Đáng lẽ con đường cái chạy từ đầu đến cuối xóm tên là Hồ Xuân Hương, nhưng ngưòi ta vẫn quen gọi là đường Chùa Bà, chắc tại đầu xóm có cái chùa. Lúc thằng Cọp bắt đầu lớn lên, tung tăng khắp xóm và đọc được hai chữ ‘ Khuôn Lạc” trên nóc chính điện, nó đã thắc mắc tại sao không gọi là đường Khuôn Lạc? Với lại chùa Khuôn Lạc thờ cả đức phật Thích Ca chứ nào phải chỉ thờ Phật bà Quan Âm mà gọi là Chùa Bà? Tuy nhiên nó cũng không buồn tìm hiểu thêm làm gì. Chỉ biết đây là đường Chùa Bà, và xóm nó ở cũng được gọi là xóm Chùa Bà.
Xóm có khoảng chừng trên năm mươi nóc gia rải rác theo con đường chính. Nhà Cọp ở gần giữa. Đúng ra thì đây là nhà ông nội Cọp. Nhà thiệt của ba mạ Cọp ở thành phố, gần chợ Đông Ba. Mạ Cọp bán vải ở chợ. Cọp ở với ông nội vì trường học gần nhà đi bộ cho tiện. Mỗi chiều thứ Bảy sau khi tan chợ, mạ Cọp đi xích lô về xóm Chùa Bà đón Cọp về nhà. Cọp cũng thương mạ và hai chị của nó lắm, nhưng mỗi cuối tuần phải về ở với gia đình, cực chẳng đã nó phải đi. Ai nói ở thành phố vui chứ với Cọp thật buồn lắm. Ở đó Cọp chỉ lủi thủi một mình. Ba Cọp đi lính ở xa lâu lâu mới về. Mạ Cọp buôn bán ở chợ từ sáng đến tối mịt. Hai chị thì hơn Cọp đến bảy tám tuổi, dù thương cũng không biết nói hay chơi gì với Cọp, cùng lắm là dắt Cọp ra phố ăn kem. Cho nên đến mỗi chiều Chủ Nhật, mặt trời chưa lặn là Cọp đã bồn chồn mong được “về nhà”.
Về nhà, tức là về xóm Chùa Bà, giang sơn của Cọp. Có những lần mạ Cọp muốn giữ nó ở lại qua đêm Chủ Nhật, sáng thứ Hai sẽ đưa nó tới trường luôn. Cọp ngồi khóc tỉ tê. Mạ hỏi
-Con không thương mạ à?
-Dạ có
-Rứa răng con cứ đòi về nhà?
- Con không biết.
Hình như Cọp biết mang máng, nhưng không làm sao diễn tả hết nổi niềm.
Ở xóm Chùa Bà, Cọp được tất cả mọi người thương mến. Dĩ nhiên Cọp phải ngoan, nhưng còn một lý do nữa: nó là cháu nội của vị Đông y sĩ nhân đức và rất mát tay chữa bệnh mà cả xóm cũng như những vùng lân cận đều trọng nể. Trước kia khi ông nội Cọp còn hành nghề, ông thường cứu giúp kẻ nghèo khó. Bây giờ đã già, ông về dưỡng lão tại đây.Tiếng là hồi hưu, nhưng ông vẫn thình thoảng trở lại nghề cũ để cứu giúp những bệnh nhân chung quanh hay một số thân chủ cũ tìm đến.
Một trong những thân chủ quen thuộc vẫn nhờ ông nội Cọp bổ thuốc Tể hàng tháng là bà Tham. Bà Tham ở căn nhà lớn nhất cuối xóm. Không ai biết tên thật của bà là gì, chỉ quen gọi là bà Tham theo chức quan của ông cụ thời sinh tiền. Cụ Tham làm quan trong những năm cuối cùng của triều Nguyễn, nổi tiếng là ông quan nghiêm khắc và chính trực. Đó là lý do mà cả xóm cho đến nay vẫn còn kính trọng và nể vì. Nhà bà to và đẹp lắm. Vào cổng sau khi qua hai cột trụ cao và cổ kính, bên dưới có hai con sư tử bằng đá nhe răng múa vuốt, là con đường nhỏ trải đầy sỏi trắng, hai bên là hàng rào đầy các loại hoa. Cuối con đường đến khoảng sân trước nhà có những cái chậu bằng đá thật nặng đầy riêu phủ trồng sen. Hai bên hông và phía sau là khoảng vườn rộng mênh mông đầy các loại kiểng cũng như cây ăn trái. Đặc biệt có hai cây cau cao vút lên trời.
