- 8 -
CỤC DIỆN CHÍNH TRỊ ÍCH CHÂU VÀ KINH CHÂU

Trận Xích Bích buộc Tào Tháo Tháo phải từ bỏ luôn cả Giang Lăng. Lúc này Ích Châu còn trong tay Lưu Chương. Quân Bắc rút hết, hình thế phân lập Nam Bắc tuy đã rõ rệt, nhưng nếu gọi ngay là chia ba chân vạc thì quá sớm, bởi địa bàn của Lưu Bị hãy còn nhỏ hẹp, chưa đáng kể như một thế lực khả dĩ đương đầu với Nam Bắc. Vì vậy đi trước sự phân lập ba nước là những cuộc đấu tranh chính trị gay go của tập đoàn Lưu Bị tại Giang Đông và Trung Nguyên tại các khu vực Ích Châu và Kinh Châu.
Trọng tâm của đấu tranh chính trị ở Kinh châu và Ích châu là ngoại giao. Sách Tam Quốc chí của Trần Thọ, thiên “Lã Mông truyện” viết lời phê bình của Tôn Quyền về Lỗ Túc: “Khuyên Ngô tá Huyền Đức địa, thị kỳ nhất đoản” (khuyên ta cho Huyền Đức mượn đất, là một điểm kém của Lỗ Túc). Mượn đất ý chỉ vào tờ ký kết giữa Lưu Bị, Gia Cát Lượng và Lỗ Túc mượn Kinh châu. Hiệp ước và danh từ mượn chẳng qua chỉ là một thuật ngữ ngoại giao của Khổng Minh để giữ gìn êm đẹp mối liên hệ Đông Ngô và Lưu Bị mà thôi, chứ sự thực không phải như thế vì Kinh Châu đâu có phải là đất đai Đông Ngô.
Kinh Châu đời Hậu Hán, từ bờ vực phía Đông chạy suốt đến quận Giang Hạ mới hết. Thái thú Giang hạ vẫn là Lưu Kỳ con Lưu Biểu, Tôn Quyền nào đã có thế lực gì, mặc dầu Quyền đánh bại Hoàng Tổ rồi, nhưng chính quyền của họ Tôn vẫn chưa đặt được ở đây. Căn cứ vào tập quán thời đại thì ai có thế lực chiếm được đất, đất ấy sẽ thuộc mình, cha truyền con nối dùng sức mạnh mà bảo vệ. Chiến trận Xích Bích kết liễu, Lưu Kỳ vẫn còn thế lực để phòng giữ Kinh châu, chính quyền họ Lưu vẫn tiếp tục. Cho nên Lưu Bị mới biểu tấu xin phong cho Lưu Kỳ làm Thứ sử Kinh châu.
Lúc này Lưu Bị được đặt trước một cơ hội độc nhất để kiến lập địa bàn dựng nghiệp lớn. Phía Giang đông, Chu Du cũng nóng lòng với vấn đề phát triển thế lực Giang đông, chiếm toàn vùng Hán Giang. Tranh chấp giữa hai lực lượng Lưu Bị và Đông Ngô không thể tránh khỏi. Điểm xung yếu của cuộc tranh chấp là Nam Quận, cổ họng khống chế toàn bộ lãnh thổ Kinh châu. Nam Quận sau khi Tào Tháo thua trận Xích Bích đã lưu Tào Nhân ở đây trấn giữ. Muốn đoạt Kinh châu, điều kiện căn bản là phải quét nốt thế lực Tào Tháo tại Nam quận.
Lưu Bị chỉ có ít lực lượng.
Chu Du thì lực lượng hùng hậu vượt xa Lưu Bị.
Cả hai đều cùng muốn đánh chiếm Nam quận để tăng cường thế lực của mình. Kết cục Lưu Bị thắng, Giang đông hao quân mà xôi hỏng bỏng không. Sự thắng lợi của Lưu Bị nhờ kế hoạch dùng đòn bẩy tài tình do Khổng Minh bố trí. Tam Quốc chí diễn nghĩa kể như sau:
- Chu Du thu quân kiểm tướng, xét thưởng công lao rồi báo tin cho Ngô hầu biết. Bao nhiêu quân hàng Du đem cả sang sông, mở tiệc rất to khao thưởng ba quân rồi tiến đánh Nam quận. Tiền đội đến bờ sông, trước sau đóng năm trại, Chu Du ở trại giữa.
Du đang cùng tướng sĩ bàn kế đánh, thì có tin báo Huyền Đức sai Tôn Càn đến mừng. Du cho mời vào. Càn chào hỏi xong nói rằng:
- Chúa công sai tôi đến bái tạ đức lớn của Đô đốc, có chút lễ mọn dâng lên.
Du hỏi:
- Huyền Đức nay ở đâu?
Càn thưa:
- Hiện đã đóng quân ở cửa sông Du giang.
Du giật mình hỏi:
- Khổng Minh có ở đó không?
Càn thưa:
- Chúa công tôi và Khổng Minh cùng ở đó cả.
Du nói:
- Ông hãy về trước, tôi cũng thân đến tạ lễ.
Du nhận lễ vật và cho người tiễn Tôn Càn về.
Lỗ Túc hỏi:
- Vừa rồi đô đốc làm sao mà giật mình như thế?
Du nói:
- Lưu Bị đóng quân ở Du giang, tất có ý lấy Nam quận. Chúng ta tổn thất bao nhiêu tiền lương, quân mã, nay Nam quận chỉ trở bàn tay là lấy được. Thế mà bọn Lưu Bị mang lòng bất nhân, chực ăn cỗ sẵn. Chết thì thôi chứ ta còn đây, sao chịu cái nước thế.
Túc hỏi:
- Dùng kế gì để lui được quân bên kia đi?
Du nói:
- Ta đến chơi nói chuyện phải chăng cho họ nghe, họ biết điều thì thôi, bằng không thì ta phải sửa trước Lưu Bị đi mới được.
Túc nói:
- Tôi xin đi theo.
Thế rồi Chu Du cùng với Lỗ Túc dẫn ba nghìn quân khinh kỵ sang cửa Du giang.
Trước hết nói về Tôn Càn về ra mắt Huyền Đức, thuật chuyện Chu Du muốn lại tạ ơn. Huyền Đức hỏi Khổng Minh:
- Chu Du muốn đến đây là ý thế nào.
Khổng Minh cười nói:
- Có phải vì một chút lễ nhỏ mà đến tạ ơn đâu, chỉ vì Nam quận đấy thôi.
Huyền Đức nói:
- Họ đem quân mã đến thì làm thế nào?
Khổng Minh đáp:
- Họ đến thì Chúa công cứ nói như thế …….. như thế.
Bàn định rồi, sai dàn thuyền ra cửa Du giang, trên bờ sông cũng bố trí quân mã nghiêm chỉnh. Một lát sau có tin báo Chu Du, Lỗ Túc dẫn quân đến. Khổng Minh sai Triệu Vân dẫn vài tên lính kỵ ra tiếp. Du trông thấy quân oai hùng tráng lắm, trong bụng áy náy không yên. Đến cửa dinh, Huyền Đức, Khổng Minh cùng ra đón vào trong trướng, chào hỏi xong xuôi, mở tiệc khoản đãi.
Huyền Đức nâng chén cảm ơn Chu Du đã giúp mình đem quân đánh lui Tào Tháo. Rượu được vài tuần Chu Du hỏi rằng:
- Dự Châu dời quân đến đây có ý muốn lấy Nam quận chăng?
Huyền Đức đáp:
- Nghe tin đô đốc muốn lấy Nam quận nên tôi dẫn quân đến giúp. Nếu đô đốc không lấy thì tôi lấy vậy.
Du cười nói:
- Đông Ngô tôi muốn chiếm cả Hán Giang đã lâu. Nay Nam quận đã ở trong tay rồi, lẽ đâu lại không lấy.
Huyền Đức nói:
- Được thua cũng chưa biết đâu mà nói trước được. Khi Tào Tháo về, giao các xứ Nam quận cho Tào Nhân giữ, thế nào chẳng có kế lạ để lại. Lại thêm Tào Nhân sức khỏe vô địch, e rằng đô đốc không lấy nổi.
Du nói:
- Nếu tôi không chiếm được Nam quận, bấy giờ tùy ý Ngài muốn lấy thế nào thì lấy.
Huyền Đức nói:
- Có Tử Kính, Khổng Minh ở đây làm chứng, sau này xin đô đốc đừng có hối.
Lỗ Túc ngần ngừ chưa lên tiếng. Du nói:
Đại trượng phu đã hứa ra một lời, can chi mà phải hối.
Khổng Minh nói:
Đô Đốc nói phải lắm. Ta hãy nhường đô đốc lấy trước, nếu không xong Chúa Công sẽ lấy, có ngại gì đâu.
Du và Túc từ biệt Huyền Đức và Khổng Minh ra về.
H
uyền Đức hỏi Khổng Minh:
Vừa rồi tiên sinh bảo tôi nói như thế, nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy chưa hợp lý lắm. Tôi nay cô đơn, không nơi nương tựa, muốn được một xứ Nam Quận này để làm chốn dung thân. Nếu để Chu Du lấy trước thì thành trì đã thuộc về tay Đông Ngô rồi, ta ở vào đâu cho được?
Khổng Minh cả cười đáp:
Trước kia tôi khuyên mãi Chúa công lấy Kinh Châu, Chúa công chẳng nghe. Nay Chúa công lại còn tưởng đến Kinh Châu à?
Huyền Đức nói:
Trước là đất của Lưu Biểu, nên không nỡ cướp lấy. Nay về tay Tào Tháo rồi, lấy là hợp lý lắm chớ.
