Mỗi buổi sáng thói quen trước khi ra khỏi nhà, tôi thường ngồi xuống bàn computer để mở hộp thư ra coi có thư từ gì không. Trước mắt là dòng tin nhắn của Đại huynh báo cho biết cô tôi, người chị của ba đã qua đời vào lúc 5 giờ sáng cùng ngày. Tôi ngừng lại với những con chữ thật ngắn gọn đi cùng số điện thoại để trực tiếp liên lạc đến thân nhân.
Hàng chữ thật ngắn như một cái thở hắt cuối cùng của một đời người. Ngoài trời con nắng đã lên cao, tôi ngước mắt nhìn qua khung cửa. Mùa hè hoa trái trên cành đang xum xuê chen chúc vươn mình lớn dậy bên nhau, màu xanh của những búp non, màu đỏ của trái chín thẩm trên cây, màu lá vàng úa héo rụng rơi đầy sân nắng. Sự sống và sự chết luôn đi cận kề bên nhau như ánh sáng và bóng tối, như khổ đau và hạnh phúc, như hội ngộ rồi chia ly.
Tôi ngồi thẩn thờ thả trôi theo vạt nắng đang nhòa nhạt ánh sáng ngoài kia. Luồng ánh sáng dội đập vào đôi mắt hun hút trí não, dẫn đưa tôi trở về những tháng ngày trên quê hương,để tôi nhìn thấy lại hình ảnh của người cô mới vừa khép lại đôi mắt, mới vừa buông đôi tay nhẹ nhàng trở về cùng cát bụi.
...
Người đàn bà dáng dấp thật sang, thật nghiêm và lạnh lùng.Một mình quán xuyến hết chuyện buôn bán và lo toan cho gia đình thật chu đáo. Sự uy nghiêm của người cô đã luôn giử tôi khép nép ở một khoảng cách. Những ngày còn thơ ấu tôi thường theo bà nội vô Huế. Tôi ở trong căn nhà của cô được xây cất to cao, bệ vệ trên con đường mặt tiền to rộng. Cô tôi ngoài cửa hàng trong chợ Đông Ba còn có cả một nhà máy làm nước đá cục phân phối đi mọi nơi. Các anh và chị họ sống trong sự sung túc, giàu có.
 Tất cả chẳng khác nào những vị công tử,vị tiểu thư. Nhà cửa rộng rải nên phải mướn tới năm hay sáu người giúp việc mới làm hết việc trong gia đình. Tôi chỉ là cháu kêu bằng cô nhưng theo nề nếp đã có sẳn dưới sự chỉ bảo của cô, tôi cũng được đối xử như một vị tiểu thư. Sáng vừa mở mắt là có người làm đến hỏi dùng món ăn gì cho buổi điểm tâm?. Rồi cơm trưa, cơm tối, lúc nào cũng đầy những món ăn ngon, hợp khẩu vị được dọn ra ê hề. Tôi thích nhất là những bửa cơm tối thật đầy đủ người trong nhà. Bữa ăn lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói. Đối với đứa cháu, cô tôi ít khi tỏ ra thân mật, nhưng tôi lúc đó tuy còn nhỏ cũng nhìn ra tấm lòng của cô rất thương ba tôi, nên đứa cháu gái cũng được cô chăm sóc rất kín đáo, bằng cách những gì cô muốn giúp đành gửi gấm nhờ qua tay của bà nội làm dùm. Bây giờ tôi mới hiểu là cô tôi tế nhị tránh né chút tâm lý về phía bên chồng.
Tuổi thơ của tôi trên quê hương, vẫn thường thấy cô vô ra Huế và Quảng Trị như đi chợ cho những chuyến buôn bán, lần nào ở Huế ra tôi đều được cô cho quà bánh và nhiều áo quần đẹp.
...
Rồi chiến tranh bùng nổ lan tràn. Thời gian sau tôi gặp lại cô ở Sài Gòn, cô tôi vẫn luôn là một người đàn bà giỏi dang tháo vác, luôn là người chỉ huy đầy bản lỉnh trong gia đình.Sau đó tôi lập gia đình và không còn gặp cô nữa, cho tới khi đại gia đình của cô sửa soạn đi qua nước Mỹ, cho dầu tôi đang ở nơi xa,tối hôm trước ngày cô ra đi, tôi bồng đứa con gái lớn đến thăm và chúc cô ra đi bình an. Cô chuyện trò cười nói vui vẻ và còn ít tiền lẻ trong túi, cô cuốn tròn nhét vào tay tôi bảo cho đứa nhỏ. Lúc đó tôi nhìn cô vẫn còn trẻ, sức khỏe tốt và nơi cô sắp đến là đất hứa, là thiên đường nên tôi ngầm cầu chúc cô luôn luôn hạnh phúc.