Tuy nhà bà Tham lớn như vậy nhưng không có mấy người. Bà ở với đưá cháu ngoại trạc tuổi Cọp, một ông quản gia trung thành từng theo hầu cụ ông ngày trước, và một chị người làm lo việc bếp núc, các việc lặt vặt khác. Bà vốn hiếm muộn, chỉ có một người con gái thì lại theo chồng vào nam. Dù con bà đã nhiều lần muốn bà dọn vào Nam ở, nhưng bà đã cương quyết ở lại xóm Chùa Bà để giũ gìn hương hỏa bên chồng. Được cái tuy chỉ một con gái, nhưng bà lại có rất nhiều cháu ngoại. Trà là đưá con út mà con gái bà để lại Huế cho bà cháu hôm sớm có nhau, tuổi già bớt quạnh quẻ.
Bà Tham không làm gì cả. Của cải do cụ ông để lại cùng lợi nhuận từ vườn cây sau nhà đủ cho bà sống thoải mái. Đó là chưa kể con gái bà vốn rất khá giả và vẫn thường chu cấp thêm thường xuyên cho mẹ. Công việc duy nhất để bà đi ra khỏi nhà hằng ngày là cùng ngồi xích lô đưa cháu đi học mỗi trưa, chiều lại đón về.Còn ngoài ra bà chỉ ở nhà tụng kinh niệm phật. Mọi việc giao dịch khác đã có người quản gia chu tất.
Tuy bà sống thanh đạm và giản dị như vậy, nhưng danh tiếng của một mệnh phụ phu nhân vẫn không hề suy suyển. Cả xóm Chùa Bà đều kính nể và coi bà như thuộc về một tầng lớp khác. Đến cả ông nôi Cọp cũng không ngoài lệ đó, dù bà là bệnh nhân vẫn nhờ ông hốt thuốc hàng tháng.
Cọp gặp bà Tham mấy lần trong nhà khi bà đến cho ông nó bắt mạch. Những lần đó Cọp chỉ dám đứng xa xa quan sát và thắc mắc không hiều bà đáng sợ ở chỗ nào. Bọn con nít trong xóm như Cọp leo trèo phá phách ở đâu cũng phải chừa lại vườn nhà bà Tham. Đến như lũ chim kia hình như cũng biết đó là nơi an toàn nên đã từng đàn tụ về. Cọp và các bạn chỉ biết đứng ngoài thèm thuồng nhìn những trái chín mọng trong vườn và lũ chim líu lo rộn rả bên trong.
Cơ hội đã đến với Cọp vào một buổi trưa oi ả khi Cọp đang đội nắng đến trường. Chiếc xích lô chở bà Tham đưa cháu ngoại đi học rà đến bên cạnh. Từ trên xe bà hỏi vọng xuống:
-Này con. Con là cháu ông Khánh phải không?
-Dạ. Cọp rụt rè trả lời.
-Tội nghiệp! Trời nắng như ri mà đi bộ bịnh chết. Con lên đây đi với bà luôn thể.
Câu nói của bà Tham làm Cọp ngẩn người không biết trả lời ra sao. Ngồi xe xích lô tới trường giữa trời nắng gắt như vầy còn gì sướng bằng. Khỏi mỏi chân và đõ khát nước. Nhưng Cọp vẫn ngần ngừ. Bà Tham đối với nó vẫn là một người đáng nể sợ. Hơn nữa lại có con Trà trên xe. Cọp biết con Trà từ lâu. Nó học bằng lớp Cọp, nhưng ở dãy con gái. Cả trường Cọp có khoảng bốn hay năm đứa thuộc loại “ quý tộc” như con Trà. Chúng nó thuờng chơi chung với nhau. Thực ra thì tụi con Trà cũng đâu có kiêu kỳ làm cao làm dáng gì đâu. Tụi nó khi nào cũng muốn gia nhập cuộc chơi với chúng bạn khác. Nhưng mà chỉ nội cái tiếng tăm của gia đình và lối đi học bằng xe đưa rước mỗi ngày cũng đủ làm cho lũ học trò bình dân như Cọp cảm thấy thua kém và cách biệt.