Khổng Minh nói:
Chúa công đừng ngại, cứ mặc cho Chu Du quần nhau với Tào Nhân. Nay mai sẽ rước Chúa công vào ngồi chĩnh chệ ở trong thành Nam Quận.
Huyền Đức hỏi:
Kế ấy thế nào?
Khổng Minh đáp:
Chỉ cần như thế …….. như thế.
Huyền Đức mừng lắm, cứ đóng quân ở cửa Du Giang, không động tĩnh gì nữa.
Lại nói Chu Du, Lỗ Túc về đến trại. Túc hỏi:
Làm sao đô đốc hứa cho Lưu Bị lấy Nam Quận?
Du nói:
Tôi gẩy móng tay cũng lấy nổi Nam Quận, ta nói thế chẳng qua để lấy lòng họ đấy thôi.
Và hỏi luôn các tướng:
Ai dám đi lấy Nam Quận trước?
Một người xin đi bước ra. Đó là Tưởng Khâm.
Du nói:
Người làm tiên phong, Từ Thịnh, Đinh Phụng làm phó tướng, dẫn năm nghìn quân mã tinh nhuệ sang sông trước. Ta dẫn quân theo sau tiếp ứng.
Quả như Khổng Minh đã đoán định trước, trận đầu Tưởng Khâm thua. Trận thứ hai Chu Du bị tên độc của quân mai phục trong thành Di Lăng. Trận thứ ba quân Đông Ngô toàn thắng vì Tào Nhân trúng kế Chu Du dụ Nhân vào cướp trại. Nhưng trong khi đó thì Khổng Minh đã đem quân phỗng tay trên những thành trì mà bọn Tào Nhân bỏ trống.
Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể như sau:
Tào Nhân ở trong thành, bàn với các tướng rằng: Chu Du cơn tức uất lên, nhọt tên bật vỡ đến nỗi mồm thổ ra huyết, ngã lăn xuống dưới ngựa chẳng mấy bữa tất chết.
Mọi người đang bàn bạc thì có vài chục tên lính kỵ bên Ngô sang hàng, trong đó có hai tên nguyên là lính cũ bị Đông Ngô bắt được. Tào Nhân vội gọi vào hỏi. Chúng bẩm rằng:
Chu Du hôm nay vỡ cái nhọt tên, về đến trại thì chết. Hiện các tướng đã cử ai để trở. Chúng tôi bị Trình Phổ uy hiếp quá cho nên đến hàng và báo tin ấy.
Tào Nhân
mừng lắm, dự định đến đêm đi cướp trại và chém lấy đầu Chu Du đưa về Hứa Đô.
Trần Kiều nói:
Kế ấy phải làm ngay không nên trì hoãn.
Tào Nhân sai ngay Ngưu Kim làm tiên phong, tự mình cầm quân trung quân, Tào Hồng, Tào Thuần làm hợp hậu. Bao nhiêu quân kéo đi cả, chỉ có Trần Kiều và một ít quân ở lại giữ thành.
Đầu canh một, quân Tào trong thành kéo thẳng đến trại Chu Du nhưng không thấy một người nào, chỉ có cờ giáo cắm dàn ra đó thôi. Tào Nhân biết là mắc mẹo, vội vàng rút lui. Bỗng đâu bốn mặt pháo nổ ầm ầm. Rồi mé Đông Hàn Dương, Tưởng Khâm kéo vào. Mé Tây: Chu Thái, Phan Chương đổ lại. Mé Nam: Từ Thịnh, Đinh Phụng đánh sang. Mé Bắc: Trần Võ, Lã Mông ập tới. Quân Tào thua liểng xiểng, ba lộ quân tan vỡ, đầu đuôi không cứu được nhau. Tào Nhân dẫn vài mươi tên quân kỵ chọc thủng vòng vây, gặp ngay Tào Hồng liền cùng nhau dắt một toán quân mã linh tinh mà chạy. Mãi đến canh năm, gần tới Nam quận, bỗng lại có một hồi chiêng trống nổi lên rồi Lăng Thống dẫn quân ra chặn đường đánh giết một hồi. Tào Nhân lẻn chạy theo đường tắt, lại gặp Cam Ninh bồi luôn cho trận nữa. Tào Nhân không dám về Nam Quận nữa, trốn thẳng một mạch về Tương Dương.
Chu Du, Trình Phổ thu cả quân mã, kéo nhau đến Nam Quận. Vừa đến nơi đã thấy trên mặt thành tinh kỳ đỏ rực cả, một tướng trên địch lâu gọi to lên rằng:
Xin lỗi Đô Đốc, tôi phụng mệnh quân sư lấy được thành này đã lâu rồi. Tôi là Triệu Tử Long ở Thường Sơn đây.
Chu Du giận lắm, liền sai đánh thành. Trên thành tên bắn xuống rào rào. Du truyền rút quân về để thương nghị và sai Cam Ninh dẫn quân đến lấy Kinh Châu, Lăng Thống dẫn quân đến lấy Tương Dương rồi sẽ tính đến Nam Quận cũng vừa. Du đang cắt đặt mọi việc thì có thám mã lại báo rằng: Gia Cát Lượng lấy được Nam Quận liền dùng binh phù của Tào Nhân cấp tốc điều quân giữ thành Kinh Châu đến cứu rồi sai Trương Phi úp lấy Kinh Châu.
Lại có thám mã về báo rằng:
Hạ Hầu Đôn giữ ở Tương Dương, Gia Cát Lượng cho người đem binh phù đến nói dối rằng Tào Nhân cầu cứu, dụ cho Hạ Hầu Đôn ra khỏi thành rồi sai Vân Trường úp lấy Tương Dương. Thành trì hai nơi ấy đều rơi vào tay Huyền Đức mà Huyền Đức không hề tốn một công sức nào.
Chu Du hỏi:
Gia Cát Lượng làm thế nào lấy được binh phù?
Trình Phổ nói:
Hắn tóm được Trần Kiều thì binh phù lọt vào tay hắn chứ gì.
Chu Du nghe nói, hét lên một tiếng, nhọt đau vỡ tung ra.
Ngay lúc còn ở Long Trung chưa ra giúp Lưu Bị, chủ trương chính trị của Gia Cát Lượng vẫn có một điểm chủ yếu là: “Liên hợp với Đông Ngô, lấy địa bàn Kinh Châu làm vốn chính trị”. Cho nên sau khi dùng mẹo phỗng tay trên Kinh Châu, Khổng Minh lập tức trở về chính sách Liên Ngô, mặt khác tích cực chuẩn bị phát triển thế lực sang Ích Châu.
Trở về chính sách Liên Ngô như thế nào?
Trước hết chính sách Liên Ngô mà thành tựu phần lớn cũng nhờ quan niệm rộng rãi của Lỗ Túc. Chu Du thấy Khổng Minh lấy được Nam Quận, Kinh Châu, Tương Dương, nổi giận muốn mang quân đánh ngay, hỏi ý kiến Túc.
Túc nói:
Không nên. Hiện nay ta còn phải kình nhau với Tào Tháo chưa biết được thua thế nào. Vả lại Chúa công cũng chưa hạ được Hợp Phì. Ta với Huyền Đức không nên thôn tính lẫn nhau, quân Tào thừa cơ kéo tới thì nguy lắm. Huống chi Huyền Đức lại quen thân với Tào Tháo. Nếu ta làm quá, hắn tất dâng thành trì cho Tào Tháo, hợp sức lại đánh Đông Ngô thì làm thế nào.
Nhờ ở lời nói ấy mà chiến tranh Lưu-Tôn không bùng nổ. Theo Lỗ Túc, ông muốn lấy lại Kinh Châu bằng thủ đoạn ngoại giao, phía Khổng Minh, ông cũng muốn giữ Kinh Châu với đường lối ôn hòa. Do đó Khổng Minh mới hứa với Lỗ Tử Kính mượn Kinh Châu, bao giờ Lưu Kỳ chết thì sẽ hoàn về Đông Ngô. Để tranh thủ thời gian, khi Lưu Kỳ chết, Lỗ Túc sang đòi, Khổng Minh thấy lực lượng của mình đã đủ khả năng đứng (đương?) đầu rồi, bèn chuyển sang luận điệu "sẵng", nhưng cũng không để hai bên rơi vào tình trạng cừu địch chiến tranh. Khổng Minh thuyết phục Lỗ Túc ký hiệp ước cho mượn Kinh Châu đến khi Lưu Bị có địa bàn mới là Ích Châu. Giai đoạn thứ ba của đường lối ngoại giao bảo vệ Kinh Châu là Lưu Bị mạo hiểm sang làm rể bên Đông Ngô, vận dụng tình cảm để phá kế hoạch của Chu Du, Tôn Quyền.
Nói về địa bàn Kinh Châu của Lưu Bị thì từ Tương Dương trở lên phía Bắc vẫn còn ở trong tay Tào Tháo; dọc theo bờ sông thì còn nhiều địa điểm hiểm yếu vẫn do Đông Ngô kiểm soát. Kinh Châu trống trải, bốn mặt bị địch dòm dỏ, muốn sống Lưu Bị cần phải có Ích Châu. Ích Châu bấy giờ đặt dưới quyền thống trị của Lưu Chương, Chương bất tài nhưng nhờ địa thế Ích Châu hiểm hóc nên Lưu Bị khó lòng thực hiện dã tâm thôn tính.
Nhưng kết cuộc Ích Châu vẫn bị mất về tay Lưu Bị.
Tại sao?
