nhiên hỏi: Ai chết thế? Quân do thám đáp: Cam Phu nhân mới chết, bên ấy đang sửa soạn ma chay. Du bảo Lỗ Túc rằng: Kế ta nhất định thành công! Phen này quyết làm cho Lưu Bị phải bó tay chịu trói. Kinh Châu lấy lại dễ như trở bàn tay. Túc hỏi: Kế ra làm sao? Du đáp: Lưu Bị chết vợ, tất nhiên phải lấy vợ khác. Chúa công có cô em gái hùng dũng lắm, luôn có vài trăm thị tỳ cắp gươm hầu bên cạnh, trong phòng lại bầy la liệt đủ thứ vũ khí, ngay đàn ông cũng không giỏi bằng. Ta dâng thư lên Chúa công, rồi cho người sang Kinh Châu làm mối, rủ Lưu Bị sang đính hôn rồi lừa hắn đến Nam Từ, không gả người cho mà giam lại. Đoạn sai người đến đòi Kinh Châu đánh đổi Lưu Bị. Rồi qua những hồi thứ 54, 55, 56 La Quán Trung nói đến các kế sách mà Khổng Minh dùng phá Chu Du trong công cuộc gả bán như sau: Phao tin cưới để Ngô Quốc Thái xen vào, Lưu Bị giả vờ khóc lóc, Lưu Bị nói khích Tôn phu nhân, đón vợ chồng Lưu Bị ở đầu sông. Đó chẳng qua là câu chuyện được tiểu thuyết hóa cho ly kỳ để nâng cao thú vị. Sự thật, Lưu Bị làm rể Đông Ngô hoàn toàn do sự thỏa thuận của Tôn Quyền. Về phần Tôn phu nhân nàng cũng vui lòng nhận cuộc gả bán vì chính trị chứ không vì yêu thương. Còn phần Lưu Huyền Đức thì dĩ nhiên anh chàng bằng lòng rồi bởi vì Lưu Bị vẫn ưa lấy thêm vợ. Chính trị ở đây đã tạo nên một hỷ kịch chứ không phải một bi kịch. Tôn phu nhân là người đàn bà cực thông minh, nàng hiểu rõ quan hệ Ngô Thục, nên hiến thân cho Lưu Bị. Cho nên khi nước Ngô cần nàng, nàng vẫn sẵn sàng về với Tổ quốc. (Xem lại hồi 61, Triệu Vân chặn sông đoạt A Đẩu). Do chính trị, nên Tôn phu nhân tuy cùng nằm chung giường với Lưu Bị nhưng mộng hai người vẫn khác nhau. Tôn phu nhân đem thân làm dâu một nơi xa quê hàng ngàn dặm là nàng đã tự giao mình cho một sứ mạng chính trị, đem đất Thục về cho Ngô. Khổng Minh rõ sự thế ấy lắm nên thường nói: “Mối lo sát nách là Tôn phu nhân gây biến động”. Bởi vậy ông luôn luôn căn dặn Triệu Vân, Pháp Chính và Trương Phi đề phòng. Sau khi thất bại với mưu toan mang A Đẩu về Ngô làm con tin, Tam Quốc chí diễn nghĩa không nói gì đến cuộc đời của Tôn phu nhân nữa. Nhưng theo truyền thoại thì lúc nghe tin Lưu Huyền Đức chết ở trận Bạch Đế, Tôn phu nhân vật vã khóc mấy ngày rồi tự trầm chết cho vẹn toàn nghĩa vợ chồng. Lối xử sự của Tôn phu nhân đáng kể là một kỳ nữ.