Thấy Cọp cứ đứng ngẩn tò te, bà Tham bước xuống nắm tay nó kéo lên xe. Bà bảo con Trà sang ngồi trong lòng bà và nhường chỗ cho Cọp. Xe đã chuyển bánh mà Cọp cứ suy nghĩ. Con Trà lơ đãng nhìn Cọp. Nó không biểu lộ vể phản đối hay đồng ý nào cả. Hôm nay Trà đi học mặc áo đầm hồng mới tinh, tóc thắt nơ đỏ, đi giày Tây đàng hoàng. Con nhỏ đúng là một tiểu thơ tý hon. Bỗng nhiên Cọp thấy mắc cở quá. Chưa bao giờ Cọp thấy mình dơ dáy hơn lúc này. Bên cạnh con Trà sạch sẽ trắng trẻo, nó bỗng trở nên đen như cột nhà cháy.Tệ nhất là trên đầu nó mấy bữa nay mọc cục Sài. Ông nội Cọp phải cạo khoảng tóc chung quanh để dán miếng thuốc dán hiệu con Rắn vào.
Cọp ngồi yên lặng suốt quảng đường. Bà Tham có hỏi nó chỉ thưa dạ cho qua, tuyệt nhiên không nói gì với con Trà. Khi xe đến trường, bà Tham mua hai cây cà rem cho hai đứa, Cọp cầm cà rem chạy ù vào đám bạn đang bắn bi trước cổng trường, quên cả cám ơn.
Hôm sau bà Tham cho xe đến đón Cọp tận nhà. Bà ngồi ngoài, để con Trà vào kêu Cọp đi học làm ông nội ngạc nhiên. Cọp thì mắc cở trốn trong bếp khiến ông nội phải kéo nó ra tận nơi. Cực chẳng đã Cọp đành leo lên.
Kể từ hôm đó, Cọp chình thức đi học bằng xe xích lô với con Trà. Mấy hôm đầu nó còn ngượng ngùng, dần dần Cọp quen đi. Bà Tham đâu có gì…ghê gớm như nó vẫn tưởng.
Mỗi lần hỏi chuyện Cọp, bà kêu con thật ngọt ngào và hiền hậu. Giọng bà lơ lớ âm hưởng tiếng nam, vì bà vốn sinh ra trong đó. Cọp có nghe nói đến Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông mà nó từng học trong một bài tập đọc. Đối với Cọp, miền nam là Sàigòn, Sàigòn là miền nam. Bà Tham phong độ quý phái có lễ vì bà từ Hòn Ngọc Viễn Đông ra đây(?).
Mỗi chiều tan học, xe bà Tham dậu chờ sẵn ở cổng trường.Thông thường con Trà thuộc dãy con gái ra trước, Cọp ra sau. Mỗi khi Cọp leo lên xe, bà Tham thường hỏi
-Bữa ni Cọp được mấy điểm?
-Con được 10 điểm.
Nó hí hửng khoe. Bà Tham xoa đầu khen
-Cọp giỏi quá. Ráng học bà thương nghen con.
Do đó, khi sự nể sợ bà Tham đã dần thay thế bằng lòng kính mến, thân mật thì mối cách biệt tiểu thư- dân giả giữa Cọp và Trà cũng không còn nữa. Ngồi trên xe, hai đứa thường khoe điểm và cãi nhau tíu tít trước sự thích thú của bà Tham. Thỉnh thoảng bà phải làm trọng tài để phân giải nữa. Trà và Cọp trở nên thân nhau tự lúc nào. Cọp hoàn toàn thay đổi quan niệm về bọn “quý tộc” trong trường. Bấy lâu, tụi Cọp chỉ mặc cảm và tạo sự cách biệt, chứ bọn con Trà có bao giờ làm cao như bọn Cọp vẫn nghĩ. Ngược lại, Cọp còn thấy tội nghiệp dùm con Trà. Hai đứa bằng tuổi nhau, ở chung xóm, mà trong khi Cọp tung tăng làng trên xóm dưới tham dự đủ mọi trò vui, thì con Trà vẫn ở trong nhà, kín cổng một mình với bà ngoại.