Vì Khổng Minh đã thôn tính Ích Châu bằng chính trị mà không bằng quân sự. Muốn rõ đầu đuôi, ta phải đi ngược dòng và trở về hiệp ước ký kết giữa Lưu Bị-Lỗ Túc giải quyết vấn đề Kinh Châu lúc công tử Lưu Kỳ mất. Nội dung bản ký kết đó, biểu hiện trong cuộc đàm phán Lưu Bị-Lỗ Túc-Khổng Minh. Tam Quốc chí diễn nghĩa kể như sau:
Túc nói:
Khi xưa Hoàng Thúc bị khốn ở Kinh Dương, chính Túc này dẫn tiên sinh đến ra mắt chúa công tôi. Về sau Chu Công Cẩn định cất quân lấy Kinh Châu, tôi lại ngăn được. Đến việc Hoàng Thúc hứa đợi khi nào công tử Lưu Kỳ qua đời sẽ trả Kinh Châu, tôi lại gánh vác cho nốt. Nay Hoàng Thúc không giữ lời hứa, bảo tôi về ăn nói làm sao bây giờ. Chủ tôi và Công Cẩn tất nhiên bắt tội tôi, tôi có chết cũng không oán hận, chỉ sợ Đông Ngô bực tức, dấy động can qua thì Hoàng Thúc cũng chẳng ngồi yên được ở Kinh Châu, thành ra chỉ bày trò cười cho thiên hạ đó thôi.
Khổng Minh nói:
Tào Tháo cầm quân trăm vạn, hơi một tý cũng mượn tiếng thiên tử tôi cũng chẳng coi ra gì, huống hồ là Chu Công Cẩn. Để ông khỏi mất thể diện, tôi xin khuyên chúa công tôi lập văn tự mượn Kinh Châu làm vốn, đợi khi nào lấy được chỗ khác sẽ đem Kinh Châu trả lại Đông Ngô, ý ông thế nào?
Túc hỏi:
Tiên sinh đợi lấy được chỗ nào rồi mới trả Kinh Châu cho Đông Ngô tôi?
Khổng Minh đáp:
Trung Nguyên chưa dễ đã lấy được, chỉ có Lưu Chương ở Tây Xuyên hèn yếu lắm, chủ tôi sẽ tính. Nếu lấy được Tây Xuyên thì sẽ trả Kinh Châu cho Đông Ngô.
Túc không biết làm sao hơn được đành phải nghe vậy, ký kết và nhận lấy văn tự. Khi Lỗ Túc từ biệt ra về, Huyền Đức, Khổng Minh tiễn ra thuyền, Khổng Minh dặn rằng: Tử Kính về nói với Ngô Hầu cho khéo, đừng có nghĩ càn. Nếu không nhận văn tự đó, chúng ta trở mặt thì cả tám mươi mốt châu Giang Nam cũng bị mất nốt đó. Nay chỉ cốt hai nhà hòa thuận với nhau, chớ nên để cho giặc Tào chê cười.
Trải qua một thời gian, Tào Tháo đã ổn định xong nội bộ, lại muốn thực hành chính sách thôn tính thống nhất, ngặt vì Lưu Bị và Tôn Ngô vẫn dựa lưng nhau. Thế của Tháo là phải phá hoại sự liên kết Lưu-Tôn, bèn xin phong cho Tôn Quyền chính thức làm Châu mục Kinh Châu, dùng danh nghĩa pháp lý mà chuyển mâu thuẫn Lưu-Tôn thành chiến tranh. Đúng như Tháo dự tính, Tôn Quyền thụ phong và sai Lỗ Túc lại sang hạch hỏi Kinh Châu. Khổng Minh thấy cơ sự khó khăn, không sẵng nữa mà đáp lại Lỗ Túc bằng thái độ cực ôn hòa nhu thuận, xui Huyền Đức làm ra vẻ sầu não, còn tự mình nói chuyện quanh co:
Tử Kính có hiểu cớ sao mà chúa công tôi khóc thế không?
Túc nói:
Tôi thật không biết.
Khổng Minh nói:
Có gì mà không biết. Trước kia chúa công tôi mượn Kinh Châu có hẹn rằng bao giờ lấy được Tây Xuyên thì trả. Nhưng suy đi nghĩ lại, Lưu Chương ở Ích Châu là em chúa công tôi, đôi bên cùng là máu mủ nhà Hán cả. Nếu cất quân sang cướp lấy thành trì, e thiên hạ chê cười. Ích Châu đã không cướp lấy được mà lại phải trả Kinh Châu thì còn chỗ nào mà ở? Mà không trả thì e mất thân tình, việc thực khó nghĩ, bởi thế mới đau lòng mà khóc.
Khổng Minh nói động đến niềm tâm sự của Huyền Đức, Huyền Đức càng ôm bụng dậm chân khóc ầm lên. Lỗ Túc khuyên rằng:
 Hoàng Thúc chớ nên phiền não, hãy bàn với Khổng Minh thế nào cho phải thì thôi.
Khổng Minh nói:
Nhờ Tử Kính về ra mắt Ngô Hầu, xin chớ tiếc lời, hãy tha thiết bày tỏ cái tình cảnh này mà cho khoan hạn ít lâu nữa.
Thấy đòi không xong, Chu Du lập kế động binh với danh nghĩa đi đánh Tây Xuyên hộ cho Lưu Bị, dự tính lấy xong Ích Châu thì cho Tôn Du điều khiển. Việc này Tam Quốc Chí diễn nghĩa với chính sử khác nhau. Theo Tam Quốc Chí thì Gia Cát Lượng giả tảng bằng lòng. Nhưng lúc Chu Du kéo quân sang thì Khổng Minh sai Triệu Vân chặn đường và Quan Vân Trường, Trương Phi, Ngụy Diên bao vây buộc Chu Du phải lui quân. Chu Du lui rồi, Gia Cát Lượng mới viết thư cho Chu Du như sau:
Quân sư Trung Lang Tướng nhà Hán là Gia Cát Lượng đưa thư này đô đốc nước Ngô là Công Cẩn được biết:
Tôi từ khi biệt nhau với Ngài ở Sài Trang đến giờ, vẫn còn lưu luyến chưa quên, nay nghe thấy Ngài muốn cất quân sang lấy Tây Xuyên, tôi thiết nghĩ không nên. Ích Châu dân thì mạnh, đất thì hiểm. Lưu Chương tuy rằng hèn đốn nhưng giữ cũng nổi. Nay muốn thành công mà bắt quân khó nhọc đi đánh xa, vận tải hàng muôn dặm, tôi chắc dẫu đến Ngô Khởi, Tôn Vũ ngày xưa cũng không sao làm nổi được.
Tào Tháo mới thua ở Xích Bích đâu đã quên bẵng việc báo thù. Nay Ngài cất quân đi đánh phương xa, Tào Tháo thừa cơ đến đánh thì Giang Nam ra cám mất. Tôi không nỡ ngồi nhìn mà không báo trước, xin Ngài soi xét.
Sự thật chỉ có dự định mà không có động binh, cũng không có việc Triệu Vân ngăn chặn, Vân Trường, Trương Phi, Ngụy Diên bao vây, bởi vì Khổng Minh dùng kế của một người tên là Ân Quan, thỏa thuận để cho Tôn Quyền mượn đường Kinh Châu đánh Tây Xuyên nhưng với những điều kiện:
Hợp tác với quân Kinh Châu cùng đánh Tây Xuyên.
Kinh Châu kiểm soát chặt chẽ số quân Giang Đông, qua Kinh Châu chỉ đến một hạn độ nào thôi.
Quân Giang Đông sẽ làm tiên phong vào Tây Xuyên.
Đương nhiên với những điều kiện ấy, Tôn Quyền, Chu Du không chấp nhận được. Nhận như thế khác gì bằng lòng cho quân Lưu Bị sẽ hợp cùng Tây Xuyên mà tiêu diệt quân Ngô chứ không phải hợp với Đông Ngô mà tiêu diệt Tây Xuyên nữa.
Trong tình trạng dằng co giữa Đông Ngô và lực lượng  Lưu Bị, nếu Tây Xuyên biết lợi dụng thì chắc hẳn Tây Xuyên vững như bàn thạch.
Chẳng ngờ lại chính Lưu Chương đi mời Lưu Bị vào chiếm cứ Tây Xuyên. Tướng Tây Xuyên là Nghiêm Nhan gọi hành động này là: “ngồi một mình trong núi sâu lại thả hổ ra tự vệ” (Độc tọa cùng sơn, phóng hổ tự vệ”). Nguyên lai, từ khi Lưu Yên chiếm cứ Ích Châu, trước sau người bản địa vẫn không quy phục bởi vì Lưu Yên đã tiêu diệt một số lãnh tụ kính mến của họ, thêm nữa Lưu Yên còn mang một số dân nơi khác đến lập nền thống trị ở đây, khinh bỉ lăng nhục người bản địa.
Lưu Yên chết, Lưu Chương kế vị, Triệu Vĩ nổi loạn. Tuy Chương đàn áp nổi nhưng nội bộ chia bè, chia phái. Ngoài mặt tuy có vẻ an bình, nhưng nếu bất cứ lúc nào xẩy chuyện thì sự biến loạn cũng rất dễ dàng.
Năm Kiến An thứ 16, Tào Tháo cất quân đánh Trương Lỗ, tin này truyền đến Ích Châu, thủ hạ của Lưu Chương là Trương Tùng nói với Lưu Chương rằng: “Hán Trung là cửa ngõ của Ba Thục, nếu Tào Tháo mà chiếm cứ được Hán Trung thì Ba Thục nguy mất. Vả lại các tướng Ba Thục như bọn Lý Dị, Bàng Hi không chống nổi Tào Tháo đâu. Nay có Lưu Bị là họ hàng với chúa công, Bị giỏi dùng binh, chẳng bằng ta vời Lưu Bị đến đánh Trương Lỗ giữ Hán Trung thì không còn lo chi Tào Tháo.”