....
Hơn mười năm sau, gia đình tôi đi qua nước Mỹ. Chỉ mới mấy tiếng đồng hồ sau thì chưa thấy bóng dáng của cô nhưng đã nghe tiếng cô vang lên ở trước sân nhà. Nhìn cô vẫn sức khỏe tốt, dáng dấp ăn diện rất đẹp đẻ, tiếng nói sang sảng cùng trên tay mang mấy bịch đồ ăn. Hôm đó gia đình tôi được ăn một bửa, bánh mì cùng thịt heo quay, vịt quay, gà hấp muối của cửa hàng nổi tiếng lúc bấy giờ. Cũng như hành động năm xưa, trước khi ra về cô tôi lại dúi vào tay tôi một trăm đô la, bảo cho mấy đứa nhỏ.Hình như trong mắt của cô, tôi chưa bao giờ lớn và điều cô dành cảm tình cho tôi có lẽ tôi rất giống bà nội, người mà cô rất thương và quí trọng, bởi tôi nhớ có một lần cô tôi làm chuyện gì đó khiến cho bà nội giận. Bà nội tôi ngồi xe từ Quảng Trị vô tới Huế để la mắng cô tôi cho hả giận. Cô đã có một đại gia đình con cái đầy nhà. Vậy mà giữa cửa hàng đang buôn bán,cô tôi đứng im thinh thít để cho mạ là bà nội tôi rầy la, cô tôi không dám nói đến nửa lời để phân minh.Cô tôi thật là một người con rất có hiếu với cha mẹ.
Thời gian trên nước Mỹ, gia đình tôi cũng di chuyển nhiều nơi nên ít khi gặp lại cô. Cho tới khi tôi được ổn định thì biết cô mắc chứng bệnh tiểu đường. Tánh cô tôi rất cương cường, những năm tháng bắt đầu bị bệnh, cô thường tự một mình chít thuốc cho cô. Tiếng Mỹ cô chỉ biết vài câu mà đi chợ biết bắt bẻ người thâu ngân tính tiền sai. Cô nói "tau chỉ có mấy chữ mà đi du lịch qua tới bên Tây " rồi cười ha hả ra vẻ đầy thú vị. Chỉ có mấy chữ mà cô tôi đi rất nhiều nơi trên nước Mỹ, luôn cả nước Pháp vì các anh chị họ của tôi đã lập gia đình tản ra khắp mọi nơi.
Căn nhà cô tôi ở mướn từ lúc vừa đến nước Mỹ. ở đó đã chứng kiến biết bao buồn vui trong cuộc sống, và căn nhà đó cũng là nơi cô tôi nằm xuống với những ngày tháng khi cơn bệnh mỗi ngày mỗi trầm trọng.Cô tôi vẫn tôn trọng đời sống riêng tư của con cái, nên không muốn con cái phải lo lắng. Cô tôi một mình với căn bệnh ngặt nghèo, cô đơn nhìn ngày tháng lướt trôi qua. Sự sống lây lất như ngọn đèn treo trước gió chỉ chực chờ tàn lụi.
Dạo sau này tôi ít đến thăm cô, vì mỗi khi nhìn thấy cô với hình hài tang thương trước mắt thì tâm trạng của tôi sẽ bị hao hụt chới với. Bởi từ một người đàn bà có nét đẹp sang cả đầy sức sống, để rồi từ hình ảnh đó đã biến thành một người đang nằm héo úa, gầy mòn chờ ngày mục rữa. Tôi cảm thấy rất sợ, nỗi sợ như xé cả trái tim đến đau lòng thắt từng đoạn ruột...
...
Đời người ai cũng bảo là ngắn ngủi, nhưng đời người như cô tôi thì thật là quá dài. Cô tôi nằm đó gần hơn mười năm với cơn bệnh hành hạ thân xác ngày đêm và không ít nhiều sự đơn độc cũng đã làm cho trái tim của cô bị tổn thương!?.
...
Cô ơi, trong quá trình con lớn khôn đã được nhìn thấy cô, một người đàn bà thật quá hoàn hảo cho gia đình, cô không còn gì để nuối tiếc giữa cuộc đời này nữa, cô hãy thanh thản ra đi.Những kỷ niệm hãy để cho những người còn ở lại ghi nhớ tiếc thương...
Mầu Hoa Khế
July-2-2011

Xem Tiếp: ----