Xóm Chùa Bà ở ngoại thành. Từ trung tâm thương mại chính là chợ Đông Ba, qua khỏi cầu Gia Hội, theo con đường Chi Lăng khoảng 2,3 cây số thôi theo hướng về phía chợ Dinh là đến. Cho nên đây chỉ là vùng ngoại ô chứ chưa quá xa xuống các vùng quê. Dân trong xóm mỗi nhà đều có vườn cây ăn trái phụ vào việc buôn bán, nên cuộc sống tương đối ấm no, và hầu như cả xóm đều quen biết nhau.
Từ lúc có óc nhận xét, Cọp cảm thấy xóm Chùa Bà là quê hương bất khả chia lià của nó. Những ngày Chủ Nhật cuối tuần phải về với mạ và chị, nó coi như một bổn phận. Một ngày ở thành phố là một ngày buồn bã. Cọp chỉ lủi thủi giữa bốn bức tường chật hẹp. Cho nên khi mạ hỏi có thương mạ không, Cọp bảo rằng thuơng mà không thể giải thích tại sao cứ đòi về xóm Chùa Bà.
Cọp còn quá nhỏ để diễn tả nỗi lòng của mình. Nó muốn nói rằng ở xóm Chùa Bà, dọc theo con đường Hồ Xuân Hương là hai dãy cỏ xanh mướt. Mỗi chiều có những con trâu hững hờ gặm cỏ. Có những đứa mục đồng là bạn chung trường với Cọp ngồi trên lưng trâu thơ thẩn nghêu ngao. Cọp thường lên lưng trâu với bạn đi sâu vào làng, vào tận các rẩy mương, được gặm mía, ăn khoai nướng, cơm vắt…
Có những buổi sáng mùa Đông, Cọp dậy thật sớm uống trà cùng ông nội. Giữa cái lạnh sớm mai và tiếng mưa rơi tí tách bên ngoài, hai ông cháu bên chiếc bàn nho đối ẩm. Cọp bắt chước ông bưng tách trà lên miệng, thổi nhè nhẹ và nhấp một ngụm nhỏ rồi thở “phaaà” một cái. Vừa uống trà, ông vừa ư ử ngâm thơ. Cọp chưa thương ai hơn thương ông nội. Nó mong sau này lớn lên sẽ nối nghiệp ông để cứu nhân độ thế.
Từ ngày đi học chung với con Trà, Cọp là đưá đầu tiên trong xóm được xâm nhập vùng “ cấm địa”, tức vườn nhà bà Tham. Đối với Cọp, vườn nhà bà Tham là vườn Địa Đàng. Khu vườn thật rộng, ít nhất cũng gấp ba, bốn lần vuờn nhà nó, đầy những ổi, đào chín nặng trĩu cành. Lũ chim trong vườn cũng rất dạn dĩ. Chúng đã quen vói sự an toàn ở đây nên không có vẻ gì e sợ sự hiện diện của Cọp. Cọp thích nhất là được leo lên một cành ổi lớn, ngồi cheo leo trên cành thưởng thức vị thơm ngọt của trái Xá Lị mới hái, vừa nhìn lũ Chào Mào, Se Sẽ ca hát, rỉa lông cho nhau, thỉnh thoảng hái một trái chín quăng xuống cho con Trà phía dưới. Có hôm thằng Cọp rủ con Trà lén trốn ra đuờng đón mấy đứa mục đồng bạn của nó cho con Trà cởi trâu ra rẫy chơi. Lần đầu tiên cô tiểu thư đài các được …đi chăn trâu khoái quá, bất kể bộ quần áo thơm tho bị vấn mùi trâu khi về phải vội vàng đi tắm. Thằng Cọp còn bắt Chuồn Chuồn cho cắn vào rốn con Trà rồi dắt nó ra ao sau vườn tập bơi. Quả nhiên mấy ngày sau con Trà cũng bơi ra phết.