Lưu Chương cho là phải, sai Pháp Chính dẫn bốn ngàn quân đi đón Lưu Bị. Pháp Chính đưa cho Lưu Bị một bức thư của Lưu Chương viết rằng:
“Em là Lưu Chương xin có mấy lời kính gởi lên tôn huynh Huyền Đức tướng quân, lâu nay Em vẫn khâm phục uy trời, nhưng vì đường sá gập ghềnh, chưa kịp cống hiến, rất là áy náy không yên. Em thường nghe nói xấu tốt hoạn nạn cùng cứu giúp nhau, bè bạn còn thế huống chi chỗ bà con họ hàng.
Nay Trương Lỗ ở phía Bắc, thường muốn cất quân xâm phạm bờ cõi. Em chẳng được an tâm nên cho người dâng thư này xin ý kiến tôn huynh. Nếu tôn huynh nghĩ đến tình nghĩa Anh Em họ hàng thì mang quân mã, tiêu diệt giặc cướp, giúp đỡ nhau mãi mãi, sẽ xin báo đáp xứng đáng. Thư chẳng hết lời, mong tôn huynh chiếu cố.”
Trên hình thức, việc Lưu Chương mời Lưu Bị vào Tây Xuyên tiêu diệt Trương Lỗ, chiếm Hán Trung, Lưu Bị thế mạnh làm bình phong che đỡ mặt Tào Tháo cho Tây Xuyên quả là có kế hoạch tính toán hẳn hoi.
Nhưng xét sâu vào kế hoạch thì tính toán ấy chỉ có hình thức, chỉ biết nhìn hiện tượng. Lưu Chương đã bỏ quên quy luật phát triển của chính trị là nội dung và bản chất. Hơn nữa  Lưu Chương cũng không nhận thức rõ tình trạng nội bộ Tây Xuyên như thế nào. Ngay khi liên lạc được với Lưu Bị, Trương Tùng và Pháp Chính đã âm mưu với Bàng Thống giết luôn Lưu Chương giữa cuộc hội đàm giữa Chương và Bị ở Bồi Thành, việc làm của Pháp Chính và Trương Tùng đều do tranh chấp bè phái mà ra. Nhưng Lưu Bị vốn không có khả năng bạo  động, khả năng âm mưu, nên không nghe. Cơ sở lý luận trên chính sách của Lưu Bị đối phó với Tào Tháo bao giờ cũng là:
- “Ta địch với Tào Tháo khác nào nước địch với lửa. Tháo vội vàng, ta thư thả. Tháo bạc ác, ta nhân từ. Tháo dối trá, ta thực thà. Việc gì ta cũng phải khác Tháo thì mới thành công. Nếu vì một chút lợi nhỏ mà bỏ cả tín nghĩa với thiên hạ, ta không nỡ làm”.
Lưu Bị tới Bồi Thành gặp Lưu Chương, Chương cấp cho Lưu Bị rất nhiều binh mã, lương thực tiền bạc. Cho quyền Lưu Bị điều khiển quân đội ở Bạch thủy quan để đánh Trương Lỗ.
Lưu Bị thêm thế lực rồi, chẳng những không đi đánh Trương Lỗ ngay, Bị còn đồn trú quân tại huyện Hà Manh, vận dụng chính trị tranh thủ nhân tâm bằng cách thi ân bố đức.
Điểm này cho thấy rằng Lưu Bị đâu có phải là người thiếu thủ đoạn. Nếu Lưu Bị làm theo kế Trương Tùng, Pháp Chính thì đương nhiên sẽ gặp khó khăn vì quân dân Tây Xuyên phản đối kháng cự, đẩy Lưu Bị vào con đường không có lối thoát.
Trở về sự kiện Tào Tháo mang quân đánh Trương Lỗ, lúc sửa soạn vừa xong thì mặt Tây, Hàn Toại, Mã Siêu cũng rục rịch khiến Tháo phải đích thân Tây chinh. Việc đánh Trương Lỗ vì thế phải đình chỉ.
Năm Kiến An thứ 17, Tào Tháo lại khởi binh đánh Tôn Quyền. Quân Tháo ầm ầm kéo đến Nhu Tu. Hai bên cầm cự nhau chừng hai tháng, đánh mấy trận, khi được khi thua. Qua tháng giêng, mưa tầm tã, ngòi lạch đầy nước, quân sĩ ở trên đám bùn lầy vô cùng khổ sở. Tháo lo lắm, hội các tướng lại thương nghị, người thì khuyên rút quân về, kẻ thì nói rằng nên nhân lúc mùa xuân ấm áp cứ đánh. Tháo trong bụng phân vân, chợt có sứ giả Đông Ngô đưa thư đến, Tháo mở thư ra xem, đại ý viết:
Tôi với Thừa tướng cùng là bầy tôi nhà Hán. Thừa tướng không biết báo ân nước, trị an nhân dân mà cứ động việc binh đao, tàn hại sinh linh, người nhân đức đâu có thế. Hiện nay mưa xuân đang thịnh, ông nên quay về đi. Nếu không lại có vạ Xích Bích nữa đó. Ông nên nghĩ kỹ.
Sau thư lại phê hai câu rằng:
Ông mà không chết,
Tôi cũng khó ngồi yên.
Tào Tháo xem xong cười mà nói rằng:
Tôn trọng Mưu biết điều lắm.
Lập tức hậu thưởng cho Sứ giả, truyền lệnh rút quân về rồi sai quan Thái thú Lư Giang là Chu Quang trấn giữ Hoàng thành còn mình thu đại quân về Hứa Xương. Tôn Quyền cũng thu quân về Mật Lăng, bàn với các tướng rằng:
Tào Tháo tuy đã về Bắc, nhưng Lưu Bị còn ở Hà Manh. Sao không đem quân chống Tào đến lấy Kinh Châu?
Kết quả cuộc chiến tranh Tôn-Tào ở Nhu Tu đã rõ rệt như thế. Nhưng ở bên Tây Xuyên, để thực hiện chính sách xâm chiếm Tây Xuyên, Lưu Bị cùng Bàng Thống lại ngụy tạo một tình huống khác hẳn để lừa Lưu Chương.
Bàng Thống khuyên Lưu Bị điều đình với Lưu Chương hãy tạm gác việc chinh phạt Trương Lỗ mà cấp cho mình quân lương để đi cứu viện cho Tôn Quyền. Nhưng lần này kế hoạch không thi hành được trót lọt như các lần trước vì Lưu Chương đã bắt đầu nghi ngờ, nên chỉ cấp binh lương cho Lưu Bị một cách rất hạn chế. Thấy cơ sự này, Lưu Bị bèn vấn kế Bàng Thống, Bàng Thống bầy cho Lưu Bị ba mẹo:
Kén tinh binh, không kỳ ngày đêm đánh úp Thành Đô.
Quay binh về cửa ải Bồi Quan, giả tiếng về Kinh Châu, bắt giết tướng giữ ải, cướp lấy cửa ải rồi sẽ tiến quân vào Thành Đô.
Lui về Bạch Đế thành liền đem rút quân về Kinh Châu, dần dần về sau lại liệu kế khác.
Huyền Đức nói:
Mẹo thứ nhất táo bạo cấp bách quá, mẹo thứ ba trì trễ quá. Chỉ mẹo thứ hai có thể theo được.
Lưu Bị mới viết thư cho Lưu Chương nói thác rằng Tào Tháo sai Nhạc Tiến đem quân đến Thanh Nê, các tướng không cự nổi nên phải về cứu, lưu mấy lời tạm biệt.
Cùng lúc ấy thư của Trương Chiêu bên Giang Đông gửi cho Lưu Chương vạch vòi âm mưu của Lưu Bị vừa tới nơi, lại bị vụ Trương Túc tố cáo Trương Tùng bội phản, Lưu Chương tỉnh ngộ, sai chém Trương Tùng và ra lệnh khắp các cửa ải phải đề phòng nghiêm ngặt, cấm không cho người nào được phép vãng lai với Lưu Bị.
Nhưng mọi biện pháp chống giữ của Lưu Chương vô hiệu quả, vì thời thế đã chín rồi.
Lưu Bị bắt đầu chiếm Bồi Thành, đánh sang Lạc huyện. Quân Lưu Chương đến tiếp cứu chỗ nào cũng thua. Năm Kiến An thứ 19, Lưu Bị vây Thành đô, Lưu Chương chống giữ thêm mấy ngày rồi đầu hàng. Toàn bộ Ích Châu rơi vào tay Lưu Bị. Kế hoạch của Gia Cát Lượng đến đây có thể nói đã thực hiện được quá nửa.
Năm Kiến An thứ 17 và 18, tranh chấp Lưu Chương, Lưu Bị chưa thực sự bùng nổ ác liệt, lại thêm Mã Siêu ở Quan Trung khuấy loạn nên kế hoạch chiếm Hán Trung của Tào Tháo không sao thực hiện được. Tháo lưu Hạ hầu Uyên tại Quan Trung, ròng rã tác chiến mãi tới năm Kiến An thứ 19 mới bình định xong lực lượng Mã Siêu, luôn cả vùng Lương Châu nữa, thời gian này Lưu Bị cũng giải quyết hoàn toàn đất Tứ Xuyên.
