“Từ giờ trở đi mình sẽ coi gã là một người quen biết bình thường, không phải đồng nghiệp, không được là bạn”.
Bảo nghĩ chớp nhoáng, bật nói thành tiếng một mình như vậy rồi chụp cái điện thoại bấm hối hả.
Cái tên đáng ghét của gã đang đứng thênh thang một mình trong VIP bị lôi thẳng tay, không thương tiếc, qua đứng chen chúc bên Others - nhóm chung của những người quen thường thường và người lạ hoắc.
“Từ giờ trở đi đừng hòng gọi ta bằng cái điệu giật giọng đó nữa”.
Cái điệu nhạc mà hễ vang lên là Bảo biết ngay phải lập tức chạy tới, phải làm theo một yêu cầu gì đó, phải lắng tai nghe dặn dò chi li, tỉ mỉ để không làm sai ý của gã.
Chuyển nhóm xong, Bảo thấy lòng dạ hả hê vô kể. Nhưng mới chỉ được hai phút Bảo sực nhớ tới địa chỉ hộp thư điện tử.
“Phải cho cái i meo vô duyên của gã vô mục chặn thư rác. Đóng cửa. Gài chốt. Nhớ đừng cho thứ này vô thùng thư của tôi nữa nhé”.
Xong! Khoan, chưa xong. Bảo mở cái blog ở multiply.com
“Còn cái mục mời chào kết bạn nhập bè kia. Xóa luôn. Không thèm gửi những dòng tâm sự mắt thấy, tai nghe, lòng nghĩ nào cho gã nữa. Cũng may là mình chưa rủ gã vô Facebook, đỡ mất công nghỉ chơi, đuổi đi”.
Tới đây, kể như những đường liên lạc không nhìn thấy mặt giữa Bảo với gã đã hoàn toàn cắt đứt, rớt mạng, mất nguồn. Còn cái vụ điện thoại thì kệ cho gã cứ gọi. Điệu nhạc của nhóm người khác mà. Không muốn, không kịp nghe cũng chẳng sao.
Cũng như không cần băn khoăn, bứt rứt vì lỡ mất dịp nghe cái giọng nói làm lòng dạ Bảo nở nang sung sướng, làm nhịp đập tim Bảo chao đi, làm miệng mỉm cười hí hửng, làm những ngón tay, dù trời không lạnh, người không sợ mà sao cứ run lên không kìm lại được.
Lâu nay Bảo quen nghĩ tới gã, nhìn gã ăn, nhìn gã đi đứng, nói chuyện bằng tâm trạng đó. Bởi vậy khi thấy gã xông ra, ưỡn ngực bưng một gói văn phòng phẩm nặng chao cả người cho con nhỏ nhí nhảnh kia, Bảo choáng váng, Bảo “choảng” liền tại chỗ:
- Tán tỉnh kiểu đó quá tầm thường.
Và bị gã “phang” lại:
- Người ta nhờ ai người ấy làm. Mình không làm, đừng có nói nhảm.
Cũng bởi vậy, khi gã gặp lại một người quen cũ, Bảo đành đứng xớ rớ vòng quanh chán rồi phải đi chỗ khác như bị gã cắt bỏ khúc ruột thừa. Bữa sau Bảo trách. Giọng gã chát như vỏ măng cụt:
- Người gì kỳ quá. Làm thì hay, nói thì dở ẹc.
Bảo uất ức hỏi, biết rõ mình đang nói sai bét, làm gã càng mất cảm tình với mình hơn:
- Làm sai vặt ấy hả?
Rồi đó! Gã lập tức gắt gỏng, bực bội:
- Không bàn tới chuyện này nữa. Đừng làm tôi tức.
Bảo đã lặng im thật là lâu (không sao, tiền cước điện thoại bàn rẻ hơn điện thoại di động nhiều). Không phải Bảo muốn để mặc cho gã nghĩ Bảo đang rưng rưng khóc, hay đang nghiến răng trèo trẹo, mũi phập phồng thở dốc hậm hực, mặt tức giận phừng phừng, mà vì cái lòng yêu thương le lói của Bảo đã bị câu nói kia tạt một gáo nước lạnh tanh làm tắt ngúm, không kịp bốc lên vài sợi khói ngoằn ngoèo hấp hối.