Nhưng không phải chỉ mình Cọp biết bày trò đâu nha. Trà cũng có những mục riêng mà Cọp chưa hề biết đến. Trà có một bộ đồ chơi thật đẹp dạy trẻ em xếp nhà mà anh nó đang du học ở Pháp gởi về. Bộ đồ chơi gồm những miếng nhựa hình khối chữ nhật màu vàng ngà tương tự như quân cờ Mạc Chược của ông nội Cọp. Trên mỗi miếng đều có vẻ hình một cái cửa lớn hoặc cửa sổ. Chúng nó cứ lấy ra sắp thành những toà lâu đài theo ý thích và sự tưởng tượng riêng của mình. Con Trà cũng có một bộ đồ chơi nấu ăn đẹp nhứt xóm. Cọp chẳng thích gì ba trò nấu ăn của con gái. Nhưng đưọc cái là con Trà … nấu thiệt. Nghĩa là muốn nấu chè, con Trà vô bếp lấy đậu và đường đốt lửa nấu đàng hoàng chứ không phải lấy lá cây giả đò như mấy đứa con gái khác. Cọp chiều ý con Trà, đợi nó nấu xong, dù sống hay chín, Cọp đều thanh toán hết. Con Trà chỉ nhấm nháp chút đỉnh và hả hê nhìn Cọp thưởng thức sản phẩm của mình.
Một lần hai đứa được bà Tham dắt đi coi tuồng Phạm Công Cúc Hoa do một gánh cải lưong từ Sài Gòn ra trình diễn. Khi về, con Trà khóc suớt mướt. Hôm sau không biết đưá nào rủ trước, cùng nhau diễn lại đoạn hai đứa trẻ mồ côi được mẹ Cúc Hoa hiện hồn về bắt chí. Cọp đóng vai Tấn Lực, con Trà làm Nghi Xuân. Sẵn có tượng Phật Bà Quan Âm khá lớn trong nhà cũng mặc đồ trắng giống Cúc Hoa, nên cả Nghi Xuân và Tấn Lực tân thời thi nhau tới trước tượng gào thét “Mẹ ơi,mẹ ơi…” một cách say sưa và thê thảm, nhập vai đến độ nước mắt nước mủi ngồm ngoàm đầy mặt, và bà Tham đứng sau lưng hồi nào không biết. Bà không la còn vỗ tay khen:
- Ui chao ơi. Hai đứa mi hát cũng hay quá hí.
Nghi Xuân đỏ mặt ôm bà phụng phịu, còn Tấn Lực thì dị quá vừa chùi mũi vừa cắm đầu chạy một mạch về nhà.
Cọp về thành phố chuẩn bị đón tết đã được mấy ngày. Mạ Cọp nghỉ chợ từ hôm 27. Ba Cọp cũng về nhà. Không khí vui vẻ và đầy đủ của gia đình làm Cọp tạm quên xóm Chùa Bà, tạm quên con Trà. Nó đếm từng ngày mong chóng đến mùng một để được mặc đồ mới theo ba mạ về chúc tết ông bà nội, và đi mừng tuổi bà Tham.
Đêm ba mươi, Cọp nằm thấp thỏm mong trời mau sáng. Càng về khuya, sau giao thừa rồi mà pháo còn nổ lớn ròn rả. Trước còn không phân biệt, nhưng dần dần đã nhận ra tiếng súng. Mạ Cọp hỏi ba
- Chắc cháy kho đạn?
Ba Cọp lắng nghe và lắc đầu
- Không phải kho đạn. Nổ phía đồn Mang Cá. Lạ thiệt. Hưu chiến ăn tết mà!
- Mô Phật. Tết nhứt mà đánh nhau chi kỳ rứa không biết.
Súng nổ dữ dội càng lúc càng gần vào thành phố. Ba Cọp mở radio nghe tin tức, nhưng những bản nhạc Xuân mới mấy tiếng đồng hồ trước còn inh ỏi, nay thay thế bằng tiến u u vô nghĩa. Súng nổ lúc càng gần hơn đầy đe dọa. Xen lẫn những tiếng tạch - tạch – đùng là một tiếng ẦM thật lớn làm rung chuyển cả nhà cửa, bụi bay tứ phía văng cả vào mắt Cọp. Đến gần sáng, radio bỗng nhiên hoạt động. Ba Cọp thất thần khi nghe “Đây, tiếng nói của mặt trận giải phóng miền nam…” Hai chị của Cọp cũng biết và thì thầm với nhau:
-Chết cha! Việt Cộng mi ơi.