Năm Kiến An thứ 22, tháng 3, Tào Tháo một lần nữa đề cập đến vấn đề tấn công Trương Lỗ. Bên Lưu Bị, một lần nữa, Tôn Quyền lại sai người sang đòi Kinh Châu. Bị vẫn thoái thác, tạ sự rằng quân lương hãy còn thiếu, đợi lấy nốt Lương Châu, sau sẽ trả Kinh Châu. Tôn Quyền giận lắm, hội các tướng thảo luận tuyên chiến. Lưu Bị cũng sẵn sàng chống cự, sai Quan Vũ chặn giữ vùng Ích Dương còn tự mình thống lĩnh đại quân dàn ra vùng Công An. Nhưng khi nghe tin Tào Tháo đã đánh vào Hán Trung rồi, Lưu Bị đành phải quay về chính sách mềm dẻo, đem đất Kinh Châu chia ra hai mảnh, từ Giang Hạ xuống phía Nam thuộc Tôn Quyền, từ Nam Quận xuống phía Nam thuộc Lưu Bị.
Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể đầu đuôi việc cắt Kinh Châu như sau:
- Tào Tháo lấy xong Hán Trung, quan chủ bộ là Tư Mã Ý hiến kế rằng Lưu Bị dùng mẹo lừa, cố cướp lấy Ích Châu của Lưu Chương, nhân dân Thục chưa quy phục. Nay Chúa công đánh phá được Hán Trung, chấn động cả Ích Châu, nên tiến binh đến đánh cho mau thì đất này vỡ lở. Có câu rằng “Dẫu có trí khôn không bằng thừa thế”. Dịp này chúa công chớ nên để lỡ.
Lưu Hoa nói:
- Tư Mã Trọng Đạt nói phải đấy. Nếu để chậm thì Gia Cát Lượng sáng suốt việc trị nước mà làm tướng văn, bọn Quan Trương trùm ba quân mà làm tướng võ. Dân Thục yên rồi chia ra giữ các nơi cửa ải thì không sao lay chuyển được đâu.
Tháo nói:
- Quân sĩ đi xa mệt mỏi lắm rồi, hãy nên cho nghỉ ngơi đã.
Liền đóng quân ở yên một chỗ.
Nói về nhân dân Tây Xuyên, nghe tin Tào Tháo lấy được Đông Xuyên (tức Hán Trung) rồi, trong một ngày ba lần kinh hãi. Huyền Đức đâm lo, mời Khổng Minh đến thương nghị, Khổng Minh nói:
- Tôi có một kế này, khiến cho Tào Tháo phải rút quân về.
Huyền Đức hỏi mẹo gì thì Khổng Minh đáp:
- Tào Tháo chia quân ra đóng ở Hợp Phì là có ý sợ Tôn Quyền. Nay nếu ta đem ba quận Giang Hạ, Tràng Sa, Quế Dương trả cho Đông Ngô, sai một biện sĩ sang bày tỏ lợi hại, xui Đông Ngô đánh Hợp Phì, Tào Tháo tất phải quay binh về mặt Nam.
Trương Liêu nghe tin Tôn Quyền sắp đem thêm quân đánh, sợ Hợp Phì ít quân không chống nổi, vội vã sai Tiết Đễ gấp rút về Hán Trung xin viện binh. Tháo bàn với các quan rằng:
- Bây giờ có nên đánh Tây Xuyên nữa không?
Lưu Hoa thưa:
- Chi bằng hãy đem quân về cứu Hợp Phì, nhân thể đánh lấy Giang Nam.
Sở dĩ Tháo không nghe lời Lưu Hoa và Tư Mã Ý đánh Tây Xuyên ngay, vì mưu kế của Ý và Hoa tuy đúng nhưng chỉ đúng có một mặt và vì tính chất phiến diện ấy sẽ đẩy việc làm vào cảnh phiêu lưu. Đánh Tây Xuyên có thắng chăng nữa cũng phải mất hàng năm, trong khi chưa khắc phục xong Tây Xuyên mà Tôn Quyền đánh úp mặt sau thì sao? Nhận thức chính trị lão luyện của Tào Tháo vượt xa Tư Mã Ý nhiều.
Xét lợi hại về sự chia đất Kinh Châu: bên Lưu Bị phái Quan Vân Trường đóng ở Giang Lăng; đất này trước vốn thuộc quyền Chu Du cai quản, nay chính thức thuộc Lưu Bị; bên Tôn Quyền, Lỗ Túc đóng ở Lục Khẩu, vậy bên Lưu Bị lợi hơn.
Lã Mông là người thế nào?
Lã Mông thuở nhỏ cùng khổ, phải dùng đến sức lực rất nhiều để kiếm ăn, vì sức lực cường kiện nên chuyên học võ, không hề đọc sách. Có một hôm, Tôn Quyền nói với Lã Mông và Tưởng Khâm rằng: “Hai người nay đều làm chức cao trong triều, cần phải đọc sách để tăng thêm học vấn mới được”.
Lã Mông nói:
- Thưa Chúa công, hiềm vì việc quân bề bộn nên không có thì giờ đọc sách.
Tôn Quyền nói:
- Ta bảo thế không có nghĩa là đòi hỏi ngươi trở thành một người thông kim bác cổ. Ta chỉ muốn ngươi đọc sách để hiểu biết chút ít trí thức kinh lịch tiền nhân, rồi ra sẽ có lúc phải dùng đến. Đức Khổng Tử bảo: “Hì hục quên ăn quên ngủ ích gì, hãy đi tìm sách mà đọc”. Vua Hán Quang Vũ khi còn chinh chiến sách chẳng rời tay, Tào Tháo đã già mà vẫn chăm đọc sách. Sao nhà ngươi không biết cố gắng làm vậy?”.
Nghe lời Tôn Quyền, Lã Mông khổ công đọc sách thấu đáo nghĩa lý. Ngày mà Lỗ Túc đến thay chức Chu Du, Túc cùng Lã Mông thương nghị. Những hiểu biết của Lã Mông làm Túc ngạc nhiên. Túc nói với Lã Mông rằng: “Tôi vẫn nghĩ ông chỉ biết nghề võ, ai ngờ Lã Mông bây giờ không phải Lã Mông ngày trước”. Lã Mông cười đáp: “Con người hễ cứ biệt nhau, cách ba ngày sau thì lại cần phải trông hiểu nhau bằng tầm mắt khác”. Chủ trương của Lã Mông đối với vấn đề Kinh Châu giống hệt như ý Chu Du. Mông muốn đem quân Giang Đông đóng làm ba nơi để tạo thế ỷ giốc phòng thủ. Một là Giang Lăng, hai là Bạch Đế, ba là lập một đạo quân tuần phòng suốt dọc sông. Thực hiện thế phòng thủ này, tự nhiên cần phải chiếm Kinh Châu.
Trước khi đi kế nhiệm Lỗ Túc, Tôn Quyền vời Lã Mông vào thương nghị, hỏi rằng: “Lấy Kinh Châu hơn (hay?) là lấy Từ Châu hơn?” Lã Mông trả lời: “Từ Châu khó lòng đoạt cho xong vì đất này là bình nguyên, lợi cho mã đội, mà phải có tới mười vạn quân mới giữ nổi. Chẳng bằng lấy Kinh Châu, chiếm cứ cả một con sông dài, người Giang Nam lại giỏi về thủy chiến, rất lợi cho miền Nam”.
Tôn Quyền chịu là phải.
Đông Ngô ngày đêm nghiên cứu kế hoạch chiếm đoạt Kinh Châu. Trong khi bên Lưu Bị rất sơ hở việc phòng giữ mặt này, hầu như không lưu ý gì đến quyết định cuộc hội đàm Lã Mông - Tôn Quyền về vấn đề Kinh Châu.
Năm Kiến An thứ 23, Lưu Bị theo kế Pháp Chính tấn công Hán Trung, khiến Tào Tháo phải Tây chinh, đem quân đến Tràng An.
Năm Kiến An thứ 24, Lưu Bị chém Hạ Hầu Uyên ở núi Định Quân. Tào Tháo tiến đánh, Lưu Bị phải lui đóng chẹn các nơi hiểm yếu, nhất định không chịu giao phong với quân Ngụy nữa. Tào Tháo không biết làm thế nào, ít lâu đành thoái binh. Chiếm được Hán Trung, Lưu Bị tỏ ra đắc ý, nhưng sự đắc ý ở đây đã tạo cho Lưu Bị một thất ý đau đớn ở bên Kinh Châu.
Chiếm xong Hán Trung, các tướng của Lưu Bị hội nhau suy tôn Huyền Đức lên ngôi Vua. Tào Tháo ở Nghiệp Quận nghe tin Lưu Bị làm lễ nhận Miện phục và Tỷ thụ tại Miên Dương, định lập tức truyền lệnh khởi hết quân trong nước sang hai Xuyên để quyết sống mái với Hán Trung Vương.
Tư Mã Ý can rằng:
- Tôn Quyền ở Giang Đông, gả em gái cho Lưu Bị, rồi lại thừa cơ bắt em về. Lưu Bị thì chiếm Kinh Châu, không trả Đông Ngô. Bởi thế hai bên vẫn thù oán nhau. Nay ta nên sai người đến dụ Tôn Quyền, sai hắn cất quân sang đánh Kinh Châu. Lưu Bị tất phải mang quân đến cứu. Bấy giờ ta sẽ dẫn quân đến lấy Hán Trung, Lưu Bị đầu đuôi không cứu được nhau tất nhiên phải nguy khốn.
Tháo sai Mãn Sủng đưa thư sang hẹn Tôn Quyền đánh Kinh Châu. Tôn Quyền nhân vừa bị Quan Vũ nhục mạ, ý muốn cất quân đánh ngay. Mưu thần Bộ Trắc nói: “Hiện nay Tào Nhân đóng ở Tương Dương, Phàn Thành không phải cách trở sông to, ngay đường bộ cũng lấy được Kinh Châu, làm sao không đánh chiếm lấy, lại phải xui Đông Ngô ta. Cứ lẽ ấy mà suy thì đủ biết bụng dạ Tào Tháo. Chúa công nên sai sứ sang Hứa Đô, xui Tào Tháo khởi binh mặt bộ trước đến lấy Kinh Châu. Vân Trường tất kéo quân ra đánh Phàn Thành. Nếu Vân Trường đi rồi, chúa công sai một tướng đến ngầm lấy Kinh Châu, như thế chỉ một trận là phá xong”.