Bảo im lặng lâu tới nỗi có lẽ gã tê cả bàn tay cầm ống nghe nên hơi xuống giọng:
- Còn gì nói nữa không?
Bảo trả lời “không”.
Còn gì nói nữa? Lòng Bảo không tan nát mà trống rỗng. Mưa đã xối trôi, gió đã thổi bay hết những xao động, run rẩy nồng nàn. Tất cả lòng dạ của Bảo hướng về gã đâu còn tồn tại trong cuộc sống này, như nhấn phím “delete” màn hình trắng bệch, xóa rồi không có thủ thuật, mánh khóe nào hồi phục, cứu vãn gì được nữa. Vĩnh viễn biến mất. Chẳng bao giờ còn nhìn thấy.
Sau hai vụ “bởi vậy” đó, Bảo thẳng tay quăng tên gã qua nhóm những người khác, không gợn chút xíu thương tiếc. Ban đầu Bảo định xóa luôn số đã lưu nhưng nghĩ lại tới mười một số, dù chắc rằng nhớ mãi không quên, gặp khi cần thì bấm cũng mất công. Thôi cứ giữ lại để nhấn phím gọi nhanh cho gọn.
Còn những thứ mạng miếc kia thì chỉ ăn theo thôi.
Vì gã có thèm đọc gì đâu. Gã xuýt xoa, trầm trồ trả lời khi Bảo hỏi: ”Đọc chưa?”.
- Viết nhiều kinh khiếp! Biết tánh tôi không ưa đọc mấy thứ lãng mạn như vậy rồi mà.
Còn thư điện tử qua lại chỉ là những văn bản này nọ, gã gửi để kêu Bảo làm tiếp, làm mới. Dù thư của gã có bị lang thang, vất vưởng trên xa lộ thông tin thì Bảo cũng vẫn phải làm vì đó là công việc.
Cũng như tối nay, công việc buộc Bảo phải cùng đi với gã tới một buổi tiếp tân. Bảo không thể không đi. Giữa chỗ đông người xa lạ, không muốn cũng phải cặp kè bên nhau, phải phối hợp ăn ý trong từng lời nói và luôn miệng cười với nhau, vừa tươi vừa thân tình.
Đến phần tiệc tự chọn, chẳng còn phải bị vô số ánh đèn chụp hình, quay phim chiếu thẳng vào mặt nữa, Bảo đã định lỉnh đi chỗ khác nhưng gã lại theo sát gót, nói không ngừng.
- Món này nhiều bơ, coi chừng khó tiêu đó.
- Rượu này dành cho phụ nữ nè.
- Ê, Bảo ra đây coi, một rừng chè luôn.
Tiệc đông người, Bảo cố tình tránh mặt, đột nhiên không thấy Bảo đâu nữa, gã áp điện thoại lên tai, nhìn dáo dác. Chẳng dè Bảo đứng ngay sau lưng, khinh khỉnh nói:
- Ở đây. Đừng gọi nữa.
Gã quay lại, mắt trợn tròn, miệng há ra sửng sốt:
- Ủa, thay nhạc chuông hồi nào vậy?
Bảo ậm ừ. Tiếng nhạc đó lại vang lên. Gã giật mình, sờ tay vào túi, ngơ ngác:
- Ủa? Tôi đâu có gọi.
Tiếng nhạc vẫn giòn giã như cười cợt. Gã khẽ chạm vào tay áo Bảo, hối thúc:
- Sao không nghe đi.
Bảo ngó gã, nghe giọng mình lạnh như ly nước đang cầm trên tay rất điệu:
- Chuông người lạ. Chưa cần nghe.
Qua làn nước mắt vừa trào lên, Bảo mờ mờ thấy vẻ mặt gã giống như đứa con nít hí hởn vừa mới chạy sang nhà hàng xóm chơi thì bị người lớn bảo về đi.
 

Xem Tiếp: ----