Trời sáng. Cả thành phố im lìm. Tiếng súng đã lặn dần chỉ còn lại lẻ tẻ đâu đó như đang răn đe hơn là chiến đấu. Nhà nhà đều đóng cửa kín mít. Bóng tối bao trùm…
Một buổi sáng, Cọp thức dậy vì tiếng ồn ào ngoài đường. Hình như có một nhóm người đi từng nhà đập cửa kêu gọi gì đó. Cứ khoảng mười phút thì tiếng đập cửa lại vang lên, từng nhà, từng nhà mỗi lúc mỗi gần hơn. Ba mạ Cọp nhìn nhau lo ngại. Hai chị của nó thì sợ quá trùm mền kín mít không dám nghe. Cuối cùng rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Tiếng đập cửa vang lên ngay nhà Cọp. Họ kêu lớn “ 73 Chi Lăng, mở cửa!”. Đúng là số nhà nó. Ba Cọp đành đứng dậy đi ra.
Sau hơn một tuần đóng kín, cửa nhà Cọp phải mở để đón người lạ vào. Cọp lén nhìn ra thấy saú bảy người đàn ông sầm sập đi vào. Việt Cộng đó sao? Cọp suýt kêu thành tiếng khi thấy người đàn ông đứng ở cửa. Thầy Tường! Thầy dạy lớp nhất ở trường nó. Cọp tưởng mình trông lầm, nhưng rõ ràng là thầy Tường nổi tiếng hiền nhứt trường. Khác một điều là lúc này thầy lạnh lùng, ôm khẩu súng, tay áo có mang miếng băng đỏ. Cọp líu cả lưỡi, tay chân run rẩy. Thầy Tường là Việt Cộng? Nếu không tận mắt nhìn thấy, không đời nào Cọp tin nổi.
Ba nói chuyện một hồi, đi vô bảo mạ:
-Anh đi với họ.
-Đi mô? Mạ Cọp thất thanh.
Một người có vẻ là trưởng nhóm tiến lại:
-Chúng tôi mời ông đi nghe chủ trương chính sách của chình phủ cách mạng.Tối ông về thôi.
Ba Cọp nhìn mạ ra dấu có muốn từ chối cũng không được. Ông yên lặng xoa đầu Cọp và bước ra khỏi nhà cùng mấy người đàn ông nọ…
Đến tối quả nhiên ông về thiệt. Mạ Cọp mừng đến mếu máo:
-Anh đi mô?
Ba lắc đầu không nói. Mạ hỏi tiếp
- Họ nói chi rứa?
Ba chỉ xua tay và nặng nề ngồi xuống. Hình như ông vừa trải qua một sự kiện gì ghê gớm lắm nhưng không muốn cho mạ nó biết.
Liên tiếp mấy tuần nữa, Huế vẫn đắm chìm trong bóng đêm. Chợ Đông Ba bốc cháy cũng không ai cứu chữa, cho tới khi một cơn mưa đổ xuống dập tắt, để lại những cột khói u ám cả bầu trời. Mạ Cọp ngẩn ngơ nhìn sản nghiệp tiêu tan theo làn khói. Lần đầu tiên Cọp thấy mạ khóc và cảm thấy thương mạ hơn bao giờ hết. Cọp biết hàng vải của mạ là do bà ngoại để lại. Từ bấy lâu nay mạ Cọp một tay nuôi nấng đàn con cũng nhờ nó. Nay coi như đã hết.
Chưa bao giờ Cọp thấy buồn bả và chán nản hơn lúc này. Tết chi mà kỳ cục. Suốt ngày chỉ ru rú trong nhà tăm tối. Thình thoảng Cọp ngồi tư lự. Nó nhớ xóm Chùa Bà quá. Nó ngồi tưởng tượng hai dãy cỏ xanh mướt dọc theo con đường Chùa Bà và những thằng bạn chăn trâu nghèo khổ của nó. Súng bắn dữ như hôm rồi, không biết tụi nó có được bình yên? Còn những con trâu lừ đừ và châm chạp. Tụi nó có biết tìm chỗ tránh đạn? Cọp cũng nhớ con Trà và bà Tham. Bỗng nhiên Cọp khám phá ra một điều: ngoại trừ ông nội, con Trà là người nó thương và nhớ nhiều nhứt. Cọp không hiểu tại sao, nhưng hể nhắm mắt lại là nó thấy ông nội, con Trà và bà Tham.
Nhớ thì nhớ, thương thì thương, Cọp cũng vẫn bó gối trong nhà và thả hồn lơ lững về xóm Chùa Bà.