Tôn Quyền nghe theo, sai người sang sông dâng thư nói với Tháo việc ấy. Tháo mừng rỡ, lập tức sai Mãn Sủng làm Tham mưu ra Phàn Thành giúp Tào Nhân bàn việc cất quân. Một mặt đưa hịch sang Đông Ngô, sai cất quân đi đường thủy tiếp ứng.
Vân Trường ở Kinh Châu phải đương đầu với hai mặt.
Người đời sau bênh vực Vân Trường đều cho rằng cả hai mặt mà Quan Vũ phải đối phó đều rất khó khăn. Thật ra, sự thất bại hoàn toàn do bởi cái tâm chất kiêu căng và kém khả năng chính trị của Vân Trường. Phê bình Vân Trường với việc Kinh Châu, một nhà học giả Trung Hoa viết tám chữ: “Dũng cảm hữu dư, Chính trị bất túc”. Chính vì thừa dũng cảm kết hợp với thiếu chính trị mà thành phiêu lưu vậy.
Tâm chất kiêu căng và kém khả năng chính trị của Vân Trường đã biểu hiện lên những sự kiện nào?
a) Cắt đoạn ngoại giao với Giang Đông.
b) Không nhận thức đúng rằng bấy giờ Tôn Quyền đáng sợ hơn Tào Tháo.
c) Không trị yên được nội bộ, bọn My Phương ở Giang Lăng và bọn Phó Sỹ Nhân ở Công An chống lại và mưu phản Vân Trường.
d) Khinh rẻ Lục Tốn.
- Coi rẻ Lục Tốn là một quan kiện quyết định Kinh Châu thất thủ. Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể như sau:
- Vân Trường hạ được thành Tương Dương, dụ yên dân chúng, khao thưởng quân sĩ.
Tùy quân Tư Mã là Vương Phủ vào bẩm rằng:
- Tướng quân đánh một trận hạ được Tương Dương, quân Tào tuy rằng mất vía, nhưng cứ ý tôi nghĩ thì Lã Mông bên Đông Ngô hiện đang đóng quân ở cửa Lục Khẩu, có ý muốn dòm ngó Kinh Châu của ta. Nếu hắn đem quân lén lấy Kinh Châu thì làm thế nào?
Vân Trường nói:
- Ta cũng đã nghĩ đến, ngươi nên về lo liệu việc ấy cho ta. Cứ men theo bờ sông, hoặc cách hai mươi dặm, hoặc cách ba mươi dặm, nên tìm chỗ nào có gò cao, xây mỗi chỗ một cái ụ đốt lửa; mỗi ụ dùng 50 tên lính canh giữ. Khi nào quân Ngô sang sông, đêm thì đốt lửa lên cho sáng, ngày thì đốt khói lên để làm hiệu, ta sẽ kéo quân về cứu.
Sau khi hội đàm với Tôn Quyền quyết định đánh úp Kinh Châu. Về đến Lục Khẩu, có tiền mã báo rằng:
- Dưới ven sông, cứ hai chục dặm hoặc ba chục dặm, trên các gò cao đều có ụ đốt lửa cả. Lại nghe quân mã Kinh Châu tề chỉnh lắm, chắc là có chuẩn bị rồi.
Lã Mông giật mình nói rằng:
- Nếu như thế thì khó đồ được mất rồi. Trước mặt Ngô Hầu ta trót khuyên lấy Kinh Châu, nay biết xử trí thế nào cho được?
Mông nghĩ ngợi mãi không có mẹo gì, mới cáo ốm và cho người về báo với Tôn Quyền. Quyền thấy vậy trong bụng buồn rầu lắm.
Lục Tốn thưa rằng:
- Tử Minh giả ốm đó, không phải ốm thiệt đâu.
Quyền nói:
- Bá Ngôn đã biết là giả thì thử đi xem sao.
Lục Tốn lĩnh mệnh, đến Lục Khẩu ra mắt Lã Mông; quả nhiên Mông không có gì đáng (dáng?) đau ốm cả. Tốn nói:
- Tôi phụng mệnh Ngô Hầu đến thăm quý thể ra làm sao.
Mông nói:
- Tôi hơi mệt một chút, đâu phiền đến hỏi thăm.
Tốn nói:
- Ngô Hầu mang trách nhiệm giao phó cho ông, ông không nhân lúc này mà làm phăng ngay đi, còn để bận bịu trong bụng làm gì?
Lã Mông giương mắt nhìn Lục Tốn, nín lặng hồi lâu. Tốn lại nói:
- Tôi có một phương thuốc trị được bệnh của Tướng quân, không biết ông có dùng không.
Mông mới đuổi tả hữu ra ngoài rồi hỏi rằng:
- Bá Ngôn có phương nào hay, xin dạy bảo ngay cho.
Tốn cười nói:
- Bệnh của Tử Minh chẳng qua chỉ vì quân Kinh Châu nghiêm chỉnh và ven sông lại có ụ khói lửa đó thôi. Tôi có một mẹo này khiến cho những quân giữ Kinh Châu không đốt được lửa lên, mà quân Kinh Châu phải bó tay chịu hàng thì thế nào?
Tốn nói thêm:
- Vân Trường cậy mình là Anh hùng, nhưng chỉ còn e có Tướng quân đó thôi. Giả thử Tướng quân giả ốm từ chức lui về, giao việc cho người khác để cho người ấy phỉnh phờ Quan Công, càng làm cho y kiêu ngạo nữa, y tất rút hết quân Kinh Châu kéo ra Phàn Thành. Nếu Kinh Châu không có phòng bị gì, ta chỉ dùng một đạo quân, tìm mưu lạ sang sông mà úp lấy, chắc chắn Kinh Châu ở trong tay rồi.
Lã Mông mừng rỡ nói rằng:
- Thế mới là mẹo giỏi.
Sau đó, Lã Mông giả vờ ốm nặng, dâng thư từ chức.
Lục Tốn về ra mắt Tôn Quyền, thuật lại kế ấy. Quyền cho triệu Lã Mông về Kiến Nghiệp dưỡng bệnh. Mông về đến nơi, Quyền hỏi rằng:
- Trách nhiệm ở Lục Khẩu, ngày xưa Chu Công Cẩn tiến Lỗ Túc để thay chân. Khi Lỗ Túc mất, lại tiến ngươi kế vào chức ấy. Nay ngươi cũng nên tiến một người nào có tài có tiếng để thay ngươi thì chẳng hay lắm ru.
Mông thưa:
- Nếu dùng người danh vọng thì Vân Trường tất nhiên phải đề phòng. Có Lục Tốn, ý tứ sâu xa mà chưa có danh tiếng gì, Vân Trường tất không coi vào đâu. Nếu dùng người ấy thay tôi thì việc ắt xong.
Quyền mừng lắm, ngay hôm ấy phong cho Lục Tốn làm Thiên tướng quân Hữu đô đốc thay Lã Mông coi giữ Lục Khẩu.
Tốn phụng mệnh nhận lĩnh ấn thụ, ra ngay Lục Khẩu. Bàn giao công việc trong ba quân mã thủy bộ đâu đấy, Tốn lập tức viết một phong thư, sai người mang ngựa quý gấm lạ, rượu ngon và đồ lễ vật khác đem đến Phàn Thành vào lễ Quan Công.
Quan Công đòi sứ giả vào bảo rằng:
- Tôn Quyền nay sao quẫn thế, sai thằng trẻ con ra làm Tướng à?
Sứ giả phục xuống đất kêu rằng:
- Lục Tướng quân tôi, có đồ lễ và thư đến đây dâng trình Quân Hầu. Một là mừng Quân Hầu, hai là cầu đôi bên được hòa hiếu với nhau, xin Quân Hầu chiếu cố đến cho.
Quan Công mở thư ra xem, thấy lời lẽ khiêm tốn lắm. Xem xong ngẩng mặt cười ầm cả lên…
Vân Trường là người thế nào?
1) Kể về phương diện tài năng: Quan Vũ là một người có bản lĩnh, nhưng chỉ bản lĩnh chinh chiến mà không có bản lĩnh chính trị.
Cứ xem như trong toàn bộ Tam Quốc Chí, mỗi lần lực lượng Lưu Bị phân binh thì bao giờ cũng chỉ có hai người lãnh đạo là Lưu Bị, và Vân Trường.
2) Người phương Bắc vốn vẫn không thiện thuỷ chiến, mà khi Vân Trường lãnh đạo Kinh Châu, thuỷ binh trong tay Vân Trường cũng không dở.
3) Kể về phương diện tâm chất, đạo đức, Vân Trường hoàn toàn là con người khí khái anh hùng đặc biệt của một võ sĩ phong kiến thời đại. Tâm chất này đã tạo thành nhiều nhược điểm của Vân Trường trên chính trị.
Thua trận Mạch Thành và cái chết của Vân Trường là một vết thương chí mạng cho lực lượng Lưu Huyền Đức. Bởi vì mất Kinh Châu thì chỉ còn có một đường phát triển vào Trung Nguyên là đường từ Ích Châu qua Hán Trung sang Quan Trung, đường này lại rất nguy hiểm, đường núi trùng điệp; còn Kinh Châu, Thục Vương có thể đánh Tào bằng lối Nam Dương, Lạc Dương. Do đó mà sau này Gia Cát Lượng mấy lần phạt Nguỵ đều thất bại.
Căn rễ của cái họa Kinh Châu ở đâu?
Xét kỹ ra, nếu Lưu Bị biết hợp cùng Lưu Chương đánh Trương Lỗ ngay khi lực lượng Mã Siêu-Hàn Toại đương hoành hành quấy nhiễu Tào Tháo, chắc tình thế đã đổi khác.
Lưu Bị đánh Lưu Chương giữa lúc Tào Tháo bình xong bọn Mã Siêu, Hàn Toại rồi chuyển quân công phá Hán Trung là một nước cờ rất thấp.
Đi nước cờ thấp ấy, Tào Tháo mới có cơ hội đoạt Hán Trung, liên lạc với các tướng tá vùng Lương Châu xâm phạm khuấy loạn Quan Trung khiến cho Lưu Bị buộc phải phái Quan Vũ ra đó chống giữ khiên chế thế lực Tào, thành ra Kinh Châu bị bỏ trống.
Kinh Châu mất, kéo thêm thất bại nặng nề là trận Hào Đình, thua trận này (Lưu Bị?) rút về thành Bạch Đế và chết ở đó.
Tam Quốc Chí diễn nghĩa nói việc Lưu Bị hưng binh phạt Ngô là để trả thù cho người Em kết nghĩa Vân Trường.
Chuyện ấy hoàn toàn bịa đặt, hoàn toàn tiểu thuyết hoá.
Có một chứng cớ rõ ràng là:
Lưu Bị cử binh đánh Ngô cách xa ngày Quan Vũ bị giết hơn một năm rưỡi. Với khoảng thời gian này, đối với con nhà Chính trị, đương nhiên lý trí phải thắng cảm tình.
Chẳng qua đánh Kinh Châu, Lưu Bị chỉ muốn cứu vãn nước cờ thấp mà thôi. Nguyên nhân xa xôi của nó vẫn là Chính sách cấp công cận lợi tại Ích Châu, đến nỗi không còn lực để bảo vệ Kinh Châu vậy. Thế mới biết: phân biệt được nổi cái Nhanh với cái Chậm, cái Tấn tiệp với cái Trầm tĩnh, đối với các Chính trị gia thật là điều cực khó.
Phùng Mộng Long nói rằng: “Thành sự đại giả, tranh bách niên bất tranh nhất tức, nhiên nhi nhất tức cố bách niên chi thuỷ dã” nghĩa là: Muốn thành công lớn phải biết tính việc một trăm năm, không tính việc một chốc một nhát, nhưng cái việc một trăm năm bao giờ cũng khởi thuỷ từ cái việc một chốc một nhát.
Thời thế biến không chờ ai, vậy phải hành động nhanh như gió bão, như sét đánh chẳng kịp bưng tai. Nhưng tất cả kỹ thuật để thực hiện một hành động sấm sét gió bão lại nằm ở nơi biết thung dung nhận rõ thời thế, nhận đúng cơ duyên.
Quan Vân Trường
Quan Vân Trường là một nhân vật trọng yếu đời Tam quốc. Trọng yếu vì những võ công oanh liệt và cũng trọng yếu vì thất bại trên chính trị của ông đã làm đảo lộn cục diện.
Quan Vân Trường lại càng trọng yếu hơn do ảnh hưởng của ông đối với hậu thế. Người đời sau ngưỡng mộ tấm lòng trung kiên của ông mà lập miếu thờ khắp nơi.
Sử gia Trần Thọ phê bình Vân Trường rằng: “Sứng vạn thế chi địch, vi thế hổ thần, nhiên Vũ cương nhi tự căng, Phi bạo nhi vô ân”. (Sức muôn người khôn địch, nhưng Quan Vũ quá cứng lại kiêu, còn Trương Phi hung bạo mà vô ân).
Tại sao một con người như thế mà được toàn dân sủng ái?
Có hai nguyên nhân:
1) Dân chúng chịu ảnh hưởng ngòi bút tài ba của nhà văn La Quán Trung đã khéo tô vẽ Vân Trường thành một tiêu chuẩn nhân cách siêu việt.
2) Nhu cầu chính trị.
Trước hết ta phải hiểu tính tôn kính đức hạnh trong quan niệm chính trị của con người Trung Quốc. Đối với một nhà chính trị, người Trung Quốc thường đặt câu hỏi: Người ấy đức hạnh ra sao trước hết? Những thắc mắc về lý luận tư tưởng đều chỉ là phụ.
ĐỨC là gì. Các cổ thư giảng rằng: Đức, đắc dã (Đức là cái điều mình được) nhưng được cái gì? Chu Mục đời Hậu Hán cắt nghĩa: Đắc kỳ thiên tính vị chi Đức (được thiên tính gọi là Đức). Cái nghĩa "được" trong chữ Đức của người Đông Phương hiểu với một tính cách tuyệt đối lý tưởng hoá. Đời sống chẳng có cái gì gọi là “Được” cả bởi vì rồi cũng dẫn đến cái chết. Tiền tài hay hết thảy mọi thứ làm thoả mãn cho dục vọng của ngũ quan, khi đã tới gần sự chết thì cũng chỉ là không.
Vậy thì ở đời thế nào gọi là mình đã được? Hãy nghe Mạnh Tử nói: “Con người đến với thế giới, mở mắt ra nhìn năm màu bảy sắc, mê loạn nên trước cần phải biết ta sẽ được cái gì mà không được cái gì? Nhiều kẻ cứ lầm tưởng rằng phải lấy ở bên ngoài mới gọi là được, và vì thế kẻ ấy sinh ra không chịu cho bao giờ. Thiên hướng về dục vọng ngũ quan nên ham lấy, càng ham lấy thì càng làm hẹp cái vòng sống của mình để rồi tiêu tan vào sự chết. Chỉ có những người biết “cho” nhiều, mở rộng cái vòng sống của mình ra vô tận thì mới mong bất diệt được”.
Quan niệm ấy đi vào chính trị, người Trung Quốc liền phân ra hai loại chính trị tiểu nhân và đại nhân. Chính trị của đại nhân là đem thân mình ra cung hiến cho xã hội. Phát huy cái chính trị của đại nhân lên cao hơn gọi là Thánh nhân. Như vậy mới thật là Đức.
Mạnh Tử đem ra ba người để chứng minh Thánh đức như các ông:
- Y Doãn chứng minh trách nhiệm của bậc thánh.
- Bá Di chứng minh đức thanh sạch của bậc thánh.
- Liễu Hạ Huệ chứng minh đức hoà của bậc thánh.
Theo ông thì Thánh là kết quả của công phu lập đức hay kiến lập một tiêu chuẩn nhân cách cá nhân. Nếu chúng ta sống vào lúc đen tối, hỗn loạn, ô trọc, tất nhiên chúng ta mong mỏi có một người nào đứng lên đảm nhận trách nhiệm tích cực vì chúng ta mà phấn đấu, vì đời mà dựng nghiệp. Thế cũng chẳng khác chi đời xưa hy vọng vào Ông Y Doãn vậy.
Nếu chúng ta sống vào lúc cuộc đời quá vẩn đục, chúng ta sẽ thèm khát một con người thanh cao liêm khiết, quang minh chính đại như đời xưa đã nhìn nhận Ông Bá Di.
Nếu chúng ta sống vào cuộc đời quá đua tranh chém giết, chúng ta sẽ hoài vọng một người như Liễu Hạ Huệ, biết ứng phó sự vật biến cố một cách hoà bình, không tranh cạnh, không hận thù.
Nói tóm lại chữ Đức là mức đòi hỏi tối cao, cao đến độ sự đòi hỏi ấy không bao giờ có thể thực hiện nổi trong chính trị.
Tại sao?
Chỉ vì nó là một tín ngưỡng hoàn toàn ảo tưởng, nó mang khả năng thoả mãn một cá nhân cô lập và không quan hệ lắm đến phong trào chính trị lớn lao nghiêm trọng, vì nó thường tách rời thực tiễn chính trị.
Ở nhân vật Quan Vân Trường đã biểu hiện rất rõ rệt sự thất bại của thứ tín ngưỡng ảo tưởng đó trên chính trị. Cái Đức khi đã trở thành một thái độ câu nệ thì chẳng những nó không mở rộng vòng sống như cổ nhân nghĩ, mà trái lại nó còn thắt vòng sống lại hẹp hơn. Và dĩ nhiên nó hoàn toàn vô ích cho chính trị.
Sau này triết gia Chu Tử thấy rõ mối nguy cơ của chữ Đức lệch lạc đến nỗi biến ra bệnh rởm, nên ông bèn xướng lên thuyết cùng lý, chủ trương biến lương tâm thành lương tri, sử dụng lương tri mà dẫn đường cho đức hạnh. Lương tri đòi hỏi con người có tầm nhận thức rộng lớn hơn, vượt ra ngoài vòng thiện ác để tìm đến lãnh vực đúng và sai. Chu Tử chứng thực rằng: Đức câu nệ đã làm hại chính trị và văn học từ trước tới giờ nhiều lắm rồi.