*

Súng lại nổ vang. Lần này súng nổ ròn rả hơn, quyết liện hơn. Cọp ôm đầu than thở: “ Trời ơi,Việt Cộng mô mà cứ tới hoài rứa!” Nó lại thấy mạ lâm râm niệm Phật, nhưng không để ý nét vui mừng ẩn hiện trên đôi mắt thâm quầng của ba.
Súng nổ thật dữ dội đầu hôm và im dần khi trời vừa sáng. Cọp giật mình thức dậy và thấy ánh nắng chói chan rọi vào nhà. Lạ quá, tại sao nhà nó lại mở cửa? Ba mạ và chị nó đâu? Nó lại nghe tìếng cười nói huyên thuyên bên ngoài nên vùng chạy ra.
Lính. Lính mình. Nhiều lính lắm, đang rầm rập đi đầy đường. Cọp chạy lại nắm tay ba.Ông nói
- Mình tái chiếm rồi con.
Tái chiếm? Nghĩa là không còn Việt Cộng nữa. Nghĩa là nó sắp đuợc về lại xóm Chùa Bà tiếp tục những ngày vui!
Cọp bỗng cười toe toét, ngẩng đầu hỏi lại
-Mình…tái chiếm rồi hả ba?

*

Chỉ vài tháng sau ngày tái chiếm, Cọp khăn gói theo gia đình vào SàiGòn. Ba Cọp quyết định đưa vợ con về nơi an toàn. Cọp cũng không lưu luyến xóm Chùa Bà nữa. Ông nội nó đã mất vì bệnh tim tái phát sau nhiều ngày đêm chịu đựng tiếng dội cũa bom đạn. Một lý do nữa là ba Cọp đã trở về từ địa ngục. Sau này kể lại, ông cho hay hôm mấy tên Việt Cộng trong đó có thầy Tường dẫn đi, ông bị còng tay ra nơi tập trung có những cái hố đào sẵn. Phước đức từ ông nội nên ba Cọp gặp tên cán bộ giải phóng chỉ huy ở đó là bạn học củ của ba, nhà hắn từng chịu ơn ông nội Cọp cứu giúp năm xưa nhận ra, cởi trói cho ba Cọp về. Ba là ngưòi duy nhứt được thả ra. Số người bị bắt chung hôm đó có lẽ đã vùi sâu hết dưới những hố hầm định mệnh.
Đưa đám ông nội Cọp, Trà đi cùng bà Tham …trên chiếc nạng gổ. Một mảnh đại bác oan khiên cắt ngang chân trái của Trà. Tự do đã trở lại, nhưng hậu quả khốc liệt của một tháng trời bị tạm chiếm vĩnh viễn không thể phai mờ. Ban đêm Cọp phải qua ngủ với mạ để tìm cảm giác an toàn mỗi khi thức giấc nghe tiếng chó tru xa xa vọng lại.
Huế buồn hiu hắt.
Khi Cọp trở lại xóm Chùa Bà lần cuối để chào từ giả bà Tham và con Trà trước ngày lên đường, bà Tham mếu máo ôm Cọp trong lòng như không nở rời. Con Trà cũng đứng đó, không khóc, không nói, chỉ ngẩn ngơ nhìn Cọp nữa bùi ngùi, nữa xa vắng.
Thư một người chị của Cọp từ quê nhà gởi sang có đoạn “ Em còn nhớ Trà, cô bạn nhỏ năm xưa của em ở Huế không? Chị mới gặp lại. Không ngờ cô ta vẫn còn nhớ đến em và gởi lời hỏi thăm…”
Chữ Trà trong thư của chị gợi lại Cọp bao kỷ niệm thời thơ ấu. Hai mươi năm qua rồi. Kỷ niệm tưởng đã chìm sâu trong tâm tưởng bỗng sống dậy cuồn cuộn như sóng trào. Rời Huế từ năm ấy, Cọp chưa lần nào trở lại dù chỉ một lần để thăm viếng. Sài Gòn -Huế nào có bao xa mà như vĩnh quyết, huống chi bây giờ lại thêm cả một đại dương!
Hương Trà, cô tiểu thư, người bạn nhỏ thuở xưa. Cô đã sống ra sao trong suốt thời gian qua với chiếc nạng gỗ cay nghiệt! Cọp gục đầu
Lạy trời cho nàng một cuộc sống bình yên.
Thai NC ( San Jose, 1988)

Xem Tiếp: ----