Để phát huy tiêu chuẩn nhân cách Quan Vân Trường, nhà văn La Quán Trung mở đầu bằng cách tiểu thuyết hoá cuộc gặp gỡ của bộ ba Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào. Sau rồi đến cái chết của Lưu Bị ở Bạch đế Thành cho đúng với lời thề. Lấy con mắt chính trị mà xét thì những chuyện đó chẳng khác gì chuyện hai dũng sĩ ngồi quán rượu bàn luận Quốc sự, rồi vì muốn tạ lòng tri kỷ nên mỗi người tự lấy dao xẻo thịt minh, người nọ trao cho người kia làm đồ nhắm, cuối cùng cả hai cùng lăn ra chết. Mặc dầu bị Tam Quốc Chí ảnh hưởng rất mạnh, nhưng quảng đại quần chúng Trung Quốc vẫn có những nhận định tinh tế và dí dỏm, cho nên vào cuối đời Tống, trong dân gian mới được lưu truyền câu chuyện hài hước về kết nghĩa Lưu Quan Trương như sau:
Trương Phi nhà giàu, trước cửa nhà có con sư tử đá, nếu ai lay chuyển nổi con sư tử, Trương Phi gả em gái cho. Bố Quan Công rất nghèo, trồng đậu, làm đậu hũ kiếm ăn. Nhà ông ta ở cùng dãy phố với Trương Phi. Phi thường đến mua đậu hũ chịu. Lâu ngày tiền chịu tích luỹ khá nhiều. Bố Quan Công đến đòi, chẳng những không lấy được tiền, còn bị Trương Phi nện cho một trận nhừ tử. Lúc ấy Quan Công 18 tuổi, thấy Trương Phi đánh bố mình, nổi giận chạy phăng đến nhà Phi, nhìn quanh không thấy côn bổng gì cả, bèn nhấc bổng con sư tử đá dùng làm vũ khí đuổi đánh Phi. Phi vừa hãi vừa kinh ngạc vội núp vào góc tường nói: “Mày hãy bỏ sư tử đá xuống rồi tao gả em gái cho.” Quan Công nghe vậy, mặt ửng đỏ như gấc chín, quát: “Tao là Quan Vũ đây, lấy em gái mày làm gì, tao đến đòi tiền đậu hũ.” Trương Phi thấy Quan Công buông lời ngạo mạn cũng nổi nóng xông vào giằng con sư tử đá. Cuộc tranh hùng đang gay go thì hốt nhiên có một người cao lớn từ đâu đi tới, vai mang một bị đầy dép cỏ. Người đó giơ tay gạt Quan Trương ra hai bên. Quan Trương lấy làm lạ hỏi: “Mày là thằng nào vậy?” Người mang bị dép nói: “Tao là Lưu Bị cháu hai mươi đời Lưu Bang đây.” Quan Trương nghe thấy nói dòng dõi Hán Vương vội vàng quy phục ngay. Chiều hôm ấy, cả ba làm tiệc tế trời đất cùng nhau thề thốt kết nghĩa. Câu chuyện trên đây tuy cũng là câu chuyện bịa đặt, nhưng nó chất chứa một sự thật là chế giễu việc kết nghĩa quá ư tiểu thuyết của Tam Quốc Chí diễn nghĩa. Mặt khác nó cũng nói lên tâm trạng sính “chính thống” đương thời.
Tục thờ Vân Trường khởi từ thời Thanh, xướng lên bởi các tay giang hồ mãi võ Cách mạng phản Thanh phục Minh. Miếu thờ Quan Vũ chính là một hình thức hội kín nhưng mang bộ mặt hợp pháp. Nhưng kế hoạch này bị Thanh triều phá vỡ. Vua Thuận Trị nhà Thanh thấy tình hình nếu cứ để hội kín nấp dưới bóng Vân Trường thì rất nguy hiểm, mà đàn áp chắc không xong rồi, nên mới giáng chỉ cho toàn quốc lập miếu thờ, giáng chỉ này cũng áp dụng luôn cả với dân tộc Mãn Thanh nữa. Mục đích là làm chết không khí hội kín bên trong miếu thờ Vân Trường. Vua Càn Long giáng chỉ phong Quan Vũ làm Trung Nghĩa Vũ Thần Đại Đế. Quả nhiên hội Vân Trường mất hẳn hiệu lực, từ cách mạng chuyển ra mê tín cầu phúc giải tội, dần dần các miếu lọt vào tay bọn buôn Thần bán Thánh. Âm mưu phục Minh cũng tan rã.
Đó là tất cả nguyên nhân tại sao Vân Trường lại được sùng bái, phổ biến rộng lớn vậy. Nếu không có cuộc Cách Mạng phản Thanh, thì chắc việc hiển thánh của Quan Vân Trường trong Tam quốc chí diễn nghĩa đã bị bỏ quên rồi.
Bàn hẳn vào cái Đức của Quan Vân Trường
Cổ nhân nhận rằng Đức có tám thể:
1) Nhân.
2) Nghĩa.
3) Lễ.
4) Tín.
5) Thứ.
6) Nhẫn.
7) Trung.
8) Dũng.
- Về chữ “Nhân” sách Luận ngữ viết: Nhân là yêu người (nhân giả ái nhân) cho nên người có lòng nhân thì thiên hạ không ai địch nổi. (Nhân nhân vô địch ư thiên hạ). Vân Trường có thể gọi là người Nhân theo đúng nghĩa Luận ngữ chăng. Toàn bộ Tam quốc chí người đọc thường thấy Vân Trường quát mắng: “Dòng hổ mà lại lấy dòng chó à?” Lúc Khổng Minh về với Lưu Bị, hễ mỗi lần có việc sai phái đến Vân Trường thì đều bị Quan Trương hậm hực phản đối. Thế thì Vân Trường bất nhân sao? Đương nhiên không thể dùng danh từ bất nhân mà gán cho Vân Trường được, nhưng cái đức nhân của Vân Trường, nếu xét nó dưới nhãn quan chính trị, thì ta không thể nào ca tụng được.
- Về chữ “Nghĩa”, Mạnh Tử nói: Nghĩa là điều nên làm. Theo Mạnh Tử “Nghĩa” là phép ứng phó với sự vật. Hoài Nam Tử nói: Nghĩa giả tụ nhân, tụ nhân, cố bất nhẫn loạn. (Có nghĩa tất quy tụ được người, người quy tụ thì không loạn). Quan Vân Trường tuy là người nghĩa khí, nhưng cái nghĩa của Vân Trường ở mức độ thấp ứng phó giữa cá nhân với cá nhân, với sự vật trước mắt, chữ Nghĩa của Vân Trường không vươn được tới lãnh vực chính trị. Do đó Vân Trường mới bị bọn Phó Sĩ Nhân, Mi Phương làm phản ở Kinh Châu.
- Về chữ “Lễ”, cổ nhân giảng chữ lễ là thứ tự đơn giản. Cái Lễ của Vân Trường thì lại quá hoả và phức tạp. Cho nên cứ mỗi lần vấp phải việc gì xúc phạm đến tính cách phức tạp ấy là Quan Vũ nổi giận. Nếu nói rằng: “Lễ” là vào chỗ nào nên tìm biết điều cấm kỵ, vào nước nào nên hỏi phong tục, vào nhà nào nên tránh những huý kỵ thì Vân Trường không hợp được với chữ Lễ theo nghĩa đó.
- Về chữ “Tín”, Vân Trường thật là con người trung tín, nhưng trung tín của Vân Trường cũng chỉ hẹp hòi thu vào quan hệ giữa cá nhân. Tỉ dụ như việc bỏ Tào trở về với Lưu Bị, tha Hoàng Trung để trả nợ kẻ không nỡ bắn mình, thái độ đối với Tào Tháo ở Hoa Dung tiểu lộ. Đến vụ Kinh châu thì chữ Tín kia mất hẳn. Khổng Minh mặc dầu vì nhu yếu chính trị nên trên sự thật không trả Kinh Châu, nhưng trên danh nghĩa bao giờ Khổng Minh vẫn dùng chữ mượn vì sẽ trả. Trái lại Vân Trường hành động ngược hẳn với đường lối của Khổng Minh.
- Về chữ “Nhẫn”, Vân Trường hoàn toàn thua sút. Suốt đời Vân Trường, vui hay giận đều vút cao lên quá mức. Sách Luận ngữ dạy: Tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu (không nhẫn nổi sự việc nhỏ tất hại cho kế lớn). Thất bại Kinh Châu làm sụp đổ toàn sự nghiệp gây dựng bao năm trời của Lưu Bị do bởi tính thiếu đức nhẫn của Vân Trường mà nên. Người xưa chủ trương “Mười năm đèn sách, mười năm nuôi khí chất”. Mười năm đèn sách đem lại Trí, mười năm nuôi khí chất tạo thành đức nhẫn. Đức nhẫn quan hệ vô cùng đối với chính trị. Vân Trường gan dạ nhưng thiếu kiên nhẫn.
- Đến các chữ Trung, Thứ, Dũng, đọc Tam quốc chí diễn nghĩa ta thường thấy hiện lên nhân vật Quan Vân Trường đủ cả, có điều đáng tiếc là phần lớn chúng đều bị Vân Trường sử dụng sai chỗ.
Đọc Tam quốc chí diễn nghĩa, đến đoạn Hoa Dung tiểu lộ. Quân Tào Tháo người ngựa sau khi thất trận Xích Bích chạy đã mệt nhoài, hốt nhiên tới Hoa Dung gặp quân mai phục của Vân Trường. Quân Tào Tháo nhìn thấy ba hồn bảy vía lên mây ngơ ngác nhìn nhau. Tháo muốn liều chết đánh nhưng Trình Dục tiến lên can rằng:
- Tôi vẫn biết Vân Trường vốn kiêu ngạo với người trên, nhưng không chấp kẻ dưới, coi thường người khoẻ nhưng không nỡ hiếp kẻ yếu, ân oán phân minh, tín nghĩa rõ ràng. Thừa tướng khi xưa có ân tình với ông ấy, nay nên thân ra cầu hoà mới thoát được nạn này.
Lời Trình Dục với việc Quan Vũ tha Tào đã nói lên rõ ràng cái nghĩa khí sắp đặt sai chỗ của Quan Vân Trường vậy.